Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Chúa nhật 16 thường niên




CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 13, 24-43
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”.

Anh chị em thân mến,
Lúa và cỏ lùng cùng phát triển trong một cánh đồng, người tốt và người xấu cùng sống trong một xã hội, thiện và ác cùng tồn tại trong mỗi một con người, đó là một sự thật mà bất kỳ ai cũng đều nhận thấy, bởi vì đó chính là một thực tế để cho nhân loại thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho người tốt cũng như người xấu, khi  cả người tốt lẫn người xấu đều được hưởng ân huệ của Ngài ban cho trong vũ trụ.

1.     Lúa và cỏ lùng cùng lớn lên trong ruộng, tức là cùng được chia phần với nhau về nước, ánh mặt trời và các thứ phân bón mà chủ ruộng dành cho cây lúa, nhưng đến mùa gặt thì lúa sẽ được cất giữ vào kho còn cỏ lùng thì bị đốt thiêu rụi. Hình ảnh ví dụ này cần phải đánh thức những tâm hồn tội lỗi của chúng ta – là những người Ki-tô hữu- đã được hưởng biết bao là ân huệ của Thiên Chúa ban cho trong cuộc sống, nhưng vẫn cứ sống trong tội lỗi và làm gương xấu cho những người chung quanh...

2.     Người tốt và người xấu cùng sống trong xã hội, và có khi không phân biệt được ai là người xấu và ai là người tốt, bởi vì có người nhìn dáng vẻ bên ngoài thì là tốt nhưng trong lòng thì chứa cả bồ dao găm; có người thì ăn nói ngon ngọt dễ nghe nhưng trong lòng thì đầy những mưu mô ác độc hại người; có người khi nhìn thì cứ tưởng là người xấu, nhưng họ lại có cả một tấm lòng đại lượng bao dung biết giúp đỡ người khác...

Người tốt và người xấu, cả hai cùng chung sống trong một xã hội, và có khi chúng ta lên tiếng oán trách Thiên Chúa rằng: Chúa ạ, cái thằng cha ấy rượu chè cờ bạc bê tha, con mẹ ấy đĩ thỏa lăng loàn mất nết vậy, mà sao Chúa lại để cho chúng nó sống, lại còn ban cho gia đình nó giàu có, còn con đây ngày ngày đi lễ đọc kinh mà nghèo vẫn nghèo, cha mẹ bệnh hoạn, con cái thất nghiệp, có phải Chúa bất công không ?

Người tốt và người xấu cùng sống trong một xã hội, nếu chúng ta có đức tin đủ mạnh thì chúng ta dễ dàng nhận ra người xấu là tấm gương soi, để chúng ta thấy lại cuộc sống của mình, nếu không có ơn của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn họ nhiều, và khi nhìn thấy cuộc sống của người tội lỗi thì chúng ta đủ kịp xét mình đừng sống như họ, nhưng càng phải trở nên tốt lành hơn và làm gương lành cho họ.

3. Thiện và ác cùng tồn tại trong mỗi một con người, kể cả những người đạo đức thánh thiện, bởi vì để dành cho được Nước Trời mà thiện ác trong chúng ta phải giao chiến từng giây từng phút không ngơi nghỉ. Cái thiện của người bình thường là cái thiện của sự ăn ngay ở lành, là cái thiện “phổ thông” ai cũng phải thực hiện, nhưng cái thiện của người Ki-tô hữu là thiện như Cha trên trời, không những ăn ngay ở lành mà còn phải đem cuộc sống vui buồn của mình biến thành của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa, tức là trở nên giống Đức Chúa Giê-su vì anh em mà hiến tế chính mình, đó là cái thiện đích thực để chiến thắng cái ác trong chúng ta và nơi xã hội mà chúng ta đang sống.

Anh chị em thân mến,
Bài dụ ngôn lúa và cỏ lùng mà Giáo Hội cho cho chúng ta nghe trong Tin Mừng của chúa nhật này, là một đề tài thời sự luôn nóng bỏng giữa xã hội mà chúng ta đang sống. Ở đâu cũng thấy lúa và cỏ lùng đang cùng tồn tại, và có khi cỏ lùng cao vượt cả lúa làm đức tin của chúng ta bị lung lay và tự hỏi: có Thiên Chúa trong vũ trụ không ?

Thiên Chúa vẫn tồn tại muôn đời, vũ trụ thế gian này có ngay sẽ qua đi, thiện ác sẽ phơi bày trước mặt bàn dân thiên hạ trong ngày phán xét, cỏ lùng sẽ tách hẳn ra một bên và sẽ bị bỏ vào lửa thiêu đốt đời đời, lúa sẽ được cất vào kho vĩnh phúc trên thiên đàng.

Đức Tin của người Ki-tô hữu là ở đó, ở trong tâm hồn được ví như đồng ruộng mà cỏ lùng và lúa đang cùng tồn tại, để cái thiện của người Ki-tô hữu vượt lên cao, trở thành gương tốt cho mọi người...


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Bí quyết thành công


BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Thầy giúp xứ rất ngưỡng mộ cách điều hành giáo xứ của cha sở, bèn hỏi ngài có bí quyết quyết gì ?
Cha sở cười trả lời:

-         “Bí quyết thứ nhất là cầu nguyện; bí quyết thứ hai là có thì nói có không thì nói không; bí quyết thứ ba là sống đơn sơ vui vẻ với hết mọi người.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Chỉ có một bình


CHỈ CÓ MỘT BÌNH
Có người được mời làm khách, ông ta rất nghiện rượu, uống từ bình này đến bình khác mà vẫn còn muốn uống.
Chủ nhà cười nói:
-         “Tôi kể câu chuyện nghe chơi: có một người đi buôn bán đồ bình khí, trên đường đi đột nhiên gặp phải một con cọp đang há to miệng nhảy vồ đến, người ấy kinh hoảng đem một bình khí ném vào nó, con cọp không lùi bước, lại ném thêm một bình khí nữa, nhưng con cọp vẫn không lùi bước.
“Sau khi vác tất cả các bình khí ném hết chỉ còn lại một bình, người ấy lớn tiếng nói: súc sinh, súc sinh, mày đi cũng là bình này, mày không đi cũng chỉ có bình này !”
                                     (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Người tế nhị là người biết “nhìn trước coi sau” khi tiếp xúc hay khi đến một nơi nào đó, nhìn trước coi sau không phải là để…ăn trộm, cũng không phải là đề phòng người khác hãm hại, nhưng là nhìn xem đối tượng muốn gì, có thể là họ không muốn mình nói chuyện lâu giờ vì họ bận nhiều công việc, có thể là họ muốn mình đừng nói chuyện của ai trước mặt họ, nhưng vì tế nhị mà họ không nói ra, cho nên người tế nhị càng phải tế nhị hơn nữa.
     Có người mãi mê nói chuyện xấu người khác mà không nhìn thấy nét mặt của người đối diện thay đổi, có ngừơi mãi mê khoe khoang thành tích của mình mà không nhìn thấy người đối diện đang ngoạy ngọ muốn bỏ đi, lại có người oang oang la hét khi trong nhà người ta có bệnh nhân đang cần được nghỉ ngơi.
     Tế nhị là một phép lịch sự mà ai cũng biết, bởi vì đó là nét văn minh của con người, cho nên không có luật trừ cho ông to bà lớn, cho ông cha bà phước miễn ngoại lệ.
     Có nhiều linh mục cứ mỗi lần gặp nhau là ăn to nói lớn, cười vang lên bất kể có người khác đứng bên, các ngài không nhìn thấy sự khó chịu của các giáo dân trẻ, giáo dân già đang khó chịu nhìn ông cha sở của mình, chắc chắn trong lòng họ cũng nói rằng: “Cha cố gì mà ăn nói không giữ mồm giữ miệng !”.

     Hai chữ linh mục, tự nó cũng đáng được người ta kính trọng, huống hồ là bản thân linh mục, nhưng nếu không chịu xem xét lại hành vi cử chỉ của mình, thì các ngài cũng như bao ngừơi khác mà thôi, không ai muốn kính trọng các ngài nữa, và như thế cũng có nghĩa là Lời Chúa đang bị stop lại, vì chính các mục tử của Chúa đã làm cho giáo dân ngao ngán trước cái không tế nhị của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thích "gia huynh"


THÍCH “GIA HUYNH”
Lỗ Bao viết văn chương, thường gọi tiền là “gia huynh”, về sau, người ta cũng thường dùng “gia huynh” để chỉ tiền.
Có một ông Châu thông phán, vì tham ô nên bị giáng xuống làm quan huyện. Khi mới tới nhậm chức thì có tên tiểu quan đến thử ông ta, bèn đúc hình một đứa nhỏ bằng bạc nặng một ký đặt trên bàn trong thính đường, sau đó, đi tới nơi chỗ viên quan ở, nói:
-         “Gia huynh ở trong thính đường, sau khi nhận thì nói cho một tiếng”.
Châu quan huyện nghe tiếng nhưng không thấy người, mà chỉ thấy trên bàn đặt một đứa nhỏ bằng bạc, bèn vội vàng đem vô trong phòng.
Về sau, tên tiểu quan nọ có tội với quan huyện, quan huyện sẽ xử trị nó, nó hết lời cầu xin:
-         “Xin coi lại cái mặt của gia huynh, đúc giống cái mặt của tôi”.
Quan huyện nói:
-         “Gia huynh của mày cũng không mấy thông minh, biết ta thích nó, nhưng từ sau khi đúc nó, lại không đến cùng ta hội kiến”.
                                          (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Thời xưa người ta gọi tiền là “gia huynh”, “gia huynh” có nghĩa là “người anh cả trong nhà” để có ý nói rằng tiền bạc là chủ của gia đình, không có tiền bạc là không có gì cả; thời nay người ta có rất nhiều cách nói để chỉ về tiền, nào là tiền đô, tờ xanh, tờ đỏ, tờ cứng, tờ mềm...những tiếng “lóng” này không có ý nghĩa thâm thuý gì cả, nhưng dù vậy, tiền vẫn là sức mạnh của con người, nó có thể làm cho cán cân công lý nghiêng lệch theo góc độ giá cả của cuộc trao đổi giữa quan toà và tội ác.
     Có người coi trọng tiền của vật chất hơn tình nghĩa cha mẹ, nên nhẫn tâm giết mẹ để lấy tiền; có người ngày đêm mơn trớn vuốt ve tiền hơn cả âu yếm vợ chồng con cái, nên gia đình tan hoang, vợ chồng li dị và con cái trở thành người bất hạnh, thế là tổ ấm gia đình nay không còn nữa, và xã hội thì như dòng sông vẫn trôi thờ ơ lững lờ trước những nỗi khổ đau của những người bất hạnh.
     Đức Chúa Giê-su đã lên tiếng cảnh cáo chúng ta về việc sử dụng tiền của vật chất sao cho phù hợp với Tin Mừng, Ngài nói: “Anh em không thể không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”.
Làm tôi tiền của cũng có nghĩa là làm tôi ma quỷ và những thói hư tật xấu do tiền của mà ra.
     “Lạy Đức Chúa Giê-su là Đấng thông suốt mọi sự, Chúa biết rất rõ những gì chúng con muốn, mà cái chúng con muốn chính là được làm tôi Chúa, nhưng trong cuộc sống chúng con vẫn cứ muốn làm tôi tiền của danh vọng, chúng con tham lam của người khác, chúng con bỏ quên danh phận Ki-tô hữu của mình sau lưng để bôn ba đôn đáo chạy theo tiền của vật chất.

Xin Chúa ban cho chúng con có một nghị lực và quyết tâm, để khi sử dụng của cải đời này, chúng con thật sự tìm được sự giàu có của thiên đàng mai sau. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư