Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Lễ Mình và Máu Thánh Đức Chúa Giê-su


LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA KI-TÔ

Tin mừng : Ga 6, 51-58.
“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”[1]. Đây là một lời tuyên bố có tính cách “giao chiến” của Đức Chúa Giê-su với những người tự nhận mình là kẻ khôn ngoan và thông thái là các kinh sư và nhóm biệt phái, đây cũng là lời làm cho những người theo Ngài phải có quyết định dứt khoác: tiếp tục theo làm môn đệ Ngài, hoặc là rút lui để khỏi bị mang tiếng là làm môn đệ của một người “dở hơi” ?

Lời tuyên bố này, ngày hôm nay vẫn cứ còn gây tranh luận cho nhiều người, bởi vì không một ai chấp nhận được việc ăn thịt người là được sống đời đời, nhưng đó là sự thật của những người Ki-tô hữu, là một thực tại đã và đang xảy ra trên mặt đất này: ở đâu có Giáo Hội Công Giáo là ở đó có sự tham dự và lãnh nhận Mình và Máu của Đức Chúa Giê-su, và chính những người tham dự này đã ngày càng trở nên đổi mới mình hơn, biết yêu thương và phục vụ tha nhân hơn...

Bí tích Thánh Thể được Đức Chúa Giê-su thiết lập sau khi đã rửa chân cho các môn đệ của mình, đây không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng là một sự sắp xếp tế nhị của Ngài với ý nghĩa rất sâu xa: chỉ có những ai biết phục vụ tha nhân, hiệp nhất trong yêu thương, mới thật sự là những người xứng đáng tham dự và lãnh nhận Mình Máu Thánh của Ngài cách đầy đủ ý nghĩa của nó.

Mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi đến tham dự tiệc Thánh Thể, và mỗi năm một lần, chúng ta long trọng mừng kính lễ Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giêsu, để nhắc nhở đến tính cao yêu thương cao vợi của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và để chúng ta không ngừng cảm tạ hồng ân to lớn này, mà Đức Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta đó là trao ban chính thân mình của Ngài làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta

Anh chị em thân mến,
Có nhiều người đi rước lễ nhưng ít người đạt được ơn ích thần thiêng bởi trời, bởi vì họ rước lễ với tâm hồn không giống nhau:
-    Có người thành tâm và yêu mến Đức Chúa Giê-    su Thánh Thể khi rước lễ.
-    Có người đi rước lễ cho vui kẻo bị người khác nói vô nói ra...
-    Có người rước lễ vì mình có đi dự thánh lễ.
-    Có người rước lễ để giấu giếm tâm hồn bất an của mình.
-    Có người đi rước lễ để khoe cái áo mới mua, cái đầu tóc mô đen của mình...

Còn chúng ta, chúng ta đi rước Đức Chúa Giê-su Thánh Thể với một tâm hồn nào: yêu mến hay thù ghét, kiêu căng hay khiêm tốn, phục vụ hay chỉ trích ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Ga 6, 51

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Giá tiền của đôi giày


GIÁ TIỀN CỦA ĐÔI GIÀY.
Tể tướng Phùng Đạo và Hòa Ngưng cùng nhậm chức ở tỉnh Trung Thư, một hôm, Hòa Ngưng hỏi Phùng Đạo:
-      “Ngài mới mua đôi ủng à, giá bao nhiêu vậy ?”
Phùng Đạo đưa chân trái lên cho Hòa Ngưng coi chiếc ủng, nói:
-      “Chín trăm”.
Hòa Ngưng tính nóng nảy, lập tức trợn mắt nhìn tên sai dịch nói:
-         “Đôi ủng của ta sao mày lại mua đến một ngàn tám chứ ?” Thế là trách mắng nó một trận tơi bời.
Lúc này Phùng Đạo mới từ tốn đưa chân phải ra nói với Hòa Ngưng:
-      “Còn có cái này cũng chín trăm đồng nè”.
Thế là cả hai cùng cười vang cả nhà.
                                               (Quy Điền lục)

Suy tư::
     Có một kinh nghiệm là đừng nên đùa giỡn với một người nóng tính một cách thiếu suy nghĩ, bởi vì có một lúc nào đó anh sẽ bị mang họa vào thân vì tính hay đùa của anh với họ.
     Có người ôm hận cả đời vì nóng tính trong một tíc tắc; có người tiêu tan cả danh dự, sự nghiệp vì một chút nóng tính thiếu suy nghĩ của mình; có người đánh mất cả bạn bè, người yêu vì một chút tự ái nóng giận của mình...
Khi anh nóng tính giận dữ, thì cánh cửa trí khôn của anh đóng lại và anh không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái.
Khi sự nóng giận sôi sùng sục trong đầu óc anh, thì anh sẽ không còn sáng suốt, lí trí cũng sợ mà bỏ chạy mất tiêu.
Khi sự nóng giận bừng bừng trong tim anh, thì lòng thương xót yêu người của anh cũng từ đó mà bị đốt cháy tiêu tan thành mây khói, làm cho anh trở thành con người ác độc.
Đức Chúa Giê-su đã kê cho chúng ta một liều thuốc giải độc nóng tính nguy hiểm ấy, Ngài nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Học với Đức Chúa Giê-su sự hiền hậu, bởi vì người có tâm hồn hiền hậu thì không câu nệ chấp xét kẻ khác; hãy học Đức Chúa Giê-su sự khiêm nhường, vì khiêm nhường là vũ khí đánh lại thói kiêu căng, người có lòng khiêm nhường thì luôn tự nhận thấy mình còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm, do đó mà không chỉ trích phê phán người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Cùng nhau dí dỏm pha trò


CÙNG NHAU DÍ DỎM PHA TRÒ
Giữa năm Tống Nhân Tôn, tham tri chánh sự Đinh Độ và Triều Tôn Khác trước kia cùng nhận chức trong viện nội các, thich đùa giỡn với nhau.
Sau này Triều Tôn Khác thăng quan điều động công việc, viết một lá thư cáo biệt gởi cho Đinh Độ, hồi ấy Đinh Độ đang làm phán quan của Quần Mục Sứ, ông ta nói đùa với Triều Tôn Khác:
-         “Thư tới không phúc đáp, thì dùng một xe phân ngựa làm phúc đáp”.
Triều Tôn Khác lập tức hồi đáp:
-         “Được phân ngựa hơn là được thư phúc đáp của anh”.
(Quy Điền lục)

Suy tư:
     “Cùng nhau dí dỏm pha trò” là để cho cuộc sống có thêm một vài thú vị sau những giây phút làm việc căng thẳng thì không có gì đáng nói, bởi vì đã cùng hiểu tính tình của nhau, bởi vì là bạn thân thiết với nhau.
     Pha trò càng thú vị hơn khi được dùng nơi đúng chỗ của nó, nhưng nếu một linh mục hay một tu sĩ gởi thư cho bạn mà viết “được phân ngựa hơn là thư phúc đáp của anh” thì cho dù bạn thân đến đâu thì cũng mất đi sự mô phạm của bản thân vị linh mục; hoặc đứng trước mặt trẻ em mà pha trò cách tục tỉu để giúp vui thì lại phản giáo dục và trở thành gương xấu, tội đáng phạt.
     Đức Chúa Giê-su không lên án chúng ta “dí dỏm pha trò” nhưng Ngài nghiêm khắc lên án “nên cớ vấp phạm gây sa ngã cho con trẻ, và những kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” .

     “Lạy Chúa, đã nhiều lần vì để cho cuộc vui thêm vui, chúng con đã có những dịp pha trò cho người ta cười chơi, nhưng khi cuộc vui qua đi, hồi tâm lại, thì chúng con cảm thấy mình pha trò thật là lố bịch không đúng với thân phận linh mục tu sĩ của chúng con và trở nên gương xấu cho mọi người. Xin Chúa cảnh tỉnh chúng con trong mọi lúc, để chúng con “dù khi ăn , dù khi uống, dù khi chơi đùa, hay dù khi làm việc gì khác, thì cũng vì sáng danh Chúa mà làm. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư