Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Lễ Chúa Hiển Linh



Lễ CHÚA HIỂN LINH

Tin Mừng: Mt 2, 1-12
Từ phương Đông chúng tôi đến thờ lạy Ngài.”

Anh chị em thân mến,
Thời nay có rất nhiều chiêm tinh gia xuất hiện, và có rất nhiều người chạy đến với họ, để họ chỉ cho biết hậu vận tương lai của mình cũng như của gia đình và của người thân, nhưng những chiêm tinh gia này không biết Đức Chúa Giê-su là ai và cũng chẳng biết trên đời này có Ngài hay không nữa ?

Ba nhà hiền sĩ ở phương đông đã nhìn thấy sao lạ của Đức Chúa Giê-su khi Ngài giáng sinh, và các ông đã mau mắn lên đường để triều bái vị vua mới sinh ra.

Ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời đã mở trí khôn cho ba nhà hiền sĩ, đã khơi dậy tính mạo hiểm vốn có của các nhà bác học khiến cho họ lên đường đi tìm vua nhỏ mới sinh ra, nhưng Hài Nhi bé nhỏ nằm trong hang lừa ấy mới chính là ngôi sao lạ vĩ đại soi sáng tâm hồn của các ông và đổi mới hẳn tâm hồn của các ông, khiến cho các ông cũng trở thành những vị sao sáng soi dẫn đường cho thiên hạ nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa con cái loài người, mà cụ thể là đang ở trong tâm hồn của các ông.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một ánh sao, ánh sao lạ đêm giáng sinh của Con Thiên Chúa làm người, cho nên cuộc sống của họ làm cho người khác phải ngạc nhiên: họ sống hiền hòa với mọi người, biết giúp đỡ tha nhân, biết thông cảm với những sai lầm của người khác để khoan dung, thông cảm và yêu thương; họ là những người thành tâm khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi người, cho nên đối với họ, ai cũng là người anh em thân cận, ai cũng là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một ngôi sao lạ lấp lánh chiếu sáng giữa dòng đời phản chiếu ánh sáng của Tin Mừng cho mọi người, ai cũng hiểu điều đó, nhưng trong thực tế, có những tín hữu đã tắt mất ánh sáng của Tin Mừng trên con người họ, họ sống như những người đi trong bóng tối bằng những ghen tương ích kỷ của mình, bằng những phê phán người này kẻ nọ của họ, cho nên không ai thấy được ánh sao lạ của Đức Chúa Ki-tô trên con người của họ, nói cách khác, không ai nhìn thấy được khuôn mặt nhân từ và yêu thương của Đức Chúa Ki-tô trên con người của họ.

Lễ Chúa Hiển Linh đề cao vai trò chứng nhân của người Ki-tô hữu trong cuộc sống đời thường, bởi vì ngày hôm nay Thiên Chúa không còn giáng trần trong hang lừa máng cỏ nữa, nên ánh sao lạ cũng không còn và Ngài cũng không còn tỏ hiện ra cho các nhà hiền sĩ nữa, nhưng nhờ sự chết và sống lại của Ngài, trong bí tích Rửa Tội, Ngài đã làm cho chúng ta -mỗi người Ki-tô hữu- trở nên ánh sao lạ của Ngài ngay trong cuộc sống ở trần gian này.


“Lạy Đức Chúa Giêsu là ánh sao sáng dẫn đường cho nhân loại, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã làm cho mỗi người trong chúng con trở thành ánh sao của Chúa, đem ánh sáng Tin Mừng dọi sáng cho mọi người bằng chính đời sống tốt lành của chúng con. Xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng con, để chúng con có đủ can đảm làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống đời thường của chúng con. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Ngày 1 tháng 1


LỄ ĐỨC MẸ MA-RI-A - MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.
Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Anh chị em thân mến,
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.

1.   Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mes-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ.

Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.

Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

2.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa
Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.

Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

3.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta
Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ): “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc đồng công cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb






Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Người giàu bói thọ



NGƯỜI GIÀU BÓI THỌ
Bố của Vương Phổ là Vương Tộ làm quan sát sứ ở Châu Thời đã nhiều năm, lúc về già mới từ quan, đồ dùng ăn ống trong nhà rất là xa xỉ, nhưng vẫn không thỏa mãn bởi vì không biết mình có trường thọ hay không !
Một hôm, đột nhiên nghe có người bói quẻ bèn kêu đầy tớ đi mời về nhà, bói quẻ là một người mù sau khi nghe người đầy tớ thuật chuyện, bèn lấy sách bói ra bói một quẻ, rất lâu sau mới lớn tiếng kinh ngạc nói:
-      “Mệnh số ngài thọ rất cao”.
Vương Tộ lật đật hỏi:
-      “Có thể tới bảy mươi chăng ?”
Người coi bói cười nói:
-      “Còn cao hơn bảy mươi”.
Vương Tộ lại hỏi:
-      “Thế nào, tám, chín mươi sao ?”
Người coi bói cười lớn hơn:
-      “Sao lại tám, chín mươi !”
Vương Tộ vui khôn xiết, nói:
-      “Có thể thọ đến một trăm không ?”
Người coi bói nói:
-         “Tệ lắm là thọ đến một trăm ba, một trăm tư tuổi. Có điều là khi gần tới năm một trăm hai mươi tuổi –xuân hè thay đổi- thì cái bụng lại có hơi mệt một chút, nhưng không bao lâu thì khỏe lại.”
Vương Tộ vui như mở cờ trong bụng, quay đầu lại nói với cháu chắt:
-         “Này các cháu, cần phải nhớ cho kỷ nhé, lúc ta gần một trăm hai mươi tuổi, thì đừng có cho ta ăn đồ lạnh và nóng đấy nhé !”
                                          (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Con người ta ai cũng thích sống lâu trăm tuổi, cho nên thường hay đi coi bói để coi thử mình sống được đến mấy tuổi thì chết, nhưng có ông thầy bói nào biết được bản thân mình sống đến mấy tuổi, mà lại biết được người khác sống đến mấy tuổi thì chết chứ ?!
     Ki-tô hữu là người đi tìm cuộc sống trường sinh trong đời tạm, nghĩa là họ tin tưởng rằng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa cùng với việc chu toàn bổn phận của mình ngay tại trần gian, thì chính là đã có một cuộc sống trường cửu trên thiên đàng với Thiên Chúa mai sau rồi vậy.
     Ai không chuẩn bị cho mình sự sống vĩnh cữu mai sau ngay tại trần gian này, thì đó chính là họ đã tự sắm cho mình một nơi trầm luân vĩnh viễn và đau khổ đời đời trong hoả ngục với ma quỷ.

     Tôi đã chuẩn bị cho mình một chỗ trên thiên đàng chưa, hay là vẫn cứ dặn con cháu đừng cho ăn đồ nóng đồ lạnh khi tuổi đã gần đất xa trời, mà không dặn con cái luôn nhớ cầu nguyện mình được ở trong Nước Chúa sau khi tôi nhắm mắt lìa cõi đời này !?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Người người thổ huyết



NGƯỜI NGƯỜI THỔ HUYẾT
Phụ nữ người Ba Tư ở tại Quảng Châu, tai và mắt đều bịt kín, trên đầu trang điểm hơn hai mươi cái vòng, nhà nhà đều dùng tre nứa để làm cổng, ăn bã trầu nhổ trên đất giống như máu.
Người phương bắc chế giễu nói:
-         “Người người đều thổ huyết, nhà nhà đều cổng nứa”.
                                                (Kê Lặc thiên)

Suy tư:
     Phong tục tập quán mỗi dân tộc, mỗi địa phương và mỗi nơi mỗi khác nhau.
     Trầu cau đối với người Việt Nam ta là “đầu câu chuyện” và được dùng trong việc cưới hỏi, cho nên khi nói đến trầu cau thì thường nói đến chuyện cưới hỏi, và đặc biệt hơn là chỉ có những người già mới ăn trầu cau...
     Người Đài Loan không dùng trầu cau trong những dịp đám cưới đám hỏi, nhưng họ ăn trầu cau như chúng ta nhai “kẹo cao su”, người lớn tuổi cũng như thanh niên người miền núi phần lớn đều thích ăn trầu cau, nhất là những người tài xế lái xe đường dài, vì ăn trầu giúp họ tỉnh táo khi lái xe chổ hàng trên đường cao tốc với tốc độ một trăm cây số giờ trên đường cao tốc...
     Tôn giáo nào cũng có những lễ nghi riêng của họ để tế trời tế đất, vùng đất nào cũng đều có một tập quán riêng của vùng ấy, và làm người thì ai cũng đều có thói quen riêng của người ấy, không ai giống ai...
     Có những người Ki-tô hữu thích nhạo cười lễ nghi thờ cúng bụt thần của người ngoại giáo, và khinh bỉ gọi đó là nhảm nhí dị đoan, nhưng đối với việc thờ phượng Thiên Chúa của người Ki-tô hữu ấy, xem ra càng tệ hơn những người ngoại giáo thờ bụt thần ma quỷ nữa, bởi ví họ đi dâng thánh lễ mà không có một chút thành kính đối với Thiên Chúa, áo quần thì mốt này mốt nọ không phù hợp với nơi trang nghiêm thờ phượng Thiên Chúa, trong nhà thờ thì nói nói cười cười trước Mình Thánh Chúa không có chút gì là cung kính và họ đến nhà thờ như người ta đi chùa cúng phật, giống như người không có đức tin...

     Ăn trầu cau và làm cổng nhà bằng tre nứa là phong tục của người Ba Tư tại Trung Quốc không có gì phải chế giễu, nhưng cái đáng chê cười và đáng chế giễu nhất chính là chúng ta –người Ki-tô hữu- không thành tâm yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa, vốn là việc cao cả nhất, nơi các lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thị lang ba giấc (ngủ)



THỊ LANG BA GIẤC (NGỦ)
Triệu Thúc Vấn lúc đảm nhiệm chức quan thị lang thì thân thể mập phì và rất thích ngủ, do đó mà rất ghét khách tới thăm.
Dù ở nơi quan phủ hay ở nơi nhà riêng, trước cửa thường thường treo một tấm bảng “nghỉ”, xin miễn tiếp khách.
Người ta gọi ông là “thị lang ba giấc (ngủ)”, nghĩa là sáng hồi triều liền ngủ, ăn cơm xong phải ngủ, về nhà liền ngủ.
                                                (Kê Lặc thiên)

Suy tư:
     Có một câu vè mà tôi ngẫm nghĩ thấy rất đúng, câu vè như thế này: “Ham ăn thì lú (hay quên), ham ngủ thì ngu”, xét về mặt tâm lý, sinh lý, bệnh lý thì ham ăn ham ngủ đều không có gì là đẹp là lợi cả, và xét về mặt tướng học thì rõ ràng càng tệ hơn, nghĩa là người ham ăn, ăn xồm xoàm, nhai thức ăn kêu chép chép là người hay chấp xét những chuyện nhỏ nhặt, thích hưởng thụ và thích nói về mình, cố chấp và hẹp hòi; người ham ngủ là người ham mê nhục dục, không thích làm việc và cuộc sống bần tiện...
     Chuyện ăn và uống đối với người Ki-tô hữu là để nuôi thân xác khỏe mạnh để làm đẹp xã hội và phục vụ Chúa trong mọi người, do đó, đối với họ chuyện ăn uống không phải là số một trong cuộc sống, cho nên khi ăn uống ngon hay dở, họ không hề phê bình người làm bếp, họ không chê món này ăn ngon món kia ăn dở, nhưng tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho họ.
     Thời nay có một sự cám dỗ rất hợp lý mà các linh mục và các tu sĩ nam nữ thường hay dùng để biện minh cho sự lười biếng và ăn ngon của mình, đó là: phải ăn cho có chất bổ dưỡng để làm việc, phải ngủ nghỉ cho đúng giờ để thân thể khỏe mạnh...

Chuyện ăn uống đối với các linh mục và tu sĩ thì rất tế nhị, bởi vì khi nhìn thấy một linh mục hay một tu sĩ ham ăn ham ngủ, thì người ta có thể đánh giá con người họ là như thế nào rồi: họ không có hy sinh và thích hưởng thụ. Mà khi mà một linh mục hay tu sĩ mà không có hy sinh và thích hưởng thụ thì họ cũng như những người khác mà thôi, không trở thành mô phạm cho người khác được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Dùng thơ đoạn mối



DÙNG THƠ ĐOẠN (từ chối mai) MỐI
Người Mân là Hán Nam Lão sau khi thi đậu tiến sĩ thì có người làm mai mối đến, khuyên ông ta nên lấy vợ.
Ông ta viết một bài thơ thất tuyệt hoà nhã từ chối:
-      “Văn thư đọc hết một trăm gánh,
già rồi mới được áo mỏng xanh.
Người mối lại hỏi tôi mấy tuổi,
bốn mươi năm trước (là) ba mươi ba”.
                                           (Thanh Ba tạp chí)

Suy tư:
     Có người, con đường làm linh mục của họ rất thuận lợi, chịu chức khi mới có 25, 26 tuổi ; có người con đường làm linh mục của họ rất lận đận, chịu chức khi tuổi đã xế chiều : 40, 50, và có khi 60, 70 tuổi...
     Nhưng dù thuận lợi hay lận đận thì họ cũng là linh mục của Thiên Chúa.
     Có linh mục trẻ, thấy mình còn trẻ mà chịu chức trước những thầy lớn tuổi thì “oai phong lẫm liệt” nói với giáo dân: “Già rồi chịu chức gì mà chức, làm lễ được mấy bữa thì về hưu rồi còn gì ?!”. Linh mục trẻ này không biết rằng, giáo dân chỉ thích đến xưng tội nơi một linh mục lớn tuổi, già dặn kinh nghiệm tu đức và đạo đức, linh mục trẻ này cũng quên mất rằng, ân sủng của Thiên Chúa chỉ ban xuống nơi những ai đầy lòng khiêm tốn và thành tâm phục vụ Ngài trong mọi người.
     Đức Giám mục địa phận và các vị bề trên có đầy đủ khôn ngoan khi để cho các thầy lớn tuổi chịu chức, bởi vì ngoài các điều kiện cần phải có để tiến lên chức linh mục như giáo luật chỉ định -linh mục nào cũng phải có- thì các ngài đều thấy nơi các thầy lớn tuổi có một nét son nổi bật mà các thầy-trẻ-đã-chịu-chức-linh-mục chưa chắc đã có, đó là sự kiên tâm bền đổ trong ơn gọi và một ý chí cương quyết trong đời sống tu hành đi theo ơn gọi của các thầy.
     Còn trẻ mà đã chịu chức linh mục hay đã già rồi mới chịu chức linh mục thì không có gì khác nhau cả, nhưng cái khác nhau rõ nhất chính là những người lớn tuổi thường có một tâm hồn ổn định, kinh nghiệm và chính chắn hơn những người trẻ tuổi -thế thôi.

Chịu chức trước hay chịu chức sau, chịu chức khi còn trẻ hay chịu chức khi lớn tuổi thì có gì khác nhau, vẫn là linh mục của Chúa và của Giáo Hội, nhưng chỉ khác nhau một điều rất quan trọng là: sống chức linh mục như lòng Chúa mong muốn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Bút pháp xuân thu


BÚT PHÁP XUÂN THU
Giữa Nguyên niên, có một người tên là Trần Sinh chuyên môn đọc sách nghiên cứu “xuân thu”, cùng thân cận với một kỷ nữ ở Tống Môn.
Một hôm, hai người hẹn hò bí mật tại Tào Môn, Trần Sinh nhất thời hứng lên, bắt chước bút pháp giản thể “xuân thu” viết nhanh trên tường một án văn chương:
“Xuân tháng giêng,
người đẹp nước Ngô hội ở Tống.
Hè tháng tư,
lại nhóm hội ở đất Tào.”
Có người thấy như vậy, bèn viết thêm bên dưới: “Đói mùa thu,
tuyết mùa đông,
công hầu tạ thế”.
Du khách nhìn thấy thế thì cười ha ha.
                                           (Thanh Ba tạp chí)

Suy tư:
     Khi yêu nhau thì người ta không còn thấy những đau khổ chết chóc, cho nên mới có “xuân tháng tư và hè tháng tư” trai gái hội ngộ ; khi đau khổ chết chóc thì người ta không màng đến chuyện gì nữa vì không còn hứng thú, cho nên mới có “đói mùa thu, tuyết mùa đông”...
     Người Ki-tô hữu dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin của mình vào Thiên Chúa, bởi vì sống mà không có một niềm tin thì cuộc sống chỉ là những chuổi ngày thất vọng, nhưng trong thất vọng, những người có niềm tin vào Chúa sẽ luôn có hy vọng.
     Người Ki-tô hữu là người lạc quan, bởi vì trong cuộc sống họ luôn có một suy nghĩ: sống là sống cho Chúa và đau khổ hay chết chóc thì cũng là cho Chúa, cho nên họ vẫn “phớt lờ” những phê bình của người ác ý, họ vẫn quan tâm đến những công việc trong cuộc sống mà không bận bịu lo lắng vì nó có thành tựu hay không, bởi vì họ đang làm việc cho Đấng không biết phê bình và chỉ trích, nhưng chỉ biết ban ơn và khuyến khích họ đổi mới con người của mình mỗi ngày mà thôi.

     Đó chính là một bài thơ tuyệt với mà người Ki-tô hữu dùng cuộc sống của mình để viết mà ca tụng tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư