Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Chúa nhật 14 thường niên


CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 11, 25-30
“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.

Anh chị em thân mến,
Ở đời ai cũng có những gánh nặng và nhẹ phải gánh trên vai của mình, những gánh nặng và nhẹ ấy chúng ta –những người Ki-tô hữu- gọi là thánh giá mà Chúa gởi đến. Đức Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài, hãy đem tất cả những gánh nặng ấy trao vào tay Ngài, xin Ngài thánh hóa và ban ơn cho chúng ta.

Có gánh nặng là có hiến tế, hiến tế này không phải là hoa quả đầu mùa của A-bê-lê cũng không phải là chiên non của dân Do Thái, nhưng là hiến tế chính mình như Đức Chúa Giê-su đã hiến tế làm của lễ hiến dâng lên Đức Chúa Cha để chuộc tội cho nhân loại.

Phần đông con người khi thấy gánh nặng mà mình phải mang phải vác, thì đem gánh nặng này vứt trong ly rượu ly bia, để rồi gánh nặng càng nặng hơn; có người đem gánh nặng của mình bỏ vào những cuộc vui đen đỏ đến tan gia bại sản, để rồi gánh nặng chỉ như tảng đá nhỏ kia lại trở thành sức nặng của hòn núi đè trên lưng mình...

Thế nhưng người Ki-tô hữu thì lại khác, họ biết làm cho gánh nặng của mình nhẹ hơn khi họ thấm nhuần lời dạy của Đức Chúa Giê-su: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”[1]. (Mt 11, 28).

Gánh nặng của cha mẹ là khi con cái không nghe lời răn dạy của mình, đem gánh nặng này dâng cho Thiên Chúa với tất cả niêm tin; gánh nặng của vợ là khi chồng vô công rỗi việc thì nhậu nhẹt say sưa, đem gánh nặng này dâng cho Thiên Chúa với tất cả lòng mến và biết ơn; gánh nặng của chồng là khi vợ không biết lo cho gia đình con cái, đem gánh nặng này dâng lên Thiên Chúa với tất cả tâm tình của người con hiếu thảo.v.v...Và còn biết bao nhiêu là gánh nặng trong cuộc đời của mỗi người, mà chỉ có người Ki-tô hữu mới biết làm cho gánh nặng này trở nên nhẹ nhàng khi dâng lên cho Thiên Chúa mà thôi.

Anh chị em thân mến,
Không phải Đức Chúa Giê-su bốc đồng khi nói lên lời mời gọi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nhưng câu này được thốt ra từ miệng Ngài sau khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”[2].(Mt 11, 25-26) Lời cầu nguyện này của Đức Chúa Giê-su là một lời tôn vinh chúc tụng, vì những điều mà Cha đã thực hiện qua Ngài- để cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta cứ an tâm tin tưởng và phó thác gánh nặng của mình trong cuộc sống cho Thiên Chúa, để vui vẻ làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình trong đời sống thường ngày, đó chính là đức tin của người Ki-tô hữu vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 11, 28.
[2] Mt 11, 25-26.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Ăn nhang đền, ăn phân ngựa




ĂN NHANG ĐÈN, ĂN PHÂN NGỰA
Thời Tống, nhân viên đặc phái hệ thống lãnh đạo tam ban viện có tám ngàn người, công tác ở bên ngoài.
Mỗi năm lúc ăn tết nguyên đán, họ cùng nhau tập trung vốn lại bố thí cho hòa thượng và tiến (dâng) hương, cùng nhau cầu thọ cho hoàng thượng, những khoản tiền này gom lại gọi là “tiền nhang đèn”.
Đại quan chủ quản của tam ban viện thường lợi dụng lúc tiền nhiều một chút thì lấy chi tiêu cho việc ăn uống. Phó phán quan quản lý đám ngựa thống lĩnh tất cả các công việc của phường (ngựa) trong ngoài cung, lương bổng so với các quan khác thì rất phong phú hậu hĩnh, mỗi năm tiền thu mua phân ngựa càng nhiều, thì cũng dùng tiền ấy để chi tiêu cho mọi người.
Do đó, ở trong kinh thành thời ấy có câu vè cười họ như sau: “Tam ban ăn nhang đèn, phường ngựa ăn phân”.
                                                (Quy Điền lục)

Suy tư:
     Trồng rau thì ăn rau, trồng cỏ thì ăn cỏ, ở chùa thì ăn đồ chay, chứ không ai ở chùa mà lại ăn thịt chó bao giờ, vì như thế là nhạo báng trời phật, mất đi sự khiết tịnh của chùa.
    Cuộc sống của người Ki-tô hữu luôn phản ảnh lại tinh thần yêu thương của Đức Chúa Giê-su, bởi vì không một ai đang sống trong hạnh phúc lại tự mình phá bỏ hạnh phúc ấy, chỉ có những người chơi ngông muốn nổi hơn mọi người về hành vi bất hảo của họ.
Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu thì sống nhờ Bánh Hằng Sống bởi trời ban xuống là Máu Thịt của Đức Chúa Ki-tô, ai cũng hiểu điều đó, cho nên một khi chúng ta ăn uống cách bất xứng bánh ấy, thì không những chúng ta mắc lỗi mà còn gây gương mù gương xấu cho người khác.

     Đời sống của một linh mục thì càng phải trổi vượt hơn mọi người về việc tôn sùng Thánh Thể, bởi vì hơn ai hết, linh mục hiểu rất rõ về bí tích cao siêu mầu nhiệm ấy, bởi vì chính các ngài đã làm cho có Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, cho nên càng phải yêu mến và làm cho bổn đạo của mình yêu mến Thánh Thể, bằng không thì người ta cũng sẽ nói rằng: cha sở mà như thế thì giáo dân làm sao yêu mến Chúa được chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Mặt như da ủng

      

MẶT NHƯ DA ỦNG
Năm đầu của bắc Tống, Điền Nguyên nhậm chức tam vụ sứ, làm chủ quản tài phú, do đó đệ tử quyền quý, người thân quen biết đến nhờ ông ta rất nhiều chuyện.
Ông ta rất chán, nhưng cũng không muốn bôi mặt để nghiêm mặt từ chối, nên thường là giả vờ làm bộ vui vẻ để đối đãi với mọi người.
Một hôm, ông ta nói với một người nọ:
-         “Đảm nhiệm tam vụ sứ đã mấy năm, cái cảnh gượng gạo làm bộ mặt vui vẻ quá nhiều, cho nên khi tôi cười thì quả thật các vết nhăn trên mặt đã làm cho mặt của tôi giống như da của đôi giày ủng”.
                                                (Quy Điền lục)
Suy tư:
     Ở đời có người hay lợi dụng lòng thương người của người khác để làm lợi cho mình, thấy người ta có lòng tốt với mình thì cứ “giả nai” để lợi dụng họ.
     Ở đời cũng có những người vì nể nang mà mang “mặt dày” vô ra nơi công sở, nhưng trong lòng thì thật chán ngán cái sự đời.
     Ở đời cũng có những người chỉ biết quyền lợi của cá nhân, của gia đình mà làm bộ mặt chai lì trước những lời phê phán của mọi người.
     Ở đời có những người chỉ biết chỉ trích và phê phán người khác, mà không bao giờ nhìn thấy những sai trái của mình đang làm cho người khác phải tử đạo trong lòng.

     Đức Chúa Giê-su rất yêu thương chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta mỗi người phải trở nên những môn đồ đích thực của Ngài, đó chính là học với Ngài cách ứng xử khôn ngoan: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môi-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Chúa nhật 13 thường niên


CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 10, 37-42
“Ai không vác thập giá, thì không xứng với Thầy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”.

Anh chị em thân mến,
“Bông sen trong hồ rất hâm mộ chim biết ca hát, bươm bướm biết bay, còn mình thì cả ngày bị giam cầm trong hồ nước, lâu ngày không tránh khỏi oán than.
Chúa Tạo Vật thấy vậy, lập tức nói:
-         “Bé con, giam cầm con thật ra không phải là hồ nước, mà là cái tâm của con đó”.[1]

Điều kiện tối thiểu để làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su là từ bỏ mình và vác thập giá của mình để theo Ngài, đó là điều kiện tiên quyết và là một cái ách nhẹ nhàng cho những ai biết phó mình cho Thiên Chúa, và là cái ách nặng nề cho những ai thích hưởng thụ, mà coi thập giá như là sợi dây thòng lọng trói buộc tự do của mình.

Không từ bỏ mình là tự giam cầm tự do của mình, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều việc phải lo toan và nhiều điều toan tính :
-         Có người tính toán chuyện học hành tương lai để được chỉ huy người khác, nên cứ loay hoay tính toán mà quên mất bổn phận phải chu toàn của mình: họ bị giam cầm trong cái bằng cấp địa vị mà họ chưa bao giờ nhìn thấy.
-         Có người cứ tưởng mình là Thiên Chúa nên đoán xét tương lai của cộng đoàn là mù mờ không tương lai, nên họ loay hoay tìm cách thoát ly cộng đoàn: họ bị giam cầm trong cái hưởng thụ vô hình, để rồi cộng đoàn chưa đen tối mà họ thì đã tối đen trong hiện tại và cả tương lai.
-         Có người thỏa mãn với tài năng của mình, có người tự đắc với thành công của cá nhân, có người bất mãn với cuộc sống hiện tại, có người chán chường vì nhân tình thế thái.v.v...đó chính là những khối đá hoa cương giam hãm tâm hồn của họ trong những cám dỗ của vật chất...

Không từ bỏ những sợi mắc xích trói buộc tâm hồn ấy, thì chúng ta vẫn cứ bị giam cầm trong những loay hoay tính toán, để rồi tâm hồn không được tự do bay bổng lên với Thiên Chúa trong bổn phận hằng ngày, và như thế thập giá chỉ là những chán chường, lo âu, bất an mà thôi.

Thập giá là nguyên nhân của tự do và dâng hiến, bởi vì không một hy sinh nào mà không trở thành của lễ dâng hiến cách tự do lên Thiên Chúa, vì ngài là Đấng đã ban sự tự do cho con người.

Bổn phận và trách nhiệm dù muốn dù không thì chúng ta cũng phải chu toàn, do đó mà có nhiều tiêu cực phát sinh trong khi thi hành bổn phận; nhưng bổn phận sẽ là sự tự do dâng hiến nếu chúng ta coi đó chính là thập giá mà Thiên Chúa đã gởi đến cho mình. Khi đã dâng hiến phụng sự Thiên Chúa với tất cả tự do, thì chính tự do này đã giải thoát chúng ta khỏi giam cầm bởi những lo toan tính toán trong bổn phận của mình, đó cũng là lời mời gọi của Đức Chúa Giê-su: hãy “vác thập giá của mình” mà theo Ngài.

Anh chị em thân mến,
Vác thập giá mà không từ bỏ sân si, thì thập giá trở nên tảng đá nặng nề đè trên cuộc sống của chúng ta.
Vác thập giá mà không có tâm tình tự nguyện, thì thập giá là những vòng xích trói buộc tâm hồn mình.
Vác thập giá mà vẫn cứ nhìn người này để phê bình, ngó người kia để đoán xét, thì thập giá sẽ như nhà tù giam hãm tâm hồn vốn thanh thoát hướng thiện của chúng ta...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay” bản dịch Việt ngữ của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ


LỄ HAI THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
TÔNG ĐỒ

Tin mừng: Mt 16, 13-19.
“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.”

Anh chị em  thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, không nói thì chúng ta cũng biết các ngài là người như thế nào trong Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su, thánh Phê-rô được Đức Chúa Giê-su Ki-tô chọn làm thủ lãnh của Giáo Hội, và trao cho ngài quyền đóng và mở cửa Nước Trời; thánh Phao-lô là người nhiệt thành với tôn giáo và niềm tin của mình nên đã đi bắt các Ki-tô hữu, và có lẽ vì ưu điểm ấy mà Đức Chúa Giê-su đã chọn ngài làm tông đồ, và sai đi loan báo tin mừng Nước Trời cho dân ngoại.

Tinh thần của thánh Phê-rô là chân thành, thẳng thắn, bộc trực dám nói dám làm, đó chính là mẫu gương của người làm tông đồ rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Chúng ta chắc chắn cũng có những đức tính như thánh Phê-rô vậy, nhưng chúng ta chưa có tinh thần khiêm tốn như ngài, bởi vì có những lúc bạn và tôi rất chân thành nói lời yêu thương nhưng vẫn còn tính toán lợi hại; có những lần bạn và tôi thẳng thắn nói lên khuyết điểm và việc làm sai trái của người khác, nhưng lời thẳng thắn bộc trực ấy đầy kiêu ngạo dạy đời thiên hạ, và làm cho người khác cảm thấy bực tức hơn là sửa đổi lỗi lầm.

Tinh thần của thánh Phao-lô là can đảm, nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình, nếu không có những ưu điểm như thế, thì Chúa Giê-su –có lẽ- không chọn ngài làm tông đồ, và cũng không sai ngài đến với dân ngoại là chúng ta.

Lòng nhiệt thành và xác tín vào niềm tin của mình đã làm cho thánh Phao-lô nhiệt thành bắt đạo, và cũng lòng nhiệt thành ấy, mà sau khi nhận biết Chúa Giê-su là Đấng đã vì mình mà chịu chết trên thập giá, thì ngài đã không ngần ngại chuyển lòng nhiệt thành, xác tín này qua cho việc rao giảng Phúc Âm cho những người không phải là Do Thái, là dân ngoại chưa nhận biết Thiên Chúa là Cha của mọi loài.

Anh chị em thân mến,
Cả hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đều có một điểm giống nhau, đó là rất yêu mến Chúa Giê-su và hăng say làm chứng cho Ngài, các ngài đã đem chính mạng sống của mình ra để làm chứng.

Chúng ta đều là những hoa quả được sinh ra bởi lời rao giảng của các ngài, và như thế, chúng ta cũng đều có bổn phận đem Lời Chúa đến cho mọi người bằng chính cuộc sống của chúng ta. Muốn được như thế, bạn và tôi hãy đem tinh thần bảo tồn chân lý Ki-tô giáo của thánh Phê-rô, và tinh thần truyền giáo của thánh Phao-lô đặt vào trong tim trong óc của mình, để khi rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, thì chúng ta không làm mất đi tính truyền thống tông truyền của Giáo Hội.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.