Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Chúa nhật I mùa chay


CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Tin Mừng: Mc 1, 12-15
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, bài Tin Mừng hôm nay tuy ngắn, nhưng lại như là lời phi lộ cho cuộc rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su tại trần gian: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối và tin vào Tin Mừng là hai điều kiện để được cứu độ, và để nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.

“Hãy sám hối...” là lời mời gọi khẩn cấp của Đức Chúa Giê-su, là lời cảnh cáo đầy yêu thương của Đấng thẩm phán chí công.

Sám hối vì chúng ta là những tội nhân đã phạm không biết bao nhiêu là tội với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta; sám hối bởi vì mỗi người chúng ta đáng lẽ ra, phải chết ngay từ khi phạm một tội đầu tiên, nhưng vì tình yêu, Thiên Chúa đã kéo dài ngày chung kết để chúng ta được hồi tâm sám hối làm hòa với Chúa và tha nhân ; sám hối bởi vì tất cả chúng ta không ai là thánh thiện, không ai là sạch tội; sám hối bởi vì tình yêu của Thiên Chúa quá lớn lao thúc bách chúng ta mau trở về với Cha trên trời...

“...và tin vào Tin Mừng” là tin vào Đức Chúa Giê-su, tin vào lời giảng dạy của Ngài, Lời ban sự sống cho những kẻ tin vào Ngài.

Chúng ta là những người có đức tin, đức tin này đã bị “mai một” với bao lo toan trong cuộc sống, đức tin này không được bồi dưỡng vun đắp vì chúng ta quá chú trọng đến cái ăn cái mặc, mà quên mất Thiên Chúa –nguồn mạch của đức tin- đang nuôi nấng và chăm sóc chúng ta.

Đức tin đòi hỏi chúng ta phải đặt Thiên Chúa ở vị trí số một trong cuộc sống.

Đức tin không phải chỉ là đi lễ ngày chúa nhật, cũng không phải chỉ là đón nhận các bí tích, hay vài tháng đi xưng tội một lần, nhưng cần phải toả sáng trong cuộc sống của mình.

Đức tin này đòi buộc tôi phải thấy Thiên Chúa tốt lành trong người anh em mà tôi không thích, có khi còn ghét thậm tệ nữa; đức tin này đòi hỏi tôi phải cúi xuống nâng đỡ người anh em bất hạnh đang đói khổ bên vệ đường đứng lên...

Tất cả những việc làm đó chính là tin vào Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng cũng đồng thời là Đức Chúa Giê-su chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Và, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi rao giảng Tin Mừng ở trần gian.

Tin Mừng không chỉ ở trong nhà thờ, nhưng ở ngay trên mặt trên mày của chúng ta, đó là khuôn mặt vui tươi khi bị đau khổ, đó là lời nói dễ thương khi bị chửi mắng, là nụ cười tươi khi bị hiểu lầm, Tin Mừng là như thế, là trao ban và đón nhận, là hy sinh và yêu thương.

Anh chị em thân mến.
“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” là mở đầu cho Mùa Chay Thánh năm nay, và đồng thời thức tỉnh chúng ta –những tâm hồn tội lỗi- biết cải quá tự tân, biết đổi mới con người cũ của mình, để cùng chết với Đức Chúa Giê-su và cùng sống lại với Ngài.
Chúng ta có quá nhiều dự định tương lai, có quá nhiều kế hoạch rất cụ thể cho cộng đoàn, nhưng kế hoạch phải làm gì trong mùa chay thì hình như chưa hoàn bị cho lắm, bởi vì ai cũng nói chung chung mùa chay là sám hối và ăn năn, nên chúng ta chỉ nhìn thấy mình đang sám hối ăn chay, mà chưa nhìn thấy tha nhân đang đói khổ...

Xin Thiên Chúa ban cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta khi sám hối thì biết bù đắp những đau khổ của Đức Chúa Giê-su nơi những người nghèo, những người bệnh tật và già nua để Tin Mừng mà chúng ta đang tin được toả sáng đến với mọi người.


Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn gìn giữ chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Chia sẻ đầu năm Ất Mùi



CHIA SẺ ĐẦU NĂM ẤT MÙI
(2015)
1.
Đối với người Hoa, khi tiết “lập xuân” đến thì coi như là đã bước vào ngưỡng cửa của năm mới. Trong ngày này người ta dặn dò nhau không được nói những lời bất lợi cho bản thân cũng như cho người khác, trong ngày này người ta thường nói những lời tốt đẹp và tránh làm mất lòng người khác, bởi vì người ta tin rằng, tiết “lập xuân” là đã bước vào năm mới, cho nên cần phải giữ hòa khí để cả năm mới được thêm nhiều bạn bè; trong ngày tiết “lập xuân” trên điện thoại thông minh các bạn trẻ và cả người lớn đều line cho nhau những lời tốt đẹp, nhắc nhở nhau giữ gìn lời nói và đặc biệt là gởi đến nhau những câu chúc năm mới rất tình người và vui vẻ.

Người đời như thế, thì người Ki-tô hữu càng phải hơn thế nữa, người ta đã bước qua năm mới khi tiết “lập xuân” đến, mặc dù từ tiết “lập xuân” đến Tết còn những hai tuần. Người Ki-tô hữu không những phải chúc nhau những lời tốt đẹp trong những ngày tết, mà còn chúc nhau mỗi ngày, bởi vì –đối với người Ki-tô hữu- mỗi ngày đều là mùa xuân và mỗi ngày đều là của Chúa, tại sao lại không chúc nhau sự bình an chứ, hơn nữa, mỗi ngày chúng ta sống đều là thánh lễ, thánh lễ cuộc đời này cần phải có sự bình an của Chúa và sự thân thiện với tha nhân.

Người Ki-tô hữu sống là sống với anh chị em, sống cho anh chị em và sống cùng anh chị em, vậy thì tại sao chúng ta không nói với nhau những lời chân thành trong cuộc sống ?

2.
Ngày 30 tết đúng là một ngày bận rộn của mọi người, mọi gia đình. Trên đường đi hình như ai cũng đi hối hả, ít người đi thảnh thơi, bởi vì chỉ còn một ngày nữa là năm mới đến, là tết đến, cho nên không ai dám thư thả thong dong đi, mà là chạy đua với thời gian, bởi vì thời gian qua đi thì không bao giờ trở lại.

Ngày 30 tết là ngày “tết nhỏ” của người Hoa chuẩn bị cho ngày tết lớn là ngày mồng Một tháng Giêng âm lịch, ngày hôm nay các chợ các quán hàng đều hoạt động đến trưa và tạm nghỉ để nhà nhà chuẩn bị đón tết, do đó mà ai cũng vội vàng mua sắm những thứ cần dùng cho những ngày tết...

Ngày 30 tết năm nay nhằm ngày Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu vào mùa chay thánh, chuẩn bị cho đại lễ Phục Sinh của Đức Chúa Giê-su. Ngày hôm nay đối với người Ki-tô hữu còn mang ba ý nghĩa rất lớn là ngoài việc chuẩn bị đón mừng năm mới đến, đồng thời cũng là cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho họ một năm qua bằng an và ơn lành, và cũng là ngày xức tro bày tỏ lòng sám hối chân thành của họ.

Đón tết với một tâm hồn vui tươi, cảm tạ và sám hối thì thật là tuyệt vời của người Ki-tô hữu, bởi vì Chúa chính là mùa xuân là niềm vui là là Đấng cứu độ, ngoài Chúa ra thì không một thần thánh thế lực nào làm cho con người có mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân vĩnh cửu này được trang điểm bằng các nhân đức của con người và ân sủng của Thiên Chúa ban cho.

3.
Năm nay là năm Ất Mùi, là năm con Dê làm chủ, là Dương Niên羊年﹞là năm mà mọi người đều hy vọng phát tài phát lộc và an vui, bởi vì đặc biệt năm của con Dê người Hoa thường có những câu chúc tốt lành nhất, chẳng hạn như người ta chúc nhau: “dương dương đắc ý楊揚得意[1], hoặc là “tam dương khai thái三陽開泰[2]... đều là những câu chúc với ý nghĩa phúc lộc dồi dào và bình an hạnh phúc.

Những câu đối màu đỏ và những bao lì xì đỏ chói với những nét hoa văn mạ vàng đậm đà của mùi vị tết được bán hai bên đường, ai ai cũng lựa cho mình những bao lì xì đẹp và ý nghĩa nhất để lì xì cho con cháu, người thân hoặc bạn bè. Những gì đẹp nhất đều dành cho người thân trong những ngày tết, nhưng cái đẹp nhất nổi bật nhất chính là văn hóa yêu thương, văn hóa sự sống và văn hóa tha thứ, bởi vì trong những ngày tết đầu năm mới không ai muốn làm phiền lòng người khác, không ai muốn người khác phải đau buồn vì lời nói hoặc hành vi thái độ của mình, tất cả đều là bình an và vui tươi...

Đối với Giáo Hội Công Giáo, năm nay là năm của “Đời Sống Thánh Hiến”, năm mà Giáo Hội mời gọi tất cả những người đã hiến dâng đời mình để theo Chúa phục vụ và phụng sự Ngài trong thế giới này phải nhìn lại lối sống của mình, bởi vì trào lưu tục hóa không ngừng công đánh những con người ưu tú của Giáo Hội, chính năm “Đời Sống Thánh Hiến” này sẽ là năm mà mỗi linh mục tu sĩ và giáo dân, mỗi người theo cách của mình, suy tư đến vai trò mà Thiên Chúa đã đặt mình vào trong nhiệm cục cứu rỗi nhân loại của Ngài, bởi vì để cứu chuộc nhân loại Chúa Cha đã hy sinh Con Một của mình chết trên thánh giá, và để nhân loại biết đến tình yêu của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ nhờ chúng ta –qua Giáo Hội- để rao giảng Đức Chúa Giê-su cho mọi người biết, chính Ngài là Chúa Xuân, là căn nguyên, là khởi đầu và kết thúc của vạn vật...

Nhìn mọi người chuẩn bị đón năm mới với hy vọng tràn trề cho ngày mai, cũng vậy, năm “Đời Sống Thánh Hiến” cũng mở ra một hy vọng mới cho Giáo Hội, cho tất cả mọi người và đặc biệt cho những ai đã, đang và sẽ hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân.

4.
Người ta hy vọng năm Ất Mùi sẽ là năm hòa bình thịnh vượng, bởi vì con Dê đứng hàng thứ tám trong số mười hai con giáp, trước nó là con ngựa (năm ngọ) chạy long nhong, sau nó là con khỉ (năm thân) nhảy long tong, khi mà trước và sau đó đều động (động binh, chiến tranh, chia rẻ...) thì nó (con dê) là hiền hòa, an bình và không muốn tranh chấp với người khác.

Người tuổi con dê thì có tâm hồn nghệ sĩ, thích sáng tạo và yêu hòa bình, không thích cầm quyền danh vọng chức tước, nhưng nếu cần thì sẽ là người lãnh đạo tốt.

5.
Năm nay, trên mạng xã hội (facebook) người ta đưa lên những hình ảnh làm từ thiện gói bánh tét bánh chưng cho người nghèo do các giáo xứ tổ chức, một việc làm thắm thiết tình yêu huynh đệ, một miếng khi đói bằng gói khi no, từ hải ngoại đến quốc nội người người đều nô nức đón tết nhưng không quên những người bất hạnh chung quanh mình, đó là điều mà Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ của Ngài trong Tám mối phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5, 7)

Giáo xứ này gói bánh tét bánh chưng, giáo xứ nọ tổ chức đi thăm và tặng quà cho các trại mồ côi, giáo xứ kia thì thăm và tặng quà tết cho các em nghèo ở vùng xa vùng sâu. Chính họ đã đem tình yêu của Chúa Xuân đến với người nghèo bất hạnh, nơi từng món quà nhỏ mà có ý nghĩa ấy là sự hiện diện của Chúa Xuân và tâm hồn yêu thương của những người đã chia sẻ với Ngài qua các bệnh nhân và người nghèo.

Năm mới đến, năm Ất Mùi đến, năm con Dê đến và mọi người hy vọng nó đem theo nhiều hoan lạc bình an cho thế giới, nhưng có một thứ bình an vĩnh cửu mà không một ai có thể ban cho người khác, đó chính là bình an trong tâm hồn, bình an trong tâm hồn chính là bình an của Chúa ban cho những ai thành tâm tìm kiếm, bởi vì Ngài là Đấng tạo dựng vũ trụ, là Đấng ấn định đường đi của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú; Ngài chính là Mùa Xuân vĩnh cữu, là Chúa Xuân của muôn loài...
Xuân đến rồi
Tết đến rồi
Chúc mừng năm mới
Vạn sự như ý
Tạ ơn Chúa !

Taiwan, ngày 18/02/2015
Ngày 30 tết Ất Mùi.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1], 2 phát âm là ya’ng, Hán Việt là dương, tức là bốc lên; cũng phát âm là ya’ng, Hán Việt là dương, tức là con Dê. Cả hai chữ phát âm như nhau và đều “dương” như nhau. Cho nên người ta lấy ý nghĩa của nó là “dương dương” mà thôi.

Thứ Tư Lễ Tro



THỨ TƯ LỄ TRO

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là thứ Tư Lễ Tro, là ngày bắt đầu vào mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ngày hôm nay thực hành hai việc : giữ chay sám hối và thực thi bác ái.

Về vấn đề giữ chay và sám hối, thì chúa nhật tuần qua tôi đã nói rõ ràng và cụ thể, tuy nhiên, hôm nay tôi cũng nhắc lại vài điểm chính để cho mỗi người thấy rõ việc ăn chay và sám hối là quan trong như thế nào đối với linh hồn của chúng ta.

 “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”.
“Xé lòng” tức là hy sinh, là bỏ đi ý riêng của mình cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, như thánh vịnh đã nói: “Ngày hôm nay các ngươi hãy nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng nữa”. Bởi vì trong cuộc sống, chúng ta đã nghe tiếng Chúa quá nhiều, nhưng chưa lần nào chúng ta thực hành ý Chúa trong cuộc sống đời thường của mình, do đó, mùa chay là dịp và là cơ hội để mỗi người trong chúng ta thực hành ý muốn của Thiên Chúa là sám hối ăn năn và thực thi bác ái trong cuộc sống của mình.

Trong ngục tù không một tội nhân nào được đối xử ngang hàng bình đẳng như những người ở ngoài nhà tù, tức là những người tự do, trong nhà tù họ ăn cơm đạm bạc, thiếu thốn mọi bề...
Cũng vậy, chúng ta đều là những tội nhân của lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta không được như những người tự do –lành thánh- xứng đáng đón nhận từ ân huệ này đến ân huệ khác của Thiên Chúa, chúng ta chỉ có một việc phải làm, đó là sám hối tội lỗi của mình bằng chay tịnh hãm mình dẹp xác, bởi vì –xét cho cùng- chính thân xác là đối tượng và nguyên cớ khiến cho tâm hồn chúng ta phạm tội.

Ăn chay tức là tiết chế sự ăn uống để thân xác phục tùng ý chí.
Thân xác phục tùng ý chí tức là làm những việc mà thân xác “không thích” làm, như thức dậy sớm để đi dâng lễ, như làm một vài việc bác ái hy sinh mà thân xác “rất sợ” làm...

Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay ma quỷ ra sức cám dỗ chúng ta, bởi vì mùa chay là khung cảnh không gian mà con người nhìn nhận ra những tội lỗi của mình khi suy đến sự đau khổ và sự chết của Đức Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta từ bỏ cái gì thì ma quỷ sẽ dùng những thứ ấy để cám dỗ chúng ta: ngày hôm nay chúng ta ăn chay, ma quỷ đem việc ăn uống lại cám dỗ chúng ta như là thích ăn những thứ mà ngày thường chúng ta không thèm ăn, hôm nay tự nhiên chúng ta thèm uống một ly cà phê, thèm ăn miếng thịt bò, tự nhiên hôm nay cảm thấy rất mau đói mà thường ngày có thể nhịn ăn.v.v...

Chúng ta không thể chống trả nổi với cón cám dỗ nếu không có ơn Chúa giúp, do đó, trong ngày hôm nay, cũng như trong suốt mùa chay và cả cuộc đời, chúng ta luôn trông cậy vào lòng nhân từ của Chúa qua bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể, để chúng ta mạnh dạn chống trả với cơn cám dỗ xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày.

Cầu xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn gìn giữ chúng ta trong an bình cũng như trong thử thách ở đời tạm này.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.