Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Chúa nhật 3 mùa chay

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
 
Lời Chúa: Lc 13, 1-9.

“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Bạn thân mến,
Bạn sẽ cười mĩa mai khi nghe câu nói của Đức Chúa Giê-su: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”, bởi vì có rất nhiều người trên thế giới tội lỗi ngập đầu như băng đảng mafia, như bọn đâm thuê chém mướn, như những tên tham quan hối lộ tham nhũng, chúng nó vẫn sống nhăn răng mà lại giàu có nữa đó, có chết thằng cha nào đâu ! Vâng, bạn nói đúng, họ không chết phần xác, hay nói đúng hơn thân xác họ chưa chết nhưng linh hồn của họ thì đã chết rồi, nghĩa là họ đã đánh mất ân sủng của Chúa trong tâm hồn của họ.

Nhưng bạn đừng bắt chước như họ, bởi vì đời sống của người dữ cũng như kẻ lành đều được Thiên Chúa cân đo chính xác lắm, bởi vì Ngài là Thiên Chúa rất công bằng và rất yêu thương, và ơn cứu độ sẽ là nơi lòng sám hối của mỗi người sau khi phạm tội.

Đức Chúa Giê-su đã cảnh cáo chúng ta, nếu không ăn năn sám hối thì cũng sẽ chết như vậy.

Sám hối tức là nhìn nhận những tội lỗi mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa, là quyết tâm biến những thiếu sót và khuyết điểm của mình thành những đức tính tích cực, để trở nên người bạn hữu tốt của người khác, bởi vì, khi một tâm hồn biết thống hối ăn năn, thì cũng có nghĩa là họ đã trở nên một con người mới trong ngôn hành của họ đối với mọi người.

Sám hối thì không có giờ hẹn, không có chuyện sám hối một hai lần, nhưng cần phải sám hối mỗi ngày và sám hối ngay, bởi vì giờ Chúa đến thì giống như kẻ trộm, đến bất thình lình không ai biết trước được.  

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa hồng ân, là mùa mà Thiên Chúa mở rộng lòng quãng đại của Ngài với tất cả chúng ta, để chúng ta là kẻ tội lỗi biết dung ân sủng của Chúa đến sám hối và cải thiện cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, hoặc nếu chúng ta là những người Ki-tô hữu tốt lành, thì chúng ta cũng dung ân sủng của Chúa để thăng tiến đời mình hơn nữa.

“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”, lời cảnh cáo rất ngiêm khắc của Đức Chúa Giê-su đối với mỗi người trong chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Trẻ con tranh luận mặt trời

TRẺ CON TRANH LUẬN VỀ MẶT TRỜI
 

Khổng tử đi du lịch về phía đông, thấy hai đứa trẻ đang tranh luận, Khổng tử bèn hỏi chúng nó tranh luận về điều gì.
Đứa trẻ tên Giáp nói: “Cháu cho rằng mặt trời khi mới mọc thì khoảng cách rất gần con người, đến trưa thì càng rất xa”.
Ất nói: ”Con thì cho rằng mặt trời khi mới mọc thì rất xa, đến trưa thì ngược lại rất gần”.
Giáp nói: “Mặt trời khi mới mọc thì to lớn như cái ô dù che nắng trên xe ngựa, đến trưa thì rất nhỏ như cái đĩa. Giải thích như thế này: lớn vì nó gần, nhỏ vì nó xa, lại không đúng hay sao?”
Ất nói: “Mặt trời khi mới ló ra, người ta cảm thấy mát mẻ, đến trưa thì ai cũng cảm thấy nóng, lẽ nào không phải xa mới cảm thấy mát, gần không cảm thấy nóng sao?”
Khổng tử sửng sốt, không thể giải đáp.
Hai đứa trẻ cười nói: “Ai nói ông là người có học vấn chứ?”
(Liệt tử)

Suy tư:
Những đứa trẻ tuy nhỏ nhưng cũng có những suy nghĩ của chúng nó, người lớn thường hay coi trẻ em không ra gì, thậm chí còn cho rằng chúng không biết gi, đúng là quan niệm sai lầm, lầm to. Vì hiểu lầm như thế nên các người lớn cứ diễn đủ trò xấu xa trước mắt trẻ em, vì cứ cho là chúng không biết gì ! Cái tai hại chính là ở đấy, thiếu hiểu biết về trẻ em, cứ cho chúng nó như mình từ thuở xa xưa.
Trẻ em phạm pháp đó là trách nhiệm của xã hội, của người lớn, mà người lớn trước hết là bố mẹ, anh chị; người lớn là hết mọi người lớn trong xã hội. Không có lửa thì không thể nào có khói, không có gương mù gương xấu thì sẽ không có những thiếu niên hư hỏng. Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta: “Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mt 8, 6) . Ngài đã nghiêm khắc lên án những ai làm việc xấu xa để trẻ nhỏ bắt chước, việc xấu xa chính là: gian dâm, trộm cắp, vu khống, ngoại tình dâm ô…
Có những lúc vô tình tôi đã làm gương xấu cho trẻ em, người khác làm gương xấu bị phạt một, nhưng nếu tôi là linh mục, nam nữ tu sĩ mà làm gương xấu cho trẻ em thì bị phạt gấp trăm, gấp ngàn lần.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư


Chợ đêm

CHỢ ĐÊM
 
Có phiên chợ đêm hàng tuần, người ta đi chợ đêm rất đông, nhưng đi coi nhiều hơn mua, người Taiwan người Việt chen lấn nhau ồn ào, có hai cô dâu nói chuyện với nhau:
-        “Cái thằng Tàu ấy đòi ngủ với tao một ngàn một đêm, tao không thèm đi, nhìn nó ghê thấy mồ”.
Cô dâu kia, tay dắt đứa con nhỏ, nói:
-        “Hôm qua tao có tăng ca[1], thằng chồng tao nó nghi ngờ nên gọi đến công ty hỏi, hú hồn, lúc đó tao chưa ra khỏi công ty”.
Chợ đêm là cơ hội để một vài cô dâu Việt Nam tụ tập với nhau “mua bán” hợp pháp mà không sợ chồng biết.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] “Tăng ca” là từ dùng để chỉ các cô dâu đi làm việc ở công ty, tan ca nhưng không về nhà, mà gọi về cho chồng là công ty có tăng ca nên về trễ, thực ra, các cô dâu này vừa tan ca là cặp bồ với đàn ông khác, hoặc đi làm gái để kiếm tiền gởi về gia đình ở Việt Nam.

Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thầy dạy các nữ tu trên đường trọn lành


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

ĐC TRINH N MARIA
THẦY DẠY CÁC NỮ TU
TRÊN ĐƯỜNG TRỌN LÀNH

Mến tặng các Nữ Tu MTG.ĐL.VN

Và các chị chuẩn bị Khấn Trọn ngày 8.6.2004

 
Lời nói trước

Các chị thân mến,
Bác Tài cám ơn các chị nhiều vì thông qua chị Tổng, Bác Tài được các chị mời về dự lễ “cưới” của các chị, mặc dù không được hiện diện trong ngày khấn của các chị, nhưng theo thói quen Bác Tài vẫn luôn nhớ và cầu nguyện đặc biệt cho các chị trong ngày trọng đại ấy.

Và với suy tư về ơn gọi làm tu sĩ nam nữ, Bác Tài xin chia sẻ với các chị về bài suy tư Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thầy dạy các nữ tu trên đường trọn lành.

Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng mà Thiên Chúa trong trong chương trình cứu độ của Ngài đã trao phó cho Mẹ một sứ mạng đặc biệt và cao cả, đó là cộng tác với Ngài –qua Đức Chúa Giê-su- để khai mở và hoàn tất việc “sáng tạo” nên những con người mới qua sự chết và sống lại của Con Một Ngài.

Con người mới -trong suy tư của Bác Tài khi nhận được thiệp mời của chị Tổng- chính là các chị, những nữ tu dịu hiền nhưng can đảm, những nữ tu tràn đầy sức sống và sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng của mình, lý tưởng phục vụ trong đời tận hiến.

Do đó, Bác Tài nói Đức Mẹ Ma-ri-a là thầy dạy của các nữ tu với những nhân đức trổi vựơt mà Giáo Hội -qua mọi thời đại- đã ca tụng và đang ca tụng Mẹ trong thời đại hôm nay của chúng ta thật cũng không sai cho lắm, bởi vì bấy lâu nay các chị nghe nhiều về Mẹ trong những lần lên lớp tu đức, trong những bài giảng của các linh mục, và nhất là trong những ngày tĩnh tâm để khấn của các chị.

Xin Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se ban cho các chị can đảm, vui tươi sống đời tu trì với tinh thần tu đức cách thành thiện và hấp dẫn người khác cùng sống như các chị.

Bác Tài, csjb.


Bài học thứ nhất của Mẹ dạy :

Biết chấp nhận trái ý mình

Nổi bật nhất trong bài học này chính là Mẹ, Mẹ đã làm gương trước cho chúng ta khi sứ thần Ga-bri-en đến truyền tin: “Và này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su”[1]. Thụ thai thế nào được khi mà mình cương quyết giữ mình đồng trinh, sinh con thế nào được khi mà mình chẳng muốn lấy chồng, có đứa con nào đâu để mà đặt tên khi mình chẳng hề để tâm đến chuyện lập gia đình. Nó ngược đời là ở đó, ý Thiên Chúa là ở đó, ở ngay trong cái mình không muốn không thích và không hề nghĩ đến.

Nhưng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã chấp nhận cái không đúng với ý mình, chấp nhận cách vui tươi và nhẹ nhàng không cau có, không tức bực, bởi vì –hơn ai hết- Mẹ biết rằng, chính cái chấp nhận này đã làm cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn hảo.

Là nữ tu, có nghĩa là các chị đã hoàn toàn chấp nhận đi theo làm môn đệ của Chúa và cũng là làm nữ tỳ con cái của Mẹ Maria, các chị chấp nhận sống đời hoàn hảo theo luật dòng và lời khấn, đó là cái chấp nhận chính đáng mà tất cả những ai muốn làm nữ tu đều phải tuân theo, cái chấp nhận này đúng là dễ dàng hơn chấp nhận cái làm trái ý của mình.

Trong đời tu, vì đức vâng lời mà các chị –cũng như các nam nữ tu sĩ khác, trong đó có Bác Tài- đã mau mắn vâng lời bề trên, mau mắn thực hiện cái công việc được giao phó bởi vì công việc ấy hợp ý mình, nhưng có những lúc các chị phải đau khổ ngậm đắng nuốt cay để làm những việc mà mình không thích tí nào, bởi vì dù là tu sĩ thì chúng ta vẫn là con người mà lại là con người trẻ đầy sức sống và học thức, cho nên khó mà chấp nhận được cái làm trái ý của mình.

Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã biết chấp nhận cái trái ý của mình khi trả lời cho Thiên Chúa –qua sứ thần Ga-bri-en- “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói”[2]. Mẹ là bậc thầy dạy chúng ta biết cách chấp nhận cái không đúng theo ý riêng mình, Mẹ biết cách dạy chúng ta trở nên khí cụ mọn hèn trong tay Thiên Chúa bằng hai chữ xin vâng, xin vâng trong tích cực với lòng khiêm tốn, đó là phương pháp mà Mẹ đã dùng và cũng sẽ truyền đạt lại cho chúng ta, nếu chúng ta muốn trở nên một chấm phẩy nhỏ nhoi trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống của một nữ tu nhìn bên ngoài thì xem ra chẳng có gì phức tạp, và dưới cái nhìn của mọi người các chị em là những người sống đơn giản nhất, nhưng thật ra nó không đơn giản như người ta tưởng, không đơn giản bởi vì các chị em luôn có một phản kháng trong mình mặc dù các chị em vẫn ý thức cái phản kháng đó không thể làm cho chị em nổi loạn, nhưng sự ấm ức vì bề trên giao cho mình công việc không hợp với trình độ học vấn hiểu biết của mình vẫn cứ tồn tại trong tâm. Những lúc như thế chị em phải học lại bài học nơi Đức Mẹ Ma-ri-a biết chấp nhận cái không vừa ý của mình, đó là các chị được diểm phúc học làm thánh từ nơi vị thầy vĩ đại của các chị –và của mọi người- bởi vì không biết chấp nhận cái trái ý của mình  thì chuyện làm thánh thật quá xa vời vậy.

Biết chấp nhận trái ý mình là thái độ can đảm của người anh hùng : anh hùng trong đức tin, đức cậy và đức ái.

Đức Trinh Nữ Ma-ri-a với tiếng Xin Vâng của mình đã bộc lộ hết tất cả sự can đảm của một nữ tỳ tràn trề đức tin, sự tín thác vô điều kiện của đức cậy và lửa yêu mến của đức ái, do đó mà Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại nơi con người nhỏ bé khiêm tốn của Mẹ.

Các chị là những nữ tu, theo nhãn quan thần học, trước mặt Thiên Chúa thì tất cả mọi người đều giống nhau, nhưng theo cái nhìn của con tim Bác Tài thì các chị –các nữ tu- rất khác biệt với những người khác, và chắc chắn rằng Mẹ sẽ yêu mến các chị nhiều hơn, nghĩa là ban cho các chị nhiều ơn lành và ân sủng hơn những người khác để các chị biết chu toàn trọng trách của mình trong những bổn phận -mà đôi lúc- ngược sự đời theo cách nhìn của thế gian và cái tôi của các chị, hơn nữa biết chấp nhận cái mình không thích không muốn là một nghĩa cử nhân ái trong cộng đoàn mà chỉ có những người Xin Vâng hoàn toàn mới có thể làm được. Bác Tài cũng đã nhìn thấy một vài chị em của các chị đã biết chấp nhận cái mình không thích một cách vui tươi trong hoàn cảnh phải xa nhà để học hành, tiếp xúc với người quen cũng như không quen và đôi lúc làm việc truyền giáo khi có thể được, các chị em này của các chị đã biết chấp nhận cái văn hóa tuy cũng gần gủi với văn hóa Việt Nam nhưng cũng khác thường với cách suy nghĩ và tu trì của chúng ta, và nhờ biết chấp nhận mà các chị em ấy đã hội nhập được vào đời sống hoàn cảnh địa phương và trên cánh đồng truyền giáo tương lai của các chị em ấy hứa hẹn gặt nhiều thành công...

Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là mẹ và là thầy dạy các chị trên con đường trọn lành, Mẹ đã như người mẹ trong gia đình biết cách dạy bảo các chị phải biết làm sao để chấp nhận cái mà các chị không thích không muốn, bởi vì chính Mẹ đã trãi qua, đã thực hành và vẫn đang thực hành nơi con người của các chị. Cho nên biết chấp nhận cái trái ý của mình như là chấp nhận một hồng ân của Thiên Chúa, thì chính các chị đã thuộc bài học từ nơi Đức Mẹ Ma-ri-a rồi vậy : phó dâng.

Bài học thứ hai của Mẹ dạy :

Biết im lặng trước nổi đau

Là người phụ nữ như tất cả những phụ nữ khác, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cũng có những nỗi khổ đau trong tâm hồn của Mẹ, những khổ đau này các chị đều biết qua Tin Mừng mà các chị mỗi ngày đều đọc, nghe, suy tư và thực hành.

Nỗi khổ của Mẹ thì rất nhiều nhưng Bác Tài chỉ đặt trọng tâm trong ba thời điểm lớn, đó là sinh con nơi hang lừa, khi con giảng dạy và khi con chịu khổ hình rồi chết trên thập giá.

1/ Im lặng khi sinh con nơi hang lừa.

Không một người mẹ trần gian nào khổ cực thiếu thốn hơn Đức Mẹ Ma-ri-a khi sinh con: không nhà cửa, không chăn nệm, không lò sưởi và ngay cả áo cho con trẻ Mẹ cũng không có, theo thói thường và thói nhiều chuyện của người phụ nữ thì người ta sẽ đau khổ và than thân trách phận và có khi đay nghiến cả chồng vì sự nghèo hèn, hoặc than vãn và kể lể này nọ khi có người đến thăm. Nhưng Đức Mẹ Ma-ri-a thì không như thế, Mẹ âm thầm dâng tất cả những khó nghèo và thiếu thốn này cho Thiên Chúa như là những lễ vật để đền đáp ơn Thiên Chúa đã chọn Mẹ tham dự vào chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài, Mẹ im hơi lặng tiếng không phải để dồn nén khổ đau, nhưng im lặng để suy ngắm những gì mà Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ qua việc Con Một của Ngài giáng trần cách nghèo khó thế này, sự im lặng của Mẹ là tiếng hát vang lên ca tụng những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi loài thụ tạo chính là Mẹ.

Các chị là những nữ tu là con cái và là học trò của Đức Mẹ Ma-ri-a, khi các chị bước vào đời sống Nhà Tập thì các chị cũng giống như Mẹ sinh con khó nghèo, tức là trong tâm hồn của các chị dấy lên những tình cảm và xúc động mới vì các chị đang ở trong cái khó nhặt nhất của đời tu đó là Nhà Tập, nơi đây các chị sẽ được huấn luyện để trở nên một nữ tu căn bản tức là học sống đời sống cộng đoàn, học luật dòng, học tu đức, học tôn chỉ và mục đích của nhà dòng và các môn học khác, những tháng ngày ở Nhà Tập tâm trạng của các chị cũng giống như Đức Mẹ Ma-ri-a xưa kia nơi hang lừa máng cỏ: bồi hồi sung sướng và hạnh phúc vì có Thiên Chúa –Hài Nhi Giê-su- ở cùng, đó là những ngày tháng hạnh phúc nhưng gian khổ của các chị, và cũng có những lúc các chị em sẽ thấy cô đơn, đau khổ và nản chí trong đời sống Nhà Tập, các chị muốn thối lui, các chị muốn phản ứng, các chị cảm thấy như có một tảng đá nặng nề trong đời sống cộng đoàn, đó là sự “sinh con” trong đau khổ và thiếu thốn của các chị, đứa con này là sản phẩm của tự ái, của cái tôi vùng lên thúc giục các chị quăng gánh nửa đường mà trở về với đời sống hưởng thụ vật chất như các thiếu nữ thường tình khác, những lúc như thế các chị hãy noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a, hãy nhìn lên bài học “sinh con nơi hang lừa” của Mẹ, tức là im lặng suy tư và phó dâng cho Thiên Chúa vì Ngài đã chọn các chị cũng như đã chọn Mẹ Maria trong chương trình của Ngài.

2/ Im lặng khi con giảng dạy.

Hai mẹ con hai sứ mệnh tương lai đã được vị tiên tri già đáng kính Si-mê-on biết trước và trân trọng thông báo cho người mẹ biết : “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Is-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng”[3], “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”[4]. Không có gì đáng sợ cho bằng biết trước những đau khổ khốn khó mà mình phải chịu trong tương lai, Đức Mẹ Ma-ri-a đã được báo trước những đau khổ mà chính Mẹ và Hài Nhi Giê-su phải chịu, tâm tình của người mẹ đã thống khổ lại càng đau khổ hơn khi con của mình cũng như thế, nhưng Mẹ Maria không mở lời than trách cũng không mở lời xin Thiên Chúa giảm bớt đau khổ nơi Mẹ.

Và lời tiên tri năm xưa nơi đền thánh Giê-ru-sa-lem đã thành hiện thực, Đức Chúa Giê-su đã vì sứ mạng cao cả mà từ giả người mẹ thân yêu để đi loan báo tin vui Nước Trời, được hoan hô, bị phỉ báng, có người thương có người ghét, tất cả những điều ấy Đức Mẹ Ma-ri-a đã “thấy” ngay từ ngày ẳm con vào đền thờ dâng cho Thiên Chúa. Mẹ im lặng suy tư về sứ mệnh mà Đức Chúa Giê-su đang thi hành, đồng thời -cách này hay cách khác- Mẹ cũng đã chia sẻ những vui buồn với con mình trong sứ mệnh cao cả ấy bằng việc tham dự tiệc cưới Ca-na với phép lạ đầu tiên đầy ấn tượng của Đức Chúa Giê-su[5].

Giai đoạn Nhà Tập xong, các chị tiến lên một bước nữa trên con đường tu đức và thánh đức bằng việc tuyên khấn Lần Đầu, có thể nói các chị đang chia sẻ với Đức Mẹ Ma-ri-a về những vui buồn với Đức Chúa Giê-su khi các chị được sai đi làm công tác nơi các nhà xứ, nơi nhà trẻ, hoặc là được đi học thêm chuyên môn, kiến thức, thì các chị sẽ thấy thấm những niềm vui và những nỗi buồn trong khi thi hành bổn phận của mình. Không phải ai cũng khen ngợi các chị và cũng không phải ai cũng ghét các chị, nhưng mỗi người đều có những quan điểm riêng của họ khi nhìn cách sống của các chị, cũng như Đức Mẹ Ma-ri-a các chị cần im lặng suy tư về những thành công hay thất bại của mình, và chỉ có cầu nguyện và suy gẫm về cuộc sống của Đức Mẹ Ma-ri-a các chị mới thấy được những hi sinh to lớn và những im lặng rất cần thiết trong cuộc đời của Mẹ là có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa, và nhờ đó mà các chị rút ra cho mình một bài học riêng tư trong cuộc sống tu trì...

Đức Mẹ Ma-ri-a theo dõi từng bước chân con mình đi, từng việc con mình làm, và đôi lúc Mẹ cũng hòa nhập vào đám đông dân chúng để nghe con mình giảng dạy, để cùng vui cùng buồn với con mình.

Sẽ có một lúc nào đó các chị cảm thấy đời tu như là một gánh nặng mà mình “lỡ” mang trên mình, đó là những lúc các chị chia sẻ nỗi khổ với Đức Mẹ Ma-ri-a khi Đức Chúa Giê-su bị những người không thích la ó và bắt bẻ, nếu các chị biết im lặng lắng nghe tiếng Chúa nói trong đau khổ, trong những buồn chán mà các chị cảm thấy quá ê chề, nhất là những ê chề này lại do chính những người chị em mình gây ra. Bác Tài đã thấy những chị em của các chị chịu đựng cách phi thường những “trái tính” của người chị em trong cộng đoàn của mình mà không kêu ca không trách móc, bởi vì các chị em ấy biết im lặng để nhìn ra cái “trái tính” của người chị em mình là bởi đâu, có khi vì mình, có khi vì mặc cảm, có khi vì tự ái, có khi vì kiêu căng mà người chị em ấy có những thái độ như những cô gái ngoài đời...

Ba năm giảng dạy của Đức Chúa Giê-su là ba năm im lặng và suy tư của Đức Mẹ Ma-ri-a, các chị thử mở Phúc Âm ra đọc thử xem sao, trong Phúc Âm của thánh Gioan, Đức Mẹ Ma-ri-a chỉ nói có hai câu trong bữa tiệc cưới tại thành Ca-na[6] và trong Phúc Âm Nhất Lãm ngoài việc Đức Mẹ Ma-ri-a hỏi đáp với sứ thần Ga-bri-en khi sứ thần truyền tin[7] thì Đức Mẹ Ma-ri-a còn hát bài Magnificat[8]  chúc tụng Thiên Chúa và khi Đức Chúa Giê-su ở lại trong đền thờ[9] mà thôi, ngoài ra thì Mẹ im lặng, Đức Mẹ Ma-ri-a im lặng nhưng tâm hồn Mẹ nói rất nhiều với Thiên Chúa, Mẹ im lặng nhưng Mẹ vẫn thao thức theo dõi từng bước chân của con mình đang rảo khắp đồi núi miền Ga-li-lê-a rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa.

3/ Im lặng khi con chịu khổ hình và chết trên thập giá.

Không một bà mẹ nào im hơi lặng tiếng trước cái chết cách bất công và tủi nhục của con mình mang nặng đẻ đau, cũng không một bà mẹ nào can đảm đứng thẳng người nhìn thấy con mình bị đóng đinh trên thập giá mà im lặng không thốt nên một lời, dù là lời đau khổ, chỉ có Đức Mẹ Ma-ri-a, vâng, chỉ có Đức Mẹ Ma-ri-a mà thôi, Mẹ chính là bậc thầy của mọi người, của các chị về im lặng trong đau khổ.

Âm thầm lẫn vào trong đám đông dân chúng đang đi coi một tội nhân đặc biệt vác thập giá đi chịu khổ hình, Đức Mẹ Ma-ri-a không một lời báo oán, không một lời trách móc, không một lời giận trời trách người, trái lại Mẹ âm thầm dâng những hi sinh ấy lên Thiên Chúa xin Ngài tha lỗi cho những người đã hành hạ và giết con mình...

Các chị nhìn coi, có người mẹ nào anh dũng như thế trước cái đau thương và khổ nhục của con mình ? Có người mẹ nào can đảm vượt qua trước những bạo tàn để nhìn con của mình đang bị những làn roi hành hạ dưới cây thập giá nặng nề.

Trong đời nữ tu, các chị cũng từng bước đi theo chân Đức Chúa Giê-su trên con đường khổ nạn, các chị đang bị bạn bè chế giễu cho là ngu khi đi tu, các chị bị bề trên hiễu lầm, các chị bị chính những chị em của mình so đo có ác ý khi mình được mọi người yêu mến, những lúc như thế, các chị hãy xác tín rằng Đức Mẹ Ma-ri-a đang len lõi vào trong những nổi buồn đau tận tâm hồn của các chị để hướng dẫn các chị đi theo con đường mà Mẹ đã đi, đó là con đường im lặng và chấp nhận thử thách đau thương như chính Mẹ vậy, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”[10]. Đức Mẹ Ma-ri-a đã im lặng suy tư và Mẹ hiểu rất rõ về vai trò của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, cho nên cũng đồng thời Mẹ chia sẻ với Đức Chúa Giê-su sức nặng của thập giá chính là nhừng tội lỗi của nhân loại và của chúng ta.

Tàn khốc hơn chính là giây phút chứng kiến cảnh con mình bị người ta đóng đinh vào thập giá rồi dựng lên cao giữa đồi đá chơ vơ, không một lời than thở, không một yếu hèn, Mẹ đã đứng vững dưới chân thập giá, mắt ngước nhìn con bị treo lên cao và im lặng, cái im lặng như lời thẩm phán uy nghiêm đốt cháy những tâm hồn lạnh băng vì thù hận, vì tham danh, vì ghét ghen mà xử án bất công Đấng vô tội là Đức Chúa Giê-su, cái im lặng như là một bản án công bằng dành cho những người chối bỏ chân lý đang đến giữa họ, và đồng thời cái im lặng này cũng nói lên tất cả tình thương yêu của một người mẹ đối với những người con ngày hôm nay đang bị xã hội bỏ rơi và đối xử cách tệ bạc, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su con Mẹ cũng đã bị người ta đối xữ tàn nhẫn như thế...

Các chị thân mến,
Nơi đâu các chị đặt chân đến đó chính là núi Sọ của các chị, là nơi mà chính các chị cảm nghiệm được sự nặng nề của thập giá, là nơi mà các chị -nhiều lúc- cảm thấy mình như là cái gai cho nhiều người chỉ chọt xỉa xói vì các chị sống đúng Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su là yêu thương và phục vụ tha nhân trong vui vẻ và bình an.

Hồi còn đi làm rẫy, Bác Tài thỉnh thoảng chơi nghịch lấy hạt đậu phộng trỉa (tra) xuống đất lấp lại rồi lấy một hòn sỏi nhỏ hay một miếng vỏ cây đè lên nó, vậy mà ba ngày sau nó nảy mầm đội luôn cả vỏ cây mà vươn lên, sức mạnh của im lặng cũng như thế, bất chấp những đau khổ, bất chấp những thử thách, bất chấp hoàn cảnh tốt xấu, nó vẫn cứ vươn lên mạnh mẻ bởi vì nó là hạt giống nảy mầm nhân đức cho người biết trân quý nó, mà người biết trân quý nó không phải là các chị sao ?

Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ và là thầy dạy Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống làm người của Ngài ở trần gian, chắc chắn Đức Chúa Giê-su cũng học được sự im lặng nơi Đức Mẹ Ma-ri-a, khi Ngài vác thập giá lên núi Sọ, đã có lúc hai mẹ con nhìn nhau không nói một lời, nhưng trong tâm tình cả hai đều hiểu rất rõ và nói rất nhiều với nhau, và qua sự im lặng ấy, Đức Chúa Giê-su như có một sức mạnh tự tâm hồn để vác thập giá đi đến nơi để chịu đóng đinh, hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại.

Đó là bài học im lặng mà Đức Mẹ Ma-ri-a đã dạy các nữ tu của Mẹ trong cuộc sống, để các chị biết chấp nhận những thử thách như là thập giá mà Thiên Chúa gởi đến cho các chị...

Bài học thứ ba của Mẹ dạy :

Làm theo lời Đức Chúa Giê-su

Trong Tin Mừng của thánh Gioan chúng ta chỉ nghe Đức Mẹ Ma-ri-a nói hai câu mà thôi, một câu nói với Đức Chúa Giê-su: “Họ hết rượu rồi”[11] và một câu nói với các gia nhân của chủ tiệc cưới : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”[12].

Người có thế giá nhất trước mặt người con hiếu thảo chính là bà mẹ, do đó mà lời nói của bà luôn có một sức mạnh làm cho lòng dạ người con theo ý muốn của mẹ mình. Đức Chúa Giê-su là người con hiếu thảo với cha mẹ, cho nên mặc dù thời điểm chưa đến Ngài cũng vẫn thực hiện điều mà mẹ của Ngài yêu cầu...

Đức Mẹ Ma-ri-a dạy chúng ta hãy nghe và thực hành những gì mà Đức Chúa Giê-su đã dạy.

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”, cứ việc làm theo và đừng đối chất, đừng biện luận và cũng đừng lấy cái thông minh của con người ra lý luận việc của Thiên Chúa.

Cuộc đời có quá nhiều lo âu và đau khổ nên con người ta thường hay nghe người này người nọ để tìm an ủi và tìm đồng minh trong cuộc sống, các chị là những người con của Đức Mẹ Ma-ri-a là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, cho nên cuộc sống của các chị cũng khác với người khác, bởi vì lời mà các chị nghe không phải là lời của thế gian nhưng là lời của Thiên Chúa qua các bề trên của các chị, đó có lẽ là điều mà các chị dễ thực hành nhất trong đời sống tu trì hơn các việc khác vì nó ràng buộc các chị với lời khấn vâng lời. Nhưng có một tiếng nói mà các chị phải đề cao cảnh giác đó là tiếng nói trong tâm trí của các chị, tiếng nói này sẽ lên tiếng khi các chị thấy đời sống tu trì sao mà vẫn còn có những bất công và thiên vị, vẫn còn có những tham sân si, còn có những bè cánh phe phái trong cộng đoàn.v.v... tiếng nói này sẽ làm cho ơn gọi của các chị bị chao đảo, làm cho đời sống tu trì của các chị mất đi ý nghĩa và không có định hướng, thế là các chị nản lòng nản chí.

Các chị phải cảnh giác với tiếng nói trong tâm trí này của các chị, phải cầu nguyện để coi tiếng nói này của Thiên Chúa hay là của ma quỷ, của ích kỉ, của ghen ghét hay là của kiêu ngạo. Khi nhìn thấy những bất công xảy ra đâu đó trong cộng đoàn thì các chị cảm thấy như hụt hẩng và tiếng nói trong tâm trí các chị cứ thôi thúc các chị đấu tranh, khi thấy những chia rẻ trong cộng đoàn các chị cảm thấy ê chề và tiếng nói trong tâm trí của các chị lại lên tiếng thúc giục các chị phải làm một cái gì đó, khi một lỗi lầm nào đó xảy ra nơi một vài chị em hay nơi chính bản thân của các chị thì tiếng nói trong tâm trí ấy lại bùng lên lên án hoặc chê trách, và như thế các chị trở thành những con người không có tinh thần bác ái, cho nên các chị cần phải cầu nguyện và suy nghĩ nhiều với tiếng nói trong tâm trí ấy của các chị, bởi vì ma quỷ là loài quỷ quyệt nó lợi dụng tất cả mọi hoàn cảnh –có khi rất hợp lý- để “nói” với các chị về những gì là lý tưởng nhất để rồi các chị nghe lời “hợp lý” ấy mà trở nên người luôn bất mãn với cộng đoàn và với bề trên, rồi dần dần các chị cảm thấy tâm hồn bất an và ơn gọi tu trì của mình là sai là không hợp với mình, thế là các chị xin rút lui với tiếng cười đắc thắng của ma quỷ...

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Lời của Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta thì có rất nhiều trong Phúc Âm và trong cuộc sống của mình, nhưng đôi lúc vì quá chú trọng đến đời sống tu trì hơn là tinh thần tu đức mà các chị bỏ qua hoặc coi nhẹ Lời Chúa mà ít thực hành, chắc các chị sẽ cười nói Bác Tài là lẩm cẩm vì đời sống tu trì và tinh thần tu đức cũng chỉ là một mà thôi sao Bác Tài lại phân biệt làm hai cho mệt trí ! Bác Tài giải thích đơn giản như thế này :

Đời sống tu trì là các chị phải sống với những gì mà các chị đã khấn như: vâng lời, thanh bần và khiết tịnh, đó là căn bản của đời sống tu trì, và cũng vì quá chú trọng đến ba lời khấn ấy cách khép kín mà đôi lúc các chị quên mất cái làm cho ba lời khấn ấy nên hoàn hảo là Đức Ái. Bởi vì có những lúc các chị vâng lời cách máy móc mà không thấy được hậu quả của cái máy móc ấy là khách sáo trống rỗng, có lúc các chị quá sống thanh bần mà không hòa đồng được với thời đại văn minh khi đi truyền giáo, thanh bần đến lập dị trong một xã hội đầy kiến thức và văn minh; có lúc các chị quá chú trọng cách nặng nề vấn đề khiết tịnh nơi thể xác mà không dám nhìn thẳng vào thực tế của đời sống hưởng thụ xác thịt đang như là trào lưu buông thả của các thanh niên thời đại ngày nay, để hướng dẫn và giúp họ có cái nhìn thánh thiện hơn trong lứa tuổi của chúng nó...

Tinh thần tu đức là các chị sống cách trọn hảo về các lời khấn mà vẫn không làm cho các chị xa cách với đời sống bên ngoài xã hội hoặc đời sống trong cộng đoàn, chẳng hạn như khi các chị vâng lời bề trên với tất cả sự hiểu biết và tình thương thì đức vâng lời ấy có giá trị hơn vâng lời cách máy móc không ý thức trưởng thành, hoặc khi các chị sống thanh bần giữa xã hội văn minh vật chất này, nếu các chị có tinh thần nghèo khó thật sự thì việc ăn một bữa tiệc sang trong với giáo dân vì đức ái, rồi sau đó sống thanh bần trong cộng đoàn mình đó chính là tinh thần tu đức. Bác Tài còn nhớ một linh mục bề trên nọ trong giờ tu đức dành cho các tập sinh đã hỏi các thầy tập sinh như sau :

- “Nếu các thầy sau khi làm linh mục rồi được nổi tiếng và có dịp đến thăm giám mục địa phận, ngài vì ưu ái các thầy mà mời các thầy ngủ trong một phòng hạng sang cấp năm sao thì các thầy có nhận lời không, vì không nhận thì phụ lòng giám mục, mà nếu nhận thì lỗi đức khó nghèo”.

Đa số các thầy trả lời là từ chối không nhận vì đức khó nghèo, có thầy nói là cứ nhận vì lòng tốt của vị giám mục, có thầy thì chần chừ không biết trả lời sao cả, linh mục bề trên nọ cười và nói: “Cứ nhận lời, nhưng ngủ dưới đất !” câu trả lời đơn giản nhưng đúng là đầy tinh thần tu đức có đức ái với tha nhân và giữ được lời khấn khó nghèo của mình. Cũng vậy, đời sống tu trì làm các chị đôi lúc cứng nhắc trong đức ái, vì sợ lỗi đức khiết tịnh mà các chị không dám cầm đến một quyển sách luân lý về tình dục, cũng chẳng dám lên các lớp học hay coi những thước phim giáo dục giới tính lành mạnh vì các chị cho là không cần thiết, vâng, chắc chắn nó sẽ không cần thiết khi các chị vào trong dòng kín, nó cũng chẳng cần thiết khi các chị đã nên thánh ở trên trời, nhưng trong xã hội này, giáo dục thanh thiếu niên sống đúng với tinh thần luân lý Ki-tô giáo cần các chị phải có kiến thức trong lãnh vực này, đó là một bước tiến lành mạnh nơi các chị khi các chị vâng lời ra đi truyền giáo, Bác Tài đã thấy nhiều nữ tu ngoại quốc cũng như các nữ tu Việt Nam sống tinh thần tu đức rất đáng khâm phục, họ như những người bạn của các thanh niên thiếu nữ sẵn sàng đáp ứng những câu hỏi về giới tính cách sáng suốt và hướng dẫn họ trở nên người coi trọng tình yêu lứa đôi, họ sống vui tươi với mọi người mà không đánh mất ơn gọi tu trì nơi họ, trái lại còn làm cho những người khác ngạc nhiên và khâm phục vì đời sống hài hòa và gương mẫu của họ. Có nhiều tu sĩ nam nữ sống tốt đời sống tu trì, nhưng sống tinh thần tu đức thì ít người sống, cho nên cuộc sống của chúng ta –tu sĩ- chưa nhập thế và chưa hội nhập vào nền văn hóa đương đại mà chúng ta đang sống và truyền giáo.

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sống tinh thần tu đức như đã mời gọi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật[13]. Nghe lời Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng ta đào sâu và thực hành Lời Chúa sau khi nghe lời của Ngài, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”[14], đó chính là nền tảng căn bản sống tinh thần tu đức mà Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta vậy.

Bài học thứ tư của Mẹ dạy :

Tập phó thác cho Thiên Chúa

Trong Cựu Ước, tổ phụ Ab-ra-ham đã có lòng tin mạnh mẻ vào Thiên Chúa và ngài được gọi là cha của những kẻ tin. Trong Tân Ước có lẽ không ai có tinh thần phó thác cho Thiên Chúa như Đức Mẹ Ma-ri-a, nên Mẹ được gọi là “Đấng đầy ân phúc”[15].

Là bậc thầy của sự tín thác vào Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a đã dạy các nữ tu –con cái của Mẹ- biết đem hết lòng tin của mình phó thác hoàn toàn mọi sự trong tay của Thiên Chúa quan phòng.

Phó thác cho Thiên Chúa là đặt tất cả Tin Yêu vào Ngài mà cụ thể là ngay trong đời sống tu trì của các chị, mà Thiên Chúa ở đâu để mà đặt tin tưởng và yêu thương vào chứ ? Thiên Chúa ở nơi những quyết định của bề trên hợp pháp[16], như Đức Mẹ Ma-ri-a đã đặt tin tưởng và yêu thương nơi sứ thần Ga-bri-en truyền tin cho Mẹ bởi vì Mẹ biết và hiểu rõ ràng ràng rằng thiên sứ là người mà Thiên Chúa sai đến để báo tin cho Mẹ ý định của Ngài, do đó Mẹ đặt hết lòng tin tưởng và yêu thương vào Thiên Chúa qua lời của thiên sứ: “Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa...”

Phó thác không dễ đâu các chị ạ, tin tưởng vào bề trên không dễ đâu các chị ơi, bởi vì qua kinh nghiệm nơi bản thân của Bác Tài, Bác Tài thấy khó mà phó thác cho Thiên Chúa qua bề trên khi mà bề trên cũng nóng tính cũng nạt nộ và cũng chẳng hơn chi mình, nhưng cứ tập phó thác, tập hoài rồi cũng biết phó thác cho Thiên Chúa qua bề trên, và do cứ tập hoài nên Bác Tài nghiệm ra rằng, nếu không khiêm tốn đủ, nếu không yêu mến đủ, nếu không cầu nguyện đủ thì chắc chắn Bác Tài cũng như các chi hoặc như các tu sĩ nam nữ khác chỉ là sống theo đời sống tu trì mà thôi, tức là ngoài thì vâng lời mà trong lòng thì rủa sả, nói xấu bề trên của mình.v.v.

Con người ta chỉ biết và phó thác cho Thiên Chúa mà thôi chứ không ai muốn phó thác cho một con người, nhưng là những người được chọn để trở nên khí cụ truyền giáo và làm chứng nhân cho mọi người biết rằng: Thiên Chúa vẫn đang hiện diện và hoạt động trong vũ trụ và trong chính con người của các chị, nên các chị phải nhìn thấy ý Thiên Chúa qua bề trên của mình để phó thác. Đức Mẹ Ma-ri-a phó thác cho Thiên Chúa cách đặc biệt và phi thường, từ việc đón nhận tin vui mang thai Đấng Cứu Thế cho đến việc con mình –Đức Chúa Giê-su- bị đóng đinh vào thập giá, Mẹ hoàn toàn tin tưởng và phó thác trong tay Thiên Chúa để chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài được hoàn thành tại trần gian này.

Mỗi một con người, mỗi một sự vật đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, hay nói cách khác, Thiên Chúa đều có chương trình cho mỗi loài thụ tạo, nhất là loài người, để tùy theo ân sủng mà họ cộng tác vào chương trình của Ngài.

Các chị thân mến,
Bác Tài có suy nghĩ như thế này: chương trình cứu độ của Thiên Chúa như là một cái computer vĩ đại, các chị là những “con chip” nho nhỏ tinh vi với nhiều chức năng được Ngài cài đặt vào trong cái computer ấy để khi bật máy lên thì những “con chip” làm cho bộ điều hành khởi động và tạo ra các “files” thật ích lợi cho người sử dụng nó, do đó, nếu không biết phó thác cho Thiên Chúa thì những chức năng của “con chip” -là các chị- sẽ biến dạng trở nên những con người kiêu căng, oán trời trách người và trở nên kẻ vô dụng.

Tập phó thác cho Thiên Chúa không phải là ậm ừ không làm gì cả vì nghĩ rằng đã có bề trên lo liệu và làm cả rồi, đó không phải là phó thác mà là ỷ lại vào bề trên, đó không phải là phó thác mà là tinh thần biếng nhác mặc cái áo phó thác bên ngoài, nhưng bên trong thì đầy những tư tưởng hưởng thụ và ích kỷ.

Tập phó thác cho Thiên Chúa với khuôn mặt dịu dàng vui tươi là kết quả của tinh thần tu đức mà các chị đã thực hành trong cuộc sống, bởi vì có những người phó thác nhưng cái mặt thì không vui tươi, có người phó thác nhưng cứ nhăn nhó với chị em, có người phó thác nhưng thường hay giận cá chém thớt, đó là những kiểu phó thác có tinh thần ghen tương của ma quỷ và cái kiêu ngạo của “cái tôi” chưa được trắc nghiệm qua thử thách trong đời sống tu trì...

Tinh thần phó thác của Đức Mẹ Ma-ri-a không phải như chúng ta là cứ mỗi sự việc là phó thác hoặc là gặp chuyện “bí” quá thì phó thác, nhưng Đức Mẹ Ma-ri-a phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa cuộc sống của Mẹ, nghĩa là mỗi giây mỗi phút trong cuộc sống Mẹ đều đặt trong bàn tay quan phòng của Ngài, cho nên có thể nói cả cuộc đời của Mẹ là liên lỉ phó thác, liên lỉ hiến dâng cho Thiên Chúa mà không bị gián đoạn hoặc không nại lý do này hay lý do khác để gián đoạn. Các chị là những học trò ưu tú của Đức Mẹ Ma-ri-a, đương nhiên các chị phải học được bí quyết phó thác nơi Mẹ, bí quyết này không ở trong hoàn cảnh thuận lợi cũng không ở trong hoàn cảnh gay go, nhưng ở trong tinh thần vâng phục mau lẹ và vui tươi của các chị, nó (bí quyết vâng phục) còn ở trong sự khiêm tốn nữa, bởi vì không khiêm tốn thì các chị chỉ là những cánh hoa bằng nhựa ny lon đẹp bên ngoài nhưng rồi sẽ phai màu sắc với nắng mưa của đời sống tu trì với những va chạm, với những bất đồng trong cộng đoàn nơi các chị đang sống làm việc hay học hành...

Đức Mẹ Ma-ri-a đã sống phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, các chị cũng đã và đang sống phó thác cho Thiên Chúa qua gương mẫu tuyệt vời của vị thầy phó thác vĩ đại của mình là Đức Mẹ Ma-ri-a, xin Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương và sẵn sàng “ra tay” giúp đỡ người biết phó thác và ban bình an cho các chị.

Bài học thứ năm Mẹ dạy :

Tập chia sẻ với các chị em của mình

“Chia sẻ” là dấu hiệu để người khác nhận ra mình là người Ki-tô hữu, hai chữ “chia sẻ” càng có ý nghĩa rất đặc biệt nữa, đó là khi chúng ta chia sẻ với tha nhân là chúng ta làm cho cánh tay của Thiên Chúa nối dài đến anh chị em của mình, hay nói cách khác là Thiên Chúa đã dùng cánh tay của chúng ta để tiếp tục chương trình cứu độ của Ngài ở trần gian.

Trong Tin Mừng chúng ta không thấy có đoạn nào nói về việc Đức Mẹ Ma-ri-a chia sẻ vật chất cho người khác, thật ra Mẹ là người nghèo nhất trong những người nghèo, nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy những bài suy tư của các thánh về sự chia sẻ với người hàng xóm, với những người nghèo chung quanh chổ Mẹ ở. Tuy nhiên nếu đọc kỷ Tin Mừng thì chúng ta thấy Đức Mẹ Ma-ri-a đã chia sẻ với nhân loại cái mà không một ai ở trần gian này làm được, đó là Mẹ đã chia sẻ niềm vui cứu độ với loài người, và có thể nói, Mẹ đã làm cho tình yêu của Thiên Chúa vươn dài đến tận nơi mọi tâm hồn của con người bằng việc vâng theo ý Thiên Chúa mang thai Đấng cứu chuộc nhân loại.

Đức Mẹ Ma-ri-a dạy chúng ta biết chia sẻ với người khác -đặc biệt là với các chị em trong cộng đoàn của mình- cái mà mình đang có để trong tinh thần yêu thương các chị sẽ thấy những chị em được các chị chia sẻ ấy cính là hình ảnh rất thân thương với các chị, đó là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su.

Chia sẻ cái gì ?

1. Chia sẻ cái dễ thương vốn có của các chị, cái dễ thương này được thể hiện qua nụ cười vui tươi thánh thiện khi các chị gặp thử thách, khi các chị vui vẻ, khi các chị phục vụ tha nhân. Các chị biết không, không phải ai cũng “biết” cười như các chị, không phải ai cũng cười tươi như các nữ tu dù cho họ là những hoa hậu thế giới, bởi vì nụ cười tươi là đáp số của một tâm hồn thánh thiện và đơn sơ.

Chia sẻ nụ cười với các chị em trong cộng đoàn là điều cần thiết, bởi vì cộng đoàn dòng tu là nơi tập sống cách sống trên thiên đàng, có nghĩa là nơi tràn ngập tiếng cười thánh thiện của những con người thánh thiện, tuy nhiên không phải tất cả mọi người trong cộng đoàn ai cũng cười tươi, nhưng cũng có một vài chị em “không biết cười”, họ không biết cười là vì họ coi mình là người đoan trang thánh thiện (!) họ không biết cười là vì họ mặc cảm mình không như các chị em khác được mọi người thương mến vì giỏi giang và...đẹp.v.v...

Cho nên khi các chị đem nụ cười vui để chia sẻ cho các chị em trong cộng đoàn, là các chị đã cộng tác làm cho cộng đoàn ngày càng có đức ái hơn vì mọi người hiểu biết nhau hơn.

Chia sẻ cái dễ thương của mình cũng không khó lắm đâu, chỉ cần các chị nghĩ rằng mình là một nữ tu của Đức Chúa Giê-su đang xoa dịu vết đau thương của Ngài nơi người đau khổ, nơi người bất hạnh và có khi nơi người khó tính với các chị. Bác Tài cũng đã tìm thấy một niềm vui nho nhỏ khi tiếp xúc và trò chuyện với những chị em của các chị, họ có những nụ cười rất dễ mến và vui tươi, nụ cười của họ làm cho Bác Tài quên đi cái mệt nhọc, cái bực tức trong đời sống linh mục với công những công tác mục vụ nó quay mình như chong chóng, họ đơn sơ và tự nhiên không khách sáo, họ như những thiên thần phục vụ không kêu ca và không kiêu căng.

2. Chia sẻ cái quan tâm đến mọi người của các chị, cái quan tâm này chắc chắn là không thuộc về một ai, nhưng là con người nên có lúc các chị cũng quan tâm theo mức độ tình cảm với các chị em: người này đối với mình tốt thì quan tâm nhiều, người kia đối với mình lạnh nhạt thì quan tâm ít, hoặc người kia thường hay nói xiên nói xéo mình thì khỏi quan tâm cho đỡ mệt, đó là những tư tưởng của con người, của người đời và của riêng tư nơi các chị mà Bác Tài không nói đến, nhưng Bác Tài chỉ nói là chúng ta noi gương Mẹ Maria tập quan tâm đến tất cả mọi người như Mẹ đã quan tâm đến đôi tân hôn nơi làng Ca-na, như Mẹ đã quan tâm cầu nguyện cho những người đã đóng đinh con mình –Đức Chúa Giê-su- vào thập giá, có nghĩa là Đức Chúa Giê-su đã không phân biệt ai là người thân ai là kẻ thù và ai là người không quen biết để quan tâm cầu nguyện cho họ.

Các chị ngẫm nghĩ mà coi, nếu trong ngày các chị có quan tâm đến một chị nào đó trong cộng đoàn, thì các chị sẽ thấy ngày hôm đó sao mà đẹp và dễ thương quá vậy ! Dễ hiểu thôi, bởi vì đó là hành động của tình yêu được phát xuất từ một con người luôn quan tâm đến mọi người.

Quan tâm này được thể hiện qua cuộc sống của các chị, Bác Tài suy nghĩ rằng nếu trong cộng đoàn mà các chị không biết quan tâm đến ai thì các chị không thể nào quan tâm đến người khác, bởi vì cộng đoàn là nơi tập tành và thực hành đức ái như Đức Mẹ Ma-ri-a đã dạy, cho nên phải quan tâm nhiều hơn nữa đến người chị em đang ở chung một nhà với mình dù là chỉ có một vài người với nhau...

Có nhiều người đang chờ các chị chia sẻ cái dễ thương và sự quan tâm với họ ngay trong cộng đoàn (lớn nhỏ) của mình, họ là người chị em đang có nổi buồn vì gia đình đang gặp chuyện buồn, họ là những chị em đang băn khoăn về ơn gọi, họ là những chị em đang bực tức vì người khác nổi vượt hơn mình.v.v... tất cả những người chị em ấy và ngay cả những chị em đang hạnh phúc trong đời sống tu trì cũng cần đến tinh thần tu đức dễ thương và biết quan tâm của các chị.

Dù các chị mặc áo dòng (tu phục) để đi học, dù các chị mặc áo dòng dể đi làm việc, dù các chị mặc áo dòng để lên lớp dạy học, thì người ta cũng sẽ không nhận ra các chị là một “ma sơ” thánh thiện đâu, nếu các chị không biết chia sẻ và quan tâm đến người chị em đang ở chung với mình. Bác Tài cũng đã thấy có một vài nữ tu chỉ sống cho mình tức là chỉ biết đến mình, sống cho mình mà tinh thần chia sẻ và quan tâm đến chị em khác thì không có, họ chỉ theo ý của cá nhân mình mà làm, họ rất ít cười vui với những người chung quanh và nguy hiểm hơn là họ làm cho người khác nghĩ không tốt về các nữ tu nói chung và cộng đoàn của họ nói riêng.

Đó là bài học của Đức Mẹ Ma-ri-a dạy các chị như Mẹ đã dạy nhiều vị thánh khác để các ngài trở nên những khí cụ đắc lực trong việc làm chứng cho Tin Mừng của Đức Chúa Giê-
 
Phụ thêm :

Các chị thân mến,
Bác Tài thêm một suy nghĩ sau đây (của Bác Tài) không biết có đúng với các nữ tu không, nhưng trong xã hội hôm nay theo Bác Tài nghĩ thì cũng cần thiết lắm, nhất là khi các chị ra đi truyền giáo loan báo niềm vui cứu độ cho mọi người, suy nghĩ của Bác Tài như sau :

Sống thật dễ thương với tâm tình của thiếu nữ, và thật đơn sơ với tâm tình của nữ tu.

Các chị đừng cười khi Bác Tài nói đây là suy nghĩ của Bác Tài, nhưng dù các chị cười thì cũng không sao cả, bởi vì Đức Mẹ Ma-ri-a cũng như các chị là một thiếu nữ đoan trang dễ thương trước khi được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su, và các chị trước khi trở thành một nữ tu thì là một thiếu nữ có lẽ cũng dễ thương, cũng dịu hiền lắm lắm phải không ?

Đức Mẹ Ma-ri-a có tính dễ thương và nét đoan trang của một thiếu nữ biết kính sợ và yêu mến Thiên Chúa, và chắc chắn cuộc sống của Mẹ được rất nhiều người mến yêu. Một thiếu nữ xinh đẹp và dịu dàng là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho những ai biết nâng niu nó, nhưng một nữ tu dịu dàng, đơn sơ thì là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người, nhất là những người đau khổ và bất hạnh trong xã hội có quá nhiều bất công hôm nay.

Con người ta dù nóng tính đến đâu thì cũng biết kềm chế trước một nữ tu đơn sơ và dịu hiền, con người ta dù không mấy thiện chí cho lắm với người Kitô hữu nhưng họ vẫn tôn trọng các nữ tu và sẵn sàng giúp đỡ các nữ tu khi cần thiết, bởi vì không một ai (trừ những kẻ cuồng tín) làm ngơ trước sự dịu dàng và thánh thiện của một nữ tu.

Có một vài nữ tu cứ cho mình không phải là “thiếu nữ” nên cuộc sống của họ không mấy gây thiện cảm với tha nhân, khi tiếp xúc với người khác thì họ làm điệu bộ cho ra dáng một nữ tu thánh thiện cứng nhắc trong bộ tu phục, mà quên mất tính khả ái dịu dàng của một thiếu nữ. Nữ tu cũng là một thiếu nữ cho nên đừng đánh mất nữ tính trong đời sống của mình, bởi vì một khi các chị đánh mất nữ tính của mình thì các chị sẽ không được bình thường cho lắm: các chị sẽ khó tính như một bà già, các chị sẽ hách hách như một tiểu thư đài các chỉ biết chỉ trích người này quê mùa người khác thiếu giáo dục, các chị sẽ trở nên lập dị không những giữa đám đông mà còn lập dị ngay cả trong cộng đoàn của mình...

Các chị phải nhớ cho rằng khi các chị làm “ma sơ” thì các chị vẫn là một thiếu nữ như bao cô thiếu nữ khác, chỉ có điều là các chị đã được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt để trở nên một thiếu nữ hoàn hảo hơn trong cung cách phục vụ tha nhân, trong cung cách sống giữa xã hội và trong cung cách thờ phượng Thiên Chúa giữa mọi người đó là đời sống tận hiến của các chị.
 
Đức Mẹ Ma-ri-a là một thiếu nữ, nhưng Thiên Chúa đã chọn Mẹ trong tất cả các người nữ của loài người để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài, khi được chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế thì Mẹ Maria không trở thành người phụ nữ khác, Mẹ cũng không trở thành người khó tính, cũng không trở nên kiêu ngạo hách hách với mọi người, nhưng Mẹ càng nhu mì hơn, khiêm tốn hơn và thánh thiện hơn trong cuộc sống đời thường của Mẹ...

Các chị thân mến,
Bác Tài chia sẻ đã dài chắc các chị đọc mỏi cả con mắt rồi...ngủ luôn thì vui lắm, bởi vì ít nữa bài chia sẻ dài này cũng là liều thuốc ngủ giúp các chị ngủ ngon vậy.
Xin Thiên Chúa –nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Ma-ri-a- ban muôn ơn lành cho Hội Dòng của các chị, cũng như cho các chị sắp trở nên “Tân Nương” của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Taiwan, Ngày 30.5.2004
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Bác Tài, csjb.




[1] Lc 1, 31.
[2] Lc 1, 38.
[3] Lc 2, 34b.
[4] Lc 2, 35b.
[5] Ga 2, 1-5.
[6] Ga 2, 1-5.
[7] Lc 1, 28-38.
[8] Lc 1, 46-55.
[9] Lc2, 46-50.
[10] Mt 10, 38.
[11] Ga 2, 3b.
[12] Ga 2, 5.
[13] Ga 4, 23-24.
[14] Ga 15, 12.
[15] Lc 1, 28b.
[16] Xem “Nữ Tu Việt Nam và ơn gọi truyền giáo của thế kỷ 21”, cùng tác giả.