Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Chúa nhật 15 thường niên


CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 13, 1-23
“Người gieo giống ra đi gieo giống”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe…”[1]

Cuộc sống của con người, không gì hạnh phúc cho bằng được đi đây đi đó để nhìn những kỳ tích, những danh lam thắng cảnh của năm châu bốn bể, cũng tương tự như vậy, người không bị điếc thì nghe được những bài hát, nghe được những lời nói yêu thương của người thân, của bạn bè…

Người Ki-tô hữu là người có phúc vì được thấy những điều mà người khác không thấy, đó là thấy được Đức Chúa Giê-su đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, thấy Đức Chúa Giê-su đang đồng hành với mình trong cuộc sống làm người, thấy Đức Chúa Giê-su đang chia sẻ với mình những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống đời thường, và còn thấy rất nhiều những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa làm cho con người. Tất cả những cái thấy ấy, được thấy bằng con mắt xác thịt và xác tín bằng con mắt đức tin mà Thiên Chúa –vì tình yêu- đã ban cho những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su là Con Một của Ngài và là Đấng cứu độ của loài người...

Người Ki-tô hữu là người có phúc vì họ được nghe những lời hằng sống nói ra từ miệng Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su trong các sách Tin Mừng, họ nghe được lời của Thiên Chúa trong mọi biến cố xảy ra cho họ cũng như cho thế giới chung quanh họ.

-      Lời Chúa thì thầm trong tâm hồn khi họ vui hoặc khi họ buồn thì họ nghe được để chia sẻ niềm vui này với mọi người.
-      Lời Chúa rên siết nơi người đau khổ, họ cũng nghe được, để chia sẻ đau khổ với họ.
-      Lời Chúa vang vọng trong thánh lễ họ cũng nghe được, để ca ngợi, cảm tạ và xin ơn.
-      Lời Chúa đang mời gọi mọi người hãy sống bác ái với nhau và phục vụ nhau thì họ cũng nghe được, bởi vì họ chính là những môn đệ của Chúa.
-      Lời Chúa kêu mời họ hy sinh vác thập giá để theo Ngài, họ đều nghe được, do đó mà họ cảm thấy vui vẻ khi được thông phần đau khổ với Đức Chúa Giê-su.

Người Ki-tô hữu luôn nghe được Lời Hằng Sống mà những người khác không thể nghe được, đó là một hạnh phúc lớn lao và là một điều vinh dự cho chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Ai cũng có hai con mắt để nhìn và hai lổ tai để nghe, nhưng không phải ai cũng thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, không phải ai cũng nghe được Lời của Thiên Chúa nói với họ. Chúng ta là những Ki-tô hữu vì thế chúng ta là những người có phúc nhất, vì chúng ta thấy được Đức Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, và chúng ta vui sướng nghe được lời của Ngài dạy dỗ chúng ta mỗi ngày, qua bài Tin Mừng và qua cuộc sống vui buồn nơi mỗi biến cố xảy ra.

Nhưng, thấy mà không tin và không cảm nhận được điều mà Thiên Chúa đã làm cho mình thì là vô phúc; nghe mà không thực hành, không sống cho đúng lời dạy của Ngài thì là một đại họa...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 13, 16.

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Thơ cười nhạo Đông gia


THƠ CỪƠI NHẠO ĐÔNG GIA
Bao tú tài ở Thái Nguyên dạy học tại một nhà phú ông họ Đông.
Đông gia rất hà tiện, mùa đông đến ông ta tặng cho người thân một con chó nhỏ làm quà, và người thân này cũng rất hà tiện, qua mấy ngày sau liền đem con chó nhỏ đã nấu chín làm quà tặng lại.
Đông gia mời Bao tú tài nhập tiệc nhậu thịt chó, và ra lệnh cho anh ta lấy việc ấy làm một bài thơ. Bao tú tài ngâm lớn:
-         “Chó nhỏ đi chó nhỏ lại đến, hai nhà thân thuộc không cùng đi; hệt như tiểu sinh đi khoa cử, tú tài đi tú tài lại đến”.
(Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Thời nay người ta đua đòi theo kiểu văn minh của nước ngoài, đó là thích nuôi chó làm kiểng, ra đường thích ôm một con chó nhỏ với bộ lông được sơn phết xanh đỏ, lại còn vuốt ve hôn hít hơn cả hôn con của mình !
     Thời nay người ta đua nhau tặng quà trong những dịp sinh nhật của nhau, món quà càng giá trị thì cái sĩ diện của người tặng cũng như người nhận càng lớn, họ coi đó là chuẩn mực của sự giao tế hằng ngày, nhưng rất ít người đem quà giá trị tặng cho người hành khất bên vệ đường.
     Đức Chúa Giê-su là người nghèo đói đang ngửa tay xin cơm ăn bên lề đường; Đức Chúa Giê-su là người bị khinh chê tủi nhục nơi các ổ điếm; Đức Chúa Giê-su là người đang chạy trốn bom đạn bởi những người thích quyền lực và đấu tranh; Đức Chúa Giê-su đang âm thầm khóc tủi thân nơi những người lao động nước ngoài, và Đức Chúa Giê-su là anh chị sinh viên nghèo ham học nơi ký túc xá đang làm bồi bàn trong các nhà hàng để kiếm tiền đóng học phí mà không đủ...
     Tặng cho nhau những lời khách sao trong ngày sinh nhật của mình hay của bạn bè đâu có ích lợi gì cho nhau, bởi vì chính chúng ta quá quen thuộc với những lời trống rỗng ấy, Thiên Chúa đều biết rất rõ những điều ấy hơn cả chúng ta.

Hãy trao tặng nhau quả tim nhân ái và khoan dung trong những “mốt” đời thường, để được lại nhiều quả tim nhân ái khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Cây thông thẳng tắp


CÂY THÔNG THẲNG TẮP
Ở Hồ Bắc, một ngày của mùa đông nọ tuyết rơi rất lớn, có quan huyện nọ cùng các quan huyện khác hội lại uống rượu ngâm thơ thưởng thức tuyết rơi.
Quốc sư Dương Tuân Thông vì ly loạn mà ẩn danh chu du khắp nơi, nản chí nản lòng, và cũng may là không có ai nhận ra ông ta.
Gặp lúc các quan huyện ngâm thơ ngắm tuyết, thì cũng ghé vào ngồi xuống, sau khi quý khách ngâm thơ xong, cuối cùng thì đến phiên của Tuân Thông, ông ta cao giọng ngâm:
-         “To tay to miếng bay ngập trời, thẳng tắp cây thông bị oằn xuống; cười khẩy loại này vật hoa lá, khó mà hòa được mấy thời gian”.
(Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Mùa đông các loại cây đều rụng hết lá chỉ còn cành vì không chịu được khí trời lạnh và tuyết rơi, nhưng chỉ có cây thông là vẫn trơ trơ chịu lạnh, lại còn xanh tươi, tuyết rơi trên nó rất là đẹp và nó trở thành niềm vui của các trẻ em trong ngày lễ Noel.
     Cây thông, nó cũng là biểu tượng bất khuất của những người anh hùng thà chết chứ không chịu lòn cúi nịnh bợ, thà chết chứ không thà bỏ đức tin của mình như các vị tử đạo của chúng ta. Mỗi một Ki-tô hữu là một cây thông thẳng tắp giữa rừng cây xã hội loài người, mà đến cả những người anh hùng cũng có khi phải cúi lưng chịu khuất phục trước tiền tài, danh vọng và sắc dục.
Không ai có thể đứng thẳng tắp như cây thông trước sóng gió cuộc đời nếu không có ơn Chúa trợ giúp; cây thông thì không biết đầu hàng trước cám dỗ, nó thà bị gãy ngang chứ không chịu oằn người xuống, người Ki-tô hữu thà chịu ngục tù, chịu roi vọt, chịu mất tất cả chứ không chịu đánh mất đức tin của mình.
“Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa là cây thông vĩ đại không khuất phục trước những lần cám dỗ trong hoang địa, Chúa là cây thông vĩ đại không khuất phục trước những mưu mô hại người của bè phái Pha-ri-siêu và các kinh sư, và cuối cùng Chúa đã chết trên thập giá, nếu nói theo kiểu trần gian, thì Chúa đã chịu chết vì không chịu khuất phục các tư tế đền thờ của đạo Do thái, và như thế đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng con.

Xin Chúa ban cho chhúng con trong cuộc sống biết trở thành những cây thông thẳng tắp trước những bon chen trần thế, trước những mưu toan bắt hại của người đời, để chúng con trở nên gương mẫu cho các anh em chị em của chúng con. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Năm đức của bệnh ghẻ


NĂM ĐỨC CỦA BỆNH GHẺ

Trần Đại Khanh mắc bệnh ghẻ, cấp trên chế giễu anh ta.
Trần Đại Khanh nói:
-         “Ngài không nên nhạo báng tôi. Loại bệnh này có năm đức tốt tôi có thể kể ra cho ngài nghe: không hại đến trên mặt, đó là nhân; thích truyền nhiễm cho người khác, đó là nghĩa; nó dạy người ta xoa tay gãi tung lên, đó là lễ; sống ở trong khe của ngón tay, đó là trí; đúng giờ thì ngứa ngáy, đó là tín !”
Cấp trên cười ha ha.
                                       (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Người cơ trí thì trong hoàn cảnh nào cũng có thể ứng biến để: một là làm giảm bớt đi tình hình căng thẳng, hai là để khoá chặt lời châm biếm của người khác mà không làm cho họ phải rát mặt.
     Sống trong một hoàn cảnh xã hội mà niềm tin vào Thiên Chúa của người Ki-tô hữu luôn bị thế lực của thế gian đe doạ, bắt bớ và tiêu diệt, thì người giáo dân càng cầu xin cho mình được ơn khôn ngoan nhiều hơn để đối phó, để làm giảm bớt đi tình hình đen tối cho niềm tin của mình.
     Chỉ một bệnh ghẻ thôi mà Đại Khanh đã nhìn ra và gán cho con ghẻ những đức tính của con người thì quả là cơ trí, cũng vậy, người Ki-tô hữu sống trong hoàn cảnh nào cũng có thể nhìn thấy Lời Chúa như là ngọn đèn soi sáng để sống cho phù hợp với hoàn cảnh thực tại:
-    Trong sự giàu sang phú quý, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa đang cho phép chúng ta thay mặt Ngài để giúp đỡ những người nghèo khó.
-    Trong cảnh nghèo đói, chúng ta nhìn thấy mình được diễm phúc chia sẽ thân phận nghèo hèn với Đức Chúa Giê-su nơi hang lừa máng cỏ.
-    Trong cảnh bị bắt bớ, chúng ta cảm nhận được niềm khổ đau với các thánh tử đạo cha ông của chúng ta, và chia sẽ niềm vui được chịu hi sinh vì đạo Chúa.
-    Trong những khó khăn của cuộc sống hiện tại, chúng ta cậy trông vào ân sủng của Đức Chúa Thánh Thần để “ngước mặt nhìn đời” với niềm tin, yêu và hy vọng vào Đấng đã vì yêu mà hiến dâng mạng sống cứu chuộc chúng ta là Đức Chúa Ki-tô.

Người Ki-tô hữu khôn ngoan là người biết nhìn thấy Lời Chúa và thánh ý của Ngài qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để như hoa hướng dương họ luôn ngước trông về Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường họ đi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Hai nam tương phối


HAI NAM TƯƠNG PHỐI
Huyện Thư có miếu Đỗ Xả Di (Đỗ Phủ đã phụ trách Xả Di), người đời sau truyền lại gọi là “Đổ thập thê” bèn nặn đất sét làm tượng một người phụ nữ đặt trong miếu.
Những người hay bày vẽ chuyện ở trong thành đều nghĩ rằng “tướng công Ngũ Toát Tu” cô đơn không có người phối ngẫu, bèn đem “Đỗ thập thê” qua để kết thành phu phụ.
Thật ra “Ngũ Toát Tu” cũng là “Ngũ Tử Tư”  chỉ đọc sai mà thôi.
                                                (Quy Điền lục)

Suy tư :
     Các trẻ em vừa mới được rước lễ lần đầu cãi nhau về các thiên thần là ai: có em thì nói không phải là thiên thần mà là thiên sứ, có em thì nói không phải là thiên sứ mà là thiên thần, còn có em thì nói không phải là thiên sứ cũng không phải là thiên thần, mà là sứ thần. Nhưng thật ra, thiên sứ, thiên thần hay sứ thần cũng là thiên thần của Thiên Chúa mà thôi.
     Trong đời sống tín ngưỡng, có những lúc chúng ta cũng như các trẻ em không phân biệt được đâu là cái đem lại sự sống đời đời, đâu là cái khiến chúng ta phải chết đời đời, chúng ta gộp hai cái làm một, lẫn lộn với nhau rồi tuyên bố: đạo đời kết hợp.
Đúng là phải đạo đời kết hợp, nhưng kết hợp như thế nào khi có người Ki-tô hữu nói rằng, lễ lạc (thánh lễ) là do Giáo Hội bày vẽ ra chứ Chúa Giê-su không hề làm như thế trong Phúc Âm, cho nên ngày chủ nhật và các ngày lễ trọng khác cứ đi làm việc kiếm tiền, không cần đi tham dự thánh lễ, chỉ cần tấm lòng là Chúa nhậm lời (!); hoặc có người còn nói rằng, đi xưng tội là chuyện do Giáo Hội bày ra, Chúa cần tấm lòng thống hối ăn năn, cho nên chỉ cần thống hối là được Chúa tha tội, cần chi phải vào toà giải tội thú tội với mấy ông linh mục cũng tội lỗi như ai vậy (!?).vân vân và vân vân...
     Thật tội nghiệp cho chúng ta, khi chúng ta gộp trí khôn hèn kém của mình với tình yêu vô cùng thượng trí của Thiên Chúa làm một, chúng ta đem cái ích kỷ nhỏ nhen của mình gộp lại với sự quảng đại to lớn của Thiên Chúa làm một. Đạo đời kết hợp để chúng ta nên thánh là khi chúng ta cố gắng quyết tâm xây dựng một xã hội đời nầy tốt đẹp theo ý của Thiên Chúa, chứ không phải đạo đời kết hợp để rồi chúng ta đem cái lý luận quá ư là con người của chúng ta để phản bác những điều mà Giáo Hội Công Giáo –Mẹ của chúng ta- dạy bảo để con cái được sự sống đời đời.

     Đừng gộp việc đạo và việc đời làm một, bởi vì của Xê-da thì trả cho Xê-da, của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa, nhưng cần phải phân biệt rõ ràng đâu là việc của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.