Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Chúa nhật 2 Phục Sinh

 


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH


Tin Mừng : Ga 20, 19-31
“Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ hai phục sinh, tin mừng hôm nay rất phong phú, có những sự kiện liên quan đến đức tin của chúng ta, đó là Đức Chúa Giê-su lập bí tích Giải Tội trao quyền tha tội cho các tông đồ, và câu chuyện “cứng lòng tin” của thánh Tô-ma tông đồ. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, trong chúa nhật này sẽ có rất nhiều bài chia sẻ rất hay và ý nghĩa của các linh mục về vấn đề của thánh Tô-ma và về bí tích Giải Tội cho giáo dân, do đó, tôi chỉ xin chia sẻ ngắn gọn về một vấn đề mà trong cuộc sống ai cũng tìm kiếm và mong gặp, đó là sự bình an của Thiên Chúa.
1. Bình an – Quà tặng của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh.
Những người đi xa về thường có quà tặng cho gia đình, cho người thân, bè bạn, quà tặng ấy chính là sự chia sẻ chân tình của người xa quê hương, nay về lại trong tình thương của gia đình của mọi người.
Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, niềm vui này, dù không quà tặng, cũng vẫn là niềm vui lớn lao nhất của các thánh tông đồ và của các phụ nữ đạo đức thánh thiện, niềm vui này được nhân lên gấp bội khi Đức Chúa Giê-su hiện ra với các Tông Đồ và trao ban món quà chí tình của Ngài: bình an cho các con. Vâng, sự bình an chính là quà tặng đẹp nhất, hạnh phúc nhất của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã đi vào cõi chết và đã trở lại với vinh quang của Thiên Chúa, và món quà Bình An này xứng hợp với quà tặng của một vị Thiên Chúa.
“Bình an cho các con” – khi mà tâm hồn của các tông đồ hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Đức Chúa Giê-su rất hợp thời và đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.
“Bình an cho các con” – sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng, sự bình an của người đời là giả tạo, là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy những bất an. Người ta thường chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống, người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm; người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ; người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm.v.v... tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.
Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc, bởi vì không ai đem những thứ vô giá trị làm quà tặng, nhưng phải quý và có giá trị, quà tặng của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh -sự bình an- là món quà vô giá mà Chúa ban tặng cho các tông đồ và cho chúng ta, những người tin.
“Bình an cho các con” – thế giới như đang sống trên một lò lửa – lò lửa chiến tranh, nước này đánh nước nọ, quốc gia này hù doạ quốc gia kia, tổ chức này bắt cóc lật đổ ám sát tổ chức nọ, và do đó mà thế gian chưa có bình an, cho nên sự bình an của Đức Chúa Giê-su ban tặng cho các tông đồ sau khi sống lại ấy, ngày hôm nay vẫn luôn còn giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm bình an đích thực trong cuộc sống.

2. Hoa quả của Bình An.
Có nhân thì có quả, có làm việc thì mới có mà ăn, có cày cấy mới có cơm gạo...
Có tranh chấp thì có cãi cọ và sinh ra hận thù, có ghét ghen thì sinh ra mưu mô hại người... đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết, việc lành cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó.
Hoa quả của bình an, nhưng phải là bình an của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, đó chính là yêu thương, là tha thứ, là bao dung, là quảng đại, là khiêm tốn, là nhẫn nại và nhịn nhục.v.v...
Khi trong tâm hồn chúng ta có sự bình an của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, thì chúng ta rất biết thông cảm với người làm chúng ta bực mình; khi tâm hồn của chúng ta có sự bình an của Đức Chúa Giê-su, thì chúng ta rất dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến chúng ta, chúng ta sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói, trong cử chỉ và thái độ của mình... Hoa quả của bình an là như thế, nó chính là tình yêu của Đức Chúa Ki-tô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như chính Ngài đã phục vụ, như các thánh tông đồ đã phục vụ Hội Thánh và phục vụ cho đến “hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình...” .
Anh chị em thân mến,
Bình an này, chính Đức Chúa Giê-su đã hứa với các tông đồ trong bữa tiệc ly –chiều thứ năm- trước khi đau khổ và chịu chết, Ngài hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”. Không như thế gian ban tặng có nghĩa là Ngài đem chính tinh thần của Ngài đặt vào trong tâm hồn, trong quả tim của các tông đồ, để khi các ngài sống và làm việc, thì chính sự bình an này sẽ làm cho mọi người nhận ra Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh trong con người của các tông đồ.
Con người ta ai cũng thích có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an, đó là một việc làm tốt đẹp, nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn chúng ta không có tinh thần Phục Sinh của Đức Chúa Ki-tô, tức là tinh thần tích cực đổi mới con người cũ của chúng ta.
Xin Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng đã vui mừng hoan hỉ vì con mình –Đức Chúa Giê-su- đã phục sinh, luôn ban cho chúng ta được ơn bình an của Chúa trong cuộc sống đời thường.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


49.      MỘT NGÀY PHẠM ĐẾN BA NGƯỜI

Hy Ngang thường ngày ăn nói làm việc có thể nói được là khéo léo, nhưng ngày nọ lại xúc phạm liên tiếp đến ba người.

Hôm ấy, ông ta cùng bạn là Vị Trắc bàn chuyện về các thừa tướng của đời nhà Đường ai là người vô nhân thất đức nhất, Hy Ngang nhất thời buột miệng nói sai:

-      “Vị An Thạch”. (là cha của Vị Trắc).

Lời vừa nói ra khỏi miệng thì cảm thấy mình nói sai, nên Hy Ngang xấu hổ kinh hoàng bỏ đi.

Trên đường đi thì gặp Cát Ôn, Cát Ôn thấy ông ta thần sắc không tốt thì hỏi ông ta sao vậy, Hy Ngang trong cơn hoảng loạn liền tránh tên Vị An Thạch, nói với Cát Ôn:

-      “Vừa mới cùng với thượng thư Vị nói chuyện về đời nhà Đường thừa tướng nào vô nhân thất đức nhất, tôi liền nghĩ ngay đến Cát Tu”. (Cát Tu là chú của Cát Ôn) mà tôi nói sai thành Vị An Thạch.”

Nói xong thì cảm thấy nói sai nữa nên lật đật cưỡi ngựa mà đi, đi đến trước trại phủ của thượng thư họ Phòng, Phòng thấy ông ta thất hồn như vậy thì kéo vào trong hỏi nguyên do, Hy Ngang trong lúc ảo não thì nghĩ rằng lần này sẽ không nói tên Cát Tu, Vị An Thạch nữa, do đó bèn đem người thất đức nhất là Phòng Nhung ra nói, nhưng nào ngờ Phòng Nhung chính là phụ thân của thượng thư họ Phòng!!

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 49 :

        Người vô đạo đức thì thời nào cũng có, người vô nhân thất đức thì ở đâu cũng có, và sự thất đức của họ vẫn còn làm kinh sợ cho đến hôm nay như Hitler, như Tần Thủy Hoàng.v.v... Người vô đạo đức là người không có lương tâm hoặc có lương tâm nhưng mà lương tâm đã chết, cho nên họ sống tàn ác hơn cả loài thú dữ, bởi vì thú dữ thì không ăn thịt đồng loại, nhưng người tàn ác vô nhân thất đức thì cắn xé giết hại luôn cả anh em đồng bào ruột thịt của mình để thỏa lòng tham lam độc ác của bản thân.

        Người thông minh nói mười câu thì cũng có một câu sai, người ngu dốt nói mười câu thì cũng có một câu đúng, đó là một thực tế mà trong cuộc sống chúng ta có thể thấy được. Hy Ngang là một điển hình: một ngày xúc phạm đến ba người vô tâm thất đức mặc dù ông là người ăn nói khéo léo; xúc phạm đến người độc ác vô đạo đức mà Hy Ngang sợ hãi đến phải bỏ trốn từ chỗ này đến chỗ khác mà cũng không tránh khỏi, bởi vì các thừa tướng vô đạo đức quá nhiều, huống chi là chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa.

        Mỗi ngày chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa không biết là bao nhiêu lần trong cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn cứ nhởn nhơ sống trong tội mà không biết hối lỗi ăn năn, đó là vấn đề mà mỗi người trong chúng ta cần phải suy nghĩ và tự vấn lương tâm của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


48.      ĐỀ HÌNH NGANG TÀNG

Mỗ Lộ làm đề điểm hình ngục đi đến quận nọ để thị sát kiểm kê quân đội, thấy hộ nhung[1] thâm niên công vụ đã cao, bèn chất vấn quận thú và quan tá:

-      “Hộ nhung tuổi cao như thế phải cho về hưu, tại sao lưu lại làm quân số bổ sung ?”

Quận thú và quan tá không lời đối đáp.

Hộ nhung tức giận thô lỗ ứng tiếng nói:

-      “Tôi vốn rất ghét làm chức võ quan này, chỉ là miễn cưỡng bị hạng con nít ấy bắt làm mới sung công chức vụ này, hôm nay quả nhiên bị nhục mạ.”

Đề điểm hình ngục vừa nghe thì biết là có chuyện gì đây bèn lập tức hỏi:

-      “Hạng con nít ấy là ai ?”

Đáp:

-      “Không phải là cháu ngoại của Chương Đắc Tượng sao ?” (họ Chương đang làm thừa tướng).

Đề hình nghe xong, trong lòng run cầm cập, vội vàng tiếp lời:

-      “Mặc dù ông tuổi đã cao, nhưng tinh thần thời thanh niên không giảm, không biết là dùng loại thuốc bổ gì ?”

Hộ nhung nói:

-      “Xưa nay vốn không dùng thuốc bổ”.

Đề hình lại nịnh hót:

-      “Thật là một vị lão tráng kiện.”

Liền ban cho rượu và bỏ đi.

(Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 48 :

        Người to gan như đề hình Mỗ Lộ chưa chắc là người can đảm, người lớn tuổi như hộ nhung thì chưa chắc là người nhát đảm, bởi vì đề hình đã lo sợ khi nghe nhắc đến cháu ngoại của thừa tướng, còn hộ nhung cả gan dám chửi cháu ngoại của thừa tướng mà không sợ chết.

        Ma quỷ tuy là xảo quyệt ghê gớm mà lại còn “to gan” nữa, nhưng chúng nó vẫn cứ run sợ khi nghe đến tên Đức Chúa Giê-su, tên Đức Mẹ Ma-ri-a và tên thánh cả Giu-se, bởi vì những tên gọi này là rất gần gũi thân thương và đầy quyền uy của người Ki-tô hữu, nhưng lại kỵ rơ với ma quỷ cũng như những cám dỗ của nó.

        Người Ki-tô hữu dù tuổi nhỏ hay tuổi đã cao thì cũng vẫn là người Ki-tô hữu, nghĩa là họ vẫn luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng và ban sức mạnh thiêng liêng cho họ, để họ trở nên người can đảm dũng mạnh trước những thử thách, trước những càm dỗ của ma quỷ, cho nên họ -người Ki-tô hữu- sẽ luôn là những con người trở thành mục tiêu tấn công của ma quỷ và thế gian, vì thế hhọ đã sống như thánh Phaolô đã nói: “Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh”, nghĩa là khi họ bị cám dỗ là những lúc họ tràn đầy ơn Thiên Chúa nhất.

        Mạnh thân xác không có nghĩa là người can đảm, nhưng tâm hồn tràn đầy ơn Thiên Chúa mới thật sự là người can đảm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Võ quan của một châu (quận).

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


47.      VỪA CHỬI VỪA ÔM

Có người nọ làm Kinh Tây lộ đề điểm hình ngục[1].

Một hôm người nọ đi tuần tra đến một thành nọ, nhìn thấy huyện úy Trương Bá Hào không thuận mắt bèn chửi ông ấy để ông ấy xuống ngựa mà đi bộ, ông ta chửi ông ấy là người vô tài bất tướng.

Qua lúc sau, đề điểm hình ngục đến ở nơi lữ xá trong thành, có người vào báo:

-      “Người mà ngài chửi hồi nảy chính là con rể của quan ngự sứ đài trưởng Đào Mỗ đó”.

Đề điểm hình sự kinh hoàng nhảy xổm lên nói:

-      “Tại sao mày không nói sớm cho ta biết.”

Bèn tất tật đi chào huyện ủy, ngồi cùng một chiếu với ông ta. Uống trà xong, cùng cười nói:

-      “Trước khi tôi đến thành này, thì đã nghe nói ngài có nhiều tài cán, vừa rồi mới thấy ngài tôi cố ý nói mấy câu khiến cho ngài nhụt chí, nhưng ngài tài nhiều sức lớn, ngôn ngữ sắc mặt đều giống như không có nghe tôi nói, thật là kỳ tài, tiền đồ vô lượng đấy nhé !”

 Và ra lệnh cho quan thư ký đưa bản tiến cử đưa cho huyện úy.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 47 :

        Vừa chửi vừa ôm thì có hai loại: một là những người thân thiết nhất với nhau, vừa góp ý cho nhau nhưng vẫn yêu thương nhau; hai là những người nịnh hót muốn lấy lòng người khác, hoặc là cấp trên muốn lấy lòng cấp dưới.

        Những người thân thiết với nhau thì họ góp ý cho nhau rất thân tình, dù cho lời góp ý ấy có khi làm đau nhói tâm can của họ, nhưng họ vẫn không lấy làm khó chịu vì họ biết rằng vì yêu thương mình nên mới góp ý, đó là những người có cái tâm thành thật muốn trở nên người tốt, nên sẵn sàng chấp nhận lởi góp ý chân thành của người thân; trái lại những người nịnh nọt thì vừa tâng bốc vừa nói xấu người khác khi ý đồ của mình chưa toại ý, họ trước mặt thì ôm nhưng sau lưng thì chửi, hoặc là những cấp trên khi thấy nhiệm kỳ làm việc của mình sắp hết thì lấy lòng cấp dưới, chiều chuộng hết mình khi cấp dưới yêu cầu, “ôm thắm thiết” cấp dưới khi có lễ lạt nhưng trong lòng thì chẳng có chút gì gọi là yêu thương...

        Người Ki-tô hữu thì luôn có một tâm hồn biết cầu tiến và hoàn thiện mình, cho nên họ vui lòng chấp nhận những góp ý rất chân thật của những người khác, dù lời góp ý có khi rất đau, bởi vì họ biết rằng : Thiên Chúa dùng lời góp ý chua cay (hay nhẹ nhàng) của người khác để dạy cho mình một bài học mà vì lo bon chen, lo ham danh, lo kiếm tiền mà quên mất mình là ai...

        Vừa chửi vừa ôm chỉ đúng nghĩa của nó khi mà cả hai bên đều có tâm hồn yêu thương thông cảm và lo lắng cho nhau, đó chính là tâm tình của người Ki-tô hữu vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên quan coi tất cả các châu về tư pháp, hình ngục và kiểm tra.

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46. THÁI THÚ ĐÁNH NHẦM

Lúc Hứa Giới Ngôn làm thái thú ở Lang Da, một hôm, có người báo cáo: 

- “Tù nhân thắt cổ chết trong tù”. 

Thái thú nổi giận lập tức triệu tên quan coi ngục năm ngoái sửa chữa nhà lao đến đánh cho một trận.

Tên quan coi ngục một mực kêu oan, nói:

- “Tiểu nhân nắm chức sửa chữa nhà tù, nếu nhà tù chưa sửa tốt thì đương nhiên nhận hình phạt đánh bằng trượng, nhưng nếu như hôm nay tù phạm treo cổ chết trong tù đối với tôi thì có quan hệ gì chứ ?”

Hứa Giới Ngôn giống như lửa đổ thêm dầu, giận dữ chửi:

- “Súc sinh, mày đã làm thư lại rồi lại còn làm cai ngục mà tội phạm treo cổ chết trong tù, không đánh mày thì đánh ai hử ?”

Cai ngục chợt hiểu, té ra là tên thái thú “cao minh” này đem “coi ngục” là một chức danh giải thích thành hai chữ “thư lại” và “cai ngục” để hại mình, lại còn bị đánh một trận nữa chứ.

(Cổ kim tiếu sử)


Suy tư 46 :

Đổ lỗi cho người khác thường là những người có địa vị chức tước trong xã hội, khi thành công thì họ hớn hở vui mừng cười toe toét kể công kể trạng, nhưng khi thất bại thì hết chửi người này ngu, người kia làm ăn tắc trách, chứ không bao giờ nhận lỗi về mình, đó là những con người chỉ biết đến người khác khi thành công và quên mất người khác khi thất bại.

Ki-tô hữu là người thấm nhuần tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su, cho nên họ không đổ lỗi cho ai khi làm sai, nhưng trái lại họ sẽ thành thật nhận lỗi về mình, vì họ biết rằng thành thật thú nhận tội mình hôm nay, thì ngay sau sẽ không phải xấu hổ khi tội của mình bị phơi bày ra trước mặt thiên hạ.

Tên thái thú tự cho mình là người cao minh đã đánh người vô tội chỉ vì thích đổ lỗi cho người khác, người Ki-tô hữu không đem Lời Chúa giải thích theo ý mình, rồi đổ lỗi cho người khác để che giấu tội của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 45. CƯỜI NHẠO “CAO THỦ VIẾT”

Tư trực  Trần Hy Văn không có chút tài năng gì nhưng có phước làm quan, mỗi khi viết văn chương thì cứ chống cằm suy nghĩ cả nửa ngày mà cũng không hạ được bút, có người coi thường ông ta nên đưa cho ông ta cái giá để làm ví dụ hình tượng, cười nhạo ông ta là “cao thủ viết”.

Và khi không viết được chữ nào thì ông ta đem mũi nhọn của viết rạch trên giấy, và mặt giấy đều bị rách thủng, có người gọi đó là “án Khổng tử”. (tức là bàn án của ông Thành Khổng).

(Cổ kim tiếu sử)


Suy tư 46 :

Tốt số mà được làm quan, nếu không tự mình học hỏi thêm thì “phước” cho mình mà hại cho dân, bởi vì nỗ lực phấn đấu để khẳng định mình có tài năng và vươn lên, thì luôn là thành quả đáng khen và dễ dàng thu phục lòng người hơn là “tốt số” được làm quan.

Bởi vì thực tế đã chứng mình có những ông quan lớn vì tốt số nên được làm quan, nên công văn viết cả ngày cũng không ra một chữ, khi làm việc thì ra vẻ bệ vệ oai phong ai nói to nói nhỏ cũng la mắng vì quan đang…ăn cơm, khi có chuyện khẩn thì hết la người này mắng người nọ trong cơ quan để ra vẻ ta đây; những ông quan “tốt số” này, vì “tốt số” nên chưa  được chuẩn bị làm quan, cho nên khi bắt tay vào việc nhà quan thì trở thành ông chủ của dân chứ không phải đầy tớ của dân…

Người “tốt số” được làm quan thì không nhiều, chúng ta cần phải tạ ơn Thiên Chúa về điều này, bởi nếu ai cũng tốt số được làm quan thì xã hội điên đảo, vì những ông quan tốt số này chỉ biết hưởng thụ và hành hạ dân lành mà thôi.

Người Ki-tô hữu “tốt số” được làm quan thì khác với người khác, vì họ luôn cảm tạ ơn Thiên Chúa đã chọn họ và ban cho chức vị để họ có cơ hội phục vụ tha nhân làm sáng danh Thiên Chúa trong cuộc sống, cho nên họ luôn khiêm tốn phục vụ với tất cả vui tươi và yêu mến, đó mới chính là sự “tốt số” của người Ki-tô hữu được làm quan.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44.      HỒNG QUÝ ĐỌC LUẬT

Tống Hồng Quý ở bắc Tề nhận chức tham quân Bắc Bình vương, thấy trong luật có một tội gọi là “bêu đầu” thì hiểu sai là “giội đầu”, thế là khi xử lý tội nhân tội “bêu đầu”, thì chặt tay tội nhân trước, dùng nước nóng giội lên, sau đó mới chém chết.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 44 :

        Hiểu sai thì làm cũng sai đó là một quy luật, không ai hiểu sai bài toán mà làm đúng đáp số, cũng như không một ai học một đàng làm một nẻo, bởi vì như thế thì sẽ làm cho cuộc sống thêm loạn lên.            

“Bêu đầu” và “giội đầu” thì viết hay nói cũng đều không giống nhau, nhưng làm quan mà hiểu sai nghĩa thì quả là làm hại biết bao người dân vô tội !

Cái hiểu lầm to lớn nhất của người Ki-tô hữu chính là đoán xét người khác, bởi vì không một ai đoán xét người khác mà lại không bị Thiên Chúa đoán xét, bởi vì không một ai đoán xét người khác mà công minh chân thật như Thiên Chúa, cho nên sự đoán xét ấy trở thành án phạt cho mình và làm hại rất nhiều người.

Hiểu lầm chữ nghĩa thì có thể sửa đổi cho đúng, nhưng khi vì hiểu lầm mà đoán xét tha nhân thì không cách gì sửa được, bởi vì nó như nhát dao chém một nhát làm rướm máu tâm hồn của tha nhân, đồng thời cũng “giết” Thiên Chúa ngay trong tâm hồn của họ...

Đừng hiểu “bêu đầu” thành “giội đầu”, cũng như đừng đọc và hiểu sai chữ “yêu” thành chữ “yểu”, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta hiểu sai Lời Chúa trong cuộc sống của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)