Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Lễ Thánh Tâm


LỄ THÁNH TÂM ĐỨC ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

Tin mừng : Mt 11, 25-30.
“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”

Anh chị em thân mến,
Truyền thống tốt đẹp nhất của phần đông giáo dân Việt Nam chúng ta là dâng gia đình cho Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, và hình như trong gia đình nào cũng có bàn thờ với tượng Trái Tim Đức Chúa Giê-su rất đẹp, oai nghiêm, hiền từ và nhân hậu, và cũng là để nói lên cho mọi người biết rằng gia dình này đã dâng cho Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, nghĩa là Ngài đang làm chủ nhà này.

Đức Chúa Giê-su là chủ của gia đình tôi.
Ở đời cái mà người ta khinh thường nhất là làm bù nhìn, tức là có tiếng mà không có miếng, chẳng hạn như: tổng thống bù nhìn, bộ trưởng bù nhìn, chức kia ghế nọ chỉ là bù nhìn bởi vì đã có người khác chỉ huy sai khiến...

Đức Chúa Giê-su là chủ của gia đình tôi, nhưng Ngài giống như một người bù nhìn, khi tôi đặt Ngài lên trên cao nhưng không thèm hỏi ý kiến Ngài khi gia đình bất hòa, khi con cái hư thân mất nết, khi gia đình tan nát...

Đức Chúa Giê-su là chủ của gia đình tôi, nhưng tượng thánh của Ngài đặt trên cao kia giống như hình nộm dơ bẩn, xấu xí, lại còn đem các hình ảnh bất xứng để chung  ngang hàng với tượng thánh Đức Chúa Giê-su, cho nên dễ làm cớ vấp phạm cho những người ngoại giáo, và gây sự bất kính nơi con cái trong gia đình khi nhìn lên bàn thờ Chúa với nhiều hình ảnh minh tinh màn bạc dán chung quanh.

Đức Chúa Giê-su là chủ tâm hồn tôi.
Hình ảnh tượng Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su rất rõ ràng và dễ gây xúc động cho mọi người, đó là hình một quả tim với ngọn lửa cháy phầng phầng trước ngực Chúa. Đây không phải là ý nghĩa tượng trưng nhưng là hình ảnh sống động mà thánh nữ Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a đã thấy khi Đức Chúa Giê-su hiện ra cho bà nhìn thấy và biết rằng Ngài rất yêu thương nhân loại, tình yêu này nóng như muốn đốt cháy những tâm hồn lạnh tanh của nhân loại...

Đức Chúa Giê-su là chủ tâm hồn của tôi, chính Ngài đã độc quyền trên tâm hồn và thân xác của tôi khi tôi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để ban ơn, để nung nấu tâm hồn tôi trở thành nơi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, để mỗi lời nói, mỗi việc làm của tôi đều cháy sáng lên một tình yêu phục vụ và hiến dâng.

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su không phải chỉ là một ngày hôm nay rồi thôi, nhưng mỗi ngày trong cuộc sống, khi chúng ta sống và làm việc với một trái tim yêu thương được bắt nguồn từ Trái Tim của Đức Chúa Giê-su, thì chính cuộc sống ấy của chúng ta mới thật có ý nghĩa.

Đức Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy trái tim Ngài yêu thương nhân loại quá đổi đến không tiếc một thứ gì, kể cả mạng sống, thì chúng ta cũng phải có bổn phận làm cho mọi người biết rằng, chúng ta cũng có một quả tim biết yêu thương và phục vụ, biết thông cảm và tha thứ, biết hoan hỉ với người vui và ưu buồn với người ưu buồn, có như thế tượng thánh Trái Tim của Đức Chúa Giê-su trong gia đình chúng ta mới thật có ý nghĩa, và nói lên rằng Ngài chính là Thiên Chúa thật của chúng ta, là chủ gia đình của chúng ta chứ không phải chỉ là bù nhìn chỉ có cái “mác” cho đẹp như người ta triển lãm tranh ảnh...


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Trâu mập khỉ ốm


TRÂU MẬP KHỈ ỐM
Lúc Yên Thù đang trấn giữ ở Nam Kinh, trong phủ có hai thuộc hạ mà ông ta rất nể nang, tên là Trương Nguyên và Vương Kỳ. Thân thể của Trương Nguyên thì to béo nên Vương Kỳ gọi là trâu; Vương Kỳ thì xương thẳng ốm nhom, Trương Nguyên gọi anh ta là khỉ, hai người thường vui vẻ đùa giỡn với nhau.
Một hôm hai người lại nói đùa, Vương Kỳ nói:
-      “Trương Nguyên rờ tường thành tám chữ”.
Trương Nguyên uốn lưỡi giống như khỉ nói:
-      “Vương Kỳ vọng nguyệt kêu ba tiếng”.
Mọi người hết chổ để cười.
                                                (Quy Điền lục)

Suy tư:
     Con trâu thì to lớn còn con khỉ thì gầy ốm, đó là chuyện đương nhiên của tạo hoá, nhưng nếu con khỉ mập béo hơn con trâu thì đúng là chuyện ngược đời và đáng để cho chúng ta suy nghĩ.
     Trong cuộc sống có rất nhiều cái ngược đời xảy ra nhưng ai cũng cảm thấy bình thường và không mấy suy nghĩ băn khoăn, chẳng hạn như có người dạy đứa con mới tập nói của mình những lời tục tỉu, những câu chửi tục, và khi con nói lại đúng như thế thì lại cười hô hố khuyến khích con nói tiếp, đó không phải là chuyện ngược đời sao ? Cha mẹ nào khi sinh con ra cũng mong muốn cho con sau này trở nên người tốt, nhưng lại tập cho con những điều xấu trước khi nó có trí khôn, giống như muốn có quả ngon ngọt ăn mà lại đem hạt giống èo ọp ươm trong đất xấu, đó không phải là chuyện ngược đời sao ? Chuyện ngược đời thì ở đâu cũng có thể xảy ra được, nhưng nếu mỗi người khi nhìn thấy cái ngược đời ấy mà phản tỉnh, mà suy tư, mà lo âu, mà băn khoăn, thì chuyện ngược đời dứt khoát là không thể xảy ra.
     Vì những cái ngược đời ấy mà Đức Chúa Giê-su đã xuống thế làm người, mang thân phận con người để sửa lại tất cả những cái ngược đời nơi nhân loại tội lỗi, Ngài đã trả lại sự công chính cho người bị áp bức, đem lại tự do cho người bị tù đày .

     Tôi cũng sẽ trở nên một người ngược đời nếu tôi không sống đúng với Tin Mừng mà tôi đã tin và đang rao giảng; tôi cũng sẽ trở thành kẻ ngược đời nếu tôi cứ cố chấp với những khuyết điểm nơi người anh em, chị em của tôi khi mà tôi –so với họ- thì có quá nhiều thói hư tật xấu...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Trộm đồ còn đòi thưởng


TRỘM ĐỒ CÒN ĐÒI THƯỞNG
Tiền Tư Công sống rất lâu trong gia đình giàu có, nhưng rất giản dị tiết kiệm.
Ông ta có một giá viết bằng san hô, thường ngày rất yếu quý đặc biệt, luôn luôn để nó trên bàn nhỏ, trong đám đệ tử có đứa cần tiền, bèn ăn cắp cái giá viết thu mất.
Tiền Tư Công mất cái giá viết thì buồn, viết một bố cáo dán trong nhà là sẽ xuất ra mười ngàn đồng để mua lại cái giá bút ấy.
Hai ngày sau, tên đệ tử đã ăn cắp cái giá viết ấy làm bộ đi tìm cái giá viết cầm lại đưa cho Tiền Tư Công, thế là được mười ngàn đồng.
Về sau này trong đám đệ tử ấy có đứa cần tiền, lại ăn cắp cái giá viết ấy. Trong một năm, cái chuyện ấy cứ xảy ra nhiều lần, nhưng Tiền Tư Công thì trước sau vẫn không hiểu cái ảo diệu của nó.
                                                (Quy Điền lục)
Suy tư:
     Một người chất phác, hiền lành và giản dị thì không thể nào hiểu nổi cái “ảo diệu” của người ma lanh, thâm hiểm và ác ý, nhưng cái “ảo diệu” này sẽ không qua mắt được Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự.
     Trong cuộc sống có những điều mà chúng ta không muốn nó đến nhưng nó vẫn đến cách thình lình đột ngột, đó là sự chết; trong cuộc sống có rất nhiều người tìm cách lý giải những hiện tượng siêu nhiên để chối bỏ có một thế giới thần linh, nhưng họ lại mù mờ rối loạn trong khi có rất nhiều người tin vào Thiên Chúa, họ không lý giải được vì tâm hồn vẫn còn bám vào những hư vinh, những vật chất chóng qua; họ không lý giải được vì tâm hồn của họ đã bị bịt kín bằng những kiêu căng và ích kỷ...
Có lúc chúng ta đã bị ma quỷ lừa bởi những nhãn hiệu “bác ái với anh em”, nhưng thực chất là lợi dụng sự nghèo khó túng bần của anh em để đánh bòng tên tuổi của mình; lợi dụng “yêu người như chính mình” của Đức Chúa Giê-su dạy, để gây bè kết đảng phản đối nhau, nói xấu nhau và hận thù nhau, và có những lúc chúng ta vẫn biết như thế là không đúng với tinh thần của Phúc Âm, nhưng vẫn không thể nào lý giải được tại sao mình phải hận thù !?

Câu trả lời ở ngay trong câu hỏi của chúng ta, bởi vì chúng ta bị ma quỷ lừa mà không biết đó thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Lễ thánh Gioan Tẩy Giả


LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80
“Tên cháu là Gio-an”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”[1]. Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1.   Cương trực và công chính.
Trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.

Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.

Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận đón lấy cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng lên trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2.   Khiêm tốn tự hạ.
Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.

Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11).

Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Anh chị em thân mến,
Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua  Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả biết can đảm trước mọi thử thách, biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với ân sủng của Chúa ban cho với tất cả những gì mình có mà không kêu ca than vãn, và nhất là biết luôn trở nên chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay: cuộc sống đầy bạo lực, thù hận và hưởng thụ.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 11, 11a.