Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Chúa nhật 16 thường niên

CHỦA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
 
 

Tin mừng : Lc 10, 38-42.

“Cô Mác-ta đón Chúa Giê-su Ki-tô vào nhà. Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất”.

Bạn thân mến,
Trong cuộc sống hàng ngày, ai trong chúng ta cũng muốn chọn phần tốt nhất, hảo hạng nhất hơn người khác, bởi vì đó chính là bản chất thích hưởng thụ của con người. Khi ăn chúng ta chọn món ngon nhất, khi uống chúng ta chọn loại hảo hạng nhất, khi tìm việc chúng ta mong được chỗ làm tốt nhất, khi ngồi xe chúng ta muốn chọn chỗ tốt nhất… đó là những chọn lựa đẹp và tốt cho cuộc sống thường ngày…

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy chọn cho mình phần tốt nhất như cô Ma-ri-a đã chọn.

  1. Chọn phần tốt nhất là sống nghèo
Sống nghèo là sống như Đức Chúa Giê-su: Ngài rất giàu có vì Ngài là Thiên Chúa và Ngài cũng rất nghèo khó vì Ngài là con người. Khi chọn đời sống nghèo nàn Đức Chúa Giê-su đã nêu lên một tấm gương sáng chói cho chúng ta trong việc thờ phượng và làm sáng danh Thiên Chúa, đó là khó nghèo để được tự do lo việc Thiên Chúa là rao giảng Tin Mừng của Nước Trời, và để làm tăng thêm giá trị đích thực của nhân phẩm con người: người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra.

Sống nghèo là một lựa chọn độc đáo của Đức Chúa Giê-su trong chương trình cứu chuộc nhân loại, là một phương pháp làm cho nhân loại đến gần với hạnh phúc đích thực hơn, đó là biết thông cảm và yêu thương người thân cận, chia sẻ những lo âu và cảm nghiệm được rằng, khi chọn sống nghèo là chúng ta chia sẻ rất sâu xa mật thiết với thân phận con người của Đức Chúa Giê-su hơn bất cứ lúc nào.

Phần tốt nhất của thế gian chính là sự hưởng thụ cho thân xác thoải mái, phần tốt nhất của thế gian cũng chính là con đường rộng dẫn nhân loại đi vào cõi đau khổ đời đời.

Chọn sống nghèo là làm nổi bật danh tính người Ki-tô hữu giữa xã hội :
Sống nghèo để tập yêu thương.
Sống nghèo để tập cảm thông.
Sống nghèo để tập phục vụ.
Sống nghèo để tập tha thứ.
Sống nghèo để trở nên người của mọi người.

2. Chọn phần tốt nhất là Thiên Chúa

Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất vì cô đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp của mình, chọn Thiên Chúa tức là lắng nghe lời dạy của Ngài, cô Ma-ri-a đã ngồi dưới chân Đức  Chúa Giê-su để nghe Ngài nói.

Gia đình nghèo của chị em Mat-ta, Ma-ri-a và La-gia-rô là hình ảnh của một tu viện thu hẹp: hoạt động và cầu nguyện. Hoạt động thì có Mat-tha, cầu nguyện thì có Ma-ri-a, nhưng cái chính không phải là ở đó nhưng ở trong cung cách lựa chọn của mình: chọn Thiên Chúa hay chọn làm Thiên Chúa, bởi vì khi chúng ta chọn Thiên Chúa cho mình, thì dù hoạt động hay cầu nguyện, dù đi đông đi tây rao giảng Tin Mừng, hay ngồi trong bốn bức tường kín mít của dòng Kín thì Thiên Chúa cũng là gia nghiệp của chúng ta, và việc chúng ta làm là làm sáng danh Thiên Chúa mà thôi. Còn nếu chúng ta muốn chọn làm Thiên Chúa thì chúng ta cứ lên án anh chị em, cứ phê phán tha nhân, cứ thọc gậy bánh xe, cứ vỗ ngực tuyên bố mình là người được Thiên Chúa chọn để chửi người này, để cải tổ Giáo Hội, để sửa dạy các linh mục trong Giáo Hội.v.v… thì cứ làm.

Bạn thân mến,
Chọn sống nghèo và chọn Thiên Chúa làm phần tốt nhất của mình trong một xã hội quá hưởng thụ, và đặt các giá trị vật chất trên tinh thần không phải là việc dễ dàng, bởi vì dù chúng ta là ai, là thân phận nào chăng nữa thì chúng ta cũng vẫn là con người có tham sân si, cho nên khi chọn sống nghèo thì đồng thời chúng ta cũng chọn Thiên Chúa làm phần gia nghiệp tốt nhất của mình, nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng khước từ những vật chất không cần thiết cho sinh hoạt khi chúng ta quyết tâm sống nghèo, do đó chúng ta cần phải cầu xin ơn Thiên Chúa giúp, tập sống nghèo với người nghèo, sống nghèo giữa những người giàu.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Tiến dâng chim hồng

TIẾN DÂNG CHIM HỒNG
 
 

Tề vương phái Thuần Vu Khôn đến nước Sở để tiến dâng một con chim hồng.

Thuần Vu Khôn ra cổng thành, đang trên đường đi thì con chim hồng bay mất, chỉ cầm cái lồng không, nên tạo ra một lý do giả, đi gặp Sở vương, nói:

- “Tề vương sai tôi đến tiến dâng con chim hồng, lúc lội qua nước, tôi không nhẫn tâm nhìn chim hồng chết khát, nên thả ra để nó uống nước. Kết quả nó bỏ tôi mà bay mất tiêu. Tôi muốn dùng dao rạch bụng, dùng dây thừng thắt cổ tự sát, nhưng sợ rằng người khác sẽ chê trách quân vương vì con chim hồng mà khiến cho kẻ sĩ tự sát”.

“Chim hồng là một loài lông vũ, có rất nhiều loại tương tự, tôi muốn mua một con tương tự để thay thế, nhưng làm như thế thì không thành thực lại còn lừa dối quân vương. Tôi muốn chạy trốn đi qua nước khác, nhưng lại đau lòng vì sứ mệnh của hai nước không giống nhau, cho nên tối mới đến cúi đầu nhận tội, xin đại vương trị tội của tôi”.

Sở vương nói:

- “Tốt lắm, không ngờ Tề vương lại có người thành tín như vậy !”

Thế là trọng thưởng cho ông ta, tất cả tài vật được thưởng so với chim hồng không bay mất thì càng nhiều gấp đôi.
(Sử kí)

Suy tư:

     Khi phạm tội, chúng ta cũng có rất nhiều lý do để biện minh cho hành vi phạm tội của mình, những lý do ấy, không phải do lương tâm của ta tạo ra, nhưng do ma quỷ lợi dụng mọi khả năng ta có để tạo ra: nó dùng tài ăn nói, dùng trí khôn nhạy bén, dùng thái độ đạo mạo của ta để biện minh cho hành vi phạm tội của mình.

Chiêu bài mà ma quỷ thường hay dùng để chúng ta che giấu, biện minh cho tội lỗi là đánh vào bản tính sợ xấu hổ và địa vị danh giá của mình: xưng tội hơi lâu thì sợ mọi người biết là mình có tội trọng; sợ cha giải tội biết mình mắc tội xấu xa thì xấu hổ nên không dám xưng thú tội; sợ cha sở biết mình có địa vị danh giá mà phạm tội tày trời nên không dám xưng tội.v.v…

     Con người bản tính vốn yếu đuối và nhiều khuyết điểm –Thiên Chúa biết rõ điều này hơn chúng ta- cho nên đã trao quyền cho các linh mục Công Giáo –cũng là những con người nhiều khuyết điểm- thay mặt Ngài để thông cảm, chia sẻ và tha tội cho chúng ta. Vì thế, một bên là sợ xấu hổ và một bên là được ơn tha thứ, chúng ta chọn bên nào, chắc chắn là chọn ơn tha thứ, mà muốn được ơn tha thứ thì phải có tâm hồn đơn sơ như trẻ em, vì trẻ em không biết xấu hổ khi xin lỗi bố mẹ nó.

     “Xin Chúa ban cho con sự đơn sơ, để con chiến thắng sự xấu hổ mà ma quỷ luôn dùng để cám dổ để con che giấu mọi tội trọng mà mất linh hồn.”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Nước ngoài

NƯỚC NGOÀI
 
 
Trước 1975 ngài có thi vào tiểu chủng viện, sau 1975 thì ngài vượt biên và định cư ở nước ngoài rồi đầu tắt mặt tối đi làm để kiếm sống, nhưng “may mắn” được chịu chức linh mục vì khai gian là đã học xong thần học và triết học ở Việt Nam.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Khoe khoang

KHOE KHOANG
 
 

      Cha sở khoe với giáo dân ở xứ truyền giáo:

-         “Vì hoàn cảnh đất nước nên cha học xong triết học và thần học khi mới mười tám tuổi, rồi vượt biên...”

Giáo dân cười thầm, lẽ nào vừa tốt nghiệp phổ thông lại vừa tốt nghiệp đại chủng viện cùng lúc !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Giữa tiệc can gián thú vui

GIỮA TIỆC CAN GIÁN THÚ VUI
 
 

Sau khi quân nước Sở triệt thoái, Tề Uy vương bày đồ nhậu phía sau hậu cung, mời Thuần Vu Khôn vừa đi sứ về cùng uống rượu. Hỏi ông ta:

-      “Ông có thể uống bao nhiêu mới say ?”

Đáp:

-         “Cho thần tử uống một bát thật lớn cũng say, mà uống một cốc nhỏ cũng say”.

Tề vương hỏi:

-      “Đó là vì duyên cớ gì ?”

Thuần Vu Khôn trả lời:

-         “Khi ngồi trước mặt đại vương mà uống, quan chấp pháp đứng một bên, viên kí lục đứng sau lưng, tôi rất sợ, uống không tới một bát lớn thì đã say”.

“Nếu phụ thân có khách quý đến thăm, thì tôi đứng bên hầu hạ, khách thường đưa rượu uống thừa cho tôi, nhiều lần bưng rượu dâng rượu uống không tới hai bát lớn thì đã say mèm”.

“Nếu bạn cũ lâu ngày không gặp mặt, đột nhiên gặp lại, lòng dạ sảng khoái, kể chuyện tình bạn xa xưa, thổ lộ những tâm tình, như thế dù uống năm sáu bát lớn thì cũng chưa say”.

”Nếu ở thôn làng có hội họp, nam nữ ngồi xen kẻ lẫn lộn, cùng nhau chuốc rượu uống, bịn rịn lưu luyến mãi không rời, lại còn chơi lục bát, ném bình, ghép đôi, tay kéo tay không chịu phạt, mày mắt không ngớt đưa tình. Trước mặt có cái vòng tai rủ xuống, sau lưng có cái trâm để mất, tôi thầm cho rằng, như thế thì rất vui vẻ, rượu uống đến tám bát lớn cũng chỉ có cảm giác say vài phần mà thôi.

“Trời tối, rượu uống đã đủ, ly chỉ dùng chung một cái, ngồi chật chật bên nhau, nam nữ cùng  ngồi chung một manh chiếu, giày dép bỏ bừa bãi, ly rượu mâm trà ngổn ngang bề bộn, trong sảnh đường thắp lên ngọn nến, chủ nhân tiễn đưa khách về, nhưng giữ tôi ở lại, nhẹ nhàng mở ra vạt áo trước đẹp đẽ, ngửi được hơi thơm nhè nhẹ, giữa lúc này, tâm tình của tôi vui sướng tột điểm, có thể uống được một bể lớn rượu.

“Cho nên tục ngữ có nói: Rượu uống quá mức thì sẽ quấy rối, vui sướng quá độ thì sẽ hại tâm. Ngàn vạn sự việc tóm lại chỉ là việc ấy. Thật sự mà nói hể việc gì quá đáng thì sẽ chuyển hướng suy tàn, nên tôi dùng việc nầy để thuyết phục Uy vương”.

Tề Uy vương tán thưởng, nói:

-      “Nói rất đúng”.

Bèn ra lệnh ngưng ngay việc uống rựơu thâu đêm, trao cho Thuần Vu Khôn sứ vụ ngoại giao để chủ quản giữa các chư hầu.

                                                      (Sử ký)

Suy tư:

     Thuần Vu Khôn đã trả lời rất đúng tâm lý của con người khi uống rượu: càng cao hứng, càng phấn chấn thì rượu uống càng nhiều mà vẫn không cảm thấy say xỉn, nhưng đến khi say, thì trời sập đất rung cũng không biết.

Có tửu thì thường có sắc, người ta thường nói: tửu sắc, tửu là rượu, sắc là gái; nói đến việc uống rượu là phải có gái phục vụ. Do đó mà không lạ gì có biết bao thanh niên tan gia bại sản, danh dự tiêu tan cũng chỉ vì thích rượu mê gái. Rượu vào thì lời ra, mà lời ra thì bao giờ cũng gây xích mích, bởi vì không ai uống nhiều rượu mà nói những lời khôn ngoan.

     “Rượu nồng sinh nhạo báng, men say tạo ồn ào,

     kẻ nào vướng vào đó, đâu còn là người khôn”  .

Rượu là sản phẩm do con người làm ra và được Thiên Chúa chúc phúc, vì chính nó làm cho tâm hồn phấn khởi hân hoan. Nhưng rượu cũng làm cho con người trở nên sa đọa nếu con người lợi dụng nó, bởi vì :

“Nhìn rượu làm chi : rượu màu đỏ hồng,

óng ánh trong ly rồi trôi xuống cổ.

Nhưng rốt cuộc, rượu như rắn cắn,

như nọc độc hổ mang…”  .

Đau khổ vì rượu, vui vẻ cũng do rượu, tôi chọn loại rượu nào ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Mưu sĩ xin cứu viện

MƯU SĨ XIN CỨU VIỆN
 
 

Năm thứ 8 đời Tề Uy vương, nước Sở xâm phạt nước Tề, Tề Uy vương ra lệnh cho Thuần Vu Khôn qua nước Triệu xin cứu viện, và đem theo một trăm cân vàng, mười xe tứ mã.

Thuần Vu Khôn cười lớn nói:

- “Hôm nay tôi từ hướng đông đến, trên đường đi gặp một người trồng hoa màu, tay cầm một cái móng giò heo, một ly rượu, hướng lên trời cầu nguyện: Xin cho người ở trên cao thu hoạch phong phú, người ở đất bằng thu hoạch đầy xe; được mùa lương thực, vựa đầy kho lẫm. Tế phẩm của ông ta quá ít, mà muốn được lợi ích thì quá nhiều, ngài không cảm thấy nực cười sao ?”

Tề Uy vương lĩnh hội được ý nghĩa của ông ta, bèn cho xuất ra một ngàn cân vàng, mười đôi ngọc bích, một trăm xe tứ mã để ông ta đem tặng cho nước Triệu. Thế là Triệu vương xuất mười vạn tinh binh, chiến xa ngàn chiếc giúp cho nước Tề xuất chiến.

Nước Sở suốt đêm lui binh mà chạy.
(Sử kí)

Suy tư:

     Cậy nhờ thì nhiều mà lễ vật thì ít, theo thói thường của người đời thì nhất định là không “hợp lẽ đạo”, do đó, lễ vật luôn phải cân xứng với việc cậy nhờ, việc cậy nhờ càng to tát, thì lễ vật càng phải lớn hơn.

     Nếu lấy “lẽ đạo” trên đây mà áp dụng vào đời sống tâm linh của mỗi người trong chúng ta, thì e rằng, trên thế gian này, từ nguyên tổ A dong và bà E va cho đến người sống cuối cùng đến ngày tận thế, thì chẳng một ai được lên thiên đàng, được hưởng ơn cứu độ. Bởi vì chúng ta có lễ vật gì để dâng cho Thiên Chúa ? Chúng ta có công trạng gì để cầu xin với Chúa ? Không có gì cả, chỉ là thân phận trần truồng của một tội nhân mà thôi.

     Và để được hưởng ơn cứu độ, lễ vật của chúng ta dâng lên Thiên Chúa hôm nay thì rất nhỏ nhưng rất lớn: nhỏ vì chúng ta chỉ có những hy sinh tầm thường cộng với những thấp hèn yếu đuối tội lỗi của cá nhân; rất lớn là vì chúng ta cậy vào công nghiệp của Đức Chúa Giê-su –Con Một của Thiên Chúa, Anh Cả của chúng ta- Mà đã cậy vào Đức Chúa Giê-su thì ai dám chê là lễ vật nhỏ mọn nữa chứ ?
     “Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin cho con luôn biết cậy vào Đức Chúa Giê-su, chứ không phải cậy vào sức riêng của mình để được Chúa xót thương.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư