Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

Chúa nhật 17 thường niên

 


CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 11, 1-13

“Anh em cứ xin thì sẽ được”

 

Bạn thân mến,

Con người ta càng ngày càng có nhiều nhu cầu, nên càng có nhiều phát minh để đáp ứng nhu cầu, nhưng tất cả những nhu cầu ấy không những làm cho cuộc sống của con người thăng tiến, mà còn  phải giúp cho cuộc sống tâm linh của chúng ta tiến triển, bằng không, những nhu cầu ấy như những cây gai rậm rạp che khuất và làm ngộp thở đức tin của chúng ta.

Có những người nghèo đến gõ cửa người nhà giàu nhưng cánh cửa vẫn vô tri vô giác không nhúc nhích, mặc dù chủ nhân của nó là người có địa vị cao trong xã hội; có những người bệnh nghèo đến gõ cửa bệnh viện nhưng được câu trả lời của cô y tá phòng trực: hôm nay bác sĩ bận tiếp khách; có những em bé nghèo đi gõ từng bàn ăn của thực khách trong quán cơm, để xin miếng cơm thừa nhưng bị chủ quán cầm roi quát mắng đuổi đi, đó là những thực tại có thật xảy ra hằng ngày trong cuộc sống mà bạn và tôi đã thấy.

Và có những lúc bạn và tôi –người Ki-tô hữu- gõ cửa mà Đức Chúa Giê-su không mở cửa, bởi vì chúng ta đã không mở cửa cho anh em; có những lúc bạn và tôi cầu xin mà không được, là bởi vì chúng ta không mở cửa cho tha nhân; có những lúc chúng ta tìm mà không gặp vì chúng ta không mở cửa cho người hoạn nạn đau khổ.v.v…

Gõ cửa là dấu hiệu có người đến nhà và cũng là tiếng của Đức Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta, Ngài, vị Thiên Chúa mà chúng ta đang tiếp đón trong thân phận người ăn mày gõ cửa, sẽ làm cho hành động mở cửa của chúng ta có giá trị hơn, đó là không những Ngài bước vào trong nhà, mà còn bước vào trong tâm hồn của chúng ta, để trong thân phận người nghèo, người bệnh hoạn, Ngài xin chúng ta rộng lòng giúp đỡ, và trong thân phận của một vị Thiên Chúa, Ngài ban ơn cho chúng ta khi chúng ta mở cửa đón tiếp tha nhân.

Gõ cửa là hành động của hy vọng và tín nhiệm, khi cầu xin với Thiên Chúa là chúng ta đã gõ cửa lòng nhân ái của Ngài với yêu thương và tin tưởng của chúng ta. Cũng vậy, khi người nghèo, người bất hạnh, người cô thế hoặc bất cứ người nào chăng nữa gõ cửa nhà chúng ta, là họ đã tin và hy vọng rằng chúng ta sẽ giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

Thiên Chúa sẽ không mở cửa thiên đàng cho chúng ta nếu chúng ta không mở cửa nhà mình để tiếp đón tha nhân; Thiên Chúa cũng sẽ không mở kho tàng ân sủng cho chúng ta, nếu chúng ta không chia sẻ với tha nhân những gì mình đã nhận được từ Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Mỗi ngày trong cuộc sống, bạn và tôi đã mở cửa nhà ban sáng và đóng lại vào ban đêm, chúng ta mở cửa để bắt đầu hòa vào cuộc sống với mọi người trong xã hội: người đi làm, kẻ thì đi học, người khác lại đi chơi. Nhà chúng ta cửa đã mở, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn chưa mở ra để đón nhận tha nhân vào một ngăn nào đó trong tâm hồn của mình, như Thiên Chúa đã đón nhận chúng ta vào trong tình yêu của Ngài.

Chúng ta gõ cửa kêu cầu với Thiên Chúa nhưng lại không mở cửa với tha nhân; chúng ta tìm Thiên Chúa khắp nơi nhưng Ngài đang đứng trước mặt và đứng bên cạnh chúng ta mà chúng ta không muốn thấy; chúng ta lớn tiếng đọc kinh cầu nguyện để Thiên Chúa nghe được lòng thành của mình, nhưng lại giả điếc trước lời kêu cứu của người nghèo…

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mở lòng mình trước với tha nhân rồi sau đó hãy đến gõ cửa với Ngài, đó là ý chính của bài Tin Mừng hôm nay vậy…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


79.   THUYỀN TRÔI BÀNH LÃI

Úc Ly tử cùng với khách chèo thuyền du ngoạn trên sông Bành Lãi, mặt trời chói chang, sóng xanh bập bềnh, cá lội tung tăng, bầu khí cởi mở.

Thuyền tự trôi, khách rất phấn khởi nói:

-         “Cái thú chèo thuyền thật vô cùng, nếu tôi có thể nương tựa vào cảnh sắc non nước này mà sống, thì cũng rất là thoả mãn tâm hồn rồi vậy !”

Không bao lâu sau thì có mây dày đặc u ám trên trời, gió lớn nổi lên, sóng bạc ngất trời, thuyền nhỏ tròng trành, người khách ấy xiêu bên này ngã bên kia, đứng không vững, chóng mặt ói mữa, hồn bay phách tán, mặt xanh như tàu lá chuối giống người chết, ông ta cố lấy sức hơi nói:

-         “Chúng ta mau mau rời khỏi nơi này, suốt đời tôi cũng không dám đến nơi này nữa !”

                                                                        (Úc Ly tử)

 

Suy tư 79:

        Có người nói: đời là bể khổ.

        Có người nói: đời đẹp như mơ.

        Nhưng thực ra đời đẹp như mơ hay đời là bể khổ cũng là bởi tâm con người mà ra.

        Có người khi làm ăn phát đạt, buôn bán thuận lợi thì tự nhiên tâm hồn thoải mái vui tươi và đối với họ thì đời đẹp như mơ, nhưng khi làm ăn thất bại, con cái bệnh hoạn thì than trách đời sao như là bể khổ...

        Người Ki-tô hữu không giống những người khác ở điểm này là: dù cho đời đẹp hay xấu, họ vẫn luôn vui vẻ và chu toàn bổn phận của mình mà không kêu ca than vãn, bởi vì có Chúa ở cùng họ.

        “Lạy Đức Chúa Giê-su, trong ba mươi ba năm Chúa sống ở trần thế, chúng con chưa hề nghe Chúa nói đời là bể khổ, dù cuộc sống của Chúa ngay từ khi mới sinh ra là đã gặp nhiều đau khổ, dù cho ba năm cuối đời Chúa đã nhìn thấy và chữa lành cho rất nhiều người nghèo đói bệnh tật, nhưng Chúa cũng không hề than vãn đời là bể khổ...

        Xin Chúa ban cho chúng con là những người đang sống ở thế gian này, biết luôn nhìn thấy hồng ân của Chúa ban cho mình qua mọi biến cố, để chúng con luôn vững tin mà xác tín rằng: cố gắng làm đẹp vũ trụ, thánh hoá thế gian và chính mình bằng việc làm công chính, bác ái yêu thương thì chính là vui tươi hạnh phúc vậy. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


78.   CHE MẶT GẶP HỔ

Có một người nọ lấy da sư tử trùm mặt và đi vào trong rừng, con cọp vừa thấy liền chạy mất tiêu, người ấy cho rằng con cọp sợ mình, liền đi khoe khoang với mọi người ầm cả lên.

Ngày hôm sau, anh ta thay đổi che mặt bằng da con cáo và đi vào trong rừng, lại gặp ngay lão cọp, con cọp hung tợn đứng dò xét anh ta, anh ta thấy con hổ không nhảy lại bèn lớn tiếng chửi bới nó, kết quả là bị con hổ vồ ăn mất xác.

                                                                                (Úc Ly tử)

Suy tư 78:

        Sư tử được coi là vua của các loại thú rừng, đem nó ra mà doạ thì ai mà không sợ chứ ?

        Có một vài giáo xứ khi các dì phước dạy giáo lý cho trẻ em thì cứ luôn miệng nói Chúa phạt chết mất linh hồn, mà rất ít khi nói đến tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với các em nhỏ; các dì thường đem chuyện Chúa phạt các người ác trong hoả ngục như thế nào để kể cho các em nghe, nhưng ít chú trọng đến việc dạy các em phải làm gì, làm như thế nào để yêu mến Chúa mà đừng phạm tội làm mất lòng Ngài.

        Có những người Ki-tô hữu luôn đem Chúa ra hù doạ người khác: nào là Chúa vặn gảy cổ, nào là Chúa phạt hộc máu, nào là Chúa vật chết tươi ăn năn tội chẳng kịp.v.v...mà bản thân họ lại không chịu sống tốt lành để cho người khác noi theo.

        Thiên Chúa là tình yêu chứ không phải là “ông ba mươi”, cho nên đừng đem Ngài ra doạ nạt người khác, nhưng hãy đem Chúa mà mình đã tin đã yêu và đã sống lời Ngài trong cuộc sống ra cho mọi người coi, để khi họ thấy mình sống chan hoà yêu thương với mọi người, biết tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, thì người khác sẽ giật mình sợ hãi mà xét lại cuộc sống bê tha của mình...

Đó chính là chuyện đáng nói vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


77.   KHÔNG LO CHO MÌNH

Thần ở đông hải là Quỳ gặp con ba ba, ba ba đưa cái cổ dài ra cười mạnh một cái, Quỳ hỏi:

-      “Tại sao mày lại cười ?”

Ba ba nói:

-         “Tôi cười vì ngài dùng một chân nhảy để đi, sợ rằng ngài té ngã trên đất đấy chứ ?”

Quỳ nói:

-         “Mày dùng bốn chân mà cũng không chống đỡ được thân mình, suốt ngày chỉ có thể bò mà đi, sao lại cười ta chứ, tại sao mầy không tự lo cho mình hử ?”

                                                                        (Uc Ly tử)

 

Suy tư 77:

        Có người vì để làm cho thiên hạ cười cho vui, nên thường hay diễn trò bắt chước cái khuyết tật chân đi xẹo nẹo của người khác; có người vì để che những khuyết điểm to lớn của mình, nên thường lên án gắt gao những khuyết điểm nhỏ xíu của anh em trước mặt mọi người; có người “thích” thương hại anh em chị em bằng cách đi “phóng thanh” những lỗi lầm của họ cho người này người khác nghe, với cái cớ là để cho mọi người biết mà giúp họ sửa đổi !!

        Đức Chúa Giê-su không dạy chúng ta bắt chước những khuyết tật của người khác để chê cười, Ngài cũng không dạy chúng ta đem những khuyết điểm của anh em rao to lên, nhưng Ngài dạy chúng ta đem những lời thầm thì của Ngài mà rao trên mái nhà (Mt 10, 27) nói cho mọi người nghe, mà lời của Ngài dạy chính là yêu thương và bao dung cho nhau, là thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau.

        Người Ki-tô hữu khi nhìn thấy một khuyết tật của người khác thì cầu nguyện cho họ được tìm thấy hạnh phúc trong khuyết tật của mình; người Ki-tô hữu khi nhìn biết những lỗi lầm của anh em chị emthì trong lòng tự nhủ rằng mình còn lỗi lầm hơn họ, để thông cảm và giúp đỡ người anh em và để răn đe mình...

        Đó chính là tự mình lo cho mình vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


76.   HOÀNG CÔNG TRỘM ĐAO

An Kỳ Sinh (theo truyền thuyết là người thần) đã học được pháp thuật tại núi Chi Phù, tay cầm xích đao, đứng trước mặt con hổ phải trái chỉ huy, con hổ đã thuần chủng như một em bé biết nghe lời. Đông hải Hoàng Công nhìn thấy rất là ngưỡng mộ, cho rằng tất cả thần kỳ ảo diệu đều ở nơi thanh xích đao, thế là ăn cắp thanh xích đao và mang trên người.

Một hôm ông đi ra ngoài và gặp một con hổ đang đi trên đường, ông ta rút đao ra và nhắm vào con hổ mà đi tới chứ không muốn tranh thắng lợi với nó, thế là ông ta bị hổ vồ ăn mất tiêu.

                                                                                (Úc Ly tử)

Suy tư 76:

        Có người cầm hai ba thanh xích đao nhưng vẫn cứ bị hổ vồ ăn thịt, vì không biết cách sử dụng đao, vì không biết pháp thuật hoặc võ thuật, nhưng An Kỳ Sinh sai khiến hổ bằng cách dạy cho con hổ biết nghe lời và những hiệu lệnh do người nuôi nó đặt ra, chứ không phải bằng thanh xích đao.

        Có những người Ki-tô hữu đọc kinh lần chuỗi rất nhiều nhưng vẫn cứ phạm tội; có những người Ki-tô hữu tham gia lớp kinh thành này, lớp giáo lý nọ, nhưng đời sống đạo đức của họ vẫn cứ không thấy “khá hơn” người khác chút nào..!!

Tại sao vậy ?

Thưa, vì họ đọc kinh lần chuỗi nhiều, tham dự nhiều lớp kinh thánh mà tâm hồn họ không chịu thay đổi, không có quyết tâm sửa đổi tính hư tật xấu.

Chuỗi Mân Côi, các lớp giáo lý kinh thánh hay tu đức chỉ là phương tiện giúp chúng ta tìm ra phương pháp để đi đến gần Chúa hơn, sống tốt hơn mà thôi, chứ nó không thể giúp ích gì cho chúng ta nếu chúng ta không có một tâm hồn quyết tâm sống đạo và cải thiện cuộc sống.

Đông hải Hoàng Công đã bị hổ ăn thịt mặc dù trong tay có cầm thanh xích đao, bởi vì ông ta không biết cách dạy hổ và cũng chưa lần nào tiếp xúc với hổ.

Người Ki-tô hữu cũng sẽ bị ma quỷ vồ ăn thịt (mất linh hồn) nếu chúng ta lần chuỗi cho nhiều, học tu đức học kinh thánh cho nhiều mà một chút tâm tình hối cải cũng không có.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


75.   NGƯỜI SỢ QUỶ

Nước Sở có một người rất sợ quỷ, nghe tiếng lá khô rơi hoặc là nghe tiếng rắn bò chuột rúc thì đều cho là quỷ.

Có tên trộm biết ông ta sợ như thế, bèn đợi dịp đêm về núp bên bức tường thấp của ông ta mà hú hú như tiếng kêu của ma quỷ, người ấy rất sợ nên không dám đi ra.

Tên trộm làm lại như thế bốn năm lần, sau đó mới vào trong phòng khiêng đi sạch trơn của cải của người ấy.

Có người bịp ông ta, nói:

-        “Đúng là quỷ đã lấy trộm đấy !”

Mặc dù ông ta rất mê tín và không giải thích được, nhưng trong lòng vẫn nghĩ rằng người ta nói đúng.

                                                                                (Úc Li tử)

 

Suy tư 75:

        Ma quỷ là tên ăn trộm linh hồn người ta rất lợi hại, nó không như những tên trộm khác rình rình mò mò để chôm đồ của người khác, nhưng nó “đường đường chính chính” ăn trộm như sau:

Nó bày ra lý do chính đáng để chúng ta phạm tội sắc dục, nào là con người ta thường yếu đuối, nào là đó là bản năng của con người, nào là thử một chút có sao đâu; nó bày ra lý lẽ rất phù hợp với tinh thần phúc âm, nào là Chúa dạy phải yêu thương người, nào là người ấy quá tội nghiệp phải giúp đỡ, nào là phải sống bác ái.v.v...và rồi vì quá “thương người” nên đã đánh mất linh hồn của mình.

Có người đã bị ma quỷ lấy trộm mất linh hồn rồi mà vẫn cứ không tin, nếu có ai nhắc nhở thì to tiếng thoá mạ và nói: “Cái thứ người ăn không được nên phá đám !!”.

        Người Ki-tô hữu siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích thì không thể bị ma quỷ đánh lừa và ăn trộm linh hồn của họ được, bởi vì ma quỷ không thể đường đường chính chính đối chọi với ân sủng của Thiên Chúa, mà nó chỉ có thể làm hại những người Ki-tô hữu nào không thiết tha với các ân lành Chúa ban cho trong các bí tích và nơi thánh lễ mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)