Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Chúa nhật 3 mùa chay


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 4, 15-19b-26.39a.40-42
“Mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã làm một việc mà trong thời Ngài người Do Thái chưa ai làm được, đó là tiếp xúc, trò chuyện thân tình với một người phụ nữ Sa-ma-ri, và quan trọng hơn, qua việc tiếp xúc này, đã có nhiều người Sa-ma-ri trong thành ấy tin vào Ngài.

Noi gương Đức Chúa Giê-su trong việc đối thoại để đem Tin Mừng đến cho mọi người, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm sau đây :

1.   Đi trước một bước để bắt cầu.
Ai cũng biết người Do Thái và người Sa-ma-ri thì không hòa hợp với nhau, cho nên mới có chuyện tôi thờ lạy Thiên Chúa ở trên núi Ga-ra-zim, còn anh thì bái lạy Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem, từ chỗ khác biệt ấy và những khác biệt khác nữa, nên họ đã không cùng đi lại với nhau và trở thành đối địch nhau.

Đức Chúa Giê-su đã đi trước một bước: Ngài chủ động trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri và xin bà ta nước uống, và thế là Ngài đã phá tan tảng băng đóng kín giữa hai người, giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri, hơn thế nữa, chính Ngài đã mặc khải cho người phụ nữ biết Ngài chính là Đấng Mê-si-a, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo, chính Ngài đã đi trước một bước để bắt cầu cảm thông giữa những tâm hồn có thành kiến với nhau.

Chung quanh chúng ta có những tình cảm bị đóng băng vì thiếu đi sự khiêm tốn của chúng ta, chỉ cần một lời thăm hỏi chân tình khi gặp mặt, là chúng ta có thể làm cho tảng băng ấy tan rã và tạo được tình thân; chỉ cần một thái độ ân cần là chúng ta có thể bắt được chiếc cầu hữu nghị giữa chúng ta với người hàng xóm bên cạnh nhà,  với người không cùng tín ngưỡng với chúng ta. Đó là bí quyết truyền giáo của Đức Chúa Giê-su khi Ngài trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri...

2.   Quên mình để tha nhân thấy được Thiên Chúa .
Đức Chúa Giê-su khi trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri đã không chỉ trích bà là người ngoại đạo, đã không nói bà là người lăng loàn trắc nết đã có bảy đời chồng, dù Ngài biết rất rõ, Ngài cũng không nói dân thành Sa-ma-ri kém lòng tin vào Ngài. Nhưng chính Đức Chúa Giê-su đã quên mình đi để cho người phụ nữ Sa-ma-ri được cảm thấy gần gủi hơn, để dễ dàng bày tỏ tâm tình của mình hơn, và như thế, chính Ngài đã làm cho bà và dân thành Sa-ma-ri nhận ra Ngài là ai, và tin vào Ngài.

Quên mình đi để người khác tìm thấy Thiên Chúa qua mình, không những là thái độ của người khiêm tốn mà còn là hành vi của người truyền giáo, bởi vì khi chúng ta quên đi chức vụ, thân phận, học vấn của mình, thì chúng ta dễ dàng đối thoại với tha nhân hơn.

Có nhiều người thích tự giới thiệu về mình cách khoe khoang khi đối diện chuyện trò với người khác, nên người ta không tìm được Thiên Chúa trong họ; lại có nhiều người trong chúng ta thích chỉ trích người khác hơn là nói lời khuyến khích, và thích nói những khuyết điểm của người khác ra hơn là cầu nguyện cho họ, nên người khác chưa nhận ra được Thiên Chúa đang hiện diện trong vũ trụ và trên con người chúng ta...

Anh chị em thân mến,
Chỉ cần noi gương Đức Chúa Giê-su đi trước một bước với thái độ chân thành, là chúng ta đã phá bỏ bức tường thành kiến ngăn cách giữa chúng ta với người khác; chỉ cần chúng ta đưa tay ra trước là chúng ta đã nắm được bàn tay của người bên cạnh, và làm cho cách nhìn lâu nay của họ đối với chúng ta thay đổi, cách nhìn ấy của họ chính là họ vẫn cho chúng ta là những Ki-tô hữu giả hình, vì chúng ta không sống như lời của Đức Chúa Giê-su dạy.

Mỗi ngày, bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng đều có thể đi trước một bước để hàn gắn những vết thương lòng giữa người với người, có khi vì hiểu lầm. Đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su –qua những việc làm tốt lành của chúng ta- đã mặc khải Ngài cho mọi người biết Ngài là Đấng Mê-si-a mà mọi người trông đợi, và đó cũng là tinh thần truyền giáo của Đức Chúa Giê-su ngày xưa và của chúng ta ngày hôm nay vậy !


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Triết lý


TRIẾT LÝ
      Vì để cho giáo dân biết mình là nhà triết học uyên bác, cho nên mỗi lần giảng lễ là cha sở đưa ra những câu hỏi hóc búa lý luận có tính triết học để hỏi giáo dân…

     Một lần nọ, thánh lễ xong là có tiếng xì xào của giáo dân: “Lần sau đi lễ không ngồi hàng ghế trước nữa, lỡ ổng hỏi câu hỏi không có trong Phúc Âm mà mình trả lời không được thì quê quá”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.