Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Hồ mực lều da


HỒ MỰC LỀU DA
Phụ thân của Vương Tăng Ngạn là Sư Cổ, ông ta thường hay thích đặt thêm một tên khác cho một vật nào đó, chẳng hạn như cái “nghiêng” đựng mực thì kêu là “hồ mực”, “da” thì gọi là “lều da”.
Lúc Sư Cổ trấn nhậm Nam quân vương, có người qua đường tên là Lý Ngạn Cổ (ngạn cổ và nghiễn cổ tiếng Hoa phát âm đọc gần giống nhau) xin bái kiến Sư Cổ, và cố ý trêu chọc Sư Cổ nên nói:
-               “Quan tham quân tư hộ Vĩnh châu Lý Hồ Mực Lều Da...đồng tham bái”.
                                   (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
        Giáo Hội là mẹ chúng ta, vì muốn để cho con cái của mình có một gương lành học hỏi để nên thánh, nên đã dạy mỗi đứa con khi lãnh bí tích Rửa Tội thì lấy tên của một vị thánh đặt cho nó, chúng ta gọi là tên thánh, và vị thánh ấy chính là đấng quan thầy của nó, chúng ta gọi là thánh bổn mạng.
        Tên thánh này không phải đặt để gọi cho vui, hay là để “đệm” vào với tên gọi cho dễ nghe, nhưng là để cho chúng ta học hỏi gương sáng tốt lành của thánh quan thầy mình để trở nên một vị thánh tương lai trong Giáo Hội.
        Có những người Ki-tô hữu cứ đến ngày lễ bổn mạng của mình thì tổ chức tiệc tùng vui vẻ, đây là một thói quen tốt đẹp nên bắt chước, nhưng đừng “thái quá”, thái quá có nghĩa là thay vì một bữa ăn thân mật cho ấm cúng thì lại tổ chức yến tiệc linh đình như...đám cưới, rồi rượu bia uống liên miên không ngớt để rồi trở thành gương mù gương xấu cho người khác, rồi trở thành thói quen “lợi dụng” lễ bổn mạng để nhậu nhẹt, quà cáp.v.v...
        Có những bạn hữu rất “sợ” đến ngày lễ bổn mạng của bạn mình, vì phải mua quà cáp đến tặng trong khi mình thất nghiệp; có những giáo dân rất “sợ” khi đến ngày lễ bổn mạng của cha sở mình, vì phải đóng góp tổ chức tiệc tùng mừng bổn mạng của ngài (mặc dù cha sở không muốn) theo sự đề xướng của ban đại diện họ đạo, trong khi ở nhà con cái thiếu gạo ăn cho ngày mai...
        Mỗi người giáo dân đều có một tên thánh, cũng có nghĩa là mỗi một giáo dân đều có một vị thánh phù hộ, cầu bàu, bênh vực cho họ trước toà Thiên Chúa, nếu họ –vị giáo dân ấy- học hỏi gương tốt lành của các ngài mà sống xứng đáng là một Ki-tô hữu tốt, một chứng nhân của Phúc Âm giữa xã hội hôm nay, thì đó chính là một bản sao thứ hai của vị thánh bổn mạng, bằng không thì các ngài sẽ rất buồn khi chúng ta lợi dụng các ngài để làm gương mù gương xấu cho kẻ khác.

        Lạy các thánh bổn mạng của chúng con, xin cầu bàu cho chúng con trước toà Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư 

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Chúa nhật 25 thường niên


CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 20, 1-6a.
“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”

Anh chị em thân mến,
Làm công cho một ông chủ hào phóng và biết thương người thì thật hạnh phúc, ai đã từng đi làm thuê làm mướn mới cảm nghiệm được nội dung lời của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, sự cảm nghiệm ấy bắt đầu từ việc ông chủ đi tìm người làm công từ sáng cho đến chiều, tức là từ khi công việc bắt đầu ông đã ra đi tìm nhân công, cho đến giờ làm việc cuối cùng, ông cũng đi tìm những người không có công việc vào làm vườn nho cho ông.

Niềm vui được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa.
Tất cả những người Ki-tô hữu đều hiểu rằng, làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa chính là từ khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su, và công khai làm việc của Thiên Chúa giữa lòng xã hội trong các chức vụ và bổn phận của mình trong Hội Thánh.

Một linh mục suốt đời mệt nhọc phụng sự Thiên Chúa nơi giáo xứ của mình, nhưng vẫn vui tươi vì được làm trong vườn nho của Thiên Chúa; một nữ tu âm thầm phục vụ nơi các bệnh viện, viện dưỡng lão, cô nhi viện, trường học, với tâm hồn vui tươi vì được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa; có những “thợ” được mời gọi làm công buổi chiều, đó là những anh em chị em tân tòng, họ vui sướng nhận được lời mời gọi của chủ vườn nho là Thiên Chúa và trở thành những tạo vật mới trong tình yêu và ân sủng của Ngài; có những người được Thiên Chúa gọi vào làm vườn nho của Ngài vào giây phút cuối cuối ngày làm việc, đó là khi họ từng giây từng phút giằng co giữa thiện và ác, giữa ma quỷ và Thiên Chúa, cuối cùng họ đã tình nguyện vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa với nụ cười vui trên môi và cũng là giây phút cuối của họ ở trần gian...

Niềm vui sẽ biến thành đau khổ, khi người thợ biếng nhác và thỏa mãn với những giờ làm việc của mình.
Những người thợ đến trước đã bị lòng tham che mất con mắt tâm hồn, nên không thấy được tình thương của ông chủ vườn nho, họ phân bì vì những người làm việc cuối giờ cũng được trả lương một đồng như họ.

Có những linh mục thỏa mãn vì công việc xây cất nhà thờ xứ đạo to lớn của mình, để rồi chế nhạo người anh em không có tài đi xin xỏ tháo vát như mình; có những người vỗ ngực xưng tên mình là đạo dòng chính gốc, để rồi khinh bỉ các tân tòng không biết “giữ đạo” khi những người tân tòng ấy thích học hỏi thánh kinh và tham gia các lớp giáo lý, sinh hoạt đoàn thể; lại có những người thợ làm trong vườn nho chỉ biết tìm chỗ mát mẻ núp nắng núp mưa cho nhàn tấm thân, để rồi kiện cáo người này làm ít người kia mới vào làm không bằng mình...

Anh chị em thân mến,
Những người thợ biếng nhác và thích tranh đấu cho quyền lợi nhỏ của mình ấy, đã đem niềm vui biến thành đau khổ cho mình và cho cộng đoàn, họ đem tình yêu của Thiên Chúa so sánh với việc làm trời ơi đất hỡi của họ, họ  quên mất lời của Đức Chúa Giê-su: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Được làm con cái của Thiên Chúa là một hạnh phúc to lớn, được làm trong vừơn nho của Thiên Chúa với bổn phận của mình là một hạnh phúc, bởi vì trong cương vị làm con họ sẽ được hưởng phần gia nghiệp Nước Trời, và trong thân phận là người làm công, họ đáng được hưởng công lao khó nhọc do mình làm ra, nghĩa là họ cố gắng trở nên ánh sáng và muối cho tha nhân trong cuộc sống của mình...


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.