Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Chúa nhật 5 thường niên

 




CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Mt 5, 13-16.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.

 

Anh chị em thân mến,

Người Ki-tô hữu được gọi là ánh sáng cho đời và là muối ướp đời, bởi vì chính những người Ki-tô hữu –qua bí tích Rửa Tội- đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su, đó là cùng chết cho tội lỗi và cùng sống lại với Ngài.

Đốt đèn lên thì đặt trên cao để soi sáng cho cả nhà, và nhờ có ánh sáng mà người ta mới nhìn thấy mọi sự để hoàn tất công việc mình đang làm, cũng như mới có thể thấy đường mà đi, đó là một sự thật mà ai cũng biết.

1.      Ánh sáng chính là hành động bác ái.

Người Ki-tô hữu là ánh sáng cho đời khi chúng ta biết hành động theo lương tâm, và hết lòng yêu mến tha nhân trong cuộc sống của mình, chúng ta không đốt đèn rồi đội trên đầu để chiếu sáng mọi người, nhưng chúng ta thắp đèn bằng lửa yêu mến của Đức Chúa Giê-su ở trong lòng chúng ta, rồi từ tấm lòng nhân hậu ấy mà mọi hành động và thái độ của chúng ta khi tiếp xúc trò chuyện với tha nhân, chính là ngọn đèn sáng chiếu soi cho mọi người thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời.

Có nhiều loại ánh sáng: ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời và ánh sáng của các vì sao; có loại ánh sáng bằng đèn điện cũng như có loại ánh sáng bằng đèn dầu, nhưng tất cả những loại ánh sáng ấy được sáng lên theo thời theo gian của ban ngày hoặc ban đêm. Nhưng ánh sáng phát xuất từ tâm hồn của người Ki-tô hữu thì không phân biệt ngày đêm, giàu nghèo, thời tiết lạnh nóng.v.v... bất kỳ ở đâu và lúc nào, thì người Ki-tô hữu cũng có thể chiếu sáng tinh thần Phúc Âm cho mọi người thấy, để qua ánh sáng là việc làm bác ái cụ thể ấy, mà người ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Ngài trên con người chúng ta...

2.      Muối là bảo quản và chữa thương.

Muối cũng vậy, rất cần thiết cho thân thể của con người, cũng như rất cần thiết cho việc bảo quản thịt cá tươi, bởi vì nó mặn.

Người Ki-tô hữu chúng ta không chỉ là muối ướp cho tình cảm giữa người với nhau thêm mặn nồng, nhưng còn có bổn phận bảo quản gìn giữ những tình cảm ấy ngày càng gắn chặt hơn, bởi vì sẽ không có gì bảo đảm cho một tình cảm, nếu không có sự chân thành và sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa.

Muối thì rất mặn, và vì mặn nên mới có thể giữ cho thịt cá được tươi, cuộc sống của người Ki-tô hữu vốn là bác ái và phục vụ, tức là muối mặn vừa giữ cho tình cảm giữa người với nhau được đầm ấm, vừa là rửa sạch vết thương lòng của tha nhân khi họ bị người khác hiểu lầm, vu cáo, hãm hại. Là mẫu gương làm cho người tội lỗi phải xét lại đời sống phóng túng của mình, bởi vì đời sống yêu thương và phục vụ của người Ki-tô hữu chính là muối xát mạnh rát tận tâm hồn của họ.

Anh chị em thân mến,

Ở đời, ai cũng mong được làm lãnh đạo chỉ huy người khác, nhưng ít người muốn trở thành ánh sáng và muối cho tha nhân, bởi vì ai cũng thích ánh sáng nhưng không thích làm ánh sáng, ai cũng thích ăn thịt cá tươi ngon nhưng không ai muốn làm muối ướp đời...

Chúng ta là Ki-tô hữu, nghe theo lời của Đức Chúa Giê-su dạy bảo, chúng ta phải trở nên ánh sáng cho đời và nên muối mặn ướp tình tha nhân, bằng chính cuộc sống bác ái, hy sinh và phục vụ của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


11.   ĐI CỬA SAU

Một người bạn tìm được Tô Đông Pha đang làm quan ở triều đình, nói với ông ta xin cho mình làm quan. Tô Đông Pha bèn kể một câu chuyện:

-         “Có một tên đào mả trộm, một đêm nọ đi đào một cái mộ, thì thấy một người thân đầy hào quang đang ngồi nói với hắn: ta là Vương Dương Tôn của Hán triều, là người chủ trương chôn phần dưới loả thể nên không có gì để cho ngươi.”

Tên trộm ấy lại đi đào cái mộ khác, bên trong là một hoàng đế đang ngồi, nói: “Ta là Hán Văn đế, theo lời ta di chúc thì chỉ chôn theo ta một vài cái bình vài cái hộp, đối với ngươi thì có gì là hữu dụng chứ ?”

Tên trộm không cam tâm, bèn đào thêm cái mộ khác, bên trong là một người khô queo, có sinh khí mà không có lực, nói: “Ta là Bá Di chết đói ở núi Thú Dương, nên không có gì để tiếp tế cho ngươi.”

Tên trộm thở dài một hơi, lại muốn đào thêm cái mộ kế bên, Bá Di nói: “Đó là mộ em của ta tên là Thúc Tế, cũng giống như ta vậy.”

Người bạn ấy nghe xong câu chuyện, biết điều liền cáo từ.

                                                                                (Hài ngữ)

 

Suy tư 11:

        Trong cuộc sống, con người ta thường có những quan hệ với nhau: quan hệ huyết tộc, quan hệ họ hàng xa họ hàng gần, quan hệ làm ăn, quan hệ bạn bè, quan hệ đồng hương, quan hệ họ hàng linh tông.v.v...

        Người đời dựa vào quan hệ họ hàng bạn bè của nhau để xin xỏ này nọ, mà không nghỉ đến năng lực cá nhân mình có thể làm được không, họ cũng không nghĩ đến người mà mình có quan hệ họ hàng ấy, bạn bè ấy có nỗi khổ tâm của họ...

Giữa người Ki-tô hữu với nhau có một quan hệ rất thần thiêng, đó là quan hệ trong đức tin nhờ bí tích Rửa Tội, mối quan hệ này làm cho họ trở nên gần gũi nhau hơn trong lời cầu nguyện, trong việc bác ái, trong công tác phục vụ và trong cuộc sống đời thường.

        Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được nối dài với nhân loại qua Đức Ki-tô, và nhờ sự quan hệ này mà nhân loại chúng ta được ơn cứu độ của Thiên Chúa, cho nên, dù bất cứ đi đâu, ở đâu, làm gì, nếu ở đó có người Ki-tô hữu là trong tâm hồn của chúng ta dấy lên một sự an ủi và cảm thấy gần gủi, bởi vì chúng ta gặp được người anh em chị em của mình trong Đức Ki-tô, đó không phải là mối quan hệ thần thánh hay sao ?

        Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người Ki-tô hữu đem mối quan hệ này trãi rộng ra trong cuộc sống với tất cả mọi người bất kể lương giáo, bởi vì qua thấy sự quan hệ thân tình này mà người ta nhận ra được Chúa đang ở trong chúng ta.

Đó cũng là một cách truyền giáo vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


10.   BẮT LẠI CHÂU CHẤU

Lúc Tiền Mục Bộ làm huyện lệnh ở Như Cao, thì trời u ám và có loạn châu chấu.

Huyện kế bên là Thái Hưng cũng có rất nhiều châu chấu, nhưng huyện lệnh lại báo cáo láo về tình trạng ấy với thượng cấp: “Trong huyện của tôi không có châu chấu.”

Thượng cấp không tin, đích thân đi đến huyện Thái Hưng xem xét tại chỗ, phát hiện có rất nhiều châu chấu, lập tức nghiêm khắc hỏi huyện lệnh thì huyện lệnh lại biện luận nói:

-         “Trước đây bổn huyện không có châu chấu, đó là châu chấu ở bên huyện Như Cao bay lại đấy chứ.”

Tiếp theo đó, thượng cấp bèn phái người cầm công văn của quan phủ thông tri cho huyện lệnh Như Cao, yêu cầu họ nổ lực gia tăng bắt giết châu chấu, không để cho chúng nó xâm nhập vào huyện bên cạnh.

Tiền Mục Bộ coi công văn xong, liền viết bên dưới phần trống của công văn:

-         “Châu chấu là do thiên tai chứ không phải là do bổn huyện bất tài, mặc dù quý vị nói châu chấu từ bổn huyện bay qua thì xin quý huyện bắt lại giùm, xin đa tạ.”

                                                                                (Hài ngữ)

 

Suy tư 10:

        Thiên tai tức là tai nạn do trời mà đến, địa chấn là tai hoạ do đất mà ra, nhân hoạ là tai hoạ do người mà có, nhưng trong ba cái tai hoạ này thì cái đáng sợ nhất chính là nhân hoạ, tức là tai hoạ do con người chủ mưu mà có. Thiên tai không nhắm vào một cá nhân nào, địa chấn cũng không vì một người nào, nhưng nhân hoạ là có mục đích rõ ràng của người gây tai hoạ.

        Con người ta tức nhau vì một...tiếng gáy, tức là tranh nhau từng cái nhỏ mọn không xứng đáng.

        Có người vì thấy đồng sự làm việc trội hơn mình nên tức khí đi nói xấu và tìm khuyết điểm của họ để tâu với thượng cấp: nhân hoạ.

        Có người không thích người khác giỏi hơn mình, nên đi tìm cách hạ bệ anh em trong bóng tối: nhân hoạ.

        Có người thấy gia đình hàng xóm làm ăn phát đạt, máu ganh tức nổi lên, nên âm thầm đi tố cáo với chính quyền về những chuyện không đáng gì của họ: nhân hoạ.

        Con người ta càng có trí thức thì cái hoạ do họ gây ra càng lớn hơn, nhưng người lâu nay có tiếng là đạo đức mà gây ra tai hoạ thì hậu quả càng khủng khiếp hơn quả bom nguyên tử nhiều lần: nó làm chết linh hồn người ta.

        Nhân họa là do lòng dạ thâm hiểm mà ra, nhân họa cũng là do lòng kiêu ngạo mà ra’, là do ghen ghét, ích kỷ, thù hận mà có.v.v...Tóm lại, nhân họa là vì trong tâm hồn không có tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9.     CÁI CHĂN TRÊN MẶT

Có một anh học trò nhà rất nghèo, ngủ cũng không có chăn đắp, chỉ dùng chiếu cỏ che thân.

Nhưng chiếu cỏ vừa nhỏ vừa hẹp, che thân trên thì thân dưới lộ ra, anh ta cảm thấy nếu mà để lộ chân thì chi bằng để lộ tay, và còn nói với người bên cạnh rằng:

-         “Anh coi, chúng ta là những người đọc sách thường không rời bút nghiên, dù cho khi chúng ta ngủ thì những ngón tay giống như cây bút lộ ra bên ngoài nè.”

Mọi người không tin, bèn hỏi con trai của anh ta:

-      “Nhà mày khi ngủ thì đắp bằng cái gì ?

Đứa con của anh ta thật thà nói:

-      “Chiếu cỏ”.

Anh học trò biết được thì nổi cơn lôi đình đánh thằng con một trận, và dặn dò nó:

-         “Lần sau nếu ai có hỏi thì mày chỉ được phép nói là đắp chăn, không được phép nói cái gì khác, nghe chưa ?”

Một hôm, anh ta từ trong buồng ngủ đi ra tiếp khách, đứa con thấy trên râu của anh ta có dính một cọng cói, bèn chạy theo sau lưng mà nói:

-      “B, b, b lấy cái chăn trên mặt xuống !”                                                             (Hài ngữ)

 

Suy tư 9:

        Việc trước tiên mà trẻ em học được trong gia đình chính là yêu thương, không một nơi nào trên mặt đất có thể trở thành tổ ấm yêu thương của các em cho bằng gia đình -dù cho gia đình nghèo chỉ có chái nhà là một mái tranh- bởi vì trong gia đình ấy có sự yêu thương của cha của mẹ và của anh chị em.

        Việc thứ hai mà các trẻ em học được nơi gia đình mình chính là biết phục vụ lẫn nhau giữa các thành vên trong gia đình, cha mẹ nói con nghe, anh chị nói em nghe, tất cả đều chỉ có chung một mục đích đó là hạnh phúc gia đình, đó chính là sự quan tâm và phục vụ nhau vậy.

        Nhưng gia đình cũng sẽ là một nhà tù giam lỏng trẻ em khi mà các thành viên trong gia đình không còn yêu thương nhau nữa, mà cái làm cho tình thương chấp cánh bay xa chính là những người trong gia đình không còn tin tưởng lẫn nhau, tức là mọi người tìm cách nói dối nhau và dạy nhau nói dối...

Theo các nhà đạo đức học, con nít biết nói láo và nói láo nhiều là do người lớn trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ dạy cho nó. Trực tiếp dạy con nói láo là như anh học trò nhà nghèo trên đây, gián tiếp dạy con nói láo là cha mẹ hoặc người lớn làm gương xấu, hay nói láo trước mặt trẻ con...

Như một lổ hổng bị xói mòn nơi bờ đê, lâu ngày sẽ làm cho bờ đê vở toang vô phương cứu chữa và tai hại khó lường được. Cũng vậy, nói dối cũng sẽ làm cho gia đình tan nát vô phương hàn gắn nếu chúng ta –những người làm cha mẹ- không thành thật với nhau và thường nói láo trước mặt con cái của mình.

Muốn con cái sống thành thật, thì cha mẹ và những người lớn trong gia đình phải sống thành thật trước tiên...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


8.     CÓ ĐI KHÔNG VỀ

Tôn Lương Nho đảm nhiệm chức quan tuần hành.

Hồi ấy người ta vô ra kinh thành thì đa số thường thuê xe ngựa, người đánh xe ngựa lúc ra giá thì nhất định phải hỏi trước: “Chỉ đi, hay đi rồi còn trở lại ?”  bởi vì nếu ngồi xe ngựa vừa đi vừa trở lại thì tiền xe sẽ cao gấp đôi hơn là chỉ đi mà không trở lại.

Một hôm, Tôn Lương Nho phải áp tải tội phạm đi chém đầu, bèn thuê một xe ngựa đi trước, người đánh xe ngựa hỏi:

-      “Quan nhân đi đến chỗ nào ?”

Lương Nho trả lời:

-      “Đến pháp trường”.

Người đánh xe ngựa chỉ tên tội phạm hỏi:

-      “Ông này chỉ có đi hay là sẽ trở về ?”

Người ở đó nghe được đều cười lên !                                                                                                       (Hài ngữ)

 

Suy tư 8:

        Các tội phạm như giết người, hãm hiếp, cướp của là những tội nặng tử hình thì thường có đi mà không có về, bởi vì đó là cái hậu quả việc làm bất chính của họ, và người ta sẽ quên lãng họ...

        Các thánh tử đạo của người Công Giáo là những người có đi và có về: họ đi ra pháp trường để về lại quê thật của mình trên thiên đàng; họ đi lên đoạn đầu đài để trở về trong tâm hồn của những người công chính, những người cùng mang một niềm tin như họ, họ đi và họ về bằng giá máu của chính mình cùng với máu của Con Chiên là Đức Chúa Giê-su.

        Người Ki-tô hữu hôm nay cũng có đi và có về, họ không đi ra pháp trường nhưng là đi đến nơi công sở của họ để loan báo Tin Mừng bằng chính việc làm của họ; họ không đi lên đoạn đầu đài nhưng là đi vào siêu thị, chợ búa để giới thiệu Thiên Chúa tình yêu cho mọi người biết bằng thái độ vui tươi hoà nhã của họ.

Họ đi và họ về, nơi về của họ là cung lòng tình yêu của Thiên Chúa, nơi về của họ chính là niềm vui phó thác cho Đấng đã sai họ đi, và nơi về của họ chính là những tấm lòng rộng mở của những người đã được họ phục vụ như phục vụ Đức Chúa Giê-su...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


7.     CÂN NHẮC THÊM NƯỚC

Một anh học trò giàu và một anh học trò nghèo cả hai là người hàng xóm của nhau.

Một hôm, cả hai người ngồi trước cửa trò chuyện tiêu khiển, vợ của anh học trò giàu sai đứa con đến nói:

-         “Đồ nấu trong nồi đã nấu chín rồi, bây giờ phải làm sao nữa ?”

Anh học trò giàu nói:

-         “Con coi tình huống thế nào mà thêm nước vào”.

Té ra là họ đang chuẩn bị làm thịt cừu non, tiện cho việc dùng rượu.

Một lúc sau, vợ anh học trò nhà nghèo cũng sai đứa con đến báo cáo:

-         “Thức ăn trong nồi nấu chín rồi, bây giờ phải làm như thế nào ?”

Anh học trò nghèo cũng nói:

-      “Coi tình huống mà thêm nước vào”.

Con trai vỗ vỗ hai tay cười nói:

-         “Như vậy thì nó biến thành thức ăn của ngựa sao ?”

                                                                                (Hài ngữ)

 

Suy tư 7:

        Trong xã hội Việt Nam ngày nay, người ta thường có lời nói sau đây để giải quyết vấn đề nan giải: “Coi tình trạng như thế nào mà xử lý, coi đến đâu xử lý đến đó ?”

        Coi tức là nhìn thấy, nhìn thấy mới cân nhắc xử lý, không nhìn thấy thì không thể nào xử lý được.

        Có người xử lý theo cửa quyền, tức là chỉ nghe báo cáo mà xử lý, cho nên có một vài “công trình thế kỷ” xuống cấp sau một tháng sử dụng; có người xử lý theo kiểu tình cảm đặc quyền, cho nên có những dự án mới khởi công chưa đến ba tháng thì vật tư thiếu phải đợi và công nhân thất nghiệp ngồi chơi xơi nước mà sống; có người xử lý vì ăn tham ô nên cứ đặt bút ký đại để công ty này khai thác đất, công ty nọ khai thác đá làm ô nhiễm đến đời sống nhân dân...

“Coi tình huống” và “nghe tình huống” thì không giống nhau, cho nên có thể nói: “coi tình huống” thì sống mà “nghe tình huống” thì chết vậy.

        Đời sống của người Ki-tô hữu thì luôn luôn “coi tình huống”: khi gặp sự việc xảy ra ngoài ý muốn thì họ coi tình huống này có phù hợp với tinh thần Phúc Âm không; khi gặp sự vui thì họ coi tình huống này là ý Chúa muốn cái gì nơi họ; khi gặp chống đối và bách hại thì họ coi tình huống này thật có Thiên Chúa đồng hành với họ nên họ an vui đi theo tình huống mà không sợ hãi hay thất vọng.

        Coi tình huống cũng là một cách nhìn nhận Thiên Chúa đang hoạt động trong vũ trụ, nơi con người anh em chị em, nơi mọi sự việc của con người, cho nên có thể nói là biết coi tình huống là làm cho đức tin của mình ngày càng lớn lên vậy.

        Nhưng cũng có những lúc “coi tình huống” mà không có tinh thần xây dựng và bác ái, thì tình huống sẽ trở thành “thức ăn của ngựa”, tức là rối ren càng rối ren vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)