Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Chúa nhật 23 thường niên

 


CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 7, 31-37.
“Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đến trần gian, mục đích của Ngài là cứu nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ, đem ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng không phải vì thế mà Ngài bỏ qua không đoái hoài đến những đau khổ nơi thân xác của con người, hay nói cách khác, Ngài không những cứu linh hồn con người mà còn cứu cả thân xác của họ. Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy điều ấy khi Ngài làm cho người câm nói được và người điếc nghe được.
Chúa Giêsu đã làm hai công việc trên một con người tức là Ngài chữa lành bệnh trong tâm hồn và nơi thân xác của người bệnh. Ngài đến không phải chỉ để rao giảng, để mời gọi mọi người thống hối và tin vào Ngài, nhưng Ngài còn làm nhiều việc khác để bảo đảm với những người đi theo Ngài rằng: cứ tin đi thì cơn bệnh nơi thân xác cũng sẽ được lành.
Câm và điếc thường đi đôi với nhau, ai đã bị câm thì cũng sẽ điếc, đó là bẩm sinh, nhưng có những người sau một tai nạn thì bị câm nhưng không điếc, hoặc là nghe được nhưng nói không được, những người này thường đau khổ hơn những người bị câm điếc bẩm sinh vì họ nghe được người ta nói gì, nhưng không thể nói lại cho người ta nghe về cảm nghĩ của mình, quả là đau khổ thật.
Có những lúc bạn và tôi sáng mắt mà cũng như mù, bởi vì chúng ta nhìn mà không thấy những đau khổ của người anh em bất hạnh; có những lúc bạn và tôi lớn tiếng phê bình anh em chị em vì họ thất hứa, mà chúng ta không nhìn thấy họ đang băn khoăn trong lòng vì sự thất hứa của chính mình...
Có những lúc bạn và tôi bị câm mà chúng ta vẫn cứ tưởng mình nói được, đó là lúc chúng ta thấy một em nhỏ ăn xin đang bị người bạc đãi mà chúng ta không một lời bênh vực, chúng ta thấy người đau khổ mà không một lời an ủi, chúng ta thấy các bạn thanh niên nam nữ sống lơ là với Chúa mà không một lời khuyên bảo, chúng ta đã bị câm khi thu mình trong cái vỏ an phận và thỏa mãn của mình.
Chúng ta đừng nhìn người câm điếc mà thương hại, nhưng hãy thương hại và cầu nguyện cho chính bệnh câm điếc trong tâm hồn của bạn và tôi.
Bạn thân mến,
Cha Vincent Lebbe người Bỉ, ngài đã dạy các con cái của ngài thuộc dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả như sau: “Cứu người” là cứu toàn bộ con người, bởi vì linh hồn và thân xác không thể tách lìa nhau, cứu tất cả khó khăn của họ mà không đòi điều kiện, không hỏi họ có theo (vào) đạo hay không, để tránh người ta hồ nghi các giá trị công tác xã hội của chúng ta”. (1)
Như thế là đã rõ, mỗi khi bạn và tôi đi khuyên bảo người nghèo khó hãy theo đạo, hãy đến nhà thờ, nhưng chúng ta vẫn làm ngơ trước cảnh đói ăn của họ, và có khi không nhìn thấy họ đang lo buồn vì kế sinh nhai mà không đến nhà thờ như bao giáo dân khác được, chúng ta hãy học theo gương của Đức Chúa Giê-su khi chữa lành bệnh tật phần hồn thì đồng thời cũng làm cho thân xác của họ được khoẻ mạnh.
“Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa đã đến trần gian để cứu và chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn và nơi thân xác của con người, Chúa đã dạy chúng con một bài học yêu thương trọn vẹn, đó là yêu thương nỗi khổ đau nơi thân xác và trong tâm hồn của người anh em bất hạnh. Xin Chúa ban cho chúng con có một tình yêu thương vô vị lợi, để khi chúng con đi an ủi giúp đỡ tha nhân, thì đồng thời cũng biết chia sẻ với họ những gìmà khả năng chúng con có được. Amen”
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Cha Vincent Lebbe là người Bỉ, nhưng qua truyền giáo ở Trung Quốc và mang quốc tịch Trung Quốc, ngài đã thánh lập 2 hội dòng và 2 tu hội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


82.          BẢY ĐỨC CỦA CON GÀ

Bạn của họa sĩ Nghê Vân Lâm nuôi rất nhiều gà, vừa to vừa béo, nhưng vì tiếc rẻ nên không dám giết gà để mời khách.

Một hôm, Nghê Vân Lâm đến nhà bạn nói:

-         “Nghe nói gà có bảy đức, anh có biết không ?”

Người bạn nói:

-         “Từ trước đến nay chỉ nghe người xưa nói gà có năm đức: văn, võ, dũng, nhân và tín mà thôi, làm gì có bảy chứ ?”

Nghê Vân Lâm đáp:

-         “Nếu như anh không tiếc (捨得)[1] thì tôi cũng có thể ăn được 吃得 [2], cộng lại không phải là bảy đức sao ?”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 82 :

        Người xưa nói con gà có năm đức, đó là văn, võ, dũng, nhân và tín; con người cũng có năm đức, đó là nhân, lễ, nghĩa, trí và tín. Trong năm đức của con gà thì có hai đức giống con người, đó là nhân và tín, thế mới biết con vật thì không giống con người, bởi vì nó không có lễ, nghĩa và trí.

        Lễ và nghĩa thuộc về tâm hồn, trí thuộc về trí khôn, lấy tâm hồn và trí khôn để kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thì con vật chắc chắn là không có, mà chỉ có nơi con người mà thôi, mất đi lễ, nghĩa, trí thì con người sẽ đối xử với nhau như con vật chỉ biết danh lợi, lạc thú và ích kỷ cho mình mà thôi.

        Người Ki-tô hữu không những có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà thôi, nhưng còn có thêm hai đức khác nữa, đó là yêu thương và phục vụ, bởi vì hai nhân đức này làm nổi bật căn tính của người Ki-tô hữu.

        Con gà có bảy đức thì không có, nhưng người Ki-tô hữu có bảy đức là chuyện có thật, thế mà có nhiều người không nhận ra chúng ta là người Ki-tô hữu, bởi vì chúng ta không thực hiện hai đức nổi bật nhất của mình là yêu thương và phục vụ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] 捨得 phát âm là ”sờ tở” nghĩa là tiếc. phát âm cũng là “tở” nghĩa là đức, hai chữ “tở” đồng âm khác nghĩa.

[2] 吃得 phát âm là “trư tở” nghĩa là ăn được. phát âm cũng là “tở”nghĩa là đức, hai chữ “tở” đồng âm khác nghĩa.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


81.          LÝ CHƯƠNG DỜI CÁ

Lý Chương được hàng xóm mời đến nhà dự tiệc, người hàng xóm này rất nhỏ mọn, lúc ăn cơm thì đem con cá lớn bỏ trước mặt mình để khách gắp không tới.

Lý Chương bèn nói:

-         “Mỗi lần tôi thấy người ta viết chữ “Tô”﹝蘇﹞, có khi viết chữ “cá” ﹝魚﹞ở bên phải, cũng có khi có viết chữ cá ở bên trái, như vậy có đúng không ?”

Người hàng xóm trả lời:

-         “Người xưa viết chữ khá tùy tiện, có thể dời bên trái hay bên phải.

Lý Chương bèn lấy con cá lớn dời qua trước mặt mình, nói:

-         “Vậy hôm nay bên trái ông có cá, cũng có thể dời qua bên phải của tôi vậy”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 81:

        Khi trong nhà có đám cưới, sinh nhật, con thi đỗ đại học, con làm linh mục, giám mục hay có một cuộc vui lớn nào đó thì gia đình dọn tiệc mời khách, mời khách tức là muốn khách cùng đến chia vui với cái vui của mình.

Có những người dọn tiệc mời khách mà không dám để khách ăn nhiều: thịt thì thái mỏng như lá mía, thức ăn thì hà tiện.v.v.. nhưng lại mong khách đến cho đông giống như đang buôn bán; lại có người khi mời khách thì không dám đem những thức ăn ngon đãi khách, cứ viện cớ là nhậu nhẹt thì cần gì phải thức ăn ngon !

        Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đến tham dự bàn tiệc thánh, và mong muốn chúng ta được phúc trường sinh khi ăn và uống Mình và Máu thánh của Ngài, Ngài không hạn chế ân sủng cho những ai mong mỏi được tham dự thánh lễ và rước lễ, bởi đó chính là tình yêu cao quý nhất của Ngài dành cho những kẻ tin vào Ngài được hưởng khi đang còn ở trần gian này.

        Mời khách là để họ chia sẻ niềm vui với mình, do đó cần phải quảng đại, vui vẻ và tôn trọng khách của mình, dù họ là dân nhậu chuyên nghiệp hay khách ruột của mình, bởi vì hiếu khách  cũng chính là một đức hạnh vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


80.          ĐỂ KHÔNG RÃ ĐÁM

Hàng xóm mời Tô Đông Pha uống rượu.

Trên bàn có một dĩa chim sẻ rán đỏ, tất cả là bốn con. Có một vị khách ăn liên tục ba con rồi mới mời Tô Đông Pha nếm thử một con.

Tô Đông Pha nói:

-         “Thôi thì ngài ăn luôn đi, để mấy con sẻ vàng đó khỏi rã đám.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 80:

        Khi ăn cơm, người ta có thể biết được tâm hồn và cá tính của người ăn, bởi vì khi ăn cơm thì con người bộc lộ ra mình có tính “động vật” nhiều nhất, cho nên cần phải để ý cách ăn uống cho ra người văn minh lịch sự, và hơn thế nữa, cho ra một con người được giáo dục nhân bản đàng hoàng hơn người khác, nhất là các linh mục và tu sĩ.

        Khi ăn cơm, người Ki-tô hữu cũng có thể thực hành hy sinh, yêu người và vui tươi.

        Hy sinh là ăn ít những món ăn mà mình thích để cho những người cùng bàn cũng thích ăn những món ấy có thể ăn, khi chúng ta làm như thế là đã thực hiện đức yêu người và không những đem lại niềm vui cho chính mình mà còn cho người cùng bàn, hơn là cắm đầu ăn một mạch mà không để ý những khách đồng bàn.

        Có một vài người, trong đó có cả linh mục và tu sĩ, khi ăn cơm thì húp canh kêu rồn rột khiến người đồng bàn khó chịu, hoặc khi nhai thức ăn thì chép chép cái miệng phát ra âm thanh lớn rất là khiếm nhã, làm người đồng bàn cảm thấy ăn không ngon và mất vui, lại còn dính thức ăn trên môi miệng mà không để ý, cứ nói cười oang oang có khi cơm canh đang nhai bay vào người đối diện...

        Ăn uống cũng là một đức hạnh nói lên nhân cách và trình độ tu đức của mình, do đó mà người ta có thể biết nhân cách của mình có “rã đám” hay không trong khi mình ăn uống và vui chơi vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


79.          LỪA DỐI ĐÚNG CÁCH

Chu Cổ Dân nói đùa rất giỏi.

Một hôm, anh ta ngồi chơi trong phòng đọc sách của Thang Sinh, Thang Sinh nói:

-         “Anh lâu nay là người có trí mưu, nhiều phương pháp, bây giờ tôi ngồi trong phòng này, anh có thể lừa tôi đi ra khỏi phòng được không ?”

Chu Cổ Dân liền nói:

-         “Ngoài cửa gió lạnh buốt, nhất định là anh không dám đi ra ngoài, nếu như anh ra đứng ngoài cửa, thì tôi có thể lấy cái ấm áp dễ chịu ở trong phòng để lừa anh, thì anh sẽ nghe lời của tôi.

Thang Sinh đi ra ngoài cửa, đứng ở đó và nói:

-         “Anh nghĩ như thế rất đẹp ! Coi, anh làm thế nào để lừa tôi đi vào trong phòng ?”

Chu Cổ Dân vỗ tay cười lớn nói:

-         “Ha ha, tôi đã lừa được anh đi ra ngoài cửa rồi đó !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 79:

        Người tham mà muốn trộm đồ của người khác thì trước sau gì cũng trộm được, bởi vì họ đã quyết tâm ăn trộm; người nói đùa nổi tiếng lại thêm có cơ trí nữa thì trước sau gì cũng lừa được người, cho nên đừng dại mà đùa với lửa, trước sau gì cũng bị cháy.

        Ma quỷ là sư phụ của các sư phụ lừa dối, người Ki-tô hữu đều biết điều ấy, vì thánh Gioan tông đồ đã thức tỉnh chúng ta trước sự lừa dối của ma quỷ và phe cánh nó là những phản ki-tô: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian”.

Vậy mà cũng có nhiều Ki-tô hữu tin theo những lời lừa dối ấy để bỏ đi đức tin chân chính của mình đã lãnh nhận từ nơi Đức Chúa Giê-su, họ tin và làm theo lời những ngôn sứ giả -là những người nói Lời Chúa nhưng không sống Lời Chúa.

Có ba điểm sau đây đễ nhận ra ngôn sứ giả trong thời đại này:

1.      Họ giải thích thánh kinh theo ý họ để chống đối Giáo Hội.

2.      Họ chống đối và phỉ báng các giám mục và linh mục của Hội Thánh mà Đức Chúa Giê-su đã lập.

3.      Họ luôn tìm cách gây chia rẻ trong cộng đoàn.

Ma quỷ là kẻ lừa dối, cho nên những kẻ lừa dối là thần khí của tên phản ki-tô, họ nói thánh kinh rất giỏi và dùng thánh kinh để chống Giáo Hội; họ tìm những khuyết điểm của các giám mục và linh mục để công kích, phỉ báng, ác ý, chứ không góp ý; họ tìm cách để giáo dân này chia rẻ với giáo dân kia, chia rẻ cộng đoàn với chủ chăn.v.v...

        Ai có Thần Khí của Đức Chúa Giê-su thì hãy nghe, nhìn và cảnh tỉnh...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


78.          HUYỆN THỪA MÍT ĐẶC

Huyện thừa huyện Trường Châu là Mã Tín, một hôm ngồi thuyền đi thăm cấp trên.

Cấp trên hỏi:

-         “Thuyền đậu ở đâu ?”

Mã Tín đáp:

-         “Thuyền ở trên sông.

Cấp trên xem ông ta đáp không đúng câu hỏi, giận dữ chửi ông ta:

-         “Mít đặc !”

Mã Tín tức thời đáp:

-         “Mít đặc cũng ở trên sông.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 78 :

        Hỏi “thuyền đậu ở đâu ?”, đáp “thuyền ở trên sông” thì sai cả dặm nên giận dữ chửi là mít đặc thì cũng đúng thôi. Nhưng dùng chữ “mít đặc” để chửi cấp dưới thì thật là không đúng. đây là cái giận của kẻ hách dịch kiêu ngạo, của người thích lên giọng kẻ cả với mọi người.

        Mít đặc là hai chữ dành cho những người có đầu óc u mê, tức là không thông minh sáng dạ.

        Có những người học rộng biết nhiều nhưng có những lúc đầu óc cũng mít đặc như thằng ngu, đó là khi họ kiêu ngạo trợn mắt trợn mũi chửi anh em là đồ ngu; có những ông quan lớn trở thành mít đặc khi thích nghe lời nịnh bợ hơn là nghe lời góp ý thẳng thắn của cấp dưới, họ trở thành mít đặc khi tâm hồn họ đầy ắp những kiêu căng và đầu óc họ dày đặc những thỏa mãn...

        Đầu óc tư lợi thỏa mãn ở đâu thì cái ngu mít đặc cũng ở đó như hình với bóng, vì Đức Chúa Giê-su đã nói: Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”, mà kho tàng lớn nhất của con người không phải là cái tôi tham lam, cái tôi ích kỷ, cái tôi thỏa mãn và kiêu căng sao ?

        Khi người ta chửi mình là đồ mít đặc thì đừng buồn, nhưng hãy buồn khi chính mình nhận ra mình là mít đặc mà vẫn cứ kiêu ngạo với tha nhân.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


77.          THỊ LANG KHÔNG RÂU

Giữa năm Chính Thống triều Minh có một quan thị lang tên là Vương Cố.

Mặc dù Vương Cố đẹp trai nhưng lại không có râu dài, phẩm hạnh cũng quá kém, lại thích nịnh hót thái giám Vương Chấn và bái ông ta làm cha nuôi.

Một hôm Vương Chấn hỏi hắn ta:

-         “Thị lang, tại sao râu của mày không dài hử ?”

Vương Cố rợn người đáp:

-         “Cha, cha không có râu, con trai là con làm sao dám có râu dài chứ !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 77:

        Người nịnh hót là người thường có cái miệng dẻo như kẹo kéo, lời nói ngọt như đường và ứng biến mau lẹ, gọi là trí trá, dù họ là người thông minh đẹp trai; mình có râu ngắn với người khác không có râu thì có liên quan gì chứ, đó chẳng qua là vì người nịnh hót nói ngọt như đường dẻo như kẹo, và người được nịnh hót có cái đầu...thái giám mà thôi.

        Vương Chấn không có râu là vì ông ta làm thái giám, mà thái giám là những người tâm sinh lý không bình thường; vì nịnh mà Vương Cố đem mình đồng hóa mình như thái giám, đó là một cái nhục...

        Ki-tô hữu là người có Đức Chúa Giê-su trong mình, là người được chọn làm dân riêng của Thiên Chúa, cho nên không thể đồng hóa cuộc sống đầy thánh sủng của mình với những người sống trong tội vì tham lam lợi lộc vật chất của cải, nhưng phải luôn sống can đảm dù mình nghèo khó, bởi vì có Đức Chúa Giê-su là của cải vô giá đang ở trong tâm hồn của mình.

        Người Ki-tô hữu có râu hay không có râu thì chẳng sao cả, nhưng sống phóng đãng như người chưa hề biết Thiên Chúa là ai thì là chuyện phải xét lại, bởi vì đó là một gương mù nguy hiểm vô cùng...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)