Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

Chúa nhật 15 thường niên



CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 10, 25-37.
“Ai là người thân cận của tôi ?”

Bạn  thân mến,
Trong cuộc sống của chúng ta có nhiều câu hỏi được dặt ra cho mình: tôi phải làm gì để có tiền ? Tôi phải làm gì để học giỏi ? Tôi phải làm gì để người yêu tôi được vui vẻ, tôi phải làm gì để giành được địa vị giám đốc.v.v… và có rất nhiều câu hỏi mà bạn và tôi đã đặt ra cho mình cũng như cho người khác khi có những nhu cầu đòi hỏi…
Nhưng có lẽ chưa một ai trong chúng ta tự hỏi mình: “Ai là người thân cận của tôi” như người thanh niên thông luật đã đã hỏi Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay.

  1. Người thân cận của tôi là ai ?
Người thân cận của tôi trước hết là “cái tôi” của mình, cái tôi này đã làm cho tôi có lúc như nổi loạn vì bất mãn với người khác, bất mãn với cuộc sống hiện tai, bất mãn với đời sống cộng đoàn.

Người thân cận của tôi tiếp theo là vợ chồng con cái của tôi, những người thân cận này vì yêu thương họ mà tôi phải làm việc mệt nhọc, phải thức khuya dậy sớm, và có khi vì yêu thương họ mà tôi phải phạm pháp, phải hối lộ, phải chửi nhau với người khác để kiếm tiền chăm sóc họ.
Người thân cận của tôi cũng chính là cha mẹ anh chị em ruột thịt của tôi, vì họ mà có lúc tôi bỏ đường danh vọng theo ý mình để nghe lời cha mẹ làm những việc khác mà tôi không thích, vì anh em thân cận mà có lúc tôi phải trở thành người xa lạ với những người đã nâng đỡ tôi trong cuộc sống…
Người thân cận của tôi cũng chính là bạn bè thân hữu, họ đã chơi rất thân với tôi, và vì nể bạn bè mà có khi tôi phải nhậu nhẹt với họ sau giờ làm việc, có khi thức suốt đêm để ăn chơi rượu chè quên mất đường về nhà…
Đó là những người thân cận của tôi ngày hôm nay, cũng như những người thân cận mà người Do Thái thời Đức Chúa Giê-su đã quan niệm.
Đức Chúa Giê-su không trả lời với người thanh niên thông luật rằng: người thân cận của anh là cha mẹ, là anh chi em, là vợ chồng của anh, là bạn hữu của anh. Bởi vì đó là mối “thân cận” thường tình của con người, mối thân cận này thường làm cho người ta dễ dàng đi đến thái độ thờ ơ, dửng dưng với người xa lạ không quen biết, mà Nước Trời thì không phải chỉ dành cho bà con bạn hữu hay của một nhóm người mà thôi.

  1. Người thân cận của tôi là ai ?
Đó là người Sa-ma-ri-a nhân hậu mà Đức Chúa Giê-su đã nói trong bài dụ ngôn hôm nay, là người biết thương xót nỗi bất hạnh của người khác.
Người Sa-ma-ri-a nhân hậu ấy là người thân cận của tôi, họ là người ngày hôm qua chửi tôi trong cuộc họp cộng đoàn, họ là người ngày hôm qua phê bình tôi giữa đám dông dân chúng, họ là người mà thường ngày tôi ghét cay ghét đắng vì thái độ hách hách của họ, họ là người mà tôi quyết tâm sẽ trừng trị họ cho bỏ ghét trong xí nghiệp của tôi…
Những người Sa-ma-ri-a ấy là người thân cận của tôi, vì ích kỷ, vì kiêu ngạo, vì ghét ghen mà tôi biến họ thành kẻ thù của tôi, nhưng Đức Chúa Giê-su đã dạy cho tôi biết cách nhìn xa hơn và hướng thiện hơn: con người ta ai cũng có một tâm hồn biết thương xót. Người Sa-ma-ri-a là kẻ thù của người Do Thái nhưng họ vẫn sẵn sàng xuống ngựa và cúi xuống ôm lấy người Do Thái bị nạn đang nằm bên vệ đường, tấm lòng của họ tốt lành hơn các tư tế và các thầy Lê Vi của người Do Thái gấp trăm ngàn lần…
Đức Chúa Giê-su rất có lý khi đưa ra dụ ngôn tuyệt vời này, cái lý lớn nhất của Ngài là mọi người đều là anh em của nhau và con cùng một Cha trên trời, từ cái lý này mà sinh ra nhiều lý khác rất hợp với lời rao giảng của Ngài là yêu thương người như chính mình, yêu thương và làm ơn cho kẻ thù ghét mình…
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy người thân cận của bạn và của tôi là ai trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe rất rõ ràng, nhưng thực hành thì chúng ta vẫn chưa làm tốt, bởi vì chúng ta chưa thực sự là người muốn trở nên người thân cận của mọi người, khi mà chúng ta vẫn còn những phê bình ác ý, vẫn còn suy tính hơn thiệt khi giúp đỡ người khác…
Hy vọng –với ơn Chúa giúp- bạn và tôi sẽ nhìn thấy tất cả mọi người đều là người thân cận của mình, nhất là những người mà hằng ngày chúng ta tiếp xúc trò chuyện, những người mà chúng ta cho rằng “không đáng làm bạn với mình” sẽ trở nên những người thân cận của chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Chúa nhật 14 thường niên




CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 10, 11-12; 17-20.
“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy”.

Bạn thân mến,
“Lúa chín đấy đồng, mà thợ gặt thì ít”, câu nói này của Đức Chúa Giê-su chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong cuộc sống, và theo thói quen tốt lành của mỗi nơi, mà chúng ta dành ngày thứ năm mỗi tuần để cầu nguyện cách riêng cho các “thợ gặt” truyền giáo, là các linh mục, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ trong Giáo Hội.
Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến, và vì chúng ta bấy lâu nay chỉ hiểu thợ gặt chính là các linh mục và các tu sĩ nam nữ mà thôi, nên chúng ta quên mất có rất nhiều thợ gặt khác đang âm thầm hoặc công khai làm việc trên cánh đồng truyền giáo, đó chính là bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác, họ là những thợ gặt của thời hiện đại, trong tâm tình đó tôi xin chia sẻ với bạn mấy vấn đề sau đây :
  1. Cha mẹ cũng là thợ gặt truyền giáo.
Trước hết, có một vấn đề mà chúng ta phải công nhận: gia đình là cánh đồng nhỏ mà thợ gặt không ai khác hơn chính là cha mẹ, nhưng thời hiện đại này thì gia đình không còn nhỏ nữa mà chúng đã biến thành lớn với một vài đứa con trong gia đình, bởi vì cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho chúng nó mất đi phương hướng về tôn giáo và tín ngưỡng mà chúng nó đã lãnh nhận, do đó cha mẹ phải chính là người thợ gặt nhiệt thành lo lắng cho con cái mình, biết dạy dỗ chúng nó trở thành những “hạt lúa béo đầy ắp sữa ân sủng” của Chúa.
Hiện tượng chỉ có những người già, những người lớn tuổi mới đi tham dự thánh lễ nơi các nước văn minh và phát triển là bức tranh rất thực tế, bởi vì các bạn trẻ và ngay cả các trẻ em cũng ít đi lễ nhà thờ, nguyên nhân khách quan thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan thì nằm ngay trong gia đình của các em như: bận học hành vui chơi mà không có thời gian đi thờ, và đời sống tâm linh của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn trên con cái, như cha mẹ ít nhắc nhở con cái sống đạo, cha mẹ không mặn nồng với giáo xứ, không thiết tha đi tham dự thánh lễ…
Cha mẹ sẽ là thợ gặt lành nghề trên “cánh đồng” truyền giáo của mình khi họ có đời sống đạo đức tốt lành và kiên trì, đức tin của cha mẹ là công cụ gặt hái hiện đại và hiệu quả nhất trong gia đình của mình, với tinh thần hy sinh và cầu nguyện, cha mẹ sẽ trở nên những thợ gặt mẫu mực cho con cái của mình. Do đó, khi mà chúng ta ngồi buồn bực vì con cái không nghe lời mình để đến tham gia các sinh hoạt của nhà thờ, chi bằng chúng ta quyết tâm trở nên những thợ gặt nhiệt thành nhất trong gia đình của chúng ta, bằng cách làm gương sáng cho chúng nó…
  1. Mỗi giáo dân là một thợ gặt.
Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đương nhiên là những thợ gặt chuyên môn trên cánh đồng truyền giáo, các vị ấy với những năm tháng được huấn luyện để trở thành những thợ gặt chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn quá ít và thiếu trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la, cho nên, mỗi giáo dân là mỗi thợ gặt trong hoàn cảnh cuộc sống  của mình, đó là một đòi hỏi của Đức Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay.
Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu đã trở thành một chi thể của Giáo Hội, một công dân của Nước Trời và là một thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, không một giáo dân nào trong thời đại ngày nay nói rằng: truyền giáo là bổn phận của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ nữa, nhưng đa số giáo dân đều hiểu rằng, mình cũng có bổn phận rao giảng Lời Chúa cho mọi người và sống Tin Mừng giữa tha nhân.
Đức Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, có nghĩa là ngoài mười hai vị tông đồ ra, Ngài còn chọn thêm cho mình những môn đệ khác để cùng với các tông đồ rao giảng về nước Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ này đại diện cho các cộng đoàn dân Thiên Chúa trên khắp thế giới, mà mỗi Ki-tô hữu là những thợ gặt trong thế giới hiện đại hôm nay.
Bạn thân mến,
Tuy không chuyên nghiệp như các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng đã là bổn phận thì phải tìm cách để chu toàn, do đó mà chúng ta –người Ki-tô hữu- trước hết phải sống đạo tốt lành, biết noi gương phục vụ và biết cộng tác với cha sở của mình trong việc xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.
Chỉ có những ai biết khiêm tốn đón nhận sứ mạng mà không chút kêu ca hay tự mãn, thì mới có thể trở thành thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.
Có những người Ki-tô hữu thao thức tìm cho mình một hướng đi như các linh mục và tu sĩ nam nữ, gọi nôm na là linh đạo giáo dân, một ý tưởng rất tốt, nhưng linh đạo giáo dân là gì nếu không phải là sống đạo giữa trần thế dựa trên Lời Chúa, linh đạo giáo dân trước hết chính là chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, và khi đã làm tốt việc đó, thì đã trở thành những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay rồi vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.