Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời

 


ĐỨC MẸ MA-RI-A HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lễ trọng)

 

Tin mừng : Lc 1, 39-56

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

 

Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để mỗi người trong chúng ta suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.

 

  1. Người giáo hữu ưu việt.

Đức Mẹ Ma-ri-a là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng lời của Thiên Chúa.

Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ; Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản mà người Ki-tô hữu phải có để được trở thành người giáo hữu, biết noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.

  1. Đấng cầu bàu

Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian trong bụng mẹ, Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

 

Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế khi Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác, thì chính đó là một cách tôn vinh của Thiên Chúa dành cho những ai khi còn sống ở trần gian này đã yêu mến và thực hành lời của Chúa…

Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và rất xứng đáng, và càng chính đáng và xứng đáng hơn nữa khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Ma-ri-a, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4).

Bạn thân mến,

Mừng kính lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua nơi con người của Mẹ, mà chúng ta cũng cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của chính bạn và tôi, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Đức Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

 

Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân là để đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Chúa và Mẹ Ma-ri-a. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ mà thôi, chứ không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ, và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn cầu bàu cho chúng ta, khi còn ở đời này biết yêu mến những sự trên trời, để sống như đang sống với Mẹ trên trời vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chúa nhật 20 thường niên



CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 49-53

Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẻ”.


Bạn thân mến,

Có nhiều người giáo dân thắc mắc về câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay của Đức Chúa Giê-su: Ngài đến không phải để đem hòa bình nhưng đem sự chia rẻ. Như thế là Đức Chúa Giê-su tự mâu thuẩn với lời dạy của mình, bởi vì chỉ có ma quỷ mới đem chia rẻ đến cho người ta mà thôi.

Hoà bình không phải tự nhiên mà có nhưng phải nỗ lực đấu tranh và có khi mất cả mạng sống của mình.

Đức Chúa Giê-su đến, chính Ngài là sự chia rẻ giữa các dân tộc như tiên tri Si-mê-on đã loan báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người chống báng…” (Lc 2, 34). Chia rẻ không có nghĩa là Ngài muốn thế gian chia rẻ nhau, nhưng con người ta sẽ vì tin vào Ngài mà chia rẻ nhau, và như thế “”những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”  (Lc 2, 35a) khi chính họ tin và nhận biết Đức Chúa Giê-su chính là Cứu Chúa của họ.

Do đó, những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su sẽ bị người ta bách hại, người bách hại đó có khi là người thân của mình, vì họ chưa nhận ra được chân lý từ Đức Chúa Giê-su nên họ chống đối khốc liệt khi người thân của họ tin vào Ngài. Mầm chia rẻ đã chớm rõ khi trong gia đình có người tin vào Đức Chúa Giê-su và có người còn giữ đạo ông bà hay tin một tôn giáo khác, ngay cả những người tin vào Đức Chúa Giê-su đã cảm thấy sự chia rẻ ngay trong gia đình, hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn nơi con người của họ, hạnh phúc vì đã tìm được đường đi đến sự sống đời đời, hạnh phúc vì đã tìm được Thiên Chúa của mình; đau khổ là vì những người thân trong gia đình chưa biết Thiên Chúa, đau khổ vì mình tin vào Đức Chúa Giê-su mà gia đình bất hoà chia rẻ…

Vì thế, người tín hữu cần phải phấn đấu cho niềm tin của mình, phải chiến đấu với những cám dỗ do ma quỷ và thế gian khiêu chiến, để đem lại hoà bình cho gia đình và cho mọi người, phải chiến đấu không ngơi nghỉ với hồng ân của Thiên Chúa ban cho, tức là kiên trì với đức tin và sống gương mẫu theo tinh thần Phúc Âm của Chúa.

Hoà bình không phải chỉ nói bằng miệng, nhưng là được nói bằng con tim chân thành và thể hiện nơi hành động. 

Đức Chúa Giê-su đến trong thế gian, Ngài không chỉ loan báo tin vui Nước Trời mà thôi, nhưng Ngài còn hành động với quả tim yêu thương chân thành. Ngài đã kiến tạo hoà bình trong tâm hồn của những ai đến với Ngài, bằng những lời lẽ mộc mạc đơn sơ dễ hiểu với hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật (Mt 5, 3-12).

Quả thật như thế, không một ai đến với Đức Chúa Giê-su mà tâm hồn không được bình an, bởi vì khi đến với Ngài người ta chỉ thấy Ngài là con người của hoà bình và của yêu thương, người ta lũ lượt tuôn đến với Ngài như đàn chiên đi sau người mục tử nhân hậu.

Hoà bình trong tâm hồn là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su, và những ai chân thành kiến tạo hoà bình thì cũng sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, đó là lời hứa của Đức Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9), một lời hứa được đặt vào trong hiến chương của Nước Trời là một bảo đảm cho nhân loại.

Bạn thân mến,

Lửa mà Đức Chúa Giê-su đem đến trong thế gian không phải là lửa thiêu đốt phá hoại và gây chết chóc đau khổ cho nhân loại, nhưng đó là lửa yêu mến, lửa của tình yêu được xuất phát từ quả tim yêu thương nhân loại vô bờ bến của Ngài.

Lửa yêu thương này, Đức Chúa Giê-su muốn đốt –trước hết- là trong lòng của bạn và tôi, để khi ngọn lửa ấy phát sinh hiệu quả trong mình, thì bạn và tôi sẽ châm qua cho người khác bằng chính những việc làm bác ái yêu thương và phục vụ của chính mình.

Đừng để lửa trong tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh, nhưng mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta cầu xin Đức Chúa Giê-su gia tăng lửa yêu mến, để chúng ta kiến tạo hoà bình ở những nơi mà chúng ta đến phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

----------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


94.   NĂM MƯƠI VẪN CÒN NGU

Có một người dân quê được làm sai dịch ở quan phủ, đi hỏi các vị tiền bối về điều lệ của luật hình sự.

Lão tiền bối giới thiệu các loại hình phạt như cây roi (để đánh), cây côn (để hèo), rồi nói:

-      “Dùng cây gai nhỏ đánh từ mười đến năm mươi roi gọi là “roi”; dùng cây gai lớn mà đánh từ sáu mươi đến một trăm thì gọi là “trượng...”

Người dân quê ấy rất lấy làm kinh ngạc, nói:

-         “Tôi không tin, lẽ nào đến năm mươi tuổi vẫn còn ngu [1] không biết gì sao ?

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 94:

Không ai đến năm mươi tuổi rồi mà vẫn con ngu ngơ, nếu có chăng nữa thì họ là những người bệnh hoạn. Nhưng thời nay và thời trước cũng vẫn có những người đến năm mươi sáu mươi tuổi rồi mà vẫn còn ngu ngơ, đó là những người kiêu ngạo, luôn đặt mình làm trung tâm của mọi người; là những người luôn lấy chức quyền để áp đặt chuyện này chuyện nọ cho người khác mà không hỏi ý kiến của họ...

Không hiểu thì hỏi đó là chuyện thường tình của người ham học hỏi và cầu tiến, đó cũng là luật bất thành văn của người khiêm tốn vậy.

Có người đến năm mươi tuổi vẫn còn ngu ngơ vì đã tự cho mình đầy đủ rồi, họ chưa trưởng thành; có người đến năm mươi tuổi vẫn còn ngu ngơ vì họ quá tin tưởng vào khả năng của mình; có người đến năm mươi tuổi vẫn còn ngu ngơ vì họ uống rượu như uống nước lã nên đầu óc không còn sáng suốt nữa.

Đến năm mươi tuổi vẫn con ngu ngơ thì vừa tội nghiệp vừa đáng sợ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ “roiphát âm tiếng Hoa giống như chữ “ngu”, đồng âm khác nghĩa.”

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


93.   VÌ MỘNG MÀ TRANH CÃI

Có một anh học trò nhà nghèo nằm mộng thấy mình nhặt được ba trăm lượng bạc, tỉnh giấc anh ta nói với vợ:

-         “Nếu thật mà nhặt được thì tôi sẽ lấy một trăm lượng mua một căn nhà, một trăm lượng mua rưộng vườn, và dùng một trăm lượng còn lại lấy một cô vợ bé, lúc đó thì rất là sung sướng.”

Bà vợ đùng đùng nổi giận, nói:

-         “Ông thì chỉ có thể chết nghèo, chết cóng mà thôi, mới có chút xíu tiền mà đã đòi lấy vợ bé !”

Hai vợ chồng tranh cãi nhau mãi không thôi, lại còn đánh nhau nữa chứ, người hàng xóm láng giềng nghe tiếng bèn chạy đến khuyên giải.

Sau khi hỏi rõ nguyên nhân tranh cãi, thì tất cả đều cười rộ lên:

-         “May mới chỉ là giấc mộng, nếu ông mà có tiền thật để kiếm vợ bé, thì có nước mà đánh nhau chết người gây án mạng, lại còn liên lụy đến chúng tôi nữa chứ ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 93:

        “Chưa đỗ ông nghe đã đe hàng xóm” là câu nói chê cười những người có tính khoe khoang và ham muốn danh vọng chức quyền, họ cũng giống như người nằm mộng thấy mình giàu có rồi “thèm” kiếm thêm bà vợ bé để thoả mãn tính phóng đãng của mình.

Người ta ai cũng có ước mơ, và tất cả ước mơ đều chung kết quả là được sung sướng.

        Người Ki-tô hữu cũng là con người nên họ cũng có ước mơ, nhưng ước mơ của họ rất khác với người, đó là họ ước mơ được nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su, có nghĩa là họ ước mơ được giống như Ngài, tức là được vì anh em chị em mà hy sinh, được vì tha nhân mà phục vụ và được vì Đức Chúa Ki-tô mà chịu bắt bớ, chịu nhục nhã và cuối cùng là chịu mất mạng sống của mình.

Có người chưa “đỗ” linh mục, nhưng từ cung cách đi đứng cho đến cách ăn nói thì rất là trịch thượng với bạn đồng lứa kẻ cả với người nhỏ, đạo mạo với bề trên mà quên mất tính “bổn thiện” vốn có của mình, bởi vì họ quá mơ ước đến một chức linh mục quyền uy và hưởng thụ, hơn là nghĩ đến một vị linh mục hiền lành đức độ và nhiệt tâm phục vụ Chúa trong tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


92.   NÓI KHOÁC LÒI RA CÁI XẤU

Có một nông dân thường hay nói khoác, nói rằng tất cả các thứ sơn hào hải vị trên thế gian này mình đã ăn qua, có người hỏi:

-      “Anh đã ăn món yến sào chưa ?“

Người ấy lớn tiếng thoá mạ:

-      “Thối mồm, cái đó để cho mày ăn !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 92:

        Yến sào là món ăn của nhà vua, hay ít nữa là của các nhà quý tộc cở “công tử Bạc Liêu” hoặc các đại gia thời nay đi xe trăm tỷ mới dám bỏ tiền ra mua ăn, khoe mình đã ăn tất cả các thứ sơn hào hải vị mà không biết đến món yến sào, thì đúng là ếch ngồi đáy giếng và khoác lác vậy.

        Người Pha-ri-siêu và các thầy thông luật đã khoe khoang là mình đã thuộc làu làu lề luật của Thiên Chúa và tuân giữ từng nét từng chữ, nhưng luật căn bản nhất của lề luật là bác ái mà các ông cũng không biết (Lc 10, 29-35), thật là đáng tiếc cho họ vậy.

        Có một vài thanh niên tôi mời họ đến nhà thờ tham dự giáo lý dành cho người lớn, họ cười và nói với tôi:

-      “Tụi con giáo lý thuộc làu làu từ lúc nhỏ, đến bây giờ vẫn còn nhớ không quên, cho nên khỏi cần đi học lại giáo lý”.

Tôi vừa cười vừa hỏi lại:

-      “Vậy thì Chúa Thánh Thần là ai ?”

Họ trả lời rất “oai”:

-      “Chúa Thánh Thần là thiên thần mà Thiên Chúa đã dựng nên...”

Thật tội nghiệp cho họ không biết tí gì về giáo lý cả, vậy mà vẫn cứ khoác lác.

        Món ăn của người nông dân trên đây thì không bao giờ có yến sào, và người nông dân ấy cũng không biết yến sào là món gì cả nên thoá mạ người khác.

        Tất cả những người Ki-tô hữu đều biết lề luật của Chúa đều ở trong hai điều là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận, cần phải thực hành chứ không phải chỉ là thuộc lòng. Giáo lý của đạo Công Giáo không phải chỉ là thuộc lòng mấy điều đã học từ nhỏ, nhưng chính là đào sâu và thực hành mỗi ngày trong cuộc sống của mình về những điều mà mình đã tin đã nghe và đã biết.

        Khoác lác thường bày ra cái đuôi, cái đuôi đó là sự dốt nát và kiêu ngạo.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


91.   HƯ CẢ MỘT CHÂU

Có một tú tài đến dạy học cho con quan, giảng sách “Thiên tự văn”, nói:

-      “Hộ Phong có bảy huyện”.

Quan huyện không hiểu bèn hỏi:

-      “Rõ ràng là có tám huyện sao lại là bảy huyện ?”

Tú tài cười trả lời:

-         “Đúng là có tám huyện, nhưng bây giờ bị quan bất tài phá mất một huyện rồi.”

Quan huyện giận dữ, bẩm báo với quan châu phải trị tên tú tài.

Quan châu cho triệu tú tài đến, và quyết định khảo nghiệm anh ta, bèn ra lệnh cho tú tài giảng sách “Vũ Cống”, tú tài nói:

-      “Vũ Biệt có tám châu”.

Quan châu nghe liền mừng nói thầm:

-      “Tốt, rồi cuối cùng cũng bị ta tóm được cái đuôi !”

Bèn chất vấn:

-         “Tại sao mày lại giảng là tám châu ? Sách “Vũ Cống” rõ ràng là nói có chín châu mà !”

Tú tài nói:

-         “Đúng vậy, nguyên nó là có chín châu, nhưng hôm nay nếu nó không bị ngài phá một châu, thì không phải là có tám châu sao ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 91:

Anh học trò lợi dụng lúc giảng sách để nói ra cái tội “làm nghèo đất nước” của hai ông quan châu (tỉnh) và quan huyện, anh học trò thật can đảm.

Có một vài giáo dân muốn cho cha sở biết mình là người cương trực không sợ ai, nên đã to tiếng với ngài ngay giữa sân nhà thờ, thế là bị người khác chê trách là hỗn láo và kiêu ngạo; có một vài tu sĩ để chứng tỏ mình là người dám làm dám nói nên đã chỉ trích bề trên cách thô lỗ cộc cằn, thế là công đức tu luyện mất toi để mọi người chê trách...

Cương trực và dám làm dám nói đều là những đức tính tốt cần phải có, nhưng hai tính tốt ấy cần phải có sự khôn ngoan và đức ái đi kèm, bằng không thì sẽ phản tác dụng và làm cho mọi người chán ngấy và phát ớn.

Người cương trực là người không khuất phục trước bất công và đàn áp, nhưng cha sở của mình đã làm gì bất công và đàn áp mình để mà to tiếng với ngài ? Người dám nói dám làm là người luôn có tinh thần trách nhiệm, mà đã chu toàn trách nhiệm thì bề trên nào lại rầy la khiển trách mình chứ ?

Ma quỷ thường lợi dụng tính cương trực của người không có đức ái để phá hoại sự đoàn kết trong cộng đoàn, và lợi dụng người dám nói dám làm nhưng không có sự khiêm tốn để chia bè kết cánh, làm tổn thương tình cảm giữa con người với nhau.

Tất cả cũng chỉ vì thiếu khôn ngoan và thiếu đức ái mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


90.   BÀI THƠ SỐT RÉT

        Kim Long Trần Toàn bị bệnh sốt rét, tự mình làm một bài vè miêu tả tình trạng của bệnh, khiến cho mọi người rất tức cười:

“Lúc lạnh đến, lạnh như nằm trên tảng băng;

lúc nóng đến, nóng như ngồi trong lồng ấp;

khi đau, đau muốn bể đầu óc;

khi run, run sái khớp xương hàm;

dù cho anh hại, anh giết người, cũng vẫn cứ ca,

dù cho anh hại, anh giết người, cũng vẫn cứ ca,

thật là một người khó sống khi lạnh đến nóng về !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 90:

        Trong bệnh hoạn mà vẫn còn làm thơ tả cảnh bệnh tình thì thật là một người lạc quan, cái lạc quan này có hai nguyên nhân: một là biết chấp nhận hoàn cảnh, hai là có ý chí.

        Người Ki-tô hữu là người sống lạc quan, lạc quan để thấy được thánh ý của Chúa trong hoàn cảnh vui buồn của mình; lạc quan để chấp nhận thánh ý của Chúa gởi đến, mà đa phần là Chúa gởi niềm vui đến trong thánh giá mà thôi. Người Ki-tô hữu là người có ý chí, ý chí vươn lên từ trong vũng bùn tội lỗi, ý chí vươn lên làm lại cuộc đời đã bị lãng phí trong những tháng ngày đam mê hưởng thụ thế gian xác thịt.

        Lạc quan và ý chí này chính là ân sủng mà Chúa ban cho.

        Người sống không lạc quan là người không thể loan báo tin vui cứu độ cho mọi ngừơi được, bởi vì họ chưa hoặc không cảm nghiệm được niềm vui phục sinh mà họ chia sẻ từ nơi Đức Chúa Giê-su; người sống không có ý chí là người không thể giành được Nước Trời, bởi vì ai muốn giành được Nước Trời thì cần phải có sức mạnh mới chiếm được (Mt 11, 13) mà sức mạnh này không phải là ý chí của đức tin hay sao ?      

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)