Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Lễ Hiển Linh

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
 
 
 

Tin mừng : Mt 2, 1-12.

“Từ phương đông chúng tôi đến bái lạy Ngài”.

Anh chị em thân mến,
Lễ Hiển Linh, theo truyền thống của Giáo Hội là ngày lễ Đức Chúa Giê-su tỏ mình cho dân ngoại, mà đại diện chính là ba hiền sĩ từ phương đông đến thờ lạy Ngài trong hang đá ở Bê-lem, trong tâm tình này, tôi xin chia sẻ với anh chị em -rất ngắn- về vai trò của người giáo dân:

Đức Chúa Giê-su là ánh sao lạ của thế giới.

Ánh sao lạ đã dẫn đường cho ba nhà hiền sĩ đến bái lạy Đức Chúa Giê-su mới sinh, nhưng đó chỉ là ánh sao của ba nhà hiền sĩ, ánh sao là điềm báo cho họ biết có vị vua mới sinh ra. Ánh sao lạ đã dừng lại nơi hang đá Bê-lem để xác định cho ba nhà hiền sĩ biết: em bé nằm trong máng lừa ăn ấy chính là vị vua mới sinh ra, và rồi ngôi sao lạ biến mất.

Đức Chúa Giê-su chính là ánh sao dẫn đường của nhân loại, không biến mất và không dừng lại một nơi nào trên vũ trụ này, nhưng sẽ dừng lại và soi sáng tâm hồn những kẻ tin vào Ngài, đó chính là cốt lõi của câu chuyện ánh sao lạ.

Nhân loại đang đi trong bóng tối của tội lỗi đã nhìn thấy ánh sao là Đức Chúa Giê-su, chính Ngài đã làm cho nhân loại thấy rõ đâu là tình yêu thương chân thật khi Ngài dạy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em[1]; chính Ngài cũng đã dạy cho nhận loại biết chấp nhận và phục vụ nhau khi Ngài nói: anh em là con cái của một Cha trên trời[2]; chính Ngài đã nâng cao phẩm giá con người, dù là con người tội lỗi, khi Ngài nói với các kinh sư và người Pha-ri-siêu: ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi[3]...

Ngài chính là ánh sao lạ dẫn đường khi người ta đều sống trong hưởng thụ, chỉ ích kỷ biết mình mà không biết đến người khác, ánh sao lạ, là vì Ngài giảng dạy những điều mà từ trước đến nay người ta chưa hề nghe đến.

Và ánh sao lạ này –Đức Chúa Giê-su- vẫn mãi mãi là ánh sao chiếu soi tâm hồn những người thành tâm thiện chí tìm kiếm sự thiện hảo trong cuộc sống của mình.

Mỗi người Kitô hữu là một ánh sao lạ.

Đức Chúa Giê-su là ánh sao lạ cho nhân loại, cho chúng ta, thì chúng ta -người Ki-tô hữu- cũng sẽ là ánh sao lạ cho mọi người, ít nữa là những người mà hằng ngày chúng ta cùng tiếp xúc, làm việc, học hành, để qua lời nói và việc làm của mình, họ nhận ra Thiên Chúa đang ở trong chúng ta.

Chúng ta là ánh sao lạ không ở trên bầu trời nhưng ở nơi công sở, chợ búa, trường học mà chúng ta đang sống và làm việc; không ở nơi mùa đông lạnh giá nhưng ở những nơi mà sự hưởng thụ xác thịt, xa hoa, tội lỗi làm lạnh cóng tâm hồn của những anh chị em sống không còn hy vọng, không còn niềm tin, không còn tình người...

Chúng ta là ánh sao lạ tỏa sáng bằng lời nói dịu dàng, an ủi mát lòng người bực bội, là nụ cười tươi khi bị người khác chửi mắng hiểu lầm, là thái độ khiêm tốn khi thành công cũng như khi thất bại, là thái độ hiền hòa không gắt gỏng khi người khác làm trái ý, là đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa khi phục vụ tha nhân... Đó chính là ánh sáng phát xuất từ tấm lòng chân thật của ngôi sao lạ là chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Thời nay ánh đèn màu nơi các cửa hàng ka-ra-ô-kê, nơi những khách sạn năm sao và các tụ điểm ăn chơi sáng rực, thu hút rất nhiều người đến đó để hưởng thụ và để giải trí, nhưng rồi họ vẫn cứ chán chường thất vọng sau những cuộc vui chơi ấy, bởi vì bên trong những ánh đèn nhấp nháy sáng rực nhiều màu ấy là bóng đêm của tội lỗi và hang ổ của ma quỷ.

Chúng ta là những người Ki-tô hữu được ánh sao sáng là Đức Chúa Giê-su soi đường để chúng ta đi trên đường chân thiện mỹ; ánh sáng này cũng đang chiếu sáng trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chúng ta –như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời là Đức Chúa Giê-su chiếu soi người khác bằng các việc lành của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

[1] Ga 15, 12.
[2] Mt 6, 9-13.
[3] Ga 8, 7b.

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Lời giáo huấn (1)

LỜI GIÁO HUẤN (1)
 
 

Cha sở dạy bảo thầy giúp xứ cũng là nghĩa tử của mình:

-         “Sau này làm linh mục thì con nên nhớ: giáo dân thời nay phần nhiều là trí thức, có học hành, nếu không vì đức tin thì họ không đến nhà thờ để khiêm tốn ngồi nghe các linh mục giảng dạy, chịu đựng sự kiêu ngạo và hách dịch của một số linh mục, cho nên con cần phải đối xử nhã nhặn và khiêm tốn với giáo dân”.

-         “Con phải cầu nguyện luôn, thiếu vắng cầu nguyện thì con sẽ xa cách Thiên Chúa, và chắc chắn sẽ cau có, kiêu ngạo và không hòa nhã với mọi người”.

-         “Con cần phải đọc sách báo nhiều để không bị lạc hậu và trí tuệ con cũng không bị cùn”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Tính cách

TÍNH CÁCH
 
 

     Giáo dân nói với nhau:

“Cha sở của mình hiền từ, hoạt bát, dễ chịu và trí thức, ngài chưa bao giờ hoạch họe giáo dân.

Cha phó thì ngược lại với cha sở trăm phần trăm: ngài không phải chịu trách nhiệm việc giáo xứ nhưng ngài luôn hoạch họe giáo dân khi giáo dân có nhu cầu tâm linh; ngài nạt nộ và khó chịu với giáo dân khi giáo dân muốn trình bày việc riêng; ngài xa cách giáo dân vì tính quan liêu, có khi đập bàn đập ghế trước mặt giáo dân vì sĩ diện...”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Mẫu Nghiêu mẫu Thuấn

MẪU NGHIÊU MẪU THUẤN
 
 

Có một người chuẩn bị cầm “kinh thư” của Ngu Thừa Hưng viết tay đi đến tiệm cầm đồ để đổi tiền.

Lý thượng thư giở thư ra coi, hỏi:

-      “Kinh thư cầm đến tiệm cầm đồ nào ?”

Người ấy cười nói:

-         “Ngài giở qua trang trước đã có “mẫu của Nghiêu”. “mẫu của Thuấn”, đó chính là tiệm cầm đồ Nghiêu Thuấn ạ !”
(Hài Cự lục)

Suy tư:

     “Kinh thư” là loại sách “chi bảo” của thánh hiền Trung Quốc, là mẫu mực của người quân tử thời phong kiến, cho nên không ai cầm “kinh thư” đi ra tiệm cầm đồ để đổi tiền, nếu có chăng nữa, thì họ là những người không hiểu thánh hiền, kinh thư là gì cả.

     Kinh Thánh là loại sách “cực chi bảo” của người Công Giáo, nó gồm có 46 quyển Cựu ước và 27 quyển Tân ước, nó không những là loại sách “cực gia bảo” mà còn là phương tiện đưa người ta đến phúc trường sinh, tức là sự sống đời đời.

     Nó là loại sách chứa đựng Lời Hằng Sống, quý hơn “kinh thư” của người Trung Quốc hay bất cứ loại sách nào trên thế gian này, nó được Thiên Chúa ủy thác cho Giáo Hội gìn giữ và khi cần thì “lấy ra từ kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” để giáo huấn nhân loại đi theo con đường của Chúa và nhận biết Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hiện hữu và yêu thương...

     Một quyển Kinh Thánh cho mỗi gia đình, đó không phải là chuyện khó, cái khó chính là cha mẹ có tập cho con cái có thói quen đọc sách thánh hay không mà thôi ! Có những bà mẹ nghe ở đâu quảng cáo có sách hay mới ra, thì lập tức đi tìm và mua cho bằng được để con cái đọc, nhưng ít có bà mẹ nào nói với con của mình về quyển Kinh Thánh:“Đây là quyển sách Kinh Thánh, con nên đọc và thực hành trong cuộc sống để sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn...”

    “Kinh thư” nó chỉ hợp cho người Trung Quốc thời cổ xưa chứ thời nay thì không hợp cho mấy, nhất là các bạn trẻ, nhưng quyển Kinh Thánh thì lại khác, nó thích hợp cho mọi thời đại, mọi dân tộc và mọi nền văn hóa văn minh, và là nguồn cảm hứng của các bậc thánh nhân, bởi vì chính Thánh Thần là tác giả, cho nên nguồn phong phú của Thánh Kinh thì vô tận, nó càng vô tận hơn khi chúng ta đọc với thái độ khiêm tốn của đức tin.

     Buổi tối, với giờ giấc nhất định, cả nhà quây quần bên nhau đọc kinh, và cha mẹ trở thành người cắt nghĩa Thánh Kinh cho con cái nghe, thử hỏi, có hạnh phúc nào đẹp hơn thế chứ ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Đặng Ngải nói lắp

ĐẶNG NGẢI NÓI LẮP
 
 

Đặng Ngải có tật nói lắp, lúc nói tên của mình, thì thường nói “ngải…ngải” không ngừng, có một lần Tấn Văn công chế nhạo ông ta, nói:

-      “Ngảỉ, ngải là mấy ngải ?”

Đặng Ngải trả lời khéo léo:

-         “Phượng a, phượng a, vốn dĩ là một con chim phượng hoàng”.

       (Hài cự lục)

Suy tư :

     Nói “cà lăm” không phải là một tội, nó chỉ là một khuyết tật mà thôi, nó sẽ là một tội lớn khi chúng ta đem cái “cà lăm” của người anh em chị em ra nhạo cười.

     Có người mang tật nói lắp nhưng đầu óc rất minh mẫn, sáng suốt, đời sống đạo đức thánh thiện; trái lại có ngưới ăn nói rất trôi chảy, khi nói thì có văn có hoa, nhưng tâm hồn thì bị bệnh “cà lăm”: họ nói năng không ngay thật, ưa nói dối, thích ba hoa nói xấu người khác, thích tranh biện với mọi người để ra vẻ ta đây là người có khoa ăn nói...

     Tật nói lắp nơi thân xác và bệnh “cà lăm” trong tâm hồn, nếu đem lên bàn cân “của lòng thương xót” mà cân, thì bệnh “cà lăm” trong tâm hồn đúng là nặng hơn, cần phải chữa trị ngay không chậm trễ.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Từ từ đến cảnh đẹp


TỪ TỪ ĐẾN CẢNH ĐẸP
 
 

Cố Trường Khang ăn chuối tiêu, luôn ăn phần trên trái chuối trước, rồi sau đó mới từ từ ăn phần dưới, có người hỏi ông ta tại sao ăn như thế, ông ta trả lời

-      “Ăn như vậy gọi là từ từ đi đến cảnh đẹp”.
(Hài cự lục)

Suy tư:

     Cái “từ từ” thường gây cho người ta nhiều ấn tượng và thích thú: đi dạo chơi trong rừng từ đám rừng này đến đám rừng nọ luôn có những cảm giác khác nhau, cảnh sắc khác nhau, làm cho chúng ta thêm phấn khởi; coi một bộ phim với nhiều tình tiết ly kì hấp dẫn, làm cho chúng ta hồi hộp, phấn chấn, hỉ nộ sân si đều từ từ bộc lộ...

     Nhưng cũng có cái “từ từ” làm cho người ta kinh hoàng: từ từ chết với mũi thuốc ân huệ, chết êm ái, kinh hoàng khi thấy mình sẽ từ từ chết đói trong tù...

Không phải lập tức mà người ta phạm tội trọng, nhưng kinh qua nhiều lần phạm tội nhẹ rồi từ từ dẫn đến tội trọng, đến lúc này thì chỉ có nước mà chết thật.

“Từ từ” chỉ là hai chữ mà thôi, nhưng nó có thể làm cho con người ta trở nên tốt: từ từ mà làm, đừng vội; từ từ mà học, đừng nôn nóng, cái “từ từ” này sẽ đưa con người ta đến cảnh đẹp. Và cũng chính nó -“từ từ”- đã làm cho con người ta nên xấu: từ từ rồi hối cải, từ từ rồi đi xưng tội, từ từ rồi làm hòa, từ từ rồi đi lễ, cái “từ từ” này sẽ đưa con người ta đi vào bóng đêm của chết chóc.

Tôi chọn cái “từ từ” nào, từ từ đến cản đẹp thiên đàng hay từ từ đến cảnh u tối đau khổ trong hỏa ngục ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Không ăn muối, giấm

KHÔNG ĂN MUỐI, GIẤM
 
 

Lô Tương Mại từ trước đến nay không ăn muối và giấm, người ở với anh ta hỏi:“Anh không ăn muối, giấm là vì duyên cớ gì ?”

Lô Tương Mại cười hỏi ngược lại:“Mỗi ngày anh đều ăn muối, giấm, tại sao vậy ?”
(Hài cự lục)

Suy tư:

     Có một người nọ hỏi một em bé:“Tại sao mày phải đi nhà thờ ?” Em bé hỏi lại: “Tại sao ông không đi nhà thờ ?”

     Đi nhà thờ hay không đi nhà thờ đều là quyền tự do căn bản của con người. Anh không đi nhà thờ tức là anh không tin có Thiên Chúa, đó là quyền tự do của anh, tôi đi nhà thờ là vì tôi tin có Thiên Chúa, đó là quyền tự do của tôi. Nhưng xét cho cùng, dùng quyền tự do của mình để tin vào một Thiên Chúa quyền năng thì vẫn là “phải đạo” hơn là dùng tự do của mình để nhạo cười người khác theo tín ngưỡng của họ.

     Thánh Phaolô nói:"Được phép làm mọi sự; nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Được phép làm mọi sự” nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng”.

Ngài khuyên bảo chúng ta nên dùng tự do để làm những việc có ích và có tính cách xây dựng, mà cái có ích nhất chính là tự do tin và tự do thờ phượng một Thiên Chúa, bởi vì khi chúng ta tin có một Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ và là Cha của chúng ta, của mọi loài, thì đồng thời chúng ta cũng tự do dâng hiến cuộc sống cho Ngài, tự do và tự nguyện phục vụ anh em trong tình yêu của Ngài, tự do hy sinh cái tôi của mình để hòa đồng và chia sẻ vật chất cũng như tinh thần cho tha nhân, là những người rất cần sự tự do và tự nguyện của chúng ta.

     Như thế thì không ai có thể chê cười chúng ta nữa, bởi vì chúng ta đã dùng tự do của mình rất đúng chỗ và có ích cho mọi người.

     Anh không ăn muối không ăn giấm là quyền của anh, còn tôi thích ăn muối ăn giấm là quyền tự do của mỗi tôi, đều đáng nói chính là chúng ta cần phải tôn trọng sự tự do của mỗi người.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Hảo Long phơi sách

HẢO LONG PHƠI SÁCH
 
 

Ngày mồng bảy tháng bảy trời nóng nực, ánh nắng chói chan như lửa. Có một người tên là Hảo Long cởi áo, bày ra cái bụng, nằm ngủ dưới ánh mặt trời.

Mọi người hỏi anh ta: “Anh đang làm gì đó ?”

Anh ta trả lời:

-      “Tôi đang phơi sách ở trong bụng !”
(Hài cự lục)

Suy tư:

     Cô bạn gái –không phải là giáo hữu- hỏi người yêu đang dự thánh lễ: “Anh đang làm gì đó ?” Anh chàng trả lời: “Anh đang dự tiệc cưới Con Chiên !” Câu trả lời này, dù cho cô bạn gái có chỉ số thông minh 100/100 cũng đành chịu không thể nào hiểu được người yêu của mình đang nói gì !

     “Phơi sách ở trong bụng” và “dự tiệc cưới Con Chiên” là hai cụm từ hoàn toàn xa lạ với người có đầu óc thực tiển, họ nghe mà giống như nghe người nói tiếng lạ. Không ai thấy sách của anh chàng Hảo Long, cô bạn gái cũng chẳng thấy rượu bia thịt cá ê hề của “tiệc cưới Con Chiên” họa chăng chỉ có mấy người “ương ương dở dở” mới nói như thế !

Không ai hiểu chúng ta làm gì khi ngày nào cũng đến nhà thờ, cũng một ông linh mục đó, cũng mấy cái bánh nho nhỏ đó, cũng mấy kinh ngắn ngủn mà khô khan đó, thì đến nhà thờ có gì là ích lợi chứ, họ sẽ không bao giờ hiểu nếu chúng ta không giải thích; họ cũng sẽ không bao giờ hiểu được, khi mà chúng ta đến nhà thờ mỗi ngày mà chúng ta không thay đổi được tính tình cộc cằn thô lổ của mình; họ càng không hiểu được khi chúng ta đi tham dự “tiệc cưới Con Chiên” mà cái mặt bí xị như đi đám ma...

Hãy nói cho họ biết rằng: đi tham dự “tiệc cưới Con Chiên” chính là đi dâng lễ tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa; hãy nói cho họ biết rằng, đi tham dự thánh lễ là thông phần vào tình yêu khổ nạn và phục sinh của Đức Chúa Ki-tô, Đấng là nguồn mọi tình yêu của anh và của em, của cha mẹ và con cái, của bạn bè và tha nhân; hãy nói cho họ biết rằng, chỉ có một tình yêu chung thủy trọn vẹn và hóa giải được mọi hận thù, khi chúng ta cùng hiệp thông một tấm bánh -bí tích Thánh Thể– trong thánh lễ tạ ơn, đó chính là “tiệc cưới Con Chiên” vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Một ngọn núi hai con chó


MỘT NGỌN NÚI HAI CON CHÓ
 
 

Tống Ngôn nguyên gọi là Tống Nhạc﹝嶽﹞[1]. Anh ta đã tham gia qua mười lần khoa bảng thi cử mà vẫn không trúng tuyển, năm thứ mười một đời Đường Thái Tông, họ Tống lại chuẩn bị tham gia thi cử.

Một ngày nọ, khi anh ta ngủ trưa thì nằm mộng, đột nhiên thấy có người đến báo:“Tống thứ lang tú tài, nếu trên đầu mang ngọn núi, thì không cách gì thành danh, chỉ có bỏ đi ngọn núi, mới có thể tự mình thăng đạt”.

Sau khi tỉnh dậy, họ Tống bèn theo y lời báo trong mộng mà xóa đi chữ núi﹝山﹞, nhưng nhìn phải nhìn trái, trong một chữ có hai con chó﹝犬﹞, thế là anh ta lại xóa đi hai con chó﹝犬﹞thành chữ ngôn﹝言﹞, và đổi tên là Ngôn.
(Vân Khê hữu nghị)

Suy tư:

     Đi học, dù học phổ thông, học đại học, học võ nghệ, học nhạc, học buôn bán.v.v... hoặc bất kỳ học cái gì, thì cũng đòi buộc chúng ta phải nhớ, phải học thuộc lòng những bài mình đã học.

     Những công thức toán học rắc rối nếu không học thuộc lòng, anh sẽ không làm bài được; những nguyên tắc làm thơ phú căn bản, nếu anh không thuộc lòng, thì vần thơ của anh sai điệu; những bài quyền, bài thảo trong võ thuật, nếu anh không luyện tập tinh thục thì anh không thể nào xử dụng khi lâm trận...Trước hết là phải thuộc lòng, nhớ như in trong đầu óc, tiếp đến là suy tư những điều mình đã thuộc đã nhớ và sau cùng là thực hành.

     Trong việc học hỏi Lời Chúa cũng thế, ngoại trừ những người được ơn lạ cách đặc biệt, ngoài ra không ai tự nhiên mà thông hiểu Lời Chúa nếu không được học hỏi, nghĩa là phải nhớ thuộc lòng nằm trong đầu, suy tư và cầu nguyện, rồi đem ra thực hành trong cuộc sống. Đức Mẹ Ma-ri-a cũng như thế, Mẹ nghe Lời Chúa, ghi sâu trong lòng và đem thực hành.

     Anh không thể suy tư và chia sẻ Lời Chúa cho mọi người nếu trong đầu óc anh không có một câu Lời Chúa nào; hoặc anh có thể thuộc làu làu quyển sách giáo lý do nhà xuất bản Tân Định ấn hành, nhưng nếu anh không suy tư, chia sẻ, thực hành thì không ai nói anh là mẫu người công giáo lý tưởng.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư


[1] đọc là “yuè” nghĩa là nhạc. đọc là “shan” nghĩa là núi.   đọc là “quàn” nghĩa là khuyển (chó). đọc là “yán” nghĩa là ngôn.

Phong làm giáp canh hầu

PHONG LÀM GIÁP CANH HẦU
 
 

Lưu Bang Hán Cao tổ lúc còn nhỏ thường hay cùng với khách đến nhà chị dâu ăn uống, người khách thích ăn canh .

Chị dâu keo cú, mỗi lần như thế đều gõ nồi sắt để cố ý nói là canh đã ăn hết, nhưng thực ra là không muốn để chú nhỏ ăn, Lưu Bang dần dần hận ghét chị dâu.

Về sau Hán Cao tổ làm hoàng đế, cố ý phong cho cháu làm Giáp Canh hầu, có người hỏi Cao tổ tại sao như vậy, Cao tổ trả lời:“Đây là chỗ mà mẹ của nó làm rất giỏi”.
(Độc dị chí)

Suy tư:

     Con người ta ở đời có rất nhiều cách trả thù.

     Có người trả thù bằng cách xua quân đánh chiếm đất nước của ngưới ta, có người trả thù bằng cách thả gà vịt qua phá vườn rau nhà hàng xóm, có người trả thù bằng cách đem đồ dơ dáy bẩn thỉu quăng trong sân nhà hàng xóm cho bỏ ghét, có người trả thù tình địch bằng cách thuê tụi ma cô tạt acid vào kẻ thù.v.v...tất cả lối trả thù đó đều nguy hiểm và chồng chất thêm thù oán. Nhưng cách “trả thù” chị dâu của Hán Cao tổ Lưu Bang thì thật là độc đáo: phong cho cháu chức quan Giáp Canh hầu, một chức quan với một nhiệm vụ là...gỏ mõ, để “chơi khăm” bà chị dâu gỏ nồi sắt không cho ăn canh hồi còn nhỏ. Nhưng dù là trả thù cách “êm ái” thì cũng vẫn là trả thù, nghĩa là trong lòng Lưu Bang vẫn còn căm thù chị dâu của mình.

     Đức Chúa Giê-su không bao giờ dạy chúng ta trả thù, nhưng dạy chúng ta đừng chống cự người ác, ai vả má bên phải thì hãy giơ luôn má bên trái cho họ vả, Ngài chỉ dạy chúng ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ , đó mới đúng là tinh thần của Nước Trời, của Tin Mừng và của tình thương.

     Có nhiều lúc trong cuộc sống, tôi cũng đã hậm hực thóa mạ và tìm cách trả thù người anh em vì một nguyên nhân rất tầm thường là đụng chạm đến tự ái và quyền lợi của tôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Có một cây hơn ngàn đầy tớ

CÓ MỘT CÂY HƠN NGÀN ĐẦY TỚ
 
 

Lí Xung ở Giang Long có trồng một cây dâu hơn ngàn quả, mỗi năm đều có thể thu hoạch rất nhiều quả.

Ông ta nói với đứa con trai:“Ba có một cây hơn ngàn đầy tớ, làm sản nghiệp, đã đủ cho con ăn uống cả đời”.
(Độc dị chí)

Suy tư:

     Người suy nghĩ nông cạn là người chỉ biết việc trước mắt mà không thấy việc sau lưng, là người ham cái lợi nhỏ mà bỏ đi cái lớn to lớn về dài về lâu. Một cây dâu lớn, dù nó có hàng vạn quả, cũng không thể nào hơn một người đầy tớ, chứ đừng nói là một ngàn đầy tớ.

     Có một giáo dân nọ nói với người hàng xóm không phải là giáo dân rằng: “Theo đạo Chúa dễ lắm, chỉ cần đi xem lễ ngày chúa nhật là được lên thiên đàng !” Thánh lễ ngày chúa nhật không phải là tấm vé vào rạp coi phim, và Thiên Chúa cũng không hứa cho những ai đi lễ ngày chúa nhật được vào thiên đàng, nhưng đi lễ ngày chúa nhật là một trong mười điều răn của Thiên Chúa dạy chúng ta phải tuân giữ, để giữ đạo làm con và để tôn kính một Thiên Chúa duy nhất trên hết mọi sự.

     Thánh lễ ngày chúa nhật không phải là cây dâu có ngàn quả để thụ hưởng suốt đời, bởi vì cây dâu không phải là Thiên Chúa, càng không phải là con người, mà chỉ là một...cây dâu do Thiên Chúa tạo dựng và được con người ươm trồng chăm sóc, chỉ cần cơn gió cấp mười một là cây dâu tàn tạ tiêu điều, chỉ cần nhu cầu mặt bằng để làm ăn thì cây dâu không còn chỗ đứng. Cũng vậy, thánh lễ ngày chúa nhật có tầm quan trọng đặc biệt, vì là ngày của Chúa, nhưng nếu đi lễ mà giống như là đi biểu diễn thời trang, tụm năm tụm bảy phê bình cô này áo quần mô-đen thời thượng, cô kia tóc tém mi-nhon hết ý, hoặc có đi lễ mỗi ngày chúa nhật nhưng không bao giờ tham dự các bí tích, không thực hành Lời Chúa trong bài giảng ngày chủ nhật, không yêu người lân cận như chính mình, thì dù có đi tham dự một ngàn lễ chúa nhật cũng không được nhìn vào bên trong cửa thiên đàng, chứ đừng nói là được lên thiên đàng !

     Đi tham dự thánh lễ chúa nhật thật sốt sắng tuyệt vời, thì cây dâu có ngàn quả đối với người Ki-tô hữu chỉ là một cây củi khô mà thôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Trang điểm một nửa

TRANG ĐIỂM MỘT NỬA
 
 

Một con mắt của Lương Nguyên đế đã bị mù, ông ta rất sủng ái Từ Cơ, nhưng Từ Cơ lại rất chán ông ta, từ chán ghét đến oán hận Nguyên đế.

Mỗi lần Nguyên đế cho triệu vào thì bà ta chỉ trang điểm một nửa khuôn mặt mà thôi, ý là vì Nguyên đế chỉ còn một con mắt nên nhìn không thấy toàn bộ khuôn mặt của bà ta, để làm nhục Nguyên đế, về sau bà ta bị Nguyên đế phát giác và lập tức chém đầu bà ta.
(Độc dị chí)

Suy tư:

Yêu và thù hận là hai thái cực không bao giờ cùng song song tồn tại trên sự chân thật, nhưng chúng nó có thể làm cho con người ta trở thành thiên thần hay thành quỷ dử.

Tình yêu thì không phân biệt tuổi tác, khuyết tật hay đẹp xấu, nhưng nó cần phân biệt rõ ràng sự chung thủy và thành thật. Một công chúa có thể yêu một anh nghèo khổ, một chàng trai nhiều tài có thể yêu một cô gái xấu xí hay một người ngoại quốc yêu một người không cùng dân tộc... tất cả đều có thể xảy ra trên thế gian này. Nhưng dù anh nghèo hay anh giàu, cô đẹp hay cô xấu, thì anh và chị cũng luôn đòi hỏi một tình yêu chung thủy và thành thật.

Từ Cơ đã nhục mạ vị quân vương chột mắt không phải vì ông ta xấu xí, nhưng là nhục mạ tình yêu chân thành của ông ta, cho nên bị chém đầu. Bà ta đùa giỡn với một tình yêu chân thành.

Đức Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu chung thủy và chân thật, chung thủy là vì dù cho chúng ta thờ ơ, coi nhẹ tình yêu của Ngài, thì Ngài vẫn cứ yêu thương chúng ta; chân thật là Ngài đã yêu đến cùng, và đã chết nhục nhã trên thánh giá để cứu chuộc chúng ta.

Cũng như Từ Cơ đã chết vì làm nhục một tình yêu chân thật, tôi cũng sẽ bị chết đời đời nếu tôi làm nhục tình yêu của Đấng chí thánh đã dành cho tôi: một tình yêu đem lại sự sống đời đời cho những ai vui lòng đón nhận nó.

Không một vị thánh nào vào thiên đàng mà chỉ trang điểm có một nửa cho linh hồn, nhưng trang điểm toàn diện, nghĩa là yêu Chúa hết linh hồn hết trí khôn và trên hết mọi sự.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

 

 

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Khi con người vắng bóng Thiên Chúa

 

KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2014
KHI CON NGƯỜI VẮNG BÓNG THIÊN CHÚA

Thiên Chúa là tình yêu,[1]

Lời xác tín của thánh Gioan tông đồ vẫn vang dội cho đến ngày hôm nay, trên mọi nẻo đường và trên mỗi bước chân của con người.

Thiên Chúa là tình yêu, muôn đời Ngài vẫn là tình yêu, tình yêu này nổi bật và trở thành hiện thực khi Ngôi Lời trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta[2], Ngài chính là Đức Chúa Giê-su- Đấng sinh ra trong hang lừa máng cỏ nghèo hèn và lạnh lẽo. Chính Ngài đã vì yêu mà mang thân phận con người như chúng ta, và để cứu chúng ta mà Ngài chịu đóng đinh và chết trên thập giá.

Thiên Chúa là tình yêu,

Trong tình yêu này mà muôn vật được tạo dựng, và nhân loại nhận được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa sau khi nguyên tổ phạm tội.

Thiên Chúa là tình yêu, khi con người vắng bóng Thiên Chúa là con người tự hủy diệt chính mình, và trở thành nô lệ cho ma quỷ...

1.     Bản thân.

Khi bản thân của một người vắng bóng Thiên Chúa thì cuộc sống của họ sẽ đi trong bóng tối của tội lỗi và sự ác, họ tự coi mình là siêu nhân trên các siêu nhân, nghĩa là họ thích thú được làm những gì mà không đòi buộc họ phải suy nghĩ có làm tổn hại đến ai hay không, hoặc hành vi của họ có phải trả một giá nào đó không !

Khi tâm hồn vắng bóng Thiên Chúa thì sự dữ chắc chắn sẽ làm chủ tâm hồn họ, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, thiếu vắng tình yêu này thì ma quỷ sẽ trở thành nơi nương tựa cho họ và tâm hồn họ sẽ là nơi trú ngụ tốt nhất của ma quỷ, để qua họ mà gieo rắc đau khổ đến cho tha nhân. Cuộc sống đã chứng minh điều ấy khi báo chí đăng tải nhiều điều đau lòng xảy ra, nào là con giết mẹ mình để lấy tiền hút xách, ông bố có hành vi đồi bại với con gái nhỏ của mình, vợ giết chồng...

2.   Gia đình.

Khi gia đình vắng bóng Thiên Chúa thì đồng thời hạnh phúc thật cũng sẽ từ giả họ mà đi, lúc đó gia đình sẽ là ngục tù nhốt hai con người, hai tâm hồn đã trở thành xa lạ với nhau dù họ có ở bên nhau; khi gia đình vắng bóng Thiên Chúa thì người chồng sẽ tìm kiếm thú vui bên ngoài gia đình, và người vợ thì thân xác ở nhà nhưng lòng dạ thì đã rời xa vô vạn.

Khi gia đình vắng bóng Thiên Chúa thì mỗi người trong gia đình là một ốc đảo tự mình bảo vệ mình, tự mình lo cho mình và trở thành đối nghịch với nhau vì một chút ích kỷ nhỏ nhen: cha thì bảo vệ quyền lợi và tiền bạc của cha, mẹ thì chì biết chăm sóc bản thân mình hơn chăm sóc con cái, và con cái thì như của nợ mà cha và mẹ muốn đổ trách nhiệm cho nhau, không ai nhận làm của mình.

Khi gia đình vắng bóng Thiên Chúa thì sự dữ sẽ ập đến và sự khủng khiếp đã xảy ra: con giết cha, mẹ bắt con gái làm điếm, gia đình trở thành hỏa ngục thiêu đôt mọi người đang cư ngụ trong nó...

3.   Xã hội.

Khi xã hội vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa thì con người trở mặt với nhau vì một vài chút lợi lộc nho nhỏ, vì một vài tiếng nói qua lại mà trở thành những kẻ sát nhân ngay chính trong gia đình của mình; khi xã hội vắng bóng Thiên Chúa thì tất cả chỉ làm theo bản năng của mình, tức là giành giựt nhau từng miếng cơm manh áo, giàu có muốn giàu có thêm mà không chia sẻ với những người bất hạnh chung quanh mình, tình người không được coi trọng, nhân phẩm ngày càng bị hạ xuống bùn sâu, rồi trở thành loại hàng xa xỉ của xã hội.

Khi con người vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa thì nhân loại trở thành xa lạ với nhau dù khoa học có phát triển cực kỳ chóng mặt, thì những phát mình của khoa học chỉ là những vũ khí lạnh lùng cướp đi sinh mạng của những người vô tội; dù khoa học phát triển tột bực với những phương tiện truyền thông hiện đại, thì người ta vẫn cảm thấy như xa cách với nhau trong ngôn từ và trong cảm xúc.

Thiên-Chúa-Làm-Người để chia sẻ thân phận làm người với nhân loại, Ngài trở thành niềm vui và hạnh phúc của nhân loại nếu nhân loại biết đón nhận Ngài vào trong nhà mình.

NĂM 2014

Một năm mới lại đến với những lo âu và hy vọng, với những đau khổ và niềm vui,

Không ai biết được những gì sẽ xảy đến cho mình và cho thế giới.

Không ai lường trước được những sự việc sẽ xảy ra để đề phòng,

Chỉ có Chúa mới là Đấng mà thế giới phải trông cậy và phó thác, chỉ có Chúa mới là nguồn vui và bình an cho thế giới, chỉ có Chúa mới là sự hạnh phúc và gia nghiệp của thế giới.

Vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc sống của mình thì nhân loại vẫn cứ mãi hoài bước đi trong tăm tối của hận thù và bạo lực; vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc sống của mình thì mỗi con người sẽ trở thành những người máy chỉ biết làm theo lệnh của ma quỷ, của thế gian và xác thịt, để rồi trở thành xa lạ với nhau ngay chính trong cộng đoàn, trong gia đình và xa lạ ngay cả trong chính bản thân của mình.

Một năm mới lại đến,

Hãy mở lòng đón nhận Thiên Chúa vào trong cuộc sống của mình, bởi vì:

Chính Ngài là Tình Yêu, là Niềm Vui và là Hạnh Phúc của nhân loại, của bạn và của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01/01/2014


[1] 1 Ga 1, 8.
[2] Ga 1, 14.