CHÚA
NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN
Tin mừng : Mt 23, 1-12.
“Họ nói mà không làm”.
Anh chị em thân mến,
Lời Chúa như con dao hai lưỡi, một lưỡi nên cớ vấp phạm
cho người kiêu căng và làm cho chết, một lưỡi là sức mạnh làm cho người khiêm tốn
được sống.
- Lời Chúa làm cho người kiêu ngạo chết.
Đức Chúa Giê-su nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ
có một cha là Cha trên trời”, tự câu nói này của Ngài đã là lưỡi dao nên cớ
vấp phạm cho người kiêu ngạo thích lấy trí thông minh của con người và tự ái của
mình để giải thích Lời Chúa.
Có nhiều người thích dùng câu này để phản bác lại tất
cả những ai gọi các linh mục là cha, nếu là người lương dân không biết đến phẩm
trật của giáo hội, không biết đến tính cách cao quý vốn có của chức linh mục
trong giáo hội, thì họ thắc mắc cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu họ được
giải thích rằng linh mục là “cha” vì ngài là người đã dùng bí tích Rửa Tội để
làm cho người giáo hữu được sinh ra trong ơn thánh và trở nên con cái của Cha
trên trời, thì chắc là họ cũng vui vẻ mà tin theo và gọi các linh mục là cha
như người công giáo vậy. Nếu vì tranh luận để hiểu biết thêm sâu xa về câu Lời
Chúa trên đây thì cứ tranh luận trong tình anh chị em, nhưng nếu cứ vịn vào câu
Lời Chúa này để phỉ báng nhau, hạ bệ nhau, trong khi tự thâm tâm mình biết rõ gọi
linh mục là cha thì không tội vạ gì cả, chỉ là tình cảm sâu đậm vốn có của nền văn
hóa “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam, nên các giáo hữu kính trọng các linh
mục trong giáo hội, cũng như bá tánh tôn trọng và gọi các vị quan quyền trần thế
là “gia gia”[1] mà
thôi, thì câu Lời Chúa này sẽ làm cho mình phải chết trong sự kiêu ngạo vốn có của
mình vậy.
- Lời Chúa làm cho người khiêm tốn được sống.
Lời Chúa sẽ là con dao mổ xẻ tâm hồn, để vứt bỏ những
gì có phương hại đến sức khỏe của đời sống tâm linh, nó làm cho chúng ta đau nhức
nhối, nhưng sau cơn đau thì lại lành mạnh.
Đọc và suy gẫm Lời Chúa rồi lấy tâm tình khiêm tốn để
sống Lời Chúa (chứ không phải dùng Lời Chúa để hù dọa lẫn nhau), là thái độ của
người khiêm tốn biết chấp nhận để Lời Chúa mổ xẻ những tính hư tật xấu của
mình, và đó là điều quý báu nhất của người có đức tin: họ tin rằng Lời Chúa mà
mình đọc đây đang trở thành tia X quang rọi đến tâm can để họ nhìn thấy những
khuyết điểm của mình để mà sửa đổi…
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su thấy người Pha-ri-siêu không xứng đáng
để cho dân chúng gọi là thầy là cha, vì cuộc sống của họ không phản ảnh lại những
gì mà họ giảng dạy, cho nên Ngài lập ra hàng tư tế mới, chúng ta gọi là Tư Tế của
Tân Ước, tức là các giám mục và các linh mục, và với hàng Tư Tế Tân Ước này, Đức
Chúa Giê-su mong muốn họ trở nên những thầy dạy chân lý, và những người mục tử
biết chăm nom đoàn chiên của mình bằng đời sống gương mẫu, phù hợp với những gì
mà các ngài đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống.
Là con cái của Giáo Hội được sinh ra trong bí tích Rửa
Tội bởi các linh mục của Đức Chúa Giê-su, chúng ta vẫn luôn xác tín rằng chức
thừa tác Linh Mục là do Đức Chúa Giê-su lập ra rất cao trọng và tất cả các Linh
Mục đều đáng được mọi người tôn trọng.
Chúng ta nhớ luôn cầu nguyện cho hang giáo phẩm của
giáo hội, cho các giám mục và các linh mục của Đức Chúa Giê-su, bởi vì có những
mục tử của giáo hội không trở nên là mục tử tốt lành, chính họ đã làm cho đoàn
chiên tan nghé rẽ đàn vì những thói kiêu căng và lối sống xa hoa ích kỷ của
mình…
Xin
Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
[1] 爺爺 “gia gia”, hoặc là 老爺 “lão gia” nghĩa là ông nội, tức là tiếng dùng để
gọi các quan lại ngày xưa; nó cũng có nghĩa là cha, bố; cũng là dùng để gọi các
thần linh…