Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Chúa nhật 5 thường niên

 


CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN


Tin Mừng: Mc 1, 29-39
“Đức Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su xuất hiện như vị cứu tinh của người nghèo, người bệnh tật và người bị quỷ ám, Ngài đã trở thành vị cứu tinh của họ, bởi vì không một ai chạy đến với Ngài mà trở về tay không. Nhưng đồng thời Đức Chúa Giê-su xuất hiện cũng như là cái gai trong mắt của những người biệt phái và những người kinh sư thông luật, bởi vì lời giảng dạy của Ngài làm cho dân chúng thích thú tin theo, và lòng họ nhận được một niềm an ủi trong kiếp sống lầm than khổ cực và đầy bệnh tật.
Đức Chúa Giê-su chữa bệnh.
Ngài chữa bệnh không như các lương y thời ấy và các bác sĩ thời nay. Các lương y và bác sĩ chữa bệnh nơi thân xác, còn Ngài chữa lành tâm hồn trước và đồng thời cũng làm cho thân xác được khỏe mạnh; các bác sĩ và lương y thì cho hết toa thuốc này đến phương thuốc nọ, mà bệnh nhân đôi lúc vẫn không thuyên giảm; còn Ngài chỉ nói một lời, đụng đến người bệnh, thì họ lập tức lành bệnh, Ngài không nại đến quyền năng của ai cả, nhưng tự nơi Ngài một quyền uy phát ra làm cho mọi bệnh tật tiêu tan, vì Ngài chính là Thiên Chúa.
Các lương y và bác sĩ thì treo bảng quảng cáo tài nghệ của mình để chiêu dụ bệnh nhân, còn Ngài thì lại cấm bệnh nhân không được nói với ai về việc mình đã được lành bệnh, nhưng càng cấm thì thiên hạ càng đua nhau loan truyền công việc kỳ diệu mà Ngài đã làm cho họ, chính vì điểm này mà người biệt phái tức tối, ghen tương và giết chết Ngài trên thập giá. Người ta sợ Ngài tranh giành ảnh hưởng với họ.
Đức Chúa Giê-su là người linh mục hôm nay.
Người ta mua một chiếc xe mới liền đến xin linh mục làm phép xe cho họ; người ta mua một ảnh tượng mới cũng tới xin linh mục làm phép cho họ; người ta mới cất một căn nhà đẹp cũng đến xin linh mục làm chúc lành nhà cho họ; linh mục đến thăm nhà, họ cũng mời linh mục chúc lành cho họ và gia đình. Không phải người ta tin dị đoan, nhưng người ta tin Đức Chúa Giê-su nơi con người của linh mục –người đã được đặt tay và xức dầu thánh để chúc lành- người ta xác tín linh mục là người của Đức Chúa Ki-tô đang thay mặt Ngài để giáng phúc cho họ, do đó, dù biết rằng linh mục vẫn chỉ là một con người như họ, có những bất toàn và những thói hư tật xấu, nhưng họ vẫn tin tưởng và yêu mến Đức Chúa Ki-tô nơi vị mục tử của mình.
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su chính là người linh mục hôm nay, Ngài đang vất vả khó nhọc kiếm tìm con chiên lạc trong giáo xứ của mình; Ngài đang âm thầm cầu nguyện cho những con chiên nghèo đói của mình có được cuộc sống hạnh phúc; Ngài đang bị sỉ nhục trên đường công tác mục vụ, Ngài đang bị chống đối bởi những thế lực ma quỷ nơi những con người đã từng chống đối Giáo Hội, Ngài đang buồn sầu vì có những mục tử không như Ngài biết yêu mến và phục vụ đàn chiên của mình...
Đức Chúa Giê-su cũng chính là các linh mục, là lương y chữa lành các tâm hồn bệnh hoạn bởi tội lỗi, bởi vì khi cử hành các mầu nhiệm thánh và các bí tích thì các ngài nhân danh Đức Chúa Giê-su, chứ không nhân danh chính cá nhân mình để cử hành, do đó mà Đức Chúa Giê-su hành động trong hành động cử hành của linh mục, để tuôn đổ ơn sủng của Ngài trong mỗi cử hành mầu nhiệm cứu độ.

Gợi ý suy tư:
1- Tôi là linh mục của Đức Chúa Giê-su, trong công tác mục vụ, đôi lúc tôi bị ngay chính giáo dân của tôi chống đối, phê bình, tôi có nhận thấy Ngài nơi con người họ hay không ?
2- Tôi là người Ki-tô hữu, có những lần tôi nghe nói linh mục này bê bối lăng nhăng, linh mục kia không chu toàn bổn phận của một mục tử, và thậm chí tự mắt tôi nhìn thấy linh mục nọ hạnh kiểm không tốt... Những lúc như thế, tôi có nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su nơi các ngài không ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


98.      NÓI TỐT CHO MÌNH

Nam Đường Nguyên Tôn văn hay thơ tốt.

Một ngày nọ hội các quan đại thần lại làm thơ, học sĩ Chu Củng khi làm thơ thì thiếu tài hoa, cả ngày mà cũng không làm được một bài thơ, chỉ có viết hai câu thơ rất tầm thường, nhưng ông ta lại không sợ mất mặt, lúc giao nộp bài thì mặt dày mày dạn nói :

-      “Vật tốt thì không nên nhiều”.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 98 :

Người có chút sĩ diện thì sẽ không làm trò cười cho thiên hạ, cũng như người còn chút lương tâm thì không làm hại ai, bởi vì sĩ diện là cái bên ngoài người ta có thể thấy được và lương tâm là cái bên trong nên ít người thấy…

Mặt dày mày dạn thì chỉ có những người lòn trên cúi dưới mới có, bởi vì tâm hồn của họ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến những chuyện ích nước lợi dân, cũng như không hề nghĩ đến sự hơn thiệt của việc mình làm.

Ai cũng thích người khác nói tốt cho mình, như vậy mới oai, chứ rất ít người thích tự mình nói tốt cho mình, nhưng người vì sĩ diện thì lại thích tự mình nói tốt cho mình nên lời nói tốt ấy không có giá trị trước mặt người đời, và càng không có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Đấng rất không thích người tự cao tự đại vì sĩ diện mà nói tốt cho mình.

Là người Ki-tô hữu, tôi đã rất nhiều lần nghe lời dạy của Đức Chúa Giê-su: ai nhắc mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống thì sẽ được nhắc lên. Vậy mà đã có rất nhiều lần vì sĩ diện mà tôi tự nói tốt cho mình đến nỗi quên cả mình là người Ki-tô hữu con cái của Thiên Chúa và là môn đệ của Đức Chúa Giê-su.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


97.      LÔNG CHIM QUÁ NHIỀU

Đời nhà Đường, Linh Xương uý Lương Sĩ Hội lấy danh nghĩa quan phủ ra lệnh trưng dụng lông chim.

Có tên Lý Chính không đưa lông chim đến, Lương Sĩ Hội bèn triệu Lý Chính đến công đường phán hỏi:

-      “Quan phủ trưng dụng lông chim, tại sao mày không đưa lông chim đến hử ?”

Tả sứ nhìn thấy trong mấy chữ ngắn ngắn đó mà lập lại hai chữ “lông chim” bèn nói nhỏ với Lương Sĩ Hội:

-      “Ngài phán quyết rất hay, nhưng chỉ có “lông chim” là quá nhiều chút ít mà thôi”.

Lương Học Sĩ cũng tiếp thu ý kiến đó, bèn đổi phán quyết, nói:

-      “Quan trưng thu lông chim, tại sao mày không đem lông nhạn đến ?”

Trong công đường vang tiếng cười to.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 97 :

Lông chim, thì dù chim nhạn hay chim sẻ, chim hoàng oanh hay chim phượng hoàng thì cũng là lông chim mà thôi, có điều người hiểu biết chữ nghĩa như quan mà cũng nghe lời tên ít học để sửa lại câu đã phán quyết của mình, thì quả là ông quan cũng như tên vô học ấy mà thôi…

Thời nay cũng có những ông thẩm ông phán chữ nghĩa đầy mình, cầm cân nẩy mực công lý, nhưng bị những đồng tiền vô tri và thế lực vô giác điều khiển góp ý sửa tội nặng thành vô tội, đổi vô tội thành có tội, làm cho người người oán than và xã hội đã loạn lại càng loạn thêm.

Nghe lời góp ý của người khác để xây dựng cộng đoàn ngày càng tốt hơn, đó là cái sáng của lãnh đạo, nhưng nghe lời người khác để luôn thay đổi quyết định của mình mà không nhìn thấy hậu quả của việc làm ấy, đó là cái tối của lãnh đạo, bởi ý kiến thì ai cũng có, nhưng đa phần là ý kiến bàn lui vì ích kỷ của cá nhân hoặc của phe nhóm đảng phái mà thôi.

Hàng ngày chúng ta nghe rất nhiều ý kiến, nhưng rất ít có ý kiến giúp người nghèo, và có rất ít ý kiến giúp chúng ta sống lành thánh trước mặt mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


96.      ĐÔNG HÔN HẦU NỬA TỈNH NỬA MÊ

Thích sứ Tiêu Diễn ở Ung Châu lợi dụng nước Tề có nội loạn, bèn khởi binh đánh Tề đế là Đông Hôn Hầu, và bao vây chặt chẻ  bên ngoài thành Kiến Nghiệp[1] dứt đường cứu viện, tình trạng rất là nguy cấp.

Các mưu sĩ hiến kế cho Đông Hôn Hầu là phải dùng đến hơn một trăm tấm gỗ dày cất giữ phía sau từ đường để làm khí cụ giữ thành. Đông Hôn Hầu vẫn cứ bủn xỉn không thay đổi, nói:

-      “Mấy tấm ván đó là để làm vật liệu xây từ đường, không thể dùng được !”

Tướng lãnh tâm phúc cuối cùng đã bỏ đi, Đông Hôn Hầu bị Tiêu Diễn giết chết, nước Tề bị diệt.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 96 :

Việc đại sự của ông vua là sự sống còn của đất nước chứ không phải là việc xây nhà từ đường, bởi vì đất nước còn thì tất cả còn, đất nước mất thì mất tất cả…

Việc đại sự của mục tử là đi tìm con chiên lạc trở về và chăm sóc chữa trị các con chiên bị bệnh, bồi dưỡng các con chiên khỏe mạnh, chứ không phải ngồi nhà để “điểm danh” con chiên này tuần này không xin lễ cầu hồn cho ba nó, con chiên kia không thấy đến nhà thờ.v.v…

Việc đại sự của người Ki-tô hữu là làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Giê-su, tức là sống hiền lành và khiêm tốn với tất cả mọi người, chứ không phải là chỉ trích người này dốt giáo lý, người kia làm biếng đi dâng lễ…

Việc đại sự của Đức Chúa Giê-su là cứu chuộc nhân loại nên Ngài đã hy sinh tất cả kể cả mạng sống của mình, thì người Ki-tô hữu sá chi mấy tấm ván vô tri vô giác là kiêu ngạo ghét ghen mà không nghe lời cha giải tội khuyên bảo, để đến nỗi phải chết mất linh hồn đời này và đời sau chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Bây giờ là Nam Kinh.

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


95.      HAI MƯƠI BẢY LOẠI

Canh Cảo sống rất thanh bần, thức ăn thường dùng rau hẹ là nhiều, hoặc là hẹ nấu, hoặc là hẹ ngâm, hoặc là hẹ sống trộn, ngoài những món như thế thì chưa lần nào ăn thứ khác.

Một lần nọ, Nhiệm Quân nhìn thấy Canh Cảo ăn ba bữa mà chỉ có một thứ rau, bèn nói với người nấu bếp:

-      “Ai nói ông Canh là nghèo khó chứ, ăn một bữa cơm mà thức ăn thường có hai mươi bảy loại ?[1] .

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 95 :

Sống thanh bần là một trong ba lời khấn của các tu sĩ nam nữ, nhưng thời nay cũng như người xưa có nhiều người Ki-tô hữu hoặc không phải là Ki-tô hữu cũng sống thanh bần như Lời Chúa trong Phúc Âm hoặc là muốn sống thanh cao như các bậc hiền triết đã dạy…

Sống thanh bần không có nghĩa là chỉ ăn rau hẹ mà thôi, nhưng thanh bần –trước hết- là sống sao cho xứng đáng với cuộc sống của mình, chu toàn bổn phận của mình mà không lãng phí vô ích tiền của của mình cũng như của người khác.

Có những tu sĩ nam nữ sống rất thanh bần nhưng họ lại không chế ngự được tính khí nóng nảy và…hách hách của mình với các giáo dân; có một vài linh mục sống rất thanh bần đạm bạc nhưng sự kiêu ngạo của họ thì vượt quá trời cao, cho nên đời sống thanh bần của họ không được mọi người kính và nể phục.

Sống thanh bần là tùy thuộc người cảm nhận được sự siêu thoát của nó mà sống, nhưng sự thanh bần của người Ki-tô hữu (bao gồm các linh mục và các tu sĩ nam nữ) là phải đạt cho tới sự chế ngự cá tính kiêu ngạo và tham lam của mình, bởi vì thanh bần chỉ tỏa nét khi có khiêm tốn và đơn sơ làm nền tảng cho nó…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] (Chữ “hẹ” tiếng Trung Hoa đồng âm với chữ “cửu” nghĩa là số chín, 9x3=27).

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


94.      ĐÂY LÀ MẬN, ĐÓ LÀ MẬN

Thời Tấn Võ đế, Hoà Kiều làm trung thư lệnh, nhưng ông ta có tính rất nhỏ nhen.

Trong nhà có một cây mận rất sai trái, nhưng lại không dám để người nhà ăn một quả, cứ mỗi lần có đệ tử đi vào trong vườn để ăn mận, thì tính hột mà trả tiền.

Con rể của Tấn Võ đế là Vương Tế xin ông ta mấy trái để ăn, Hoà Kiều cũng chỉ có cho vài trái.

Về sau, Vương Tế cố ý bắt tội Hoà Kiều, lợi dụng lúc đưa ông ta về triều đình thì dẫn rất nhiều người vào trong vườn ăn một bụng mận thật no, sau đó chặt luôn cây mận, dùng xe kéo đem về cho Hoà Kiều và cố ý nói:

-      “Ông nhìn xem, cây mận này một trái cũng không ra, làm sao có thể nói nó với cây mận nhà của ông thì giống nhau chứ ?”

Hoà Kiều không biết, nên nghe xong thì khoan khoái cười to.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 94 :

Có những người vì tò mò hiếu kỳ mà ăn mận chứ không phải vì ham thích ăn mận, cho nên, ở đời  có khi cũng có những người vì tò mò coi người hàng xóm, bạn bè, con cái của mình có thơm thảo với mình hay không nên thử xin để thử lòng mà thôi…

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ trên trời dưới đất và ngay cả hoả ngục, luyện ngục hay lâm bô cũng đều là của Ngài, cho nên Thiên Chúa không thiếu gì cả, nhưng cũng có rất nhiều lần trong cuộc sống hàng ngày Ngài đến xin chúng ta bố thí cho Ngài…

Thiên Chúa đứng bên vệ đường ngửa tay xin chúng ta những đồng tiền lẻ để mua cơm cho gia đình sống qua ngày; Thiên Chúa đang còng lưng đạp chiếc xe ba gác nặng nề để kiếm tiền cho đứa con đang thiếu tiền học phí ở dưới quê; Thiên Chúa đang ẳm đứa con nhỏ ngồi trước cổng bệnh viện để xin bác sĩ khám miễn phí cho con vì nhà không có tiền; Thiên Chúa đang ngồi trước cổng nhà thờ, chợ búa, nhà hàng năm sao, quán cơm bình dân để ăn xin cơm thừa của chúng ta…

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi chung quanh chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cứ làm như không thấy Ngài nơi người bất hạnh. Bây giờ chúng ta giúp Thiên Chúa trong người anh em nghèo đói đang ngửa tay xin chúng ta bố thí giúp đỡ, thì ngày sau Thiên Chúa sẽ trả lại gấp vạn lần cho chúng ta phần thưởng trên Nước Trời.

Trái mận thì không có gì là lạ nhưng phò mã xin ăn là vì tò mò coi lòng thơm thảo của Hoà Kiều rộng lớn đến đâu mà thôi. Cũng vậy, những thứ mà chúng ta có như bạc tiền, danh vọng, địa vị đều là của Thiên Chúa ban cho, bây giờ Ngài vì “tò mò” mà xin lại chúng ta để thử đức bác ái của chúng ta to lớn đến mức nào rồi…

Thiên Chúa đang hóa thân nơi người nghèo khổ, bất hạnh đang đợi chúng ta bố thí đấy…


(Lắng nghe tiếng của loài ếch). 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


93. HẬN CHUNG THÂN

Khố Địch Phục Liên thời bắc Tề làm đến quan đại tướng quân, nhưng rất bủn xỉn.

Một hôm vợ bệnh nặng mà ông ta cũng không cho tiền để đi khám bệnh. Sau đó, bà vợ tự tiện lấy một trăm đồng để đi bốc thuốc, Phục Liên biết được nên vì chuyện này mà hận suốt đời, và cho rằng mình quá mất cành giác nên mới bị một lần thiệt hại rất lớn !

(Cổ kim tiếu sử)


Suy tư 93 :

Ở đời có những cái hận rất là vô duyên và kỳ cục: vì vợ lấy tiền để đi chữa bệnh mà hận vợ suốt đời; có người hận bạn bè vì nó cái gì cũng giỏi hơn mình; có người vì thích đi bụi không chịu học hành nên bị cha mẹ mắng, thế là hận cha mẹ suốt đời; lại có người vì người yêu cho mọc sừng mà hận đời đen bạc…

Tất cả những cái hận ấy đều bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo, ghen ghét, ích kỷ, bất hiếu và không có đạo đức.

Con người ta ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có sân si và ham muốn, nhưng người Ki-tô hữu thì biết cầu nguyện và hy sinh để trừng trị cái ham muốn và khuyết điểm của mình, cho nên chưa ai thấy người Ki-tô hữu giận vợ suốt đời khi vợ lấy tiền để chữa bệnh, cũng không ai nghe nói người Ki-tô hữu giận cha mẹ, bạn hữu đến suốt đời..

Vợ chồng là xương thịt của nhau vì cả hai đã nên một, cho nên không có chuyện của ông của bà, nhưng là của chúng ta, của chung, đó là chân lý để bảo vệ hạnh phúc gia đình mà Thiên Chúa rất khôn ngoan đã chỉ ra, khi rút xương sườn của A-dong mà làm nên bà E-va.

Một trăm đồng bạc không nghĩa lý gì cả so với tình nghĩa của vợ (chồng) dành cho mình trong cuộc sống, nó càng không có nghĩa lý gì khi mà cả hai người đã thề hứa trước mặt Thiên Chúa sẽ chia sẻ cho nhau khi buồn cũng như khi vui, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, khi gian khổ cũng như lúc hạnh phúc…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)