Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô

 


CHÚA NHẬT

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ

Tin mừng: Ga 6, 51-58.
“Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống”.

Bạn thân mến,
Nếu có một ai đó tuyên bố: ai ăn thịt của tôi thì được sống đời đời, chắc chắn bạn sẽ nói họ là những người điên, và rồi bỏ đi. Đức Chúa Giê-su cũng đã bị nhiều người Do Thái bỏ đi, khi Ngài tuyên bố: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống”, trong số những người bỏ đi ấy cũng có những người là môn đệ của Ngài.
Có lúc nào bạn nói với người yêu bạn: em đẹp và dễ thương quá, yêu em quá, thương em quá muốn ăn muốn cắn em cho đỡ nhớ đỡ thương; hoặc có lúc nào bạn thấy người ta nựng em bé không, họ hôn họ cắn, họ nhéo em bé, đó chính là yêu thương đó bạn ạ. Tình yêu luôn mong muốn được trao ban và đón nhận, luôn mong muốn được hòa tan với người mình yêu, đó chính là tình yêu tận hiến, và Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi Ngài lấy chính máu thịt của mình làm của ăn của uống để nuôi linh hồn chúng ta, để chúng ta được sự sống đời đời.
Khi tuyên bố: “thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống”, thì Đức Chúa Giê-su thật sự đã trở thành tâm điểm cho mọi chống đối của thế gian, bởi vì không một hy sinh nào mà không phải trả giá đắt, không một tình yêu nào mà không có hy sinh.
Bạn thân mến,
Mỗi lần tham dự thánh lễ là bạn và tôi đều cảm nghiệm được tình yêu mà Đức Chúa Giê-su đã dành cho Giáo Hội, cho thế gian qua bí tích Thánh Thể nhiệm mầu, đó chính là bí tích yêu thương, hy sinh và nuôi dưỡng. Chính qua bí tích này mà Đức Chúa Giê-su luôn ở với Giáo Hội và nhân loại cho đến ngày tận thế.
- Vì bí tích Thánh Thể là bí tích yêu thương, nên bạn và tôi cũng tập tành bắt chước yêu thương tha nhân, như Đức Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta.
- Vì bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của hy sinh, nên bạn và tôi cũng cố gắng học tập hy sinh cho tha nhân, như Đức Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống vì chúng ta.
- Vì bí tích Thánh Thể là bí tích nuôi dưỡng, nên bạn và tôi cũng tập tành chia sẻ vật chất lẫn tinh thần với tha nhân, như Đức Chúa Giê-su đã lấy thịt máu của mình để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
- Và vì bí tích Thánh Thể là bởi tấm bánh tinh tuyền và rượu nho thanh khiết tạo thành, cho nên bạn và tôi cũng sẽ luôn cố gắng trở thành tấm bánh cho anh chị em và tha nhân hưởng dùng...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4.     ĐI THẲNG ĐI NGANG

        Có một tên tội phạm được sai đến nơi chỗ phục dịch, quan cai tù muốn làm tiền hắn ta, bèn cố ý để hắn ta đi phía trước, tên quan mắng nó:

-          “Đi như thế thì tao là tuỳ tùng của mày à ?”

        Sau đó thì kêu tên tội phạm đi sau để bảo vệ ông ta, tên tội phạm tuân lệnh đi phía sau, tên quan cai tù lại mắng:

-          “Đi như thế thì tao mở đường cho mày à ?”

        Tên tội phạm không biết làm thế nào cho phải bèn quỳ xuống khẩn cầu:

-          “Con phải đi như thế nào mới đúng ?”

        Tên quan cai tù nó:

-          “Nếu mỗi tháng mày đưa cho tao một vài nén bạc, thì tuỳ mày đi thẳng hay đi ngang gì cũng được !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 4 :

        Đi thẳng hay đi ngang, đi trước hay đi sau đều không quan trọng khi hai người đi đường cùng tâm đầu ý hợp, và càng không quan trọng hơn khi hai người cùng biết tôn trọng nhau.

        Có người đi thẳng một mạch suôn sẻ làm linh mục, có người phải đi ngang khó khăn với nhiều chua cay mới làm linh mục ; có người đi thẳng một lèo đậu cái cử nhân và có người phải đi ngang mới được cái bằng đại học, hai loại đi ngang và đi thẳng này đều là do công sức trau dồi ý chí mà ra, đáng khen.

        Người quen biết thì đi thẳng một lèo đến để gặp cấp trên để xin xỏ, để hối lộ cho cấp trên ; người không quen biết thì phải đi tắt đi ngang qua nhiều “cửa” rồi mới gặp được thượng cấp, cho nên cũng tốn quá nhiều công sức tiền bạc, hai loại đi thẳng và đi ngang này đều không chính đáng...

        Người Kitô hữu có sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, cho nên họ biết phải lúc nào “đi thẳng” và lúc nào “đi ngang” : họ “đi thẳng” khi làm chứng nhân cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài, nghĩa là họ công khai tuân giữ Lời Chúa và tham dự thánh lễ cùng các bí tích ; họ “đi ngang” khi họ phục vụ tha nhân, nghĩa là họ âm thầm phục vụ mọi người mà không khoe khoang hay khua chiêng đánh trống rầm rộ...

        Đi thẳng hay đi ngang cũng đều vào được thiên đàng, có điều là cái “đi thẳng” và “đi ngang” của chúng ta có chính đáng hay không mà thôi. 


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


3.     HUYỆN PHỦ XUỐNG HUYỆN

        Huyện phủ đi xuống huyện để thị sát, tối lại vào trú trong viện của cái chùa ở trong núi, nhìn thấy một thư sinh đang tập trung học bài, bèn ra một câu đối cho thư sinh:

-          “Đạo xa vẫn sáng tỏ”

        Thư sinh đối lại:

-          “Huyện phủ đi xuống làng”.

        Huyện phủ nói:

-          “Câu đối trên của ta cả năm chữ đều là “tránh người”, mày đối không đúng”.

        Thư sinh nói:

-          “Thế nào là không đúng, “huyện phủ đi xuống làng”, không biết có phải là quá “quấy rối” dân chúng không ?

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 3 :

        Thượng cấp đi thị sát trong vùng mình trách nhiệm là chuyện thường, đó là một thượng cấp biết trách nhiệm với bổn phận của mình.

        Có những thượng cấp khi đi thị sát thì sách nhiễu dân chúng và thuộc cấp, họ là những người chỉ biết quyền lợi của mình; có những thượng cấp khi đi thị sát thì hống hách với mọi người, họ là những người kiêu ngạo coi ai không ra gì; có những thượng cấp khi đi thị sát thị có tiền hô hậu ủng, họ muốn khoa trương cái quyền uy và vinh dự của mình cho mọi người sợ; có những thượng cấp khi đi thị sát thì âm thầm tiếp xúc với người dân để biết tình hình của dân chúng, đó là những thượng cấp biết lo cho dân...

        Thời nay, Hội Thánh không còn ngồi chờ người ta đến với mình nữa, nhưng Hội Thánh chủ động đi đến với con người với tư cách là đàn chiên duy nhất của Chúa Giê-su, để làm chứng cho Tin Mừng mà Hội Thánh đang kế thừa từ nơi Đức Ki-tô –Đấng đã đi ra khỏi chính mình- để đến với nhân loại tội lỗi...

        Nếu các cha sở hi sinh một vài giờ cá nhân để đi đến thăm nom con chiên (giáo dân) trong đàn chiên (giáo xứ) của mình, thì đến nay đàn chiên của ngài sẽ có nhiều khuôn mặt mới; nếu mỗi giáo dân biết đi ra khỏi chính mình (thoát ra khỏi cái giữ đạo hình thức) để đi đến với người láng giềng bên cạnh không phải là Ki-tô hữu, thì đến nay sẽ có thêm người biết Chúa qua cuộc sống đạo đức lành thánh của họ.

        Đi thị sát là đi xem xét tình hình, nhưng đi truyền giáo là đi chia sẻ vui buồn với tha nhân để nói cho họ biết rằng: chúng ta có một Cha trên trời luôn quan tâm và yêu thương chúng ta...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


2.     CHỖ KỲ DIỆU KHÓ HỌC

        Có một người nói với con trai:

-          “Mỗi lời nói và hành động của con, đều phải làm theo lời thầy dạy đã dạy cho con.”

Đứa con tỏ vẻ nghe lời.

        Một hôm, cùng ăn cơm với thầy giáo, thầy giáo ăn như thế nào thì nó cũng ăn như thế; thầy giáo uống như thế nào thì nó cũng uống như thế; thầy giáo chuyển mình nó cũng chuyển mình..

        Thầy giáo nhìn thấy học trò bắt chước thì cười thầm trong miệng và hách xì một cái, học trò cũng muốn hách xì nhưng làm cách nào cũng không thể hách xì được. Hết cách, bèn cúi đầu thật sâu trước mặt thầy giáo, hổ thẹn ray rứt nói : 

-      “Chỗ kỳ diệu của thầy, thực là khó học quá !”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 2 :

        Mục đích đời sống thánh hiến của người tu sĩ là nên trọn lành, và vị thầy mà họ phải bắt chước, trước hết chính là Chúa Ki-tô và tiếp đến là Đức Trinh Nữ Maria và các thánh nam nữ, đây là điều mà tất cả mọi người đều biết.

        “Mỗi lời nói và hành động của con đều phải làm đúng theo lời thầy con đã dạy cho con”, mà thầy Giê-su đã dạy như thế nào, Ngài dạy chúng ta phải kính mến Thiên Chúa và yêu người như chính mình; Ngài dạy chúng ta phải sống khiêm tốn, biết phục vụ tha nhân và phục vụ đến quên mình...

        Nhưng thời nay cũng có một vài tu sĩ muốn mình ngồi chổ nhất trong nhà thờ, muốn mình được mọi người biết đến, muốn mọi người phải tôn trọng mình như chức phận mình đã có, muốn mọi người phải phục vụ mình vì mình đã phục vụ họ.v.v...

        Công lao hi sinh to lớn của các tu sĩ nam nữ sẽ không bị quên lãng khi họ đã làm theo những gì mà Chúa Giê-su đã dạy, nhưng nó sẽ bị quên lãng và mất đi khi họ muốn được người khác ca tụng và nhớ ơn họ.

        Cái vĩ đại nhất của người tu sĩ chính là họ đã quên đi chính mình, để bắt chước ngôn hành của Chúa Giê-su: người thầy vĩ đại của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


1.     BÊN RAU TRỒNG TIỀN

        Có một ông lão trồng cà nhưng trồng mãi mà cà vẫn cứ bị chết héo, vì thế ông ta thường khổ não về chuyện này, thế là ông lão đi tìm một lão nông giỏi trồng rau để thỉnh giáo.

        Lão nông nói:

-          “Mỗi bên cây cà mới mọc thì chôn một đồng tiền, thì nó sẽ sống không bị chết héo”.

        Ông già kinh ngạc hỏi tại sao như vậy, lão nông trồng rau nói một câu mà hai nghĩa:

-          “Ông không nghe nói: có tiền thì sống, không tiền thì chết hay sao ?!”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 1 :

        “Có tiền thì sống không tiền thì chết” là phản ảnh của một xã hội mà kim tiền ngự trị trong tất cả mọi sinh hoạt của con người: không tiền thì con cái không được học hành, không tiền thì khi bệnh hoạn không thể đi bác sĩ, không tiền thì sẽ không có gì ăn uống, ngay cả một cọng rau cũng không có tiền mà mua nên sẽ bị chết đói...

        Người không có tiền chết đói đã đành, nhưng những người có tiền bị chết đói mới là chuyện đáng nói; họ có tiền nhưng họ không mua được lương thực trường sinh là Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, bởi vì họ đem tiền đốt vào trong những cuộc ăn chơi trụy lạc; họ có tiền nhưng họ vẫn bị chết đói, vì họ dùng tiền bạc để bồi dưỡng thân xác mà không lo bồi dưỡng linh hồn mình...

        Người có tiền của thì khó vào thiên đàng, nhưng nếu ta dùng tiền của để làm những điều công chính như giúp đỡ người nghèo khó, chia sẻ với người mồ côi.v.v... thì chắc chắn là cũng vào được thiên đàng vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


101. CHẠY SÁU CHÂN

Có một sai dịch đi bộ rất nhanh, thượng cấp có công văn khẩn cấp sợ anh ta đi chậm mà hỏng việc, bèn cấp phát cho anh ta một con ngựa.

Sai dịch cấp tốc lên đưỡng với con ngựa.

Có người hỏi anh ta:

-         “Đây là công việc khẩn cấp, tại sao anh không cưỡi ngựa ?”

Trả lời:

-         “Chạy sáu chân không nhanh hơn bốn chân hay sao !?”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 101:

        Chạy sáu chân chưa chắc nhanh bằng chạy bốn chân.

        Con ngựa chạy nhanh mà con người thì chạy chậm, lấy cái chậm điều khiển cái nhanh thì chắc chắn là chạy chậm...

        Tong cuộc sống có cái nên nhanh và cái nên châm.

        Cái nên nhanh của người Ki-tô hữu là bênh vực anh em chị em, là mau mắn phục vụ, là mau lẹ hòa giải...

        Cái nên nhanh của các tu sĩ nam nữ là nhanh cứu giúp mọi người, là nhanh nhẹn phục vụ tha nhân...

        Cái nên nhanh của các cha sở là: khi nghe tin giáo dân hấp hối thì nhanh đến ban các bì tích cho họ, nhanh khi có giáo dân muốn xưng tội, nhanh khi có bệnh nhân hay người già lão muốn rước Mình Thánh Chúa, những cái nhanh này sẽ làm cho họ đạo của các ngài mau phát triễn và tinh thần của giáo dân lên cao.

        Cái nên chậm của tất cả mọi Ki-tô hữu là chậm phê bình anh chị em, chậm nóng giận, chậm la mắng, chậm phát cáu...

        Cái nên nhanh mà làm chậm thì sẽ chậm, cái nên chậm mà làm nhanhlà hư hoại và bất cập, cho nên người Ki-tô hữu khi đã thấu đạt tình Chúa tình người rồi, thì sẽ luôn cầu nguyện xin Chúa soi sáng trước khi làm việc để khỏi phải hối hận vì cái nhanh và cái chậm của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


100. THAY ĐỔI ĐỐI LẬP

Nhà nọ có hai bố con tính khí rất quật cường và tự hào là chưa bao giờ biết nhường ai.

Một hôm, ông bố bày tiệc thiết đãi khách bèn sai con trai đi vào trong thành mua thịt, đứa con mua thị trở về, nhưng khi sắp ra khỏi cổng thành thì gặp một từ người phía trước đi lại. Hai người không ai nhường ai, thế là mũi đối mũi mặt đối mặt đứng sững ở đó và đứng rất lâu.

Ông bố đợi không được bèn đi tìm con trai, vừa nhìn thấy tình huống như thế thì nói với con trai:

-         “Tạm thời con đem thịt về trước tiếp khách dùng cơm, để bố đứng đây đối đầu với nó !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 100:

        Quật cường bất khuất đó chính là anh hùng, đức tính này mỗi người cần phải có.

        Nhưng quật cường bất khuất thì không có nghĩa là không biết nhường nhịn ai, bởi vì quật cường bất khuất thì cũng cúi đầu trước lẽ phải và sự công bằng.

        Có người vì tỏ ra mình không biết nhường nhịn ai nên thường hay la quát cãi lý với mọi người, cho nên họ trở thành kẻ cô đơn và bị người ta xa lánh; có người cũng thường hay tỏ tính quật cường bất khuất với bạn bè thân hữu của mình khi cứ khư khư bảo vệ lấy cái cá nhân ích kỷ và cái thiếu kinh nghiệm của mình, nên họ luôn bất mãn và trở thành người chống đối mọi người...

        Trong cộng đoàn tính bất khuất xin nhường lại cho sự khiêm tốn, bởi vì tất cả đều là anh em chị em với nhau, bất khuất để làm gì khi không có đức ái ?

        Trong cộng đoàn tính khí quật cường xin nhường lại cho tính nhu thuận, bởi vì “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ xin đừng đá nhau”...

        Nên bất khuất như các thánh tử đạo vì các ngài bảo vệ cho đức tin của mình; nên quật cường như thánh Augustinô vì ngài cương quyết từ bỏ những cám dỗ của tội lỗi trong quá khứ, và cuối cùng quật cường bất khuất như Đức Chúa Giê-su bị cám dỗ nơi hoang địa, không nghe theo ma quỷ và đã chiến thắng chúng nó.

        Còn chúng ta quật cường bất khuất làm gì với bề trên, với anh em chị em trong cộng đoàn của mình chứ, bởi vì chỉ những người vì tư lợi và chỉ vì ích kỷ cá nhân mới làm như thế mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)