Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Chúa nhật I Mùa Vọng (năm C)



 CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG (Năm C)


Tin mừng : Lc 21, 25-28; 34-36
“Anh em sắp đựoc ơn cứu độ”.

Bạn thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ nhất mùa vọng, tức là bắt đầu một năm phụng vụ mới, năm C.
Mùa vọng là mùa trông đợi, ai đã từng trông đợi thì đều cảm nghiệm được sự bồn chồn lo lắng, hồi hộp pha lẫn niểm vui của đợi chờ :
- như em bé đợi mẹ đi chợ về,
- như người yêu đợi người tình,
- như nhà nông đợi ngày thu hoạch,
- như ruộng khô hạn trông mưa.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra cho chúng ta thấy một viễn cảnh tương lai ngày Con Người đến trong vinh quang, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và đợi chờ, trong lúc đợi chờ ngày trọng đại ấy đến thì sẽ có nhiều điềm thiêng dấu lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao , nhân loại sẽ lo âu và sợ hãi khi ngày ấy đến.
1. Dấu hiệu của thời đại.
Dấu hiệu của thời đại ngày càng rõ rệt hơn, ứng nghiệm với lời cảnh báo của Đức Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay, dấu hiệu trước tiên mà nhân loại có thể thấy được, cảm nhận được, đó chính là chiến tranh, đói khát và ôn dịch, với những dấu hiệu ấy, người Ki-tô hữu chỉ có một thái độ duy nhất là ngẫng đầu lên vì ơn cứu độ đã đến.
Nhưng thực ra, ơn cứu độ đã đến hơn hai ngàn năm nay rồi, và thời viên mãn của nó cũng đang đến gần, khi những điềm thiêng dấu lạ mà Đức Chúa Giê-su đã loan báo đã và đang xảy đến.
Người Ki-tô hữu là những người nhạy bén nhất trước những hiện tượng xảy ra của thời đại, bởi vì hằng ngày họ đều được nghe và suy gẫm lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và vì thế họ từng giây từng phút tỉnh thức và chuẩn bị ngày quang lâm của Ngài.
2. Tỉnh thức và đề phòng.
Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, tức là Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng luôn trong mọi hoàn cảnh và tình huống, bởi vì :
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người ăn thua đủ bên canh bạc thâu đêm.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người đang say đắm trong đam mê xác thịt, thân xác thì thức để chờ đợi và thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng cảnh giác, đó là những người kiêu ngạo, họ tỉnh thức trong kiến thức hạn hẹp của mình khi ai đó phê bình góp ý cho việc làm của mình, nhưng tâm hồn thì đã thoả mãn trong sự đắc thắng của mình...

Người Ki-tô hữu không thức tỉnh để ăn thua với canh bạc, vì đó là chuyện của con cái tối tăm; người Ki-tô hữu cũng không tỉnh thức để chờ đợi cuộc nhậu thâu đêm, bởi vì đó là chuyện của con cái ma quỷ, nhưng người Ki-tô hữu tỉnh thức để chờ đợi ngày sum họp với Đức Chúa Giê-su, Đấng đã và đang đến trong cuộc sống của họ...
Bạn thân mến,
Mùa vọng không những giúp cho chúng ta biết thức tỉnh và chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét, mà còn thức tỉnh chờ đợi Chúa đến với mỗi người chúng ta nữa, bởi vì dấu hiệu của thời đại trước hết không ở đâu xa, mà nó ở ngay trong con người của mình, chính là :
- Khi chúng ta sung sướng hưởng thụ vật chất là dấu hiệu của những ngày đói khổ của linh hồn.
- Khi chúng ta phê bình chỉ trích anh em chị em, là dấu hiệu ngày phán xét công thẳng và kinh khiếp đối với linh hồn và thân xác.
- Khi chúng ta kiêu căng ngạo mạn với mọi người, là dấu hiệu của người bị hạ xuống tận cùng vực sâu.
- Khi chúng ta vu oan giá họa cho người, thì đó là dấu chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lên án trong ngày chung thẩm...

Người biết chờ đợi, tỉnh thức và nhìn dấu chỉ của thời đại là người khôn ngoan và hạnh phúc, bởi vì họ đã sẵn sàng...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


50.          BA NGÀN THỰC KHÁCH

Ngải Tử đi làm khách ở Mạnh Thường Quân nước Tề ba năm, lúc trở về nước Lỗ, đại phu Lý Tôn hỏi:

-      “Người nước Tề ai giỏi nhất ?”

Ngải Tử nói:

-      “Mạnh Thường Quân.

Hỏi:

-      “Giỏi về mặt nào ?”

Đáp:

-      “Trong nhà ông ta có ba ngàn thực khách, người không có thực lượng thì không thể làm như thế được ?”

Lý Tôn nói:

-      “Nhà tôi cũng có ba ngàn thực khách vậy, đó không phải là một cái giỏi sao ?”

Ngải Tử kính phục nói:

-      “Như thế thì ngài là người giỏi nhất của nước Lỗ rồi, ngày mai tôi phải đi đến nhà ông để nhìn ba ngàn thực khách của ngài.

Lý Tôn bằng lòng.

Sáng sớm ngày hôm sau Ngải Tử bèn đi đến nhà của Lý Tôn, vừa vào đến cổng thấy trong sân vắng lặng như tờ. Đi thẳng vào trong coi thì ngay cả một người cũng không thấy, ông ta cho rằng thực khách đang ở ch khác, đợi rất lâu Lý Tôn mới xuất hiện.

Ngải tử hỏi:

-      “Thực khách của ngài đâu hết rồi ?”
    Lý Tôn xin lỗi, nói:

-      “Ngài đến quá chậm, ba ngàn thực khách đều trở về nhà của mình để ăn cơm rồi.

(Ngải Tử hậu ng)

 

Suy tư 50:

        Ba ngàn thực khách ở luôn trong nhà mình để ăn cơm, thì Mạnh Thường Quân quả là người giỏi: giỏi về lòng hiếu khách và giỏi về sự thu phục nhân tâm...

        Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu của Ngài được thể hiện qua việc Đức Chúa Giê-su –Con Một của Ngài- xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, chính Đức Chúa Giê-su đã trở nên lương thực nuôi sống những kẻ tin vào Ngài, không phải chỉ ba ngàn người mà thôi, nhưng hằng hà sa số những kẻ tin được ở trong nhà của Ngài để ăn và uống lương thực trường sinh là Mình và Máu của Ngài, không một tình yêu nào to lớn như thế, không một người giàu có ở thế gian sánh bằng...

        Có một vài người giàu có khoe tiền bạc của mình bằng cách bố thí cho người nghèo vài trăm ngàn, rồi la lên cho cả làng biết; có người khoe của cải của mình bằng cách chơi ngông, vung tiền mua sắm những thứ không cần thiết về bỏ đầy nhà chơi; có những người khoe tiền bạc của mình trong những nhà hàng khách sạn bốn năm sao bằng những cuộc ăn chơi trác táng, trong lúc chung quanh mình còn có những người nghèo khó cần đến đồng bạc dư thừa của họ...

        Ba ngàn thực khách thì quả là to lớn đối với con người, nhưng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ cần thật lòng giúp đỡ ba người mà thôi, thì công lao này cũng được gọi là vĩ đại lắm vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


49.          NHẠO THÁI GIÁM

Ngải Tử nuôi hai con dê đực, chúng nó thích đấu sừng với nhau, gặp người lạ thì cũng thích lấy sừng húc, các học trò đi vào trong cổng nhà Ngải Tử thường bị chúng nó húc bị thương.

Các học trò liền cầu cứu với Ngải Tử:

-         Dê đực tính khi rất dũng mãnh, nếu đem chúng nó thiến đi, thì tính nó cũng thuần lương đôi chút, nhất định là không húc bậy người ta”.

Ngải Tử cười nói:

-         “Không phải đâu, nếu hôm nay đem thiến nó (ám chỉ nạn thái giám hoành hành vô pháp luật) không phải nó thêm hung dữ sao ?”

(Ngải tử hậu ng)

 

Suy tư 49:

        Thái giám chỉ là người phục vụ vua và hoàng hậu cũng như làm các việc trong cung vua mà thôi, trước mắt các quan văn võ tướng thì thái giám chẳng ra gì cả, nhưng vì kề cận bên nhà vua và hoàng hậu, nên có những thái giám quyền uy tột đỉnh, có thể nói, tể tướng là người điều hành vận nước bên ngoài với bá quan văn võ, thái giám điều hành vận nước bên trong với vua, hoàng hậu và các cung phi.v.v...

        Có những người được cấp trên nâng đỡ nên cuộc sống có phần thoải mái, tiền bạc có vô có ra, cho nên tính cách cũng do đó mà thay đổi luôn: họ không còn nhớ đến mình là ai, không còn nhớ lại những ngày tháng nghèo hèn khổ cực, không còn nhớ đến những ngày cơm ngày ba bữa không no, không còn nhớ những ngày làm thuê làm mướn vất vả.v.v...họ như những thái giám bị thiến bởi chút vinh hoa phú quý mà cấp trên ban phát cho họ, để rồi họ tác oai tác quái với mọi người...

        Những con dê bị thiến thì có tính thuần, những người bị thiến thì sẽ trở nên bất bình thường trong cuộc sống và có khi trở nên mối họa cho mọi người, đó là chuyện “hoạn” về thân xác.

        Nhưng những người bị “hoạn” vì Nước Trời thì sẽ là những người có ích cho xã hội, cho Giáo Hội, bởi vì cái họ “hoạn” không phải là một bộ phận nơi thân xác, nhưng chính là sự ước muốn hướng về thế gian và những thèm muốn hưởng thụ của chính họ. Họ là ai vậy ? Thưa họ chính là những người Ki- hữu được Thiên Chúa mời gọi sống đời tận hiến và ơn gọi sống gia đình trong cuộc sống ở trần gian này...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 48.          COI TƯỚNG NHƯ THẦN

Tề vương mê tín thích coi tướng.

Có một người tự cho mình là có tài coi tướng như thần, nhờ quen với Ngải Tử mà gặp được Tề vương, nói

-              “ Tôi là học trò của nhà coi tướng Quỷ Cốc tử, thầy của Đường cử, ngài có nghe tiếng chứ ?”

Tề vương liền mời ông ta coi tướng.

Người coi tướng nói:

-      “Đại vương đừng vội, coi tướng thì phải để một ngày trọn mới biết chi tiết, thì khi nói ra mới đúng được”,

Thế là chắp tay đứng bên cạnh Tề vương để quan sát.

Một lúc sau, có người đưa văn kiện đến, Tề vương coi xong thì biến sắc, người coi tướng vội hỏi xảy ra chuyện gì, Tề vương nói :

-   “Tần vương bao vây nước ta đã gần ba ngày rồi, ở đó đang đợi ta xuất binh cứu viện !”-

Người coi tướng gật gật đầu bèn nói:

-      “Tôi coi trên trán ngài có sắc khí đen, đây là dự báo có chiến tranh đấy”.

Lại qua một lúc sau, thị vệ đem đến một phạm nhân, mặt Tề vương đầy nộ khí, người coi tướng lại hỏi có chuyện gì, Tề vương nói:

-      “Người này coi sóc kho tàng nhà nước, ăn cắp ba vạn tiền vàng, cho nên bắt lại tra hỏi”.

Người coi tướng số ngẩng đầu nói:

-     “Tôi thấy mặt đại vương đổi màu nhạt, nhứt định là phá tài”.

 Tề vương nghe xong thì có chút không vui, nói:

-    “Những điềm này đã ứng nghiệm rồi không cần nói lại. Ông chỉ cần nói chuyện tương lai của ta về hung kiết họa phúc mà thôi”.

Người coi tướng nói:

-      “Tôi coi rất chi tiết, đại vương, mặt của ngài nói được là đứng đắn thẳng thắn, tuyệt đối không phải là người dân bình thường”.

Lúc này, Ngải Tử đi lên phía trước nói:

-       “Thật coi tướng quá kỳ diệu, ông đúng là đệ tử của Quỷ cốc !”

Tề vương cười lớn, người coi tướng chỉ có nước rút lui !

(Ngải tử hậu ng)

 

Suy tư 48:

        Coi tướng kỳ diệu ở chỗ là biết được việc tương lai của người ta, chứ không cái đã xảy ra trong quá khứ, coi cái sắp đến chứ không coi cái hiện tại, bởi vì cái gì đã xảy ra thì đã xảy ra rồi, cái hiện tại thì đang xảy ra và cái tương lai thì chưa xảy đến, cho nên người ta cần coi cái sắp xảy ra mà thôi.

        Có những người Ki-tô hữu biết rằng mê tín dị đoan là có tội với Thiên Chúa, nhưng vẫn cứ đi đến nhờ thầy bói coi hậu vận; có những người Ki-tô hữu không tin coi bói coi tướng nhưng vẫn cứ thích người khác nói tương lai của mình, bởi vì con người ta thường hay muốn biết cái chưa xảy đến để...lo âu và buồn phiền nhiều hơn là lạc quan yêu đời.

        Coi tướng nói rằng ông vua tuyệt đối không phải như dân thường, thì chẳng khác gì người kia coi tướng cho bạn: má mày tóc dài và ba mày tóc ngắn, hoặc coi tướng mấy bà mang bầu: bà sinh con không trai thì là gái.v.v...

        Đúng là bịp bợm và đáng tức cười !

        Người Ki-tô hữu cũng sẽ bị cười như thế, nếu họ tin vào lời của ông thầy bói hơn là tin vào lời của Thiên Chúa và lời dạy của Giáo Hội...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 47.          NGẢI TỬ SẮP KHÓC

Tề Tuyên vương hỏi Thuần Vu Khôn:

-      “Trời đất sau mấy năm thì đảo lộn ?”

Thuần Vu Khôn trả lời:

-         “Trời đất khi đến mười hai vạn năm thì đảo lộn.”

Ngải Tử đứng bên cạnh nghe thế thì khóc lớn, Tề Tuyên công hỏi ông ta tại sao khóc, ông ta đáp:

-         “Tôi vì bá tánh sau mười một vạn chín ngàn chín trăm chín mươi chín năm sau mà khóc.”

Tề Tuyên vương nói:

-      “Chuyện đó thì như thế nào ?”

Ngải Tử trả lời:

-         “Tôi buồn là đến lúc đó, họ tìm chỗ nào để tránh tai nạn lớn lao như thế này chứ !”

(Ngải tử hậu ng)

 

Suy tư 47:

Trời đất đến mười hai vạn năm mới thay đổi vậy mà Ngải Tử đã khóc giùm cho thế hệ mười một vạn chín ngàn chín trăm chín mươi chín năm sau, thì quả là con người biết lo xa, và con người ta thì thường lo xa hơn là lo gần, lo cái hôm qua hơn lo cái hôm nay, cho nên người ta vẫn cứ băn khoăn mãi mãi...

Người khôn ngoan là người biết lo gần và lo xa, lo gần là việc mình đang làm đây có ảnh hưởng đến chuyện ngày mai của người khác không; việc cha mẹ làm hôm nay có ảnh hưởng đến chuyện tương lai của con cháu không; chuyện tôi làm hôm nay có ảnh hưởng việc ngày tôi chịu phán xét trước mặt Thiên Chúa không.v.v...đó chính là chuyện của người Ki-tô hữu khôn ngoan.

Người khôn ngoan là người làm việc hôm nay để phát triển ngày mai, người Ki-tô hữu khôn ngoan là người làm việc hôm nay là để nhẹ bớt và đứng vững trong ngày phán xét của Đức Chúa Giê-su.

Ai cũng lo xa, nhưng ít người lo xa đến sự sống đời đời của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46.          ĐỀU CÓ TÍNH VỘI VẢ

Có người nọ vừa đến tiệm bún thì kêu loạn xà ngầu lên:

-      “Tại sao không đem bún lên ?”

Chủ tiệm bưng tô bún lên đổ ngay trên mặt bàn, nói:

-         “Ông ăn mau, tôi phải rửa tô”.

Nói xong thì đem tô đi xuống bếp.

Khách ăn bún giận đùng đùng đi về nhà nói với vợ:

-         “Hôm nay tôi giận chết luôn”.

Bà vợ vội vàng sửa soạn khăn gói, nói:

-      “Ông chết, tôi đi kiếm người khác”.

Vợ lấy người khác chỉ có một đêm, chồng sau vội đuổi bà đi, bà ta hỏi duyên cớ tại sao, ông ấy đáp:

-         “Chỉ trách bà không lập tức sinh cho ta một đứa con”.

(Tinh tuyển nhã tiếu)

 

Suy tư 46:

        Tính vội vả, tính nóng nảy thường làm hại mình hơn mọi khuyết điểm khác, mà cái hại thứ nhất là mất hòa khí giữa người với nhau, sinh ra hận thù và chất thêm những hờn ghen trong cuộc sống.

        Người có tính nóng nảy người Trung Quốc gọi là “tính khí xấu” hoặc “tính nóng xấu”, bởi vì người có tính nóng vội vả thì thường gây rối trong cộng đoàn và bản thân cũng không được người khác tôn trọng.

        Đức Chúa Giê-su không vội vả kết án người tội lỗi nhưng mở cho họ con đường hối cải; Đức Mẹ Ma-ri-a không nóng nảy chửi rủa những người đóng đinh con mình vào thập giá nhưng cầu nguyện cho họ; các thánh tử đạo đã không nóng nảy trách mắng những người làm hại mình, nhưng tạ ơn Thiên Chúa đã cho họ có cơ hội chứng minh đức tin của mình...

        Người vội vả thì phán đoán vội vàng nên có khi làm hại tha nhân và hại mình, người có “tính khí xấu” hoặc “tính nóng xấu” thì thường là ẩn chứa sự kiêu ngạo trong tâm hồn, và khi có dịp thì bộc phát ra bên ngoài bằng hành động nóng nảy, và lời nói khó nghe xúc phạm đến những người chung quanh.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 45.          ĐÂU CÓ NHƯ THẾ

Có lần thi khoa học, có một thí sinh khoe khoang rằng nhất định mình sẽ thi đậu, anh ta nói với mọi người:

-         “Ban đêm tôi nằm mơ thấy nhạc trống đánh đánh thổi thổi, thì ra là có bức hoành báo tin thi đậu gởi đến nhà tôi.

Bạn của anh ta cười nhạo nói:

-         “Đúng đấy, ban đêm tôi cũng nằm mộng thấy bức hoành báo tin vui đưa đến nhà anh, trên bức hoành có đề bốn chữ.

Thí sinh ấy hỏi:

-      “Đó là bốn chữ gì ?”

Người bạn trả lời:

-      “Đâu có như thế”.

(Tinh tuyển nhã tiếu)

 

Suy tư 45:

        Nằm mơ thấy mình thi đậu rồi khoe khoang mình sẽ thi đậu bảng vàng, đúng là chuyện khoa trương có một không hai trên đời.

        Nếu mỗi người Ki-tô hữu đều nói “đâu có như thế” thì chắc chắn thế giới sẽ có hòa bình và xã hội sẽ được an vui. Khi gặp cám dỗ chúng ta nói “đâu có như thế”, vì tôi là người Ki-tô hữu, thì có lẽ sẽ tránh được phạm tội; khi giận hờn chửi mắng anh em mà tự nói “đâu có như thế” vì họ cũng là con cái của Thiên Chúa như tôi, thì sẽ có sự hối hận và quyết tâm sửa đổi; hoặc khi vu oan giá họa cho người khác mà tâm chúng ta nghĩ “đâu có như thế” vì lỗi đức bác ái, thì sẽ không còn vu oan giá họa cho tha nhân nữa; nếu khi chúng ta khoe khoang khoác lác mà biết nghĩ rằng “đâu có như thế”, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không khoe khoang kiêu ngạo với mọi người...

        Cái làm chúng ta khó chịu đó là tính khoe khoang của người khác, cái làm cho người khác khó chịu đó là tính khoe khoang của mình, bởi vì cái khoe khoang là một trong những cái làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa cũng như xa rời anh chị em của mình.

        Có người lấy chuyện nằm mơ làm sự thật nên họ sống khoe khoang và sau đó thì phiền muộn, bởi vì mộng không phải là thực tế; người Ki-tô hữu thì không sống bằng mộng nhưng bằng thực tế, nên họ thấy cái rất thực của người giàu cũng như của người nghèo, để rồi họ không con khoe khoang nữa, bởi vì chính họ cũng là con người nhiều khuyết điểm như bao người khác vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)