Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


2.          GIẢI PHÓNG RẬN

Thời nhà Tống có Vương Kinh công (Vương An Thạch) vẻ bên ngoài thì rất luộm thuộm.

Một hôm lúc lên triều thì có con rận bò lung tung nơi bộ râu của ông ta, hoàng đế Thần Tông nhìn thấy mấy lần, đồng liêu cũng nhìn thấy.

Sau khi thoái trào, Vương Kinh công hỏi đồng liêu:

-      Tại sao hôm nay hoàng thượng nhìn tôi nhiều lần vậy ?

Đồng liêu nói lý do cho ông ta nghe, Kinh công vội vàng bắt rận, đồng liêu vội can, nói:

-         “Đừng giết chết nó, tốt nhất là nói mấy lời hay để khen thưởng nó”.

Kinh công hỏi:

-      “Thế nào là lời hay ?”

Một tú tài nói:

-         “Đây là con rận đã nhiều lần du ngoạn nơi bộ râu của thừa tướng, lại còn bị hoàng thượng nhìn thấy. Nếu muốn nói lên những kỳ lạ mà nó đã gặp thì sao có thể giết nó chứ ? Phương pháp giải quyết hay nhất là giải phóng cho nó”.

Kinh công nghe xong thì cười ha ha.

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 2 :

        Hình như con người ta khi đói và khi ăn ở dơ dáy thì thường có rận trong mình thì phải, bởi vì con rận thì thích sinh sôi nảy nở nơi những người không thích tắm và sống không sạch sẽ.

        Những người sống buông tuồng, những người coi thường đạo đức luân lý thì cũng đồng nghĩa với sự dơ dáy của tâm hồn, những con rận cám dỗ của ma quỷ rất thích sống nơi những người này, bởi vì ở đây không có hàng rào đạo đức lương tâm để ngăn cản nó, không có ân sủng của các bí tích để tắm rửa linh hồn họ và xua đuổi những con rận cám dỗ ra khỏi tâm hồn của họ...

        Làm quan mà sống luộm thuộm thì mất tư cách của mình và làm mất giá trị chức quan nơi mình.

Người Ki-tô hữu mà sống buông tuồng, vô đạo đức, vô luân lý thì không những làm cho bản thân của mình mất giá trị, mà còn làm cho khuôn mặt Giáo Hội bị người khác nhìn cách méo mó, và tệ hại nhất là chính họ đã làm nhục Đức Chúa Giê-su khi họ sống không đúng tinh thần Tin Mừng mà Ngài đã dạy.

        Sống tiết độ vui tươi và đừng bao giờ khen ngợi tội lỗi cũng như đừng thỏa hiệp với cám dỗ, bởi vì nếp sống buông tuồng là hoàn cảnh rất tốt để những con rận là  cám dỗ của ma quỷ và thế gian chúng ta phạm tội và lìa xa Thiên Chúa...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 13)

 


1.          CẢM NGHĨ TRƯỚC MỘT CÂU THƠ

Có một người địa vị cao quý và có tiếng tăm, thường mâu thuẫn và khổ não với vợ lớn, vợ nhỏ, con cái cháu chắt trong gia đình.

Một hôm, có một nhà thơ đi thăm ông ta, đúng lúc trong gia đình ấy có lục đục, ông ta cố ý lựa mấy đề tài nói chuyện để che lấp mâu thuẫn trong gia đình, bèn chỉ một bức tranh vẽ con chim ngói và chim khách đang treo trên tường trong phòng khách, nói với thi nhân:

-         “Ông giỏi về ngâm thơ, xin mời lấy bức họa này làm chủ, và ngâm cho lão phu một bài thơ được chứ ?”

Khách bèn nói:

-         “Chim ngói một tiếng à, chim khách một tiếng à, chim ngói hô mưa gió, chim khách hô trời quang; lão phu khó mà làm chủ, mưa không được mà trời cũng không quang”.

Ha ha, tài mắng của thi nhân cũng có thể cho là rất mau lẹ vậy !

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 1:

        Có những gia đình mà cha mẹ và con cái, vợ chồng thường hay lục đục với nhau, nhưng ngay cả hàng xóm cũng không biết, bởi vì họ muốn giữ sĩ diện cho gia đình; có những gia đình vợ chồng chỉ mới nói to tiếng vài câu thì cả làng xóm đều biết, bởi vì cả vợ lẫn chồng không ai biết nhường nhịn ai, nên đi phân  bua cho mọi người biết là mình đúng, còn vợ (chồng) thì sai...

        “Đóng cửa dạy nhau” là ở đó, mỗi người biết nhịn nhau chút xíu thì có thể giữ danh dự và sĩ diện cho nhau, còn hơn là ăn thua đủ để rồi nhìn mặt nhau không sửa.

        Người Ki-tô hữu cũng là một con người như mọi người, nên cũng có những lúc vợ chồng to tiếng với nhau, nhưng không phải vì thế mà họ đi phân bua với người khác, trái lại họ đem những điều bất hòa này nói cho Thiên Chúa nghe, và phó thác trong tình yêu của Ngài, sau đó họ cùng làm hòa với nhau và rút ra được một kinh nghiệm là biết nhường nhịn nhau, bởi đó là đức ái tạo nên hạnh phúc trong gia đình.

        Vợ chồng to tiếng với nhau hoặc cha mẹ lớn tiếng với con cái chưa phải là chuyện tồi tệ, nhưng chuyện tồi tệ nhất là đem khuyết điểm của chồng (vợ) đi nói cho người khác nghe, hoặc cha mẹ đem chuyện con cái đi mách với hàng xóm, đó chính là đầu dây mối nhợ của sự mâu thuẫn và bất hạnh trong gia đình vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)