Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 15. ĐỢI NGƯỜI THỜI TRƯỚC

Thời nhà Minh có một thư sinh, trong nhà có cất giấu rất nhiều tài liệu viết về kho tàng châu báu của thời đại nhà Tống.

Một hôm, có một nhà thư họa đến thì có người nói với anh ta:

- “Trong nhà của anh cất giữ giấy tờ của nhà Tống rất tốt, tại sao không mời nhà thư họa ấy đến vẽ cho ?”

Thư sinh trả lời:

- “Giấy viết thời nhà Tống trong nhà tôi thì phải đợi người họa sĩ của thời đại nhà Tống đến vẽ !”

(Nhã Ngược)


Suy tư 15 :

Họa sĩ thời nhà Tống chắc chắn là đã về chầu ông bà tổ tiên, bởi vì từ nhà Tống đến nhà Minh cũng phải mất mấy trăm năm, cho nên chỉ có những người không thức thời mới như thế mà thôi.

Có những người Ki-tô hữu giữ đạo kiểu như thế, mỗi khi đến nhà thờ là chê bàn thờ không làm đúng kiểu như thời trước công đồng Vatican II; lại có người cứ phàn nàn với cha sở là tại sao lại để cho mấy ông giáo dân lên trao Mình Thánh Chúa mà trước kia thì đâu có chuyện ấy; lại có người trách cha sở là sao không dạy con nít đọc kinh cho nhiều, mà cứ bắt học giáo lý thánh kinh, phúc âm, mà trước đây mấy chục năm đâu có như vậy.v.v...

Ngọn gió của Chúa Thánh Thần không phải là cái máy lạnh khi nóng thì mở khi lạnh thì tắt, hoặc thích thì mở hết ga, không thích thì mở nhè nhẹ cho ráo mồ hôi. Nhưng Ngài chính là Thần Khí của Thiên Chúa ở với Giáo Hội, hướng dẫn Giáo Hội và đổi mới Giáo Hội cho phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, qua mọi thời đại của các biến cố trong lịch sử loài người...

Đợi họa sĩ thời nhà Tống đến vẽ thì chẳng khác chi người giáo dân bảo thủ, không thức thời và trách cha sở của mình là “lạc đạo”, bởi vì những người ấy không mở rộng tâm hồn để đón luồng gió mới của Chúa Thánh Thần.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



14. CHA CON CỦA CẬN LÃO

Ở nước Đan có ông đồ Cận Các đã già và có một con trai không thích cầu tiến, mà đứa con của con trai này thì lại thi đổ khoa cử có tên trên bảng vàng.

Một lần nọ, Cận Các già trách cứ con trai là không giống cháu nội, đứa con liền nói:

- “Phụ thân của cha không giống phụ thân của con, con trai của cha không giống con trai của con, thì con có gì là không giống chứ ?”

Ông lão Cận Các cười lớn, từ đó về sau không trách cứ con trai nữa.


Suy tư 14:

Cái vòng lẫn quẫn là ở đó, trách người thì phải trách mình trước, bằng không thì sẽ trở thành “gậy ông đập lưng ông.”

Có một vài linh mục lên tòa giảng to tiếng là giáo dân không chịu học nơi cha sở của mình, nhưng lại bị giáo dân nói to nói nhỏ với nhau là cha sở có hay ho gì đâu mà học, vì ngài cũng thích ăn thích nhậu, vì ngài cũng thích tranh giành quyền lực, vì ngài cũng thích đấu tranh để đựoc ở chỗ sung sướng hơn...

Dù là bậc thánh đang sống ở trần gian thì các ngài cũng không bao giờ bắt giáo dân phải học hỏi các ngài, nhưng các ngài luôn dạy giáo dân phải học nơi Đức Chúa Giê-su và các thánh trên thiên đàng, là những gương lành thánh thiện như khiêm tốn, hiền lành và bác ái.

Cha trách con không cầu tiến, con trách cha không dạy con nên người, đều là những lời cáo buộc trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét trước bàn dân thiên hạ.

Khủng khiếp lắm chứ không phải chuyện chơi !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện


 13. VÔ RA LỖ CHÓ

Có thằng nhỏ tên là Trương Ngô Hưng, thông minh lanh lợi không như những đứa trẻ khác.

Tám tuổi thay răng, rụng hai cái răng cửa, các trưởng bối nói đùa với nó:

- “Trong miệng mầy sao lại mở một lỗ chó ?”

Thằng bé liền trả lời:

- “Chính là để các ông vô ra cho thuận tiện đó mà !”

(Nhã Ngược)


Suy tư 13:

Con nít răng sún là chuyện thường tình, gãy răng cửa lại là chuyện không có gì đặc biệt, cái đáng nói chính là đừng đùa giỡn với con nít cách thái quá.

Có những người lớn thích chơi giỡn với con nít nên con nít lờn mặt, đến nỗi trả lời đốp chát trước mặt mọi người làm cho họ phải mất mặt, đó là những người đã “bắt thang” để con nít trèo lên sự kiêu ngạo và ngang ngạnh của nó mà không biết...

Đừng đùa giỡn cách thái quá với con nít, bởi vì trẻ em là thiên thần khi nó hồn nhiên đùa giỡn với chúng ta, nhưng tâm hồn chúng nó trở thành niếng mồi ngon của ma quỷ khi sự đùa giỡn thân mật quá đà cho phép, bởi vì tất cả những gì thái quá đều đưa đến tai hại khôn lường, nhất là những người đã dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời.

Thời nay có nhiều trẻ em không còn là thiên thần trong trắng, và thời nay người ta cũng có cái nhìn không lương thiện khi thấy các linh mục đùa giỡn quá thân mật với trẻ em, cái gì cũng có nguyên do của nó ! 

Hãy coi chừng cạm bẫy của ma quỷ...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


12. THÍCH ĐÔNG PHA

Có một người tên là Lục Trại Chi nói chuyện tiếu rất giỏi, thường nói với mọi người:

- “Tôi rất thích Tô Đông Pha.”

Có người liền hỏi:

- “Đông Pha là người nổi danh thời Bắc Tống, là một nhà văn lớn, ông ta viết có văn xuôi, từ phú, thi ca, có một thư pháp rất đẹp, ông ta còn chế ra một loại khăn trùm đầu rất đẹp. Anh thích loại nào ??

Lục Trại chi trả lời:

- “Tôi rất thích thịt Đông Pha !”

(Nhã Ngược)


Suy tư 12:

Thời nay có những người nổi tiếng rất được người khác thích, ai cũng thích cái tài của người tài giỏi chứ không ai thích thịt của họ bao giờ, chỉ có quỷ yêu ma mới thích thịt của Tam Tạng để sống ngàn tuổi, nhưng đó là chuyện hoang đàng cổ tích.

Có những người Ki-tô hữu mỗi lần đi tham dự thánh lễ là muốn rước lễ chứ không thích nghe linh mục giảng, và cũng chẳng thích đọc kinh lần chuỗi hay làm các việc đạo đức khác; lại có những người thích vỗ ngực phô trương mình là người Ki-tô hữu, nhưng chẳng thích đi lễ đọc kinh hoặc tham dự các bí tích để được trở thành người Ki-tô hữu tốt. Chỉ thích rước Mình Thánh Chúa mà không thích tham dự các việc lành và các bí tích khác là chuyện tiếu lâm của người Ki-tô hữu thích “chơi nổi” trong thời đại ngày nay, nhưng trước mặt Thiên Chúa đó không phải là chuyện tiếu lâm, nhưng là một án phạt nặng nề, bởi vì đó chính là một gương mù ảnh hưởng rất lớn đến đức tin của người khác.

Thích cái tài năng của Đông Pha thì có lợi hơn là thích thịt của ông ta, cũng vậy, cái mà người Ki-tô hữu thích nhất trong đời sống tín ngưỡng chính là ăn và uống Mình và Máu của Đức Chúa Giê-su cùng với tất cả những điều kiện để được tham dự tiệc thánh, như xưng tội trọng, hối cải và làm những việc đền tội khác.v.v...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


11.         CƠM GẠO ĐỎ TRẮNG

Có người nọ mẹ mới chết đang ăn cơm gạo đỏ.

Có một tên học nho cổ hủ cho rằng, màu đỏ là màu vui, người có tang chế thì không nên ăn cơm gạo đỏ, người ấy hỏi vặn lại:

-        “Nếu nói như thế, thì ai ăn cơm gạo đỏ lẽ nào đều có tang chế sao ?”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 11:

        Gạo trắng hay gạo đỏ thì cũng là gạo, nhà có tang chế hay có chuyện vui cưới hỏi thì cũng phải ăn cơm, mà ăn cơm gạo đỏ hay gạo trắng thì mặc họ có sao đâu, cái quan trọng chính là đức hạnh của chúng ta.

        Có người khi nhà có tang thì ăn toàn gạo đỏ, nhưng cuộc sống thì không đỏ chút nào, nghĩa là vẫn sống kiểu ích kỷ nhỏ nhen với tha nhân; lại có người khi nhà có tang chế thì họ ăn cơm gạo không cao lương mỹ vị, nhưng họ vẫn cứ một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.

        Gạo trắng và gạo đỏ cũng đều do con người cày cấy gieo hạt đổ mồ hôi mà có, cho nên khi có chuyện tang chế hay cưới hỏi, vui buồn đều ăn được cả, phân biệt tang chế thì ăn gạo trắng, cưới hỏi thì ăn gạo đỏ chỉ là cái ngốc nghếch ra vẻ ta đây thông kim bác cổ của người tự phong cho mình là người giỏi ấy mà...

        Người Ki-tô hữu dù có tang chế hay có chuyện vui thì gạo đỏ hay gạo trắng đều ăn được cả, bởi vì Thiên Chúa không ra lệnh phải ăn gạo đỏ khi có chuyện vui, hoặc phải ăn gạo trắng khi gặp chuyện buồn, nhưng Ngài dạy rằng: gạo trắng hay gạo đỏ thì cũng đều có thể giúp đỡ người nghèo khó, để mọi người đồng thanh ca tụng Thiên Chúa vì Ngài đã làm ra gạo trắng gạo đỏ cho con người hưởng dùng...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)