Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Lễ Chúa Thăng Thiên




CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Tin mừng : Lc  28,  16-20.
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”.

Anh chị em thân mến,
Chúa nhật này là lễ Đức Chúa Giê-su thăng thiên, tức là –nói theo các thần học gia- Đức Chúa Giê-su về trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha sau khi hoàn tất việc cứu chuộc nhân loại ở trần gian, nhưng sự cứu độ của Ngài vẫn được tiếp tục qua Giáo Hội khi Ngài ra lệnh cho các tông đồ: Hãy đi giảng dạy muôn dân làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mệnh lệnh này Đức Chúa Giê-su cũng trao cho chúng ta là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để chúng ta trở nên chứng nhân cho Ngài tại trần gian này.

Lên trời hay lên thiên đàng là mục đích sống của chúng ta ở trần gian này: chúng ta đi lễ nhà thờ, chúng ta làm lành tránh dữ, chúng ta làm việc bác ái.v.v... đều là vì mục đích ấy, là được lên thiên đàng hưởng phúc với Đức Chúa Giê-su sau khi từ giả cuộc đời này. Do đó, theo tôi, chúng ta có hai bước phải làm để làm chứng cho Đức Chúa Giê-su:

1.   Hãy đi giảng dạy.
Chúng ta không giảng dạy như các linh mục là dâng lễ Mi-sa, chúng ta cũng không làm việc tông đồ như các nữ tu nơi các trường học, bệnh viện.v.v... nhưng chúng ta rao giảng Tin Mừng bằng cuộc sống của mình, chẳng hạn như: trong gia đình cha mẹ con cái yêu thương nhau, bà con hàng xóm giúp đỡ nhau, siêng năng đi lễ nhà thờ.v.v... đó chính là cách làm chứng hay nhất cho Đức Chúa Giê-su .

2. Chu toàn bổn phận của mình.
Cha mẹ lo chu toàn bổn phận của mình là dạy dỗ con cái biết sống kính mến Thiên Chúa, dạy chúng nó biết yêu quý thánh lễ Mi-sa và rước lễ, dạy chúng nó trở nên người tốt; con cái phải làm tròn bổn phận của mình là thảo kính cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ, anh chị em yêu thương nhau, bởi vì cha mẹ và con cái sẽ phải chịu phán xét trước mặt Thiên Chúa về những bổn phận của mình.

Đức Chúa Giê-su lên trời là chuẩn bị chỗ cho chúng ta ở trên thiên đàng, để khi chúng ta từ giã cõi đời này cũng được các thiên thần Chúa rước đưa về thiên đàng, muốn được vậy, chúng ta cần phải yêu mến những sự trên trời, đó là yêu thương và phục vụ tha nhân như Đức Chúa Giê-su đã làm.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su lên trời là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta, bởi vì nếu Ngài không lên trời thì chúng ta không biết cuộc sống hôm nay của nhân loại sẽ đi về đâu, và đức tin của chúng ta tin vào Ngài chỉ là huyền hoặc mà thôi. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã lên trời thật như lời hai thiên thần nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Chúa Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Ngài lên trời.”[1]

Đức Chúa Giê-su đã lên trời, nhưng Ngài sẽ lại đến trong vinh quang trong ngày tận thế để phán xét người sống cũng như kẻ chết, đó chính là lúc Ngài bày tỏ sự công bằng, nhân từ và uy nghiêm của Ngài cho nhân loại được biết.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Cv 1, 11.

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Hành hương




HÀNH HƯƠNG
Cha sở muốn tổ chức cho giáo dân đi hành hương trong Năm Đức Tin để lãnh ơn toàn xá và để cho giáo dân có dịp gặp gỡ chia sẻ làm quen với nhau.
Ông trưởng ban hành giáo nói: “Thưa cha chỗ đó con đi hoài, cha đổi địa điểm hành hương khác đi.”
Bà trong hội Legio nói: “Thưa cha, chỗ đó không có gì vui cả, đồ ăn lại đắt đỏ nữa.”

Cha sở rất buồn nói với họ: “Các ông bà đi hành hương để lãnh ơn toàn xá hay là đi chơi, đi du lịch ?”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Liên hoan



LIÊN HOAN      

Một em bé gái nói với cha sở:
-         “Thưa cha gia đình con không có tiền để đóng góp, nên lần này con không được rước lễ vỡ lòng.”
Cha sở rất ngạc nhiên, hỏi ra thì mới biết là vì để cho thánh lễ Rước Lễ Vỡ Lòng được trang trọng và nhộn nhịp, các sơ phụ trách kêu các phụ huynh đóng góp một số tiền để chi phí trong thánh lễ và liên hoan.
Cha sở nói với sơ phụ trách:

-         “Đây là ngày lễ trọng đại đối với các em, sơ đừng bắt các em đóng góp gì cả, giáo xứ có bổn phận phải lo cho các em trong những dịp như thế.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Âm thanh từ đâu mà đến


ÂM THANH TỪ ĐÂU MÀ ĐẾN
Giáp hỏi Ất:
-         “Gỗ đánh vào chuông đồng thì phát ra âm thanh, vậy, âm thanh này là do khúc gỗ mà ra hay là từ đồng mà phát ra ?”
Ất trả lời:
-         “Âm thanh đương nhiên là do đồng mà phát ra, nếu anh dùng khúc gỗ mà đánh vào bức tường thấp thì sẽ không có âm thanh”.
Giáp nói:
-         “Chưa chắc, dùng khúc gỗ mà đánh vào giữa nén bạc, thì cũng sẽ không phát ra âm thanh”.
Ất không phục, nói:
-         “Chuông là vật trống rỗng, nén bạc là vật đặc, nói chính xác hơn, âm thanh phát ra từ trong vật trống rỗng”.
Giáp phản bác nói:
-         “Dùng gỗ hay bùn làm cái chuông, thì cũng có thể phát ra sao ?”
Hai người tranh cãi mãi không thôi cho đến khi khàn cả cổ, nói không ra tiếng mới hết tranh cãi.
                                          (Lục Nhất bút kí)

Suy tư:
     Có những cuộc tranh cãi sau khi kết thúc thì chỉ có hận thù; có những cuộc tranh cãi sau khi kết thúc thì chỉ có chia tay đường ai nấy đi; có những cuộc tranh cãi sau khi kết thúc thì chỉ có đau thương, bởi vì tất cả những cuộc tranh cãi ấy không có tình thương và chân lý, cũng có nghĩa là không có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bởi vì tất cả những cuộc tranh cãi ấy đều do quỷ kiêu ngạo hướng dẫn con người ta.
     Chúa Thánh Thần là chân lý, là sự thật, chống đối lại chân lý, cố tình chối bỏ sự thật là xúc phạm đến Thánh Thần.
Thấy những việc tốt lành của người anh em chị em làm cho mọi người, nhưng vì kiêu ngạo, vì ghen ghét, vì thù hận nên đã cố tình xuyên tạc sự thật nơi anh em chị em, thì đó không còn là xúc phạm đến người anh em chị em nữa, mà là xúc phạm đến Thánh Thần, là tố cáo và nhục mạ Thánh Thần, vì Ngài là tình yêu là chân lý và sự thật.

“Lạy Chúa Thánh Thần, trong cuộc sống của chúng con, chúng con đã nhiều lần vì kiêu ngạo và ghen ghét mà vu khống, cáo gian và nhục mạ anh em chị em của chúng con, như thế cũng có nghĩa là chúng con vu khống, cáo gian và nhục mạ Chúa, bởi vì Chúa là Thần Chân Lý, là Sự Thật và là Tình Yêu mà Đức Chúa Giê-su đã chỉ dạy cho chúng con biết. Xin Chúa ban cho chúng con được biết luôn yêu mến sự thật, nhất là những sự thật nơi việc làm của người anh chị em chúng con, để tình yêu của Chúa được tỏa lan đến mọi người. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Thần cửa can ngăn


THẦN CỬA CAN
Thềm cửa ngước mặt nhìn cái chổi tức tối chửi:
-         “Mày là thứ rơm rác thế mà tại sao lại ở cao trên tao chứ ?”
Cái chổi cúi người xuống trả lời:
-         “Anh thì ở trong đất hết một nửa , mà còn tranh giành chỗ cao chỗ thấp với tôi sao ?”
Thềm cửa giận dữ, cùng với cái chổi tranh biện không nghỉ, thần giữ cửa khuyên can nói:
-         “Mấy người chúng ta, bây giờ dựa vào cái cửa của người ta để sống qua ngày, còn thời gian đâu để tức giận vì chuyện không đâu chứ ?”
                                     (Đông Pha Chí Lâm)

Suy tư:
     Người ta chỉ vì một miếng cơm mà trở thành thù địch của nhau, chỉ một lời nói không đâu mà trở thành đối thủ của nhau.
     Chúng ta là thân phận bùn đất được tình yêu của Thiên Chúa tạo thành, được vinh dự làm con cái của Thiên Chúa và được Ngài hứa ban Nước Trời làm gia nghiệp riêng mình. Nhưng trong cuộc sống với những đam mê cám dỗ do tiền tài, danh vọng và xác thịt mà con người trở thành thù địch lẫn nhau, chỉ trích nhau vì những chuyện không nhằm nhò gì cho phần rỗi đời đời của mỗi người.
     Đã là con người thì ai cũng có nhiều khuyết điểm như nhau, ai cũng có tham sân si trong lòng và tính kiêu ngạo thâm căn cố đế trong óc não, thế thì có gì hay đâu mà phải lên án nhau, chửi bới nhau trước mặt người đời, làm cho danh Đức Chúa Ki-tô mà mỗi người mang trên mình bị người ta nhạo cười, khinh bỉ, đó chính là khuyết điểm lớn nhất của người Ki-tô hữu.

     Thân phận của con người nay còn mai mất như cánh hoa sớm nở chiều tàn, cuộc đời có là bao lâu, gần đất xa trời, vậy thì tại sao chúng ta cứ đấm đá nhau, cứ đấu tố nhau để tranh giành quyền được ngồi trên cao để “chơi cơ” anh em mình chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Ba ông già khoác lác với nhau


BA ÔNG GIÀ KHOÁC LÁC VỚI NHAU
Có ba ông già cùng gặp nhau, có người hỏi họ về tuổi tác.
Có ông già gàn bướng khoác lác nói:
-         “Số tuổi của tôi có bao nhiêu thật khó mà nhớ rõ ràng được, chỉ nhớ là lúc tôi còn nhỏ đã kết bạn với ông Bàn Cổ”.
Ông già khác không cam chịu yếu thế, nói:
-         “Cứ mỗi lần biển lớn biến thành ruộng đồng, tôi ghi xuống một thẻ tiền, bây giờ thẻ tiền của tôi đã bỏ đầy mười căn nhà rồi”.
Ông già sau cùng gãi đầu vo tóc, đàng hoàng thư thả nói:
-         “Mỗi năm tôi đều ăn đào tiên, ăn xong thì ném hột đào xuống núi Côn Lôn, bây giờ hột đào chất đống cao như núi Côn Lôn vậy !”
                                     (Đông Pha Chí Lâm)
Suy tư 7:
Người già cả có tuổi tác mà khoác lác thì dứt khoác là không ai thích, mà bản thân lại mất đi sự kính trọng của mọi người.
Sách Tô-bi-a mời gọi chúng ta nên tìm đến những người thông thái, khôn ngoan mà học hỏi, mà người thông thái và khôn ngoan không phải là những người già cả, lớn tuổi sao ? Họ là những người đã từng trãi, kinh nghiệm đầy mình, lăn lộn với đời quá nhiều nên được mọi người kính nể, nhưng nếu trong cuộc sống họ thường hay khoác lác với mọi người, họ thường hay lớn tiếng thóa mạ con cháu, họ thường hay làm gương xấu cho những người trẻ bằng những lời lẽ tục tỉu, những tiếng chửi thề, hoặc thường hay rượu chè, thì làm sao để lớp trẻ học đòi noi theo được.
Người lớn, ai cũng dạy trẻ em kính trên nhường dưới, ai cũng dạy trẻ em và người trẻ phải kính trọng và yêu mến các cụ già lớn tuổi, nhưng rất ít người nhắc nhở các cụ già hãy làm gương cho con cháu, tại sao vậy, thưa tại vì đó là điều tự nhiên căn bản mà các cụ già phải biết, dù không ai nhắc nhở, nhưng tự thâm tâm các người già đều biết điều ấy, đó là một sự thật hiển nhiên mà tất cả mọi người ai cũng đều biết, chỉ có những người khoác lác mới không coi trọng danh dự của mình mới như vậy.
Đức Chúa Giê-su càng thêm tuổi thì càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và loài người, tức là con người ta càng trưởng thành thì càng dày dạn khôn ngoan, huống chi là những người già, lớn tuổi, họ càng phải trổi vượt thanh niên về sự nhân đức cũng như về sự khôn ngoan, vì họ là những người đã biết thế nào là khoe khoang và khiêm tốn, thế nào là làm gương tốt và gương xấu...    

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư  

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Lý tưởng và ý chí vĩ đại


LÝ TƯỞNG VÀ Ý CHÍ VĨ ĐẠI
Có hai người học trò, cùng nhau đàm luận về lý tưởng và ý chí vĩ đại của mình.
Một người nói:
-         “Cuộc đời tôi đều không được phú túc, cho nên tôi chỉ cần cơm ăn đủ no, ngủ đủ giấc là được rồi. Sau này, nếu một ngày nào đó tôi được giàu có, thì nhất định là ăn no xong liền ngủ, ngủ đủ rồi lại ăn”.
Người học trò kia nói:
-         “Tôi thì không như anh, tôi nhất định phải ăn cho no, no rồi lại ăn, lúc nào có thời gian rỗi rãi thì mới đi ngủ”.
                                     (Đông Pha Chí Lâm)

Suy tư:
     Con người ta ai cũng có lý tưởng, có lý tưởng thì phải có ý chí, ý chí cần phải mạnh, phải cương quyết, và có những lúc phải “tàn nhẫn” với chính những ham muốn của mình, cũng có nghĩa là không nhượng bộ với những gì có thể làm chết đi lý tưởng của mình.
     Lý tưởng của hai anh học trò trên đây đúng là “vĩ đại”, vì không ai có thể ăn no rồi lại ngủ, ngủ no rồi lại ăn, và cũng chẳng có ai ăn no rồi lại ăn, chỉ có lúc rãnh ăn thì mới đi ngủ !? Lý tưởng này chỉ tổ hại nước hại dân và hại chính mình mà thôi.
     Lý tưởng của người Ki-tô hữu là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người, đây không phải là lý tưởng trong mơ, nhưng là trong thực tế, thực tế qua cuộc sống của mỗi người Ki-tô hữu mang trên mình một sứ mệnh của Đức Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo...”.
Chúng ta đi lễ nhà thờ, chúng ta làm việc lành phúc đức, chúng ta tránh tội.v.v.v...tất cả đều là để làm chứng cho mọi người biết trên vũ trụ này còn có một Thiên Chúa rất nhân từ yêu thương và hay thương xót. Lý tưởng này phải được bày tỏ ra trước mặt thiên hạ bằng lời nói và việc làm của chúng ta. Có người nói: “Đem Chúa đến cho mọi người là bổn phận của các linh mục, của các bà Sơ, chứ không phải của tôi”, vì suy suy nghĩ như thế nên cuộc sống của họ chưa phản ảnh lại tình yêu của Thiên Chúa, họ không thiết tha gì đến công việc của nhà thờ, họ không muốn đi lễ những ngày chủ nhật, và nghiêm trọng hơn, họ thường chê bai nhạo báng các mục tử của Giáo Hội, mà cụ thể là cha sở của họ, những người như thế, thì ngay cả họ cũng chưa có Thiên Chúa thì làm sao mà đem Chúa đến cho mọi người được chứ ?
     Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Tất cả những hình bóng báo trước của Giao Ước Cũ đã được hoàn tất nơi Đức Chúa Ki-tô. Ngài khởi sự cuộc đời công khai của Ngài, sau khi đã để cho thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa cho Ngài trong sông Gio-đan , rồi sau khi sống lại, Ngài đã trao sứ mạng cho các tông đồ: “Vậy anh em hãy đi, làm cho các dân tộc trở thành môn đệ Thầy bằng cách rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy cho họ tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em.”

     Như vậy, tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì đều có bổn phận phải đi rao giảng Tin Mừng và đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người, đó cũng chính là lý tưởng vĩ đại của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư