Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

Chúa nhật 3 phục sinh

 


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH


Tin Mừng : Lc 24, 35-48
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”

Anh chị em thân mến,
Lời đầu tiên hôm nay của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng cũng chính là “bình an cho các con”, như thế để cho chúng ta hiểu ra rằng: bình an chính là hạnh phúc mà con người mãi mê tìm kiếm, nhưng tìm mãi tìm hoài mà cũng không tìm thấy bình an đích thực, chỉ là những bình an giả tạo mà thôi. Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em một thực tại sống động mà chúng ta -những người Ki-tô hữu- đang thực hiện, đó chính là mỗi người trở nên chứng nhân về việc Chúa đã chết và đã sống lại qua ngôn hành của chúng ta trong cuộc sống.

1. Anh em có gì ăn không ?
Ma quỷ thì không có thân xác nên không thể ăn được, chỉ những ai còn sống mới biết đói biết khát, chỉ những ai đói mới đòi ăn và khát mới đòi uống, nhưng Đức Chúa Giê-su thì không phải vì đói vì khát mà xin ăn, nhưng chính là để chứng minh cho các môn đệ của Ngài biết rằng Ngài đã sống lại.
Đức Chúa Giê-su hỏi các môn đệ có gì ăn không, là để cho các tông đồ nhận ra Chúa chính là Thầy của mình đã từ cõi chết sống lại, đó cũng là một đòi hỏi của Tin Mừng: cho kẻ đói ăn.
Có rất nhiều người chung quanh chúng ta đang ngửa tay hỏi chúng ta: các anh các chị có gì ăn không ? Họ xin ăn không phải để nói rằng họ đã từ cõi chết sống lại, nhưng là để cho chúng ta nhận ra Đức Chúa Ki-tô phục sinh đang ở trong người của họ, để chúng ta nhận ra chính Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, chung quanh chúng ta, nơi những người đói khát, nghèo khó...
Các tông đồ đã mau mắn đem bánh lại cho Chúa ăn, các ngài vui mừng quá đổi vì Chúa đã sống lại.
Khi chúng ta mau mắn đưa cơm bánh cho người nghèo là chúng ta vui mừng vì được phục vụ Chúa Phục Sinh nơi người anh em chị em nghèo khó, đó chính là niềm vui phục sinh, là cách làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Chúa Giê-su vẫn ngày ngày đang sống lại nơi mỗi một người Ki-tô hữu.
Ai có đói mới thấy quý từng mảnh vụn cơm bánh, ai có khát mới thấy từng giọt nước là quý, ai có ngửa tay nói anh có gì ăn không thì mới thấy giá trị của sự sống là cao quý vô cùng, mới thấy rõ thật giá trị của cơm thừa canh cặn, mới thấy rõ sự nhục nhã của kiếp ăn xin nghèo đói. Do đó, chỉ cần một ánh mắt khinh bỉ, chỉ cần một lời nói bóng gió, chỉ cần một thái độ khinh khi là làm cho tâm hồn của họ thêm đau đớn...
Ai có cầm bánh đưa ra cho người nghèo đói ăn thì mới cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn, nó thanh thoát, nó toả lan đến những người chung quanh, bởi vì chính họ đã nếm được sự hạnh phúc của việc cho kẻ đói ăn tức là cho Đức Chúa Giê-su Phục Sinh ăn...

2. Anh em có gì ăn không ?
Đây không còn là một lời xin, đây cũng không còn là một lời đòi hỏi của người nghèo đói, nhưng là môt câu hỏi thân thiết quan tâm lẫn nhau giữa người với người, giữa anh em chị em với bè bạn.
Nếu mỗi ngày chúng ta gặp nhau mà hỏi: anh có gì ăn không, con cái anh có gì ăn không, để quan tâm và giúp đỡ, thì quả thật bình an của Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Một câu hỏi năm xưa của Đức Chúa Giê-su phục sinh đã làm cho các tông đồ vui sướng như thế nào, thì hôm nay, một câu hỏi như thế của chúng ta đối với người anh em chị em, thì cũng khiến cho họ rất sung sướng và hạnh phúc, vì họ được biết có người luôn quan tâm đến họ và gia đình họ.
Nếu chúng ta ai cũng biết bỏ đi cái ích kỷ nhỏ nhen trong tâm hồn để nói với người hàng xóm đang chật vật vì miếng cơm: anh chị hôm nay có gì ăn không ? thì chính họ đã nhận ra được tin mừng phục sinh nơi con người của chúng ta, bởi vì chỉ có những ai có một tâm hồn bình an, yêu thương, khiêm tốn mới có thể thật lòng quan tâm đến người khác cách vô vị lợi.
Đức Chúa Giê-su không khách sáo khi nhận bánh nơi các môn đệ của mình, Ngài ăn ngay trước mặt các ông, cũng vậy, có những lúc chúng ta không cần hỏi anh em có gì ăn không, nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động quan tâm giúp đỡ người anh em, đó chính là thái độ tích cực mà–có thể nói- chỉ có những Ki-tô hữu mới có thói quen tốt đẹp này...
Anh chị em thân mến,
Có lúc nào chúng ta hỏi người anh chị em nghèo đói bên cạnh nhà mình: anh chị em có cần gì không, tôi giúp đỡ ?
Có lúc nào chúng ta chủ động coi những người lân cận của mình hôm nay ai bị bệnh phải đi bệnh viện, ai già cả neo đơn, ai có con cái đông lo không xuể...?
Đó chính là chúng ta thay mặt Đức Chúa Giê-su Phục Sinh quan tâm đến anh chị em, đem bình an và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


55.      VÔ NHẦM BỘ HỘ

Sau khi Trần Sư Triệu mãn hạn làm quan thì đến bộ sứ ở kinh thành tiếp nhậm chức quan khảo (quan coi thi), nhưng lại đi nhầm vào bộ hộ.

Sư Triệu nhìn thấy có người cầm rất nhiều lượng bạc đưa cho quan viên bộ hộ, ông ta không biết rằng đó là bạc giao nộp thuế, nên nghĩ rằng đó là người ta hối lộ cho quan chấm thi để được thăng quan, nên kinh ngạc nói:

-      “Ban ngày ban mặt mà nhận hối lộ, lại còn phát triển công khai đến trình độ này nữa chứ, đáng buồn, đáng buồn thật!”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 55 :

        Khi việc hối lộ là một quốc nạn thì đi đâu người ta cũng thấy hai chữ hối lộ to bự chảng trước cửa quan, đó là một ấn tượng không tốt cho mọi người dân và cho những người làm quan có lương tâm chân chính.

        Linh mục là những người dạy người ta về đàng nhân đức, tức là dạy người ta phải tôn trọng thời giờ và tài sản của người khác, cho nên các ngài là những người luôn làm gương sáng cho mọi người trong vấn đề này...

        Nhưng thực tế thì có một vài mục tử bắt giáo dân tôn trọng thời giờ của mình mà mình thì lại không tôn trọng thời giờ của họ, khi mà có một vài nơi giáo dân bỏ cả công ăn việc làm để đến xin cha sở giải quyết một vài vấn đề về hôn phối, giải tội.v.v... thì ngài hối thúc họ lẹ lẹ lên vì mình còn việc phải làm khi mà giáo dân nói chưa hết lời. Nhưng khi ngài có việc gì đó như đi đâu xa, phòng ốc thiếu cái đinh móc, trước cửa nhà thiếu cái chậu kiểng, thì cho người đi kêu giáo dân đến làm mà bất biết là giáo dân đang bận việc ở nhà, kiếm gạo cho gia đình.v.v...

        Thời giờ là tài sản của mỗi một cá nhân cũng như tiền bạc vậy, nó cũng quý ngang hàng như nhau, cho nên khi nhờ giáo dân làm việc gì thì phải lấy sự công bằng mà đối đãi họ, bởi vì đó chính là việc truyền giáo thánh thiện rất có hiệu quả.

        Người khác có thể đi nhầm qua bộ này bộ nọ, đem việc công đi nhầm qua việc tư, nhưng các mục tử của giáo dân thì không thể nhầm lẫn được, bởi vì các ngài chính là những pháp quan trong tòa cáo giải vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


54.      MẶC NHẦM ÁO HỒNG BÀO

Quan văn Trần Sư Triệu thì không thích chuyện trang điểm, đầu bù tóc rối cũng lấy làm tự đắc kỳ thú.

Năm nọ, khi làm quan đến tứ phẩm thì vợ may cho ông ta cái áo trường bào màu đỏ, và dùng kim tuyến thêu một con sư tử rất uy vũ[1], Trần Sư Triệu cũng không nhìn cho rõ bèn cầm lên và mặc vào, lại còn nhờ người vẽ lại một bức chân dung.

Về sau, Lý Đông Dương nhìn thấy trên áo quan văn thêu con mãnh thú là không đúng, bèn cười giễu người vẽ bức họa nói:

-      “Nhìn đầu tóc không giống, nhìn áo càng không giống. Đây là Sư Triệu sao ? Có thể tin và có thể không tin, tóc bù xù, áo càng bù xù, đại khái tàm tạm vậy mà !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 54 :

        Người ta thường nói “cái ăn cái mặc” là để chỉ “cái ăn” thì quan trọng thứ nhất và “cái mặc” thì quan trọng thứ nhì trong cuộc sống, người ta cũng nói “ăn sung mặc sướng” cũng là ý đó.

        Người thế gian (người không đi tu) thì thích ăn sung mặc sướng, đó là chuyện bình thường; người tu trì thì tiết chế trong cách ăn mặc, đó là chuyện bình thường, cho nên cái không bình thường đáng lo ngại là khi người tu trì thích ăn sung mặc sướng như những người thế gian khác...

        Có một vài linh mục và tu sĩ nam nữ thích ăn sung mặc sướng hơn người thế gian, bởi vì có vị khi ăn cơm thì hết chê món này dở món kia ăn không ngon, và có khi trách luôn nhà bếp nấu ăn quá dở; có vị khi chuẩn bị đi đâu thì “trang điểm” lâu cả nửa tiếng đồng hồ làm người khác phải đợi đến bực mình, tất cả những điều ấy là không bình thường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời, vì các vị ấy sống hưởng thụ và coi việc ăn mặc là số một của đời tu trì.

        Ăn dở một chút cũng không sao nhưng sẽ tăng thêm vẽ đẹp cho tâm hồn tu sĩ, mặc không đẹp một chút cũng không sao nhưng nó làm tăng giá trị của người tu trì. Ai quá coi trọng đến vấn đề ăn uống thì không có đức ái trong tâm hồn, và ai quá chú trọng đến cách trang sức bên ngoài thì sẽ không có cái đẹp bên trong của tâm hồn, và nếu chúng ta –linh mục và tu sĩ- quá coi trọng vấn đề ăn mặc thì người ta sẽ cười nhạo và hỏi : “Đây là linh mục, đây là tu sĩ sao ?”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Thời cổ trên áo quan văn thì thêu phi cầm, trên áo quan võ thì thêu mảnh thú.

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


53.      SƯ TRIỆU MỜI RƯỢU

Trần Sư Triệu có tài văn chương nhưng rất hay quên mọi chuyện.

Một lần nọ, mời khách hai ngày nữa đến nhà ăn tiệc, nhưng mới qua một ngày thì đã quên mất tiêu.

Ngày thứ hai đã đến, nhưng ông ta lại đi đến nhà của khách được ông ta mời ăn cơm chơi bài song lục[1], sắp đến trưa, cũng không nói đến việc mời khách ăn cơm, người bạn chỉ có cách là mời ông ta cơm rượu.

Lúc đang ăn cơm, người nhà của Trần Sư Triệu đến hối thúc khách mau về dự tiệc, Sư Triệu vẫn cứ vùi đầu mà ăn, cũng không thèm nhìn ai, khi nghe nói đến mời chủ nhà thì nổi cáu nói:

-      “Ông mời chủ nhà đi mà không nhìn thấy tôi đây sao, nếu chủ nhà đi thì tôi phải làm sao đây ?”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 53 :

        Mời khách đến nhà ăn cơm nhưng lại quên mất, thì chỉ có những bậc vĩ nhân để hồn trên trời và để xác dưới đất mới như thế mà thôi, chứ người bình thường thì vạn lần mới có một trường hợp như thế.

        Nhưng trong cuộc sống đời thường thì có nhiều người hay quên như thế: có người hứa cầu nguyện cho bạn bè mới qua đời nhưng vì ham đi chơi nên quên mất; có người hứa sẽ vào bệnh viện thăm cha mình đang bệnh nặng nhưng vì “bận” uống rượu với bạn nhậu, nên quên mất cha mình đang mệt mỏi chờ con trong bệnh viện; lại có người mượn tiền mượn bạc của người khác nhưng “quên” không trả...

        Tất cả các loại quên trên đây thường đi đến một hậu quả là làm mất uy tín cá nhân của mình và làm cho mình dần dần trở nên người...nói dối, do đó người Ki-tô hữu nếu có tật hay quên thì rất khó mà làm việc tông đồ, bởi vì ít người tin vào lời nói của người hay quên.

Tai hại lắm lắm...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Một loại trò chơi.

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


52.      HAI DƯƠNG TƯƠNG NGỘ

Dương Văn Khanh ở Triết Giang làm bộ hình lang trung, còn Dương Văn Khanh ở Sơn Tây thì làm bộ hộ lang trung, cả hai người cùng làm lang trung ở kinh thành, lại vừa cùng tên cùng họ, cho nên rất dễ khiến người ta lầm lẩn.

Một hôm, Dương Văn Khanh ở Triết Giang mời Trần Sư Triệu dự tiệc, sau khi nhận thiệp mời, Sư Triệu bèn theo ngày viết trên thiệp mà đi dự, nhưng đi lầm đến nhà của Dương Văn Khanh ở Sơn Tây. Gặp lúc Văn Khanh ngủ, người nhà vào bẩm báo có Sư Triệu đến, Văn Khanh vội vàng đích thân ra mời vào ngồi hầu.

Ngồi rất lâu, cũng không thấy Văn Khanh có tình ý mời ăn tiệc, Sư Triệu liền nghĩ thầm: “Một bàn tiệc rượu đơn giản cũng được vậy, không nên lãng phí”. Văn Khanh nghe được thì có chút kinh ngạc, trong bụng nghĩ tại sao Sư Triệu nói mình đãi khách ? Giữa lúc nghi ngại nhưng cũng vẫn ra lệnh cho người nhà chuẩn bị tiệc rượu.

Nhưng qua một lúc sau, Dương Văn Khanh ở Triết Giang sai người truy tìm tung tích mà đến bẩm báo với Sư Triệu:

-      “Chủ nhân đã đợi rất lâu giờ, mời đại nhân đi mau”.

Sư Triệu tỉnh ngộ hỏi:

-      “Té ra là chủ nhân của ngươi mời ta, ta đi nhầm nhà rồi !”

Và cười lớn mà đi theo.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 52 :

        Lầm lẫn tên người này với người nọ là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, nhất là đối với những người đãng trí và tuổi tác cao.

        Trong đời sống thiêng liêng cũng có những lúc người Ki-tô hữu lầm lẫn chuyện đọc kinh và chuyện hy sinh là hai chuyện không ăn nhập gì với nhau, cho nên họ chỉ biết đọc kinh cho nhiều mà không có hy sinh, bởi vì hy sinh và cầu nguyện phải đi đôi với nhau; đọc kinh cầu nguyện mà không hy sinh thì giống như xác mà không có hồn, hy sinh mà không cầu nguyện thì giống như linh hồn không có thân xác, cho nên lời cầu nguyện chỉ có thế giá trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta kết hợp lời cầu nguyện và hy sinh là một...

Đức Chúa Giê-su đã hy sinh chết trên thập giá, và cũng trên thập giá Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Ngài, do đó mà chúng ta biết được hy sinh và cầu nguyện phải đi đôi với nhau trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu.

Nhầm lẫn vì tuổi tác cao, nhầm lẫn vì trùng tên họ là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, nhưng tách cầu nguyện và hy sinh ra làm hai là một nhầm lẫn rất lớn của người Ki-tô hữu, bởi vì cầu nguyện kèm với hy sinh là bảo bối để kéo ơn Thiên Chúa xuống trên chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 

 


51.      VẠN LÝ VỪA MỚI ĐẾN

Lúc người làm thơ nổi tiếng thời Nam Tống là Dương Vạn Lý làm giám tư[1] đi tuần sát đến một quận.

Thái thú quận ấy làm tiệc lấy lòng và sai ca kỹ đến hiện trường tiếp đãi, ca kỹ hát bài “chúc tân lang” để tiếp rượu, lúc hát đến chỗ “vạn lý vân buồm lúc nào đến” thì Vạn Lý xúc động thần kinh nhạy cảm, vội vàng đáp:

-      “Vạn Lý vừa mới đến !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 51 :

        Người có tâm hồn thơ nhạc thì dù làm bất cứ chức vụ gì cũng đều có thể yêu nhạc làm thơ trong lúc rỗi rảnh, hoặc có thể xuất khẩu thành thơ thành nhạc khi có ngẫu hứng, cho nên có những lúc họ nghe được bài thơ đầy ý nghĩa hoặc những bài hát nội dung thấm đậm ý nghĩa thì lại thưởng thức mà lơ đãng đến chuyện chung quanh...

        Có những bài hát để hát khi sinh hoạt vòng tròn[2], có những bài hát dùng để hát trong khi thờ phượng (thánh lễ, nghi thức phụng vụ), có những bài hát dành cho Đức Mẹ, có những bài hát theo mùa phụng vụ.v.v... đó là những quy định hợp lý của Giáo Hội để nâng tâm hồn người giáo hữu lên với Thiên Chúa khi họ tham dự thánh lễ hoặc các bí tích.

        Thời nay có những người có cái tâm thích động nên đem những bài hát không ăn nhằm gì đến phụng vụ vào hát trong thánh lễ, không phải để ca tụng Thiên Chúa nhưng là để khoe cái tài điều khiển ca đoàn của mình; thời nay có những người được cha sở cho đi học các lớp nhạc để về giúp giáo xứ của mình, nhưng khi học được mấy bài nhạc thì tự tung tự tác thích chọn những bài hát theo ý mình không hợp với phụng vụ để hát, cha sở góp ý cho thì lại nói cha sở quê mùa không biết nhạc phụng vụ mới !

        Nhà thi sĩ làm quan là Vạn Lý đã đắm mình trong bài hát lâm ly hay ho do các ca kỹ hát đến nỗi lầm tưởng là gọi tên mình. Cũng vậy, những bài hát trong phụng vụ thánh cần phải có tâm tinh siêu thoát để khi hát lên mọi người đều phải đắm mình trong hạnh phúc thiên đàng, ca ngợi và chúc tụng Chúa, thì đó là bài hát hay vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chức quan giám sát ở châu huyện.

[2] Trong tất cả các loại hình tập họp (vòng tròn, chử U, hàng dọc, hàng ngang, chữ V.v.v...) của Hướng Đạo, thì họp “vòng tròn” là loại hình dùng để hát hò sinh hoạt vui nhộn....

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


50      KIÊN CƯỜNG BẤT KHUẤT CỦA HÀN CẢO

Bộc xạ[1] Hàn Cảo càng lớn càng giống phụ thân, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ.

Từ đó về sau, Hàn Cảo vì sợ nhìn thấy hình bóng của mình mà nhớ đến tình cảm cha con, nên không soi gương, và tự cho mình là người “kiên cường bất khuất”.

Mùa đông nọ anh ta bị bệnh, thầy thuốc đắp thuốc cho anh ta, đắp liên tiếp nhiều lần mà cũng không dính, nên thuận miệng nói:

-      “Trời lạnh thật, thuốc cao vừa rời lửa thì liền cứng lại”.

Hàn Cảo nhạy cảm cách đặc biệt nên cười nói với thầy thuốc:

-      “Hàn Cảo tôi, thực tế là cứng ạ”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 50 :

        Thương cha nhớ mẹ khi các ngài đã qua đời là chuyện thường tình của con cái, nhưng vì sợ nhớ cha mà làm tổn thương đến sức khỏe mình rồi không dám soi gương thì quả là lập dị hết chỗ nói, lại còn “tự phong” cho mình là người kiên cường bất khuất thì thật là “siêu” lập dị...

Có những người Ki-tô hữu không đi đến nhà thờ vì sợ thấy cái chỗ của cha mẹ mình ngồi khi còn sống để đọc kinh dâng lễ thì đau lòng thương cảm, đây chỉ là lý do phụ mà thôi, bởi vì người Ki-tô hữu càng nhớ càng thương cha mẹ thì việc trước tiên là phải cầu nguyện cho các ngài, cần phải luôn đến nhà thờ dâng lễ cầu nguyện chứ không phải thấy cái ghế mà cha mẹ thường ngồi trong nhà thờ rồi khóc lóc mà bỏ về không đến nhà thờ; lại có những Ki-tô hữu khi cha mẹ còn sống thì không đoái hoài đến, nhưng khi cha mẹ đã thành người thiên cổ thì khóc lu bù lấy cái này của cha về làm kỷ niệm, lấy cái kia của mẹ về bỏ trong nhà mình để nhớ mẹ khi còn sống, mọi hành vi cử chỉ này đều giả dối vì có người lấy đồ của cha mẹ về thì vất lăn lóc trong xó nhà, có người lấy đồ kỷ niệm của cha mẹ đem đi bán kiếm tiền nhậu...

        Nhớ cha mẹ khi các ngài đã qua đời và thương tâm khi có ai đó nhắc đến cha mẹ mình, đó chưa phải là người con có hiếu, nhưng cầu nguyện cho cha mẹ, làm việc thiện và hy sinh để xin Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu sót của cha mẹ khi còn sống, đó mới chính là người con có hiếu và là bổn phận của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Trưởng quan của thượng thư tỉnh, chức vụ giống thừa tướng.