Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Chúa nhật 2 thường niên

 


CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

( Năm C )

Tin Mừng : Ga 2, 1-11
“Đức Chúa Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê.”

Bạn thân mến,
Phép lạ đầu tiên mà Đức Chúa Giê-su đã làm khi Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời, chính là phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, mà thánh Gioan đã tường thuật cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai ý suy niệm sau đây:
1. Có Chúa hiện diện là niềm vui của con người.
Đức Chúa Giê-su hiện diện trong tiệc cưới ở làng Ca-na là một biến cố, biến cố này chỉ xảy ra sau khi Đức Chúa Giê-su làm phép lạ biến nước trở thành rượu ngon, để kéo dài niềm vui và cứu cho chủ nhà của chàng rể một phen hú vía vì rượu đã hết.
Chúa hiện diện trong gia đình chúng ta, cứu giúp chúng ta khỏi những ưu phiền và đem lại niềm vui cho mỗi người, như Ngài đã hiện trong tiệc cưới tại làng Ca-na, chúng ta hãy mời gọi Ngài đến trong nhà chúng ta để tình yêu giữa cha mẹ và con cái càng thêm nồng nàn vì có “rượu tình yêu” là chính Ngài ban cho.
Chúa hiện diện trong cuộc sống của bạn và tôi, với biết bao là vất vả khó khăn, với biết bao là chán chường và đau khổ, chính Ngài, với lời mời ân cần của chúng ta, Ngài sẽ đến để đem lại niềm vui cho chúng ta, niềm vui của Ngài sẽ bất tận và lây lan cho người khác khi chúng ta đã có niềm vui của Ngài.
Đường đời bạn và tôi đi nếu mà có Chúa cùng đồng hành hiện diện thì quả là hạnh phúc, bởi vì khi Ngài hiện diện thì đồng thời bình an cũng hiện diện và vui tươi cũng có mặt, làm cho đường chúng ta đi trở nên gần hơn, và chúng ta cũng trở nên gần gủi với tha nhân hơn.
2. Mọi người vui vẻ khi có chúng ta hiện diện.
Là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Ki-tô và là anh em của mọi người, bạn và tôi cũng cùng theo Đức Chúa Giê-su đi dự tiệc cưới như các tông đồ xưa, nhưng tiệc cưới mà chúng ta tham dự đây không phải là ở làng Ca-na, nhưng là ở nơi đâu có chúng ta, thì ở đó là một bàn tiệc của sự vui vẻ, thân ái và phục vụ...
Đức Chúa Giê-su đã hiện diện trong tiệc cưới và mọi người đã trở nên vui vẻ vì rượu được uống no say. Bạn và tôi hiện diện và mang lại vui vẻ hân hoan ở những nơi mà đau khổ, đang như một cuồng phong, làm mát cuộc sống đau khổ tinh thần và vật chất của tha nhân: nơi những trại phong cùi, nơi những trại giáo huấn trẻ bụi đời, nơi những trại cai nghiện ma túy, nơi những trại mồ côi và nơi phục hồi nhân phẩm của các cô gái lỡ lầm.v.v...
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã mở đầu việc rao giảng tin vui Nước Trời bằng việc làm cho nước hóa thành rượu, và kết thúc bằng việc hiến tế chính bản thân mình trên Thánh Giá, và kéo dài mãi cho đến ngày tận thế trong bí tích Thánh Thể trên các bàn thờ...
Nước biến thành rượu,
nổi buồn biến thành niềm vui,
đau khổ biến thành hân hoan,
thất vọng biến thành hy vọng,
là những điều mà chúng ta sẽ làm được, khi chúng ta biết đồng hành cùng Đức Chúa Giê-su đi tham dự tiệc cưới Nước Trời trong thánh lễ, bởi vì nơi đây rượu đã biến thành Máu Thánh và bánh miến biến thành Mình Thánh của Ngài làm của nuôi linh hồn của chúng ta.
Đó chính là niềm vui và hi vọng của Đức Chúa Giê-su mà mọi người nhìn thấy nơi con người chúng ta vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

  

86.          HÃO HUYỀN KHÔNG NÃO

    Có một người Tô Châu làm cận vệ cho một quan lớn nọ, thường thường bợ đỡ quan lớn, nói:

-      “Tôi vì ngài mà không tiếc tính mạng mình”.

Một hôm, quan lớn bị bệnh não, bệnh tình nguy kịch, thầy thuốc nói:

-         “Không có não người sống thì không thể chữa được”.

Quan lớn vui vẻ nói:

-      “Ta có thể sống được rồi”.

Bèn kêu người Tô Châu ấy đến thương lượng, anh ta trả lời:

-              “Không phải là tôi không dám, tôi là Tô hão huyền, tức là không có não ạ”.

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 86:

        Có người được người ta gán cho biệt hiệu là anh hai, vì tính cách dữ tợn bặm trợn của mình; có người được người khác gọi là vua lừa, vì hay lừa dối phỉnh phờ người khác; lại có người được người khác đặt cho cái tên là nổ, vì hay nói những chuyện tào lao không có thật...

        Không phải tự nhiên mà người khác “tặng” cho mình cái biệt hiệu, nhưng là vì cuộc sống của mình bộc lộ ra như thế nên người ta gán thêm một cái tên cho hợp với tính cách của mình.

        Chúng ta là những người Ki-tô hữu, tên gọi Ki-tô hữu không còn xa lạ với mọi người trên thế gian này, bởi vì ai cũng biết Ki-tô hữu là người tin vào Đức Chúa Giê-su. Nhưng người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy người Ki-tô hữu không sống đúng với niềm tin của mình: có người thì sống bê tha bệ rạc vì cờ bạc rượu chè, có người thì cho vay nặng lãi, có người thì dối gian tham lam, có người thì buôn thần bán thánh, lại có người thì ăn trộm ăn cướp.v.v...

        Người ở Tô Châu tự nhận mình là hão huyền, tức là không có não, do đó mà chỉ biết nói lời nịnh bợ, tráo trở khi chủ nhân cần đến; nhưng chúng ta thì lại khác, chúng ta tự nhận mình là người Ki-tô hữu nên chúng ta không những có não (trí khôn) để chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa, mà còn có đức tin để chúng ta nhìn thấy Đưc Chúa Giê-su trong mọi người, để trung thành phục vụ Ngài trong người thân cận của chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.          PHÂN NƠI CỬA MIỆNG

Có một học trò hỏi thầy giáo:

-      “Chữ “phân ()” viết như thế nào ?”

Thầy giáo nhất thời không nhớ được, trầm ngâm rất lâu mới nói:

-         “Chà chà, rõ ràng là nơi cửa miệng, nhưng lại nói không ra”.

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 85:

        Có những câu hỏi bất chợt của học trò mà thầy cô nhất thời không trả lời được, nên có những thầy cô phớt lờ lãng sang chuyện khác; có những câu hỏi chợt đến của trẻ em mà người lớn nhất thời lúng túng không trả lời được, nên người lớn nạt nộ để che lấp cái lúng túng của mình...

        Lúng túng thì trả lời không đúng làm học trò không thỏa mãn và thế là không nể thầy cô; nạt nộ để “vú lấp miệng em” thì làm cho trẻ em thêm bực tức mà nói tầm bậy. Cái hay nhất trong trường hợp này thì Đc Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta biết đó có thì nói có không thì nói không, cũng có nghĩa là biết thì nói biết, không thì nói không biết, đó là câu trả lời hay nhất không những làm cho người hỏi bằng lòng, mà còn làm cho họ nể nang, bởi vì sự thành thật thì lúc nào và thời nào cũng được mọi người yêu mến và kính nể.

        Chữ phân nằm nơi cửa miệng của thầy nhưng nói không ra, thì đó là cái dở của thầy giáo, nhưng cái dở hơn của mọi người là không nhìn thấy khả năng có hạn và đức độ kém cõi của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 84.          CON TÔM BỊ ƯỚT

Có một phụ nữ đi thăm bà con, nghe nói con trai đột nhiên bị bệnh đậu mùa, thì lập tức ngồi kiệu trở về nhà.

Trên đường đi gặp người bán tôm liền mua một ít bỏ trong kiệu, một lúc sau có nước tràn ra bên ngoài kiệu, mấy đứa nhỏ trên đường thấy vậy thì cười nói:

-      “Trong kiệu vãi nước tiểu”.

Người phụ nữ trong kiệu ấy chửi mắng:”

-         “Thằng nhỏ lai căng, nước con tôm mà cũng không biết, lại còn nói nước tiểu !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 84:

        Kiệu thì bít bùng không ai có thể thấy bên trong, ai biết được bà chủ mới mua tôm nên để nước chảy ra bên ngoài !

        Không một ai đọc được tâm tư trong tâm hồn của người khác, cho nên cũng đừng mắng người khác khi mình đang nổi nóng, cũng như đừng vội vàng phê bình tha nhân khi mình chưa nắm rõ tình hình tâm hồn của họ, đó là điều quan trọng để chúng ta sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa tại trần gian này vậy.

        Con nít thì đơn sơ thấy sao nói vậy, nhưng người lớn vì suy nghĩ quá...sâu xa nên hay chửi con nít điều mà chúng nó thấy nơi mình, đó là một bất công, bởi vì đem cái trí óc của người lớn ra phê phán cái óc của con nít, thì chẳng khác chi chúng ta đem con nít nhốt vào trong phòng mà chung quanh toàn là tối đen như hỏa ngục.

        Người lớn cứ sống chân thật thì con nít nhất định sẽ biết sống chân thật, không lừa đảo phỉnh phờ người khác...

        Đừng la mắng con nít vì chúng nó thấy sao thì nói vậy, nhưng người lớn phải tự kiểm điểm lời nói và hành động của mình có làm gương tốt cho trẻ em hay chưa...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


83.          SỢ NHẤT LÀ BỊ BẮT TẠI CH

Có hai đạo sĩ ngồi trước cổng cùng nhau uống rượu, thấy tri phủ quan huyện ngồi kiệu đi ngang qua, nhưng hoàn toàn phớt lờ.

Một lúc sau, quan tư đạo lại ngồi kiệu đi ngang qua, họ vẫn cứ như là bàng quan không biết gì cả, vẫn ngồi uống rượu.

Lại một lúc sau, quan tuần phủ đi qua, họ vội vàng đi vào bàn bên trong ngồi xuống ẩn núp. Có người hỏi tại sao như thế, họ liền trả lời:

-         “Ông tuần quan này chuyên môn đi bắt trộm và cường đạo đó mà !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 83:

        Ngày xưa cũng như ngày nay đều có đạo sĩ giả và đạo sĩ thật, hai đạo sĩ trên đây không trốn quan tri phủ, không trốn quan huyện và cũng không trốn quan tư đạo nhưng lại trốn quan tuần phủ, bởi vì đây là hai đạo sĩ giả đã thông đồng với các quan lớn để làm tiền những người mộ đạo, nhưng quan tuần phủ là người chuyên bắt trộm và dẹp các tệ nạn xã hội nên hai ông đạo sĩ giả này phải sợ.

        Giả là nhất thời, thật là lâu dài.

        Nhưng cũng có người lấy thật làm giả, đó là những người làm quan thật, nhưng không làm quan thật mà chỉ thích ăn hối lộ và tham nhũng; đó là những người có đạo nhưng không thực hành những điều đạo dạy; đó là những người đã lãnh bí tích Rửa Tội làm con cái của Thiên Chúa, nhưng không sống như là con của Thiên Chúa. Những người này lấy cái thật của mình làm cái giả để lừa chính bản thân của mình và người khác, họ không sợ ai cả -kể cả Thiên Chúa- khi họ được “lên voi”, và họ sợ luôn cả cái không đáng sợ khi họ bị “xuống chó”, đó là vì họ đã lấy cái thật chân chính của mình làm cái giả.

        Dù là làm đạo sĩ thật nhưng hành động không như chức phận của đạo sĩ thì cũng phải sợ quan tuần phủ, bởi vì cái áo không làm nên thầy tu...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 82.          MẶC LÂU BAY MÀU

Có một học trò mới, gần đến ngày nhập học thì kêu người nhà đi mua vải màu xanh lam về may áo, sau khi mua về, chủ nhân nhìn thì cảm thấy màu quá đậm, bèn không vui.

Người nhà nói:

-         “Chuyện đậm nhạt không hệ trọng, mặc vào vài bữa thì nó bay màu thành màu nhạt, lo gì chứ !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 82:

        Tình cảm của con người cũng có những lúc như cái áo mặc lâu ngày sẽ bạc màu:

-       Tình yêu nam nữ khi chưa cưới nhau thì rất nồng thắm, cưới nhau mới được một vài tháng thì có cặp đã “bạc màu”, từ màu hồng sang màu tai tái khó coi, và cuối cùng thì bạc nhếch: ly dị.

-       Tình cảm bạn bè cũng không hơn gì tình yêu, có những bạn bè rất tốt, biết chia sẻ cho nhau những lúc vui lúc buồn, nhưng cũng có những tình bạn vn vả nồng hậu ban đầu được một vài tháng, sau đó thì bạc nhếch vì cái màu danh vọng địa vị nó đậm hơn tình bạn chân thành.

-       Tình cảm anh chị em trong gia đình cũng chẳng hơn gì cái áo mặc lâu bạc màu, có gia đình anh chị em khi cha mẹ còn sống thì vui vẻ đề huề, nhưng khi cha mẹ qua đời thì tình cảm ruột thịt ấy cũng từ từ bay màu vì tranh chấp tài sản, vì công ăn việc làm, vì người giàu kẻ nghèo...

        Tất cả những tình cảm bạc màu ấy đều phát xuất từ nhiều nguyên nhân của cuộc sống, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất đó là trong tâm hồn không có tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì nếu có Thiên Chúa trong tâm hồn thì cuộc sống của họ sẽ khác hơn: họ biết gìn giữ và tôn trọng tình cảm chân thành của bạn bè, tình yêu đã được thánh hóa của hôn nhân, và tình thương cao quý nhất của anh chị em trong gia đình...

        “Ở đâu có yêu thương thì ở đó có Đức Chúa Trời...”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


81.          CON RÙA TRÊN TƯỜNG

Chủ nhân sợ người ta tiểu tiện nơi góc tường, nên đặc biệt vẽ một con rùa ngay trên bức tường, và viết mấy chữ: “Người tiểu tiện ở đây thì giống như con này”.

Có một người không biết nên đứng tiểu tiện ở đó, chủ nhân nhìn thấy thì tức khí, chửi:

-      “Mắt không đui mà cũng không thấy à !”

Người tiểu tiện liếc nhìn chữ và hình vẽ trên tường thì chợt hiểu, vội vàng học lấy khẩu khí của chủ nhân và tiếp lời:

-      “Dạ, không biết lão gia ở đây ạ”.

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 81:

        Có những người sợ người lạ vào nhà nên nuôi một con chó to đùng đùng giữ cổng; có những người sợ người nghèo đến nhà ăn xin nên cột con chó dử tợn trước cổng nhà; có một vài người sợ người hàng xóm đi ngang qua ngõ nhà mình nên lấy kẽm gai rào lại làm ngăn cản giao thông của mọi người.v.v...con chó giữa cổng, hàng rào kẽm gai, xây tường ngăn cách đều là vì sợ mất trộm mà ra, nhưng cái nguy hiểm hơn đó chính là sự ngăn cách giữa tình người với nhau vì tâm hồn ích kỷ của bản thân mình.

        Sợ mất cắp là vì tài sản mình nhiều, đó là cái sợ chung chung của những người nhiều tiền lắm của; nhưng có cái đáng sợ hơn mà tất cả những người Ki-tô hữu đều biết và tránh, đó là sợ mất hòa khí giữa người với người, sợ mất tình cảm thắm thiết giữa bạn bè với nhau, sợ mình sẽ là một ốc đảo cô đơn giữa xã hội quá nhiều người...

        Vẽ hình con rùa để ngăn đe người khác tiểu tiện bậy bạ là việc nên làm, nhưng ứng xử kiểu “gậy ông đập lưng ông” thì nên tránh, bởi vì vẽ bức hình thôi vẫn chưa đủ, nhưng còn phải “vẽ” tâm hồn của mình trên tất cả các công việc của mình làm, có như thế, người ta mới khám phá ra Đức Chúa Giê-su đang hoạt động trong bản thân của chúng ta.

Đó là cách “vẽ” hay nhất mà tất cả mọi người đều phải biết đến, bởi vì đó cũng chính là cửa ngõ để mọi người nhận biết có Đấng toàn năng trong cuộc sống của chính họ và qua việc làm của chúng ta vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)