Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Chúa nhật 26 thường niên



CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 16, 19-31

“Con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu hoàn toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.”

 

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta thấy một bức tranh hai bối cảnh: giàu và nghèo, phúc và hoạ, qua dụ ngôn người giàu có và người nghèo La-da-rô; đây cũng là bức tranh của thế giới ngày nay, nơi có nhiều người cơm không có ăn áo không có mặc, họ đang cùng sống với những người giàu có dư thừa tiền bạc, đang phung phí thức ăn và sống xa hoa với những nhu cầu không cần thiết cho cuộc sống

1/ Giàu

Ông phú hộ giàu có ngày ngày yến tiệc linh đình, xa hoa hưởng thụ và đắm chìm trong những thú vui, ông sáng mắt trước những tờ giấy bạc và những đồng vàng lóe mắt, nhưng lại “đui mù” trước cảnh nghèo khó của anh La-da-rô.

Đây là một thảm kịch thường xảy ra trong xã hội hôm nay cũng như xã hội thời Đức Chúa Giê-su, đây cũng là thảm hoạ cho người giàu có vật chất nhưng lại thiếu thốn về tinh thần yêu thương anh em đồng loại, bởi vì Đức Chúa Giê-su qua bài dụ ngôn rất sống động hôm nay đã cảnh cáo chúng ta –những người giàu có- về cách thức sử dụng của cải mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta…

2/ Nghèo

Anh La-da-rô nghèo khổ đói ăn ngồi trước cổng nhà của người phú hộ đang yến tiệc tưng bừng, anh hy vọng nhặt được những miếng bánh vụn từ bàn tiệc của thực khách rơi xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai cho, nghèo như anh thì thật là quá nghèo, và càng buồn tủi hơn nữa khi thân phận của mình còn thua một con chó của người phú hộ kia. Anh La-da-rô là hình ảnh thật của những người nghèo hôm nay đang ngồi ăn xin bên lề đường, trước cổng nhà thờ và có khi trước cửa nhà chúng ta, người nghèo ấy là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su quằn quại đau thương trên thập giá đang chờ sự an ủi giúp đỡ của chúng ta.

Nghèo vật chất còn dễ chịu hơn là nghèo tình thương, bởi vì nghèo vật chất thì người khác có thể giúp đỡ, nhưng nghèo tình thương thì chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới làm cho họ được an vui, mà ân sủng của Thiên Chúa làm sao để xuống trong tâm hồn họ, khi mà họ vẫn không mở rộng tâm hồn để đón nhận những người nghèo !

3/ Phúc

Đức Chúa Giê-su đã nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”[1] (Mt 5, 3), nghèo khó là phúc vì đó là lời khẳng định của Đức Chúa Giê-su, nhưng rất ít người coi đó là hạnh phúc của mình, nên họ vẫn thấy cuộc sống của mình quá phủ phàng, và oán trách Thiên Chúa bất công.

Phúc không hệ tại ở vật chất nhưng ở tại tâm hồn có Chúa hay không mà thôi, bởi vì một khi trong tâm hồn có Chúa thì giàu hay nghèo, sung sướng hay khổ cực cũng đều là phúc thật, nhưng nếu trong tâm hồn không có Chúa thì đúng là nghèo và đau khổ thật. Anh La-da-rô đã có phúc vì anh vui lòng chấp nhận cảnh nghèo mà không oán trời trách người, cho nên anh đã được thưởng phúc trên thiên đàng.

4/ Hoạ

Người phú hộ giàu có đã gặp hoạ, không phải vì ông giàu mà gặp hoạ, nhưng là vì ông ta sống dửng dưng với anh em đồng loại của mình đang nghèo đói ngồi ăn xin trước cửa nhà. Họa ở đời này và hoạ ở đời sau thì khác nhau xa vô cùng, con người ta ai cũng nghĩ đến cái họa của mình trong cuộc sống đời này thì sợ hãi, nhưng lại không nghĩ đến cái hoạ đời sau để mà tu thân tích đức, thương người như thể thương thân.

Cái họa ở đời này đôi lúc là cái phúc cho người biết nhẫn nhục và chấp nhận nó, nhưng cái hoạ đời sau thì không thể biến thành phúc được, bởi vì cái khoảng cách biến đổi hoạ thành phúc ấy chỉ có ở đời này mà thôi…

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đem tình thương của Ngài trải rộng khắp trong cuộc sống đời thường của mình nơi những anh chị em nghèo khó, bởi vì đó chính là phương thế biến hoạ thành phúc của người Ki-tô hữu ở đời này.

Giàu chưa phải là họa mà nghèo cũng không phải là phúc, nhưng hoạ phúc là do tâm hồn của chúng ta có bóng dáng của Thiên Chúa hay không mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 5, 3.


Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


24. CHỮ GỪNG GIỐNG CÁI THÁP

        Thái uý Đảng muốn viết chữ “gừng” ( ) , bèn hỏi quan chép sử là phải viết như thế nào ?

        Quan thái sử nói cho ông ta viết ra nét (chữ Hán), thái uý Đảng viết lui viết tới chữ “nhất” ( ) thành ba chữ chồng lên nhau, sau khi tỉ mỉ ngắm “tác phẩm” của mình thì cảm thấy không giống chữ gừng, bèn chửi quan chép sử:

-        “Tại sao mày lại dối tao, đây mà chữ “gừng” sao, nhất định đây là một cái tháp.”

                                                                (Giản Uẩn thiên)

 

Suy tư 24:

        Thời xưa cũng như thời nay có những cấp trên...không biết chữ, không biết chữ mà làm quan thì có hai lý do sau đây: một là dùng tiền lo lót gọi là hối lộ, hai là có công với nhà nước hoặc với tổ chức nên được cất nhắc lên làm quan, những vị quan này không trước thì sau cũng sẽ làm hại đất nước, hách dịch với thuộc hạ khúm núm nịnh nọt cấp trên, những vị quan này dứt khoát là làm ăn thua lỗ, đánh đâu thua đó, và dứt khoát bị sa thải vì không làm việc được và vì không biết...viết chữ.

        Ở đời mà đã như thế thì huống chi trong đạo, linh mục nào cũng tốt nghiệp thần học và triết học, nhưng hơn nhau ở chỗ biết lợi dụng hoàn cảnh để học hỏi thêm và trau dồi đức tính thêm.

Linh mục nào cũng có thể làm cha sở, nhưng cha sở này thì tiếng lành đồn xa, còn cha sở kia thì tiếng xấu đồn...cũng xa, tại sao vậy ? Thưa là vì một người thì biết học, và người kia thì chỉ biết khảo hạch người khác mà không học, mà đã không học thì làm sao mà khảo hạch người khác được, thế là quỷ kiêu ngạo xâm nhập vào tâm hồn họ.

        Linh mục nào thích khảo hạch người khác là luôn bắt giáo dân làm theo ý mình, luôn chê bai giáo dân là không biết gì, là luôn độc tôn ỷ lại chức thánh của mình, cho nên trăm sự dữ phát sinh và thế là tiếng vào tiếng ra làm cho giáo xứ mất đoàn kết.

        Linh mục nào biết học là người khiêm tốn hỏi giáo dân những điều mình chưa biết chưa quen, chưa biết, là vui vẻ nhờ giáo dân chỉ giáo cho mình những quan lệ của địa phương, do đó mà tiếng lành đồn xa: cha sở của chúng tôi rất khiêm tốn, mà khiêm tốn cũng đồng nghĩa với dễ thương vậy.

        Tạ ơn Chúa và hạnh phúc thay khi giáo xứ có một cha sở như vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23. CÁI MẶT NHƯ VỎ MĂNG

        Ông thầy thuốc và ông thầy bói thường hay uống rượu nơi quán, có một ông già thường tông cửa vào ăn không trả tiền, thầy thuốc và thầy bói ghét ông ta thấu xương.

        Một hôm, thầy thuốc và thầy bói cùng nhau uống rượu rất vui vẻ thì ông già ấy lại tông cửa đi vào, vừa ngồi xuống liền uống một ly, thầy thuốc thầm cười nhạo ông già một hồi bèn nói:

-        “Mỗi người chúng ta ra một câu đối”.

Nói xong thì tranh nói trước:

-     “Trời có sao nam của trời, đất có da xương của đất, hai mươi bốn mùi lưu manh chất chứa trong lòng, muốn thêm cũng được, muốn diệt cũng được.”

        Thày bói nói:

-        “Trời có thiên văn, đất có địa lý, trong nhị thập bách, ba mệnh cũng thông, năm tinh cũng thông.”

        Ông già ăn mà không trả tiền không một chút lép vế, lập tức nói:

-        “Trời không sinh người không lộc, đất không sinh cây cỏ vô danh, hai mươi bốn tầng cái mặt vỏ măng, lột một tầng lại một tầng”.

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 23:

        Người ta thường nói “đẹp trai không bằng chai mặt”, chai mặt tức là trơ trẽn không biết xấu hổ, mà người chai mặt thì cũng giống như người trơ trẽn, họ không biết gượng khi vu oan giá hoạ cho người khác, họ không biết xấu hổ khi làm điều sai trái, họ không biết hối hận khi lỡ phạm tội...

         Cái mặt đã chai từng lớp như vỏ măng tre, nhưng vỏ măng tre càng lột thì càng nõn nà đẹp mắt, còn cái mặt chai lì thì càng lột càng xơ cứng, càng lột càng trơ trẽn và cuối cùng thì đem bỏ vào trong thùng rác sau nhà.

        Trong Giáo Hội Công Giáo cũng có rất nhiều thánh nhân trước khi trở thành thánh thì “cái mặt chai như vỏ măng tre”, chẳng hạn như là thánh Phê-rô chai mặt khi chối thầy, thánh nữ Ma-ri-a Ma-da-le-na làm kỹ nữ nổi tiếng đến chai mặt, thánh Phao-lô chai mặt bắt hại đạo mới của Chúa, thánh Au-gút-ti-nô mê đắm đến chai mặt trong hoan lạc dục vọng thế gian, và có rất nhiều vị thánh khác đã từng chai mặt sống trong tội lỗi, nhưng các ngài đã biết cậy vào ơn Chúa và dùng Lời Chúa để lột đi tất cả lớp vỏ măng chai lì ấy, và rồi trở nên đẹp đẽ tốt lành xứng đáng cho chúng ta noi gương.

        Lột vỏ măng không phải chỉ lột một tầng là sạch đẹp, nhưng phải lột nhiều tầng lớp, cũng vậy đời sống tâm linh không phải chỉ “lột một tầng” –hối cải- rồi thôi, nhưng cần phải lột nhiều lần trong cuộc sống bằng cách thực hành Lời Chúa và siêng năng đón nhận các bí tích của Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


22. HOÀ ĐIỆU CỨU NGƯỜI

        Có một ông quan nọ mời khách, bởi vì nhà bếp nấu bánh nướng chín sơ sơ nên ông quan nổi giận đánh nó và đem tống ngục, cách mấy ngày hôm sau, ông quan nọ lại bày tiệc thết khách.

        Có hai người khách muốn cứu anh nhà bếp, một người bèn giả làm thầy tướng số, người kia giả làm ông lão mời thầy tướng số coi giùm vận mạng trong lúc dự tiệc.

        Thầy tướng số hỏi trước:

-     “Tôn lão thuộc năm canh giáp nào ?”

        Ông lão nọ cố ý nói lớn tiếng:

-     “Sinh năm bính.”

        Thầy tướng số lên tiếng nói liền liền:

-     ”Không được, không được.”

        Ông lão giả bộ làm mặt không vui hỏi:

-        “Mới nói một năm, giờ lại không ngày tháng, sao bây giờ lại nói không được chứ ?”

        Thầy tướng số nói:

-        “Hôm qua sinh năm giáp còn ở trong ngục chưa được thả, huống gì anh “sinh năm bính”[1] chứ ?”

Những khách được mời đều cười ha ha, ông quan cũng lĩnh ngộ được ý nghĩa, thế là tha cho tên đầu bếp khỏi ngồi tù.

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 22:

        Thời đại nào chức quyền cũng đều khiến cho con người ta trở thành người độc đoán, kiêu căng và có khi trở thành kẻ vô lương tâm.

        Chức quyền của người đời đa phần là để hưởng thụ và thống trị, còn chức quyền của Giáo Hội Công Giáo là để phục vụ và hy sinh, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã nói và đã làm như thế khi xuống thế cứu chuộc nhân loại.

        Linh mục là một thánh chức được Thiên Chúa thiết lập vì phần rỗi linh hồn của con người, chứ không phải là một công chức do loài người thiết lập vì nhu cầu trật tự thống trị của con người, cho nên cách hành xử thánh chức linh mục cũng khác biệt với cách làm việc kiểu công chức của người đời :

-       Linh mục thì phục vụ tha nhân chứ không để tha nhân phục vụ mình; là yêu thương đi tìm con chiên lạc chứ không đợi con chiên lạc tìm đến mình trước; là an ủi và chữa lành vết thương tâm hồn của anh chị em, chứ không nạt nộ hống hách và ngăm đe.

-       Linh mục là một thánh chức cho nên cách hành xử cũng phải thánh thiện, mà cái thánh thiện này được bộc lộ rõ nét nhất nơi con người của các ngài, đó chính là sự yêu thương, khiêm tốn, nhẫn nại và quảng đại.

Tên đầy tớ bị bỏ tù vì một tội không đáng gì, đó là cách hành xử quyền của người đời vì không yêu thương. Ngược lại, đối với các linh mục của Giáo Hội Công Giáo thì tội nhân được hớn hở vui mừng sau khi tiếp xúc với linh mục; giáo dân yêu thương và cộng tác với cha sở, đó chính là kết quả cách hành xử thánh chức của linh mục là yêu thương, khiêm tốn, nhẫn nại và quảng đại vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] 丙子生phát âm là “ping zi seng” nghĩa là “sinh năm bính”. 餅子生cũng phát âm là “ping xi seng” nghĩa là bánh tráng. Đồng âm khác nghĩa.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


21. LÃNH ĐÀO VÀ HOÀNH THÁNH

        Tần Thiếu Du và Phật Ấn cãi nhau về sự sinh trưởng của con chấy.

        TầnThiếu Du cho rằng con chấy thích ở nơi chỗ nhiều mỡ cáu ghét mà sinh sôi nảy nở, nếu nói không đúng thì sẽ chịu phạt một bàn hoành thánh.

        Phật Ấn lại cho rằng con chấy thích rúc vào trong chăn nệm mà sinh trưởng, nếu nói sai thì chịu phạt một mâm lãnh đào, sau đó cả hai người đều ngấm ngầm nhờ Tô Đông Pha mách cho mình một tiếng. Đợi khi cả ba người đều có mặt, Tần Thiếu Du và Phật Ấn lại cãi nhau.

        Tô Đông Pha cười nói:

-        “Theo tôi thấy, các ông hai người đều nói chưa hoàn toàn đúng, đương nhiên là vì nhiều mỡ cáu ghét nên chăn nệm mới bị rách, thật là thích hợp cho lũ chấy sinh trưởng, nên ăn lãnh đào trước rồi sau đó mới ăn hoành thánh chứ !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 21:

Chấy rận thì thích ở nơi những chỗ dơ bẩn, cho nên những ngừơi ăn ở mất vệ sinh thì trên người thường có chấy rận, chấy rận không phải tự nhiên mà sinh sôi nảy nở, nhưng nhờ hoàn cảnh môi trường dơ bẩn mà sinh tồn trên cơ thể, chỉ cần tắm rửa, ăn ở hợp vệ sinh ra diệt được nó, không đáng ngại cho lắm.

Chấy rận trong tâm hồn mới thật là đáng ngại, nó làm cho tâm hồn chúng ta bất an, nó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên hắc ám, rồi trở thành cơn bệnh trầm trọng hết thuốc chữa...

Nó chính là con chấy kiêu căng, con chấy tham ô, con chấy dâm ô; nó cũng là con chấy nói xấu người khác, con chấy vu oan giá hoạ cho tha nhân; những con chấy này thích ở trong những tâm hồn tội lỗi, những tâm hồn chỉ biết hưởng thụ vật chất thế gian mà coi thường đời sống siêu nhiên của mình, họ không muốn tẩy sạch chấy rận trong tâm hồn mình nơi bí tích Giải Tội để được sạch hơn trắng hơn...

Ăn lãnh đào trước hoặc ăn hoành thánh trước đều không quan trọng, quan trọng là vì chúng ta ăn ở dơ bẩn nên mới có rận chấy, đó là nguyên nhân có chấy rận.

Người sạch sẽ ngăn nắp là người sáng tối quét nhà thu dọn ngăn nắp, ngày nào cũng tắm rửa sạch sẽ; cũng vậy, người Ki-tô hữu yêu thích sự sạch sẽ của tâm hồn thì luôn trân trọng và thường xuyên đến với bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể để làm đẹp tâm hồn và nâng cao giá trị cuộc sống của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


20. SAO DÁM ĂN NÓ

        Người nọ đi làm ăn xa trở về, nói những chuyện trên giang hồ nào là đã “đi qua khe núi con bò và muỗi ở đây lớn bằng con vịt, nhưng cũng chưa lấy gì là lạ, đợi khi đi qua sông con trâu, loại muỗi ở đây càng lớn hơn, nó lớn cở như con ngỗng béo vậy.”

        Vợ của ông ta nghe như thế thì không ngớt trách ông:

-     “Sao ông không bắt về vài con để nấu ăn ?”

        Người ấy trả lời:

-        “Mấy con muỗi ấy không xúm lại ăn tôi là may lắm đấy, còn tôi làm sao dám ăn chúng nó được chứ ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 20:

        Ở trên đời tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhưng chuyện con muỗi mà lớn bằng con vịt hoặc béo như con ngỗng thì đúng là chuyện lếu láo tầm bậy, nhưng vẫn có người tin là thật...

        Chuyện con muỗi lớn bằng con ngỗng là chuyện bịa đặt để ba hoa cho vui, ấy vậy mà có người tưởng là thật, nhưng chuyện con nít mừơi mấy tuổi mà cầm dao chém người là chuyện có thật nhưng lại rất ít người tin, vì họ cho rằng con nít sao lại cả gan làm như thế !

        Con nít là trẻ em, nhưng nó cũng có thể làm được mọi chuyện của người lớn như uống rượu, nói dối, đánh lộn chửi thề, hút thuốc hoặc là những việc khác mà người lớn làm được.

        Trẻ em là những người được Đức Chúa Giê-su chúc lành và thương yêu cách đặc biệt, Ngài nói với các môn đệ: “Ai tiếp đón trẻ em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Ngài”, nhưng thực tế mà nói, trẻ em trở nên người xấu của là đa phần do người lớn chúng ta gây ra. Nếu chúng ta biết sống thật thà thì trẻ em sẽ không biết lừa dối mọi người; nếu chúng ta biết sống chan hoà tình thương thì trẻ em sẽ là những con người có một tâm hồn quảng đại, biết chia sẻ với mọi người mà không phân biệt đạo hay đời...

        Nếu chúng ta biết sống đạo cho xứng với thân phận của người Ki-tô hữu, thì trẻ em sẽ là những bông hoa thánh thiện và sẽ là những hạt giống tốt đẹp của Tin Mừng và là hạt nhân tốt cho xả hội và Giáo Hội Công Giáo...

        Hạnh phúc thay những người biết sống Tin Mừng ngay trong cuộc sống đời thường của họ, vì hạt giống Tin Mừng ấy sẽ trở thành cây cổ thụ đem bóng mát tình yêu đến cho mọi người.

        Trong cuộc sống có rất nhiều lần chúng ta dễ dàng tin những lời dối trá ba hoa của người này người nọ, nhưng lời chân lý của Thiên Chúa thì chúng ta lại không tin.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)