Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Chúa nhật 25 thường niên

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN
 
 

Tin mừng : Lc 16, 10-13

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa , vừa làm tôi tiền của được”.

Bạn thân mến,
Sống ở đời cần phải có sự trung tín, trung tín trong việc nhỏ cũng như trung tín trong việc lớn, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế, và chỉ có như thế chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân Tin Mừng cho Nước Trời tại trần gian này.

Trung tín trong việc nhỏ là những việc mà bạn và tôi cho là tầm thường, quá tầm thường là khác, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đến quét nhà thờ một lần, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đi thăm một bệnh nhân mà đoàn thể đã ủy thác, việc tầm thường ấy là nhặt một miểng chai nằm giữa đường đi có thể gây thương tích cho người khác, việc tầm thường ấy là soạn bài giảng cho thánh lễ trẻ em mà chúng ta cho là không cần thiết.v.v…và còn nhiều việc rất tầm thường khác trong cuộc sống của bạn và tôi.

Trung tín trong những việc tầm thường hoặc việc nhỏ, là bày tỏ một ý chí quyết tâm cao của người Ki-tô hữu, có quyết tâm thì mới có thể trung tín, việc nhỏ quyết tâm làm thì việc lớn chắc chắn sẽ quyết tâm nhiều hơn nữa.

Trung tín trong việc lớn là trung tín trong những việc nhỏ, đó là lời khuyên đầy tính giáo dục và đạo đức của Đức Chúa Giê-su, bởi vì người chỉ biết trung tín với những việc lớn mà thôi thì sự trung tín ấy sẽ không được dài lâu, vì sự trung tín ấy của họ là trung tín của lợi nhuận, của ích kỷ và của tham lam.

Bạn  thân mến,
Từ việc trung tín trong công việc hàng ngày, Đức Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta đến sự trung tín phải có trong việc thờ phượng Thiên Chúa, đó là trung tín với đức tin và tín ngưỡng của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Có những người Ki-tô hữu chỉ trung tín với Đức Chúa Giê-su khi gia đình khá giả, khi cuộc sống phong lưu, nhưng đến khi gặp những chuyện đau buồn ngoài ý muốn thì không còn trung tín với Thiên Chúa nữa, họ oán trách Thiên Chúa, họ lơ là đi nhà thờ, và cuối cùng thì nghe theo lời bạn bè đi chùa miếu cúng vái những hình tượng mà đã có một thời họ cho là dị đoan nhảm nhí ma quỷ. Cho nên, lòng trung tín của bạn và tôi với Thiên Chúa cần phải giống như ông Gióp trong Cựu ước khi bị bà vợ cám dỗ ông bất trung với Thiên Chúa, ông nói: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?"[1].

Sự bất trung của bạn và tôi đối với Thiên Chúa ở ngay trong con người của mình đó là khi chúng ta kiêu ngạo; ở ngay trong nhà và bên cạnh chúng ta, đó chính là vợ con, cha mẹ và bạn bè xúi giục chúng ta bỏ Chúa khi nhìn thấy những khó khăn mà chúng ta phải chịu, mà chính bà vợ và bạn bè của ông Gióp là những người đại diện, bởi vì khi lòng trung tín không được đặt trên nền tảng của đức tin và lòng yêu mến thì sẽ trở thành bất trung.

Không ai làm tôi hai chủ, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta có hai quả tim, mà người có hai qủa tim là quá bất bình thường, cũng vậy, người Ki-tô hữu không thể vừa làm con cái của Thiên Chúa vừa làm con cái của ma quỷ, vì như thế chúng ta không thể trở nên chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su, đó chính là chúng ta đi hàng hai vừa thỏa hiệp với ma quỷ để hưởng thụ vật chất ở đời này, vừa khấn vái cầu xin Thiên Chúa ban ơn khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1]G 2, 10a.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Khư khư bảo thủ

KHƯ KHƯ BẢO THỦ
 
 

     Có một người nước Tề đến nước Triệu học đánh đàn, đợi khi thầy giáo đàn xong một khúc nhạc, liền lập tức lấy keo dán dính cần đàn với âm điệu, anh ta cho rằng làm như thế thì mới học được thủ thuật kỹ xảo của thầy giáo.

     Anh ta rất thỏa mãn trở về nhà nói với những người trong gia đình:

-“Các người có thể thưởng thức được những khúc nhạc hay tuyệt”, nói xong liền cầm đàn gảy, nhưng gảy không thành nhạc điệu gì cả.

     Về nhà đã ba năm nhưng trước sau vẫn chưa có thể đàn được một khúc nhạc, người ấy bèn trách thầy giáo người nước Triệu.
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Có người nói: Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội bảo thủ và luôn đi sau thời đại.

     “Bảo ” là giữ , giữ gìn, gìn giữ...

     “Thủ ” là giữ, trông coi...

     Vậy, “bảo thủ” có nghĩa là giữ gìn, là gìn giữ những cái tốt đẹp của truyền thống.

     Giáo Hội không bảo thủ, nhưng Giáo Hội trân trọng gìn giữ và bảo vệ truyền thống đức tin, luân lý của Giáo Hội; Giáo Hội không đi sau thời đại, nhưng Giáo hội luôn nhìn xem triệu chứng, điềm báo của thời đại để điều chỉnh, hướng dẫn thời đại đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Thời đại là con thuyền, Giáo Hội là bánh lái, bánh lái thì luôn ở trước hoặc ở sau con thuyền để lèo lái con thuyền chạy cho đúng hướng mà Đức Chúa Thánh Thần đã chỉ, như vậy, không thể nói Giáo Hội là bảo thủ hay cấp tiến, nhưng Giáo Hội chính là một cộng đoàn yêu thương được Đức Chúa Giê-su sáng lập để đem yêu thương, công bằng, sự thật và bác ái đến cho thế giới qua mọi thời đại cho tới khi Đức Chúa Giê-su lại đến.

Giáo Hội luôn lên tiếng để bảo vệ công bằng xã hội, mà xã hội vẫn “bảo thủ” sống không công bằng, bốc lột kẻ khác; Giáo Hội luôn lên tiếng kêu gọi hòa bình, nhưng nhân loại vẫn “bảo thủ” sống hiềm khích gây nên chiến tranh, giết hại lẫn nhau; Giáo Hội luôn kêu gọi mọi người đề cao giá trị đạo đức, nhưng con người vẫn đua đòi theo chủ nghĩa hưởng thụ và suy đồi.v.v...

     Vậy thì Giáo Hội bảo thủ hay thời đại bảo thủ ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Người ngu bỏ vợ

NGƯỜI NGU BỎ VỢ
 
 

     Ở đồng bằng có một gia đình, cưới một cô gái ở Bột Hải về làm vợ cho con, người vợ này có tài có đức và có dung mạo, người ta nói là trong trăm có một.

     Sau khi cưới tình cảm vợ chồng rất thắm thiết, năm thứ hai thì sinh được một đứa con mập mạp, ông chồng rất phấn khởi liền đem vợ con đi về thăm mẹ vợ, mẹ vợ rất vui mừng bận cái này bịu cái nọ.

     Nhưng sau khi thăm mẹ vợ về thì ông chồng lại ly dị vợ, bà vợ hỏi lý do duyên cớ tại sao, ông chồng trả lời:

-“Về thăm mẹ cô lần này, nhìn thấy mẹ già của cô mặt đầy những vết nhăn, tôi sợ sau này khi cô già rồi thì cũng có những vết nhăn như thế, cho nên tôi phải ly dị cô”.
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Người ta thường ví con gái với hoa: đẹp như hoa, thơm như hoa và cũng mau tàn như hoa, cũng đúng thôi; và càng nên tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã rất có lý khi tạo dựng nên đàn bà, mà ai đó đem đàn bà sánh với hoa thì cũng khá thông minh.

     Chúng ta thử nghĩ xem: nếu đàn bà con gái mà không nhu mì dể thương như hoa, từ cử điệu cho đến lời nói đều cứng như khúc gỗ “căm xe” thì có ma nào mà ưa; nếu đàn bà con gái cứ đẹp hoài không xấu, trẻ mãi không già, thì chắc chắn thế gian này sẽ tận thế sớm vì chiến tranh giữa các người đẹp với nhau ! Thật hú hồn.

     Các nữ tu là những bông hoa đẹp trong vườn bông nhà Chúa, họ đẹp không phải vì họ tô son điểm phấn, cũng chẳng phải là họ đi thẩm mĩ viện giải phẫu mắt mũi, mà là vì họ sống đơn sơ, yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy. Các cô gái thử bắt chước các nữ tu xem sao, bảo đảm rằng, khi các cô yêu mến và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống, thì các cô sẽ đẹp ra, khối chàng mê mẫn, bởi vì các cô đã được “giải phẫu” tâm hồn trở thành mới mẻ trước con mắt của mọi người, bởi vì Lời Chúa như lưỡi dao sắc bén, giải phẫu từng lời nói từng hành vi cử chỉ của các cô, làm cho các cô không những trở thành hoa đẹp trong vườn hoa nhà Chúa, mà còn trở thành những bông hoa biết nói Lời Chúa cho mọi người.

     Cứ thử xem rồi sẽ thấy.

     Các cô không phải làm bà xơ, dì phước đâu mà sợ, cứ vui vẻ tô điểm đời mình bằng Lời Chúa như: khiêm tốn trong hành vi, nhã nhặn trong lời nói, đức hạnh trong việc làm, thì không những được mọi người yêu mến, mà ngay cả Thiên Chúa, Ngài cũng rất yêu nữa là đằng khác !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Giẫm lên ghế cắn mũi

GIẨM LÊN GHẾ CẮN MŨI
 
     Giáp và Ất cùng cải lộn, Giáp cắn mất tiêu cái mũi của Ất, Ất liền đi tố cáo với quan huyện, quan huyện muốn trừng trị Giáp, Giáp lại nói là Ất cắn mũi mình.

     Quan huyện hỏi:

-“Cái mũi của con người thì nằm ở trên, cái miệng thì ở dưới, vậy thì miệng làm sao có thể cắn mũi được chứ ?”

     Giáp nói:

-“Nó đứng trên ghế cao, quá đủ để cắn !”
(Tiếu lâm)

Suy tư:

Có một bà mẹ nói với tôi: “Con tui nó lớn rồi, nó khôn thì sống, nó dại thì chết, nó làm nó chịu, không mắc mớ gì đến tui cả”.

Bởi suy nghĩ như thế nên có những đứa con coi cha mẹ như đám bạn giang hồ, không lễ phép, không hiếu thảo, không vâng lời, và cuối cùng thì phạm pháp, ngồi tù; bởi có những suy nghĩ như thế nên có những bậc cha mẹ coi thường việc giáo dục con cái, khi con còn nhỏ thì nuông chiều quá mức, muốn gì được nấy, đến khi con trưởng thành thì không còn biết con sống ra sao, để nó tự do sinh hoạt, tốt xấu cũng mặc, cuối cùng thì con cũng vào nhà tù ở vì phạm pháp...

Cái mũi ở trên, cái miệng ở dưới thì không thể nào miệng cắn mũi được, nhưng miệng sẽ cắn được mũi, vì nó đứng trên ghế cao, đúng là câu trả lời rất tiếu lâm. Ghế cao chính là những sự nuông chiều của cha mẹ dành cho con cái; ghế cao chính là cha mẹ coi thường việc giáo dục con cái trong cách sống làm người Ki-tô hữu, và làm một người hữu ích cho xã hội...

Và cái ghế cao nhất để cho con cái hư mất chính là cha mẹ đã quên mất trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa: trách nhiệm dạy dỗ con cái theo tinh thần Phúc Âm.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Bên trọng bên khinh

BÊN TRỌNG BÊN KHINH
 
 

      Trong giáo xứ có hai giáo dân -một người giàu và một người nghèo- qua đời cách nhau vài ngày.

     Cha sở ưu tiên dành cho người nhà giàu, ngày nào cũng có thánh lễ tại gia, ngài đổi luôn cả giờ lễ bình thường của giáo xứ để làm lễ cầu hồn (không phải lễ an táng) cho người nhà giàu. Người nhà nghèo cũng chết cách người nhà giàu chỉ một hai ngày, thì ngài không đoái hoài, giáo dân cảm thấy bức xúc bèn nhắc khéo ngài đi làm lễ cho người nhà nghèo, ngài viện nhiều lý do để không đi, sau cùng có lẽ lương tâm cắn rức nên ngài cũng đi dâng một thánh lễ.

Giáo dân nói với nhau: cầu xin Chúa đừng cho mình chết kề cận ngày với người nhà giàu.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.