Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Chúa nhật lễ Truyền Giáo

 


CHÚA NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO


Tin mừng : Mt 28, 19-20.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.


Bạn thân mến,
Mỗi năm một lần, giáo hội –trong ngày truyền giáo- đều long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.
Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.
1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: cha thì cả ngày say lè nhè, mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là cha mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...
Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.
2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa !
Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.
Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.
3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.
Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.
Bạn thân mến,
Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Đức Đức Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9.      CÙNG NHAU ĐỘNG THỦ

Huyện quan và huyện thừa là hai tay tham ô kỳ cựu, chỉ có huyện úy[1] là thanh liêm mà thôi.

Một hôm, ba người cùng đi dự tiệc nhỏ trong huyện, huyện quan và huyện thừa thì cơm rượu no đầy, trong lòng thỏa mãn, bèn kêu nhạc công đàn tấu lên nghe.

Âm nhạc du dương trầm bổng làm cho huyện quan huyện thừa tay chân ngứa ngáy múa máy quay tròn, nhưng huyện úy thì vẫn cứng nhắc ngồi một bên, nhìn mà như không thấy.

Huyện quan gọi:

-          “Tại sao không động thủ ? Mau mau đến đây, cùng nhau động thủ cho mạch máu lưu thông và để giúp tiêu hóa !”

Huyện úy trả lời:

-          “Ngài và huyện thừa đã động thủ rồi, nếu thêm tôi nữa thì bá tánh khó mà sống nổi !”

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 8 :

Đúng là câu trả lời thông minh và đầy trách nhiệm, thường người làm cảnh sát, công an hoặc an ninh thì rất là hống hách với dân chúng, thế mà huyện úy này lại thanh liêm, đúng là sự đời không như ta nghĩ…

Có người Ki-tô hữu được làm an ninh thôn xóm thì tưởng mình là ông trời con nên thường hay sách nhiễu bà con trong làng xóm, có người được làm trưởng thôn thì cho mình là người có quyền sanh sát, thế là hách dịch với bà con và có khi “đấu” tay đôi với cha sở của mình. Những người này lợi dụng chức quyền người đời để làm khổ bá tánh, làm khổ anh em đồng loại, và nhất là họ đã quên mất giáo lý mà họ đã được hấp thụ từ trong trứng nước ở trong thôn xóm họ đạo, cũng có nghĩa là họ ăn quả nhưng lại quên mất cây đã làm cho họ nên người…

Đức Chúa Giê-su lên án những ai lạm dụng quyền hành để làm khổ hạch họe anh em mình, Ngài nói vơí các môn đệ : “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng quyền uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”[2].

Xét cho cùng, có quyền hành chức vụ thì rất dễ dàng phục vụ tha nhân, nếu chúng ta có sự khiêm tốn và yêu thương chân thành.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta có tâm hồn khiêm tốn và cảm thông khi chúng ta có chức vụ cao trong xã hội và trong Giáo Hội.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Quan làm việc về tư pháp thời xưa.

[2] Mt 20, 25-27.

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 6.      THIỆP CŨ SỬ DỤNG MỚI

       Trần Sư Triệu lục trong hộc thư từ, nhìn thấy một thiệp mời của bạn bè mời đi dự tiệc, trong bụng chỉ muốn ăn, nên quên mất đây là thiệp mời năm ngoái.

       Đến ngày nọ theo hạn mà đi. 

       Người bạn đã uống qua mấy lần trà rồi mà cũng không thấy Trần Sư Triệu nói lời cáo từ, nên trong lòng nghi hoặc liền quay người lại hỏi nguyên do, Trần Sư Triệu nói:

-       “Tôi theo hẹn mà đến dự tiệc, anh quên rồi sao ?”

       Chủ nhân kinh ngạc lại không tiện truy hỏi duyên do nên cứ dọn tiệc thết trà. Vừa ăn vừa trò chuyện chủ nhân mới chợt nhớ lại đúng là ngày này năm ngoái có gởi thiệp mời bạn bè.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 7 :

Nguyên nhân đi dự tiệc “trái mùa” là do thích ăn, thèm ăn và tham ăn, vì tham ăn nên không còn sĩ diện,vì thèm ăn nên quên mất mình là ai, vì thích ăn nên trở thành người tham ăn.

Có nhiều người Ki-tô hữu đem tội năm ngoái “để dành” đến năm nay mới đi xưng tội, nên khi vào trong tòa giải tội thì nói lung tung hết cáo người này đến đổ tội cho người nọ mà không xưng tội của mình, họ không còn “sĩ diện” của người Ki-tô hữu; có người Ki-tô hữu thích đem chuyện quá khứ năm ngoái của người khác đã đi vào dĩ vãng kể lại với ác ý cho người khác nghe, họ quên mất mình là ai ?

Cầm thiệp mời năm ngoái để bắt người ta đãi tiệc, thì cũng giống như người nọ đem tội lỗi chất đống của mình đến bắt Đức Chúa Giê-su mở cửa thiên đàng cho họ vào vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 6.  MỘT CÚ SỢ HÃO 

Tên hầu cận của Hán Tuyên đế Lưu Chí, về già thì bị bệnh hôi mồm, Lưu Chí bèn đưa cho hắn ta một miếng kê thiệt hương (đinh hương) để ngậm.

Miếng kê thiệt hương không lớn nhưng có chút mùi vị chát và cay, tên hầu cận không dám hỏi nhiều, chỉ biết bỏ vào miệng và trong bụng nghĩ thầm nhất định là phải có phạm tội gì với hoàng đế đây, nên mới được ban cho độc dược.

Sau khi về đến nhà thì lập tức nói lời vĩnh biệt với mọi người, người nhà vừa nghe thì khóc lóc ai oán, nhưng nghĩ lại thì thấy không có tội gì với hoàng đế, nên mới nói tên quan hầu đưa thuốc đã ngậm ra coi, ông ta vừa mở miệng thì mùi thơm bay ra, mọi người trong nhà đều ngửi thấy mùi đinh hương, tất cả mọi người vì một cú sợ hảo huyền mà cười ra nước mắt.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 6 :

Ở đời có rất nhiều cái sợ hão: 

Sợ mất việc làm, sợ người yêu bỏ, sợ bạn bè chê là những cái lo sợ hão ở đời này, cái phải lo sợ thật là chết mất linh hồn ngay khi còn ở đời này và đời sau.

Có một vài giáo dân cứ sợ con cái mất linh hồn khi chúng nó không đọc kinh hôm kinh mai nên cứ nhắc nhở, còn mình thì tối tối đi nhậu đến khuya mới về; có một vài giáo dân giàu có lo sợ sau khi chết mất linh hồn nên bỏ tiền xin cha sở dâng lễ trước cho mình, nhưng bản thân thì rất ít khi đi lễ nhà thờ…

Con người ta lo sợ hão là bởi vì họ chỉ lo mất cái ở đời này là cái vốn nay còn mai mất, mà không lo sợ mất cái đời sau là thiên đàng nơi vĩnh phúc mà Thiên Chúa đã dành cho những ai biết yêu mến Ngài và yêu thương anh em như chính mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


5. SẮC THUỐC BỎ THÊM THIẾC

            Năm đầu của triều đại nhà Minh, có một thầy thuốc nổi tiếng là Đới Nguyên Lễ nghe lời hiệu triệu đến Nam Kinh.

Nhìn thấy trước cổng nhà thầy thuốc nọ tiếng người ồn ào, nhà thuốc nhàn rỗi thù tiếp. Đới Nguyên Lễ nghĩ rằng đây nhất định là thầy thuốc nổi tiếng bèn để ý mà nhìn thì thấy nhà thuốc chỉ có phát một thứ thuốc chứ không có thuốc gì khác, Đới Nguyên Lễ bèn bỏ đi.

Qua ngày hôm sau lại đến coi thì thấy người mua thuốc vẫn đông, một lúc sau thì thấy chủ nhà đi ra nói với những người mua thuốc rằng;

-       “Vừa rồi quên nhắc cho bà con biết là khi sắc thuốc thì bỏ vào chút thiếc vào nhé”.

Đới Nguyên Lễ cảm thấy kỳ cục, bởi vì từ trước đến nay chưa hề nghe chuyện thêm thiếc vào trong thuốc bao giờ, nên tiến vào tiếp kiến chủ nhân thì biết nó là phương thuốc cổ.

Họ Đới xin được thấy phương thuốc cổ ấy để coi từ đâu mà đến, và thấy trên bao thuốc viết một chữ “thiếc”[1]. Đới Nguyên Lễ vội vàng nói với chủ nhân sửa lại cho đúng.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 5 :

Khi sắc thuốc thì người ta có thể gia thêm gừng thêm đường chứ không ai sắc thuốc mà bỏ thêm thiếc vào, vì như thế thì chỉ làm cho thuốc trở nên độc…

Đời sống tín ngưỡng cũng như thế: khi cầu nguyện phải bỏ thêm đức tin và lòng khiêm tốn vào chứ không bỏ thêm kiêu ngạo và hoài nghi vào trong đó; khi làm việc lành phúc đức thì nên thêm yêu thương và thông cảm chứ không bỏ nghi kỵ và ghét ghen vào trong đó.

Có một vài Ki-tô hữu thích thêm cái khoe khong vào trong khi phục vụ nên việc làm của họ không tỏa sáng; lại có người muốn bỏ thêm cái kiêu ngạo vào trong sự thành công của mình nên việc làm của họ không lâu bền.

Đức Chúa Giê-su không dạy chúng ta khi “sắc thuốc” là cầu nguyện thì bỏ vào chút “thiếc”, nhưng Ngài dạy chúng ta phải vào trong phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện, Ngài cũng dạy chúng ta khi tay phải làm việc phúc đức thì đừng cho tay trái biết, Ngài cũng dạy chúng ta khi làm lớn thì phải phục vụ…

Bỏ chút thiếc vào trong thuốc thì cũng đủ chết người, huống hồ là cả bảy mối tội đầu bỏ vào trong cuộc sống của mình, lúc này không những chết phần xác mà ngay cả phần hồn cũng chết mất tiêu. 

Khiếp thật !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 
----------
http://www.vietcatholicnews.net 
https://www.facebook.com/jmtaiby 
http://nhantai.info 

[1] Chữ  cỗ ngữ là chữ “đường ”, nhưng thầy thuốc không hiểu nên nói sai thành chữ thiếc.

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4. HIỂU LẦM “HIẾN THẾ”

            Ngu Khiếu Phụ thời Hiếu Võ đế làm tư mã diệu kề cận bên mình hầu hạ.

Một lần nọ, Hiếu Võ đế bình tâm tịnh khí nói với họ Ngu:

-       “Khanh ở trong cung nhậm chức vụ rất quan trọng, sao lại không nghe khanh “hiến thế” cho triều đình nhỉ ?”[1]

Nhà họ Ngu giàu có lại ở bên biển, vừa nghe Hiếu Võ đế nói như vậy thì nghĩ sai rằng muốn ông ta tặng lễ vật, nên vội vàng nói:

-       Mấy ngày nay khí trời quá nóng, đợi mùa thu bắt được cá, nghêu, cua, ba ba thì nhất định đem dâng cho đại vương ?”

Hiếu Võ đế nghe ông ta giải thích sai như thế thì cười ha ha.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 4 :

Cùng một tư tưởng nhưng không phải tất cả mọi người đều lãnh ngộ giống nhau, nhưng tùy theo cá tính, trí tuệ và sự nhạy cảm của cá nhân mà đạt được sự hiểu biết.

Có một vài linh mục khi giảng trong thánh lễ thì phân tích rất chi tiết bài Phúc Âm, các ngài đem tất cả những hiểu biết về thần học thánh kinh ra nói về bài Phúc Âm rồi... đọc kinh tin kính, mà không chỉ cách cho giáo dân đem Lời Chúa hôm nay đi vào trong cuộc sống đời thường, hoặc có chăng nữa thì cũng sơ sài vài câu.

Thần học là lý thuyết, tu đức là thực hành, dạy giáo dân đem cái lý thuyết lồng vào trong cái thực hành thì cuộc sống của họ sẽ đổi mới và có căn bản hơn, bởi vì không phải ai cũng có trình độ để hiểu được lý thuyết thần học, nhưng thực hành tu đức thì chắc chắn mọi người đều hiểu và sẽ thực hành tốt nếu các linh mục dạy cho họ.

Ngu Khiếu Phụ đã hiểu lầm câu nói của Hiếu Võ đế vì nhà vua chỉ nói lý thuyết về  “hiến thế” mà không nói cụ thể công việc. Tai hại thay !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


[1] Đưa ra kiến nghị có thể thi hành để thay thế các chế độ không hợp lý.

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 3.     ANH EM GIỐNG NHAU

      Trương Bá Giai, Trương Trung Giai là hai người nhưng rất giống nhau.

Một lần nọ, vợ của Trung Giai sau khi chải chuốt ăn mặc xong nhìn thấy Bá Giai thì cho rằng đó là chồng mình nên nủng nịu hỏi nhỏ:

-       “Mình thấy em hôm nay trang điểm có đẹp không ?”

Bá Giai vội vàng đáp:

-       “Tôi là Bá Giai”.

Vợ của Trung Giai đỏ mặt đỏ mày lật đật bỏ đi. Một lúc sau lại thấy Bá Giai thì cho là chồng mình nên nói:

-       “Vừa mới mắc phải sai lầm lớn, thấy Bá Giai mà tưởng là mình !”

Bá Giai mắc cở nói:

-       “Thì tôi vẫn là Bá Giai đây mà !”

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 3:

Có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về việc anh em hoặc chị em sinh đôi trong thế giới này, bởi vì mắt thịt của con người ta không phân biệt được đâu là người của mình và đâu là người không phải của mình vì hai người quá giống nhau.

Thánh Gioan Tông Đồ cảnh cáo chúng ta coi chừng các tên phản ki-tô, ngài nói rằng các tiên tên phản ki-tô này không phải ở ngoài nhưng ở trong Giáo Hội và chúng nó ở trong hàng ngũ của chúng ta[1]. Nó ở trong chúng ta vì chúng cũng đi lễ như chúng ta, chúng cũng nói lời đạo đức như chúng ta, chúng cũng tỏ ra bác ái với mọi người như chúng ta, chúng cũng viết sách viết báo như chúng ta.v.v… nhưng tất cả những cái chúng làm đó là để lôi kéo người khác về phe với chúng và thực chất là chống đối Giáo Hội, chúng nó và chúng ta -người Ki-tô hữu- nhìn bên ngoài thì giống nhau như hai chị em sinh đôi, nhưng tâm hồn chúng nó thì đã thuộc về ma quỷ chống phá Giáo Hội.

Mắt thịt của chúng ta không nhận ra họ là những phản Ki-tô, nhưng nhờ ơn Thiên Chúa giúp chúng ta sẽ nhận ra họ chính là những kẻ phản Ki-tô đó là khi họ lên tiếng chỉ trích, chống đối các bậc bề trên hợp pháp của Giáo Hội.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 
----------
http://www.vietcatholicnews.net 
https://www.facebook.com/jmtaiby 
http://nhantai.info 

[1] 1 Ga 2, 18-19.