Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Chúa Nhật lễ Phục Sinh



 CHÚA NHẬT PHỤC SINH


Tin mừng : Ga 20, 1-9.
“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.

Bạn thân mến,
“Chúa đã sống lại rồi- Alleluia !”
Đó là điệp khúc vui mừng của bạn và tôi và của cả nhân loại, vui mừng vì nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, vui mừng vì từ nay cửa thiên đàng rộng mở chờ đón chúng ta, vui mừng vì sự ác sẽ không còn thống trị mặt đất nữa, nhưng cái vui mừng hiện tại nhất của chúng ta hôm nay chính là chúng ta đã được cùng với Đức Chúa Giê-su Ki-tô sống lại sau bốn mươi ngày mùa chay chết cho tội lỗi.
Trong niềm vui phục sinh hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm này :
1. Phục Sinh là trỗi dậy và đi lên.
Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, Ngài đã trỗi dậy ra khỏi mồ và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, đó là đức tin và là niềm vui cứu độ của chúng ta.
Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, nghĩa là Ngài đã trỗi dậy từ thân xác bất động trở nên sống động, từ trong mộ đá lạnh tanh toả sáng vinh quang phục sinh của Thiên Chúa, từ cõi chết đi qua sự sống, đó chính là những dấu hiệu để cho chúng ta thấy được rằng, Ngài chính là Thiên Chúa và là Đấng duy nhất cứu độ trần gian.
Chia sẻ niềm vui phục sinh này với Đức Chúa Ki-tô, không phải là bạn và tôi chỉ hân hoan hát Alleluia mà thôi, nhưng chúng ta phải thật sự sống lại với Ngài, đi ra khỏi tội lỗi và nơi chốn khiến chúng ta phạm tội, để nơi nào có mặt chúng ta là ở đó ánh sáng phục sinh của Đức Chúa Ki-tô chiếu rọi, để chúng ta hấp dẫn người khác đi theo ánh sáng Tin Mừng của Ngài.
2. Phục Sinh là hiệu quả của yêu thương.
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46b) và thế là mọi sự đã hoàn tất (Ga 19, 30) : hoàn tất cuộc khổ nạn, hoàn tất chương trình cứu độ ở trần gian, hoàn tất ba mươi ba năm chia sẻ thân phận làm người, để rồi đỉnh cao hoàn tất chính là sự phục sinh vinh hiển của Ngài –Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ trần gian.
Phục Sinh là hiệu quả của tình yêu, Đức Chúa Giê-su Ki-tô vì yêu thương nhân loại đã đi qua sự chết và đã sống lại, đó chính là hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chịu mục nát và trở thành cây lúa mì đơm hoa kết trái nuôi sống muôn người. Đức Chúa Ki-tô chính là hạt lúa mì, là hạt tình yêu bởi trời gieo vào trong thế gian, để cho thế gian nhờ Ngài mà được sự sống đời đời.
Đức Chúa Ki-tô đã sống lại, Ngài cũng mời gọi bạn và tôi cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu phục sinh này cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương, bởi vì tình yêu không qua đau khổ là tình yêu chưa trọn vẹn và chưa hoàn hảo. Do đó, khi chúng ta loan báo tin vui Phục Sinh cho tha nhân thì chính là lúc chúng ta làm chứng rằng, phục sinh không chỉ là Đức Chúa Giê-su Ki-tô sống lại mà thôi, nhưng còn là sự sống lại cho những kẻ tin yêu Ngài mà chịu nhiều gian khổ và hi sinh.
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã sống lại như lời của Ngài đã nói, sự sống lại này đã đổi mới và thánh hóa tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài.
Ba ngày trong mồ đá là biểu tượng quyền lực của ma quỷ tạm thời thắng thế, nhưng ba ngày sau trở đi thì từ trong mồ đá này, ma quỷ đã thất bại vì Đấng tạm thời khuất phục sự chết - Đức Chúa Ki-tô- đã sống lại vinh hiển, đã chiến thắng tử thần và muôn đời thống trị ma quỷ ác thần. Chúa đã sống lại rồi, Alleluia.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Thứ Bảy Lễ Vọng Phục Sinh

 


THỨ BẢY TUẦN THÁNH

(Vọng Phục Sinh)

 

Tin mừng: Mt 28, 1-9.

-      “Người đã sống lại rồi, và Người đi Ga-li-lê-a trước các ông.”

Bạn thân mến,

Hôm qua chúng ta long trọng cử hành nghi thức Suy tôn Thánh Giá, tưởng nhớ và kỷ niệm Đức Chúa Giê-su chịu chết trên Thánh Giá vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Hôm nay chúng ta cũng rất long trọng cử hành thánh lễ vọng Phục Sinh mừng Đức Chúa Ki-tô sống lại vinh hiển, trong niềm vui ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy cảm nhận sau :

1. Ánh sáng Phục Sinh là Khiêm tốn phục vụ.

Với nghi thức làm phép lửa mới mà chúng ta vừa cử hành, với nến phục sinh mà chúng ta rước vào nhà thờ và đặt bên cạnh giảng đài gần bàn thờ làm cho chúng ta xác tín sâu xa rằng Đức Chúa Giê-su Ki-tô là ánh sáng trong đêm tối, là nguồn ân sủng và là sự sống của chúng ta.

Ánh sáng Phục Sinh đã bừng sáng trong đêm tối tội lỗi của hai ngàn năm trước, vẫn đang chiếu rọi cho chúng ta trong ngày hôm nay, đó chính là Đức Chúa Ki-tô. Ngày hôm qua chúng ta than khóc vì tội lỗi của mình mà Ngài đã chết, ngày hôm nay chúng ta vui mừng vì Ngài đã sống lại, đó là niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta là những người đang đi trong đêm tối của tội lỗi trần gian.

Khiêm tốn chính là ánh sáng và là hành vi nổi bật nhất, mà chính Đức Chúa Ki-tô đã dùng để cứu chuộc nhân loại đã sa ngã vì tội kiêu ngạo, nó cũng là ánh sáng của chúng ta chiếu rọi qua người khác, khi chúng ta khiêm tốn phục vụ tha nhân trong tinh thần yêu thương.

Mọi người có thể nhìn thấy tài cao học rộng của chúng ta nhưng ít người nhìn thấy Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh đang sống trong chúng ta, bởi vì học thức và tri thức không phải là ánh sáng, nó cũng không phải là đường dẫn chúng ta đi đến sự sống đời đời, nhưng khiêm tốn thật mới chính là ánh sáng nơi chúng ta, nó phản ảnh lại khuôn mặt phục sinh sáng chói của Đức Chúa Ki-tô nơi tất cả hành vi ngôn từ của chúng ta.

2. Ánh sáng phục sinh là sự đổi mới.

Trong đêm tối chúng ta không thể làm gì được vì đêm tối cũng đồng nghĩa với sự chết, cũng vậy, sống trong tội chúng ta cũng không thể làm gì được để linh hồn chúng ta được đổi mới, do đó đêm tối cần có ánh sáng và tội lỗi cần có ân sủng của Thiên Chúa.

Ánh sáng phục sinh đã đến đó chính là Đức Chúa Giê-su, Ngài đến để đổi mới những gì mà chúng ta đã làm trong bóng tối như gian dâm, là kiêu ngạo, là hận thù, là ghét ghen và vu khống.v.v... Ánh sáng đến chiếu sáng những nơi tăm tối, đổi mới tâm hồn chúng ta từ cũ qua mới, từ kiêu ngạo trở thành khiêm tốn, từ gian dâm đầy dục vọng trở thành trong sáng và hồn nhiên, từ ghét ghen hận thù trở thành yêu thương và tha thứ, từ lãnh đạm với Tin Mừng đến nhiệt tình và phục vụ Chúa trong tha nhân...

Ánh sáng phục sinh đã đến không phải chỉ đổi mới chúng ta đêm hôm nay mà thôi, nhưng suốt mọi ngày trong cuộc sống của chúng ta, nó luôn chiếu dọi thôi thúc và đổi mới tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta biết luôn trân trọng gìn giữ ánh sáng này cho khỏi bị cuồng phong của thế gian là những quyến rũ đam mê thổi tắt.

Bạn thân mến,

Đêm hôm nay trên tay của bạn của tôi và của mỗi người Ki-tô hữu tham dự thánh lễ đều cầm cây nến nho nhỏ, biểu tượng đức tin của anh chị em được cháy sáng nhờ tin vào Đức Chúa Ki-tô Phục sinh, cây nến nhỏ này sẽ cháy hết nhưng đức tin của chúng ta sẽ luôn trưởng thành và càng trưởng thành hơn trong hi sinh và thử thách, bởi vì trong thử thách, đức tin của chúng ta càng cháy sáng và toả sáng chiếu dọi cho mọi người thấy Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta đang tin và đang sống.

Xin Đức Chúa Kitô Phục Sinh chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Thứ Sáu tuần thánh

 




THỨ SÁU TUẦN THÁNH

 

Tin mừng : Ga 18, 1 ; 19, 42

“Cuộc thương khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.

Bạn thân mến,

Thế là hết, vị thầy vĩ đại của các môn đệ đã bị bắt, vị đại tiên tri của dân Do Thái đã bị đánh đòn và bị đóng đinh chết trên thập giá, các môn đệ tan hàng mỗi người một ngã, các bà đạo đức đấm ngực khóc than, thất vọng và đau thương bao trùm cả một cõi trời Giê-ru-sa-lem.

Đức Chúa Giêsu đã chết, cái chết bất diệt

Có câu chuyện nhỏ như thế này:

“Thời gian như bay, một hôm sen bắt đầu già. Sen thấy hồng nhan thay sắc, da dẻ dần dần mất đi vẻ bóng mịn; sen cho là tài hoa không trở lại, cuộc đời như bóng ngã về tây, cảm thấy bi ai sợ hãi. Lẽ nào cuộc sống kết thúc không tiếng tăm, không hơi thở như thế này sao ? Đâu là những vẽ vang ? Đâu là những tiếng vỗ tay ? Nó bèn cầu cứu với Đấng tạo hóa, Ngài nhìn nó dịu dàng nói:

-         “Này con, đây là con đường mà mỗi sinh mệnh phải đi qua”.

Sen vẫn phản kháng đến cùng:

-         “Nhưng không phải Ngài nói sinh mệnh là vĩnh hằng sao?”

Đấng tạo hóa khẽ mĩn cười, nói:

-      “Huyền diệu của sinh mệnh là ở đây: không có sống thì không có chết, không có chết thì không có sống”.

Trong mình thế lực đang tàn tạ, ngã lòng, dung nhan đẹp đẽ của sen đã bị tróc ra tàn rụng. Trong tuyệt vọng vô cùng, sen đột nhiên phát hiện nhụy hoa nho nhỏ tự thành hình trong nó. Sen bắt đầu hiểu rõ lời của Đấng tạo hóa: chỉ có đi qua sự chết, mới có thể trở lại sự sống.

Sau khi cánh hoa cuối cùng theo gió mà đi, sen đã hài lòng, nở một nụ cười mà tạ thế.

Đầu xuân năm nay, trong hồ nước mọc lên vô số là hoa sen mới, mát mẽ không bẩn, tiếp tục đón nhận một mùa thanh tao.[1]

Nhưng hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh hoa kết quả dồi dào[2], hạt lúa là tình yêu của Thiên Chúa đã được gieo vào lòng đất là thế gian, nhưng thế gian đã dùng ghen ghét, hận thù để loại bỏ tình yêu ấy ra khỏi thế gian, ra khỏi tâm hồn của họ.

Hôm nay, tất cả thế lực của ma quỷ và thế gian đã tấn công một con người; hôm nay tất cả ghét ghen, kiêu căng, ích kỷ đã đứng chung lại để tấn công tình yêu hy sinh của Đấng cứu độ trần gian.

Ngài đã chết, hạt lúa mì được gieo vào lòng đất đã thối nát, và ma quỷ vui mừng; các thế lực trần gian của những người Pha-ri-siêu, của các kinh sư, của các thầy thông luật, của các thầy thượng tế đã có thể an tâm tự tại vì đã loại trừ một đối thủ. Nhưng hạt lúa thối đi không có nghĩa là vô vọng, trái lại nó sẽ sinh ra nhiều hạt lúa tốt tươi khác. Đức Chúa Giê-su đã chết, nhưng Ngài sẽ sống lại và vĩnh viễn thống trị âm phủ và sự chết, Ngài sẽ sống lại như lời Ngài đã nói trước.

Bạn thân mến,

Hôm nay Thứ Sáu tuần thánh, toàn thể Giáo Hội đang ăn chay hãm mình đền tội và hy sinh, để chia sẻ những đau khổ với Đức Chúa Giê-su đang quằn quại đau thương trên thập giá.

Hôm nay, bạn và tôi, chúng ta cũng đã đấm ngực ăn năn sám hối tội mình, chúng ta thấy rất rõ vì tội lỗi của mình đã phạm làm cho Đức Chúa Giê-su phải chết. Ngài đã chết, chết thật và không còn cảm giác đớn đau khi lưỡi đòng ân huệ đâm thâu trái tim của Ngài, Ngài đã chu toàn bổn phận cứu chuộc nhân loại của mình.

Khi phó thác linh hồn trong tay Cha, Đức Chúa Giê-su đã đi qua ngưỡng cửa sự chết để vào cõi vinh quang của Ngài, Ngài như cánh hoa sen trong bùn phải tàn tạ để nhiều nụ hoa sen mới đẹp nẩy mầm, nụ hoa sen của vĩnh hằng, của yêu thương, nụ hoa sen nẩy mầm ấy chính là những người Ki-tô hữu đang tin và đi theo Ngài vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

[2] Ga 12, 24.

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

Thứ Năm Tuần Thánh



THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

Tin mừng : Ga 13, 1-15.

“Đức Giê-su yêu họ đến cùng”.

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ và muôn đời cảm tạ chúc tụng tình yêu của Thiên Chúa –qua Đức Chúa Giê-su- đã dành cho nhân loại tội lỗi, đáng ghi nhớ là vì hôm nay Giáo Hội kỷ niệm Đức Chúa Giê-su lập bí tích Truyền Chức Thánh và bí tích Thánh Thể, hai bí tích cao quý để chuyển ơn Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Trong tâm tình đó, tôi xin chia sẻ với anh chị em ba nét chấm phá về linh mục.

Yêu thương, phục vụ làm nên Linh Mục

Một hôm, hoa sen ấm ức hỏi Chúa tạo vật:

-         “Con đem hương thơm thấm tận tim gan của con, đem bộ mặt đẹp đẽ của con cho người thưởng thức, thân rễ dành để cho người làm thức ăn, nhuỵ hoa có thể dùng làm thuốc. Con đem cuộc đời của con ra cống hiến mà không giữ lại một chút gì, Ngài còn muốn con như thế nào nữa chứ?”

Chúa tạo vật trả lời :

- “Ta muốn con không oán trách”[1].

Hoa sen đã đem tất cả những gì có trên thân mình để phục vụ con người, nó đã cống hiến tất cả cho con người chẳng để lại điều gì, vậy mà Đấng tạo hóa muốn nó khiêm tốn hơn nữa, tức là không oán trách.

Linh mục chính là hoa sen giữa xã hội này, các ngài được chọn là để đem sức lực trí óc của mình để phục vụ tha nhân mà không oán trách, như Đức Chúa Giê-su khi bị đóng đinh trên thập giá mà không hề oán trách nhân loại tội lỗi, lại còn xin Cha tha tội cho họ nữa.

Linh mục là người được chọn để làm những gì mà Đức Chúa Giê-su đã làm khi còn ở thế gian, đó là thực hiện ý Cha trên trời bằng việc hiến tế đời mình, là yêu thương và phục vụ tha nhân cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là một vinh dự cao quý cho người được chọn và là sự hạnh phúc cho nhân loại, là cốt lõi và là mục đích của đời linh mục, nếu không làm được như thế thì linh mục chỉ là một chức vụ không hơn không kém, mà đã là chức vụ thì không thể nói phục vụ anh em như chính mình, và cũng không thể nói yêu thương tha nhân như chính bản thân mình.

 

Linh mục được chọn để tha thứ như Đức Chúa Giê-su đã tha thứ cho nhân loại; linh mục được chọn để giơ tay chúc lành cho mọi người như Đức Chúa Giê-su đã làm; linh mục được chọn để ra đi tìm chiên lạc như Đức Chúa Giê-su đã làm...

Linh mục làm lại việc Đức Chúa Giê-su đã làm, đó là bôn ba khắp miền Ga-li-lê-a để rao giảng tin mừng Nước Trời, chứ không ngồi ở trong hội đường để phán bảo và sai khiến; đó là thâu đem cầu nguyện với Cha trên trời sau một ngày mệt mỏi vì phần rỗi đời đời của mọi người, chứ không phải tự cho mình thỏa mãn nghĩ ngơi vì phục vụ quá nhiều.

Có những lúc tôi phục vụ giáo dân trong giáo xứ của tôi với tinh thần vô vị lợi thì ít, mà tinh thần vụ lợi thì nhiều, cái vụ lợi ấy đã làm cho tôi chỉ thấy mình cống hiến quá nhiều công lao sức lực cho giáo hội, giáo xứ, mà không nghĩ đến giáo dân cũng đã ngậm đắng nuốt cay vì những hách dịch phách lối và kiêu căng của tôi; và cũng có rất nhiều lần tôi tự thỏa mãn với chính mình vì được làm linh mục, được chỉ huy người khác, được cống hiến cho Giáo Hội, cho nên khi có người góp ý phê bình cho tôi, thì tôi than thở với Đức Chúa Giê-su: “Chúa ạ, con đem hương thơm thấm tận tim gan của con, bộ mặt đẹp đẽ của con cho người thưởng thức, thân rễ dành để cho người làm thức ăn, nhuỵ hoa có thể dùng làm thuốc. Con đem cuộc đời của con ra cống hiến mà không giữ lại một chút gì, vậy mà họ cũng nói thế này thế nọ với con...”

Không oán trách, đó là việc làm của Đức Chúa Giê-su khi Ngài bị chính những người mà Ngài đã thi ân giáng phúc vu không tố cáo Ngài, và cuối cùng đóng đinh Ngài chết trên cây thập giá; Không oán trách là thái độ của người lãnh đạo các linh hồn mà Thiên Chúa đã trao cho họ coi sóc, đó cũng là biểu hiện một tâm hồn tràn đầy yêu thương của một mục tử nhân lành học theo gương của Đức Chúa Giê-su.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay trong thánh lễ này, anh chị em đã thấy cha sở của anh chị em cúi xuống rửa chân cho những người đại diện các anh chị em trong giáo xứ, thật cảm động, vì đó là mục đích của đời linh mục: phục vụ và yêu thương. Nhưng trong mắt của các anh chị em vẫn còn thấy có những linh mục bất xứng, những linh mục chỉ biết mình và mong được giáo dân phục vụ và kính trọng, hơn là phục vụ và kính trọng giáo dân

Trong tâm tình yêu thương ấy, xin anh chị em cầu nguyện và tha thứ cho tôi và những linh mục khác cũng là mục tử của anh chị em, được noi gương Đức Chúa Giê-su phục vụ đến quên mình mà không oán trách, không than vãn và luôn trở thành nơi yêu thương và bình an của anh chị em.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Thứ Tư Tuần Thánh

 


THỨ TƯ TUẦN THÁNH

 

Tin mừng : Mt 26, 14-25.

Con Người phải ra đi như kinh thánh đã chép về Ngài, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người”.

 

Bạn thân mến,

“Một hôm, hoa Hải Đường ôm tâm nhĩ bị nghiến đau và chảy máu, nó đau khổ nói cùng Đấng tạo hóa:

-         “Người lạ làm tổn thương con, con có thể quên rất nhanh, tại sao người càng thân cận, càng làm cho con không thể chịu đựng được ?”

Đấng tạo hóa thở dài nói:

-         “Thân cận chưa chắc là thân mật, thân mật không nhất định là thân yêu, người càng thân cận, thường làm tổn thương nhau càng sâu, bởi vì trước mặt người chí thân, chí cận, chí ái thì trong lòng không bố trí phòng thủ, cho đến nỗi bị vết thương vừa sâu vừa lớn”.[1]

Có phải người phản bội Đức Chúa Giêsu là tôi ?

Thân cận chưa chắc đã thân mật và chưa chắc đã yêu, bằng chứng là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã cùng ở với Đức Chúa Giê-su ba năm mà vẫn phản bội Ngài; bằng chứng là có những đôi vợ chồng đã kề cận thân mật trong nhiều năm trời, nay lại phản bội nhau đường ai nấy đi; bằng chứng là có rất nhiều anh em chị em ruột tố cáo nhau trước tòa án, dù rằng họ là người thân thiết thân cận của nhau. Đức Chúa Giê-su đã trả lời các môn đệ: “Kẻ giơ tay chấm chung một dĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy”[2], kẻ nộp Ngài không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là môn đệ của Ngài sao ?

Có phải tôi là người phản bội Đức Chúa Giê-su không ?

Cùng ăn một tấm bánh, cùng uống một chén nhưng cộng đoàn trong giáo xứ chúng ta vẫn cứ chia rẻ nhau, mà cộng đoàn giáo xứ không phải là thân mình của Đức Chúa Giê-su, là anh chị em của nhau sao ? Đó là một sự đau khổ nhất của Đức Chúa Giê-su, mà chính tôi cũng là người có trách nhiệm trong việc chia rẻ này, khi tôi đứng phe bên này chửi rủa thóa mạ chỉ trích phe bên kia.

Có phải tôi là người phản bội Đức Chúa Giê-su không ?

Chắc chắn rằng tôi đã phản bội Ngài khi tôi là một mục tử được Ngài tuyển chọn, khi tôi ăn Mình và uống Máu Ngài mỗi ngày trong thánh lễ, nhưng tôi vẫn giơ chân đá Ngài văng ra khỏi cuộc sống linh mục của tôi, đó là khi tôi vẫn tham lam coi tiền bạc là cứu cánh của mình, khi tôi coi dục vọng là sự thỏa mãn mình hơn niềm vui phục vụ tha nhân, khi tôi kiêu căng không thèm rửa chân cho những con chiên bị lấm bùn vì cuộc sống xô bồ, mà chỉ thích con chiên rửa chân cho mình mà thôi...

Bạn thân mến,

Bắt đầu ngày mai là chúng ta bước vào Tam Nhật Thánh, nó là đỉnh cao của năm phụng vụ, là kỷ niệm ba ngày cuối cùng của Đức Chúa Giê-su tại trần gian, do đó, trong tâm tình kết hợp sâu xa với Đức Chúa Giê-su khổ nạn, chúng ta cùng đồng hành với Ngài qua các nghi thức của Giáo Hội, để chia sẻ những đau khổ với Ngài, và đón nhận những hồng ân cao quý mà Thiên Chúa sẽ ban cho trong cuộc đời của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

http://www.vietcatholic.org 
https://www.facebook.com/jmtaiby 
http://nhantai.info 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

[2] Mt 26, 23.

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Thứ ba tuần thánh

 




THỨ BA TUẦN THÁNH


Tin mừng : Ga 13, 21-33; 36-38.
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy … Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”.

Anh chị em thân mến,
Không có gì đau khổ và phủ phàng cho bằng khi biết được người mà mình hết dạ yêu thương đã phản bội mình, và càng tức tưởi hơn nữa khi đó là môn đệ của mình. Quả tim của Đức Chúa Giê-su đã hứng trọn nhát dao chí tử trước khi chịu khổ hình và chết trên thập giá: Ngài biết trước sự phản bội của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, và sự hèn nhát của Phê-rô sẽ phủ nhận không biết Ngài là ai.
Biết trước Giu-đa bán thầy, Phê-rô chối thầy
Phong tín tử (1) ngày ngày đuổi theo bươm bướm hỏi: “Nói cho cùng thì em có yêu anh không ? Em có thể vĩnh viễn cam đoan với anh là lòng em không thay đổi không ?”
Bươm bướm sau khi giải thích rồi lại giải thích, cam đoan rồi lại cam đoan, cuối cùng bất đắc dĩ nói: “Giả sử tình yêu của chúng ta được thiết lập trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, quy tắc căn bản là không phải hứa gì cả, bởi vì bản thân của tình yêu chính là một lời hứa rồi vậy !” (2)

Tình yêu là một món quà vô vị lợi mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, để qua tình yêu này mà con người biết kết thân, làm hòa, cộng tác và chung thủy với nhau. Đức Chúa Giê-su cũng không ra ngoài lệ ấy, Ngài đã hết sức yêu thương các môn đệ của mình cũng như yêu nhân loại, một tình yêu hiến dâng và không đòi lại.
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã đòi trả giá tình yêu bằng vật chất nên đã bán thầy mình ba mươi đồng bạc, một tình yêu vô vị lợi của Đức Chúa Giê-su đã được đổi bằng tính ích kỷ; Phê-rô đã coi sự an toàn bản thân của mình hơn tình yêu vô vị lợi của Đức Chúa Giê-su, nên đã từ chối không biết Ngài là ai !
Tình yêu, tự nó là một lời cam kết rất có giá trị mà không một bản văn hay một lời nói nào có thể diễn tả, thế nhưng con người ta vẫn cứ hoài nghi khi yêu, hoài nghi là vì mình chưa tin tưởng vào tình yêu, mà người yêu đã bày tỏ bằng con tim trong hành động và lời nói. Đức Chúa Giê-su đã yêu các môn đệ đến cùng: không hồ nghi, không thắc mắc và không đề phòng, nhưng biết rất rõ tình yêu của mỗi một môn đệ dành cho mình.

Mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng ta hỏi Thiên Chúa rằng Chúa có yêu thương mình không, có cam kết vĩnh viễn yêu mình không, khi mà tình yêu của Ngài đã rõ ràng trong cuộc sống của chúng ta, nhất là tình yêu chết trên thập giá của Chúa Giê-su. Thập giá là lời cam kết vĩnh viễn của Thiên Chúa yêu thương nhân loại và mỗi người trong chúng ta; ai không nhìn lên thập giá, không ôm ấp thập giá, không suy niệm đến thập giá thì họ vẫn cứ luôn bắt Thiên Chúa phải cam kết vĩnh viễn yêu thương họ, bởi vì nơi họ không nhìn ra được tình yêu hy sinh đến chết của Đức Chúa Giê-su.
Anh chị em thân mến,
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã bán Đức Chúa Giê-su vì ông ta vẫn còn hồ nghi sứ mệnh của Ngài; Phê-rô dù đã được Đức Chúa Giê-su cảnh báo trước cho biết là sẽ chối Ngài, nhưng rồi ông cũng vẫn cứ chối không biết Ngài là ai, bởi vì Phê-rô vẫn còn cậy vào sức riêng của mình. Hồ nghi Thiên Chúa và cậy vào ý riêng của mình khiến chúng ta trở thành kẻ vô ơn với Thiên Chúa, nên chúng ta luôn đặt câu hỏi: Có Thiên Chúa không và Thiên Chúa có yêu thương mình không ?
Chúng ta tin vào Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa không cho phép chúng ta hồ nghi về tình thương của Ngài dành cho chúng ta và nhân loại, nhưng nó phải được triển nở mỗi giây phút trong cuộc sống của chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Tên một loài hoa.
(2) Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Thứ hai tuần thánh

 


THỨ HAI TUẦN THÁNH

Tin mừng : Ga 12, 1-11.
“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy”.
Bạn thân mến,
Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có cô Mác-ta đang hầu bàn phục vụ khách ăn, cô Ma-ri-a lấy bình dầu thơm quý giá xức chân cho Đức Chúa Giê-su, và chắc chắn La-da-rô cùng đồng bàn với Ngài vì anh là đàn ông trong gia đình, trong bối cảnh này, chúng ta nghĩ đến gia đình mà chúng ta đang sống, nghĩ đến cộng đoàn giáo xứ mà chúng ta đang phục vụ, và nghĩ đến cộng đoàn tu trì mà chúng ta được mời gọi hiến dâng để phục vụ.
Xin được rửa chân
thì tốt hơn là sửa lưng anh chị em
“Một ngày nọ, chim nhạn rừng mát lòng hả dạ nói với Đấng tạo hóa:
- “Con đến làm môn đồ của Ngài có được không ?”.
- “Tốt thôi”- Đấng tạo hóa trả lời và chỉ một con hạc đàng xa nói tiếp: “Con đi rửa chân cho nó vì nó mới đi qua vũng bùn lầy lội”.
- “Cái gì ?”- chim nhạn rừng kinh ngạc kêu lên một tiếng, không thèm để ý, nói tiếp: “Con là môn đồ của Chúa, không được phép phục vụ người khác”.
Đấng tạo hóa cười nói:
- “Này con, nếu con không phục vụ người khác, thì người ta làm sao mà nhận ra con là môn đồ của Ta chứ ?” .
Sau khi rửa chân cho ông Phê-rô và các môn đệ, Đức Chúa Giê-su đã nói rằng: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm...Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” .
Rửa chân cho nhau là dấu hiệu để người ta nhận ra người môn đệ của Đức Chúa Giê-su, khi mà thế gian còn quá nhiều người chỉ muốn sửa lưng dạy đời người khác, hơn là tự kiểm điểm bản thân của mình trước, rửa chân là phục vụ vô vị lợi Đức Chúa Giê-su nơi người anh em chị em của mình.
“Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ?”, các môn đệ đã hiểu rõ ràng sau khi Đức Chúa Giê-su giải thích, càng có chức quyền thì càng hiểu rõ lời nói của Đức Chúa Giê-su, chúng ta cũng hiểu rõ việc Đức Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ, các linh mục cũng hiểu rất rõ việc của Đức Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ, các tu sĩ nam nữ cũng hiểu rõ việc Đức Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ: rửa chân là phục vụ tha nhân, và là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Chúa Giê-su.
Trong cộng đoàn, tôi chỉ muốn ăn trên ngồi trước anh em chị em, tôi chỉ muốn người ta coi mình như một người đáng được phục vụ, cho nên không ai nhận ra tôi là người môn đệ của Đức Chúa Giê-su; trong xứ đạo, vì nghĩ mình là một mục tử nên tôi coi mình có quyền ban phát ân huệ của Thiên Chúa cho giáo dân, thế là tôi ngước mắt lên trời khi ông cụ giáo dân lớn tuổi chào tôi, tôi không gật đầu niềm nở với những người hay góp ý chân tình cho tôi, và thế là dù cho tôi đọc cả hàng ngàn lần câu chuyện rửa chân cho các môn đệ của Đức Chúa Giê-su, thì tôi cũng vẫn cứ cố tình không hiểu ý nghĩa của nó, cho nên ngay cả giáo dân của tôi cũng không nhìn thấy tôi là môn đệ của Ngài, mà chỉ thấy tôi là một chức sắc của Giáo Hội: kiêu căng, ích kỷ và xa cách.
Ai cũng thích đi sửa lưng cho người khác mà không ai biết cúi xuống rửa chân cho mình trước, bởi vì ai cũng muốn được làm môn đệ Đức Chúa Giê-su, nhưng lại không muốn học gương sáng phục vụ tha nhân của Ngài.
Bạn thân mến
Rửa chân mình trước thì tốt hơn là sửa lưng cho tha nhân, đó là tâm tình của người khiêm tốn biết nhìn ra cái yếu hèn và khuyết điểm của mình vậy...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.