Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Chúa nhật 13 thường niên

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 9, 51-62.

“Đức Giê-su nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem. Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”.

Bạn thân mến,
Có rất nhiều người xin đi theo làm môn đệ Đức Chúa Giê-su, nhưng họ vẫn còn xin trở về để giải quyết việc riêng tư của mình cũng như của gia đình, đây không phải là việc xấu nhưng là việc của những người thế gian, đây không phải là việc đáng trách nhưng là cái tâm lo lắng của con người, với đoạn Tin Mừng này, tôi chia sẻ với anh chị em về kinh nghiệm theo Đức Chúa Giê-su của mình:

1.   Đức Chúa Giê-su mời gọi tôi đi làm môn đệ của Ngài, Ngài gọi tôi và tôi đã xác định đó là tiếng nói của Ngài trong cuộc sống của tôi nên tôi đã đi theo, nhưng trên đường đi tôi gặp rất nhiều tiếng gọi khác đó là tiếng gọi của bạn bè kêu tôi đi với họ để ăn chơi hưởng lạc; đó là tiếng gọi của tiền bạc kêu tôi đi theo nó để được sung sướng no ấm thân xác; đó là tiếng gọi tình cảm tự nhiên của con người mà lắm lúc tưởng chừng tôi đã nghe theo. Tất cả những tiếng gọi ấy đã át mất tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su trong lòng tôi, thế nhưng Ngài vẫn đợi chờ và thỉnh thoảng gọi lớn tiếng để thức tỉnh tôi đang phân vân với những tiếng gọi khác, thế là tôi phải chọn lựa giữa hai tiếng gọi: tiếng gọi của thế gian và tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su.

2.   Nhiều tháng ngày tôi thao thức giữa hai tiếng gọi này và lắm lúc tôi tự biện hộ rằng, theo Chúa cũng được mà theo thế gian cũng được, miễn là tôi sống đạo tốt lành giữa đời. Ý nghĩ biện hộ này như con dao hai lưỡi làm tôi sực tỉnh: theo thế gian nhưng sống đạo tốt lành thì chưa thấy vì nó đang ở trong thì tương lai, nhưng ơn gọi tu trì vẫn cứ thôi thúc mỗi ngày một lớn, thế là tôi phớt lờ tiếng gọi của bạn bè, tiền bạc vật chất và của tình cảm mà bước theo Chúa…

Đi theo Đức Chúa Giê-su là một cuộc chiến đấu lâu dài với những ham muốn của cá nhân, nhưng cuộc chiến đấu này hứa hẹn một cuộc toàn thắng rất hạnh phúc, mà chỉ có những ai quyết tâm theo Ngài mới cảm nghiệm được.

Bạn thân mến,
Tôi theo Đức Chúa Giê-su để làm môn đệ của Ngài trong thiên chức linh mục, bạn được Đức Chúa Giê-su mời gọi làm môn đệ của Ngài trong đời sống tín hữu, tuy khác nhau về ơn gọi nhưng tôi và bạn có một điểm chung, đó là chúng ta đều được Đức Chúa Giê-su kêu gọi để làm chứng nhân cho Ngài ở trần gian này.

Mỗi ngày trong cuộc sống, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng cho tình thương của Ngài đối với nhân loại. Ngài đã chọn tôi, chọn bạn để loan báo sứ điệp yêu thương này giữa thế gian, bằng chính cuộc sống bác ái và phục vụ của mình.

Xin Thiên Chúa đừng để một ai trong chúng ta viện nhiều lý do để từ chối lời kêu gọi của Ngài, dù lý do ấy rất hợp lý, nhưng xin Chúa ban cho chúng ta hiểu được rằng, lời kêu gọi của Ngài càng hợp lý hơn và có ích hơn cho bạn và tôi và tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô Tông Đồ




CHÚA NHẬT
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ


Tin mừng : Mt 16, 13-19

“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.

Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.

  1. Nhiệt tình với sứ mệnh.
Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.

Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”[1] và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.

Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô[2] cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su[3] mới thành lập, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái trong con người của thánh Phao-lô.

Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, đó là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

  1. Yêu mến Chúa Giê-su hết lòng.
Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Đức Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.[4]

Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa”[5] và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”[6]

Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su. Và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…

Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su…

Bạn thân mến,
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.

 Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.

 Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1] Mt 4, 19.

[2] Cv 7, 58.

[3] Cv 9, 1-2.

[4] Ga 21, 15-17.

[5] 2Cr 5, 13.

[6] 2Cr 5, 14.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Đói

ĐÓI
 
 

     Anh ngồi ăn cơm trong nhà hàng với mấy đứa bạn, bất chợt thấy một bé trai lem luốt cầm cái chén đi nhặt thức ăn thừa của bàn bên cạnh. Anh chợt nhớ đến đứa em út của mình vào những năm đói, cầm đôi đũa xới nồi sắn lát (khoai mì) để tìm cơm, nhưng ngay cả một hột cơm cũng không có.

Bất giác anh nuốt không trôi miếng cơm.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Gọt chân cho vừa giày

GỌT CHÂN CHO VỪA GIÀY
 
 

Có người đóng một đôi giày, bởi vì giày đóng bị nhỏ cho nên không vừa chân.

Ông ta không chịu thiết kế phương pháp dùng cái khuôn gỗ lớn bỏ giày trong mà khâu, hoặc là đem đổi cho người khác một đôi lớn hơn, mà là đem chân của mình gọt một mảng, thế là máu tươi ướt cả vào trong giày.
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

     Sau khi phạm tội, thay vì thú tội và làm hòa với Thiên Chúa, thì nguyên tổ chúng ta lại trốn trong bụi cây để khỏi nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng cho dù nguyên tổ không muốn nhìn thấy Thiên Chúa, thì Ngài vẫn cứ thấy họ.

     Có nhiều người Ki-tô hữu sau khi phạm tội, thay vì trông cậy vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa, thì lại hồ nghi và ngã lòng trông cậy vào ơn Chúa, cho nên càng đắm mình trong tội nhiều hơn, chẳng khác gì anh chàng gọt chân cho vừa chiếc giày của mình...

Phương pháp hay nhất để nhận được sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa, chính là sự khiêm tốn và đơn sơ của mỗi người chúng ta. Khiêm tốn thú tội và đơn sơ nép mình vào lòng Chúa như em bé đơn sơ ngủ trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Người nước Sở nấu thịt khỉ

NGƯỜI NƯỚC SỞ NẤU THỊT KHỈ
 
 
Có một người nước Sở nấu thịt khỉ rất ngon, mời người hàng xóm đến ăn cơm chung, và nói với người ấy: “Đây là thịt khỉ”.

Người hàng xóm cảm thấy mùi vị hợp khẩu nên ăn thật no, ăn xong, nghe nói thịt mình ăn là thịt khỉ, thì cảm thấy buồn nôn chịu không nỗi, bèn ngồi xổm dưới đất mà nôn, nôn mãi cho đến nỗi những đồ đã ăn văng ra mới thôi.                           
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

     Thịt khỉ thì không thể nào ngon như thịt cầy tơ (thịt chó), nhưng có người lại nấu ngon hơn cả cầy tơ, đến nỗi phải có người lầm mà vừa ăn vừa hít hà khen ngon, nhưng sau đó thì phải nôn ra…

     Ma quỷ là tên cám dổ quỷ quyệt xảo trá, nó biết người Ki-tô hữu nuốt không vô những thứ cám dỗ tội lỗi của nó, nên đã chế ra những thức ăn rất hợp khẩu vị, hợp tâm lý và ai ăn vào thì cảm thấy an tâm, chẳng hạn như nó biết người tín hữu không thể có hai vợ hoặc hai chồng, nên đã lấy câu lời của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” mà chế ra món ăn yêu thương, gặp cô nào cũng nói yêu với thương, gặp bà nào cũng nói là Chúa dạy yêu thương nhau, cho nên cuối cùng phải bỏ vợ con để “yêu thương nhau” với một cô gái; hoặc là nó cám dỗ người Ki-tô hữu uống rượu, mới đầu thì nó lấy kinh thánh ra nói Đức Chúa Giê-su cũng uống rượu trong tiệc cưới Ca-na mà có sao đâu, thế là uống chút ít, rồi chút ít đến khi nghiện nặng rồi mà cũng không biết, thế là gia đình tan nát vợ con ngán ngẫm...

Món ăn của ma quỷ mới nhìn thì thích ăn, ăn rồi thì muốn nôn ra, vì tất cả chỉ là giả dối, tạm bợ và làm cho linh hồn người ta hư mất đời đời.

     Ma quỷ chỉ phỉnh gạt được những người không cầu nguyện, chỉ lừa được những người coi thường các bí tích mà thôi, nhưng nếu tôi không cảnh giác đề phòng, thì cũng sẽ có ngày mắc mưu của chúng nó ngay.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Nhớ mẹ

NHỚ MẸ
 
 

     Trời mưa, gió lạnh, thấy cụ già bán mấy bó rau bên lề đường phố, anh chợt nhớ đến mẹ già của mình ngày trước cũng thức khuya dậy sớm làm bánh, và đi bán dạo khắp cả khu vực đông dân cư của thánh phố Sài Gòn, trời mưa bán không được thì đem về cho cả nhà ăn trừ bữa.

     Anh chợt đau nhói trong tim, vì mẹ anh đã mất.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Cải cách thánh lễ

CẢI CÁCH THÁNH LỄ
 
 

-         “Các cha dòng có sách lễ riêng của họ phải không ?”

-      “Vậy hả, ở đâu vậy ?”

-         “Chiều nay em đi lễ ở một nhà thờ vừa to lớn vừa hiện đại của các cha dòng, thấy cha chủ tế làm lễ hoàn toàn không giống như các cha khác: ngài không nói “Chúa ở cùng anh chị em”, nhưng ngài nói: “Chúa ở cùng ông, cùng bà, cùng anh, cùng chị, cùng em, cùng mọi người”.

Rồi khi truyền phép, ngài không đọc như trong sách lễ, mà nói vòng vo Chúa bẻ bánh này nọ, rồi sau đó mới nói: đây là Mình Ta…Máu Ta…”

Anh trai cười trả lời:

-         “Chắc ngài muốn…lấy lòng giáo dân !”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.