Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Chúa nhật 3 thường niên

 


CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Lc 1, 1-4 ; 4, 14-21
“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Bạn thân mến,
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một thói quen tốt, thói quen này có thể do điều luật quy định, cũng có thể do luật bất thành văn của làng họ quy định, và cũng có thể do thói quen của từng cá nhân hoặc của gia đình mà có.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có một thói quen tốt, thói quen tốt của Ngài là đến hội đường vào những ngày hưu lễ, để nghe đọc sách các tiên tri loan báo về Đấng cứu độ sẽ đến, nhưng hôm nay Ngài lại được mời công bố Lời Chúa trong thánh kinh cho mọi người nghe.
1/ Thói quen biểu lộ cá tính và nhân cách của con người ta.
Thói quen của kẻ lường gạt, ăn cướp là ngập ngừng và láo liên con mắt đảo qua đảo lại khi đến một nơi nào đó; thói quen của người thích sưu tầm thì đến bất cứ đâu cũng đều tò mò coi nhìn hỏi han cho biết sự việc; thói quen của tình yêu vô vị lợi là giúp đỡ và phục vụ tha nhân; thói quen của người Ki-tô hữu là cầu nguyện, làm việc bác ái, và còn rất nhiều thói quen tốt lành khác mà khi chúng ta thực hành thì người khác sẽ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su trên con người của chúng ta.
Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với tất cả những người hiện diện trong hội đường: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21). Ngài mạnh dạn tuyên bố lời kinh thánh đã ứng nghiệm nơi Ngài, bởi vì mục đích của Ngài đến trần gian là để cứu chữa những gì đã bị huỷ hoại do tội gây ra, là để an ủi những người đang bị người đời bỏ rơi, là để làm cho tâm hồn con người được ấm lên tình yêu thương đồng loại, qua việc đón tiếp và phục vụ những người mà xã hội cho là bất trị. Tóm lại, Đức Chúa Giê-su đến để cứu chuộc nhân loại, và qua hành động này đã bày tỏ cho nhân loại được biết Ngài chính là Thiên Chúa làm người.
2/ Thói quen tốt sẽ phản ảnh lại khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su nơi người tín hữu.
Bởi vì chỉ có tâm hồn méo mó tội lỗi mới làm cho khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su trở nên méo mó nơi người tín hữu mà thôi. Không một người Ki-tô hữu nào lại không biết đến Đức Chúa Giê-su, nhưng không phải mọi tín hữu đều có thói quen thực hành những công việc mà Ngài đã làm: giúp đỡ người nghèo, tha tội cho cho tội nhân, chữa lành bệnh tật và hi sinh mạng sống cho người mình yêu.
Thói quen của người Ki-tô hữu trong một xã hội đầy những gian dối này là thành thật; thói quen tốt của người Ki-tô hữu trong một xã hội mà người ta chỉ biết hưởng thụ cho cá nhân mình là dấn thân phục vụ tha nhân...
Tất cả những thói quen ấy đều phản ảnh lại khuôn mặt hiền dịu của Đức Chúa Giê-su trên con người của bạn và của tôi, và khi chúng ta đã làm được như thế thì chúng ta cũng sẽ tuyên bố với mọi người như Đức Chúa Giê-su: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” .
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và không cần đến thói quen tốt bởi vì Ngài vốn là Đấng chân thiện mỹ và thánh, nhưng trong thân phận bản tính con người Ngài cũng có những thói quen tốt, thói quen này được học hỏi nơi mẹ của Ngài là Đức Maria dạy bảo, được học hỏi nơi thánh cả Giu-se và nơi các kinh sư cũng như các thầy thông luật, Ngài được dạy dỗ phải đến hội đường vào ngày hưu lễ, phải siêng năng suy gẫm và đọc thánh kinh, cho nên Ngài đã trở thành mô phạm cho chúng ta bắt chước noi theo...
Hãy làm gương sáng, hãy tập làm thói quen tốt để dạy dỗ con cái có thói quen tốt, hãy tập làm các việc lành để hướng dẫn người khác thực hành điều tốt, đó chính là phản ảnh lại hình ảnh Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của chúng ta vậy...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


92.          VU CÔNG SAY RƯỢU

Vu công uống rượu nơi nhà bạn cho đến say mèm. Khi về nhà đi ngang qua cổng nhà của Lỗ Chính thì đột nhiên ói ra, người gác cổng chửi mắng:

-         “Ai uống rượu say vậy, đem đồ dơ bẩn mà ói trước cổng nhà người ta ?”

Vu công say khước đưa mắt liếc nó một cái và nói:

-         “Cái cổng của nhà mày vốn không nên nhắm hướng miệng của ta mà mở !”

Người gác cổng nghe thế thì dở khóc dở cười, nói:

-         “Cái cổng nhà của chúng tôi làm cả mấy năm rồi, lẽ nào hôm nay có chủ ý nhắm theo hướng miệng của ngài mà mở sao ?”

Vu công đáp:

-              “Thì cái miệng ông bố mày đây cũng có rất lâu năm rồi vậy !”

(Vu Tiên biệt ký)

 

Suy tư 92:

        Cổng cũng là cửa, mà miệng cũng là cửa.

Cổng là cửa lớn của nhà và miệng là cửa của cái bụng.

Cổng thì đón tiếp mọi người làm cho tình bạn thêm thắt chặt, và miệng thì tiếp nhận thức ăn làm cho thân xác khỏe mạnh.

Đưc Chúa Giê-su là cổng chính của tòa nhà Hội Thánh và là cửa chuồng chiên, ai không từ cổng chính mà vào thì là đạo chích và ai không từ cửa chuồng mà vào thì là kẻ cướp, nghĩa là ai không tin vào Đưc Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là người thật thì không được ơn cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ đến từ nơi Đưc Chúa Giê-su là cổng nhà Hội Thánh và là cửa chuồng chiên.

Người Ki-tô hữu là người đi vào nhà Hội Thánh bằng cổng chính nơi bí tích Rửa Tội, là người tin vào Đc Chúa Giê-su, cho nên họ cũng là những người trở thành cổng để người ta đi vào nhìn và thấy Đưc Chúa Giê-su nơi cuộc sống của họ, và họ không chỉ là những người chỉ biết tin mà thôi, nhưng còn là những người biết chỉ cho người khác tin và sống những gì mà họ cảm nghiệm và đã sống...

Cái cổng không thể hướng về cái miệng của con người để mở ra, nhưng con người ta phải qua cổng để vào nhà, trái lại ơn cứu độ của Thiên Chúa thì hướng về con người và con người cần phải cng tác với ơn sủng để được cứu độ, ai không cng tác thì không thể trở thành cổng và cửa cho anh em chị em...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


91.          VIẾT NGƯỢC CHỮ “CÁT

Ngày mồng một tết, có một người chuẩn bị đi chúc tết, tự nói một mình:

-              “Đi ngày thứ nhất thì nhất định phải được thuận lợi mới tốt”.

Bèn viết trên cái bàn bát tiên một chữ “cát [1].

Nào ngờ, anh ta đi liên tục đến mấy nhà đều không có cơm ăn cũng không có nước uống, anh ta buồn bã trở về nhà mình, lấy chữ “cát” ra coi lại một chặp mới chợt hiểu ra:

-         “Ái dà, mình viết hai chữ “khô miệng口干[2], hèn gì không được người ta mời ăn uống gì cả !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 91 :

        Ngày tết thì ai cũng muốn được may mắn, được thuận lợi và muốn được nghe những lời chúc may mắn, thậm chí có lời chúc tết như thế này: chúc anh, chị tiền vô như nước, tiền ra như “phin” cà phê, uống cà phê phin thì ai cũng biết, nó giọt từng giọt rất lâu...

        Ngày tết ai cũng sửa soạn nhà cửa cho đẹp để đón tết, những câu đối, lời chúc thì đầy ý đầy tứ kẻo...bị xui, nhưng ít người chuẩn bị tâm hồn cho đẹp đẽ để đón mừng năm mới ! Ngày tết chuẩn bị nhiều, lo lắng nhiều cho cái ăn cái mặc, nhưng rồi vẫn bị đói rồi đổ tội là mình vì viết sai chữ “cát” thành chữ “khô miệng”...

        Có những người Ki-tô hữu chuẩn bị nhà cửa sạch đẹp, thức ăn uống đầy đủ, “hồng bao”[3] lì xì cũng như bì thư xin lễ bằng an đầu năm mới, nhưng vì nhậu nhẹt quắc cần câu đêm giao thừa nên không đi lễ đầu năm mới, ai có hỏi thì trả lời: tết nhứt, Chúa bỏ qua !

        Sai sót thì ai cũng có, nhưng sai sót đến nỗi không được ăn uống gì trong ngày đầu năm mới là chuyện ít người có. Cũng vậy, đừng chú trọng quá đến những cái lo bên ngoài, nhưng hãy chú trọng cho tâm hồn trong những ngày tết thật vui tươi và bình an, bởi vì như thế thì không sợ không có gì ăn trong ngày đầu năm mới, đó là tham dự tiệc thánh đầu năm nơi bàn thờ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ “cát” có khi đọc thành chữ “kiết”, tức là may mắn, thuận lợi…

[2] Chữ “cát, kiết” phải viết là mới đúng, nếu viết tách rời ra ngược, thì thành ra hai chữ “khô miệng”.

[3] Bao thư màu đỏ để lì xì trong dịp tết của ta hay của người Hoa đều giống nhau, cũng như bao thư đỏ để xin lễ tạ ơn, bình an.v.v...của người Hoa.

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


90.          ĐẦU CÒN MỀM

Có một thợ hớt tóc cắt tóc cho khách, vừa cầm dao thì làm xướt một đường máu chảy ra, bèn cáo từ ông khách và nói:

-         “Cái đầu của ông còn mềm không thể chịu đựng dao, tạm qua một thời gian đợi nó già rồi lại hớt cũng được”.

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 90:

Hớt tóc chứ không phải hớt đầu, nhưng nó lại có liên quan đến cái đầu, chẳng hạn như người đầu tròn thì cạo trọc cũng dễ coi, người đầu méo thì chớ có dại mà cạo trọc vì coi nó như...trái dưa bị méo, xấu lắm, cho nên người thợ hớt tóc có một vai trò quan trọng là cố vấn cho khách hàng của mình nên hớt tóc kiểu nào cho phù hợp với khuôn mặt, cái đầu của họ. Hớt tóc là một nghề nghiệp và cũng là một chuyên viên tạo mốt đem lại niềm vui cho mọi người, cho nên cần phải luyện tay nghề và kỹ xảo cho tinh vi, nếu không thì sẽ làm cho da đầu của khách bị chảy máu.

Tóc dài quá thì làm mất vẻ đẹp của khuôn mặt, cạo trọc láng thì coi không...hiền lành, bù xù quá thì như...con nhím... Đời sời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng giống như những sợi tóc trên đầu, thông minh quá thì sinh ra kiêu ngạo, nhiều tiền bạc quá thì sinh ra nhiều gương xấu, nghèo quá thì dễ tự đánh mất phẩm chất của mình.v.v...cho nên cần phải đến với người thợ của đời sống tâm linh để điều chỉnh lại cuộc sống đời thường cho phù hợp với tinh thần của Tin Mừng, mà người thợ “hớt tóc” tâm linh này trước hết chinhĐức Chúa Giê-su, Ngài là người thợ tuyệt vời vể kỹ thuật làm cho tâm hồn chúng ta đẹp ra khi chúng ta đến với Ngài trong bí tích hòa giải, và nhất là sau khi kết hợp với Ngài trong bí tích Thánh Thể; tiếp đến là giáo hội qua các linh mục của Đức Chúa Giê-su, các ngài là những người thợ hữu hình để giúp chúng ta điều chỉnh lại tâm hồn của mình cho đẹp hơn giửa xã hội hôm nay...

Hớt tóc đôi lúc cũng rát lắm vì dao cạo, vì thuốc cồn sát trùng, nhưng bù lại sẽ có một đầu tóc đẹp lịch sự.

Học làm người khiêm tốn khó lắm vì phải tạm quên mất mình trong một vài trường hợp; học làm người gương mẫu thì cũng khó khi mình có lắm tiền bạc, và học để giữ chính mình cho khỏi rơi vào vòng quỷ đạo của tội lỗi khi quá nghèo thì lại càng khó hơn, bởi vì tất cả chúng ta đều là con người với nhiều tham, sân, si.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.          THUỐC VÀ BỆNH ĐẤU NHAU

Có một em bé bị bệnh, sau khi uống thuốc thì trong bụng đau mãi không thôi, ông bố vội vàng đi hỏi thầy thuốc, thầy thuốc nói:

-         “Đừng quýnh, thuốc và bệnh đang dùng đấu pháp đấu với nhau đấy !”

Nói chưa dứt thì người nhà chạy đến báo tin:

-      “Tiểu công tử chết rồi”.

Thầy thuốc vỗ tay cừơi lớn, nói:

-              “Có thế chứ, cuối cùng thì thuốc của ta bản lãnh lớn hơn, con trai của ông đấu cũng không thắng nổi nó !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 89:

        Thuốc để chữa bệnh làm cho thân thể khỏe mạnh.

        Thầy thuốc cho thuốc đúng với cơn bệnh thì bệnh rút lui và thân thể dần dần hồi phục, thầy thuốc cho thuốc không đúng với con bệnh thì bệnh hoành hành thân thể bệnh nhân và bệnh nặng thêm, thầy thuốc cho liều lượng thuốc quá nhiều thì bệnh nhân sẽ có phản ứng và có khi mất mạng...

        Không một thầy thuốc nào vỗ tay vui mừng khi bệnh nhân chết, cũng không một thầy thuốc nào chữa bệnh mà mong cho bệnh nhân chết, bởi vì như thế là trái với lương tâm con người và lương tâm của thầy thuốc.

        Có những người Ki-tô hữu bị bệnh trong tâm hồn: có người bị “bệnh lo ra” khi đọc kinh dâng lễ, có người bị “bệnh kiêu ngạo” coi ai cũng thua kém mình, có người bị “bệnh hà tiện” không dám bỏ ra một vài đồng bạc giúp người nghèo, lại có người bị “bệnh khoe khoang” đi đâu cũng khoe mình học hành thế này thế nọ.v.v...và có rất nhiều bệnh mà có người Ki-tô hữu mắc phải như “bệnh chuộng hình thức bên ngoài”...

        Không một thầy thuốc nào có thể chữa lành bệnh cho chúng ta, nếu chúng ta không cng tác với họ.

Cũng vậy, có nhiều người Ki-tô hữu chỉ mắc một thứ bệnh mà chữa hoài chữa mãi cũng không lành, mặc dù họ có đi xưng tội làm hòa với Thiên Chúa, nhưng họ vẫn cứ phạm vì họ không muốn hợp tác với lời dạy bảo của cha giải tội, cũng như họ không tha thiết đón nhận ơn lành của Thiên Chúa ban cho trong bí tích Hòa Giải...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

  


88.          HUYỆN QUAN ĐÁNH RẮM

Có một quan huyện ngồi trên công đường thì đánh rắm một cái, bèn hỏi tả hữu hai bên:

-      “Ai đánh rắm đấy, thúi quá !”

Thủ hạ cung kính bẩm báo:

-              “Không phải lão gia đánh rắm ạ, cũng không phải là tiểu nhân ạ, đó là con chó đánh rắm ạ !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 88:

        Sợ quan lớn mắc cở nên đổ thừa cho chó thì không những làm nhục quan, mà lại còn làm cho câu chuyện ra nặng nề hơn...

        Thời xưa và thời nay, thời nào cũng có những ông quan thích sĩ diện, dù cho sĩ diện ấy không đúng thời đúng lúc; thời xưa và thời nay, thời nào cũng có những người nói những lời nịnh bợ, nhưng những lời nói nịnh bợ ấy vô tình làm cho quan lớn mất mặt xấu hổ.

        Có một vài người Ki-tô hữu có “biệt tài bàu chữa” cho mình, bằng cách đổ tội lên đầu người khác mà không biết xấu hổ, họ là những người chỉ biết quý danh dự cá nhân mình, còn danh dự cá nhân của người khác thì họ lại cho đó là chuyện nhỏ, cho nên người bị đổ lỗi không mắc cở mà lại mắc cở cho giùm cho người đã đổ lỗi cho mình, đó chính là đức ái của người Công Giáo vậy !

        Đừng vì nịnh quan lớn mà đánh mất mình, nhưng hãy cho quan lớn biết sự thật thà ngay thẳng chính là danh dự của mỗi một con người vậy !

        Đánh rắm thì không có gì là xấu hổ cả, đó là chuyện tự nhiên nơi con người, cái xấu hổ là đem cái xấu cái khuyết điểm của mình đổ trên đầu người khác.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

  


87.          LÀM NẮP QUAN TÀI

Gỗ để làm guốc của người nọ bị mất cắp nên chửi:

-         “Hừm, lấy gỗ làm guốc của ta đi mà làm nắp quan tài”.

Có người hỏi:

-         “Gỗ để làm guốc thì sao có thể làm nắp quan tài được ?”

Trả lời:

-      “Gỗ làm guốc của tôi là một tấm vỏ cây”.[1]

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 87 :

        Ngày xưa người ta dùng guốc, ngày nay người ta cũng dùng guốc, nhưng guốc thời nay thì đẹp và bắt mắt hơn, nó tăng thêm vẻ kiêu sa của các cô gái và của các bà...

        Guốc là một khúc gỗ nhẹ (nhưng không phải gỗ để làm nắp quan tài) nếu ở trong tay người thợ làm guốc thì nó là một đôi guốc xinh xắn dễ thương; nếu nó ở trong tay bà nội trợ thì không đáng một khúc củi đun bếp, nó cũng là một khúc gỗ vô tích sự trong tay người quét rác đường phố.

        Con em chúng ta là những khúc gỗ được Thiên Chúa trao cho cha mẹ, để nhờ sự nuôi nấng và dạy dỗ của cha mẹ mà các em trở nên những “đôi guốc” dễ thương biết phục vụ tha nhân và có ích cho mọi người, nhưng chúng ta –cha mẹ- đem khúc gỗ này giao cho người khác và họ đã biến khúc gỗ -trẻ em- thành những khúc củi vô dụng, vô ích cho xã hội và cho Giáo Hội, những người khác này là những bạn bè xấu, những người vô trách nhiệm, những người phủ nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ.v.v...

        Thời nay gỗ để làm guốc thì không thể làm nắp quan tài được, nhưng trẻ em thời nay thì có thể làm được rất nhiều chuyện xấu cũng như chuyện tốt, chuyện tốt chuyện xấu này khởi đầu từ cha mẹ, anh chị em trong gia đình mà ra cả...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] 板皮料ý nghĩa cũng là “nắp quan tài” và cũng là tấm vỏ cây.