Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Chúa nhật 26 thường niên



 CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 9, 38-43.45.47-48
“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi.”

Bạn thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai điểm chính mà Đức Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh:
- điểm thứ nhất là “chống lại và ủng hộ”,
- điểm thứ hai là “phải dứt khoác ngay với những gì nên cớ vấp phạm”.

1. Đức Chúa Giê-su không hề rao giảng việc ủng hộ tội ác hay ủng hộ làm điều ác và tội lỗi, nhưng Ngài nhắc nhở các môn đệ rằng, ai ủng hộ việc làm của Ngài và của các tông đồ tức là không chống đối Ngài, mà việc Ngài và các tông đồ đang làm chính là công việc bác ái và phục tha nhân, mà người Do Thái chưa từng thấy được nơi các kinh sư, các thầy luật sĩ và những người biệt phái của họ. Nếu họ làm như Đức Chúa Giê-su và các tông đồ, thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người ủng hộ và tôn họ làm đấng tiên tri, nhưng họ thay vì ủng hộ thì lại chống đối việc Đức Chúa Giê-su đang làm và đang rao giảng, và cuối cùng thì lên án đóng đinh Ngài vào thập giá.
Có rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã phản đối, đã “đì”, và đã trù giập người anh em chị em chúng ta, vì một lý do đơn giản là họ không ủng hộ việc chúng ta làm.
Trong cuộc sống của bạn và tôi thì chống đối nhiều hơn là ủng hộ, bởi vì cái tôi của chúng ta quá lớn, lớn hơn cả lí trí và lương tâm của mình, cho nên chúng ta chỉ thấy được cái khuyết điểm của người anh em chị em mà không nhìn thấy cái ưu điểm của họ:
Chúng ta chống vì họ thấp cổ bé họng,
Chúng ta chống vì họ quá hiền lành,
Chúng ta chống vì họ hay nói sự thật,
Chúng ta chống vì việc làm ngay thẳng của họ là cái gai trong mắt của mình.
Chúng ta chống vì họ được nhiều người ủng hộ.
Chúng ta chống vì chúng ta kiêu ngạo...
Chúng ta chống vì họ không về phe với mình...
Nhưng chúng ta lại ủng hộ những ai về phe với mình, chúng ta ủng hộ vì họ là bạn bè thân thiết của mình, chúng ta ủng hộ vì hoàn cảnh của họ giống hoàn cảnh của mình, chúng ta ủng hộ người khác vì tâm hồn của chúng ta cũng đang hậm hực tức tối vì quyền lợi bị mất đi...

2. “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi” , “tay anh” chính là bạn bè của bạn và tôi, bạn bè làm cớ cho chúng ta vấp ngã thì dứt tình bạn với họ, vì thà rằng không có bạn bè để được vào Nước Trời, còn hơn là có người bạn xấu ấy để rồi cả hai sa hoả ngục; “chân anh” cũng chính là những cái mà anh yêu thích: xe cộ, áo quần, tiền bạc.v.v... thà không có xe cộ để được vào Nước Trời, còn hơn là có xe cộ rồi chạy long nhong đến quán cà-phê ôm, đến những nơi không đáng đến để rồi gây cớ vấp phạm cho người khác; thà không có lụa là gấm vóc, thà không có tiền ức bạc tỷ, thà vào Nước Trời với bộ áo quần vải thô nhưng thơm tho sạch sẽ...
Ở đời, có nhiều khi bạn thấy làm đúng thì bị chống mà làm sai thì lại được ủng hộ, bởi vì bạn và tôi đều hiểu: thế gian chứ không phải là thế ngay, bởi vì con người ta ai cũng có cái tôi ích kỷ, ai cũng có cái tôi tham lam, ai cũng có phe cánh của mình…
Bạn thân mến,
Chống đối hay ủng hộ là việc của người khác, nhưng hết lòng chu toàn bổn phận vì Chúa vì tha nhân trong công lý và sự thật là việc của chúng ta, vì chống đối hay ủng hộ không phải là giấy chứng nhận vào Nước Trời, nhưng chính là việc chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


100.          CẤM MẸ NIỆM PHẬT

Mẹ của Địch Vĩnh Linh rất thành kính với Phật, ngày ngày tụng kinh niệm phật, âm thanh không dứt.

Con trai là Địch Vĩnh Linh giả bộ kêu lên “mẹ”, bà ta bèn nói theo.

Vĩnh Linh không ngừng hô hoán, bà ta bực tức nói:

-         “Không có chuyện gì, tại sao kêu ta nhỉ ?”

Con trai nói:

-         “Con kêu mẹ ba bốn tiếng thì mẹ không vui, cái ông phật lớn Thích Ca Mâu Ni ấy mỗi ngày đều để mẹ kêu cả vạn tiếng, không biết ông ta bực tức đến độ nào chứ ?”

Bà mẹ nghe rồi thì có chút giác ngộ.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 100 :

        Tụng kinh cả ngày nhưng chưa chắc là được vào cõi niết bàn, bởi vì họ chỉ biết mở miệng mà không biết mở tai để nghe những lời cầu xin của người bất hạnh; đọc kinh lần chuỗi Mân Côi cả ngày nhưng chưa chắc đã đến được cửa thiên đàng, bởi vì họ chỉ biết mở miệng cầu xin cho mình, mà không biết mở tâm hồn để động lòng trắc ẩn trước những người đau khổ...

        Chỉ đọc kinh cầu nguyện bằng môi miệng mà không bằng tâm hồn thì chỉ làm cho Chúa không vui mà thôi, nhưng đọc cả tâm hồn mến yêu thì chắc chắn Chúa vui hơn nhiều.

        Có những người Ki-tô hữu chỉ đọc kinh bằng giác quan, như: đọc kinh ra rả, làm việc bác ái khi có người vỗ tay khen, chỉ móc hầu bao ra khi tên mình được đọc to giữa nhà thờ để mọi người nghe biết, chứ không thờ lạy Thiên Chúa trong tâm hồn, cho nên họ bực mình và khó chịu khi có người nghèo đến xin họ bố thí giúp đỡ...

        Đức Chúa Giê-su đã cảnh cáo hạng người ấy đừng thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, đừng nghĩ rằng cứ đọc kinh cho thật nhiều thì sẽ được vào thiên đàng, nhưng chỉ những ai biết thực hành lời của Ngài mới được vào thiên quốc mà thôi, mà Lời Chúa không phải là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình sao !

        Vĩnh Linh mới kêu mẹ ba bốn tiếng mà mẹ đã giận không bằng lòng, cũng vậy nếu chúng ta cứ kêu Chúa mà không yêu mến thực hành Lời Chúa, thì Chúa cũng sẽ buồn lắm vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


99.          VĨNH LINH CẮP MŨ

Địch Vĩnh Linh người Thường Châu vốn là một thiếu niên tinh nghịch, hắn ta vừa mới vào học thì đã làm một chuyện xấu. Thầy đốc học rất nghiêm khắc, mỗi ngày khi trời chưa sáng thì bắt học trò phải tập họp vào trong lớp nghe ông ta giảng bài, các học trò cảm thấy đi học rất là khổ.

Một hôm, Địch Vĩnh Linh bị bạn học xúi bậy núp sau bức tường thấp bên đường, đợi khi thầy giáo đến thì bật dậy dùng thủ pháp rất nhanh nhẹn tuột cái mũ của ông ta, và đem đội trên đầu cái tượng ông thổ địa ở trong miếu.

Thầy giáo đi tìm mũ khắp nơi và vất vả lắm mới thấy cái mũ ở trong miếu, và ông ta cho rằng thần thổ địa phạt ông ta nên rất kinh hãi, từ đó không dám đến trường vào sáng sớm nữa.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 99:

        Làm việc gì thì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó, bởi vì chính những công việc ấy sẽ tố cáo chúng ta trước tòa Thiên Chúa, có nghĩa là chính Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về những việc chúng ta đã làm.

        Nếu ông thầy giáo biết rằng trời chưa sáng mà bắt học trò đến lớp nghe giảng là một cách cay nghiệt đối với những học trò nhỏ, thì ông ta sẽ không hối hận khi tìm thấy cái mũ ở trên đầu ông thổ địa; nếu người ăn trộm biết rằng mình ăn trộm là không đúng, thì sẽ không còn thời giờ để hối hận vì việc làm sai trái của mình; nếu cha mẹ biết rằng không dạy con nên người là phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, thì nhất định là luôn quan tâm dạy dỗ con cái nên người; nếu các linh mục biết rằng tội của mình sẽ nhân lên nhiều lần nếu mình không làm tròn trách nhiệm, thì các ngài sẽ mau mắn đi giúp kẻ liệt, mau mắn ngồi tòa cáo giải, đi thăm các gia đình nghèo...

        Thiên Chúa không trợn mắt trợn mũi để hét la kẻ dữ trong ngày phán xét, nhưng chính những việc làm sai trái của chúng ta ngày hôm nay sẽ tố cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


99.          ÁI ÂN CỦA NHẠC MẪU

Có một chàng rể nghe theo lời nhạc phụ ở xa, đem nhà của nhạc mẫu bán cho người ta, lúc giao kèo để bán thì phía bên kia trả giá không đủ.

Chàng rể bèn viết thư hối thúc nhạc phụ rằng:

-         “Việc ái ân (房事)[1] của nhạc mẫu quá gấp, quá gấp ! Sáng tối đều trông ngóng chờ nhc ph đến cứu !”

(NHã Ngược)

 

Suy tư 98:

  Chuyện hệ trọng thì nên tự mình giải quyết, đừng ủy thác cho người không biết gì mà mình lại ở xa, bằng không thì sẽ sinh ra nhiều chuyện không hay, có khi vì hiểu lầm mà phá hỏng cả đại sự của mình, đó là người khôn ngoan vậy.

Chuyện buôn bán thì nên giao cho người biết làm ăn buôn bán, chuyện giao kèo mối lái thì nên giao cho người có kinh nghiệm trong lãnh vực này, chuyện quản lý nhà cửa thì nên giao cho người biết quản lý và có lòng trung thực, như thế mới yên tâm và là người khôn ngoan.

Việc đạo đức liên quan đến phần rỗi đời đời của linh hồn mình thì nên bàn hỏi với các linh mục, vì đó là việc quan trọng nhất trong tất cả các việc quan trọng khác.

Có những người Ki-tô hữu đem chuyện quan trọng đời mình giao cho ông giám đốc công ty, nên chỉ thấy họ ngày càng giàu có mập béo ra, nhưng cuộc sống tâm linh thì càng ngày càng teo lại và nghèo nàn; có người đem việc quan trọng bậc nhất của mình giao cho tri thức, nên họ không bao giờ rờ đến quyển Thánh Kinh; có người cho rằng việc quan trọng nhất của mình là học hành, nên họ cứ loay hoay mãi với ước vọng bằng cấp mà quên mất bổn phận mục tử của mình.

Giao việc đúng người là kẻ khôn ngoan, chọn việc hợp khả năng của mình là người không những khôn ngoan, mà còn là người có một tâm hồn rất khiêm tốn và có trách nhiệm, Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho những con người như thế.

Sai một vài chữ nếu không chú ý thì cũng sẽ gây hiểu lầm tai hại, càng làm lớn thì càng phải cẩn trọng...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] 房事 có 2 nghĩa: một là chuyện nhà cửa, hai là việc ái ân vợ chồng.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


97.          CÁI MÔNG CỦA VƯƠNG NHẤT

Trầm Bác Ngọc đi thăm nhà Vương Nhất, nhìn thấy bức hoành trước cửa phòng thư trai viết ba chữ: “Tỉ Ngọc Cư”, bèn cười nói:

-         “Chữ đề trên bức hoành này rất có ý nghĩa, lấy chữ “tỉ” () đổi chữ “cổ”() trong chữ “cư”() rõ ràng thành hai chữ “mông đít”﹝屁股﹞; ngoài ra chữ “ngọc”() có thể phân thành hai chữ “vương nhất”(王一), tổng hợp mấy chữ ấy lại thì có bốn chữ “mông của Vương Nhất”(王一屁古 ()[1]) hay sao ?”

Mọi người đều cười ha ha !

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 97 :

        Người ta cho rằng những người ít học trả thù thì không thâm hiểm sâu độc cho bằng người có học trả thù, càng học cao thì sự trả thù càng ghê gớm.

        Có một kinh nghiệm rằng: những ai đã từng làm điều ác, điều thất đức, thì đừng bao giờ làm điều gì phô trương khoe khoang, vì như thế chỉ làm cho người ta thêm oán hờn và có lời châm chọc; cũng vậy, những ai thích chơi nổi mà thấy mình không có tài cán gì cả thì cũng đừng nên phô trương, bởi vì như thế chỉ làm cho người ta thêm ghét mà thôi.

        Người Ki-tô hữu chỉ có một việc nên khoe khoang, đó là khoe Đức Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại tội lỗi mà chịu đóng đinh vào thập giá và muốn cùng đóng đinh với Ngài, như thánh Phao-lô tông đồ đã nói là ngài đã vui mừng vì chịu đau khổ với Chúa Giê-su.

        Ý nghĩa của “tỷ ngọc cư” thì hay đẹp, nhưng nó sẽ thành xấu khi người có lòng dạ đen tối giải thích.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] phát âm là “cù”, nghĩa là “cổ, xưa”; cũng phát âm là “cù” nghĩa là đùi hoặc một bộ phận. 屁股nghĩa là cái mông.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


96.          DÌ LỚN DÌ NHỎ

Tị Giản Túc có ba cô con gái, con gái lớn gả cho Âu Dương Tu, con thứ nhì gả cho Vương Cùng Thần, về sau Âu Dương Tu chết vợ lại lấy thêm con gái út của Tị Giản Túc.

Anh em cột chèo là Vương Cùng Thần nói đùa:

-         “Con rể cũ là con rể mới, dượng lớn làm dượng nhỏ”.

Lúc ấy Lưu Nguyên Phụ vừa lấy vợ khi tuổi đã già, Âu Dương Tu viết một bài thơ chế nhạo:

-         “Trong động đào hoa mạc tương tiếu, chàng Liễu nguyên là lão Lưu lang”.

Nguyên Phụ không vui vẻ nên muốn báo thù.

Một hôm, cả ba người là Cùng Thần, Nguyên Phụ, Âu Dương Tu họp nhau lại, Nguyên Phụ nói:

-         “Trước đây có một thầy đồ gàn dạy con nít học chữ, đọc đến “thơ lông” “vi xà vi xà”, thì dạy rằng: “Chữ xà (rắn) thì đọc là chữ dì, nhớ đấy”. Cách ngày hôm sau, học trò đồng ấu trên đường đi học nhìn thấy người hành khất chơi đùa với rắn nên đứng lại coi, cho đến khi ăn cơm xong mới đến trường học, ông thầy đồ hỏi: “Tại sao đến tr ?”- học trò nhỏ trả lời: “Vừa rồi trên đường có người chơi đùa với dì, con và mọi người đều đứng coi, chỉ thấy ông ta đùa với dì lớn trước và đùa với dì nhỏ sau, nên mới đến trễ ạ”.

Âu Dương nghe xong thì cũng cười ha ha...

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 96:

        Chữ rắn và chữ dì thì khác nhau xa, vậy mà có người dạy con nít đọc rắn ra dì, chẳng qua đó là vì muốn trả thù nên mới bịa chuyện như thế mà thôi.

        Chữ rắn là chữ rắn và chữ dì là chữ dì không lẫn lộn đâu được, cũng như chân lý là chân lý, sự thật là sự thật, dù chân lý có bị bầm dập thì vẫn là chân lý, dù sự thật có bị khỏa lấp bôi đen nhưng cuối cùng thì sự thật vẫn là sự thật, bởi vì mặt trời vẫn còn đó và không có gì che khuất được dưới ánh mặt trời, bởi vì Đấng tạo dựng nên mặt trời vẫn còn đó vì Ngài là sự thật là chân lý.

        Có những người vì thù vặt, vì tức khí, vì hậm hực mà dựng nên chuyện bậy bạ sai sự thật, để chế nhạo và có khi vu khống người khác cách ác ý, đó là vì họ coi người khác như những trẻ em đồng ấu đem chữ rắn đọc thành chữ dì, không những sai bậy mà còn phản giáo dục nữa.

Chữ rắn không phải là chữ dì, cũng như dối trá không phải là sự thật là chân lý, nhưng chỉ có những ai có ý tưởng xấu xa mới đồng hóa hai chữ ấy giống nhau mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


95.          THẠCH SINH CHỌC THẦY

Thạch Sinh khi ở trên Thái Học thì rất giận thầy giáo vì sự ngược đãi của ông ta, cho nên ban đêm anh ta đến làm một “bãi” trên chỗ ngồi của thầy giáo, cài thêm cây trúc nhỏ, dán lên một tờ giấy và viết tên của mình.

Sáng sớm ngày thứ hai, thầy giáo ngồi lên ghế, cây trúc nhỏ gảy phát ra âm thanh, bèn cầm lấy đèn để quan sát, chỉ thấy một bãi nhơ bẩn, hôi thối nghẹt mũi, nhìn lên tờ giấy thấy tên của Thạch Sinh bèn kêu anh ta vào la mắng cho một trận.

Thạch Sinh khóc, than vãn nói:

-         “Nhất định là có người cố ý làm hại tôi, nguyên nhân chính là vì thầy không thích tôi đó mà ! Lẽ nào người làm cái việc ác này lại viết tên mình để tìm lấy tội cho mình sao ?

Thầy giáo nghĩ cũng đúng bèn không truy cứu anh ta nữa.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 95:

        Đã làm thầy thì phải có từ tâm, dù là thầy tu hay thầy giáo, bởi vì làm thầy là dạy dỗ người khác nên người, cho nên tiên vàn phải có lòng yêu thương.

        Làm thầy tu hay làm thầy giáo thì cũng đều do Thiên Chúa ban cho, đây là một sứ mạng cao quý mà không phải ai cũng có thể làm được, cũng không phải ai cũng tự ý cho mình có quyền làm thầy người khác.

        Làm thầy tu thì làm thầy người khác trong cách ăn ở thánh thiện, mỗi lời nói là một ly nước lạnh làm mát lòng người nghe, mỗi việc làm đều khiến cho người khác thấy được niềm vui của Đức Chúa Giê-su phục sinh, tức là luôn đem lại sự vui tươi và yêu thương cho người khác; làm thầy giáo là làm thầy người khác về kiến thức mà mình đã được đào tạo, cho nên ngoài bổn phận đem kiến thức phổ thông khai trí học trò, thì người thầy giáo còn có bổn phận trở thành nhà mô phạm cho học trò và cho mọi người.

        Chửi mắng học trò và thiên vị trong lúc dạy dỗ là đi ngược lại với trách nhiệm của một thầy tu và thầy giáo, bởi vì Thiên Chúa là Đấng không thiên vị và không giận dữ với bất cứ ai, nhất là với những người thành tâm thiện chí.

        Không thể có học trò tốt nếu không có thầy cô giáo tốt lành.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)