Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi

LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI
 
 

Tin mừng : Ga 16, 12-15

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, đây là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo, và cũng là cốt lõi đức tin của người Ki-tô hữu, trong tâm tình của ngày lễ này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy ý sau đây :

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu.
Một tình yêu bất khả phân và viên mãn, là chủ thể của mọi tình yêu trên trời dưới đất, tình yêu này được hình thành không phải do nguyên lý của xác thịt, nhưng mọi tình yêu của loài xác thịt đều phải từ tình yêu này mà có và tồn tại.

Tình yêu này đã tạo dựng nên trời đất muôn vật, và hoàn thiện nó bởi tình yêu dâng hiến hy sinh cách trọn vẹn của Đức Chúa Giê-su, khi Ngài chết trên thập giá và sống lại vinh quang.

Tình yêu này không dừng lại khi Đức Chúa Giê-su hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian và lên trời vinh hiển, nhưng Thánh Thần được Đức Chúa Cha phái đến với Hội Thánh, vẫn tiếp tục hoàn thiện và đổi mới mỗi người Ki-tô hữu, cho đến ngày đạt đến viên mãn trong Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của Hiệp Nhất.

Đức Chúa Cha yêu thương Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần là do sự hiệp nhất yêu thương này mà có, một sự hiệp nhất như gốc cây nho với cành nho và sinh ra hoa trái để cho con người hưởng dùng. Hiệp nhất là đặc tính cốt lõi của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cũng là nơi phát sinh ra sự hiệp nhất trong mọi cộng đoàn con cái của Giáo Hội trên trần gian.

Hiệp nhất nhưng không lệ thuộc, Đức Chúa Con không lệ thuộc vào Đức Chúa Cha nhưng đồng bản tính và ngang hàng với Cha, Đức Chúa Thánh Thần không lệ thuộc vào Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha, nhưng là đồng bản tính với Cha và Con, và trở nên Đấng thánh hóa và đổi mới nhân loại và vũ trụ sau khi Đức Chúa Giê-su về trời.

Ba ngôi hiệp nhất để vạn vật biến hóa sinh tồn, để Giáo Hội được hiệp nhất và đổi mới luôn trong Thần Khí của Thiên Chúa.

Bạn thân mến,
Mầu nhiệm Đức Chúa Trời Chúa Ba Ngôi đã được Đức Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết, nhưng bí nhiệm đời đời của mầu nhiệm này thì trí óc con người của chúng ta không thể suy thấu, nhưng với đức tin, ân sủng của Thiên Chúa ban cho và qua giáo huấn của Giáo Hội, thì chúng ta hiểu rằng: đây là mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm của hiệp nhất.

Do đó khi mà bạn và tôi suy niệm đến tình yêu và sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thì bạn và tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình chúng ta có một tình yêu chân thật, một sự hiệp nhất gắn bó giữa cha mẹ và con cái với nhau, một tình yêu bất khả phân ly và tương trợ lẫn nhau giữa một xã hội đầy chia rẽ và vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa và đồng loại này...

Bạn và tôi cũng nhớ đến cộng đoàn giáo xứ của mình khi suy đến mầu nhiệm Đức Chúa Trời Chúa Ba Ngôi này, đó là sự đoàn kết và hiệp nhất với nhau của mỗi phần tử trong giáo xứ, để dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta biết sống yêu thương đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Tế nhị

TẾ NHỊ
 
 

Một thiếu nữ mặc áo vừa ngắn vừa rất mỏng, hở cả rốn và quần ngắn ngang bắp vế, sắp hàng lên rước lễ, cha sở rất giận muốn đuổi cô gái ra và không cho rước lễ, nhưng ngài bình tĩnh và trao Mình Thánh Chúa cho cô gái...

Lễ xong, cha nhẹ nhàng nói riêng với cô gái:

- “Lần sau đi rước lễ con nhớ mặc áo quần vừa đẹp vừa trang nghiêm nhé..”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Giáo xứ mồ côi

GIÁO XỨ MỒ CÔI
 
 

     Ngài là cha sở của một họ đạo ở miền quê nhưng kiêm luôn chức công tác xã hội, vì thế ngài thường đi suốt, cho nên giáo dân mới đặt tên cho giáo xứ mình là: giáo xứ Mồ Côi.

     Nhiều giáo xứ không có cha sở đành chịu mồ côi, đàng này giáo xứ có cha sở cũng được gọi là mồ côi.

     Làm mục tử thì không thể bỏ đàn chiên mình để tìm vinh danh và lời ca tụng ở nơi khác.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Nơi ngủ

NƠI NGỦ
 
 

     Ông cố mất, ngài về nằm ngủ dưới đất bên cạnh quan tài; bà cố mất ngài lại về và ngủ dưới đất bên cạnh quan tài, bởi vì nhà ông bà cố quá nhỏ vừa đủ chỗ để chiếc quan tài.

     Anh chị em trong nhà nhìn ngài ngủ mà xót xa...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Cáo mượn oai hùm

CÁO MƯỢN OAI HÙM
 
 

Con hổ xưng hùng xưng bá ở trong rừng sâu, bắt muôn thú mà ăn.

Có một lần, nó bắt được một con cáo, con cáo trang điểm vóc dáng rất uy nghiêm, nói:

-         “Mày làm sao mà dám ăn thịt tao, thượng đế đã ra lệnh cho tao làm thủ lĩnh bách thú, thống soái muôn chim, nếu ngươi ăn tao, tức là vi phạm lệnh của trời. Mày không tin sao, vậy thì mày ở sau lưng tao và cùng đi với tao, để coi có con thú nào mà không dám bỏ chạy chứ?” con hổ liền đi sau nó.

Quả nhiên, muôn thú nhìn thấy nó liền ùn ùn chạy trốn, từ đó con hổ rất cung kính con cáo như các quan đối với nhà vua vậy.
(Chính Quốc sách)

Suy tư:

Thời xưa cũng như thời nay, có những người thường ỷ vào mình quen ông này bà nọ làm lớn mà tác oai tác quái với người khác, và những ông bà làm lớn vì được họ nịnh, nên thường làm lơ trước sai trái của họ:

-      Trong một tập thể, có người ỷ mình là con nuôi ông thủ trưởng mà lên mặt sai bảo anh em đồng nghiệp, lại còn tự do cho mình có quyền ngang hàng như thủ trưởng làm trước báo cáo sau, gây xáo trộn trong tập thể.

-      Trong cơ quan ỷ mình là bồ nhí của thủ trưởng, thế là vênh mặt kiêu hảnh chanh chua với đồng nghiệp...

Muôn thú chạy dài không phải vì sợ con cáo, mà là sợ con hổ đang đi sau lưng con cáo, vì nó mượn oai của con hổ.

Cũng vậy, dựa vào người quyền thế hoặc người có địa vị để kiêu căng phách lối với người khác, là bản chất của bọn tiểu nhân và cơ hội, mà làm kẻ tiểu nhân và cơ hội thì ai cũng có thể, ngoại trừ người quân tử. Mà mục đích của kẻ tiểu nhân và cơ hội là gây chia rẻ nội bộ để đạt được mục đích riêng của mình, bởi vì chính bản thân của họ không làm gì được mà chỉ cậy dựa vào người khác mà thôi...

Ai hiểu thì không muốn làm kẻ tiểu nhân và cơ hội.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Bá Nhạc đến thăm

BÁ NHẠC ĐẾN THĂM
 
 

Có một người nuôi ngựa, dắt ngựa ra chợ bán.

Anh ta đứng cả ba ngày rồi mà không có người đến hỏi mua, bèn đi đến hỏi Bá Nhạc là người chuyên môn coi tướng ngựa, nói:

-         “Mời ngài đi một vòng đến chỗ ngựa tôi đứng, lúc đến thì nhìn nhìn tôi, rồi đi qua, sau đó lại quay đầu lại ngó ngó tôi, chắc chắn tôi sẽ trả ơn ngài rất hậu.”

Quả nhiên Bá Nhạc nhận lời mà đến.

Ông ta đi đến bên con ngựa, lim dim con mắt nhìn một hồi, rồi đi qua đi lại, rồi lại quay mình, rồi lại đưa tay vẽ lên vẽ xuống trên lưng con ngựa một hồi rồi mới bỏ đi.

Bá Nhạc vừa đi khỏi thì có rất nhiều khách chen nhau đến, xoay quanh bên chủ nhân con ngựa, coi ngựa hỏi giá.

Lập tức, giá của con ngựa tăng cao gấp mười lần, bán cái vèo hết ngay.
(Chính Quốc sách)

Suy tư:

Có một người hỏi tôi: “Khoa tướng học có phái là dị đoan không ?

Tôi trả lời: “Nếu bạn đi coi bói, coi bói, bói chân gà, hoặc rờ mu rùa để người ta đoán số phận hên xui… xin sâm hoặc coi bùa Lỗ Ban… thì là dị đoan. Nhưng tướng học tự nó không phải là môn khoa học huyền bí, nên không thể là dị đoan, nó là một môn khoa học thật sự, bởi vì, tướng học là dựa trên cơ sở kinh nghiệm từ ngàn năm của con người và đúc kết lại thành một điểm thực tế cho một hành động, một bộ vị trên cơ thể con người. Chẳng hạn như đàn bà con gái mà có cái trán rộng và cao là tướng người lận đận về tình duyên, nhưng lại là người thông minh; hoặc người có môi thâm đen tự nhiên là người nham hiểm.v.v... đó không phải là dị đoan, mà là qua nghiên cứu cả ngàn người đều giống nhau như thế, trán cao mà rộng, tính tình như thế… và người ta đúc kết lại.. đàn bà có dáng cao như thế là… như thế.”

Mỗi một bộ vị trên cơ thể con người đều nói lên một hành vi, một cá tính, một sức khoẻ của người ấy, mà chính Thiên Chúa đã an bài tìềm tàng trong cơ thể con người, cái còn lại là con người tìm tòi, khám phá, nghiên cứu để phát huy cái ưu điểm và loại trừ các khuyết điểm nơi mình, nơi đồng nghiệp, nơi nhân viên, để họ ngày càng tốt hơn. Thật đúng như câu nói: “ Tướng tuỳ tâm sinh, tướng tuỳ tâm diệt.”

Nhưng cũng có những người biết võ vẽ, coi chút tướng học thì phán liều mạng làm cho người khác hoang mang.

“ Coi tướng” là coi các bộ vị trên con người mà biết tính tình của họ, nhưng nó không đơn giản như thế, vì trên cơ thể con người mỗi một bộ vị đều có liên quan đến nhau, không thể nhìn ngó như thế mà nói là như thế, nhưng cần phải tổng hợp các vị trí, bộ vị để bổ sung, ăn khớp và chính xác mới gọi là “ coi tướng”…

Tóm lại, tướng học là những nét chấm phá trên cơ thể con người, mà tạo hóa đã an bài tiềm tàng để con người khi hiểu được, khám phá ra được thì giúp nhau thăng tiến, giúp nhau phát huy cái tốt nơi người khác, để phục vụ Chúa trong mọi người.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Vì người hiến thân

VÌ NGƯỜI HIẾN THÂN
 

Mạnh Thường Quân đối xử rất tốt với môn khách là Hạ Hầu Chương, tặng ông ta tiền ăn của bốn năm trăm người gộp lại, nhưng Hạ Hầu Chương vẫn luôn nói xấu Mạnh Thường Quân.

Có người mách với Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân nói: “Tôi thường có những việc phải thỉnh giáo Hạ hầu công, đừng nói về chuyện ông ấy.”

Phồn Thanh đem câu chuyện này nói lại với Hạ Hầu Chương, Hạ nói:

-         “Tôi không có một chút công lao nào mà Mạnh Thường Quân tặng tôi tiền ăn của bốn năm trăm người gộp lại, lại còn đối xử rất tốt với tôi, mà tôi lại còn đi nói xấu ông ấy; Mạnh Thường Quân lấy lòng quân tử đối xử với người rất khoan hậu như vậy, mà tôi thì trở thành kẻ tiểu nhân vong ân bội nghĩa, hỗn láo, như thế tôi phải lấy nhân cách và danh dự của mình vì Mạnh Thường Quân mà cống hiến sức lực, tôi không biết còn phải nói gì nữa?”
(Chính Quốc sách)

Suy tư:

Chúng ta chưa bao giờ nói xấu đạo của mình, nhưng chúng ta cũng rất ít khi vì tôn giáo mà lên án những bất công trong xã hội.

Chúng ta chưa làm gì để cho Chúa vui cả, mà chỉ luôn luôn lấy cái trí nhỏ nhen, đem cái tâm ích kỷ của mình để đòi hỏi Chúa mà thôi.

Chúng ta chưa làm gì cho cộng đoàn của mình cả, mà chỉ vì những quyền lợi nhỏ nhen cá nhân mà đòi hỏi cộng đoàn và khích bác anh chị em trong cộng đoàn.

Chúng ta chưa làm gì cho giáo xứ của mình cả, nhưng cứ hể tới nhà thờ là chỉ trích người này người nọ, chỉ trích cái này sai cái kia chưa tốt.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư