Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Chúa nhật 6 phục sinh

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH
 
 
 

Tin mừng : Ga 14, 23-29.

“Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

Bạn thân mến,
Chúa nhật này tôi xin chia sẻ với bạn hai câu chuyện sau đây, có liên quan đến đời sống tín ngưỡng của chúng ta.

1. Âm thanh quen thuộc

Một hôm, có một người Mỹ In-di-an (người Mỹ da đỏ) rời khu bảo lưu nơi anh trú ngụ, đi đến thành phố thăm một người bạn da trắng của anh. Xe to xe nhỏ, người đi bộ tới tới lui lui, tiếng ồn ào, tất tất bật bật, làm cho người In-di-an nầy cảm thấy trong lòng không an tâm.

Lúc hai người đi bộ trên một đường phố lớn, đột nhiên người In-di-an dừng bước, đập nhè nhẹ trên vai người bạn, nói nho nhỏ: “Khoan bước tới trước, đứng đây một chút, anh có nghe âm thanh mà tôi đã nghe được không?”

Người da trắng quay người lại, nhìn người bạn In-di-an của mình, cười nói: “Tôi chỉ nghe tiếng xe hơi, tiếng còi và rất nhiều tiếng bước chân của người đi bộ, anh nghe được tiếng gì vậy?”

-      Tôi nghe tiếng gáy của một con dế ở gần đây”.

Người da trắng cũng dừng chân nghe ngóng tỉ mỉ, nhưng anh ta lắc đầu nói: “Xem ra anh nói đùa tôi đấy, ở đây làm gì có dế mèn chứ, ừ, thì cho có đi, nhưng làm sao anh có thể nghe được âm thanh của nó giữa phố xá đông người ồn ào như thế này, anh lại còn cho rằng anh có thể nghe được tiếng gáy của con dế ?”

-“Thật mà, tôi có nghe thật đấy”, người In-di-an nói tiếp: “Chắc chắn có một con dế ở bên cạnh chúng ta đây”.

Người In-di-an đi về phía trước đến một bậc thềm, sau đó đứng bên cạnh bức tường của một căn nhà, căn nhà nầy có một giàn hoa trường sinh bò trên tường, người In-di-an vén bỏ cây trường sinh, bên trong quả nhiên có một con dế mèn đang cất cao giọng gáy.

Bấy giờ người da trắng mới nhìn thấy, anh ta cũng nhận ra sự biến đổi nguồn gốc của âm thanh. Trên đuờng đi người da trắng nói với bạn của mình: “Đương nhiên anh có thể nghe được tiếng gáy của con dế, bởi vì thính lực của người In-di-an của các anh hơn hẳn chúng tôi”.

Người Indian phá lên cười nói: “Cách nói nầy của anh tôi không đồng ý, thính lực của nguời In-di-an hoàn toàn không hơn người da trắng, bây giờ tôi có thể chứng minh cho anh thấy”.

Người In-di-an lấy trong túi ra năm xu, sau đó quăng nó xuống đường dành cho người đi bộ, tiếng kim thuộc của đồng tiền cứng rơi trên đường nhựa, khiến cho rất nhiều người quay lại nhìn về hướng đó, người In-di-an nhặt đồng tiền lên, và bỏ vào trong túi, hai người tiếp tục đi đường.

-“Anh nên biết”, người In-di-an nói với người da trắng, “Âm thanh của đồng năm hào có phải lớn hơn tiếng gáy của con dế không, nhưng có rất nhiều người nghe được, hơn nữa họ còn quay đầu lại nhìn. Trái lại, người nghe được tiếng con dế gáy, thì chỉ có một mình tôi, nguyên nhân nầy, không phải thính giác của người In-di-an tốt hơn của người da trắng, mà là con người của chúng ta vẫn nghe được sự vật mà mình quan tâm quen biết”[1].

2. Lắng nghe bằng tâm.

Tôi thường đi dâng thánh lễ tại viện dưỡng lão, có khoảng hơn hai mươi cụ già tham dự, các cụ đi đứng khó khăn, mắt mờ tai kém, nhưng các cụ rất sốt sắng tham dự thánh lễ, thành tâm nghe giảng và rất tích cực hát lễ dù là hát được câu trước thì mất câu sau. Những con người mà thể xác đã đến lúc mòn mỏi tàn tạ và cuộc đời chẳng còn là bao, các cụ đã dùng tâm mình để nghe tiếng Thiên Chúa, dùng tâm của mình để hát ca chúc tụng Thiên Chúa, dùng tâm của mình để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa.

Sau thánh lễ tôi có thói quen trò chuyện với các cụ vài phút trước khi đưa Mình Thánh Chúa cho một vài cụ đi đứng bất tiện, tôi hỏi : “Các cụ già rồi đi lễ có nghe được con giảng gì không ?”. Các cụ cười và trả lời : “Thì nghe tiếng được tiếng mất, nhưng phải cố gắng mà nghe cha giảng Lời Chúa, nếu nghe không được thì cầu nguyện với Chúa vậy...”

Bạn thân mến,
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng, ai yêu mến Ngài thì tuân giữ lời Ngài, người Mỹ da đỏ nghe được tiếng kêu của con dế ngay tại thành phố, người Mỹ da trắng và những người đi đường đều nghe được tiếng âm thanh của đồng bạc giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn, bởi vì tiếng kêu của con dế quá quen thuộc với người Mỹ da đỏ, và âm thanh của đồng bạc rơi quá quen thuộc với người Mỹ da trắng.

Lời Chúa quá quen thuộc với bạn và tôi, và chắc chắn chúng ta không thể quên được Lời Chúa trong cuộc sống, chỉ có những cám dỗ vật chất, chỉ có những thói quen xấu, chỉ có những kiêu ngạo ích kỷ mới làm chúng ta phớt lờ Lời Chúa kêu gọi chúng ta mà thôi.

Thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là lắng nghe và tuân giữ lời của Ngài, là thực hành lời của Ngài qua cuộc sống của mình, là đem hết tâm hồn yêu mến Ngài qua thánh lễ và các bí tích thánh, như các cụ già trong viện dưỡng lão đã tham dự cách đơn sơ, chân thành yêu mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1] Tập truyện: Viên Ngọc Trai do Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Dịch và viết suy tư. http://nhantai/info
 

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Tâm vui vẻ

KINH: TÂM VUI VẺ
 
 
 


Không oán trách, nên cám ơn.

Không buồn bực, nên lạc quan.

Không nhớ hận, nên tha thứ.

Không sợ hãi, nên an tâm.

Không ghen ghét, nên thưởng thức.

Không so đo, nên khoan hồng.

Không tự tư, nên từ bỏ.

Không nhụt chí, nên phấn chấn.

Không tham lam, nên biết đủ.

Không tranh công, nên chia sẻ.

Không phê bình, nên ca tụng.

Không vọng động, nên nhẫn nại.

Không nổi giận, nên mĩm cười.

Không dây dưa, nên tích cực.

Không khoe mình, nên khiêm tốn.

Không lường gạt, nên thành tín.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Cộng đoàn: Trường học yêu thương

CỘNG ĐOÀN: TRƯỜNG HỌC YÊU THƯƠNG


 
Học và hành luôn đi đôi với nhau, đó là chìa khoá cho sự thành công, có một số người trời phú cho sự thông minh học đâu thuộc đó, nhưng để sử dụng cái máy tính nhân chia số thập phân, thì chẳng biết bấm nút nào cho nó đúng! Cũng có người lái xe mô tô, chạy xe hơi ào ào, đến khi xe không khởi động máy, thì chẳng biết đường nào mà rờ, đem tới thợ coi ra sao, té ra là đã khoá…xăng ! Anh ta chưa hiểu lý thuyết vận hành của xe cộ !

Có một vài giáo dân thuộc làu làu mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu điều răn Hội thánh; khi dự thánh lễ cha chưa giảng thì đã hiểu nội dung của bài Phúc Âm. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì họ sống y như là người chưa biết chút gì về Lời Chúa: chửi thề, phóng túng, rượu chè, cờ bạc.v.v…họ chưa thực hành Lời Chúa, và họ bị người ta cho là “đồ vô đạo”.

Không có môi trường nào để học và thực hành đức ái tốt cho bằng trong cộng đoàn, bởi vì cộng đoàn là nơi để chúng ta học tập yêu thương, thực hành yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương.

1. Học tập yêu thương:

Cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu hay một cộng đoàn tu hội đời, là một gia đình mà các thành viên trong cộng đoàn “không liên hệ huyết thống” gì với nhau như gia đình thân bằng quyến thuộc của mỗi người, cho nên, khi gia nhập cộng đoàn là chúng ta tách mình ra khỏi tình cảm huyết nhục cha mẹ, anh em, chị em, để chúng ta sát nhập vào một gia đình mới, không phải cùng huyết thống, mà là liên hệ trong đức tin, đó chính là làm con cái của tổ phụ A-bra-ham.

Ở trong cộng đoàn mới nầy, chúng ta phải học tập yêu thương những người mà trước đây mình không quen biết, thương yêu để nhẫn nhục vì tính kiêu ngạo, khó chịu của chị em, anh em; học tập yêu thương để yêu thương những khuôn mặt cay cú quạu vọ của người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

Bởi vì không ai tin chúng ta khi chúng ta dạy người khác phải yêu thương nhau, mà chính chúng ta lại chưa biết yêu thương người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

2/ Thực hành yêu thương:

Linh mục Vincent Lebbe, người sáng lập bốn tu hội, cộng đoàn đã nói: “Thật yêu người tức là luôn luôn làm cho người ta trước, sau đó đến mình, khiến cho người ta tự mình được an ủi thật sự và ích lợi thật sự”.

Để trở thành một Ki-tô hữu chân chính, thì không những phải học yêu thương mà còn là phải thực hành yêu thương. Học tức là suy tư, biện luận, phản bác, có nghĩa là dùng lý trí để suy xét, nhưng học yêu thương thì không phản bác, không biện luận, không xét nét gì cả, mà chỉ có dùng trí khôn ngoan để tìm cách thi hành đức ái sao cho hoàn hảo nhất mà thôi.

Đức Chúa Giê-su chết trên thập giá vì yêu nhân loại tội lỗi, Ngài đã không phản bác, không biện luận, không xét nét, nhưng đã chọn cái chết khốc liệt nhất để yêu và cứu chuộc nhân loại. Cũng có nghĩa là Ngài đã làm cho nhân loại trước: được cứu chuộc; sau đó đến mình: hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại bằng sự phục sinh vinh hiển. Ngài đã thực hành yêu thương.

Nơi lý tưởng nhất để thực hành yêu thương chính là trong cộng đoàn của chúng ta.

3/ Nuôi dưỡng yêu thương:

Đi truyền giáo tức là đi đến nơi mà chúng ta chưa biết chưa quen, ở với một dân tộc hoặc một địa phương mà phải mất nhiều năm chúng ta mới thích nghi được với đời sống của họ. Tóm lại là vô cùng khó khăn, nhưng khó khăn và cảm thấy bị bỏ rơi nhất chính là khi chúng ta bị nỗi đơn dày vò, chính vì vậy mà có rất nhiều anh em, chị em đã ra đi không trở lại.

Cộng đoàn chính là nơi nuôi dưỡng yêu thương, để khi chúng ta ra đi gặt hái trên cánh đồng truyền giáo, gặp những khó khăn, đau khổ, chúng ta lại được bồi dưỡng tinh thần, giải toả những khó khăn, tìm lại được giây phút yêu thương đầm ấm ngay trong chính cộng đoàn của mình. Vì hiểu được điều ấy, mà có một số dòng tu có một nội quy rất dễ thương: các thành viên sau ba năm phục vụ ở ngoài xã hội, thì trở về nhà dòng mẹ từ ba đến bốn tháng để nghỉ ngơi, bồi dưỡng tinh thần cũng như sức khoẻ…

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi, nhưng hãy hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Nếu chúng ta chưa tìm được nơi cộng đoàn sự yêu thương, thì nên tự hỏi mình: tôi đã làm gì cho cộng đoàn của tôi để đức Ái được phát triển?

Học tập yêu thương và thực hành yêu thương, chính là dấu hiệu của người môn đệ của Đức Chúa Giê-su trong thế kỷ 21 nầy vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Được việc hai bên

ĐƯỢC VIỆC HAI BÊN
 
 
 

Nước sông ở nước Vệ dâng cao, nước Trịnh có người giàu có bị chết chìm lúc qua sông.

Có người vớt được tử thi, thân nhân của người giàu có phải lấy tiền để chuộc về, nhưng người ấy đòi giá quá cao.

Gia đình người giàu có đi đến Đặng Kỳ để thỉnh giáo phương pháp. Đặng Kỳ nói:

-         “Để đó cho nó, các anh an tâm đi, nó không dám đem tử thi đi bán đâu.”

Qua mấy ngày liền, người nọ không nghe thấy động tĩnh gì của gia đình người giàu có, tử thi thì không thể đem bán cho ai được nên rất là lo lắng, thế là cũng đi đến Đặng Kỳ để thỉnh giáo.

Đặng Kỳ nói:

“Anh an tâm đi, tử thi đó người khác không cần, nhưng gia đình thân thuộc của ông ta rất cần mua nó.”
( Lữ thị xuân thu)

Suy tư:

Vật cần thiết, thì dù giá mắc cách mấy người ta vẫn cứ mua; nhưng nếu không có nhu cầu, thì dù có đẹp và rẻ đến đâu thì người ta cũng không mua, bởi vì không cần thiết.

Nhiều người có tiền của đôi lúc không biết làm gì, chỉ biết hưởng thụ, hưởng thụ bao gồm: hưởng thụ bằng con mắt, tức là coi những hình playboy, hình mỹ nữ, hặc những hình ảnh mỹ thuật khác; hưởng thụ bằng miệng, khẩu vị , tức là ăn uống cho thoả thích những đồ mình thích và nếm thử những đồ mình không thích; hưởng thụ bằng lỗ tai, tức là đi nghe nhạc thính phòng, nghe nhạc đời nhạc đạo, nhạc karaoke; hoặc là hưởng thụ bằng tính tò mò để thoả mãn cái thích của mình như mua sắm những thứ không cần thiết…

Cái cần thiết nhất cho đời sống con người mai sau, tức là phần rỗi linh hồn thì ít người cần đến, tiên tri I-sai-a đã nói;

“ Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã đến đây!

Dầu không có tiền bạc, cứ mua mà dùng;

Đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.

Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,

Tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?

Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,

Được thưởng thức cao lương mỹ vị.” ( Is 55, 1-2)
Cao lương mỹ vị chính là Mình và Máu của Đức Chúa Ki-tô, là cái tối cần thiết cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta. Không tiền bạc mà vẫn được mua, được hưởng, thì quả là tình yêu Thiên Chúa vượt hơn sự tưởng tượng của chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Nói dối được thưởng

NÓI DỐI ĐƯỢC THƯỞNG
 
 

Nước Tề đem quân đi đánh nước Tống, Tống vương liền sai sứ giả đi quan sát trước, sứ giả trở về báo cáo:

-         “Quân Tề cách chúng ta rất gần, làm cho nhân dân nơm nớp lo sợ.”

Tả hữu nói với Tống vương: “Đó là thịt vữa, tự nó sinh dòi bọ! Tống vương hùng mạnh, nước Tề nhược tiểu, làm sao có thể như thế được chứ ?” Tống vương bèn giết sứ giả.

Lại sai sứ giả khác đi quan sát quân Tề, sứ giả trở về báo cáo tình huống cũng giống như lần trước, Tống vương lại nổi giận đem sứ giả giết đi, tổng cộng giết hết ba người.

Lại sai người thứ tư đi quan sát, thấy quân Tề rất gần, lòng người rất lo sợ, sứ giả gặp người anh của mình, nói:

-         “Những người trước đây báo tin quân Tề đã đến gần đều bị đại vương giết chết. Nếu em cũng thực tình báo cáo như thế thì cũng sẽ bị giết chết, không báo cáo thực tình thì quốc gia cũng bị diệt vong, làm sao đây?”

Người anh nói:

-         “Nếu báo cáo sự thật thì em cũng chết trước người khác”. Thế là sứ giả nói láo với Tống vương: “Nhìn không thấy quân Tề đâu cả, dân chúng rất yên ổn.”

Tống vương rất là phấn khởi, tả hữu cũng phụ hoạ theo, nói:

-      “Ba tên sứ giả trước bị giết rất là đáng đời”.

Tống vương bèn thưởng cho sứ giả rất nhiều vàng bạc.

Nước Tề đánh qua, Tống vương không kịp trở tay nghênh chiến, liền vội vã lên xe tháo chạy. Người nói dối được thưởng đó liền đi qua thành khác và trở thành người giàu có.
(Lữ thị xuân thu)   

Suy tư:

Tội nói dối, xét cho cùng thì không phải bản tính con người mà ra, nhưng do hoàn cảnh mà con người trở thành nói dối.

Trong gia đình, nếu cha mẹ giáo dục con cái hiền hoà, có nghĩa là không la mắng, dùng roi vọt hay giận dữ với con, vì khi lỡ làm sai, con cái rất sợ bị đánh nên nói dối cha mẹ. Vì thế, cách hay nhất là cha mẹ bình tĩnh khi con cái phạm lỗi, dù là tội to lớn.

Trong cộng đoàn, nếu bề trên khắt khe, cái gì cũng chiếu theo luật để xử lý, để cảnh cáo, thì những thành viên trong cộng đoàn sẽ trở thành những người nói dối “có trình độ”. Nếu bề trên biết kiên nhẫn lắng nghe, tìm hiểu sự thật và nhất là đừng nghe một bên nào rồi khắt khe lên án và kỷ luật thành viên, thì trong cộng đoàn sẽ không có những thành viên vì sợ mà nói dối. Đôi lúc sự việc không nghiêm trọng như bề trên nghĩ, nhưng vì quá coi trọng hình thức bên ngoài, mà không nhìn thấy bản chất của người anh chị em, nên có rất nhiều thành viên ra đi không trở lại.

Nghe, suy tư và đánh giá là nhiệm vụ của cha mẹ, của bề trên, nhưng cần phải có một con mắt để nhận xét và nhìn thấy tâm hồn của người khác, để mọi phán đoán của mình không những được chính xác, mà còn đem lại niềm an ủi đến cho họ.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Thật thật giả giả

THẬT THẬT GIẢ GIẢ
 

 

Ở thôn Lê Khâu có một con quỷ, thích giả làm con cháu, anh em của người ta để chọc ghẹo người đi đường.
Trong thôn có một ông già đi họp chợ và uống ruợu say, đang lắc la lắc lư trở về nhà, con quỷ thôn Lê Khâu nọ hoá giả làm đứa con trai của ông lão, đứng bên đường dìu ông về nhà và lớn tiếng thoá mạ ông.
Về đến nhà, ông vừa tỉnh rượu thì lớn tiếng chửi con:
-         “Tao là ba của mày, lẽ nào yêu thương mày không đủ? Khi tao say xỉn trên đường, thì mày lại mắng chửi tao, tại sao vậy?”
Đứa con trai khấu đầu, khóc:
-         “Chuyện này thật không có, ba có thể đi hỏi người hàng xóm thì sẽ rõ.”
Ông già chợt tỉnh nói:
-      “Ờ, nhất định là tên quỷ quái ấy gây lộn xộn.”
Ngày hôm sau, ông già lại cố ý đi uống rượu say, và muốn giết quách tên qủy quỷ ấy. Ông ta say lúy túy trở về nhà, đứa con trai sợ ông đi không nổi, bèn bước lại gần để dìu ông, bất thình lình ông ta rút kiếm giết chết đứa con trai mình.
(Lữ thị xuân thu )  
Suy tư:
Trong cuộc sống chúng ta cũng thường gặp rất nhiều ma qủy giả dạng, nhưng không phải giả dạng người khác để chọc ghẹo người ta, mà giả nhân giả nghĩa để lấy lòng người khác, để xu nịnh và thủ lợi cho mình.
Hạng ma quỷ này xét cho cùng cũng là con đẻ của ma quỷ chính cống của hoả ngục, nó dùng cử chỉ khiêm tốn với người trên, dùng lời nói nhẹ nhàng để mị người ngang hàng, nó dùng những lời an ủi rất hay để đánh động lòng người gặp chuyện không may, nhưng hể đụng chạm đến quyền lợi cá nhân của mình thì mắt trợn ngược, môi bậm lại và chửi toáng lên.
Hạng ma quỷ này khi đã có chức có quyền thì lại coi ai không ra gì, luôn phê phán người này kẻ nọ, đi đến đâu thì dương dương bộ mặt hách dịch lên trời, nói năng trịch thượng ra vẻ ta đây cũng có uy thế và có quyền như ai !? Hạng ma quỷ này ở đâu cũng có và thời nào cũng có, mà có nhiều nhất là trong cộng đoàn giáo xứ, và nơi các cộng đoàn tu trì.
Dấu hiệu để cho chúng ta thấy loại ma quỷ này là họ hách dịch với anh chị em, ngổ ngáo với bề trên, và khi không đạt được mục đích của mình thì phê bình bề trên và người khác trong cộng đoàn.
Nói tắt cho dễ hiểu là “kiêu ngạo”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư




Vì nước mà yêu mạng sống

VÌ NƯỚC MÀ YÊU MẠNG SỐNG
 
 
 

Nhung Di phản bội nước Tề bỏ chạy qua nước Sở, đúng lục gặp thời tiết khô hanh, cửa thành nước Sở lại đóng kín, nên đành phải ngủ ngoài trời cùng với đệ tử.

Nửa đêm hàn khí lạnh thấu xương, Nhung Di nói với đệ tử:

-         “Con cởi áo đưa cho thầy mặc thì ta mới không bị chết cóng; ta cởi áo cho con mặc, con cũng có thể duy trì sự sống. Ta là trí thức của nước nhà (nhân tài của quốc gia), vì bá tánh mà ta phải quý trọng sinh mệnh của mình; con là người thấp kém không giống như ta, nên không cần phải qúy trọng thân thể mình, con nên đưa áo của con cho ta mặc.”

Đệ tử trả lời:

-         “Con là người thấp kém không giống ai, làm sao có thể có phẩm chất cao thượng mà dám cở áo cho người trí thức quốc gia được chứ?”

Nhung Di thở dài nói:

 “Ái dà! Lý tưởng xã hội của ta, xem ra không dễ thực hiện được.”

Nói xong, liền cởi áo cho tên đệ tử, nửa đêm thì bị chết cóng, mà tên đệ tử thì lại sống.
(Lữ thị xuân thu)

Suy tư:

Người có học thì thời buổi nào cũng được nể nang, nể nang chứ không phải kính trọng hoặc kính nể. Nhưng được mọi người kính trọng và kính nể chưa chắc là người học rộng, mà là do đạo đức và cuộc sống công chính của họ khiến cho mọi người đem lòng yêu mến kính trọng.

Người ta phân biệt: người có học là người có...đi học, thường là bậc trung học; nhưng để được coi là người trí thức thì phải bậc đại học trở lên, và muốn được người khác kính trọng thì phải có đạo đức đi kèm.

Xã hội thì luôn tìm người tri thức để trọng dụng, giữa người với người thì nể nang nhau không những bằng tri thức mà còn vì tình cảm đạo đức, mất đi đạo đức thì chỉ là nét giả tạo bên ngoài mà thôi.

Trước mặt Thiên Chúa người có học hay không có học, người trí thức hay không trí thức thì đều giống nhau, chỉ khác nhau ở một điểm: “Ai là người kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương người thân cận như chính mình” mà thôi, điều đó là quan trọng số một, chứ không phải vì mình là “trí thức của nước nhà” mà được quý trọng.

Bởi vì có nhiều trí thức của nước nhà, nhưng lại là những người tham nhũng, hối lộ, bất tài và gian dối...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Những lời khuyên cho mình

NHỮNG LỜI KHUYÊN CHO MÌNH
 
 

Dù quá bận thì cũng phải chăm lo cho bản thân mình.
Dù không thường liên lạc với bạn bè, nhưng vẫn cứ nhớ đến họ.
Khi trời lạnh nhớ mặc nhiều áo.
Ít uống trà sữa và không ăn mì gói khi vừa mới nấu xong.
Tránh xa
nơi chỗ đang sạc điện.
Ban ngày uống nhiều nước, ban đêm thì uống ít.
Một ngày không uống quá ba ly cà phê.
Ít ăn thức ăn có nhiều mỡ.
Ngủ từ mười giờ tối đến sáu giờ sáng là tốt nhất.
Sau năm giờ chiều thì không nên ăn nhiều.
Mỗi ngày uống không quá một ly rượu.
Không dùng nước lạnh (nước đá) đựng trong túi nhựa.
Uống thuốc nửa giờ trước khi ngủ thì kiêng không lập tức nằm xuống.
Ngủ không đủ tám tiếng thì người biến thành ngu ngơ.
Người có thói quen ngủ trưa không dễ già.
Khi điện thoại di động sắp hết pin thì không nên gọi.
Khi điện thoại di động sắp hết pin thì bức xạ tăng gấp một ngàn lần bình thường.
Nên dùng tai trái để nghe điện thoại di động.
Dùng tai phải sẽ làm thương tổn trực tiếp đến đại não.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch từ tiếng Hoa

Du học

DU HỌC
 
 

     Truyền hình và báo chí Taiwan đăng tin: hốt trọn ổ gái mại dâm trá hình ở vũ trường X… tại Taichung, trong đó có hai cô tự nhận là sinh viên người Việt qua du học.

Thời nay tri thức – vật chất – danh dự, cả ba đều không bằng hai chữ: hưởng thụ.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 

Linh mục chui

LINH MỤC CHUI
 
 
 

     Ngài là một linh mục chui[1] học chưa xong thần học, nhưng được một giám mục già đặt tay truyền chức linh mục.

     Ngài giúp mục vụ cho giới trẻ trong một giáo xứ nhỏ ở Sài Gòn, có một chiều chủ nhật trước khi nhậu một can nhựa 10 lít rượu đế với đám thanh niên, thì ngài chủ sự chầu phép lành Mình Thánh.

Ngài đi xiêu vẹo lên bàn thờ, đứng không vững để đặt mặt nhật (hào quang), mặt ngài đỏ kè, nồng nặc mùi rượu...

Chầu phép lành xong, một giáo dân trí thức tức giận nói:

-         “Cái thứ linh mục học hành không đến nơi đến chốn”.

Đau thật.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 





[1] “Linh mục chui” là dùng để chỉ các linh mục được phong chức mà không công khai, chỉ có giám mục truyền chức và các ngài hoặc một ít bà con biết mà thôi. “Linh mục chui” thì có nhiều loại: đã học hết chương trình triết và thần của Giáo Hội, hoặc chỉ mới học một vài môn triết hoặc thần học, thì giám mục cho chịu chức để phục vụ Giáo Hội trong hoàn cảnh khó khăn.

Giả mạo

GIẢ MẠO
 
 

     Cha đi tu mặc áo dòng chụp hình kỷ niệm, bà con của cha nói cha mặc áo dòng giả để chụp hình; ngày cha chịu chức linh mục ở nước ngoài, bà con của cha nói cha chịu chức giả; cha về quê làm lễ tạ ơn, bà con cũng nói cha làm lễ giả...

     Vì gia đình của cha quá nghèo, ông bà cố nghèo nhất trong các anh chị em của mình, thì làm gì có tiền để cha học đại học và làm linh mục, cho nên bà con hy vọng chuyện cha làm linh mục là chuyện không có thật, nhưng thật sự cha là linh mục chính hiệu được giám mục chính địa phận đặt tay truyền chức.

     “Đối với Thiên Chúa thì không có việc gì mà không thể...”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.