Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Chúa nhật 26 thường niên

 


CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mt 21, 28-32
“Nó hối hận, nên lại đi. Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

Bạn thân mến,
Khi Đức Chúa Giê-su giảng dạy thì có rất nhiều người đi theo nghe Ngài giảng, trong đó có những người thông luật, những người biệt phái và các kinh sư, cũng có những người thu thuế, những người tội lỗi, người giàu có cũng như người nghèo, tắt một lời là có đủ mọi thành phần trong xã hội đi nghe Đức Chúa Giê-su giảng dạy, nhưng:
Chỉ có những tư tế, người biệt phái và các kinh sư chống đối, bắt bẻ những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su, họ là những người thông thạo lề luật Môi-sen và giữ vai trò quan trọng trong tôn giáo là tế lễ và giảng dạy dân chúng. Họ chống đối Đức Chúa Giê-su vì những lời giảng dạy của Ngài đã làm cho họ cảm thấy bị bẻ mặt, vì lời chỉ trích của Ngài rất đúng với những việc họ đã làm, nhưng điều cốt lõi của việc chống đối chính là sự kiêu ngạo của họ, sự kiêu ngạo này đã làm cho họ đi đến một hành động ác nhân hơn, đó là tố cáo và đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên thập giá…
Chỉ có những người tội lỗi, những người nghèo khó và những người có tâm hồn thiện chí, thì dễ dàng tiếp thu lời giảng dạy và biết thi hành lời của Đức Chúa Giê-su, họ là những người bị áp bức đang chờ đợi sự giải thoát chân thật bởi lời giảng dạy của Ngài; họ là những người bị đối xử bất công đang tìm kiếm sự công bằng trong lời giảng của Ngài; họ là những người nghèo khó đang tìm kiếm hạnh phúc không phải nơi vật chất, nhưng là nơi lời giảng dạy của Ngài.
Bạn thân mến,
Tất cả mọi người đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa, nhưng có người từ chối và có người tình nguyện.
Tiêu chuẩn để vào Nước Trời chính là những ai thành tâm thiện chí nghe và thực hành lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su qua Giáo Hội với lòng yêu mến, chứ không phải vì mình là đạo gốc, cũng không phải vì là linh mục hay tu sĩ. Bởi vì có những người tín hữu đạo gốc nhưng thường chống đối Giáo Hội và sống lãnh đạm với bổn phận của mình; bởi vì có những linh mục sống tham sân si không làm gương sáng với chức vụ thánh của mình, bởi vì cũng có những tu sĩ nam nữ sống rất kiêu ngạo và trở thành cái đinh nhức nhối cho giáo hữu…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


91.   MỘT ĐỒNG THÌ KHÔNG NÊN CỨU

        Có một người rất bủn xỉn keo kiết.

        Một hôm ra khỏi nhà gặp con sông nhỏ nước dâng cao, ông ta không đành bỏ tiền ra để ngồi thuyền qua sông nên liều cái mạng già lội bộ qua sông, dưới sông có gì ai mà biết được, nước sâu lại chảy mạnh nên đẩy ông ta trôi xa nữa dặm hơn.

        May mà đứa con trai đứng trên bờ nhìn thấy, cuống cuồng cả lên, bèn kêu một chiếc thuyền đến cứu mạng ông ta, phu thuyền đòi một đồng bạc vuông mới dám đến cứu, nhưng con trai chỉ trả năm xu bạc mà thôi, hai bên trả giá rất lâu mà vẫn chưa xong.

        Ông cha đang vùng vẩy loạn xạ trong nước sắp chết, nhìn con trai và nói lớn:

-      “Con trai của ta, con trai của ta, năm xu thì  được, nhưng một đồng thì không nên cứu !”

                                                       (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 91:

        Có người vì sợ tốn tiền nên bị chết chìm, có người vì sợ tốn tiền nên không cho con cái đi học, có người vì sợ mất tiền mà tật mang nên dù bệnh nặng cũng không thèm đến thầy thuốc...

        Tất cả cái sợ trên đều bắt đầu từ lòng keo kiết mà ra.

        Có người Ki-tô hữu vì sợ mất coi buổi trực tiếp đá banh thế giới nên đã không đi lễ ngày chúa nhật, có người sợ con cái ra đường mắc mưa bệnh nên không cho con cái đi học giáo lý ở nhà thờ, có người vì sợ lỡ hẹn với người yêu nên thà không đi lễ để đến nơi hẹn trước...

        Chúng ta sợ đủ thứ, nhưng những thứ đó thì không giúp gì cho phần rỗi của chúng ta.

        Mất linh hồn sa hoả ngục là cái đáng sợ nhất mà chúng ta lại không sợ, đúng là đáng sợ thật !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


90.   NGÓ SEN LỚN NHƯ THUYỀN

        Chủ nhân dùng chóp sen để đãi khách nhưng giữ lại khúc lớn trong nhà bếp.

        Khách cười nói:

-      “Tôi thường đọc thơ: ‘Đỉnh Thái Tất đầu ngọc giếng sen, nở hoa mười trượng ngó sen như thuyền’. Trước đây hoài nghi không thể có ngó sen to lớn như thế, hôm nay thì tin rồi”.

        Chủ nhân hỏi:

-      “Đó là duyên cớ gì ?”

        Khách trả lời:

-      “Chóp sen đã đến nơi đây mà đầu sen thì vẫn còn ở trong nhà bếp ấy”.

                                                        (Qủang Tiếu phủ)

 

Suy tư 9:

        Người ta khi đãi khách thì có hai thái độ: một là lo lắng không biết khách thích ăn món gì và chọn nấu làm sao cho khách vui lòng, hai là có gì ăn nấy.

        Thái độ thứ nhất là của người đón khách quý và coi trọng khách, thái độ thứ hai là coi khách thân tình như người quen biết trong gia đình, cả hai thái độ đều bày tỏ tâm tình hiếu khách của chủ nhà.

        Có người khách đến nhà chỉ đem là ly nước lã với lời nói trỏng trỏng: uống nước; có người khách tới nhà thì vồn vã tay bắt mặt mừng rối rít gọi con cái đem nước ngọt mát lạnh ra khách dùng; lại có người khách đến nhà thì kêu con ra coi khách là ai, nếu là người mình không thích thì nói: cha mẹ không có nhà...

        Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tiếp đãi bất cứ người khách nào: khách quen khách lạ, khách là quan lớn hay thường dân, là người lớn hay trẻ em, là người giàu có hay nghèo hèn, bởi vì chính Ngài đã chia sẻ thân phận khách đày như chúng ta: hy vọng được mọi người đối đãi ân cần và đó cũng là tâm tình của chúng ta khi lỡ đường lỡ sá.

        Người Ki-tô hữu không phân biệt khách là ai, bởi vì đối với họ tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, và trong Chúa Ki-tô họ đều là anh chị em của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.   THAY NHAU ĂN CƠM

        Có một người rất thích đánh cờ, thường hay qua nhà hàng xóm để đấu cờ.

        Một hôm, anh em người hàng xóm luân phiên nhau đại chiến với ông ta, giết nhau cả nữa ngày mà cũng khó phân khó giải. Đến giờ ngọ, hai anh em chủ nhân thay đổi nhau đi vào ăn cơm.

        Sau giờ ngọ, người mê đánh cờ cảm thấy đói trong bụng, tinh thần mệt mỏi, nhìn thấy khí sắc của hai đối thủ vẫn như cũ, thì tỉnh ngộ hẳn lên, bèn cười nói:

-      “Hôm qua tôi đi du ngoạn nơi chùa nhìn thấy cái nồi khí (nồi để chưng đồ ăn) trong nhà bếp, bề cao một trượng có thừa”.

        Chủ nhân kinh ngạc hỏi:

-      “Cái nồi quá cao làm sao xới cơm ra để ăn được ?”

        Người mê đánh cờ trả lời:

-      “Tốp hoà thường này rất là giảo hoạt, trên cái nồi chưng họ bắt lên cái thang dài, một người chui vào ăn, ăn xong thì chui ra kêu người khác vào ăn...”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 89:

        “Xa luân chiến” là một trận pháp lợi hại khiến cho đối phương từ hăng hái đến rã rời và cuối cùng thì bị thua,  nhưng đó là trận pháp đại quy mô không nên dùng khi đánh cờ bởi vì như thế là không công bằng.

        Ma quỷ vốn là tên đại bịp và không công bằng cho nên nó thường hay dùng chiến thuật “xa luân chiến” để tấn công những người đạo đức, tức là những người muốn sống theo Lời Chúa dạy. “Xa luân chiến” của ma quỷ là từ từ đưa ra những cám dỗ xem ra không thiệt hại gì cho lắm, tức là nó làm cho chúng ta đi vào sự tội cách nhẹ nhàng êm ái mà chúng ta cứ ngỡ là mình làm đúng, cho đến khi sực tỉnh thì đã thấy mình đang tắm trong bùn nhơ tội lỗi...

        Ma quỷ là loài quỷ quyệt, nó không bao giờ làm cho chúng ta có cảm giác phạm tội khi làm sai, do đó mà Đức Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ là ý đó vậy.

        “Xa luân chiến” của người Ki-tô hữu là cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện, thử hỏi ma quỷ nào dám chiến thắng người luôn cầu nguyện chứ ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


88.   THÚ THƠ TIỄN BIỆT

        Có một quan nghèo rất độc ác vơ vét hết tất cả tiền tài của địa phương, lúc hết nhiệm kỳ thì thấy không có gì để vơ vét nữa, bèn lấy một cái quạt xếp đem nông trang ruộng vườn sơn thuỷ vẽ cả lên trên cái quạt ấy.

        Bá tánh bèn làm một bài vè tặng cho ông ta :

-      “Lúc đến thì hiu (hắt), đi thì dồi (dào),

tiền tài của dân vớ vét sạch;

Chỉ vì giang sơn không thể di (dịch),

nên tạm viết vô mấy đồ hình...”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 88:

        Làm quan mà liêm chính thì thật là khó, làm tu sĩ nam nữ thánh thiện thì càng khó hơn trong thời đại này, làm linh mục khiêm tốn trong xã hội hôm nay thì lại càng khó hơn, đúng là ngược đời, nhưng xét cho cùng thì chẳng ngược đời chút nào cả...

        Làm quan thì dù mình không tham ô vơ vét, nhưng thần dân vì muốn cho mình được việc nên cứ hối lộ đút lót cho quan, ai thấy tiền tài lại không...tối mắt chứ, thế gian hỏi có mấy người ngoảnh mặt trước tiền bạc !!

        Các tu sĩ nam nữ muốn sống thánh thiện cũng khó khi mà mình khấn từ bỏ tiền bạc (khấn thanh bần), khấn từ chối tình yêu vợ chồng (khiết tịnh), khấn không cứng đầu cứng cổ (vâng phục), bởi vì theo thói thường của ma quỷ khi mình khấn hứa từ bỏ gì thì nó đem cái mình từ bỏ ấy đến cám dỗ cách mạnh bạo hơn, cho nên các tu sĩ nam nữ thời nay phải cố gắng lắm mới nên người thánh thiện được.

        Linh mục có tâm hồn khiêm tốn thật trong thời đại này không nhiều, bởi vì có không ít linh mục không xưng hô cách lễ phép thật lòng với các giáo dân lớn tuổi hơn mình, và càng có không ít linh mục có thái độ khiêm tốn với con chiên bổn đạo của mình, đúng là làm linh mục khiêm tốn thật khó lắm thay...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.   KHÓ MÀ CHỊU ĐƯỢC BA NĂM

        Tân quan mới đi nhậm chức nên hỏi người thân tín:

-      “Làm quan thì nên làm như thế nào mới tốt ?”

        Người thân tín nói:

-      “Năm thứ nhất phải trong (liêm khiết), năm thứ hai trong một nửa, năm thứ ba có thể đục được rồi”.

        Tân quan thở dài nói:

-      “Bảo tôi làm thế nào để có thể chịu đựng tới năm thứ ba chứ !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 87:

        Con người ta khi mới nhận việc thì nhiệt tình năng nổ và muốn làm cái gì cũng phải ưu việt, chứ không lơ tơ mơ như mấy người làm việc lâu năm.

        Có một vài linh mục mới chịu chức thì được phái đi làm cha phó, đó là sự khôn ngoan của các đấng bề trên, nhưng làm phó được một hai năm thì cảm thấy mình có thể làm cha sở được rồi nên lời lẽ không còn nhã nhặn với cha sở nữa, viện cớ nhiều việc để ăn cơm riêng, và đôi lúc còn to tiếng với cha sở, nhưng cái tệ hại nhất là đi nói xấu cha sở với giáo dân và chia bè kết phái trong cộng đoàn...

        Nhiệt tình làm việc là tốt, năng nổ làm việc là một thành tích đáng khen, nhưng nhiệt thành năng nổ để “lấy điểm” với bề trên thì không tốt, bởi vì nhiệt thành vì nhà Chúa và nhiệt thành vì “lấy điểm” thì khác nhau xa vô cùng. Làm vì Chúa thì tồn tại, làm vì mình thì chóng qua...

        Làm cha sở và cha phó thì không như đi làm quan, làm quan không thể chịu sống liêm chính trong ba năm, nhưng làm cha sở cha phó thì suốt cuộc đời phải nhiệt tình năng nổ vì Tin Mừng của Chúa Ki-tô...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


86.   CÂY LIỄU KHÔNG LÁ

        Dư Đào dạy học ở huyện Ngô, bởi vì quanh năm tìm kiếm mưu sinh ở bên ngoài nên quên mất các cảnh vật ở quê nhà. Ông ta nhìn thấy cây liễu ở huyện Ngô cành lá rũ dài thật đẹp nên xin chủ nhân một cành định gởi về quê nhà để trồng.

        Chủ nhân nói:

-      “Cây liễu này không đáng giá, ở đâu cũng có, lẽ nào quê ngài không có sao ?”

        Dự Đào lúng túng, vò đầu gãi tai gắng gượng nói:

-      “Cây liễu ở quê tôi nó không có lá ạ !!”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 86:

        Cây dương liễu không phải là cây đặc biệt, cũng không phải là cây quý hiếm, vậy mà có người không biết là nó có lá hay không có lá...

        Trong tất cả các cây thì chỉ có một cây trần trụi không lá không hoa không quả, thế mà nó lại là cây sự sống cho những kẻ tin đó là cây Thánh Giá của người Ki-tô hữu.

        Cây Thánh Giá không có lá nhưng lại có bóng mát để cho những người mệt nhọc chán chường núp bóng để vươn lên; cây Thánh Giá không có trái có quả nhưng có thể làm cho người đói khát được no, người yếu đuối được mạnh khoẻ bởi vì hoa quả của nó chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh trên nó...

        Tốn tiền để gởi cây dương liễu tầm thường về quê thì đúng là người dại, nhưng có những người Ki-tô hữu dại dột hơn khi chối bỏ cây Thánh Giá của mình để trở thành án phạt đời đời...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)