Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

Chúa nhật 19 thường niên

 


CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN


Tin Mừng : Ga 6, 41-51.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”.

Anh chị em thân mến,
Trong lịch sử Trung Hoa, có rất nhiều vị vua muốn được sống đời đời, tức là trường sinh bất tử, cho nên đã tìm nhiều cách, sai phái nhiều người đi tìm thuốc trường sinh, nhưng nhiều người đã ra đi và không bao giờ trở lại, vì họ đã chết, và các vị vua ấy cũng đã chết, bởi vì trên cõi đời này không có thứ lương thực nào có thể làm cho con người được sống đời đời.
Nhưng cũng trên cõi đời này có thứ lương thực khiến cho chúng ta –người Ki-tô hữu- được sự sống đời đời, đó chính là lương thực từ trời xuống, tức là Lời và Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su.

1. Lời Chúa là lương thực hằng sống.
Lời Chúa nói với chúng ta qua mọi biến cố trong cuộc sống hàng ngày: thấy người bị tông xe, chúng ta liền nghĩ đến đây là Chúa dạy chúng ta phải cẩn thận khi đi đường; thấy người ta chửi bới thoá mạ nhau, chúng ta liền nghĩ đến Chúa dạy tôi phải sống hiền hoà với mọi người; thấy người đói ăn, nghèo khổ bất hạnh, chúng ta liền nghĩ đến Đức Chúa Giê-su đang ở trong họ, Ngài muốn tôi phải sống bác ái và yêu thương tha nhân như yêu chính Ngài...
Lời Chúa nói với chúng ta qua những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta biết hồi tâm suy tư những biến cố dưới ánh sáng của đức tin, thì chúng ta sẽ thấy Lời Chúa chính là lương thực hằng sống cho chúng ta. Có người vì yêu thích Lời Chúa mà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nghĩa là họ biết nghe và thấy Lời Chúa trong đời sống rất bon chen của trần gian...
Lời Chúa cũng nói với chúng ta khi chúng ta đi tham dự thánh lễ và các bí tích, bởi vì chính trong thánh lễ hiến tế này, mà chúng ta được nghe chính tiếng nói của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, các thánh Tông Đồ và nhất là trong bài Tin Mừng. Có nhiều người cứ tưởng lương thực hằng sống chỉ là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Ki-tô mà thôi, cho nên cũng có một số giáo dân không thiết tha gì với Lời Chúa trong thánh lễ, và vì vậy mà họ không thích nghe và không tuân giữ lời của Ngài.
Lời Chúa là lương thực hằng sống giúp cho chúng ta hiểu rõ và thấu triệt tính chất hằng sống nơi bí tích Thánh Thể, không ai hiểu rõ mầu nhiệm Thánh Thể nếu không yêu mến và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

2. Mình Máu Thánh Chúa là lương thực hằng sống.
Chẳng ai đến được với Đức Chúa Giê-su nếu Chúa Cha không lôi kéo họ, cũng vậy không ai hiểu được bánh trường sinh –bí tích Thánh Thể) là gì, nếu họ không được Lời Chúa soi sáng.
Bánh bởi trời hôm nay không phải là man na ngày xưa nuôi dân Do Thái trong sa mạc, nhưng là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, thịt máu này đã bị nghiền nát bằng những tội lỗi của nhân loại, bằng chính những xúc phạm của chúng ta, để trở nên tấm bánh tinh tuyền, bánh hằng sống dưỡng nuôi linh hồn của những kẻ tin.
Đức Chúa Giê-su đã nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”, sống muôn đời chỉ một tấm bánh, đó là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho những ai tin vào Con của Người, là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa thể hiện giữa loài người cho đến tận thế.
Anh chị em thân mến,
Lương thực hằng sống mà Đức Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta chính là Mình Máu Thánh và lời của Ngài. Lương thực này không ở trong các nhà hàng kara-ôkê máy lạnh, không ở trong các tụ điểm vui chơi, cũng không ở trong những cuộc nhậu nhẹt tưng bừng nghiêng trời đổ đất, nhưng ở trong đền thờ của Thiên Chúa, đó là các nhà thờ, nhà nguyện trên khắp thế giới, chính nơi đây, phép lạ vĩ đại hoá bánh ra nhiều ngày xưa ấy của Đức Chúa Giê-su tái thực hiện: chỉ một tấm bánh nhưng nuôi sống tất cả những ai tin vào Ngài trên khắp thế gian.
Lương thực phần linh hồn đã có sẵn, đó là Lời Chúa và Mình Máu của Ngài, nhưng chúng ta phải ăn uống với thái độ như thế nào để được sống đời đời ?
Hy vọng và cầu mong cho mỗi người trong chúng ta, đừng ai dại dột đem của ăn cao quý này đổi lấy những của ăn chóng qua và đem lại sự chết cho linh hồn mình, đó chính là tham lam những của ăn vật chất và thú vui của trần gian này.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.          NGƯỜI MÊ TUỒNG MƠ TUỒNG

Một đêm nọ, người mê diễn tuồng nằm mơ mình đến trong nhà bạn coi diễn tuồng.

Đang lúc anh ta đang vui vẻ ngồi xuống, mở to con mắt để coi tuồng thì vợ hách xì một tiếng làm anh ta giựt mình tỉnh dậy.

Anh ta rất buồn phiền, liên tiếp chửi mắng bà vợ làm đứt ngang giấc mơ của mình.

Bà vợ vừa giận vừa tức cười nói với anh ta:

-         “Đừng chửi nữa, ông tranh thủ ngủ đi, vở tuồng đại khái mới diễn chưa được một nửa mà !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 58:

        Con người ta say mê điều gì thì đến nỗi tối nằm ngủ cũng mơ thấy điều ấy, gọi là nhập tâm.

        Có người yêu đến ni thất tình, có người thích đánh bạc đến ni tan gia bại sản mà vẫn còn thích, có người mê rượu hể tỉnh là uống, có người mê nhậu thịt chó đến nỗi sắp chết rổi mà vẫn còn muốn ăn thịt chó.v.v...

        Mê và tỉnh là hai trạng thái không giống nhau, mê là lú lẫn không biết gì khác ngoài cái mình thích, cho nên dễ dàng trở thành người cố chấp và là trở ngại lớn cho cộng đoàn; tỉnh là sáng, nên dễ dàng nhận ra cái mình thích nó hay và không hay ở ch nào để làm cho đầy, nên dễ dàng nghe theo ý kiến xây dựng của mọi người.

        Người Ki-tô hữu luôn hiểu rằng mình đang ở trong thực tại của trần thế nên không thể sống như người nằm mơ, cho nên họ hăng hái làm việc và phục vụ tha nhân cách tích cực, thế là họ làm cho Lời Chúa được sống động trong hoàn cảnh sống của họ, và –qua họ- người ta dễ dàng nhận ra khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa hơn.

        Đã tỉnh dậy thì không thể ngủ lại để câu chuyện mình nằm mơ được tiếp tục, người Ki-tô hữu một khi đã tỉnh dậy sau giấc mộng dài trong tội, thì cũng cố gắng sẽ không “mê” lại, nhưng sẽ dứt khoác hơn với cuộc sống mới của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


57.          KHIÊNG BÀN CÁO TRẠNG

Sáng sớm, có người viết trên mặt bàn đầy sương rơi mấy câu giễu cợt: “Ta muốn làm hoàng đế”. Kẻ thù thấy như vậy liền khiêng cả chiếc bàn đến vệ môn tố cáo.

Sau khi đợi rất lâu quan huyện mới xuất hiện nên ánh nắng mặt trời chiếu khô mấy chữ ấy, quan huyện hỏi:

-       “Mày khiêng cái bàn lại để làm gì ?”

 Người ấy vội vàng chối nói:

-       “Tôi muốn hỏi ngài có muốn mua cái bàn này không ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 57:

        Người ta nói “tai vách mạch rừng” là để răn đe những người hay phát ngôn bừa bãi không cẩn thận, dễ dàng mang họa vào thân, và có khi vì lời nói đùa mà bị tù tội...

        Kẻ tiểu nhân thì hay bới lông tìm vết để hại người, mà trong cuộc sống của mỗi người thì lại vô thập toàn, nên luôn có những kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi dòm ngó và tìm cách làm hại.

        Có những người Ki-tô hữu thật vui tính, nên có những lúc ăn nói không để ý, làm cớ cho người lòng dạ hẹp hòi khó chịu và tìm cách chơi xấu cáo gian; có những linh mục tính tình đơn sơ hiền hậu, nên lời nói cũng đơn sơ khiến cho kẻ tiểu nhân lấy cớ để hạ bệ kiện cáo; có những người thích nói đùa cách vô tội vạ nên bị kẻ tiểu nhân dựng thành cớ để cáo gian...

Ở đời kẻ ăn ngay ở lành thì kết cuộc sẽ được sự lành, kẻ bới lông tìm vết để hãm hại người khác thì trước sau gì cũng bị phạt, đó là sự công bằng của Thiên Chúa mà ai cũng hiểu, nhưng rất ít người ghi sâu vào tâm khảm.

        Kẻ tiểu nhân khiêng bàn đi tố cáo người khác nhưng lại bị hố và bị khiển trách; người Ki-tô hữu vì có Chúa ở trong mình nên luôn tha thứ và rộng lượng với người vì ghen ghét mà tố cáo mình, đó chính là đem lửa (tình yêu) bỏ trên đầu họ vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


56.          MUA KÍNH PHONG BA

Thương nhân đi buôn bán, bà vợ muốn ông ta nhân tiện mua cho cái lược bằng ngà voi.

Chồng hỏi:

-         “Nó hình dáng như thế nào ?”

Vợ chỉ mặt trăng non trên bầu trời, nói:

-         “Đó, giống mặt trăng ấy.

Qua hơn mười ngày sau, khi chồng trở về thì đột nhiên nhớ lại chuyện cái lược ngà voi, ngước mắt nhìn trời, ngày hôm nay đã qua được nửa tháng, mặt trăng rất tròn, thế là, ông ta theo hình mặt trăng mua về cái kính soi tròn tròn.

Người ở quê từ trước đến nay chưa thấy qua cái kính soi, nên khi bà vợ cầm lên vừa coi thì thấy bên trong có hình một cô gái trẻ thì rất kinh hãi, bèn chửi:

-         “Cái lược ngà không mua lại lấy một con vợ đem về !”

Nói xong thì giận dữ tru tréo với chồng, bà mẹ nghe tiếng thì đến khuyên giải, thấy trong kính có một bà già, vội vàng hỏi con trai:

-         “Sao con đem về bà già thế hử ?”

Quan huyện địa phương nghe được bèn sai nha dịch đến truyền cho thương nhân đưa cái kính soi, nha dịch cầm mặt kính thấy bên trong có một tên nha dịch thì sửng sốt nói:

-         “Sao vậy, lại đến thêm tên nha dịch nữa sao ?”

Lúc quan huyện điều tra nghi vấn thì đem cái kính bỏ trên bàn án, cúi đầu nhìn, bên trong kính lại có thêm một quan huyện, ông ta đùng đùng nổi giận, lấy tay chỉ thương nhân, vợ và mẹ của ông ta mà nói:

-         “Có ta đây xét xử là được rồi, tại sao các ngươi lại đem đến thêm một ông quan nữa ?!”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 56:

        Chỉ một tấm kính soi mặt mà náo động...cả một huyện, bởi vì những người này đều là nhà quê chưa bao giờ thấy tấm kính soi mặt bao giờ.

        Người Ki-tô hữu dù là ở nhà quê hay là ở thành thị thì cũng đều biết Lời Chúa không những là ánh sáng soi đường đi, mà còn là soi thấu tâm hồn của mọi người, do đó mà mỗi ngày họ đều nghe và suy niệm Lời Chúa, sống theo Lời Chúa và thực hành Lời Chúa dạy...

        Tấm kính soi mặt sẽ không đổi mới được khuôn mặt của chúng ta xấu thành đẹp, đen thành trắng, nhưng nó có thể chỉ cho chúng ta thấy trên mặt chúng ta có những vết tích gì để mà tẩy xóa đi. Trái lại, Lời Chúa có thể chỉ cho chúng ta thấy cuộc sống của mình như thế nào, tốt hay xấu để mà sửa đổi cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su...

        Ai cũng có một lần soi gương trong ngày nhưng cuộc sống của họ vẫn không thay đổi, nhưng người Ki-tô hữu thì mỗi ngày đều soi gương bằng Lời Chúa, nên cuộc sống của họ ngày càng có ý nghĩa hơn: họ biết ngày càng yêu mến tha nhân, biết phục vụ nhiều hơn và biết giúp đỡ người khác nhiều hơn.

        Biết dùng Lời Chúa như tấm gương để nhìn thấy mình là người khôn ngoan vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


 

55.          TÓC ĐỔI RƯỢU

Có người nhìn thấy tóc có thể đổi được đường mật nên nghĩ rằng có thể đổi được các thứ khác.

Một hôm, hắn ta nhổ một nắm tóc đi uống rượu, uống xong, đưa nắm tóc cho chủ tiệm và cất bước đi ra khỏi quán, chủ quán hay tay nắm chặt hắn ta, cười nói:

-         “Nắm tóc này làm sao có thể dùng để thế tiền hử ?”

Hắn ta nổi giận nói:

-         “Người ta dùng nó để đổi đường mật, còn tôi tại sao không thể dùng nó để đổi rượu sao ?”

Nói xong, kéo tay chủ quán xuống, chủ quán vội nắm tóc hắn ta không buông cho hắn đi.

Hắn ta càng nổi giận:

-         “Tóc đã nhổ thì không muốn, sao lại muốn nắm tóc ở trên đầu, đâu có như thế được !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 55:

        Trên đời, mọi thứ đều có thể đổi chác cho nhau với điều kiện là hai bên cùng có lợi, nhưng không phải thứ gì cũng có thể đổi được: một nhúm tóc không thể thế tiền để đổi được rượu.

        Có những người Ki-tô hữu đem ch của mình trên thiên đàng đổi lấy ch trong hỏa ngục khi họ sống sa đà trong tội lỗi; có những người Ki-tô hữu vì thích hưởng thụ mà đem lương tâm của mình đổi lấy vật chất xác thịt, nên họ trở nên gương mù cho anh em chị em...

        Có những người Ki-tô hữu chân chính thì biết lấy sự giàu sang của thế gian để đồi lấy sự nghèo hèn của Thiên Chúa, nên họ được gọi là “người nghèo của Thiên Chúa”; có những người Ki-tô hữu biết coi sự hưởng thụ vật chất phú quý ở đời này là chuyện tạm bợ, nên đã không ngần ngại phục vụ tha nhân trong tình yêu của Thiên Chúa...

        Lấy tóc để đổi rượu là chuyện của người khù khờ không hiểu chuyện nhân tình thế thái, nhưng đem tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình để đổi lấy sự nuông chiều của thế gian, thì là chuyện của người đại ngu vậy...

        Ai có tai thì nghe !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


54.          LÒNG TRẮNG LÒNG ĐỎ

Thời Tam quốc, có một người coi tướng ứng nghiệm như thần đến bái kiến Lưu Bị.

Lưu Bị mời ông ta coi tướng cho mình, ông ta coi mặt Lưu Bị, cầm bàn tay rồi nói:

-         “Tướng của ngài rất tốt, mặt thì trắng, lòng cũng trắng.”

Lưu Bị lại mời ông ta coi tướng cho Quan Vũ, ông ta lại nhìn nhìn mặt của Quan Vũ, lại giả vờ làm bộ làm tịch nói:

-         “Tướng của ngài cũng tốt, mặt đỏ lòng cũng đỏ.

Lưu Bị thấy ông ta coi tướng như thế thì cười thầm, vội vàng chụp lấy tay của Trương Phi, nhìn mặt đen đen của ông ta nói:

-         “Tam đệ à, theo tướng pháp của ông ấy thì em có thể bị chửi đấy, không cần coi tướng.

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 54:

        Coi tướng là coi hình dáng bộ vị bên ngoài của con người để đoán biết tính tình cá tính bên trong của họ, đây là việc làm khoa học cần phải nghiên cứu và thực tập nhiều mới chính xác được, bằng không thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

        Mặt trắng chưa chắc lòng đã trắng, bởi vì có rất nhiều người mặt mày trắng đẹp nhưng trong lòng thì đen...như ma quỷ, luôn có những âm mưu tư tưởng đen tối; và những người có mặt đen chưa chắc là tâm hồn họ đen, bởi vì thánh Martin de Porres tuy là mặt đen nhưng tâm hồn thì trắng như thiên thần; cho nên coi tướng theo kiểu “nhìn mặt bắt hình dong” thì chẳng khác chi làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.

        Con người ta là một tiểu vũ trụ, mà tiểu vũ trụ này lại có tâm linh, cho nên không dễ gì một sáng một chiều mà khám phá ra được, nếu không nghiên cứu lâu dài và có nhiều kinh nghiệm.

        Người Ki-tô hữu là người có Thiên Chúa trong mình, nên cho dù cho mặt trắng hay mặt đen, thì tâm hồn của họ cũng đều trắng, bởi vì cái trắng ấy được giặt rửa bằng Lời Chúa và bồi dưỡng bằng Thánh Thể trong đời sống tâm linh của họ.

        “Cục đất mà biết nói năng,

        Thì thầy tướng số hàm răng chẳng còn.”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


53.          ÔNG KHÁC CH

Có một chủ nhà đem mấy thạch[1] gạo mời thầy giáo đến nhà dạy học cho con trai, và giao kèo: nếu học một chữ không giống thì phạt khấu trừ một thăng[2] gạo.

Khi một năm dạy sắp kết thúc, thống kê lại thì thầy giáo dạy một năm có mấy chữ khác nhau, theo đó mà phạt khấu trừ gạo, mấy thạch gạo lớn khấu trừ chỉ còn hai thăng mà thôi.

Chủ nhà trực tiếp đem đến bỏ trên bàn trước mặt thầy giáo, thầy giáo rất thất vọng, liên tục thở dài nói:

-         “Làm sao nói nỗi, làm sao nói nỗi.[3]

Chủ nhân thấy ông thầy giáo nói chữ “dư” thành chữ “nỗi”, câu cú không thông, bèn nói với đầy tớ:

-         “Đem hai thăng gạo cất vào kho.”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 53 :

        Dạy sai một chữ mà trừ một thăng gạo thì ông chủ quả là khắc khe, nhưng xét cho cùng thì ông chủ vẫn là người biết lo xa, bởi vì có những thầy cô giáo thời xưa cũng như thời nay, khi dạy học thì chỉ nghĩ đến tiền lương và kiếm lợi nhuận khi dạy thêm mà thôi, chứ không tận tâm dạy dỗ theo đúng chức nghiệp và lương tâm của mình, cho nên khi lên lớp thì dạy những chữ “khác” không nằm trong chương trình của nhà trường như nói chuyện tiếu lâm cho hết giờ, truy bài em này, nạt nộ em nọ cho đến...hết tiết dạy của mình...

        Có một vài linh mục khi cử hành thánh lễ thì không theo luật chữ đỏ, tùy tiện thêm bớt theo ý của mình cách quá đáng, làm cho giáo dân thắc mắc hồ nghi về việc cử hành thánh lễ của các ngài có...thành sự không ! Nếu việc dâng thánh lễ mà có “giao kèo” với giáo dân thì chắc là các ngài sẽ bị...khấu trừ tiền xin lễ đến chết đói mà thôi, vì đôi lúc cái tùy tiện vô ích ấy là thái độ không coi trong phụng vụ thánh của Giáo Hội và khinh thường giáo dân của các ngài.

        Dạy học là việc của thầy cô giáo, cử hành thánh lễ là việc vô cùng cao trọng của linh mục, mặc dù các ngài tùy tiện theo ý mình thêm bớt cho oai mà không bị khấu trừ gạo, nhưng lòng sốt sắng của giáo dân sẽ bị “khấu trừ dần dần” vì thái độ tùy tiện của các ngài khi cử hành thánh lễ, và sẽ “khấu trừ dứt khoác” nơi các ngài vào ngày phán xét, thật đáng sợ chứ không phải chuyện đùa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Đơn vị đo gạo thời xưa, bằng 100 lít.

[2] Đơn vị đo gạo bằng 1 lít.

[3] Chữ chỉ là một chữ than thở mà thôi, chẳng hạn như “chứ chứ” trong tiếng Việt: “Chuyện này biểu người ta làm sao nói chứ ?” nhưng ông thầy giáo lại đọc là nghĩa là nổi.