Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Chúa nhật 22 thường niên


CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 16, 21-27.
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình”.

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại lời quả quyết của Đức Chúa Giê-su về việc ai muốn theo Ngài thì phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Ngài, tôi có hai cảm nghiệm này muốn chia sẻ với anh chị em :

1.   Phải từ bỏ chính mình.
Con người ta không ai muốn từ bỏ mình, bởi vì từ bỏ mình có nghĩa là không còn là mình nữa, không còn là cái tôi căn tính của mình nữa, cho nên sẽ là khó chịu và cảm thấy bất an khi có người khuyên bảo nên từ bỏ chính mình.

Tôi muốn ăn ngon mặc đẹp đó là do cái tôi của tôi đòi hỏi, bây giờ lại có người khuyên tôi nên hy sinh ăn gì cũng được, mặc gì cũng được, thì dứt khoát là tôi không chịu và cảm thấy khó chịu khi có người soi mói đời tư của tôi; tôi là người có khiếu về âm nhạc nên tôi muốn được nổi danh, tôi sáng tác nhiều bài hát để hy vọng được mọi người biết đến, nhưng có người nói rằng nhạc tôi quá dở không có tâm tình, thế là cái tôi tự ái nổi lên, cái tôi giận hờn, cái tôi ghét ghen, cái tôi buồn bực ập đến làm cho tôi cảm thấy như bị xúc phạm…

Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta từ bỏ cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ghét ghen, cái tôi phê bình, cái tôi hờn giận.v.v…để theo làm môn đệ của Ngài, bởi vì tất cả những cái tôi ấy đều luôn phản kháng lại với thánh ý của Thiên Chúa, phản bác lại những gì mà Thiên Chúa đã dự định cho con người hưởng hạnh phúc mai sau với Ngài.

2.   Lời can ngăn
Mỗi người, trong cuộc sống của mình ít nhất cũng là một lần được nghe lời căn ngăn của người khác, và cũng có ít nhất là một lần nói lời can ngăn với người khác.

Thánh Phê-rô đã thành thật căn ngăn Đức Chúa Giê-su đừng có dại mà lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết khi mà Ngài biết rõ ai là kẻ giết mình. Lời can ngăn của thánh Phê-rô rất là chí lý, nhưng lại bị Đức Chúa Giê-su quở trách vì “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của loài người [1].” (Mt 16, 23)

Có những lời can ngăn tích cực để chặn đứng một hành động xấu sắp xảy ra và có hại cho mọi người, nhưng cũng có những lời can ngăn tiêu cực không vì mọi người nhưng là vì tư lợi cá nhân, đó là lời can ngăn rất “có lý” khi thấy anh em làm việc trổi vượt hơn mình như: đừng làm nổi quá kẻo người khác để ý, nào là đừng hăng say quá mà hao sức khỏe, nào là phải để ý đến bản thân mình.v.v… tất cả những lời can ngăn này của người có tâm hồn ích kỷ đều là tảng đá lớn chặn đường tiến của người khác.

Anh chị em thân mến,
Từ bỏ chính mình phải đi đôi với lòng thành thật, bởi vì có người “bỏ con tép để câu con…cá ngừ”, tức là họ chỉ làm bộ hy sinh một vài cái nhỏ mọn không nhằm nhò gì, để mưu cầu cái lợi ích lớn hơn nhiều cho bản thân mình, mà cái lợi ích lớn ấy là làm thỏa mãn cái tôi của mình, tức là để cái tôi càng ngày càng lớn lên theo hướng ích kỷ của mình.

Gợi ý suy tư :
-      Tôi có từ bỏ mình theo hướng tích cực không, hướng tích cực là thấy cái tôi của mình luôn hướng về hưởng thụ thỏa mãn nhu cầu của thân xác ?
-      Có khi nào tôi vì ích kỷ, vì sợ người khác trổi vượt hơn mình mà tìm lý do chính đáng để ngăn cản họ không ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 16, 23.

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Trương uống Lý say


TRƯƠNG UỐNG LÝ SAY
Quách Phi là người rất có tài năng và học vấn, mà lại rất là siêu thoát.
Một đêm nọ vừa xuất hành, thì có một tên say rượu nắm áo kéo lại nói là Quách Phi say. Việc này giằng co ồn ào đến sáng, thái thú đến hỏi và ra lệnh nói rõ họ tên, Quách Phi cười nói:
-         “Trương công uống rượu, Lý công say, Quách Phi cũng say”.
Thái thú rất hồ hởi, ra lệnh làm bài phú:
-      “Trương công uống rượu Lý công say”.
Quách Phi tuột miệng nói ra:
-         “Có những việc không thể trắc nghiệm được, con người ta đề phòng khi việc chưa xảy ra. Trương công uống rượu, mà nơi Thanh Hà thì bố vợ đang nâng cốc vui với nhạc, lại nghi cho công tử đã say mèm nơi Lũng Tây”.
Thái thú cười lớn hả hê, tha cho họ Quách đi.
                              (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Có người hay tránh tội và đổ tội cho người khác, có người hay nghi ngờ người khác vì tính đa nghi như Tào Tháo của mình, cho nên, người hay nghi ngờ người khác là người sẵn sàng bán đứng anh em.
     Ki-tô hữu là người có bổn phận đem tin vui của Phúc Âm đến cho mọi người, nên họ không nghi ngờ người này tốt người kia xấu, họ chỉ biết rằng, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, cho nên họ đem lòng thành thật ra mà đối xử với mọi người, đó chính là một phương pháp hay trong một xã hội mà niềm tin giữa người với người không còn nữa.
Khi giữa con người với nhau không còn có sự tín nhiệm nữa, thì người ta Ki-tô hữu đem niềm tin của mình đến cho họ bằng cách ăn nết ở của mình, bằng sự yêu thương và tha thứ của mình, thì danh Thiên Chúa sẽ được biết giữa muôn dân rồi vậy...
Không có chuyện người này uống rượu mà người kia say, nhưng hể con cái uống rượu thì cha mẹ đau lòng, hoặc là chồng say sưa rượu chè thì vợ con chết điếng trong lòng là chuyện có thật...

Khi chúng ta phạm tội thì Thiên Chúa đau lòng nhất, đó là một sự thật.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thấy lợi quên nghĩa


THẤY LỢI QUÊN NGHĨA
Có một thư sinh, vì ăn cắp hàng dệt nên bị bắt đến quan phủ, quan huyện nhìn thấy anh ta là một thư sinh, bèn nói:
-         “Tiểu tặc, nếu ngươi có thể làm một bài phú, thì ta miễn cho người khỏi hình ngục”.
Thư sinh mừng thầm trong bụng, thế là làm một bài phú như sau:
-         “Trộm nhìn nhà lặng vắng người, trong lòng đã muốn lắm thay, thấy lợi mà quên nghĩa, nên mang để trong lòng”.
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Thấy lợi mà quên nghĩa, đó là do lòng tham của con người, con người ta ai cũng có lòng tham, không tham ít thì tham nhiều, gọi là dục vọng (欲望).
     Con người ta ai cũng có cái thích, như có người thích ăn uống, có người thích sắc đẹp, nhưng nếu cái thích này đi quá giới hạn thì sẽ trở thành tham lam và thành mê đắm; chẳng hạn như có người tham ăn, có người tham uống, có người mê đánh bạc, có người mê gái, có người mê trai.v.v... tất cả những ham muốn ấy đều làm cho con người ta trở thành xấu, như nguyên tổ của chúng ta đã vì tham ăn và tham vọng muốn bằng Thiên Chúa mà ăn trái cấm vậy.
Tham thì thường là không phù hợp với lời giáo huấn của Thiên Chúa và của Giáo Hội, tham lam thì thường đưa con người ta đi đến chỗ mất danh dự, bởi vì chữ tham rất kỵ với chữ danh dự, danh giá.
Nhưng có một chữ “ham” làm cho danh dự của con người ta tăng lên và danh giá cũng được nhiều người kính nể, đó là ham làm việc lành phúc đức, ham làm việc thiện, ham tham dự thánh lễ. Tất cả những cái “ham” này thường đưa con người ta đến nơi tốt lành, gần gủi với Thiên Chúa và mọi người, nhưng trong thực tế không mấy người ưa thích nó.
Thấy lợi quên nghĩa là việc làm của những người chỉ coi trọng vật chất hơn tình nghĩa, là những người chỉ biết có mình mà không thấy người khác, cũng có nghĩa là họ chỉ muốn cho mình được việc mà không nhìn thấy người khác cũng đang vất vả khốn đốn vì những cái tham lam của mình.

Người đời tham lam người ta đã “chịu không nổi” huống hồ một linh mục, một tu sĩ hay một nữ tu mà tham lam, thì có nước “độn thổ”, bởi vì không ai chịu nổi một người dâng mình làm tôi tớ mà có lòng tham lam...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Bí quyết trường thọ


BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ
Bồ Chuyên Chính sau khi đến Hàng châu, thì có một phương sĩ (người ở địa phương) biết coi thiên văn và biết phân biệt sự khác nhau của âm dương, muốn được ông ta tiếp kiến.
Người phương sĩ này đã chín mươi tuổi nhưng không có chút gì là già cả, Bồ Chuyên Chính liền mời ông ta dạy cho mình cách sống lâu trường thọ.
Phương sĩ nói:
-         “Tôi cũng không có bí quyết sống lâu gì cả, , ăn uống vẫn bình thường, không kiêng kỵ món nào cả, chỉ là không gần nữ sắc mà thôi”.
Bồ Chuyên Chính cúi đầu trầm tư, một lúc sau mới nói:
-         “Người như ngài vậy thì quả là sống ngàn tuổi, nhưng lại có ích gì chứ ?”
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Con người ta ai cũng thích sống lâu, có người thích sống lâu để hưởng thụ những thành quả do mình làm lụng; có người thích sống lâu để được nhìn thấy con đàn cháu đống; có người thích sống lâu để tiếp tục làm nốt công việc đang dở dang của mình...
Tôi thấy có người đã chín mươi mấy tuổi rồi mà vẫn còn khoẻ mạnh, rất hiểu tâm lý người trẻ, nên được rất nhiều người kính nể và thương mến; tôi cũng thấy có người mới hơn sáu mươi mà tính nết đã thay đổi, đòi hỏi con cháu phải cung phụng mình như hồi còn làm ông này bà nọ, mà không thấy con cháu đang ngày càng nghèo lên vì đòi hỏi của họ...
     Sống lâu là một ơn lành của Thiên Chúa ban cho, chúng ta nên cám ơn Ngài vì những ân huệ này.
     Có rất nhiều người lấy làm tiếc vì không được sống lâu để làm tiếp những công việc của mình, như thế sống lâu đối với họ thật có ý nghĩa, nhưng sống lâu mà không làm gì có lợi cho anh em, cho bản thân, thì sống lâu cũng chẳng có ích lợi gì. Có người ví con người chúng ta khi về già thì “tệ” hơn con chó con trâu, vì con chó con trâu người ta có thể làm thịt để ăn nhậu, chứ con người thì chỉ tổ làm phiền người khác khi về già. Quan niệm như trên thì quả là coi thường giá trị của con người, coi thường giá máu cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su trên thập giá, những người này họ quên mất mình là ai, là súc vật hay là thiên thần ? Sống lâu là một ân huệ Chúa ban, có cha mẹ sống lâu là một hồng phúc cho con cháu, vì con cháu có dịp đền ơn trả hiếu cho cha mẹ.
     Xin chúc mừng những người có cha mẹ trường thọ, vì chính họ đang được đền đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà người khác không có.

     Đó cũng chính là bí quyết để sống trường sinh với Thiên Chúa vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chỗ nào hùng mạnh


CHỖ NÀO HÙNG MẠNH
Đinh Vị đã từng làm tể tướng, được phong đến Tấn quốc công, về sau bị giáng xuống làm huyện trưởng huyện Nhai.
Một hôm, từ huyện Nhai trở về cố hương và cùng với khách uống rượu, người khách nọ nói:
-         “Các châu bang trong bốn bể, thì châu bang nào hùng mạnh nhất ?”
Đinh Vị cười nói:
-      “Đương nhiên là huyện Nhai”.
Khách hỏi:
-      “Lời ngài nói có ý gì ?”
Đinh Vị trả lời:
-         “Đường đường là một vị tể tướng của triều đình thì cũng chỉ có thể làm tư hộ tham quân, các châu bang khác lẽ nào cũng như nó sao ?”
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
    Người thời nay cũng như người thời xưa, ai cũng có một thời vất vả và một thời sung sướng, ai cũng có một thời hạnh phúc và một thời đau khổ.
     “Lên voi xuống chó” là chuyện thường tình trong thiên hạ, hôm nay anh làm quan tôi làm thằng dân, ngày mai tôi làm quan anh làm thằng dân, cuộc đời cứ thế mà xoay vần không có gì đáng phải ngạc nhiên.
     Cái ngạc nhiên là đã “xuống chó” rồi mà vẫn còn kiêu căng phách lối với anh em chị em, không chịu tự mình kiểm điểm tâm hồn và cuộc sống coi tại sao mình lại bị  “xuống chó”. Có người đã bị sa thải mà vẫn còn đổ tội cho người này kẻ nọ làm họ bị sa thải; có ngừơi gân cổ lên thoá mạ người khác khi mình bị người ta chế giễu là “xuống chó”, cuộc sống của mỗi người không phải cứ bình thản trôi qua, nhưng vẫn có những việc xảy ra ngoài ý muốn, người Ki-tô hữu gọi đó là sự thử thách của Thiên Chúa đối với con người.
     Có người nhìn thấy thánh ý Thiên Chúa trong “cảnh lên voi xuống chó” của mình để hồi tâm sửa đổi, và họ đã trở nên người mới hơn; có người tìm ra thánh ý Thiên Chúa trong hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng vẫn cứ oán trách Thiên Chúa và đổ tội cho tha nhân...
     Mọi cảnh “lên voi xuống chó” –đối với người đời- thì thật là nhục nhã và đáng khinh bỉ. Chính Đức Chúa Giê-su cũng đã từng bị các thượng tế và biệt phái và người Do Thái cho “lên voi xuống chó”, khi mà họ ngày hôm qua nhảy tưng lên hồ hởi phất lá phất cờ hoan hô Ngài là con vua Đa vít, là Đấng Mê-si-a, nhưng cũng chính họ ngày hôm sau đã vung tay đả đảo Ngài, đánh đòn Ngài, và giết Ngài chết trên thập giá đó hay sao ?... Nhưng không phải vì thế mà Ngài kêu ca trách mắng Chúa Cha tại sao phải để Ngài chịu khổ và nhục nhã như thế, nhưng Ngài đã ôm trọn chén đắng và phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha.

     Nay làm quan mai làm phó thường dân là chuyện thường tình, do đó mà khi mình được anh em chị em tín nhiệm cho “lên voi” đề cử vào chức vụ này ban bệ nọ, thì mình phải khiêm tốn sống làm sao để khi “xuống chó” thì cũng được mọi người yêu mến tín nhiệm...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư