Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Lễ Thăng Thiên

 


CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN


Tin Mừng : Mc 16, 15-20.
“Đức Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Anh chị em thân mến,
Sống ở đời ai cũng thích tìm hạnh phúc cho mình, nhưng chúng ta –những người Ki-tô hữu- đều biết rằng, hạnh phúc đích thực không phải ở tại trần gian này, mà ở trên thiên đàng, nơi có Đức Chúa Giê-su –Đấng đã chết, đã sống lại và lên trời- đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a và các thánh nam nữ.
Trước mặt các tông đồ, Đức Chúa Giê-su đã về trời, về nơi Ngài đã ngự trước khi xuống thế làm người, về lại bên hữu Đức Chúa Cha, để rồi sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ lành người dữ.

1. Ngước mặt nhìn trời.
Các tông đồ đang ngỡ ngàng nhìn trời như vừa mất một cái gì cao quý, các ông ngước mặt nhìn trời, nhìn mãi cho đến khi thiên thần nhắc nhở làm các ông trở về với thực tại là cuộc sống ở trần gian. Ngước mặt nhìn trời mà lòng ao ước được về trời với Thầy chí thánh, lòng các tông đồ xôn xao vui sướng vì từ nay mình còn có một nơi rất hạnh phúc, hạnh phúc và bình an, đó là được sum họp với Chúa trên cõi trời cao kia.
Cuộc sống của chúng ta, thực tại của chúng ta là trần thế, sống trong trần thế với tất cả những gì là của trần thế, nhưng lòng của chúng ta vẫn luôn hướng về trời, hướng về trời tức là hướng về Đức Chúa Giê-su, là nhớ lại những lời của Ngài đã nói đã dặn dò cho các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo”, mọi loài thọ tạo là bao gồm tất cả những gì mà Thiên Chúa đã tạo dựng, mà đối tượng quan trọng nhất chính là con người, họ chính là những người đã trở nên anh em chị em của chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
Ngước mặt lên trời để loan báo Tin Mừng cho anh em chị em, bởi vì không ai loan báo tin vui mà cúi gầm mặt xuống đất; ngước mặt lên để hân hoan, để vui mừng, để cảm tạ, để chia sẻ những gì mà chúng ta đã cảm nghiệm, đã sống trong cuộc sống đời thường của mình, đó chính là niềm vui tha thứ, niềm vui thân thiện, niềm vui phục vụ, niềm vui cảm thông và niền vui cộng tác với nhau trong công việc bổn phận hằng ngày của chúng ta. Đó chính là việc làm tích cực để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo vậy.

2. Ngước mắt nhìn anh em.
“Các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi...” bằng lời nói và kèm thêm những dấu lạ, nhưng quan trọng hơn là có Chúa ở cùng các ngài.
Ngày hôm nay chúng ta rao giảng Lời Chúa qua internet, qua truyền hình, qua truyền thanh và qua mọi phương tiện có thể, nhưng tất cả những phương tiện ấy là chỉ để hỗ trợ cho đời sống Phúc Âm của chính mỗi người chúng ta. Người ta thích nhìn xem hành động bác ái của chúng ta hơn là coi trên truyền hình, người ta thích nghe lời chính miệng của chúng ta nói hơn là đọc trên internet, bởi vì con người thời nay chỉ thích nhìn và nghe những gì thật sống động tự nơi chúng ta -người Ki-tô hữu- xuất phát ra.
Và chúng ta cũng vậy, khi ngước mặt nhìn trời để trông chờ Chúa đến, thì đồng thời cũng hãy ngước mắt nhìn anh em đang gặp khốn khó để giúp đỡ, ngước mắt nhìn anh em đang thất vọng để ủi an, ngước mắt nhìn anh em đang bị áp bức mà bênh vực và ngước mắt nhìn người nghèo chung quanh chúng ta, họ đang nhìn chúng ta, chờ đợi chúng ta thực hành Lời Chúa là yêu thương người thân cận như chính mình.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay lễ Đức Chúa Giê-su lên trời, và cũng là niềm hy vọng được về trời chung hưởng hạnh phúc với Chúa của chúng ta, tôi xin mời anh chị em tự xét mình, tự vấn lương tâm coi chúng ta có ao ước những sự trên trời hơn những sự của trần thế:
a. Có lúc nào tôi ngước mặt nhìn lên tượng Thánh Giá Chúa để nói: Lạy Chúa, con rất yêu mến Chúa .
b. Có lúc nào tôi ngước mắt nhìn anh em, chị em và cầu nguyện thầm: Lạy Chúa, xin ban cho họ được hạnh phúc của Chúa.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


81.    THỪA TƯỚNG THÔNG MINH

Hán Vũ thường nói với Lý Thành:

-      “Tôi với thừa tướng Thôi Quần quen biết nhau đã nhiều năm, tôi cảm thấy ông ta là người quá thông minh”.

Lý Thành hỏi:

-      “Ông ta thông minh về phương diện nào ?”

Hán Vũ nói:

-      “Thôi Quần rất biết rõ mình, xưa nay không dám múa rìu qua mắt thợ”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 81 :

        Người thông minh thì học đâu nhớ đó, đây là loại thông minh của các tử sĩ, nhưng người cực kỳ thông minh là người biết mình hay dở đến đâu để tiến để lùi, tức là “không dám múa rìu qua mắt thợ”, đây là thông minh của người khôn ngoan biết người biết ta...

        Giáo Hội rất cần những người thông minh như thế để truyền giáo, để làm chứng nhân cho Tin Mừng, để trở nên những nhà lãnh đạo giỏi, những mục tử nhân hậu của dân Thiên Chúa.

        Cũng có rất nhiều người Ki-tô hữu thông minh biết dùng thông minh của mình để cộng tác với cha sở, mở mang Nước Chúa ở ngay trong giáo xứ của mình; thời nay cũng có nhiều mục tử rất thông minh biết dùng tài trí của mình để lãnh đạo và chăm sóc các linh hồn đã được Thiên Chúa -qua Giáo Hội- giao phó cho các ngài, chúng ta dễ nhận ra các ngài với dáng vẻ bên ngoài đơn sơ không kiểu cách, hiền từ không la lối thóa mạ, khiêm tốn không hách dịch nóng nảy và rất thân tình với giáo dân của mình.

        Ai cũng thích sự thông minh bởi vì đó là ơn của Đức Chúa Thánh Thần ban tặng, nhưng không ai thích người thông minh mà kiêu căng, bởi vì đó là con đẻ của tà thần luôn gây chia rẻ trong cộng đoàn...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


80.    DANH THIẾP CỦA TIÊU THÀNH

Văn chương của Lý Ung nổi tiếng khắp nơi, thư pháp giỏi, tính tình hào phóng. Ông ta cho rằng thư pháp của Tiêu Thành là không đẹp nên Tiêu Thành không phục.

Một hôm, Tiêu Thành viết bức danh thiếp, cố ý đem màu sắc của giấy làm thành màu rất ảm đạm, nhìn vào thì biết là giấy rất cũ, sau đó đem đi đưa cho Lý Ung coi và giới thiệu:

-      “Đây là bức bút tích thật của Vương Nghĩa Chí, ngài coi có đẹp không ?”

Lý Ung vừa nhìn thì quả thật rất đẹp, bèn liên tục nói đẹp đẹp, lúc ấy Tiêu Thành bèn nói thật chân tướng, Lý Ung bèn cầm lên coi lại, nói:

-      “Nhìn thật kỹ thì chưa chắc mỗi chữ đều đẹp”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 80 :

        Ở đời có những người thích được “nổi” giữa xã hội, cho nên tập tành làm nhà thức giả phê bình người này thiếu hiểu biết, chê người nọ cuộc sống không đáng cho người khác nể phục, lại có người học đòi làm sang chơi ngông hơn kẻ triệu phú xài tiền như đốt giấy vụn...

        Học làm thức giả thì không có gì phải xấu nếu trong bụng chứa đầy chữ nghĩa thông bác cổ kim, nhưng nếu chỉ biết vài ba đầu sách rồi phê bình chê bai người khác thì là “giả” chứ không thật; học làm kẻ văn minh thì không có gì là xấu mà là người tiến bộ, nhưng hàng đêm đến nhà hàng bia ôm để vung tiền bạc triệu cho những cuộc ăn nhậu trác táng, thì đúng là học làm sang trật đường trật xá, đáng bị gia đình và xã hội lên án...

        Người chơi đồ cổ sành điệu thì nhìn là biết ngay đồ cổ giả hay đồ cổ thật, người Ki-tô hữu chân chính thì nhìn là biết ngay thế nào là khiêm tốn thật và thế nào là khiêm tốn giả nơi một con người, đó là người ấy có hay phê bình và chê bai người khác hay không mà thôi !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


79.    ỨC HIẾP BẠN

Ân Hạo lúc nhỏ cùng với tên Hoàn Ôn Tế Dân, không ai chịu phục ai.

Có một lần, Hoàn Ôn cố ý cười nhạo Ân Hạo nói:

-      “Anh làm sao mà dám so với tôi chứ ?”

Ân Hạo nói:

-      “Thời gian tôi và bản thân tôi kết thân đã lâu rồi, thà làm bản thân tôi.” (ý nghĩa là không muốn cùng với bạn là Hoàn Ôn so sánh hơn thua).

Lại một lần khác, Ân Hạo làm một bài thơ và đưa cho Hoàn Ôn coi, Hoàn Ôn cố ý làm nhục Ân Hạo nên nói:

-      “Bài của anh tồi tệ vậy tại sao lại đưa tôi coi, đưa cho tôi coi thì tôi sẽ cầm bêu trước đám đông, đến lúc đó thanh danh của anh sẽ mất hết thì đừng trách tôi đấy nhé !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 79 :

        Bạn bè thì như hai miếng thịt dính với nhau, người này đau thì người kia cũng khổ, cho nên không thể có kiểu bạn bè mà khi có một trong hai người thường chỉ trích bạn của mình.

        Ân Hạo đã coi bạn là bản thân mình, tức là đặt tình bạn lên trên bản thân mình, đó là một người bạn tốt và hiếm có; nhưng Hoàn Ôn thì lại đặt tình bạn của mình bên ngoài bản thân mình, nên đã luôn chỉ trích và coi thường bạn mình, đây là kiểu tình bạn lợi dụng và là loại người đạp trên đầu trên cổ bạn bè mà đi lên...

        Tình bạn là một món quà quý mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta qua người bạn mà mình đã kết thân, chính tình bạn này sẽ phản ảnh hình ảnh của Đức Chúa Giê-su đã đối xử với các tông đồ khi Ngài tuyên bố với các ông: “Thầy sẽ không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”[1]. Tôi tớ là người ngoài, bạn hữu là người thân thiết, người ngoài không có quyền chia sẻ những chuyện trong lòng của chúng ta như là bạn hữu, cho nên khi có một tình bạn thật thì đáng trân trọng như một món quà quý.

        Chỉ rình rình mò mò tìm kẻ hở của bạn để bêu xấu, thì dù cho chúng ta là ai chăng nữa, thì cũng chỉ là người không đáng tin cậy để cho người khác kết thân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Ga 15, 15.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


78.    TẤM BIA CỦA HÁN SƠN

Dũ Tín là nhà văn học nổi tiếng của thời nam bắc triều, được Lương Minh đế phái đi sứ Bắc Châu, ông ta rất thích “bia Hán Sơn” của nhà văn học bắc Ngụy là Ôn Tử Thăng đã trước tác.

Có người hỏi ông ta:

-      “Bắc phương như thế nào ?”

Dũ Tín nói:

-      “Chỉ có một tấm thạch của Hán Sơn (tức là bia Hán Sơn) là có thể kết bạn, còn những cái khác thì nghe đâu cũng giống như lừa kêu chó sủa mà thôi !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 78 :

        Thương rồi thì dù xấu cũng trở thành đẹp, thích rồi thì có hư cũng thành tốt, đó là “mãnh lực của tình yêu” vậy.

        Phương bắc chắc chắn là có rất nhiều phong cảnh và những cái đẹp, nhất là có nhiều người hay người giỏi để kết làm bạn thân hơn là tấm “bia Hán Sơn” của Ôn Tử Thăng, nhưng Dũ Tín chỉ thấy mỗi một tấm bia thạch của Hán Sơn là đẹp nhất mà thôi vì ông ta là nhà văn học...

        Cũng có những lúc người Ki-tô hữu thấy việc luật buộc đi lễ ngày chúa nhật là một cực hình cho họ, nhưng họ lại không thấy những ơn ích to lớn mà họ được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa qua việc tham dự thánh lễ ngày chúa nhật; đôi lúc, người Ki-tô hữu cũng thấy thánh lễ nó rườm rà hết phần này qua phần nọ, hết đứng lại quỳ, không như các giáo phái tin lành họp nhau lại ngày chúa nhật hát hò, chia sẻ Thánh Kinh và giải tán, nó đơn giản ngắn ngủi, nhưng họ không biết rằng đó không phải là một thánh lễ diễn lại thánh lễ trên đồi Golgotha mà Đức Chúa Giê-su đã cử hành, đơn giản nó chỉ là một cuộc hội họp tôn giáo như những buổi hội họp cầu nguyện chia sẻ Lời Chúa mà thôi...

        Chỉ thấy cái mình thích trước mắt rồi cho nó là số một, còn những thứ khác mình chưa thấy thì cho là giống lừa kêu chó sủa mà thôi thì quả là thiển cận và ngạo đời, không giống tinh thần khiêm tốn của Phúc Âm và không giống như người hiểu biết đạo lý của Giáo Hội Công Giáo.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


77.    ÔNG PHỤ ĐỒ

Lý Sung hiệu là “ông Phụ Đồ”, thường thường dùng hoa cúc, bạch truật.v.v...làm thuốc bắc để ăn uống, rất ít nói chuyện với người khác. Người ta nhìn thấy ông ta quái dị như thế, bèn hỏi:

-      “Tại sao như thế ?”

Ông Phụ Đồ trả lời:

-      “Thức ăn của thế gian không có gì đáng ăn, cũng không có ai có thể trò chuyện”.

                                                               (Cổ kim tiểu sử)

 

Suy tư 77 :

        Thời xưa cũng như thời nay cũng đều có những người không thích ăn uống như những người bình thường khác, họ chỉ thích ăn rau và uống nước lã, cũng như có những người không thích nói chuyện với người khác mà chỉ thích ngồi tĩnh tọa, họ là những người nhìn đời bằng con mắt của những vị chân tu đáng khâm phục...

        Người Ki-tô hữu nào cũng đều có căn tu, căn tu này không phải bởi cốt cách tự nhiên mà có, nhưng bởi suy tư và thực hành Lời Chúa mà có, bởi vì căn tu do Lời Chúa tác động thì không xa lánh cuộc đời và cũng không tránh xa mọi người, nhưng họ sẽ trở thành men trong bột, nghĩa là họ cùng tham gia mọi sinh hoạt của xã hội và đồng thời cũng trở thành bạn hữu của tha nhân qua những cuộc đối thoại đầy yêu thương...

        Ăn rau là một phương pháp để sống mạnh khỏe trường thọ, nhưng nếu chỉ mạnh khỏe và trường thọ một mình mình thôi thì...chán lắm, cho nên cần phải tiếp xúc trò chuyện và quan tâm đến người khác, thì cái mạnh khỏe trường thọ ấy mới thật đáng trân trọng và có ích cho mọi người.

Nên thánh là ở đó vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


76.    ÂM ĐỨC CỦA PHONG CÔNG

Có một lão nhà giàu họ Lý nọ có con làm quan lớn, tự mình cũng phong làm “phong công”.

Có lần đi qua nhà người ta uống rượu, có người hỏi ông ta:

-      “Con trai ông là trạng nguyên giáo lễ bộ thượng thư (tương đương thừa tướng), ông tuổi thọ lại cao có phúc khí, ông muốn sau này tích nhiều âm đức chứ ?”

Lý phong công cười nói:

-      “Âm đức lớn thì không dám nói, âm đức nhỏ thì có chút ít”.

Người hỏi, hỏi ba lần là có âm đức nào, Lý phong công mới nói:

-      “Tôi cũng không có những đức gì khác, chỉ là mỗi lần có người mời uống, không đi, thì phải nói với người ta; đi, thì phải đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi. Tôi nghĩ đại khái như thế là tích âm đức rồi vậy !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 76 :

        Có những người tích lũy âm đức bằng cách bố thí cho người nghèo tiền bạc, nhưng lại thường hay chưởi mắng đầy tớ; có những người tích lũy âm đức bằng cách cách dâng cúng tiền bạc cho nhà thờ, nhưng lại hay đi nói xấu người này người nọ; lại có người tích lũy âm đức để đức lại cho con cháu, nhưng cuộc sống thì đanh ác dữ tợn hơn cả chằn tinh...

  Cách tích lũy âm đức của ông nhà giàu họ Lý rất đơn giản nhưng rất đậm tình người, và lại là người lịch sự nữa, ông khiêm tốn nói:“Tôi cũng không có những đức gì khác, chỉ là mỗi lần có người mời uống, không đi, thì phải nói với người ta; đi, thì phải đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi. Tôi nghĩ đại khái như thế là tích âm đức rồi vậy !”

Người ta mời dự tiệc mà nếu bận việc không đi được thì nói không đi được, nếu đã nhận lời thì đi đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi, đó là đạo lý làm người rất đơn giản mà hiệu quả cao, khiến cho mọi người bái phục...

Có những người tai to mặt lớn khi được mời dự tiệc thì luôn đến trễ, làm cho chủ nhà và khách được mời phải đợi một mình họ, nguyên nhân đến trễ thì có nhiều nhưng vẫn cứ là để bày tỏ ta đây là người quan trọng. Đã nhận lời thì nên sắp xếp đi đến trước như mọi người, để bày tỏ mình là người đúng giờ hơn là bày tỏ mình là người quan trọng, đến đúng giờ để làm người lịch sự khiêm tốn hơn là làm người kiêu ngạo bất lịch sự.

Cách tích lũy âm đức của người Ki-tô hữu cũng thế mà thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môi-sen và các lời ngôn sứ là thế đó”[1]

Mình không muốn người khác bắt mình đợi lâu, thì cũng đừng để người khác đợi mình lâu như vậy, đạo lý này hỏi có mấy người hiểu chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Mt 7, 12. Lc 6, 31.