Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Chúa nhật 22 thường niên

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
 
 

Tin mừng : Lc 14, 1.7-14.

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Bạn thân mến,
Con người ta ai cũng có sĩ diện, chức quyền càng cao thì sĩ diện càng lớn, sĩ diện càng lớn thì nhân cách lại nhỏ đi, cuối cùng trở thành một kẻ kiêu ngạo làm trò cười cho thiên hạ.

Đức Chúa Giê-su không những là Thiên Chúa làm người, là Cứu Chúa và là thầy của của nhân loại, Ngài còn là nhà tâm lý dạy cho chúng ta những bài học về cách đối xữ với nhau trong cuộc sống hằng ngày, mà trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Ngài đã dạy cho bạn và tôi hãy sống khiêm tốn với nhau trong cuộc sống đời thường.

Khiêm tốn khi được làm khách danh dự

Ở đời, ai cũng có một lúc nào đó được mời đi dự tiệc, và ai cũng thích được người khác chú ý đến mình trong bữa tiệc, địa vị càng cao thì càng thích người khác biết đến, càng được nhiều người biết đến thì càng hãnh diện và cảm thấy mình là người quan trọng, đó chính là mầm móng của kiêu ngạo.

Đức Chúa Giê-su khuyên bảo bạn và tôi khi được người khác mời đi dự tiệc thì hãy chọn chỗ ngồi cuối trong bàn ăn, là để cho chúng ta thấy giá trị đích thực của khiêm tốn không phải là nơi dáng vẻ bên ngoài, nhưng là tâm tình bên trong của  một tâm hồn không coi địa vị như là một bàn đạp để hãnh tiến, nhưng coi địa vị như một công cụ để phục vụ tha nhân, chứ không phải là để ăn trên ngồi trước.

Địa vị tự nó không phải là một bức tường ngăn trở bạn và tôi đến với Thiên Chúa và với tha nhân, nhưng chính thái độ của chúng ta làm cho địa vị như là một hố sâu ngăn cách giữa mình với tha nhân, đó là thái độ kiêu ngạo kẻ cả của mình khi xuất hiện giữa đám đông, chẳng hạn như khi được mời tham dự các cuộc ăn uống hay những cuộc hội họp của những người khác.

Có những người đã tranh giành chỗ ngồi nhất trong bàn tiệc, những người dự tiệc khác cũng đã làm như thế, bởi vì ai cũng coi sĩ diện của mình lớn hơn nhân cách của người khác.

Khiêm tốn đích thực

Đức Chúa Giê-su tận mắt chứng kiến cảnh người ta đi dự tiệc tranh giành nhau để ngồi chỗ trên, Ngài không muốn các môn đệ của mình làm như thế khi được mời dự tiệc, nhưng Ngài muốn dạy các môn đệ và chúng ta sống có nhân bản hơn trong cuộc sống đời thường, cái nhân bản ấy chính là sống hài hòa với mọi người, cho dù mình có địa vị và chức vụ cao trong xã hội hay trong Giáo Hội.

Cái mà Đức Chúa Giê-su đề cập đến chính là “tự nhắc mình lên” của con người, bởi vì khi tự mình nhắc mình lên thì không những không có giá trị gì, mà lại còn trở thành kiêu căng lố bịch trước mặt mọi người, và như thế phẩm cách của họ cũng theo đó mà bị hạ xuống. Người có tâm hồn khiêm tốn đích thực thì dù được ngồi ở trên, hay ngồi ở cuối cùng thì vẫn là người khiêm tốn, bởi vì sự khiêm tốn không hệ tại nơi chỗ ngồi rốt cùng hay ngồi chỗ cao hết trong bữa tiệc, bởi vì có khi ngồi bàn cuối cùng nhưng tâm hồn thì khiêu ngạo phàn nàn oán trách chủ nhà không nể mình.

Có địa vị hay không có địa vị thì người khiêm tốn vẫn cứ là người khiêm tốn, ngồi trên bàn cao hay ngồi bàn dưới bàn thấp thì vẫn cứ là người khiêm tốn như thường, bởi vì sự khiêm tốn chính là học được bài học từ nơi Thập Giá của Đức Chúa Giê-su, tức là sự hy sinh bỏ mình, và cũng là học khiêm tốn từ nơi bàn tiệc Thánh Thể trên bàn thờ mỗi ngày khi dâng thánh lễ, đó là yêu thương và  khiêm tốn.

Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta cần có sự khiêm tốn khi được bạn hữu mời đi ăn tiệc, chính là Ngài nhắm đến bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày mà chúng ta tham dự, đó là thánh lễ Mi sa. Nơi bàn tiệc thánh này, cái cần phải có của chúng ta là sự khiêm tốn “chọn chỗ rốt hèn” như chính Đức Chúa Giê-su đã hết sức khiêm hạ trở nên tấm bánh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

Nơi bàn tiệc thánh này sự khiêm tốn càng nổi nét hơn, khi mỗi người trong chúng ta biết khiêm tốn phục vụ tha nhân sau khi tham dự bàn tiệc thánh trên bàn thờ.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Một chiếc lá cây che mắt

MỘT CHIẾC LÁ CÂY CHE MẮT
 
Nước Sở có một người, gia cảnh khó khăn.

Đọc trong sách “Chuẩn Nam tử”, được biết lúc con bọ ngựa bắt con ve sầu thì nó ẩn sau ngọn lá, có thể che khuất được thân người, thế là bèn đi tìm chiếc lá thật.

Anh ta chạy đến dưới một gốc cây quan sát, thì phát hiện có một ngọn lá che khuất con bọ ngựa, bèn đưa tay ngắt ngọn lá xuống, không ngờ chiếc lá sẩy tay rơi xuống đất, nằm lẩn lộn trong những chiếc lá khác không tài nào nhận rõ, thế là, anh ta dứt khoát quét tất cả các lá rụng ấy nhét đầy khoảng mấy đấu (thúng).

Sau khi ôm lá về đến nhà, anh ta cầm từng ngọn, từng ngọn lá thay nhau đưa lên che mắt của mình và hỏi vợ:

-“Em còn có thể nhìn thấy anh không ?”

Mới đầu, vợ nói thật:“Có thể nhìn thấy”.

Chồng hỏi cả ngày, vợ không chịu đựng được, bèn nói đùa với chồng: “Không nhìn thấy”.

Người ấy rất vui mừng, vội vàng chạy đến nơi chỗ phố xá nhộn nhịp, đưa cao ngọn lá, thản nhiên như không, lấy đồ của người khác ngay trước mặt người ta. Kết quả, bị túm cổ đưa vào nha huyện.
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Ngọn lá thì lớn, con bọ ngựa thì nhỏ, chắc chắn là che được nó, chứ ngọn lá làm sao mà che khuất được thân của con người, đúng là chuyện...tiếu lâm.

     Vậy mà trên thế gian có những người lấy vải thưa che mắt thánh. Vải thưa là những hành vi đạo đức bên ngoài, những lời nói “thấm nhuần yêu thương”, thái độ khiêm tốn.v.v.. nhưng che giấu bên trong những âm mưu chết người; che mắt thánh là dùng những hành vi như trên để lừa dối mọi người, để che mắt mọi người, làm cho ai cũng cứ tưởng họ là những người đạo đức thánh thiện, nhưng lâu ngày rồi người ta cũng sẽ biết là họ cũng có cái ... đuôi lừa lòi ra.

     Lấy vải thưa che mắt thánh cũng ám chỉ đến những người kiêu ngạo, những người “trong óc não không có gì “ mà luôn tự khoe khoang: tôi thế này, tôi thế nọ, mà không làm được gì cả, rồi cuối cùng cũng lòi ra...cái đuôi dốt đặc cán mai. Đúng là chuyện tiếu lâm thời đại.

     Cũng có nhiều lúc vì tự ái, tự cao tự đại mà tôi lấy vải thưa che mắt Thiên Chúa, nên mọi người tẩy chay không thèm nhìn mặt tôi nữa; và có khi vì tính tự cao tự đại của tôi mà nhiều tín hữu bỏ nhà thờ, không thèm đến nhà thờ tham gia mọi sinh hoạt tôn giáo.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Ăn tết

ĂN TẾT
 
 

      Giáo xứ có đông giáo dân, tết đến giáo dân tranh nhau mời cha sở đến nhà mình ăn cơm, nhưng ngài chỉ gật đầu nhận lời đến một vài gia đình quen biết ăn cơm dịp tết.

     Những giáo dân khác nói:

-“Cha sở chỉ chơi với nhà giàu”.
Nếu ngài từ chối tất cả lời mời thì ai cũng vui vẻ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

"Đô" nặng hơn tình cảm

“ĐÔ” NẶNG HƠN TÌNH CẢM
 
 

Trong giáo xứ có một vài người làm linh mục ở nước ngoài thì là chuyện đáng vui và hãnh diện, không có gì đáng nói.

Nhưng chuyện đáng nói là mỗi lần nếu linh mục ở Mỹ về thăm nhà, thì cha sở giáo xứ ấy trãi thảm đỏ ân cần mời ngài đến dâng lễ, đón tiếp từ ngoài vào trong rất long trọng; nhưng nếu linh mục từ xứ truyền giáo Taiwan về thăm nhà, thì ngài viện cớ là chính quyền khó dễ (và nhiều lý do khác) và không cho ngài dâng lễ trong giáo xứ của mình.

Cho nên có người nói: “Đúng là “đô” thì nặng hơn tình cảm."
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Muối sao mà nhạt

MUỐI SAO MÀ NHẠT
 
 

Có người nấu một nồi canh, trước hết múc ra một muỗng nếm nếm, cảm thấy nhạt, bèn đi về phía nồi canh thêm chút muối.

Sau đó cầm muỗng canh đã múc ra trước nếm lại, vẫn cảm thấy nhạt, nói: “Muối ít !” rồi lại đi về phía nồi canh thêm chút muối.

Cứ như thế, nếm một chút nơi muỗng canh, rồi lại đi về phía nồi canh bỏ thêm chút muối, cộng lại trước sau là hơn một lít muối, vậy mà vẫn còn cảm thấy nhạt. Người ấy cảm thấy rất là kỳ quái !
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Có những người dứt khoát không coi phim loại A   nữa, vì coi xong là phạm tội, dù đã dứt khoát không coi, nhưng họ vẫn luôn phạm tội điều răn thứ sáu.

     Lý do dễ hiểu là vì những người ấy kết thân với những bạn nhậu xấu tính, nhậu xong hơi ngà ngà thì bạn bè rủ đi hát kara-oke và coi phim A có mấy “em” hầu hạ phục dịch. Chưa say xỉn cũng chịu không nỗi với những quyến rũ của mấy “em”, chứ đừng nói là say ngà ngà.

     Thì cũng giống như người nấu nồi canh vậy, nếm nơi muỗng mà bỏ muối nơi nồi canh thì làm sao mà mặn cho được. Dứt khoát không coi phim để khỏi phạm tội nhưng lại không chịu xa lánh bạn xấu và chừa tật uống rượu, thì dù bỏ cả bể muối vẫn cứ thấy không mặn; dù cho dứt khoát thề thốt độc địa quyết không phạm tội thì vẫn cứ phạm, mà càng phạm nhiều hơn nữa.

     Phạm tội là do những thói quen xấu không chịu từ bỏ hoặc kiềm chế khắc phục, nhất là rượu, bởi vì rượu thường là con dao hai lưỡi và là cái cớ để biện minh cho hành vi phạm tội của mình: say rồi không biết gì, rượu vào thì lời ra, thế gian vẫn luôn là như thế, thế là mắc bẫy của ma quỷ...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thấy một mắt lưới

THẤY MỘT MẮT LƯỚI
 
Có một người bẫy chim đi giăng lưới, chim bay lại, thì bị bắt ngay.

Khi thu lưới để xem, thấy chim bị mắc bẫy chỉ ở trong một mắt lưới.

Thế là, trở về nhà làm một cái lưới chỉ có một mắt lưới, đem tấm lưới đi đến chỗ trước đây thiết kế lại, lòng tràn trề hứng thú chờ đợi. Nhưng, lần này dù là một con chim, anh ta cũng không thể bắt được.
(Thân Giám)

Suy tư:

     Lời Chúa là một tấm lưới không phải để bẫy chim hay nhốt mất tự do của con người, nhưng là để ngăn cản không cho quỷ dử rình mò cắn phá tâm hồn của con người.

Lời Chúa là một tấm lưới “đánh bắt cá người” đem về cho Thiên Chúa của thánh Phê-rô luôn thích hợp cho mọi thời đại, chứ không chỉ thích hợp cho một thời đại nào đó mà thôi đâu.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một tấm lưới với nhãn hiệu được cầu chứng của Thánh Thần là yêu thương.

Bởi vì yêu thương thì “bắt” được nhiều tâm hồn về cho Thiên Chúa hơn là ghen ghét, bởi vì yêu thương thì “bắt” được nhiều “loại cá tâm hồn” hơn là kiêu căng hợm hĩnh.

     Cái lưới chỉ có một mắt lưới thì giống như người kiêu ngạo chỉ biết mình tài giải mà thôi, họ suốt đời sẽ không bắt được một tâm hồn nào về cho Thiên Chúa...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư