Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

Chúa nhật 13 thường niên



CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 9, 51-62.

“Đức Giê-su nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem. Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”.

Bạn thân mến,

Có rất nhiều người xin đi theo làm môn đệ Đức Chúa Giê-su, nhưng họ vẫn còn xin trở về để giải quyết việc riêng tư của mình cũng như của gia đình, đây không phải là việc xấu nhưng là việc của những người thế gian, đây không phải là việc đáng trách nhưng là cái tâm lo lắng của con người, với đoạn Tin Mừng này, tôi chia sẻ với anh chị em về kinh nghiệm theo Đức Chúa Giê-su của mình:

1.          Đức Chúa Giê-su mời gọi tôi đi làm môn đệ của Ngài, Ngài gọi tôi và tôi đã xác định đó là tiếng nói của Ngài trong cuộc sống của tôi nên tôi đã đi theo, nhưng trên đường đi tôi gặp rất nhiều tiếng gọi khác đó là tiếng gọi của bạn bè kêu tôi đi với họ để ăn chơi hưởng lạc; đó là tiếng gọi của tiền bạc kêu tôi đi theo nó để được sung sướng no ấm thân xác; đó là tiếng gọi tình cảm tự nhiên của con người mà lắm lúc tưởng chừng tôi đã nghe theo. Tất cả những tiếng gọi ấy đã át mất tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su trong lòng tôi, thế nhưng Ngài vẫn đợi chờ và thỉnh thoảng gọi lớn tiếng để thức tỉnh tôi đang phân vân với những tiếng gọi khác, thế là tôi phải chọn lựa giữa hai tiếng gọi: tiếng gọi của thế gian và tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su.

2.          Nhiều tháng ngày tôi thao thức giữa hai tiếng gọi này và lắm lúc tôi tự biện hộ rằng, theo Chúa cũng được mà theo thế gian cũng được, miễn là tôi sống đạo tốt lành giữa đời. Ý nghĩ biện hộ này như con dao hai lưỡi làm tôi sực tỉnh: theo thế gian nhưng sống đạo tốt lành thì chưa thấy vì nó đang ở trong thì tương lai, nhưng ơn gọi tu trì vẫn cứ thôi thúc mỗi ngày một lớn, thế là tôi phớt lờ tiếng gọi của bạn bè, tiền bạc vật chất và của tình cảm mà bước theo Chúa…    

Đi theo Đức Chúa Giê-su là một cuộc chiến đấu lâu dài với những ham muốn của cá nhân, nhưng cuộc chiến đấu này hứa hẹn một cuộc toàn thắng rất hạnh phúc, mà chỉ có những ai quyết tâm theo Ngài mới cảm nghiệm được.

Bạn thân mến,

Tôi theo Đức Chúa Giê-su để làm môn đệ của Ngài trong thiên chức linh mục, bạn được Đức Chúa Giê-su mời gọi làm môn đệ của Ngài trong đời sống tín hữu, tuy khác nhau về ơn gọi nhưng tôi và bạn có một điểm chung, đó là chúng ta đều được Đức Chúa Giê-su kêu gọi để làm chứng nhân cho Ngài ở trần gian này.

Mỗi ngày trong cuộc sống, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng cho tình thương của Ngài đối với nhân loại. Ngài đã chọn tôi, chọn bạn để loan báo sứ điệp yêu thương này giữa thế gian, bằng chính cuộc sống bác ái và phục vụ của mình.

Xin Thiên Chúa đừng để một ai trong chúng ta viện nhiều lý do để từ chối lời kêu gọi của Ngài, dù lý do ấy rất hợp lý, nhưng xin Chúa ban cho chúng ta hiểu được rằng, lời kêu gọi của Ngài càng hợp lý hơn và có ích hơn cho bạn và tôi và tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

----------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su

 


LỄ THÁNH TÂM ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

 

Tin mừng : Lc 15, 3-7

“Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”.

 

Bạn thân mến,

Mỗi thứ sáu đầu tháng chúng ta có thói quen tốt lành là dâng thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su cách đặc biệt, đó chính là một bằng chứng cho biết rằng, chúng ta rất yêu mến Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, hôm nay, hiệp cùng Giáo Hội trên hoàn cầu long trọng mừng lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su với hai ý nghĩa sau đây :

1.      Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su là nơi chúng ta học tập yêu thương.

Trong suy nghĩ của người buôn bán, thì không ai dại gì làm tiệc đãi khách sau khi tìm lại con chiên lạc, bởi vì số tiền làm tiệc đãi khách nhiều hơn giá tiền một con chiên nhiều lần; cũng không ai ngu gì bỏ lại chín mươi chín con chiên để vượt bao nguy hiểm tìm con chiên lạc đàn, bởi như thế là không được khôn ngoan cho lắm…

Thiên Chúa không phải là người buôn bán, Ngài cũng không phải là người ngu, nhưng Ngài chính là Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng. Ngài có thể bỏ mất một con người, một linh hồn để sáng tạo thêm nhiều người khác đẹp hơn và dễ thương hơn bạn và tôi nhiều, nhưng Ngài đã không làm thế vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, tình yêu này được thể hiện qua việc Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su đã xuống thế làm người, chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại tỗi lỗi.

Qua dụ ngôn “con chiên lạc” này, Đức Chúa Giê-su đã tỏ lộ trái tim yêu thương của Ngài ra cho chúng ta thấy rằng, Ngài sẵn sàng bỏ tất cả -ngay cả mạng sống của mình- để yêu thương và cứu chuộc chúng ta, nơi trái tim này ngập tràn lửa yêu mến nhân loại tội lỗi, nơi trái tim này không một ai có thể dửng dưng nguội lạnh, những tâm hồn khiêm tốn đều muốn đến ẩn núp trong trái tim của Ngài. Nơi trái tim yêu thương của Đức Chúa Giê-su, chúng ta thấy được bài học yêu thương gía trị ngàn đời mà Ngài đã nêu gương cho chúng ta: chết cho người tội lỗi để họ được sống và sống đời đời.

Không ai có thể nói lời yêu thương chân thành được với tha nhân, nếu họ không được lửa yêu mến từ trái tim của Đức Chúa Giê-su nung nấu tâm hồn họ, và cũng chẳng ai đành lòng ghét bỏ anh em chị em mình, khi mà lòng họ đầy tràn tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

2.      Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su là nguồn mạch của sức mạnh, nâng đỡ và thánh hóa các linh mục.

Đức Chúa Giê-su là linh mục đời đời, nơi Ngài sứ mạng cứu chuộc nhân loại đã hoàn tất nhưng chưa kết thúc, bởi vì sứ mạng này đang được Ngài trao phó cho Giáo hội qua các linh mục, với sự đặt tay của giám mục để các linh mục được trở nên Chúa Ki-tô thứ hai, để tiếp tục chương trình cứu độ của Ngài ở trần gian.

Không một linh mục nào mà không yêu mến Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, không một linh mục nào mà không kêu mời người ta yêu mến Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, cho nên chính các linh mục là mẫu gương của sự tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa Đức Giê-su nơi người tín hữu, mà Thiên Chúa đã giao phó cho các ngài coi sóc.

Thời nay có một số ít linh mục làm cho một số người –trong đó có cả giáo dân- không thích linh mục, có nhiều người nhìn các linh mục bằng ánh mắt hoài nghi và không mấy thiện cảm, vì có những linh mục đã không sống đúng với thiên chức mà họ đã lãnh nhận. Người ta đòi hỏi các linh mục hôm nay phải hoàn thiện như Thầy chí thánh là Đức Chúa Giê-su, người ta muốn linh mục thật sự là Đức Ki-tô thứ hai, luôn là người phản ảnh lại khuôn mặt dịu dàng và tâm hồn nhân hậu của Đức Chúa Giê-su… Sự đòi hỏi của họ là chính đáng giữa một xã hội tục hóa hôm nay, sự đòi hỏi các linh mục phải trở nên thánh thiện thúc bách các tín hữu phải lên tiếng, để không những cá nhân linh mục mà ngay cả cộng đoàn giáo xứ, cũng trở nên thánh thiện như ý Thiên Chúa muốn…

Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su là nguồn mạch sự thánh thiện của các linh mục, chính nơi Thánh Tâm này các linh mục học hỏi được thế nào là yêu mến, thế nào là phục vụ cho đến chết vì đàn chiên của mình như Đức Chúa Giê-su đã làm…   

Bạn thân mến,

Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su luôn mời gọi chúng ta hãy học với Ngài sự hiền lành và khiêm tốn trong lòng, bởi vì chỉ có những ai hiền lành và khiêm tốn mới thật sự là anh em chị em của mọi người, và tình yêu của Đức Chúa Giê-su được thể hiện qua sự phục vụ và yêu mến tha nhân cách quảng đại của họ.

Trong dịp này, chúng ta cũng dâng gia đình và họ đạo của mình cho Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, để Ngài luôn ngự trị và dùng lửa yêu mến của Ngài sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh của chúng ta, để mỗi người trong chúng ta biết đem lửa yêu mến này ra đi sưởi ấm tha nhân…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Lễ thánh Gioan Tẩy Giả

 


LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

 

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80

“Tên cháu là Gio-an”

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”[1]. Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1.      Cương trực và công chính.

Trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.

Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.

Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng giữa trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2.      Khiêm tốn tự hạ.

Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi theo làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian là Đức Chúa Giê-su, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.

Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11). Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Anh chị em thân mến,

Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua  Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả là biết can đảm trước mọi thử thách khó khăn xảy đến cho mình, và biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với tất cả ân sủng của Chúa ban cho, và nhất là biết luôn trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 11, 11a.

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


58.   ĐÀN CỔ QUÝ BÁU

Công Chi Kiều dùng gỗ cây ngô đồng làm một cái đàn thân dài, và tự cho rằng nó là nhạc khí tốt nhất trên thế gian, bèn cầm đi dâng cúng cho triều đình, nhưng viên quan coi về nhạc nói nó không phải là cây đàn cổ nên trả lại cho chủ nhân.

Công Chi Kiều không chịu, bèn kêu người đến vẽ một vài hoa văn kiểu phong cách cổ xưa trên cây đàn, lại còn viết thêm vài chữ cổ và làm cái tráp bỏ đàn bên trong rồi đem chôn dưới đất.

Một năm sau, đào cái đàn lên và ôm đến chợ để bán, có một quan lớn mua với giá một trăm lượng vàng và đem về dâng cho triều đình. Đến cửa nhà quan coi nhạc thì từng người từng người chuyền nhau coi cái đàn, tất cả đều tán tụng cái đàn là loại tuyệt hảo hết ý:

-         “Tuyệt, tuyệt, đây đúng là cái đàn quý báu có một không hai trên thế gian !”

                                                                                     (Úc Ly tử)

 

Suy tư 58:

        Có một lần, nhà dòng nữ nọ có thánh lễ và nghi thức vào Nhà Tập của các tuyển sinh, tôi phụ trách chụp hình, khi rửa hình thì có hình xấu và có hình đẹp, tôi bèn đem các hình xấu đưa cho các Sơ coi trước để coi họ phản ứng như thế nào ? Và họ đã chê hơn cả tôi dự đoán, chê không còn gì để chê, chê hết lời và còn bỉu môi nữa là khác, hai tuần sau tôi gởi đến cho họ những tấm hình đẹp, họ khen cũng hết lời và tâng bốc tôi lên tận...mây xanh...

        Con người là như thế, cái gì không có lợi cho mình thì tất cả đều là xấu, cái gì có lợi cho cá nhân mình thì đều tốt, dù người đó là các nữ tu đã từ chối sắc đẹp hồng trần, khước từ những thỏi son phấn để khoát lên mình bộ tu phục thánh thiện dễ thương, cũng không thoát khỏi cái sân si của người đời.

        Cũng cái đàn không có giá trị ấy, bây giờ chỉ làm cho nó cũ đi và viết vài chữ cổ vô nghĩa trên thân đàn mà giá trị tăng lên gấp cả trăm lần, đúng là tâm tánh của con người.

        Đừng để tâm hồn của mình tốt xấu theo vật chất, nhưng bắt vật chất tốt xấu theo tâm hồn của mình, nghĩa là với một tâm hồn lương thiện hiền hoà, thì dù cho mấy tấm hình có xấu cũng sẽ thành đẹp, vì chúng ta không nhìn đẹp xấu nơi tấm hình mà là nơi tâm hồn của người đã hết lòng vì chúng ta.

“Chân lý” này ai cũng biết, nhưng ít người thấu đáo lẽ hơn thiệt của nó, bởi vì cái tôi của chúng ta vẫn còn quá lớn, lớn hơn cả đức ái của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


57. ĐỐT CHUỘT HUỶ LỀU

Ở Việt Tây có một anh chàng độc thân, ở đó có mấy con chuột ban ngày nhảy lung tung trong nhà, ban đêm thì cắn đồ vật kêu lạo xạo lạo xạo, ồn ào chịu không nỗi, anh ta rất bực mình. Một hôm anh ta uống say tỉ bỉ, vừa nằm kê đầu trên gối thì lũ chuột xuất đầu lộ diện bày đủ trò khiến anh ta không thể nhắm mắt được chút xíu.

        Anh ta bèn nổi giận liền cầm mồi lửa đốt chung quanh nhà, quả nhiên lũ chuột bị cháy chết, nhưng cái “túp lều cỏ” của anh ta cũng bị cháy rụi luôn.                               

(Cửu Môn Tử Ngưng  Đạo ký)

 

Suy tư 57:

        Nóng giận cộng thêm với say rượu thì đốt chuột cháy nhà mình chỉ là chuyện...nhỏ, bởi vì đối tượng chỉ là mấy con chuột nhắt, nhưng nếu đối tượng là con người thì án mạng chắc chắn là phải xảy ra và trở thành chuyện lớn.

         Thiên Chúa không đem cái nóng giận bỏ vào trong con người, nhưng từ khi con người phạm tội thì hình như tất cả vạn vật đều quay lưng lại với con người, và con người trở nên nóng nảy, gắt gỏng vì đã mất tất cả mọi thứ mà Thiên Chúa đã ban cho họ: ân sủng và bình an.

        “Giận cá chém thớt” là hành vi của người có tâm tính nhỏ mọn; ”đốt chuột huỷ lều” là việc làm của người suy nghĩ nông cạn; nhưng “khiêm tốn phục vụ” là việc làm của người có một tâm hồn bình an và yêu thương của Thiên Chúa.

        Người Ki-tô hữu nhất định là không thích “giận cá chém thớt, càng không muốn “đốt chuột huỷ lều”, nhưng cái mà họ mong muốn tìm kiếm trong cuộc sống chính là khiêm tốn hòa nhã phục vụ Chúa trong tha nhân.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


56.   DANH THỦ CHẾ TIỄN (mũi tên)

Có một người đã nhiều năm chế tạo mũi tên, nhưng cái mũi tên không được thẳng, lông đuôi mũi tên nặng nhẹ không đều, đầu mũi tên cùn chứ không nhọn, nhưng ông ta cứ cho rằng kỹ thuật chế tạo cung tên của mình thâm sâu như danh thủ Mâu Di, thế là ông ta kiêu ngạo tự mãn.

        Có người cố ý khen ông ta rằng, không có mũi tên nào có thể qua mặt được mũi tên do ông ta chế tạo, người ấy càng thêm đắc chí.

        Một hôm, có một tướng quân qua đường, nhìn thấy ông ta làm mũi tên, thì không nói lời nào, chỉ nhổ một bãi nước bọt và bỏ đi. Người ấy nghĩ rằng viên tướng kia ghét mình, thế là bèn đi nói với mọi người:

-         “Ông tướng này cũng lạnh lùng tàn nhẫn quá quắt, ai cũng nói tôi là người chế tạo mũi tên rất chuẩn, vượt qua cả thời Tần Hán, vậy mà ông ta lại không nghĩ như vậy, đó không phải là ghen ghét sao ?”

                                                         (Cửu Môn Tử Ngưng Đạo kí)

 

Suy tư 56:

        Mũi tên là một đoạn tre cứng (hoặc thép) ngắn và thẳng, phía trước mũi tên được bọc bằng sắt nhọn có hai ngạnh để xuyên qua dễ dàng nhưng kéo ra thì khó và nguy hiểm, phía sau có gắn một vài cái lông chim hoặc lông gà để đường đi của mũi tên được thẳng và chuẩn xác.

        Người chính trực ngay thẳng thì đời sống của họ giống như một mũi tên thẳng, phía trước họ là Lời Chúa như con dao hai lưỡi -làm cho họ sống và cũng có thể làm cho họ chết- dẫn dường, phía sau họ có các bí tích như động cơ thúc đẩy họ tiến lên phía trước, thăng tiến mình và tha nhân để trở nên những người Ki-tô hữu tốt lành giữa trần gian.

        Nếu người Ki-tô hữu không trang bị cho mình bằng Lời Chúa và các bí tích, thì họ giống như một mũi tên cong luôn đi trệch đường và làm hại nhiều người bằng các việc làm không mấy tốt đẹp của mình, và như thế họ chỉ là những người tối ngày phê bình kẻ khác, nói xấu anh em chị em, moi móc các khuyết điểm của người khác để hạ bệ và bêu xấu...

        Thiên Chúa có thể làm cho mũi tên cong trở thành mũi tên thẳng nếu chúng ta biết khiêm tốn đặt mình trong tay Ngài, và ma quỷ cũng có thế làm cho mũi tên thẳng –là chúng ta- trở thành những mũi tên cong, nếu chúng ta có đời sống kiêu ngạo hợm hỉnh với tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)