Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

Chúa nhật 2 mùa vọng

 


CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG


Tin mừng : Mc 1, 1-8
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho NgườI”.

Anh chị em thân mến,
Thánh Gioan tiền hô, trong mắt của người cùng thời với ngài, thì ngài là một vị đại tiên tri sống khắc khổ, nhưng đối với con người thời nay, thì ngài là một vị thánh biểu trưng cho sự can đảm, trung trực và tiết chế.
Thánh Gioan Tiền hô được gọi là người mở đường (dọn đường) cho Chúa, ngài không cầm dao cầm rựa để phát quang đường sá, ngài cũng không thuê xe ủi đất đề san bằng những chỗ gồ ghề, nhưng ngài dọn đường cho Chúa bằng câu khai mào rất ấn tượng làm cho mọi người nghe phải kinh ngạc: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Ngài dọn đường cho Chúa không như chúng ta la người này hét kẻ nọ, chửi người kia để ai cũng biết là ta có quyền có thế; ngài dọn đường cho Chúa không như chúng ta phê bình người này có tật xấu này cần phải khai trừ khỏi cộng đoàn, người kia có khuyết điểm nọ cần phải đề phòng và không cho làm việc gì cả để khỏi gây ảnh hưởng xấu anh em (!?) Nhưng thánh Gioan tiền hô dọn đường cho Chúa bằng sự khiêm tốn và đơn sơ của mình nơi hành động cũng như trong lời nói.
Thánh Gioan tiền hô ra mắt công chúng với thái độ và lời nói rất khiêm tốn: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”, người đó là ai, dân chúng không biết mặt mà cũng chẳng nghe tiếng; người đó là ai, chẳng một ai biết cả ngoại trừ ngài. Mặc dù dân chúng không ai biết người đó là ai, nhưng thánh Gioan tiền hô không vì thế mà tự nâng cao mình lên khi mọi người nhìn nhận ngài là một vị tiên tri mới xuất hiện; mặc dù không ai biết người đang đến sau ngài là ai, nhưng ngài không vì thế mà ba hoa khoác lác với dân đám đông dân chúng đang ngưỡng mộ ngài... Thái độ của ngài khác hẳn với những người Pha-ri-siêu và những thầy thông luật, họ dương dương tự đắc cho mình là thầy thiên hạ, họ nghênh ngang áo thụng tua dây rảo bước trước đám đông dân chúng để nhận được sự cung kính của mọi người...
Thái độ của ngài cũng khác hẳn với thái độ của chúng ta ngày hôm nay: ngài khiêm tốn và quả quyết nói với mọi người là mình không xứng đáng cởi dây giày cho người đang đến sau mình, còn chúng ta thì luôn tìm dịp để nói xấu và hạ bệ người anh em của chúng ta khi họ có một chút tài năng hơn mình, và quả quyết với mọi người rằng: thằng cha con mẹ đó không có chút tài cán gì, chỉ là chó ngáp nhằm ruồi mà thôi...
Anh chị em thân mến,
Mùa Vọng cũng là “mùa dọn đường” là mùa phát quang cho thông thoáng những nơi u tối trong tâm hồn chúng ta để đón nhận ánh sáng và ân sủng của Chúa, làm sáng lại cuộc sống thần thiêng đáng bị tục hóa trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
Mùa Vọng cũng là mùa mà mỗi người Ki-tô hữu chúng ta nhìn lại bản thân mình, quyết tâm tìm cho ra những khuyết điểm của bản thân chứ không phải là nhìn đến những khuyết điểm của người khác. Mùa Vọng cũng là mùa mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi những người thân cận, bởi vì Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


50.      HAI LẦN ĐỐI HAY

Lúc còn nhỏ Vũ Tiêu Úy thường hay được mẹ cột tóc trên đầu giả làm hai cái sừng.

Một ngày nọ, có một hòa thượng tên là Cổ Xuân về trường làng du ngoạn nhìn thấy nó, bèn chế giễu nói:

-          “Đầu trâu lại sinh ra sừng rồng”.

Vũ Tiêu Úy đối lại:

-          “Mõm chó sao lại mọc ngà voi”.

Hòa thường thấy tài trí của thằng nhỏ này thì rất kinh ngạc.

Vũ Tiêu Úy sau khi về nhà thì nói với mẹ:

-          “Từ này về sau mẹ đừng cột tóc con giả làm hai cái sừng nữa”.

Qua mấy ngày sau, hòa thượng Cổ Xuân lại đi qua trường học, nhìn thấy đầu tóc của Vũ Tiêu Úy giả thành ba cái sừng thì cũng chế giễu nói:

-          “Ba sừng giống cái giá trống”.

Vũ Tiêu Úy lập tức đối lại:

-          “Một trọc như lôi chùy”.

Hòa thượng Cổ Xuân nói với thầy giáo của Vũ Tiêu Úy:

-          “Thằng bé này về sau nhất định trở thành một vị cứu thế”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 50 :

Bà con láng giếng đã nói về thánh Gioan Tẩy Giả khi ngài mới sinh ra: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?”[1]- Ông già tiên tri Si-mê-on đã nói về Đức Chúa Giê-su khi cha mẹ dâng Ngài vào đền thánh: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…”[2]- Hai em bé hai sứ mệnh, hai cuộc đời và hai cái chết không giống nhau: Gioan Tẩy Giả vì cương trực mà bị chém đầu,  Đức Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà bị đóng đinh vào thập giá. Cả hai đều sống hoàn toàn cho sứ mệnh và chết vì bổn phận.

Mỗi em bé Ki-tô hữu đều có một vai trò và bổn phận khác nhau mà Thiên Chúa đặt nơi chúng nó, vai trò và bổn phận này tuy khác nhau nhưng cũng đều cùng chung một sứ mệnh, đó là làm chứng nhân cho Tin Mừng ở trần gian, nhưng các em bé này sẽ không nhận ra sứ mệnh này nếu cha mẹ và những người có trách nhiệm không hướng dẫn và dạy dỗ, bởi vì “đứa bé này ngày sau sẽ ra sao” đều phần lớn tùy thuộc vào sự giáo dục trong gia đình của cha mẹ, cũng như của cha sở nơi nhà thờ họ đạo…

Nếp sống trong gia đình rất ảnh hưởng trên các trẻ em, nếu cha mẹ không quan tâm đến con cái thì ma quỷ sẽ “quan tâm” giùm cho, mà ma quỷ quan tâm thì có nước mà…chết đời đời trong hỏa ngục…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Lc 1, 66.

[2] Lc 2, 34.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


49.      TIỆN MỒM ỨNG ĐỐI

Văn Hoàng đã từng ứng đối với học sĩ Giải, nói:

-          “Có người viết câu “rất khó” rất là khó đối”.

       Học sĩ Giải lập tức trả lời:

-          “Quá dễ”.

Đợi một lúc sau Văn Hoàng không thấy học sĩ Giải câu đối, liền nói:

-          “Mặc dù nói rất dễ, sao lại ứng đối chậm quá vậy ?”

Giải học sĩ trả lời:

-          “Tôi vừa mới đối đó”.

Văn Hoàng mới sực tỉnh ngộ và cười ha ha.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 49 :

Người thông minh thì ứng đối giỏi, người bình tĩnh thì luôn giải quyết tình huống cách tốt đẹp. Đem “quá dễ” đối với “quá khó” trong câu nói thông thường thì quả là người thông minh và bình tĩnh.

Cuộc đời là một câu đối đầy ẩn số mà chỉ những ai có tinh thần khiêm tốn của Phúc Âm mới có thể ứng đối được: thánh thiện đối với tội lỗi, khiêm tốn đối với kiêu ngạo, rộng rãi đối với ích kỷ, yêu thương đối với ghen ghét.v.v…

Đức Chúa Giê-su đã dùng đau khổ và sự chết của mình để đối lại với sự dữ đang hoành hành trên thế gian, để nhân loại nhờ ân sủng của Ngài để chiến thắng ma quỷ và những cám dỗ của nó.

Văn Hoàng phải ngẫm nghĩ rất lâu mới hiểu được câu đối của học sĩ Giải, cũng vậy, người Ki-tô hữu phải biết cầu nguyện liên lĩ để hiểu biết mầu nhiệm khổ đau và yêu thương của Đức Chúa Giê-su, để trong cuộc sống họ có đủ sức mạnh để đối đầu với những cám dỗ…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


48.      KHÔNG PHẢI ĐẤT QUÝ

       Viên Liễu Phàm nói về địa lý rất giỏi, đã có lần đi đến Quang Phúc để khảo sát địa vực, hỏi một người nông dân ở trong thôn:

-          “Ông có nghe nói ở đây có vài nơi có tình trạng đất quý không ?”

       Người nông dân trả lời:

-          “Tiểu nhân sinh trưởng ở đây đã hơn ba mươi năm rồi, chỉ có thấy người đội mũ cánh chuồn chôn ở đất Quang Phúc này, chứ chưa thấy người đội mũ cánh chuồn đến cúng tại phần mộ ở đây”.

Họ Viên không còn lời để nói, lủi thủi bỏ đi.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 48 :

       Người đội mũ cánh chuồn tức là các quan trong triều đình, mà các quan thì phải có tiền bạc, mà có tiền bạc thì chắc chắn phải kiếm cho mình một phần mộ tốt, mà mộ tốt thì không phải là đất quý sao ?

       Khoe mình nói giỏi về địa lý là một chuyện, nhưng biết long mạch đất quý tốt nằm ở vùng nào thì lại là chuyện khác, chuyện dễ dàng trước mắt là có người ta mách cho biết thấy người đội mũ cánh chuồn chôn ở đây nhưng không đoán ra đất tốt thì đúng là dở.

       Có một vài người Ki-tô hữu nói về thánh kinh thần học, giáo lý, lý luận chữ này chữ nọ trong kinh thánh rất là hay và rất là uyên bác, nhưng không có tính thuyết phục được người khác, bởi vì họ chỉ dùng lý trí có hạn và kiêu căng của con người để lý luận và chỉ trích người khác, và -có lúc- phản đối Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su, bởi vì kiêu ngạo thì che mất lý trí nên họ không nhìn ra một điều rất nhỏ nhưng quan trọng, đó là: Lời Chúa là sự bình an. Cho nên đem Lời Chúa để chỉ trích người khác với ý đồ kiêu ngạo thì sẽ bị Lời Chúa xét xử rất nặng nề…

       Người khoe mình nói giỏi địa lý đã lủi thủi bỏ đi vì không hiểu được câu nói của người nông dân, nhưng người Ki-tô hữu thì không khoe mình nói giỏi nói hay về thánh kinh Lời Chúa, nhưng họ luôn khiêm tốn thực hành những gì mình đã hiểu được trong thánh kinh Lời Chúa.

       Đó là người tài giỏi và hạnh phúc vậy…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


47.      THOẢI MÁI NỬA NGÀY

Có tên quan sứ đi chơi ở trên chùa, hòa thượng làm tiệc thết đãi ông ta. Tên quan sau khi ăn uống no say, tràn trề hứng thú, lập tức ngâm lên hai câu thơ của người nhà Đường:

-          Nhân đi qua trúc viện gặp lời của tăng, lại được phù sinh thoải mái nửa ngày”.

       Hòa thượng nghe xong thì cười khổ hai tiếng, quan sứ hỏi tại sao lại cười, hòa thượng nói:

-          “Ngài là quan sứ già được nửa ngày thoải mái, tôi lão hòa thượng phải bận bịu ba ngày đấy !”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 47 :

       Tên quan được thoải mái nửa ngày thì hòa thượng phải khổ ba ngày, bởi vì lo lắng làm tiệc mời quan, bởi vì lo hầu hạ quan lớn…

       Thánh Phao-lô tông đồ khi đi rao giảng Tin Mừng thì ngài không muốn làm phiền ai, ngài đã nói với giáo dân ở giáo đoàn Ê-phê-sô rằng: “Vàng bạc hay quần áo bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Bằng mọi cách tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế…”[1]

       Thời xưa cũng như thời nay, giáo dân rất kính trọng các linh mục và các tu sĩ nam nữ bởi vì họ là những người đã suốt đời tận tụy hy sinh cho Tin Mừng, bởi vì họ đã sống một đời anh hùng trong thế gian…

       Thời xưa cũng như thời nay, cũng có một vài linh mục cũng như các tu sĩ mỗi lần được giáo dân mời ăn cơm thì hết chê món này không ngon, món kia nấu không hạp khẩu vị, bởi vì các ngài không thấy được tâm hồn kính trọng chủ chăn của giáo dân, mà các ngài chỉ thấy cái chức tước của mình to hơn tấm lòng của họ, các ngài không thấy mồ hôi của họ nhỏ giọt vì lửa bếp, vì lo lắng cho bữa cơm có các ngài ăn…

       Khi được mời ăn cơm (dù ở nhà hay ở nhà hàng) thì đừng thấy đồ ăn ngon dở, nhưng hãy thấy tấm lòng tốt đẹp của người mời mình ăn cơm, đó là người có tinh thần tu đức vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Cv 20, 33-35.

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46.      NGHE THEO MỘT LẦN

Trước đây, có tên nghịch tử, phụ thân nói bên đông nó lại làm bên tây.

       Trước khi chết, phụ thân sợ rằng đứa con không đem ông chôn trong đất, nên làm tờ di chúc chỉ rõ ràng:

-          “Sau khi cha chết thì con phải đem cha chôn trong hồ nước”.

       Nhưng sự đời ai mà biết được, đứa con lại đổi ngược ý nghĩ rằng:

-          “Thường ngày mình luôn vi phạm lệnh của cha, hôm nay cha đã chết, nên nghe lời cha một lần vậy”.

       Thế là đào một cái hồ đem xác phụ thân mai táng trong hồ nước ấy.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 46 :

       Khi cha còn sống thì không nghe lời cha, đến khi cha chết muốn vâng lời cha một lần mà cũng không tròn ý của cha, đúng là đứa con tội nghiệp…

       Nhưng xét cho cùng thì lỗi tại người cha, bởi vì trước cái chết, con người ta dù là người dưng nước lã, dù cứng đầu cứng cổ đến đâu cũng không thể không mủi lòng rơi lệ, huống chi là con ruột…

       “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”.[1]

       Nhưng trong cuộc sống chúng ta thường không thích nghe tiếng dạy của Thánh Tử, Ngài dạy đông chúng ta làm tây, Ngài dạy yêu thương người như chính mình, nhưng chúng ta lại vì yêu thương mình thái quá mà làm hại tha nhân; Ngài dạy chúng ta phải đem tội lỗi mai táng trong bí tích Giải tội, nhưng chúng ta lại nuôi sống nó bằng những đam mê, kiêu ngạo và ghét ghen…

       Chỉ cần nghe và thực hành lời Đức Chúa Giê-su dạy, thì chúng ta cũng sẽ được ân sủng ở đời này và sự sống đời đời mai sau…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Dt 1, 1-2a.

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


45.      TÔI KHÔNG CÓ NHÀ

Trong thị trấn Đồng có người tên là Phương Mưu rất bủn xỉn, ngày nọ có anh trai ở quê đến thăm, Phương Mưu vì để tiết kiệm một bữa ăn nên giả bộ đi xa.

       Anh trai chỉ có nước là nhịn đói đi ngủ, nửa đêm có con chồn hôi đến tha gà, Phương Mưu không ngủ nên lên tiếng đuổi chồn hôi, anh trai nghe tiếng bèn thở dài nói:

-          “Tiểu đệ, không phải em vắng nhà sao ?”

       Phương Mưu vội vàng trả lời:

-          “Không phải em, nhưng là em dâu của anh đấy !”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 45 :

       Không ai keo kiệt đến nỗi anh ruột đến nhà thăm bụng đói meo mà cũng không muốn mời ăn cơm, bởi vì như thế là –có thể nói- không có tình người, là người coi miếng ăn hơn tình cảm anh em ruột thịt, là người mà Đức Chúa Giê-su nghiêm khắc lên án: Của cải của nó ở đâu thì lòng trí nó ở đó.

       Người không coi trọng tình cảm ruột thịt thì không thể coi trong tình cảm với tha nhân, bởi vì tình cảm ruột thịt là “giọt máu đào”, là tình cảm thiêng liêng nhất mà không coi ra gì, thì “ao nước lã” là cái thá gì chứ, do đó mà họ sẽ không bao giờ biết đến hai chữ thương người như thể thương thân.

       Người Ki-tô hữu ngoài tình cảm ruột thịt ra thì họ còn có thứ tình cảm thiêng liêng khác mà bất kỳ ở đâu họ cũng đều thực hiện được, đó là tình cảm “anh chị em trong Đức Chúa Giê-su Kitô” với tất cả mọi người, do đó mà họ luôn ý thức rằng tình yêu của Đức Chúa Giê-su thúc bách họ phải yêu thương và phục vụ tha nhân trong cuộc sống của mình.

       Sợ hao tốn một bữa cơm mà để anh ruột nhịn đói một bữa, nhưng cá nhân mình sẽ bị nhịn đói đời đời trong nơi nghiến răng và khóc lóc vì thiếu vắng tình yêu…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)