Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Chúa nhật lễ lá



CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin mừng : Lc 22, 14- 23,56
“Cuộc thương khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chủ nhật Lễ Lá, là ngày khởi đầu cuộc thương khó của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta sẽ nghe tường thuật về sự thương khó khổ nạn của Ngài để mỗi người trong chúng ta cùng nhau cảm nhận, thông phần đau khổ và an ủi Ngài –đặc biệt là trong Tuần Thánh này.

1.   Cảm nhận tình thương của Chúa đối với mình.
Thiên Chúa đã yêu thương bạn và tôi, đến nỗi đã ban Con Một của mình là Đức Giê-su Ki-tô chịu chết thay cho bạn, cho tôi và cho toàn thể nhân loại, Ngài đã bị đánh đòn, chịu khổ hình nhục nhã và chịu đóng đinh đến chết trên thập giá vì tội của chúng ta, mà đáng lý ra, tất cả những nhục hình ấy bạn và tôi và nhân loại phải chịu vì tội lỗi của mình, thế nhưng Ngài đã chịu vì yêu thương tất cả nhân loại, trong đó có bạn và tôi.

2.   Thông phần đau khổ.
Không một người yêu nào dửng dưng trước đau khổ của người mình yêu. Thông phần đau khổ với Đức Chúa Giê-su không phải là xin kẻ thù đánh đập mình thay cho Ngài, cũng không phải cầu mong người khác đối xử bất công với mình thay cho Ngài, nhưng là chia sẻ những sự bất công với những người bị áp bức, có khi những bất công ấy là do sự tham lam của mình, cũng như của một số người có tiền có quyền đang chất chồng trên vai của tha nhân và cũng là của Đức Chúa Giê-su.

Thông phần đau khổ với Đức Chúa Giê-su là đón nhận những lằn roi đánh nơi Chúa làm của mình, là chấp nhận đem những khổ đau mà Đức Chúa Giê-su phải chịu làm của mình, có như thế chúng ta mới cùng với Ngài đi hết đoạn đường khổ giá.

3.   An ủi Đức Chúa Giê-su.
Không một ai an ủi, không một ai xót thương Đấng đã cứu chữa và ban ơn cho mình, niềm an ủi lớn nhất của Đức Chúa Giê-su là tình yêu của Chúa Cha, là nhìn thấy được người mẹ thân yêu đang khập khểnh chen lấn trong đám đông để nhìn cho được con của mình...

An ủi Đức Chúa Giê-su trong giây phút kinh khủng và xem ra như tuyệt vọng này, giây phút mà hình như tội lỗi và sự dữ như đang thắng thế trước sự vô tội của Đấng chết thay cho kẻ tội lỗi...

An ủi Đức Chúa Giê-su nơi những người bất hạnh cần an ủi, và đồng hành với Ngài trên những đoạn đường đau khổ chông gai của cuộc sống mình.

Anh chị em thân mến,
Quan tổng trấn Phi-la-tô muốn tha cho Đức Chúa Giê-su vì thấy nơi Ngài không có tội gì cả, nhưng các thượng tế và biệt phái vung tay dữ tợn la hét xách động dân chúng đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Đã nhiều lần bạn và tôi cũng muốn sống đẹp lòng Chúa, nhưng tội lỗi, sự dữ và những đam mê bất chính của mình đã thúc giục chúng ta đóng đinh Chúa vào thập giá thêm lần nữa...

Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi con cái mình trên khắp thế giới tham dự vào cuộc khổ nạn của Đấng vô tội- Đức Chúa Giê-su- tham dự với hết cả tâm tình mến yêu như Đức Mẹ Ma-ri-a đã làm là cảm thông, chia sẻ và an ủi Đức Chúa Giê-su nơi những người đau khổ và bất hạnh.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Chia sẻ với em: đôi cánh hạnh phúc của linh mục

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.








CHIA SẺ VỚI EM
ĐÔI CÁNH HẠNH PHÚC
CỦA LINH MỤC





ĐÔI CÁNH HẠNH PHÚC
 CỦA LINH MỤC

Linh mục là người hạnh phúc nhất trong con cái loài người, nhưng cũng là người vô phúc nhất nếu các ngài không sống như lòng Chúa mong muốn, mà lòng Chúa mong muốn nơi các linh mục của Ngài là trở nên mục tử hiền hậu, mục tử yêu thương, mục tử phục vụ và chu toàn bổn phận thánh của mình trong cuộc sống hằng ngày.

Linh mục là người hạnh phúc nhất là bởi vì các ngài được Thiên Chúa tuyển chọn giữa con cái loài người, là con cóc xấu xí được chọn giữa bầy sư tử kiêu hùng, là con chim sẻ nhỏ được chọn giữa bầy phượng hoàng đẹp đẽ cao sang, do đó mà nói linh mục là người hạnh phúc nhất cũng không phải là lời nói điêu ngoa, mà là sự thật là như thế.

Không một ai nói linh mục là người bất hạnh cả, chỉ có những linh mục tự mình tách khỏi Giáo Hội, tách khỏi tình yêu của Thiên Chúa sống trong kiêu căng mới là người bất hạnh nhất mà thôi, bởi vì “càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan”, danh vọng thì đi liền với chức vụ, mà thiên chức linh mục càng đưa người linh mục lên cao trong danh vọng, tức là đưa các ngài lên cao tới tận cửa thiên đàng, nhưng nếu các ngài không trở nên chim phượng hoàng bay cao, thì sẽ trở nên con cóc xấu xí suôt đời lầm lũi trên mặt đất, trở thành nỗi buồn cho Giáo Hội, cho giáo dân, cho những người đặt tất cả hy vọng vào linh mục.

CHIM ĐẠI BÀNG HẠNH PHÚC
Hạnh phúc của linh mục được ví như đôi cánh mạnh mẻ của chim đại bàng khi bay vút lên cao tận trời xanh: đôi cánh hạnh phúc ấy của linh mục là cám ơn chúc phúc.

Thật vậy, chim đại bàng rất hạnh phúc khi bầu trời to lớn là của nó, nó tung mình bay lượn trên không trung với đôi cánh khỏe mạnh của mình, đôi cánh đã nâng nó lên tận mây xanh và cũng chính đôi cánh ấy giữ nó bồng bềnh trên những đám mây giữa trơi cao, thật đúng là hạnh phúc.

Cũng vậy, hạnh phúc chỉ có được khi chúng ta –linh mục- biết cám ơn mỗi giây phút trong cuộc sống, hạnh phúc chỉ có được khi chúng ta biết dùng bàn tay đã được xức dầu thánh hóa của mình để chúc phúc cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ, yếu đuối và cô đơn bất hạnh. Cuộc sống đầy cám ơn và hạnh phúc làm cho cuộc sống của người linh mục thêm phong phú và ý nghĩa hơn, thêm thi vị và dồi dào tình Chúa tình người hơn trong cuộc sống của mình và cho tha nhân.

CHIM ĐẠI BÀNG: CÁNH CHÚC PHÚC
Biết ơn người đã ban ơn cho mình, đó chính là căn bản của đạo làm người, bởi vì con người có một quả tim bằng thịt biết yêu thương và biết nhớ ơn, như lời thánh Phao-lô tông đồ đã nhắn nhủ với giáo dân của giáo đoàn Cô-rin-tô: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su.”[1](1Cr 1, 4)

Nhưng chỉ có “cánh cám ơn” mà thôi thì chưa trọn vẹn, cần phải có thêm “cánh chúc phúc” nữa thì hạnh phúc của linh mục mới được trọn vẹn.

Trong thánh lễ thụ phong linh mục, đức giám mục đã dùng dầu thánh xức đầy tràn trên hai bàn tay của tiến chức và nói: “Xin Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mà Chúa Cha đã xức dầu bằng sức mạnh và Chúa Thánh Thần , gìn giữ con để thánh hóa giáo dân và hiến dâng lễ tế lên Thiên Chúa“[2] (1). Thánh hóa giáo dân cũng chính là linh mục dùng chính đôi bàn tay của mình, để chúc phúc lành của Thiên Chúa trên những giáo dân của mình. Đức giáo hoàng Phan-xi-cô không ngần ngại đưa tay chúc lành cho mọi người, cho các em nhỏ, cho các bệnh nhân và cho tất cả những ai xin ngài chúc lành, bởi vì bàn tay khi chúc lành của linh mục cũng chính là bàn tay chúc lành của Đức Chúa Giê-su. Đó là sự giàu có vô cùng của linh mục mà đôi khi chúng ta không muốn hoặc không dám chúc lành cho người khác khi họ xin các ngài chúc lành ngoài thánh lễ.

“Gìn giữ con để thánh hóa giáo dân...”
Chúc phúc là thay mặt Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi tuôn đổ ơn lành của Ngài xuống trên người nhận, đó chính là chúc phúc và ban phúc lành cho giáo dân của mình. Linh mục là người được Chúa chúc phúc, và do đó mà linh mục phải đem phúc lành của Chúa đi chúc phúc cho người khác. Ai là người nhận được nhiều ơn lộc bởi trời và bởi những con người, đó không phải là những linh mục sao ? Chính các ngài chứ không ai khác, và có thể nói trên trần gian này không ai nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa và sự yêu thương của con người cho bằng các linh mục của Giáo Hội Công Giáo, do đó mà chính các linh mục phải đem những ơn lành này chia sẻ với mọi người, nhất là với những người bất hạnh trong xã hội.

Đôi bàn tay được xức dầu thánh hiến, trước hết là để thánh hóa con, tức là thánh hóa bản thân của người linh mục, để ngài trở thành một công cụ chúc phúc lành của Chúa trên đoàn dân của Ngài là những người Ki-tô hữu và những người yêu mến các linh mục, đôi lúc họ là những người không cùng tôn giáo với các ngài.

Phải thánh hóa mình trước rồi mới đến thánh hóa tha nhân, như lời của Đức Chúa Giê-su đã nói với thánh Phê-rô: “Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh”[3](Lc 22, 31-32). Sự yếu đuối của người linh mục được Đức Chúa Giê-su tiên liệu, nên Ngài đã nhắc nhở cho thánh Phê-rô biết để khi nhìn thấy anh chị em sa ngã thì nâng đỡ giúp họ đứng lên, vì đó chính là kinh nghiệm của ngài.

Để mình thật sự trở thành con người hạnh phúc, thì linh mục phải trở thành người tôi tớ phục vụ tha nhân, trở thành người luôn chúc lành chứ không chúc dữ (chửi rủa, khinh bỉ, cao ngạo...), là người ban ơn lành của Chúa chứ không nhận sự bảo trợ ấm no của người đời, do đó mà các linh mục của Chúa cần phải thánh hóa mình trước trước khi thánh hóa người khác, cần phải sửa đổi cuộc sống của mình trước rồi dạy dỗ người khác sau, bởi vì khi trong tâm hồn không có sự bình an thì không thể chúc lành hoặc thánh hóa ai cả.

Thật vậy, đôi bàn tay đã được thánh hóa bằng việc xức dầu thánh của linh mục, đã làm cho các ngài trở thành Alter Christus –Chúa Ki-tô thứ hai- để trở thành những người ban phát ơn lành của Chúa cho nhân loại.

“Hiến dâng lễ tế lên Thiên Chúa”
Đôi tay của linh mục đã được xức dầu thánh hiến là để thánh hóa giáo dân và “hiến dâng lễ tế lên Thiên Chúa”, do đó mà ngoài linh mục ra, thì không một người nào trên trần gian này được cầm lấy bánh và rượu để hiến tế đọc lời truyền phép, để cho bánh rượu ấy được trở nên Mình Thánh và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, bởi vì sẽ không có linh mục thì sẽ không có Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, và dĩ nhiên là không có của lễ hiến tế dâng lên Thiên Chúa Cha.

Chúc phúc là dùng đôi bàn tay của mình đặt trên đầu của người được chúc phúc, đó là việc làm phổ thông của mọi người, nhưng đối với các linh mục, chúc phúc chính là dùng bàn tay đã được xức dầu thánh vẽ hình Thánh Giá trên người được chúc phúc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hiến dâng tế lễ lên Thiên Chúa, trước hết người linh mục phải hiến dâng toàn vẹn cuộc sống con người của mình cho Thiên Chúa, đó chính là những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống của mình, bởi vì một khi chưa cảm nghiệm được thế nào là hiến tế đời mình cho Thiên Chúa, thì người linh mục sẽ trở thành một công cụ vô hồn khi hiến dâng thánh lễ, nghĩa là các ngài cử hành thánh lễ cách máy móc khô khan và như một diễn viên bất đắc dĩ trên bàn thờ, hoặc khi chúc lành cho giáo dân thì các ngài không cảm nghiệm phúc lành của Thiên Chúa nên huơ tay vẽ qua vẽ lại cho có.

“Cánh chúc phúc” là đem người linh mục bay thẳng vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa, bởi vì ai ở trong tâm khảm của yêu thương thì mới cảm nhận được tình yêu thương cao quý và cần thiết như thế nào. Chúc phúc không chỉ là đưa tay lên ban phép lành hay đặt tay trên đầu, nhưng còn là lôi kéo ơn Chúa xuống trên giáo dân, trên người được chúc lành, như lời Đức Chúa Giê-su đã nói với các tông đồ: “Vào nhà nào anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy”[4](Mt 10, 12), chúc bình an chính là chúc phúc lành của Thiên Chúa cho họ, nhà nào người nào cũng cần được đôi bàn tay của linh mục chúc phúc, chứ không chỉ có một vài người thân thiết ưu tiên, nhưng ưu tiên nhất chính là những trẻ em, người bất hạnh, đau khổ và bị người khác khinh rẻ. Do đó mà người giáo dân luôn kính trọng các linh mục bởi vì họ biết rằng, mọi ơn sủng của Thiên Chúa đều qua bàn tay của linh mục khi ngài cử hành hy tế Tạ Ơn (thánh lễ) và các bí tích thánh, và ngay trong cuộc sống đời thường các ngài cũng đều có thể nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành cho mọi người.

“Cánh chúc phúc” cũng chính là sự hiệp thông giữa con người linh mục với Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì khi tách lìa khỏi Thiên Chúa thì người linh mục sẽ là công cụ của ma quỷ, và trở thành đối đầu với ân sủng; bởi vì khi tách lìa khỏi Thiên Chúa thì người linh mục sẽ là một cái xác vô hồn, lạnh ngắt yêu thương, cứng đờ con tim, vô cảm trước những đau khổ của người khác, nhất là đau khổ của những giáo dân trong giáo xứ của mình khi họ không thấy sự cảm thông và chúc lành của cha sở, mà chỉ thấy ngài chỉ biết dâng thánh lễ và nhận tiền lễ, chứ không thấy ngài năng động tổ chức các đoàn thể sinh hoạt hổ trợ cho công cuộc truyền giáo trong giáo xứ.

Qua sinh hoạt đoàn thể trong giáo xứ, người giáo dân mới nhận ra được ai là mục tử hết mình vì đàn chiên của mình, và ai là chủ nhân ông chỉ biết ra lệnh và hưởng thụ như người làm công, bởi vì chỉ là người làm công nên đàn chiên sợ hãi không dám đến gần chủ chiên, bởi vì chỉ là người làm công nên các ngài không lo cho việc nhà xứ được phát triển, mà chỉ lo cho bản thân mình no ấm là được rồi, thế là giáo dân không thấy ngài đưa tay ra bắt tay thăm hỏi giáo dân, vì thánh lễ vừa chấm dứt là ngài cũng biến luôn, có khi giáo dân không biết ngài đi đâu.

Linh mục là người hạnh phúc nhất, vì ngài được quyền tế lễ Thiên Chúa qua việc Truyền Phép bánh miến và rượu nho để trở nên Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, qua việc các ngài được thông phần vào chức tư tế đời đời của Ngài, cho nên, giáo dân rất mong muốn được linh mục chúc phúc lành của Chúa Giê-su cho họ, hạnh phúc của giáo dân cũng chính là hạnh phúc của linh mục vậy.

CHIM ĐẠI BÀNG: CÁNH CÁM ƠN

a.     Cám ơn Thiên Chúa .
Thánh Phao-lô tông đồ sau khi giải thích ý nghĩa của lý do việc bãi bỏ lề luật cũ giữa chức tư tế Lê-vi theo phẩm trật A-a-ron cha truyền con nối (Dt 7, 15-16),  và đề cao chức tư tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê không cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt, như lời chứng nhận: “Con là thượng tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê” (Dt 7, 16-17), tuy rằng câu nói này chỉ về Đức Chúa Giê-su là Đấng Thượng Tế đời đời, nhưng chức thượng tế này đã được Ngài trao cho các môn đệ của mình trong bữa ăn tối trước khi chịu nạn, khi Ngài cầm lấy bánh chúc tụng và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19-20).

Được tuyển chọn làm linh mục của Chúa Giê-su, tức là trở thành thượng tế đời đời theo phẩm trật Men-ki-sê-đê, người linh mục phải là người hạnh phúc hơn tất cả mọi người, bởi vì chính các ngài đã là nguồn hạnh phúc cho mọi người khi đưa tay chúc lành của Thiên Chúa trên đoàn dân của Ngài.

Hình tượng chim đại bàng bay vút lên trời cao với đôi cánh mạnh mẽ dang rộng giữa bầu trời, là hình ảnh linh mục của Đức Chúa Giê-su, đôi tay của các ngài được xức dầu và thánh hiến nên trở nên có thần lực của ân sủng, đưa các ngài bay vút lên cao trong đời sống thánh thiện đầy ân sủng của Thiên Chúa, chính đôi tay đã được xức dầu thánh hiến này sẽ cầm lấy Bánh Thánh tinh tuyền là Đức Chúa Giê-su, và nâng cao cho mọi người thờ lạy sau khi truyền phép bánh miến và rượu nho trở thành Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su, do đó mà sự cám ơn của linh mục đối với Thiên Chúa thì vô cùng tận, bởi vì từ trong đống bùn nhơ Thiên Chúa đã chọn các ngài.

Thật vậy, chim đại bàng sẽ không thể bay vút lên trời cao nếu không có đôi cánh rộng và mạnh mẻ, nó cũng sẽ không thể vỗ cánh tung bay giữa trời cao lộng gió, nếu không có một sức mạnh kinh hồn từ trong mình nó. Cũng vậy, người linh mục của Đức Chúa Giê-su cũng sẽ không thể trở thành người bảo vệ đức tin cho các giáo hữu, nếu các ngài không có đôi tay thánh hiến, miệng lưỡi khôn ngoan, hành vi thoát tục, để không những bảo vệ mà còn hướng dẫn đoàn chiên đi theo đường lối của Thiên Chúa chỉ dạy qua Hội Thánh của Ngài.

Cho nên, cám ơn Thiên Chúa là việc làm từng giây phút trong cuộc sống của người linh mục, bởi vì chính linh mục là người lãnh nhận quá nhiều hồng ân của Chúa hơn bất cứ người nào trên thế gian này, do đó mà thánh Gioan Maria Vianney linh mục đã nói: linh mục là Chúa Giê-su thứ hai (alter Christus), bởi vì chính ngài đã sống và đã cảm nghiệm được những ơn lành mà Chúa ban cho ngài qua thiên chức linh mục, cho nên phải biết cám ơn mỗi giây mỗi phút trong cuộc sống của mình, cám ơn Thiên Chúa Đấng đã chọn mình vào hàng công hầu khanh tướng của Ngài, không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và phục vụ chính là niềm hạnh phúc nhất của các linh mục, như chính Đức Chúa Giê-su đã đến để phục vụ chứ không phải đến để được người khác phục vụ.

b.   Cám ơn mọi người.
“Cánh cám ơn” không chỉ dừng lại ở việc cám ơn Thiên Chúa vì những ơn lành đặc biệt của Ngài đã ban cho người linh mục mà thôi, nhưng “cánh cám ơn” này đặc biệt phải được tỏ hiện với những người hảo tâm bằng vật chất hay bằng tinh thần, đã giúp đỡ mình trên con đường tận hiến cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, chúng ta gọi những người ấy là các ân nhân.

Nếu người linh mục không biết cám ơn những người đã làm ơn cho mình, thì chính các ngài sẽ không xứng đáng đón nhận những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho, bởi vì chính các linh mục hiểu rõ hơn ai hết lòng biết ơn và cám ơn chính là điều căn bản tạo nên nhân cách trưởng thành của bản thân mình, và nguy hiểm hơn, là các linh mục sẽ không tìm được hạnh phúc trong đời sống linh mục và phục vụ của mình, nếu các ngài sống vô ơn với chính những người đã từng nâng đỡ mình trong hành trình đời tu.

Từ ngày bước chân vào chủng viện, dòng tu, các linh mục tương lai đã nhận rất nhiều sự giúp đỡ của gia đình, bà con, bè bạn và giáo dân, họ, cách này hay cách khác, dùng tiền bạc vật chất hoặc lời cầu nguyện của mình để giúp sức, nâng đỡ các linh mục tương lai, những giúp đỡ ấy bao gồm cho Giáo Hội nói chung và cho các linh mục tương lai nói riêng.

Không một chủng sinh nào, không một linh mục nào có thể phủ nhận vai trò của giáo dân trong quá trình tu trì theo ơn gọi của mình, sự quảng đại và lòng yêu mến của giáo dân đối với Giáo Hội và đối với các linh mục thật to lớn, và với đức tin sâu sắc, họ -các giáo dân- không mong các linh mục đền đáp, nhưng sự đền đáp cao quý nhất mà các linh mục sẽ làm để cám ơn họ, đó chính là các linh mục sống trở thành những mục tử chân chính, những mục tử hiền lành thánh thiện như lòng Chúa mong muốn, và khi các linh mục đã sống đúng như thế thì các ngài đã bày tỏ lòng cám ơn của mình đối với họ rồi vậy.

Thật vậy, lòng biết ơn được tỏ hiện qua thái độ và hành động của người chịu ơn, đó chính là hai tiếng cám ơn ngắn ngủi, nhưng bao hàm cả một tấm lòng khiêm tốn và yêu thương của các linh mục đối với Thiên Chúa, đối với Giáo Hội và giáo dân, chính “cánh cám ơn” này đã nảy sinh rất nhiều những linh mục tương lai khác cho Giáo Hội...

Hạnh phúc của đời linh mục không chỉ là thành công trong công tác mục vụ, không chỉ là có những bài giảng hùng hồn thu hút nhiều người, nhưng chính là có tấm lòng biết ơn và cám ơn được thể hiện qua cung cách sống khiêm tốn của các linh mục.

Có những linh mục giảng rất hùng hồn trên tòa giảng, nhưng ngài không hề đụng đến bốn chữ “uống nước nhớ nguồn” hoặc nói đến hai chữ “cám ơn”, bởi vì chính các ngài khi đã trở thành linh mục rồi thì không còn nhớ đến ai cả, chỉ nhớ đến bản thân mình và gia đình mình mà thôi, làm thế nào để xây được căn nhà cho cha mẹ, làm thế nào để có tiền mua xe đời mới cho “phù hợp” với sự giàu có hưởng thụ của mình, để rồi các ngài trở thành ông chủ của giáo xứ, hạch họe những giáo dân chân lấm tay bùn đến gặp ngài để xin làm phép chuẩn hôn phối cho con mình, hoặc đến gặp ngài để xin giải tội.v.v...

Lòng cám ơn được thể hiện cách chân thành là ở đó, tiếp đón niềm nở các giáo dân đến với mình, vì chính họ -tuy là không có vật chất để giúp đỡ các linh mục tương lai- nhưng bằng lời cầu nguyện và những hy sinh của họ, thì hôm nay chúng ta –các linh mục- mới trở thành những mục tử của Chúa.

Hạnh phúc của linh mục là ở đó và hạnh phúc của giáo dân cũng ở đó, họ rất hạnh phúc khi thấy, khi nghe các các linh mục của mình sống thánh thiện và nhiệt thành với bổn phận mục tử của mình.

KẾT
Hạnh phúc của linh mục chỉ đạt được khi các ngài thực sự hiểu được căn tính linh mục của mình, căn tính này được phát xuất từ Đức Chúa Giê-su linh mục đời đời, căn tính đó chính là yêu thương và phục vụ, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi Ngài công khai rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, và đặc biệt trước khi vào bàn ăn tiệc Vượt Qua với các môn đệ của mình. Đức Chúa Giê-su sau khi đã rửa chân cho các môn đệ thì nói với các ông rằng:
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà con rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”[5](Ga 13, 14-15), đó chính là mẫu gương phục vụ của Chúa Giê-su với các môn đệ của mình. Và trong bối cảnh tiệc Vượt Qua ấy, sau khi rửa chân Ngài đã ban cho các môn đệ giới luật mới, đó là luật yêu thương, Ngài nói:
“Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết
Anh em là môn đệ của Thầy:
Là anh em có lòng yêu thương nhau.”[6](Ga 13, 15)
Do đó mà chúng ta hiểu ra rằng, không phải ngẫu nhiên mà Đức Chúa Giê-su đã có hành động rửa chân cho các môn đệ và ban giới luật yêu thương cho các ông, bởi vì yêu thương chính là chúc lành và phục vụ chính là cám ơn.

Yêu thương và phục vụ quan trọng trong đời sống tu đức của linh mục như thế nào, thì sự chúc lành và nói lời cám ơn cũng quan trọng cuộc sống đời thường của các ngài như thế, nó không thể tách rời khỏi linh mục trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi vì đó chính là hai nét căn bản làm nên đời sống tu đức của linh mục, bởi vì đó chính là hạnh phúc đích thực của linh mục vậy.

Taiwan, Mùa chay thánh 2016
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1] 1Cr 1, 4.
[2] Sách Các Phép của Hồng Y GM Trịnh Văn Căn.
[3] Lc 22, 31-32.
[4] Mt 10, 12.
[5] Ga 13, 14-15.
[6] Ga 13, 35.