Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Chúa nhật 5 mùa chay


CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 11, 3-7,17. 20-27, 33b-45.
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”.

Anh chị em thân mến,
Một ngày nọ, chim cánh cụt hỏi Chúa Tạo Vật :
-“Cái gì là lòng tin ?”
Chúa Tạo Vật trả lời :
- “Đối với sự việc mong đợi mà con vẫn nắm vững, đối với sự việc chưa nhìn thấy mà còn có thể xác định”[1].
Qua câu chuyện ngắn này, chúng ta có thể thấy đức tin rất mạnh của cô Mác-ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Cô Mác-ta đã trả lời với Đức Chúa Giê-su: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”[2], cô đã tin dù rằng cô chưa biết người ta sẽ sống lại như thế nào trong ngày sau hết, cô đã nắm vững cái mà cô mong đợi. Đức Chúa Giê-su đã mặc khải cho cô Mác-ta biết: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa...”[3], cô đã xác định Đức Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, dù cô chưa thấy vinh quang và công việc cứu thế của Ngài...

Mong đợi nhưng đã nắm vững.
Cuộc sống của người Ki-tô hữu là cuộc sống mong đợi trong hy vọng, mong đợi ngày sẽ được sum họp với Cha trên trời, mong đợi ngày được hưởng phần phúc vinh hiển sống lại với Đức Chúa Giê-su trên thiên đàng. Sự mong đợi này chỉ có những người Ki-tô hữu biết và tin tưởng mà thôi, dù rằng cuộc sống có nhiều đau khổ và gian nan, dù rằng cuộc sống có nhiều bất công và áp bức.

Mong đợi ngày Đức Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang, đó chính là đức tin của chúng ta, do đó, dù phải gặp nhiều đau khổ thì chúng ta vẫn mong đợi ngày Chúa lại đến; dù bị đối xử cách bất công thì chúng ta cũng vẫn mong đợi và nắm vững rằng Đức Chúa Giê-su chính là Đấng phải đến mà thiên hạ đợi trông. Nắm vững cái mình mong đợi chính là đức tin của chúng ta, đức tin này sẽ vững mạnh và trưởng thành trong đau khổ khi chúng ta nắm chắc niềm mong đợi và hy vọng của mình.

Chưa nhìn thấy nhưng đã xác định.
Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Ngài không cho họ thấy, từ khi Đức Chúa Giê-su lên trời cho đến nay thì không ai thấy Ngài, nếu Ngài không cho họ thấy, cũng vậy, chúng ta chưa hề thấy Thiên Chúa nhưng chúng ta xác định rằng có Thiên Chúa hiện hữu trong vũ trụ; chúng ta không thấy Đức Chúa Giê-su chịu khổ hình và bị đóng đinh đến chết trên Thánh Giá, nhưng chúng ta xác tín rằng, thông phần đau khổ với Ngài trong cuộc sống hy sinh của mình, chính là được chia sẻ những đau khổ của Ngài đã chịu vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta.

Xác tín điều mình chưa thấy chính là đức tin của chúng ta, sống những điều mình chưa thấy là hành động của những người tin và biết phó thác cho Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,
Cô Mác-ta đã tin và đã xác tín Đức Chúa Giê-su chính là Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian, đó cũng chính là đức tin của chúng ta. Trong cuộc sống đời thường, có những lúc đức tin và sự mong đợi của chúng ta bị lung lay, bởi vì những cám dỗ của trần gian mạnh hơn sự mong đợi, và những hưởng thụ thực tế của thế gian có sức hút hơn đức tin của mình, do đó mà chúng ta bị té ngã trong những cám dỗ ấy.

Mong đợi nhưng nắm vững, chưa thấy nhưng đã xác định, là niềm hy vọng và niềm vui của người Ki-tô hữu.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
[2] Ga 11, 24.
[3] Ga 11, 26-27.

Con chuột điêu ngoa


CON CHUỘT ĐIÊU NGOA
Tô Tử ngồi nghỉ ban đêm, có hai con chuột cắn đồ vật, ông ta vỗ vỗ xuống ván giường, tiếng cắn đồ im bặt, nhưng một chút sau thì lại cắn tiếp. Tô Tử kêu đầy tớ đem bẫy đến để bẫy, phát hiện tiếng cắn là từ trong một cái túi rỗng, nguyên do là con chuột bị nhốt ở trong túi không thoát thân ra được.
Mở túi ra coi, nhưng chỉ thấy một con chuột chết, đầy tớ kinh ngạc la lên:
-         “Vừa mới cắn đồ vật, làm sao lại có thể chết đột xuất như thế này chứ, không lẽ là tiếng âm thanh của quỷ sao ?” nói xong liền mở túi đổ con chuột ra, con chuột vừa rơi xuống đất liền chạy mất tiêu.
Tô Tử thở dài nói:
-         “Người xảo quyệt thường có khả năng xử lý tuyệt vời để tìm đường sống !”
                                           (Tô Đông Pha tập)
Suy tư:
     Người xảo quyệt –theo tướng học của Hi Trương- là người có cặp mắt láo liên, nhìn không ngay ngắn, mắt ba tròng (trắng) và có phát quang, đây là hạng người mà chúng ta nên tránh kẻo mang họa vào thân.
     Người xảo quyệt là người không có tâm hồn chân thật, thích ném đá giấu tay và hay tỏ ra bộ mặt...nai vàng ngơ ngác, và vì nó có hình dáng bên ngoài như thế, nên có khối người mắc mưu của nó mà ôm hận cả đời.

     Con cái của Thiên Chúa thì dứt khoác là không xảo quyệt, bởi vì không ai đi dưới ánh đèn sáng mà lại lọt xuống hố nếu không bị mù, chỉ có những người cố tình không thèm ánh sáng soi đường mới lọt xuống hố mà thôi, đó là những người xảo quyệt, họ đi trong ánh sáng nhưng tâm hồn thì để vào nơi những chỗ tối tăm của tội lỗi như: làm sao hại được người này, hạ bệ người kia.v.v... tâm hồn họ đầy ắp những mưu mô xảo trá, tràn lên cả trên ánh mắt, phát ra cả nơi hành động, và thế là người ấy trở thành đệ tử của sư phụ xảo quyệt là ma quỷ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Bệnh nhỏ chữa lớn


BỆNH NHỎ CHỮA LỚN
Một người nọ bị một chút phong hàn mà ho, nên tinh thần rất căng thẳng, gấp gấp đi chữa trị, bác sĩ chẩn đoán là bệnh cổ họng và cho phục thuốc công đánh vào thận và trường vị, cấm kị ông ta không được ăn đồ cao lương mỹ vị.
Qua một tháng sau, thân thể không có bệnh trở thành trăm bệnh phát sinh, giống như đau bệnh cổ họng thật, người ấy khẩn trương mời bác sĩ khác chẩn trị, bác sĩ chẩn đoán đây là bệnh nóng ở trong tạng nên cho uống thuốc giải nhiệt, kết quả là thượng thổ hạ tả, ngay cả cơm cũng không thể ăn.
Ông ta sợ cuống cuồng, vội vàng đổi thuốc hàn dùng thuốc nhiệt, đem các loại tạp loạn như thạch nhũ, mỏ chim ăn tuốt, toàn thân lởn vởn xuất hiện triệu chứng ung thư, bệnh ghẻ và hoa mắt, hình như bệnh gì cũng theo đó mà đến !
                                          (Tô Đông Pha tập)
Suy tư:
     Người giàu có thì cái gì cũng làm ra vẻ quan trọng: con cái bị đứt tay chút xíu thì la làng la trời như là con mình sắp chết đến nơi rồi, khiếp ! Trái lại, con nhà nghèo thì cái gì cũng đơn giản, đơn giản vì không có tiền, đổ ruột ra đó mà vẫn cắn răng chịu đựng, thế mới có câu “nhà giàu đứt tay, nhà nghèo đổ ruột”.
     Cuộc sống của người Ki-tô hữu, xét cho rốt ráo, thì như là một con nhà giàu có nhiều kho báu thiêng liêng, bởi vì họ thuộc về một dân tộc thánh, thuộc hàng tư tế và tiên tri, như thế không phải là cao quý sao ? Thế nhưng cũng có những lúc họ sống như không phải là “con nhà giàu”, họ không cấp tốc chữa bệnh khi tâm hồn bệnh hoạn, họ không tích cực nhận lãnh những phương thuốc thần hiệu để chữa những căn bệnh bất trị như mê ăn uống, mê đắm sắc dục, kiêu ngạo; họ cũng không chịu sống xứng đáng là một người con của hàng vương giả, họ thích sống như kẻ mồ côi không người chăm sóc, mà thật ra, họ cũng có những mục tử tốt lành là các linh mục chăm sóc.

Thời giờ không còn bao nhiêu nữa, vết thương trầm trọng trong tâm hồn không chịu chữa, thì biết đến bao giờ tâm hồn mới được khang an, vui hưởng phúc trường sinh với Thiên Chúa ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Đục khoét mặt đất


ĐỤC KHOÉT MẶT ĐẤT
Đời Ngũ đại, Ngụy vương Từ Tri Huấn làm quan ở Tuyên Châu, có vô số thuế má nặng nề, bá tính kêu khổ liên miên. Một ngày nọ, Từ Tri Huấn đi bái kiến hoàng thượng.
Hoàng thượng dự tiệc, và kêu nội đình diễn kịch.
Các nghệ nhân nghe được họ Từ là một tên tham quan, bèn phân công một người diễn vai: mặc áo dài xanh, mang mặt nạ, hình dạng giống như quỷ.
Khi lên sân khấu tự giới thiệu:
-          “Ta là bồ tát thổ địa của Tuyên Châu, Ngụy vương Từ Tri Huấn ở nơi đất của chúng ta đã đục khoét xương tủy của dân, hôm nay hắn ta đến bái kiến hoàng thượng, đem theo mặt đất đã bị đục khoét cả lên, cho nên chúng ta cũng theo hắn ta đến nơi đây”.
                                             (Giang Biểu Chí)
Suy tư:
     Đời là một vở tuồng mà trong đó mọi người đều phải đóng vai của mình cách xuất sắc và không xuất sắc, bởi vì, nói theo Tin Mừng, mỗi người phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về nhưng gì mình đã làm khi còn sống ở thế gian.
     Vai trò mà các anh các chị diễn xuất chính là vai trò làm cha làm mẹ, một vai trò rất quan trọng không kém gì Đấng tạo hóa khi sinh thành dưỡng dục con cái, anh chị đã làm tròn vai trò của mình chưa ?
     Vai trò của các bạn là giáo sư, là thầy cô ở nhà trường, một vai trò mà Thiên Chúa đã ủy thác cho các bạn, thay mặt Ngài để thông đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên, các bạn đã làm tròn vai trò của mình chưa?
     Các anh chị là những người đã hiến dâng cho Thiên Chúa, người ta gọi các anh các chị là những tu sĩ nam nữ, tên gọi rất cao quý, bởi vì chính các tu sĩ nam nữ đã không diễn tả lại vai trò của mình, nhưng là diễn tả lại vai trò của Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống: phục vụ. Các anh các chị đã quên mình đi để phục vụ chưa, đây không còn là vinh quang của các anh các chị, nhưng là vinh quang của Thiên Chúa trên con người của các tu sĩ nam nữ, các anh chị đã làm tròn bổn phận của mình chưa ?
     Trên sân khấu đèn màu, người nghệ sĩ khi biểu diễn và cuộc sống của họ thì không giống nhau, nhưng khi đóng vai trò của mình trong cuộc sống, thì chúng ta không biểu diễn nữa, mà là sống với vai trò của mỗi người đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa...

Mỗi một vai trò đều diễn tả lại đời sống của Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a đó chính là yêu thương và phục vụ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Giễu lại người sứt môi


GIỂU LẠI NGƯỜI MÔI SỨT
Phương Cán người gầy ốm, môi sứt, dù tướng mạo anh ta không oai cho lắm, nhưng rất thích làm nhục người khác, đã có lầncùng uống rượu với Long Khâu Lý chủ bộ , thấy trên mắt của Lý chủ bộ có cái màng dài, Phương Cán bèn giểu cợt nói:
-         “Người ngây đần uống rượu thêm muối, tướng quân uống rượu thêm tương, chỉ thấy hàng rào bên ngoài cổng, chưa thấy chướng ngại ở chỗ nào trong mắt”.
Lý chủ bộ phản kích, nói:
-         “Người ngây đần uống rượu thêm muối, hạ nhân uống rượu thêm cá ướp, chỉ thấy cánh tay lan can, chưa thấy miệng sứt đóng mở”.
Phương Cán hết lời đáp lại.
                                                (Chích ngôn)
Suy tư:
     Đến mua hàng nơi cửa hàng công cộng, chúng ta thường thấy có bảng lưu ý viết: “Ưu tiên cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai và trẻ em”. Đó là những con người mà chúng ta cần phải trân trọng ưu tiên một trong cuộc sống, đó là nét văn hóa trong đời sống bình thường của xã hội văn minh.
     Thiên Chúa cũng vậy, Ngài rất bênh vực những người tàn tật, những người cô thế cô thân, nhưng không phải vì thế mà những người ấy lại coi thường người khác, nhất là coi thường người cũng đồng cảnh ngộ như mình, tôi đã thấy có người ngồi xe lăn chửi người bị mù, vì anh ta đi đụng phải chiếc xe lăn; tôi cũng đã thấy một người bị mù chê bai người hàng xóm nghèo, vì gia đình người hàng xóm không có...đồ Mỹ gởi về như gia đình mình.v.v...
     Tàn tật vì bẩm sinh hay tàn tật vì tai nạn cũng đều là những người đáng thương và đáng cho người khác giúp đỡ, bởi vì người Ki-tô hữu đều biết rằng, chính Đức Chúa Giê-su đang đau khổ trên con người của họ, quan tâm và giúp đỡ họ chính là quan tâm và giúp đỡ chính Đức Chúa Giê-su vậy.

     Vậy thì tại sao chúng ta lại khinh miệt, chê bai những người đồng cảnh ngộ như mình chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Đối thoại (2)


ĐỐI THOẠI (2)
Giáo dân hỏi cha sở:
-      “Thưa cha, tại sao cha đi tu ?”
Cha sở cười cười hỏi lại:
-      “Tại sao ông lập gia đình ?”
-      “Vì con thích lấy vợ.”
Cha sở cười lớn, nói:
-      “Tôi cũng vậy, vì tôi thích đi tu.”

Cả hai cha con cùng cười, cha sở cảm thấy vui vui trong lòng, vì giáo dân đã coi cha như người thân, không còn sợ sệt, không còn ngăn cách và không còn coi cha như người...cõi trên nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Đối thoại (1)


ĐỐI THOẠI (1)
Cha sở đi trên đường tình cờ gặp một giáo dân, cha chủ động chào trước:
-      “Ông đi làm về chắc mệt lắm ?”

-         “Dạ thưa cha có mệt chi mô, nhưng con thấy các cha mệt hơn con, vì phải lo phần linh hồn cho tất cả mọi người trong giáo xứ...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Cầu nguyện cho cha sở


CẦU NGUYỆN CHO CHA SỞ
      Giáo dân nói cha sở của mình có tính rất xấu, đó là không quang minh chính đại, bởi vì ngài luôn đâm thọt “sau lưng chiến sĩ”, nghĩa là ngài luôn đi rỉ tai nói xấu những người mà ngài không thích, hoặc những người không nghe lời của ngài.
     Họ kết luận: “Cha sở vẫn còn tính nết của đàn bà, vẫn còn tham sân si, vẫn còn đãi bôi, vẫn còn phân biệt giai cấp giàu nghèo. Thôi chì chúng ta cầu nguyện cho cha sở của mình vậy, biết sao giờ !”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thịt trâu kho


THỊT TRÂU KHO
Có một người thích ăn thịt trâu kho. Những người tin Phật khuyên anh ta: “Anh lúc còn sống mà ăn thịt trâu, thì sau khi chết trâu sẽ tính sổ với anh đó !” người ấy cười cười, vẫn ăn như cũ.
Vào một đêm nọ, anh ta nằm mộng thấy mình chết, bị lũ quỷ lôi đến địa phủ của âm phủ, quan của địa phủ đều là loại quái vật đầu trâu mặt ngựa đang làm quan tòa xét xữ.
Vừa lúc đó có tên quỷ đầu trâu đứng bên cạnh, anh ta không những không sợ hãi, mà còn đưa tay ra sờ đầu nó, lòng vui phơi phới nói:
-         “Ha ha, con trâu này sao mà béo, nấu kho rất thích hợp !”
Con trâu nghe xong thì kinh hãi, chỉ biết cười khổ mà đem anh ta trở lại dương gian mà thôi.
                          (Đại Đường truyền tải)

Suy tư:
     Tôi có một đứa cháu gái con bà chị ruột, nó “mê” ăn thịt chó từ hồi còn nhỏ, tôi còn nhớ có một lần –vào buổi tối- trong nhà ba tôi đang “hạ cầy tơ”, đã hơn mười giờ rồi mà nó vẫn chưa đi ngủ, ngồi bên ông ngoại gần lò bếp, đợi ăn một miếng thịt chó rồi mới đi ngủ. Thịt chó, có lẽ vì nó ngon quá cho nên có nhiều quốc gia ra luật: ăn thịt cho là ở tù, như ở đảo quốc Đài Loan, nếu như ở Việt Nam mà cấm thịt chó như thế thì chắc dân chúng ở ngã ba Ông Tạ, ở miệt Hòa Hưng hay ở khu Đồng Tiến-Nguyễn Trãi đi ra tận thủ đô Hà Nội để biểu tình phản đối...
     Thế mới biết, chỗ này thì cho nhậu cầy tơ, nơi kia thì cấm ngặt, nhưng cấm gì thì cấm, khi muốn nhậu cầy tơ thì người ta vẫn có cách để nhậu.
     Thịt chó, thịt heo, thịt bò, thịt trâu, hay bất cứ thịt loài động vật gì chăng nữa, con người đều có thể ăn, trừ thịt người, vì Thiên Chúa đã ban cho con cái loài người hưởng dùng, ăn được hay không là do mỗi người bị “dị ứng”...thịt mà thôi. Nếu giữ chay kiêng thịt một cách gượng ép, thì các loại súc vật trâu, bò, heo, chó, gà.v.v... nếu Chúa cho phép thì chúng nó cũng sẽ “tính sổ” với chúng ta trước, vì chúng ta lợi dụng chúng nó để an ủi mình: nhà nghèo thịt đâu có hoài mà ăn, bây giờ ăn một miếng cũng không sao; hay là: giữ chay kiêng thịt trong tâm hồn được rồi, Chúa cũng biết và thông cảm cho người nghèo, vân vân và vân vân...

    Vâng, Chúa rất thương người nghèo, nhưng người nghèo mà lợi dụng tình thương của Chúa, thì cũng sẽ bị “tính sổ” vậy, vì Chúa rất công bằng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Khắp người hôi thanh mùi đồng


KHẮP NGƯỜI HÔI TANH MÙI ĐỒNG
Có người trí thức nọ sau khi bãi triều thì đến nhà bạn chơi, thấy có một đạo nhân ngồi trên ghế, liền phất tay áo mà đi không vào thăm bạn.
Một ngày nọ, sau khi bãi triều thì gặp người bạn ấy bèn hỏi:
-         “Tại sao anh thích chơi bời giao du với người mặc áo cà sa ? Tôi cảm thấy nơi mấy người ấy không có chút đức độ nào cả, và chúng nó cũng cảm thấy chán ngấy mùi thối của nhau rồi !”
Người bạn nói:
-         “Áo cà sa làm cho thối thì cũng chỉ là bên ngoài của con người, lẽ nào nó thối hơn mùi tanh đồng (tiền) phát xuất từ bên trong thân thể sao ! Anh thường ngày cùng với mấy người toàn thân hôi tanh mùi đồng vai kề vai cùng tồn tại, anh không cảm thấy mùi hôi kỳ lạ khó mà chịu được của nó sao ?”
Người trí thức xấu hổ bỏ đi.
                                            (Nhân Thoại lục)

Suy tư:
     Người giả hình, người đạo đức giả, người hay phê phán anh em mình, người kiêu ngạo, đều là những người không thành thật với chính mình, và dĩ nhiên là không thành thật với người khác, hạng người này, trong các sách Phúc Âm đã bị Đức Chúa Giê-su lên án là bọn giả hình...
     Có rất nhiều người mở miệng ra thì nói Chúa và Mẹ, kinh sách đọc ào ạt không thiếu một câu, nhưng thường giả nhân giả nghĩa với anh em, tay phải giúp một lon gạo nhưng tay trái thì chuẩn bị hạ bệ anh em chị em, những người này đã bị thánh Gioan Tông Đồ vạch mặt là những kẻ Ki-tô giả .
     Thời đại ngày nay có nhiều người công giáo phê phán các linh mục của mình, vì cách sống của một số linh mục không làm cho họ nhìn thấy khuôn mặt thật của Đức Chúa Ki-tô là hiền lành, khiêm tốn, bao dung và rất đầy lòng nhân ái. Họ phê phán các linh mục thì nhiều, nhưng có lúc nào họ cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội; họ chỉ trích các linh mục và các tu sĩ sống không đúng với trách nhiệm và bổn phận, nhưng có lúc nào họ nhìn thấy những công việc tốt lành mà các ngài đã làm cho họ và cho Giáo Hội ?

     Trên thân mình còn nhiều mùi đồng (khuyết điểm) thì nên cầu nguyện cho mình trước...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Mình làm mình chịu




MÌNH LÀM MÌNH CHỊU
Có người uống rượu ở ngoài đường say khướt, chỉ cái túi vải rỗng không nói phét:
-         “Các ông đừng có coi nhẹ cái túi này, bên trong có đồ vật rất quý giá”.
Đúng lúc ấy có tên ăn trộm đứng bên nghe thấy tất cả, tối hôm ấy đến giết người ấy, mở cái túi ra để coi thì không có gì cả. Đây là việc mình làm mình chịu của người đàn ông say rượu nói phét.
                                     (Nhân Thoại lục)
Suy tư:
     Có người bình thường thì nửa ngày mở miệng không ra một tiếng, nhưng khi rượu vào thì nói thao thao bất tuyệt, nói mà không biết mình nói gì; có người rượu vào thì hăng tiết vịt coi trời bằng vung, không biết sợ ai; có người khi uống rượu thì lầm lầm lì lì tù tì uống không biết...mệt.
     Nhưng có hạng người không uống rượu mà mặt vẫn đỏ như trái ớt hiểm, dễ dàng gây gổ với mọi người, đó là loại người mà trong tâm hồn luôn không thỏa mãn với những người chung quanh, vì ai đối với họ cũng đều là “thứ không ra gì !”, những người này dù làm chức vụ gì chăng nữa trong xã hội hay trong Giáo Hội thường là “ruột để ngoài da”, thích khoe khoang và thích chơi nổi, cho nên thường bị kẻ khác lợi dụng mà không biết.
     Tên ăn trộm chính là ma quỷ nó rất giỏi cái tài lợi dụng, như đã lợi dụng tính “chơi trội” muốn bằng Thiên Chúa của ông A-dong và bà E-và để cám dỗ ông sa ngã, nó cũng sẽ lợi dụng tính hay bất mãn của người này người nọ để gây chia rẻ trong cộng đoàn, vì những người này thì thường luôn cho là mình đúng trong mọi vấn đề, thế là mắc mưu ma quỷ.

     Đừng nói là không ai bắt bẻ được mình, nhưng hãy nhìn cách cư xử của anh em để thấy nhân đức nhịn nhục của họ đối với tính “chơi nổi” của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Thỏ đen con mang đôi khuyên tai


THỎ ĐEN CON MANG ĐÔI KHUYÊN TAI
Có một thỏ đen con, toàn thân đầy lông vừa đen vừa mượt óng ánh, con mắt đỏ đỏ, cái miệng thì giống như cánh hoa, lại thêm đôi tai vừa dài vừa lớn, ai nhìn thấy cũng đều thích. Thỏ đen con đối với dung mạo của mình thì cũng rất thỏa mãn, nhưng nó có một cảm nhận là trong cái đẹp này chưa đủ, đó chính là thiếu một ít đồ để trang sức. Nó nghĩ lui nghĩ tới, và nó quyết định mua một đôi khuyên tai bằng đá ngọc nặng trịch, bởi vì màu sắc đá hồng ngọc và màu sắc của con mắt giống nhau, nên nhứt định là phải đẹp. Thỏ đen con đi vào thành phố mua một đôi khuyên tai lớn, sau khi mang vào thì nó cảm thấy mình bây giờ càng đẹp hơn lúc trước, trước tấm gương ngắm bên trái rồi lại ngắm bên phải, lại còn hát nghêu ngao nữa.
Lúc này, con sơn dương nhỏ đi đến, thỏ đen con vội vàng hỏi: “Tớ mang đôi khuyên tai này có đẹp không ?”
Sơn dương nhỏ nói úp mở: “Đẹp ơi là đẹp, nhưng của bạn...” lời nói chưa xong thì thỏ đen con rất vui vẻ chạy mất.
Thỏ đen con đi trên đường thì nhìn thấy con ngựa tía lớn, nó lại hỏi ngựa tía lớn: “Bác nhìn coi đôi khuyên tai mới của cháu có đẹp không ?”
Ngựa tía lớn nói: “Đẹp ơi là đẹp, nhưng của cháu...” thỏ đen con nghe chưa xong thì quay người chạy đi, trong lòng nó nghĩ: sơn dương nhỏ và ngựa tía lớn nhất định là ghét mình ! Chạy được một lúc thì đôi vòng khuyên tai nặng trịch ấy kéo dài cái tai của nó xuống, lỗ tai cụp xuống dán trên thân nóng rất là khó chịu.
Thỏ đen con trở về tìm sơn dương con và ngựa tía lớn, chúng nó biết thỏ đen con rất khó chịu, nên chỉ trong chốc lát thì tháo đôi khuyên tai của nó ra, hai lỗ tai của thỏ đen con lập tức dựng đứng lên lại. Ngựa tía lớn nói với thỏ đen con: “Lỗ tai của cháu ngoài việc có thể nghe âm thanh, thì mùa hạ dựng đứng lên có thể giải tỏa cái nóng, mùa đông dán trên thân thì có thể ấm áp.”
Thỏ đen con hiểu rõ ràng, từ đó về sau nó không còn theo đuổi mô-đen bên ngoài nữa, để bản thân mình khỏi khó chịu.

Gợi ý:
      Các em thân mến,
     Bởi vì thỏ đen con theo đuổi mô-đen đẹp đẽ bên ngoài, nên mới để cho cái tai dài của mình bị đày đọa, thực ra, cái đẹp tự nhiên chính là cái đẹp nhất, đừng quá theo đuổi cái đẹp bên ngoài cách quá đáng kẻo làm tổn hại sự lành mạnh bên trong tâm hồn mình.
     Có một vài bố mẹ thích làm đẹp cho con cái của mình khi chúng nó còn nhỏ, làm đẹp không phải là không tốt, nhưng có lẽ chưa đúng lúc, bởi vì có những bà mẹ đã tô son phấn cho con gái mình khi nó mới hai, ba tuổi; có những bà mẹ sắm áo quần thật cầu kỳ và thật đắt tiền cho con cái khi chúng nó còn nhỏ xíu; lại có những bố mẹ chỉ chú trọng đến việc ăn, mặc, ngủ của con cái, mà không quan tâm đến giáo dục nhân cách của con cái mình, tức là quan tâm đến tâm hồn của chúng nó.
     Vệ sinh thân thể là điều cần thiết, ăn mặc quần áo như thế nào cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là có hợp với lứa tuổi của con cái mình không !
     Em bé thì lúc nào cũng xinh xắn dễ thương, nhưng nếu trang điểm cho nó như người lớn, thì nó biến thành con búp bê trang trí trong các cửa hàng thời trang, tính hồn nhiên đơn sơ không còn nữa.

Các em thực hành:
-      Không vòi vĩnh bố mẹ sắm áo quần đua đòi theo bạn bè.
-      Biết nghĩ đến các bạn nhà nghèo.

-      Đơn sơ dễ thương như Đức Chúa Giê-su Hài Đồng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Vương Ngạc tán tài


VƯƠNG NGẠC TÁN TÀI

Vương Ngạc đã nhiều lần đảm nhậm quan chức của một thị trấn lớn, vơ vét đục khoét tiền tài tích lũy thành núi.
Có một môn khách lấy cớ là có thể tập hợp và cũng có thể phân tán tài sản để khuyên răn Vương Ngạc.
Qua mấy ngày sau, môn khách lại đến gặp Vương Ngạc, Vương Ngạc nói:
-         “Lần trước được ngài chỉ giáo, tôi đã xác quyết theo lời của ngài mà phân tán một số tiền lớn rồi ạ”.
Môn khách nói:
-      “Xin hỏi, phân tán như thế nào ?”
Vương Ngạc đáp:
-         “Cho con cái mỗi đứa một vạn, con rể mỗi đứa một ngàn”.
                                (Sứ bộ Đường quốc)

Suy tư:
     Các tay trùm mafia rửa tiền bất chính bằng cách gởi vào các nhà băng lớn mà an toàn của thế giới, họ phân tán tiền bạc bằng cách hùn vốn mở những công ty siêu quốc gia, đầu tư vào các lãnh vực thương mại và nhân đạo để hợp thức hóa đồng tiền bất chính của họ. Họ khôn khéo biến những đồng tiền bóc lột trên xương máu của người nô lệ, của những trẻ em chưa đến tuổi lao động, của những cô gái mãi dâm thuộc đường dây mãi dâm quốc tế, những đồng tiền tham nhũng và những đồng tiền do hối lộ mà có.v.v... thành những đồng tiền hợp pháp. Họ khôn khéo hơn con cái sự sáng .
     Đức Chúa Giê-su rất có lí khi nói con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng, bởi vì con cái đời này biết dùng chính tài năng khôn khéo của con người để làm lợi cho bản thân. Trái lại, con cái sự sáng là những người Ki-tô hữu, không khôn ngoan dùng những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho để cứu linh hồn của mình, để giành cho được thiên đàng.
Có người dùng ân sủng của Chúa như là một món quà thừa thải: dùng tài lợi khẩu để khoác lác, dùng sắc đẹp để lợi dụng người khác, dùng chức quyền để hà hiếp người cô thế, và có những lúc, lợi dụng chức thánh để làm lợi cho bản thân...

Đức Chúa Giê-su không lợi dụng quyền năng để mị dân, Ngài cũng không lợi dùng quyền năng để hại người, hoặc để xách động quần chúng nổi loạn, nhưng Ngài đã thi ân giáng phúc cho tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo, màu da chủng tộc...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Tống Tế giễu ngược


TỐNG TẾ GIỄU NGƯỢC
Có một viên quan trong triều, vì để giễu cợt Nho sinh Tống Tế đi thi nhiều lần mà không đỗ, nên cố ý hỏi ông ta:
-         “Tại sao mấy ngày nay người mặc áo dài trắng bận bịu lu bu vậy hử ?”
Tống Tế cười đáp:
-         “Đại khái là do phong khí của mấy vị đại quan mặc áo dài đỏ và áo dài tím, bận bận bịu bịu mà tạo thành đấy thôi mà”.
                                (Sứ bộ Đường quốc)
Suy tư:
     Có hai loại người, theo tôi, không nên đùa quá trớn với họ: một là người suy nghĩ nông cạn, hai là trẻ con. Các bạn thử nói đùa với người suy nghĩ nông cạn xem sao, họ sẽ chửi toáng lên và nói những lời làm bạn mất mặt, trốn không kip; bạn thử đùa giỡn với trẻ con thử xem, nó sẽ nói những câu không nằm trong “ngăn tri thức dự trữ” của bạn, khiến cho bạn phải dỡ khóc dỡ cười, đó là kinh nghiệm của cá nhân tôi.
     Trong cuộc sống đời thường có nhiều thất bại chua cay do đùa giỡn quá trớn với người nông cạn, và cũng có những bí mật vô tình bị tiết lộ vì đùa quá trớn với trẻ con.
     Người khôn ngoan thì biết chọn bạn mà chơi, và không phải bạ đâu thì nói đó, bởi vì cố vấn thì nhiều mà đưa ra lời có ích cho phần rỗi đời đời thì rất ít và đôi khi không có, sách Huấn Ca đã dạy chúng ta :
     “Cố vấn nào cũng đưa ra ý kiến,
     nhưng có người góp ý vì chuyện riêng tư.
     “Đừng hỏi ý kẻ nhìn con bằng đôi mắt ngờ vực,
     chớ tiết lộ dự tính cho kẻ ganh đua với con”  .
Đức Chúa Giê-su chỉ bàn hỏi chuyện với Cha trên trời, và đem những gì liên quan đến chương trình cứu độ, sự sống chết của Ngài và sự sống đời đời truyền lại cho các tông đồ là những môn đệ yêu thương của mình.

     Bởi vì Thiên Chúa là vị Cố Vấn Khôn Ngoan và kỳ diệu, Ngài thì thầm những lời khôn ngoan với chúng ta trong kinh thánh, Ngài bày tỏ yêu thương với chúng ta qua Hội Thánh của Ngài, đó chính là các bí tích mà Đức Chúa Giê-su đã lập ra...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư