Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
 
 

 

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80

“Tên cháu là Gio-an”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”[1]. Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mes-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1.   Cương trực và công chính.

Trước bạo quyền của vua Hê-rốt, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê- rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.

Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.

Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng lên trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2.   Khiêm tốn tự hạ.

Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi theo làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian là Đức Chúa Giê-su, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.

Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11). Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Anh chị em thân mến,
Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua  Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả là biết can đảm trước mọi thử thách khó khăn xảy đến cho mình, và biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với tất cả ân sủng của Chúa ban cho, và nhất là biết luôn trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1] Mt 11, 11a.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Chúa nhật 12 thường niên

CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN
 
 

Tin mừng : Lc 9, 18-24

“Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con người phải chịu nhiều đau khổ nhiều”.

Bạn thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta muốn theo Ngài thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Đây là một đòi hỏi thiết thực mà bạn và tôi phải có để trở nên môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm sau đây :

1.   Vác thập giá là chấp nhận anh chị em.

Đức Chúa Giê-su đã vác thập giá của chính mình, tức là Ngài đã hoàn toàn chấp nhận thân phận con người để cảm thông chia sẻ những khuyết điểm của nhân loại, Ngài chấp nhận và gánh vác tội lỗi của nhân loại như là gánh vác tất cả những nhục nhằn của con người trên thân xác của mình, đó là kinh nghiệm lớn lao của Ngài đã để lại cho chúng ta khi Ngài đang sống giữa loài người chúng ta.

 Ai cũng có thể vác thập giá của mình, nhưng khuyết điểm của người khác thì khó mà chấp nhận.

 Cộng đoàn là một tập thể hữu hình để cùng nhau thăng tiến, tất cả mọi người trong cộng đoàn không ai là người thập toàn, và không ai là người bá ác, nhưng tất cả mọi người đều có mục tiêu là nên thánh. Do đó, nếu không vác thánh giá của nhau, tức là chấp nhận người anh em chị em của mình với những khuyết điểm của họ, thì bạn và tôi cũng không thể được Thiên Chúa đón nhận và tha thứ những lỗi lầm của chúng ta.

Biết chấp nhận nhau là biết làm cho thập giá của mình cũng như của tha nhân trở nên nhẹ nhàng; biết chấp nhận nhau là biết đem thập giá của mình trao vào tay của Đức Chúa Giê-su để Ngài thánh hóa và nâng đỡ…

 2.   Từ bỏ mình…

Không một ai muốn từ bỏ những gì mình có, kể cả những thói hư tật xấu của mình, bằng chứng là có rất nhiều tội ác xảy ra trên thế giới vì ai cũng thích làm theo ý riêng mình.

 Từ bỏ - trước hết là từ bỏ cái mình thích để người khác được dễ chịu đôi chút, bởi vì có những điều mà bạn và tôi cứ khư khư giữ lấy, khi mà mọi người thấy là không có ích cho đời sống cộng đoàn, cũng như chẳng có ích cho đời sống tín ngưỡng của chúng ta, cái mà chúng ta nên từ bỏ là :

-         Tôi thích phê bình anh em chị em, đó là do kiêu ngạo mà có, nó làm cho tôi không thấy được ưu điểm của người khác.

-         Tôi thích nói đến khuyết điểm của người khác, đó là do ghen tị mà có, nó làm cho tôi trở nên người ích kỷ.

-         Tôi thích nổi danh, đó là do sự thiếu thốn về đời sống cầu nguyện, nên tôi đã coi anh em chị em như là bậc cấp để tôi bước lên mà đi.

-         Tôi thích làm anh hai chị hai trong cộng đoàn, đó là do tôi thiếu đời sống bác ái, nên tôi không nhìn thấy phục vụ tha nhân là niềm vinh dự của người Ki-tô hữu...

Không thể vác thập giá mình để theo Đức Chúa Giê-su, nếu chúng ta không tự nguyện từ bỏ mình để chấp nhận những khuyết điểm của tha nhân, như Đức Chúa Giê-su đã chấp nhận chúng ta là người thân cận của Ngài.

Bạn thân mến,
Lời của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng như ánh mặt trời chiếu sáng tâm hồn chúng ta, Ngài kêu mời bạn và tôi vác thập giá mình chứ không dạy chúng ta đem thập giá phó thác cho Thiên Chúa, bởi vì khi chấp nhận vác thập giá của mình là đồng thời chúng ta phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa rồi vậy, đó là bí quyết để thập giá chúng ta trở nên nhẹ nhàng êm ái hơn.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Sở vương đeo ngọc

SỞ VƯƠNG ĐEO NGỌC
 
 

     Lúc Sở vương đuổi theo Dật Tử, nơi eo lưng mang một miếng ngọc bội quý, vì phải chạy nhanh, nên miếng ngọc bội bị vỡ vụn.

Lần sau lúc đi săn, ông ta mang luôn hai miếng ngọc bội, chuẩn bị nếu có vỡ một miếng thì còn lại một miếng khác.

Không ngờ, cả hai miếng ngọc bội đều bị bị vỡ, mà vỡ rất nhanh.
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

     Người biết lo xa là người sống hôm nay mà chuẩn bị cho ngày mai, là người chưa nói ra câu một mà đã chuẩn bị cho câu thứ hai, cũng có nghĩa là họ luôn dè dặt trong lời nói, vì họ sợ lời nói của mình làm tổn thương đến người khác.

Miếng ngọc bội của Sở vương đã quý, nhưng lời nói của người khôn ngoan, đạo đức càng quý hơn.

Sở vương một lần bị bể một miếng ngọc bội quý, lần thứ hai mang hai miếng lại bể càng nhanh hơn vì va chạm vào nhau. Còn người khôn ngoan đạo đức trước khi nói thì uốn lưỡi bảy lần, chứ không phải nói bảy lần rồi mới uốn lưỡi, do đó mà họ không dại gì để lỡ lời nói lần thứ hai.

     Theo cách nhìn cùa người tín hữu, linh mục là những người khôn ngoan và đạo đức, lời nói của các ngài đáng tin cậy và có sự khôn ngoan của Thánh Thần. Mà quả thật là như vậy, bởi vì Thiên Chúa đã chọn ai, thì Ngài sẽ ban những ơn cần thiết để họ chu toàn sứ mệnh, cũng như Thiên Chúa đã chọn ông Môi-sen, một người không có tài ăn nói, nhưng Thiên Chúa đã nói với ông: “Ai cho ngươi có mồm có miệng…Vậy bây giờ ngươi hãy đi, chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi, và Ta sẽ chỉ cho ngươi phải nói những gì”.

     “Xin Chúa dạy con biết trân trọng lời nói của người khôn ngoan, biết không làm bể miếng ngọc bội quý giá mà Chúa đã ban tặng cho con, đó chính là ân sủng của Thánh Thần, để con sống đẹp lòng Chúa hơn trong cuộc sống của mình”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Bố đã dạy như thế

BỐ ĐÃ DẠY NHƯ THẾ    
 
              

Nước Tống có một người khi con gái mình xuất giá, thì người bố dặn đi dặn lại:

-         “Hôn nhân của con không nhất định là có đầu có cuối. Để đề phòng nhà chồng bỏ con, con không thể không tính đi nước trước là để dành ra một số tiền làm ăn, khi con giàu có rồi, thì tháo lui rồi cải giá cũng rất dễ dàng”.

Con gái nghe lời bố dạy, về sau, chồng phát hiện cô ta trộm cắp, thì liền bỏ cô ta.

Ái dà, bố của cô ta chỉ biết đề phòng bị nhà chồng bỏ, mà dạy con gái trộm để riêng một số tiền, nhưng lại không biết rằng, vì như thế mà con gái bị chồng bỏ, thật đúng là xằng bậy vô cùng.
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

     Người đời thì dạy con học theo lẽ khôn ngoan của thế gian, mà khôn ngoan của thế gian là lợi cho mình mà hại cho người, là tìm kiếm cái hư vinh chóng qua mà bỏ mất vinh phúc đời đời.

     Thiên Chúa đã dùng miệng vua Sa-lô-mon để dạy bảo sự khôn ngoan của Ngài cho chúng ta :

“Này con, đừng xao lãng,

nhưng hãy cố gắng sống khôn ngoan và thận trọng:

Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành

cho ai đáng được hưởng.

Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói:

“Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh”.

Đừng mưu hại tha nhân,

hại người đang cùng con sống yên ổn.

Đừng cãi cọ với ai vô cớ,

khi họ chẳng làm gì để hại con.

Chớ phân bì với ai tàn bạo,

đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.

Vì đối với Đức Chúa, kẻ gian tà là đồ ghê tởm;

còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao…”[1].
     “Xin Chúa cho con có sự khôn ngoan của Chúa để con sống đẹp lòng Chúa và tha nhân, để con biết góp phần xây dựng một thế giới hòa bình theo tinh thần của Phúc Âm của Chúa”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư


[1] Cn 3, 21; 27-32.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Giảng nhiều

GIẢNG NHIỀU
 

     Mẹ nói với con trai đi lễ xong rồi mới về quê dự đám cưới, con trai trả lời:

-      “Đi lễ xong thì sợ không kịp giờ”.

-      “Sao vậy ?”
“Vì cha giảng nhiều lần quá: lần thứ nhất trước lễ (sau dấu Thánh Giá) dài khoảng mười lăm phút, lần thứ hai sau Phúc Âm cha giảng gần cả tiếng đồng hồ, lần thứ ba trước khi ban phép lành kết lễ, cha lại giảng thêm khoảng hơn mười lăm phút nữa…”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Làm lễ hai lần

LÀM LỄ HAI LẦN
 
 

     Cha sở vừa đi ra bàn thờ, ca đoàn đang hát ca nhập lễ của chủ nhật mùa quanh năm thì một bà giáo dân đến ra lệnh: “Hôm nay làm lễ Mân Côi”.

     Mọi người đều ngạc nhiên vì hai tuần trước (ngày chủ nhật) cha sở đã làm lễ trọng kính Đức Mẹ Mân Côi rồi !

     Té ra cha sở làm lễ không theo lịch phụng vụ của Giáo Hội, mà làm theo ý của bà giáo dân chẳng biết tí gì về phụng vụ ấy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Cha làm lễ sai rồi

CHA LÀM LỄ SAI RỒI
 
 

Lễ chiều chủ nhật vừa xong, về nhà, đứa cháu gái nói với ông ngoại:

-      “Hôm nay cha làm lễ sai rồi”.

-      “Sao con nói vậy ?”

-         “Vì cha đọc Phúc Âm không như cha bên nhà thờ con học giáo lý”.

Té ra là cha sở già của họ đạo làm lễ Đức Mẹ Mân Côi hai lần (chủ nhật) trong một tháng.

Đừng coi thường trẻ em.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Người hay quên

NGƯỜI HAY QUÊN
 
 

Lỗ Ai công hỏi Khổng tử:

-         “Tôi nghe nói có người rất hay quên, lúc dọn nhà quên mất vợ con, có chuyện ấy chăng ?”

Khổng tử cười nói:

-         “Như thế cũng chưa phải là người hay quên nhất, người hay quên nhất là người quên cả bản thân mình – Trước đây, cuối đời nhà Hạ có một quân vương gọi là Kiệt, cả ngày say đắm trong chơi bời hưởng lạc mà không trông nom việc triều chính. Ông ta có một quan đại thần tên là Độc Long, cũng chỉ biết nịnh nọt lấy lòng, Kiệt vương do đó mà càng thêm hoang dâm vô đạo. Về sau Hạ Kiệt vương bị giết, Độc Long cũng bị năm trâu phân thây, hai người nầy đều là người quên mất bản thân mình”.

Lỗ Ai công nghe xong, mặt mày đỏ ửng lên.
(Thuyết Uyển)

Suy tư:

     Dọn nhà mà quên mất vợ con thì đúng là người hay quên nhất và cũng tiếu lâm nhất, nhưng quên mất bản thân mình thì là chuyện đáng buồn và đáng sợ nhất.

     Người quên mất bản thân mình là người hay phê bình người khác và luôn oán trời trách người, họ quên mất cái xấu của bản thân đã đành, mà ngay cả những việc làm tốt mà người khác đã làm cho họ, họ cũng quên mất tiêu. Quên mất bản thân chính là bo bo giữ lấy những cái không phải của mình như: kiêu ngạo với anh em, tham lam của người khác, hay ghen với những thành tựu của anh chị em, phân bì so đo với mọi người.v.v... tất cả những cái đó đều không phải là của người Ki-tô hữu, càng không phải là của người môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

     Bản thân của tôi là linh mục được Thiên Chúa chọn, để trở nên những mục tử tốt lành thánh thiện dể dẫn dắt đoàn chiên của Chúa; bản thân tôi là nam nữ tu sĩ được thánh hiến để phục vụ Đức Chúa Giê-su qua những người bất hạnh; bản thân tôi là người công giáo được cứu chuộc nhờ Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su để trở nên con cái của Thiên Chúa…

     Lỗ Ai công đỏ mặt đứng lên là vì Khổng tử mượn chuyện xưa nhắc khéo ông ta, bởi vì cuộc sống xa hoa hưởng thụ của ông ta giống như vua Kiệt vậy.

Trong cuộc sống hằng ngày, tôi có quên mất bản thân mình không ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Dọn nhà có ích gì chứ ?

DỌN NHÀ CÓ ÍCH GÌ CHỨ ?
 
 

Một hôm, chim ngói gặp phải cú mèo từ bên phía tây ngao ngán bay lại, bèn hỏi:

-      “Cú mèo, anh đi đâu vậy ?”

Cú mèo trả lời không mấy vui vẻ:

-      “Tôi chỉ có thể dọn đến ở phía đông ?”

Chim ngói thấy kỳ lạ bèn hỏi:

-         “Không phải anh đang ở nơi rất tốt sao, tại sao phải dọn nhà chứ ?”

Cú mèo ấm ức nói:

-         “Thật tôi không biết làm sao đây, ở đây người ta ai cũng đều lên tiếng mắng tôi, bởi vì buổi tối tiếng kêu của tôi làm họ sợ”.

Chim ngói nói:

-         “Nếu anh không thay đổi âm thanh, thì dời nhà qua ở phía đông có ích gì chứ ? Người ta càng đuổi anh đi gấp”.
(Thuyết Uyển)

Suy tư:

Cú mèo đau khổ vì không hiểu tại sao mình đi đến đâu cũng đều bị người ta ném đá xua đuổi ?

Tiếng kêu của cú mèo thường làm cho người ta phát sợ, vì người ta tin rằng, cú mèo kêu ở đâu thì ở đó có điềm xui, điềm xấu xảy ra.

Lời nói và hành động của người kiêu căng càng làm cho người ta lo sợ hơn, bởi vì họ đi đến đâu là ở đó có chia rẽ, có phân biệt bè phái, có tranh luận ăn thua đủ, và cuối cùng là thù hận phát sinh.

Tôi đã học qua nhiều khóa tu đức, hiểu biết nhiều đạo lý, nghe nhiều bài giảng cao siêu, nhưng tâm hồn tôi vẫn không thay đổi, kiêu căng vẫn kiêu căng, thì dù cho tôi có lên trời thì cũng chẳng tìm thấy được hạnh phúc của Nước Trời.

Không sửa đổi những kiêu ngạo, ghét ghen, ích kỷ của mình, thì dù cho có học cả ngàn khóa tu đức, dù cho dọn nhà đến sát bên nhà thờ, thì cũng vô ích mà thôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư