Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Chúa nhật 5 thường niên



CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Mc 1, 29-39
“Đức Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su xuất hiện như vị cứu tinh của người nghèo, người bệnh tật và người bị quỷ ám, Ngài đã trở thành vị cứu tinh của họ, bởi vì không một ai chạy đến với Ngài mà trở về tay không. Nhưng đồng thời Đức Chúa Giê-su xuất hiện cũng như là cái gai trong mắt của những người biệt phái và những người kinh sư thông luật, bởi vì lời giảng dạy của Ngài làm cho dân chúng thích thú tin theo, và lòng họ nhận được một niềm an ủi trong kiếp sống lầm than khổ cực và đầy bệnh tật.

Đức Chúa Giê-su chữa bệnh
Ngài chữa bệnh không như các lương y thời ấy và các bác sĩ thời nay. Các lương y và bác sĩ chữa bệnh nơi thân xác, còn Ngài chữa lành tâm hồn trước và đồng thời cũng làm cho thân xác được khỏe mạnh; các bác sĩ và lương y thì cho hết toa thuốc này đến phương thuốc nọ, mà bệnh nhân đôi lúc vẫn không thuyên giảm; còn Ngài chỉ nói một lời, đụng đến người bệnh, thì họ lập tức lành bệnh, Ngài không nại đến quyền năng của ai cả, nhưng tự nơi Ngài một quyền uy phát ra làm cho mọi bệnh tật tiêu tan, vì Ngài chính là Thiên Chúa.

Các lương y và bác sĩ thì treo bảng quảng cáo tài nghệ của mình để chiêu dụ bệnh nhân, còn Ngài thì lại cấm bệnh nhân không được nói với ai về việc mình đã được lành bệnh, nhưng càng cấm thì thiên hạ càng đua nhau loan truyền công việc kỳ diệu mà Ngài đã làm cho họ, chính vì điểm này mà người biệt phái tức tối, ghen tương và giết chết Ngài trên thập giá. Người ta sợ Ngài tranh giành ảnh hưởng với họ.

Đức Chúa Giê-su là người linh mục hôm nay
Người ta mua một chiếc xe mới liền đến xin linh mục làm phép xe cho họ; người ta mua một ảnh tượng mới cũng tới xin linh mục làm phép cho họ; người ta mới cất một căn nhà đẹp cũng đến xin linh mục làm phép nhà cho họ; linh mục đến thăm nhà, họ cũng mời linh mục chúc lành cho họ và gia đình. Không phải người ta tin dị đoan, nhưng người ta tin Đức Chúa Giê-su nơi con người của linh mục –người đã được đặt tay và xức dầu thánh để chúc lành- người ta xác tín linh mục là người của Đức Chúa Ki-tô đang thay mặt Ngài để giáng phúc cho họ, do đó, dù biết rằng linh mục vẫn chỉ là một con người như họ, có những bất toàn và những thói hư tật xấu, nhưng họ vẫn tin tưởng và yêu mến Đức Chúa Ki-tô nơi vị mục tử của mình.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su chính là người linh mục hôm nay, Ngài đang vất vả khó nhọc kiếm tìm con chiên lạc trong giáo xứ của mình; Ngài đang âm thầm cầu nguyện cho những con chiên nghèo đói của mình có được cuộc sống hạnh phúc; Ngài đang bị sỉ nhục trên đường công tác mục vụ, Ngài đang bị chống đối bởi những thế lực ma quỷ nơi những con người đã từng chống đối Giáo Hội, Ngài đang buồn sầu vì có những mục tử không như Ngài biết yêu mến và phục vụ đàn chiên của mình...

Đức Chúa Giê-su cũng chính là các linh mục, là lương y chữa lành các tâm hồn bệnh hoạn bởi tội lỗi, bởi vì khi cử hành các mầu nhiệm thánh và các bí tích thì các ngài nhân danh Đức Chúa Giê-su, chứ không nhân danh chính cá nhân mình để cử hành, do đó mà Đức Chúa Giê-su hành động trong hành động cử hành của linh mục, để tuôn đổ ơn sủng của Ngài trong mỗi cử hành mầu nhiệm cứu độ.

Gợi ý suy tư:
1-   Tôi là linh mục của Đức Chúa Giê-su, trong công tác mục vụ, đôi lúc tôi bị ngay chính giáo dân của tôi chống đối, phê bình, tôi có nhận thấy Ngài nơi con người họ hay không ?

2-   Tôi là người Ki-tô hữu, có những lần tôi nghe nói linh mục này bê bối lăng nhăng, linh mục kia không chu toàn bổn phận của một mục tử, và thậm chí tự mắt tôi nhìn thấy linh mục nọ hạnh kiểm không tốt... Những lúc như thế, tôi có nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su nơi các ngài không ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Người chậm chạp



NGƯỜI CHẬM CHẠP
Có một người tính rất chậm chạp đang cùng với người bạn vây quanh bếp lò để sưởi ấm.
Anh ta nhìn thấy góc áo của bạn bị lửa đốt, bèn chậm rãi nói từng chữ:
-         “Có một chuyện tôi đã thấy trước muốn nói với anh, nhưng lại sợ tính khí của anh nóng nảy; nhưng nếu không nói cho anh biết, thì lại e rằng anh bị tổn thất, anh coi, tôi có nên nói cho anh biết hay là không nên nói cho anh biết ?”
Người bạn hỏi:
-      “Có chuyện gì thế ?”
Anh ta trả lời:
-      “Áo của anh bị cháy rồi đó”.
Người bạn vừa nhìn xuống thì áo đã bị cháy một mảng lớn. Anh ta vừa giập lửa vừa tức giận mắng:
-      “Tại sao anh không nói sớm ?”
Người tính chậm chạp nói:
-         “Tôi nói anh tính rất nóng nảy, quả thật không sai !”
                     (Tịch Xuyên tiếu lâm)

Suy tư:
     Người ta nói “chậm như rùa”, nhưng trong dân gian có câu chuyện rùa chạy thi với thỏ và rùa đã thắng; người ta nói “chậm như sên” để chê những người có tính chậm chạp, nhưng chậm chạp đến độ lửa cháy đến bên mà vẫn rì rà nói vòng vo tam quốc thì không phải là chậm chạp nữa, mà là đầu óc có vấn đề.
     Chậm chạp và cẩn thận thì không giống nhau, chậm chạp là làm cái gì cũng chậm rì, dù cho có phương pháp làm thì cũng thế, cũng vẫn cứ chậm, nhưng người cẩn thận thì thận trọng trong công việc, trong lời nói, và phải suy nghĩ nên công việc của họ có khi chậm đôi chút, chậm nhưng hiệu quả.
Không ai cẩn thận cho bằng các linh mục và các tu sĩ nam nữ, bởi vì những ngôn hành của họ có thể ảnh hưởng lâu dài trên người khác; bởi vì cuộc sống của họ là một chứng nhân tình yêu của Chúa, nên họ không thể tự cho mình cái quyền “bừa bải” trong cuộc sống.
Có một vài linh mục cũng có tính “chậm như rùa”, không phải chậm vì tính toán, cũng không phải chậm vì công ăn việc làm, nhưng “chậm” khi có giáo dân đến mời đi “kẻ liệt”, “chậm” khi có người ốm đau muốn xưng tội tại nhà hay tại bệnh viện, “chậm” khi giáo dân đứng xếp hàng dài trước toà cáo giải để đợi cha sở ngồi toà, nhưng ngài nói chưa đúng giờ và đang coi TV đang chiếu trận túc cầu thế giới...

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải tỉnh thức và cầu nguyện, cũng có nghĩa là Chúa dạy chúng con phải nhanh nhẹn, mau chóng chu toàn bổn phận của mình, bổn phận của chúng con là những mục tử, nhưng có những lúc vì tính so đo hơn thiệt, vì tính ngại khó trong chúng con đã làm cho chúng con trở nên ươn lười và chậm chạp trong công tác mục vụ. Xin Chúa ban cho chúng con có tinh thần hăng hái phục vụ Chúa trong tha nhân, có tình yêu Chúa trong khi phục vụ, dù cho việc mà chúng con làm ấy không có lợi gì cho thân xác chúng con, nhưng đem lại niềm vui cho mọi người. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Vẽ người thành quỷ


VẼ HÌNH NGƯỜI THÀNH QUỶ
Ngày xưa có một người, nhưng thật ra là quỷ.
Một hôm, ông ta mời một hoạ sư đến vẽ chân dung, sau khi vẽ xong liền nhìn và cảm thấy không hoàn toàn giống mình, bèn để cho hoạ sư vẽ lại. Vẽ rất lâu mới xong, ông ta liền cầm lấy bức hoạ mới vẽ để xem, nhưng vẫn cảm thấy không giống mình, liền nói hoạ sư vẽ lại. Vẽ liên tiếp bốn năm lần mà vẫn không thật giống mình, ông ta mới nghĩ rằng nên nói hoạ sĩ vẽ mình thành quỷ mới được.
Hoạ sư cảm thấy bị căng thẳng bèn chỉ vào mặt người ấy nói:
-         “Tôi đã cố hết sức để vẽ ông cho đẹp, ông không những không coi trọng cái tình cảm ấy, lại còn nói tôi đem ông vẽ thành quỷ, nếu tôi nghe lời ông mà vẽ, thì còn thật giống người sao ?”
                           (Đạo Sơn Thanh thoại)

Suy tư:
     Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, chứ không phải là hình ảnh của ma quỷ, và càng không thể sống theo lối sống của ma quỷ được. Hình ảnh của Thiên Chúa chính là yêu thương, là khoan dung, là bác ái, là phục vụ, là hi sinh và cuối cùng là trở nên niềm vui cho mọi người.
     Chúng ta không thể và không được phép hoạ lại hình ảnh ma quỷ trên con người của tha nhân, có nghĩa là chúng ta không thể vì một phán đoán cá nhân hay vì một vài ghen tị nhỏ nhen mà nói anh em chị em là những phường tội lỗi, là con cái ma quỷ. Nhưng chúng ta cần phải hoạ hình của anh em chị em thành hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương, đó là khi chúng ta nhìn thấy những ưu điểm của họ và khuyến khích nâng đỡ họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống của mình.
     Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, tuy nhiên ma quỷ cũng có thể hoạ lại hình ảnh của nó trên linh hồn của chúng ta, nếu chúng ta thích “đùa” với nó.
Ai cũng muốn mình giống hình ảnh của Thiên Chúa,  nhưng muốn mà không chịu sống tốt lành như Thiên Chúa dạy, thì chăc chắn là sẽ nên giống ma quỷ, mà ma quỷ thì không cần phải trau chuốt làm đẹp, vì tự nó đã xấu rồi.

     Ai hiểu thì hiều.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đổi sách lấy cổ vật



ĐỔI SÁCH LẤY CỔ VẬT
Có một người rất thích đồ cổ.
Năm nọ, trong nhà đã đến giai đoạn ăn ngày nay lo ngày mai, thế là liền đem tài sản của gia đình được hơn một ngàn đồng đi mua sách, rồi lại gồng gánh đi bán.
Đi được nửa đường, có một thư sinh rất thích mấy quyển sách ấy, nhưng trong tay không có tiền, liền muốn bán một vài thứ đồ vật cổ bằng đồng trong nhà.
Sau khi nhìn thấy đồ cổ, người ấy liền cùng với thư sinh đến hai bên trao đổi giá cả, khi người bán sách khiêng đồ đồng cổ kêu leng keng về nhà, bà vợ bèn mắng cho một trận, nói:
-         “Ông đổi những thứ này về, đến lúc nào thì có thể biến thành cơm để ăn ?”
Người ấy giận dữ, nói:
-          “Hắn ta đổi những thứ ấy của tôi, thì đến bao giờ có thể biến thành cơm để hắn ăn chứ ?”
                                (Đạo Sơn Thanh thoại)

Suy tư:
     Đời sống con người ta cũng có những lúc đem cái danh dự để đổi lấy cái nhục nhã, có những lúc đem cái sở trường để đổi cái sở đoản, mà không nghĩ hậu quả xảy đến cho mình, cho anh em.
     Có rất nhiều lần chúng ta đem cái phúc trường sinh trên trời để đổi lấy cái hoạ đời đời trong hoả ngục, đó là khi chúng ta vì quá bon chen với đời mà đánh mất đức tin của mình; có những lúc chúng ta đem Bánh Hằng Sống để đổi lấy của ăn chóng qua khi chúng ta vì -mãi lo cơm bánh cho phần xác- mà không màng đến việc đón nhận lương thực bởi trời là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ít nữa là trong ngày chủ nhật.

     Tất cả những của cải, danh dự, địa vị, học lực ở trần gian đều không thể trở thành Bánh Hằng Sống để cho chúng ta ăn, nhưng nhờ ăn Bánh Hằng Sống mà chúng ta có thể thánh hoá chúng nó trong đức tin của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Giải sai bài thơ cổ


GIẢI SAI BÀI THƠ CỔ
Trước đây, có một đệ tử đọc “Kí hiệu đọc sách Thành Nam” của Hán Văn Công, khi đọc đến “Hoàng Lạo không có căn nguyên” (hoàng lạo đọc trại giữa âm là Hoàng Lão, câu này có nghĩa là: nước tích trử ở trên mặt đất là không có căn nguyên) thì không hiểu nghĩa, bèn đi hỏi sư phụ.
Sư phụ giải thích, nói:
-         “Lâu nay Hán Văn Công không thích học “Hoàng Lão”, nên nói học nó là không có căn nguyên, lẽ nào con không nghe nói Hán Văn Công vì chuyện này mà bị chê hay sao ?”
Người nghe được như thế thì cười to lên.
                                      (Tuý Ông đàm lục)

Suy tư:
     Người ta thường nói “nói có sách mách có chứng”, làm học trò nói không có chứng cớ sách vở thì người ta cũng đã chê cười, huống chi là ông thầy dạy học nói mà không có sách !
     Đời sống tâm linh của chúng ta cũng thế, có nhiều lần chúng ta khoe khoang với mọi người về tài hiểu biết Kinh Thánh của mình, thậm chí có lúc chúng ta phê bình chỉ trích nhóm học Kinh Thánh này chưa thông, nhóm họp Kinh Thánh nọ chưa đạt, nhưng cuộc sống của chúng ta không dựa trên Kinh Thánh mà chúng ta đã học, có nghĩa là chúng ta “nói không sách, mách không chứng”.
Chúng ta “nói không sách” vì chúng ta đã nói những lời mất lòng người khác, nói những lời kiêu ngạo mà không ai có thể chấp nhận được; chúng ta “mách không chứng” vì chúng ta đã sống như những người chưa hề quen biết Thiên Chúa, và thái độ của chúng ta đối với tha nhân thì y như người chưa hề nghe qua một câu Kinh Thánh một câu Lời Chúa nào cả !
Chúng ta không cần “nói có sách” để người khác nghe theo điều mình rao giảng, bởi vì khi chúng ta đã thực sự sống Tin Mừng giữa xã hội này, thì sách chính là cách sống đạo của chúng ta vậy, và chúng ta cũng không cần “mách có chứng”, bởi vì những gương lành thánh thiện của chúng ta đã thực thi cho tha nhân trong cuộc sống chính là “mách có chứng rồi vậy.

Thiên Chúa không cần chúng ta nói nhiều hay báo cáo kết quả về công việc bác ái từ giờ này qua giờ khác cho người khác nghe, nhưng Ngài muốn chúng ta làm với tất cả lòng khiêm tốn và trong thinh lặng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Ghen của Triệu Thị


GHEN CỦA TRIỆU THỊ
Vợ của Dương Lang Trung là Triệu Thị, vốn có tính ghen rất đặc biệt, làm cho các bà vợ bé không dám đến gần Dương Lang Trung.
     Một hôm, Dương Lang Trung đọc bài thơ “Mao” và thơ “Châu Nam” như sau:
-         “Mộc”, hậu phi ôn hòa, nói năng an hoà mà lòng không ghen ghét”, “không ghen ghét thì con cháu đông đúc, không ghen ghét thì nam nữ sẽ đứng đắn”.
Triệu Thị hỏi:
-      “Đó là sách gì  ?”
Dương Lang Trung nói:
-      “Đây là tập thơ “Mao”.
Triệu Thị lại hỏi:
-      “Sách ấy ai viết ?”
Lang Trung trả lời:
-      “Ấy là do Châu công viết ?”
Triệu Thị nói:
-         “Nếu là vợ của Châu công viết thì nhất định sẽ không nói như thế !”
                                (Tuý Ông đàm lục)

Suy tư:
     Đối với người chồng thì không ai đẹp và dịu dàng cho bằng vợ của mình, đối với người vợ thì không ai xấu xí dị hợm cho bằng người tình của chồng mình.
     Hình như đang trong thời kỳ yêu nhau và trước khi cưới nhau, thì cái ghen của đàn bà con gái có “văn minh” một tí, có nghĩa là không ầm ỷ hét la; nhưng có lẽ sau khi cưới hỏi, nghĩa là đã trở nên vợ chồng rồi, thì cái ghen của họ lại “man rợ” hơn, có nghĩa là họ không còn giữ kẻ nữa, mà hét la, chửi bới, mắng nhiếc bất kể...mình là ai, là thân phận gì, là người công giáo hay là ngoại đạo, là người biết Chúa hay là người chưa biết Chúa...
     Hoa hồng không biết ghen tương khi người ta ngắm và khen ngợi hoa hướng dương đứng kề bên nó, trái lại nó vẫn tươi cười khoe sắc toả hương làm cho người khó tính cũng phải trầm trồ tán dương và thưởng thức nó. Cũng vậy, người phụ nữ được Thiên Chúa tạo dựng không như tạo dựng người đàn ông –được tạo dựng từ xương sườn của người chồng- đây là một bằng chứng rõ ràng nhất để cho chúng ta thấy ra được ý định của Thiên Chúa: dù muốn dù không ông chồng vẫn luôn luôn yêu thương vợ mình hơn bất cứ người nào, dù ông chồng có bị cám dỗ, hay bị dụ khị, thì cuối cùng ông ta vẫn thấy không ai bằng vợ con mình. Có điều, người vợ có nhận ra điều đó để thông cảm, yêu thương và giúp đỡ chồng “cải quá tự tân” không mà thôi.

     Yêu thương làm cho người khác biết nhìn lại bản thân mình để đổi mới, mà ghen tương thì không thể cải hoá lòng người, nhưng càng làm cho người ta thêm bực mình và càng thêm xa lánh mình hơn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư