Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

Chúa nhật 4 thường niên

 


CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Lc 4, 21-30
“Như các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, Đức Giê-su không phải chỉ được sai đến với dân Do Thái mà thôi.”

Bạn thân mến,
Khi bạn có người thân từ ngoại quốc về thì láng giềng hàng xóm có hai thái độ: một là vui vẻ tiếp đón như người làng thuở xưa, hai là thờ ơ lạnh nhạt và có khi khinh bỉ, vì biết rõ lý lịch của người ấy trước đây không ra gì khi còn ở trong làng xóm mình. Đức Chúa Giê-su cũng lâm vào hoàn cảnh như thế khi Ngài trở về quê hương...
Đức Chúa Giê-su không phải là đứa con đi hoang trở về, Ngài cũng không phải là người tội lỗi hối cải ăn năn trở về, nhưng Ngài là một thành viên trong làng xóm về thăm quê nhà sau những năm tháng đi xa, cuộc trở về của Ngài đáng lẽ phải là một niềm vui cho làng xóm mới phải, nhưng vì thành kiến, vì kiêu ngạo và vì mặc cảm mà người làng đã từ chối tình cảm chân thành của Ngài dành cho họ, và như thế là họ khước từ luôn cả ơn cứu độ mà Ngài đem đến cho họ.
Chắc chắn những người khước từ Đức Chúa Giê-su không phải vì ghét Ngài hay thù oán với Ngài hoặc gia đình của Ngài, nhưng là vì lòng ghen ghét đã làm cho mắt họ mờ đi không nhận ra được tình cảm thân thương mà Đức Chúa Giê-su đã dành cho họ, và như thế họ trở nên người xa lạ với Đấng đã đến không phải để luận phạt, nhưng là để cứu chữa...
Thái độ vui vẻ đón tiếp là nói lên tính cách của một con người lịch sự và hiểu biết, những người này chính là những con người yêu chuộng và thích kiến tạo hoà bình: hoà bình trong tâm hồn của chính họ, hòa bình trong làng xóm, trong cộng đoàn của họ, bởi vì phúc cho những ai có tâm hồn hoà bình, vì họ là những người được gọi là con của Thiên Chúa.
Thái độ từ chối là bày tỏ một tâm hồn ghen ghét và kiêu ngạo, bởi vì chỉ có những ai có tâm hồn ghen ghét và kiêu ngạo mới đành lòng khước từ một tình cảm chân thành, và một sự thật quá rõ ràng khi mà hết mọi người đều ca tụng và thán phục.
Bạn thân mến,
Tâm hồn của bạn và tôi là đền thờ của Thiên Chúa, và nói được là quyền sở hữu của Ngài, thế nhưng khi Ngài đến thì chúng ta từ chối đón tiếp Ngài, chúng ta cười nhạo Ngài là “Thiên Chúa xa vời thực tế” không giúp ích gì được cho mình khi mà cuộc sống mình cứ lao đao lận đận; bạn và tôi cũng đã nhiều lần khước từ “những Giê-su con bác thợ mộc” nghèo nàn đến xin chúng ta giúp đỡ vì gia đình họ đang gặp khó khăn...
Khi chúng ta thành tâm yêu mến rước Đức Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong tâm hồn của mình, thì chúng ta cũng nên thành tâm giang tay đón nhận mọi anh chị em -bất kể họ là ai, nghèo hay giàu- khi họ cần đến chúng ta, đó chính là tiếp đón Đức Chúa Giê-su vậy.

Gợi ý :
1. Tâm trạng của anh chị em thế nào khi bị người ta từ chối chê bai giữa đám đông ?
2. “Tiếp đón tha nhân” là một niềm vui, anh chị em có vui không khi tiếp đón một người nghèo bệnh hoạn.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


98.          KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ CHUYỆN NHỎ

Trong thôn có một gia đình giàu có làm lễ đính hôn, một hàng người mang giỏ trúc để đầy sính lễ vàng bạc, đi ngang qua cổng nhà của Vu Công.

Vợ chồng Vu Công đứng coi, nói:

-         “Chúng ta thử đếm đồ sính lễ này có bao nhiêu ?”

Vợ nói:

-      “Tôi coi có khoảng hai trăm lượng bạc”.

Vu Công nói:

-      “Tôi coi thì năm trăm lượng”.

Vợ nói không có như thế, nhưng Vu Công nói nhất định là có, tranh cãi với nhau hồi lâu thì cùng nhau ẩu đả loạn lên.

Vợ nói:

-              “Tôi đánh không lại ông, thôi thì ba trăm lượng vậy”.

Vu Công miệng vẫn còn chửi, hàng xóm đến khuyên can, Vu Công đổi sắc mặt nói:

-         “Còn hai trăm lượng không rõ ràng minh bạch, lẽ nào đó là chuyện nhỏ sao ?”

(Vu Tiên biệt ký)

 

Suy tư 98:

        Chuyện của hàng xóm mà vợ chồng lại ẩu đả nhau thì đúng là...vô duyên lắm chuyện.

        Có những người vô công rỗi việc cứ chăm chăm nhìn hàng xóm coi có chuyện gì không để bình luận, đặt điều và phê bình, mà thường là nói xấu chứ không nói tốt cho hàng xóm, bởi vì người lười biếng làm việc thì là người luôn có tâm địa không mấy tốt đẹp, vì họ không để tâm vào việc làm để suy tư sáng tạo...

        Hai trăm lượng, năm trăm lượng hay nhiều hơn nữa thì cũng là của người hàng xóm chứ không phải của mình, tranh cải làm gì, nếu cứ lo làm việc nhà, chuyên tâm săn sóc con cái dạy bảo chúng nên người thì làm gì có chuyện đứng coi nhà hàng xóm trong lễ đính hôn có bao nhiêu tiền sính lễ !

        Hạnh phúc gia đình không từ ngoài vào nhưng là từ trong nhà mà có, nhưng phá hoại hạnh phúc gia đình thì từ ngoài vào chứ không phải trong nhà, ít người biết được như thế nên họ thường đem chuyện bên ngoài về trong nhà để tranh cãi và làm phá vỡ hạnh phúc gia đình đang êm ấm của mình...

Ai hiểu được thì hiểu.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


97.          VU CÔNG COI BẢNG

Anh của Vu Công đi thi, khi gần treo bảng thì kêu em là Vu Công đến coi bảng, vừa nhìn thấy anh mình đậu tiến sĩ, Vu Công bèn đứng nhìn chăm chăm tên anh mình trên bảng không chớp mắt, trời đã tối mà cũng chưa rời khỏi đó.

Người anh sai người đi tìm khắp nơi mới tìm thấy Vu Công đang đứng dưới tấm bảng nhìn xem rất là bực mình, bèn kêu to:

-         “Tại sao không đi, cứ đứng nơi đây có gì là hay chứ ?”

Vu Công trả lời:

-         “Ái dà, mày không biết đó thôi, trên thế gian này người trùng họ trùng tên rất là nhiều, ta mà đi khỏi đây, nếu có người đến mạo nhận tên của anh ta thì làm sao đây ?”

(Vu Tiên biệt ký)

 

Suy tư 97:

        Bảng vàng ghi nhầm tên thì có, chứ không ai tự mạo tên trên bảng vàng để đi lãnh áo mũ cân đai, chỉ có những người điên mới làm như thế. Được ghi tên trên bảng vàng là một vinh dự, hãnh diện và hạnh phúc của người học trò, vì sự chăm chỉ học hành đã được đền bù xứng đáng.

        Tên trên bảng vàng rồi cũng sẽ bị bỏ vào tủ hồ sơ khóa lại; đổ đạt làm quan rồi cũng có ngày phải về hưu; quán quân vô địch rồi cũng sẽ có ngày của người khác chứ không ai vĩnh viễn vô địch, đó là một thực tế...đau lòng mà chỉ có người trong cuộc mới biết.

        Hy vọng và mong ước lớn nhất của người Ki-tô hữu là được ghi tên trên thiên đàng –bảng vàng muôn đời- không bị về hưu, không sợ mối mọt, không sợ người khác dành mất. Và người Ki-tô hữu còn hiểu rằng, muốn ghi tên mình trên trời thì phải chấp nhận một điều kiện, đó là từ bỏ: từ bỏ bảng vàng thế gian, từ bỏ thú vui thế gian, từ bỏ quyền uy thế gian, từ bỏ những gì làm cho họ bị trói chân ở trần gian này không tiến lên trời được...

        Từ bỏ là được lại, đó là bí quyết sống nên thánh của các thánh là những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, và cũng là gương sáng cho chúng ta là những người Ki-tô hữu hôm nay vậy .


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 96.          HÔM QUA KHÔNG TIỄN KHÁCH

Vu Công có làm tiệc thết đãi khách uống rượu tới lúc sảng khoái, vô tình gục đầu trên bàn kỷ mà ngủ, đến khi tỉnh dậy thì tưởng là đã ngủ qua một đêm, mở mắt ra nói với khách:

-      “Hôm nay chưa mời ngài, tại sao ngài lại tới ?”

Khách trả lời:

-         “Chỉ trách ông hôm qua ngài không tiễn khách về !”

(Vu Tiên biệt ký)

 

Suy tư 96:

        Khi làm tiệc thết đãi khách, thì chủ nhà không nên uống rượu say, nhưng cần phải tỉnh táo để tiếp khách và giữ bàn tiệc cho khỏi lộn xộn bát nháo vì khách say xỉn, đó là sự khôn ngoan của chủ nhà.

        Khách sẽ rất vui khi chủ nhà cùng chén tạc chén thù với họ, và địa vị chủ và khách càng nổi bật lên trong cung cách tiếp khách của mình, nhưng họ cũng không mấy hứng thú khi chủ nhà say mèm không biết trời đất gì cả, họ sẽ coi thường và đánh giá tư cách của mình, bởi vì khi chủ nhân say thì không còn tôn ti trật tự trong bữa tiệc nữa, và những khách được mời có địa vị trong xã hội sẽ nghĩ rằng chủ nhân không tôn trọng mình...

        Mời khách thì cứ để khách thoải mái ăn uống, nhưng mình thì không được thoải mái say xỉn như khách, bởi vì trong cách mời và tiếp đãi khách cũng nói lên được tư cách phục vụ của mình.

        Vu công vì uống say mà ngủ khi tỉnh dậy thì cứ ngở là hôm ngày hôm nay nên trách khách, người khách cũng tế nhị không trách chủ nhà nhưng hóm hỉnh đáp trả là yêu mến chủ nhà và là bạn của mình vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


95.          SAO LẠI ĐÀO ĐẤT

Có một nhà giàu có, người nhà đào phía sau vườn một cái ao, gánh đất đổ trên bờ ao giống như một ngọn núi nhỏ, dần dần cỏ dại mọc cao lên rậm rạp.

Một hôm, Vu Công đến bên ao du lãm, kéo vạt áo trước lên, vén cỏ để đi qua ngọn núi nhỏ, trong lòng rất bực mình vì những loại cỏ tạp, bèn nói với chủ nhân:

-         “Hồi đó ông đào cái ao này, sao lại bới đất lên ? Nếu ông không đào, thì các loại cỏ này không phải mọc phía dưới nước hay sao ?”

(Vu Tiên biệt ký)

 

Suy tư 95:

        Có những người khi làm ăn thuận lợi thì đi đâu cũng nói lời cám ơn Thiên Chúa đã ban cho họ làm ăn phát đạt, nhưng khi làm ăn thua lỗ thì lại oán trách Thiên Chúa đã không thương yêu họ, những người này chỉ biết nhận những cái tốt và cái có lợi cho mình, mà không muốn đón nhận những thử thách của Thiên Chúa, họ sẽ dễ dàng chối bỏ đức tin của mình khi cơn gian nan đến...

        Có những người khi bình thường quan hệ bà con bạn bè láng giềng tốt thì cái gì cũng tốt, cái quá khứ không đẹp cũng là tốt, nhưng khi có chuyện xích mích với nhau, thì ngay cả chuyện chôn giấu mấy đời dưới đất không ai nhớ đến cũng đào lên mà chỉ trích, mà bêu xấu, những người này thường có tâm hồn ích kỷ và thích làm bộ tịch bên ngoài, họ thích được người khác khen mình hơn là bị nói ra những khuyết điểm của mình...

        Có những cái đào lên thì rất tốt, như khi chúng ta xét mình “đào” lên những khuyết điểm, những tội lỗi của mình để thống hối ăn năn, để quyết tâm làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân; có những cái không nên đào lên, như những chuyện quá khứ không mấy tốt đẹp của người khác thì nên quên luôn, vì quá khứ giông như nấm mồ đào lên thì nực mùi ô uê, mà chỉ nên nhớ và khuyến khích những việc làm tốt của họ, đó là việc làm bác ái hiệu quả nhất và phù hợp với Tin Mừng vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


94.          VU CÔNG NÉM CỜ

Vu Công đi ngang qua hàng thịt, thấy trên tấm thớt để thái thịt có vẽ cái bàn cờ, có tên làm thuê bị bệnh ghẻ đang cầm con cờ suy nghĩ bên bàn cờ đã bày sẵn, Vu Công bèn đi đến bên quầy ngồi yên, cùng đánh cờ với người làm thuê, kết qủa là thua to, ông ta trong bụng rất giận, cầm quân cờ vứt xuống đất và muốn đập bể bàn cờ.

Người làm thuê nói:

-         “Đây là bàn cờ của chủ tiệm, không can gì đến ông, sao lại muốn đập bể ?”

Vu Công nói:

-         “Là như thế này: dù quân cờ hư, cờ có thua, thì không can gì đến tôi cả”.

Người làm công cười, nhặt quân cờ lên và tiếp tục đánh cờ với Vu Công.

(Vu Tiên biệt ký)

 

Suy tư 94:

        Có những người chơi cờ thua thì tức tối đập bể bàn cờ, đây là những người có tính khí nóng nảy và kiêu ngạo; có những người chơi cờ thua thì tức khí cải nhau với đối thủ và không chịu thua, đây là những người có tính cố chấp; có những người chơi cờ thua thì cười ha ha, đây là những người có tính thật thà cởi mở dễ thân thiện...

        Chơi cờ dù thắng hay thua mà vẫn cứ vui vẻ khiêm tốn là đặc tính của người Ki-tô hữu, bởi vì họ biết rằng chơi cờ chỉ là giải trí và làm cho tình cảm bạn bè thêm khắng khít, chứ không phải gây thêm thù hận vì một ván cờ vô vị, hơn nữa họ cũng biết rằng thời giờ giải trí là thời gian quý báu mà Thiên Chúa đã ban cho họ sau những giờ phút làm việc căng thẳng...

        Biết lợi dụng thời giờ giải trí để làm sáng danh Thiên Chúa, tức là biết làm cho đời sống tâm linh của mình phong phú thêm, đây là sự khôn ngoan của người khôn ngoan.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện


 

93.          NHẤT ĐỊNH LÀ HÒA

Trần Hiếu Khiêm thích chơi cờ vây.

Nghệ thuật chơi cờ của Vu công thì không hay, nhưng cũng miễn cưỡng đi vài ván cờ, do đó mới có thể thường đối dịch với Hiếu Khiêm.

Mỗi lần đánh cờ, Trần Hiếu Khiêm lúc nào cũng chấp Vu công bốn con, có một lần hai người đối địch, Vu công vừa mới thua bốn con bèn buồn phiền nói:

-         “Nếu vừa rồi ông không tha cho tôi bốn con, thì nhất định là hòa rồi !”

(Vu Tiên biệt ký)

 

Suy tư 93:

        Đánh cờ để giải trí thì không có gì là phải buồn phiền nếu bị thua, bởi vì khi giải trí thì đừng bận tâm điều gì cả, nếu nói đánh cờ để giải trí, để thư giản căng thẳng mà lại buồn phiền vì thua cờ, thì không phải là giải trí nữa, mà là ăn thua đủ với nhau, càng mệt thêm...

        Có những người thích đánh cờ tướng, có người thích chơi cờ vây, có người thì chơi cờ cá ngựa, có người ghiện cờ domino.v.v...những cái thích cái nghiện cái mê đánh cờ này thì không phải là tội, bởi vì chỉ để giải trí mà thôi, nhưng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi ham mê chơi cờ đến nổi quên mất vai trò và bổn phận của mình thì đúng là đáng tội, làm cho tinh thần trách nhiệm của mình bị lơi lỏng trong những lần giải trí, thế là ma quỷ được có cơ hội lôi kéo thêm đồng minh để chống lại Thiên Chúa.

        Người đánh cờ cao thì thường chấp đối phương đi trước một nước cờ, hoặc chấp vài con cờ là chuyện thường.

        Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu giống như một cuộc chời cờ giữa linh hồn họ và thế lực của ma quỷ, trong bàn cờ này nhất định là không có chuyện chấp hay nhường nhịn nhau hoặc là hòa, nhưng phải mạnh để chiến thắng ma quỷ và những cám dỗ rất tài tình của nó, cho nên không có chuyện “nghỉ ngơi vài ngày” rồi tiếp tục chiến đấu, nhưng phải liên tục không ngừng, sự liên tục không ngừng này phải trở thành cái đam mê của mình: đam mê cầu nguyện, đam mê đi dâng thánh lễ, đam mê làm việc lành phúc đức.

Có như thế thì chiến thắng mới nghiêng hẳn về chúng ta –những người Ki-tô hữu...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)