Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Chúa nhật 28 thường niên


CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
 
 
Tin mừng : Lc 17, 11-19

“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? ”

Anh chị em thân mến,
Thời đại nào cũng có những người rất biết ơn người khác đã làm ơn cho mình, và cũng có những người không hề biết ơn người đã làm ơn cho mình. Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã nhẹ nhàng hỏi người được chữa lành Sa-ma-ri: “Còn chín người kia đâu, họ không được chữa lành sao ?” Câu hỏi nhẹ nhàng nhưng cũng là lời cảnh cáo chúng ta ngày hôm nay, sống đừng có vong ơn bội nghĩa không những với Thiên Chúa mà còn đối với tha nhân nữa.

Chữa lành là ân huệ

Con người ta có nhiều nỗi khổ: khổ vì bệnh hoạn thân xác, khổ vì tinh thần không được thoải mái, khổ vì gia cảnh nghèo nàn, khổ vì cuộc sống có quá nhiều chua cay, do đó mà con người ta thường mơ ước chuyện bày chuyện nọ để thể xác và tinh thần thanh thản hơn trong cuộc sống của mình.

Ân huệ của Thiên Chúa thì luôn dạt dào đổ xuống trên chúng ta, nhưng lắm lúc chúng ta như người vô ơn cứ oán trách Thiên Chúa đã quên mất chúng ta, cứ để chúng ta hết chuyện xui này đến chuyện xui nọ. Chúng ta báo oán, trách móc, giận hờn Thiên Chúa chỉ vì Ngài không đáp ứng nhu cầu vật chất của chúng ta, đó là một bệnh hoạn, và có thể nói đó là bệnh phong hủi trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa chữa lành chúng ta không phải bằng cách đáp ứng những lời yêu cầu của chúng ta, nhưng cách chữa lành của Ngài là làm cho chúng ta thấy được Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến : Ngài gởi đến cho chúng ta những thử thách, để trong những thử thách ấy chúng ta cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa vẫn luôn đoái nhìn đến chúng ta. Các thánh và những bậc hiền nhân đã cảm nghiệm được điều ấy khi còn sống ở trần gian, và đó chính là ân huệ chữa lành các khuyết điểm cũng như những hoài nghi của chúng ta đối với Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Thử thách là ân huệ của Thiên Chúa dành cho những ai biết yêu mến Ngài, thử thách cũng là những phương thuốc chữa lành bệnh tật tâm hồn cho chúng ta là những người cứ oán trách Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Tạ ơn là biết ơn

Mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta đón nhận biết bao nhiêu lần ân huệ của Thiên Chúa ban cho, cho nên bổn phận trước tiên của chúng ta là phải biết cám ơn Thiên Chúa đã tạo dựng chăm sóc và gìn giữ chúng ta đến ngày hôm nay.

Như mười người phong cùi được chữa lành nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại cám ơn Thiên Chúa, còn chín người Do thái không thấy trở lại cám ơn Đức Chúa Giê-su. Người Sa-ma-ri mà người Do Thái ghét cay ghét đắng ấy đã biết trở lại cám ơn người đã chữa lành bệnh cho mình, bởi vì người Sa-ma-ri này đã có một tâm hồn biết ơn với người đã chữa lành và an ủi họ.

Tạ ơn là hành vi biết ơn của người Ki-tô hữu ở trần gian này, bởi vì chính họ đã nhận không biết bao nhiêu là ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống của mình.

Anh chị em thân mến,
Tâm tình biết ơn cùa người Sa-ma-ri là một bài học dạy cho chúng ta rằng: đừng tìm kiếm sự vĩ đại của Thiên Chúa trong phép lạ nhãn tiền, nhưng nên tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa với những việc nhỏ mà Ngài đã làm cho chúng ta trong cuộc sống.

Chúng ta đều là những người bị bệnh phong hủi trong tâm hồn –tức là những tội nhân- nhưng qua bí tích Hòa Giải, và bí tích Thánh Thể mà Thiên Chúa không những đã sẵn lòng chữa lành,mà lại còn ban thêm ơn cho chúng ta khi chúng ta cố gắng sống bác ái và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống của mình…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Tôn trọng

TÔN TRỌNG
 
 

      Cha sở lúc nào đi dự tiệc cưới hoặc đi chơi thì mặc áo quần rất đẹp, mang giày tây bóng loáng, nhưng mỗi khi ngài cử hành thánh lễ thì mặc áo lễ rất cũ, áo trắng đã biến thành màu vàng ố và đầy vết hằn mồ hôi, chân mang đôi dép lẹp xẹp.

     Giáo dân lắc đầu nói với nhau:

-“Cha sở không có lòng kính trọng Chúa và không biết tôn trọng cộng đoàn khi cử hành thánh lễ !”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Làm nhà bên đường

LÀM NHÀ BÊN ĐƯỜNG
 
 

     Có người làm một căn nhà bên cạnh con đường lớn, lúc nhà sắp hoàn thành, có một người qua đường nói:

-“Anh nên mở cửa sổ về hướng đông, như thế, khi mặt trời xuất hiện thì ánh sáng liền dọi vào trong nhà”.

Thế là chủ căn nhà tháo dỡ mất tiêu căn nhà và làm lại.

     Lần thứ hai cái nhà sắp làm xong, lại có người qua đường nói:

-“Xây nhà thì nên làm cửa sổ về hướng nam, như thế mới bảo đảm được mùa đông thì ấm mùa hè thì mát”.

Thế là chủ căn nhà lại để cho người ta dỡ nhà làm lại cái mới.

     Người qua đường rất đông, đề xuất ý kiến thì mỗi người mỗi khác, chủ căn nhà cảm thấy ý kiến của họ rất là có lý, nhà làm rồi dỡ, dỡ rồi lại làm, ba năm đã trôi qua mà căn nhà vẫn làm chưa xong.
(Hậu Hán thư)

Suy tư:

     Chúng ta là những tín hữu đang xây dựng căn nhà tín ngưỡng của mình trên nền tảng đức tin.

     Căn nhà mà chúng ta xây khác với những căn nhà bê tông cốt sắt: chúng ta lấy đức tin làm nền móng, lấy khiêm tốn làm cột, lấy đức cậy làm tường và lấy đức ái làm mái che; chúng ta đang xây nhà, vật liệu cần thiết để hoàn thành chính là ơn sủng của Thiên Chúa, ma quỷ là tên qua đường phá hoại, nó nói với những tín hữu giữ đạo thờ ơ:“Giữ đạo làm gì cho mệt, Chúa có ban phát gì đâu mà giữ với không giữ đạo ?” thế là họ càng thêm thờ ơ nguội lạnh với Thiên Chúa, cho nên nền đức tin bị lún, cột khiêm tốn bị gãy, tường đức cậy bị rạn nứt, và mái che đức ái bị dột, tốc mái… họ trở nên người “không nhà cửa” để trú ngụ sau khi nhắm mắt xuôi tay...

     Chúng ta là những tín hữu đang xây nhà với vật liệu vĩnh viễn từ trời gởi xuống là ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, cho nên chúng ta không ngu dại gì nghe lời tên cám dỗ để bỏ bê công việc của chúng ta.

“Mặc cho ma quỷ đảo điên

Ta đây vẫn cứ điềm nhiên xây nhà...

Ngôi nhà đó chính là tín ngưỡng của chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Dâng heo đầu trắng

DÂNG HEO ĐẦU TRẮNG
 
 

     Truyền thuyết thời xưa kể rằng, heo (lợn) ở vùng đất Liêu Đông toàn thân là màu đen.

     Một hôm, con heo nái của một nhà nọ ngẫu nhiên đẻ ra một con heo đầu màu trắng, người trong thôn đều cho là hiếm lạ, nghĩ rằng: trong thiên hạ chắc chỉ có một con heo này, nên nhanh chóng đem dâng cho hoàng thượng.

     Thế là mọi người giống như đang làm một chuyện vui to lớn, quàng đỏ đeo xanh cho heo, người trong thôn cũng mặc những bộ áo quần của ngày lễ hội, do thôn trưởng dẫn đầu, thổi kèn đánh trống, khiêng con heo nhỏ đem dâng cho hoàng thượng.

     Đoàn ngũ đi đến phần đất Hà Đông, thì nhìn thấy heo ở nơi đó phần nhiều là heo đầu trắng vừa béo vừa lớn. Dân làng ai nấy sắc mặt ửng đỏ, gấp gáp lấy những đồ treo trên con heo nhỏ đầu trắng xuống, thu lại nhạc khí kèn trống, rất hổ thẹn và từ từ trở về thôn của mình.
(Hậu Hán thư)

Suy tư:

     Vì thấy mình quá quê độ nên dân làng đỏ mặt, đỏ mặt là biểu hiệu sự thẹn thùng, xấu hổ, e lệ... nhưng đồng thời cũng bày tỏ sự “biết mình sai”, dân làng đó là những người còn có lương tâm, còn có sĩ diện, nghĩa là còn có thể giáo dục, khuyên bảo và thành người tốt...

     Cái đáng sợ nhất và cũng nguy hiểm nhất chính là những người phạm tội hoặc biết mình sai mà không chịu “đỏ mặt”, nghe lời khuyên bảo mà mặt cứ trân tráo không chút gì là hối hận và thẹn thùng, thì đúng là “lòng chai dạ đá”. Đã là con người, thì ai cũng biết “đỏ mặt” khi phạm lỗi, chỉ có ma quỷ và “con cháu” của nó mới không biết thẹn, không biết xấu hổ khi phạm tội mà thôi, nếu ma quỷ biết xấu hổ mà đỏ mặt, thì chắc chắn là nó đã xin lỗi Thiên Chúa từ lâu rồi.

     Người Ki-tô hữu là người tự trọng nên không muốn làm việc gì trái với lương tâm, nhìn một hình ảnh lố lăng thì đỏ mặt, coi một cuộn phim đồi trụy lại càng đỏ mặt xấu hổ hơn, và càng không thích nghe hoặc nói những lời xấu hổ trâng tráo...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Dương Tu ăn bơ

DƯƠNG TU ĂN BƠ
 
 

     Thời Tam quốc, Dương Tu chủ bộ của Tào Tháo là người rất thông minh.

     Có một lần, Tào Tháo viết ba chữ “nhất hợp tô” trên cái hộp bơ mà ông ta rất thích ăn, Dương Tu nhìn thấy, bèn mở hộp ra và phát cho mọi người cùng ăn.

     Sau việc ấy, Tào Tháo tra hỏi, Dương Tu rất mực trịnh trọng nói:

-         “Trên hộp có viết “mỗi người một miếng bơ”, chúng tôi không dám vi phạm lệnh của thừa tướng, bèn phân nhau mà ăn hết rồi”.

Tào Tháo trong lòng không vui vẻ, nhưng lại không còn lời để nói.
(Hậu Hán thư)

Suy tư:

     Có người được ông thị trưởng thành phố mời đi dự tiệc cưới của con gái thì hãnh diện đi khoe khắp cả đầu làng cuối chợ; có người được sắp xếp ngồi ăn đồng bàn với cha sở thì cảm thấy...oai vô cùng.

     Nhưng có những người Ki-tô hữu được mời đi tham dự tiệc Chiên Thiên Chúa thì lại từ chối, khước từ, vì bận đi nhậu bia ôm với bạn bè; có những tín hữu vừa mới tham dự thánh lễ xong, ra khỏi cổng nhà thờ liền nói tục chửi thề toáng cả lên vì bầy gà của người hàng xóm qua kiếm ăn bên vườn nhà của họ. Những người tín hữu này họ coi việc rước Thánh Thể như là ăn một cái bánh quy nho nhỏ, ăn lấy lòng kẻo sợ người ta nói mình đi lễ mà không rước lễ thì quê lắm.

     Thời vua chúa phong kiến “vua cho sống thì sống, vua bắt chết thì phải chết”, bởi vì vua là con trời.

Nhưng Thiên Chúa thì không phải như thế, Ngài không muốn chúng ta phải chết, Ngài muốn chúng ta được sống và sống dồi dào, do đó mà Ngài muốn chúng ta ăn Bánh Hằng Sống để được sự sống đời đời, tại sao chúng ta lại từ chối, khước từ chứ ?

     Thánh Gioan Bốt-cô nói:“Ai không thiết tha đến việc rước Thánh Thể là dấu chỉ người ấy sẽ mất linh hồn”.

     Đáng sợ thay !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư