Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Chúa nhật 3 Phục Sinh

 


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH


Tin mừng : Lc 24, 13-35.
“Họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh”.

Bạn thân mến,
Nội dung của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đều biết rõ, và thường nghe nhắc nhở tới trong mùa phục sinh, đó là câu chuyện của hai môn đệ trên đường đi về làng Em-mau. Cả hai ông không nhận ra Đức Chúa Giê-su đang cùng đồng hành với mình, nhưng chỉ nhận ra Ngài khi Ngài lập lại một cử chỉ rất quen thuộc đó là bẻ bánh, rồi trao cho các ông ăn. Trong tâm tình “bẻ bánh” ấy, tôi xin chia sẻ tâm tình sau đây :

1. Bẻ bánh là dấu hiệu của bác ái
Cuộc sống của một con người có rất nhiều lần bẻ bánh, và những lần bẻ bánh ấy cũng có rất nhiều ý nghĩa :
- Bẻ bánh để ăn, là để nuôi mình,
- Bẻ bánh để phân phát cho mọi người, là để nhân rộng thêm tình bác ái.
- Bẻ bánh để chia sẻ với người nghèo khó, là để chia sẻ với Đức Chúa Giê-su khổ đau trên con người của họ.
Và cũng có lúc chúng ta bẻ bánh để quăng cho chó ăn hơn là cho người nghèo, đây là một hành vi bẻ bánh khinh thường Thiên Chúa và coi thường nhân phẩm của anh em chị em.
Bẻ bánh cần phải đi đôi với một tâm tình yêu mến và phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm với các môn đệ, Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng: rửa chân cho họ và ban Mình và Máu thánh của Ngài cho họ.

2. Bẻ bánh là dấu hiệu Hiệp Nhất
Có những người vừa bẻ bánh vừa chỉ trích nhau trên bàn ăn, họ coi việc ăn uống là dịp để cãi cọ nhau; có người vừa bẻ bánh vừa làm áp phe buôn bán, họ coi việc bẻ bánh (ăn uống) là cơ hội để phát tài; lại có người coi việc bẻ bánh là chuyện riêng tư, nên không thấy họ cùng đồng bàn với người khác, đối với họ sự hiệp nhất chỉ là chuyện lý thuyết viễn vông.
Chúng ta tham dự thánh lễ, tức là chúng ta cùng nhau tham dự việc “bẻ bánh” của Đức Chúa Giê-su, đó là dấu hiệu của tình thương hiệp nhất, mỗi lần chúng ta cùng nhau sắp hàng đi lên lãnh nhận tấm bánh đã được bẻ ra, nhưng nó vẫn nguyên vẹn tinh tuyền là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, là dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong mỗi một cộng đoàn của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Hai môn đệ đi về làng Em-mau đã không nhận ra được Thầy mình là Đức Chúa Giê-su đang đồng hành và trò chuyện với mình, dù cho Ngài giải thích rất cặn kẻ về việc Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ và phải chết rồi sống lại, nhưng hai môn đệ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh mà thôi.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tham dự thánh lễ, tức là tham dự vào việc “bẻ bánh” và ăn tấm bánh ấy, nhưng chúng ta có nhận ra Đức Chúa Giê-su đang thật sự ở với chúng ta không, lòng chúng ta có thật sự nóng lên khi nghe đọc và giải thích Lời Chúa không.

Câu hỏi gợi ý :
1. “Bẻ bánh” là tham dự tiệc Thánh Thể, bạn có nhận ra sự ích lợi cho phần hồn cũng như phần xác khi rước Đức Chúa Giê-su vào lòng không ?
2. Bạn có thấy mình giống hai môn đệ đi đường Em-mau: nhiệt tâm sau khi thấy Đức Chúa Giê-su bẻ bánh không ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


63.   ĐÁNH CHẾT MỘT NỬA

Một người nhà giàu nói với người nhà nghèo:

-         “Tôi cho ông một ngàn lượng bạc nếu ông để tôi đánh chết ông, được không ?”

Người nhà nghèo nói:

-      “Tôi chỉ xin ông năm trăm lượng mà thôi.”

Nhà giàu hỏi:

-      “Tại sao ?”

Trả lời:

-      “Xin ông đánh tôi chết một nửa mà thôi !”

                                                                (Tiếu phủ)

 

Suy tư 63:

        Có cơn bệnh làm cho liệt nửa người gọi là bán thân bất toại; có những cú đánh đập tàn nhẫn làm cho nửa sống nửa chết, tức là chết không được mà sống cũng không xong, người ta gọi đó là bán sống bán chết...

        Đức Chúa Giê-su cứu chuộc cả linh hồn của con người chứ không chỉ cứu chuộc có một nửa, ma quỷ cám dỗ cả linh hồn con người ta sa hỏa ngục, chứ không chỉ cám dỗ một nửa linh hồn sa hỏa ngục...

        Có một vài người Ki-tô hữu thường hay “xin” ma quỷ đánh họ chết một nửa khi họ sống “nửa nạc nửa mỡ” như sau:

-       Họ muốn đi dâng lễ ngày chúa nhật nhưng vẫn sắp xếp công việc trùng với giờ lễ ngày chúa nhật, cho nên họ có lý do để không đi lễ.

-       Họ sống y chang đạo lý của Chúa dạy, nhưng chẳng bao giờ đến nhà thờ dự thánh lễ hoặc là tham dự các bí tích, bởi vì họ nói rằng không đi lễ mà vẫn sống tốt hơn những người có đi lễ là “số dzách” rồi, những người này chỉ có xác mà không có hồn (xác chết thì thường được hóa trang mặt mũi cho khỏi dễ sợ), bởi vì hồn đã chết vì đói meo lương thực thần thiêng là Mình Máu Thánh của Chúa Giê-su.

        Sống mà không giúp ích cho tha nhân, sống mà không loan truyền Lời Chúa cho mọi người, sống mà không thực hành Lời Chúa tức là chết một nửa vậy, mà chết một nửa kiểu này thì sống cũng bằng thừa mà thôi.

Khốn nạn lắm thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


62.   BA KẺ MỘNG DU

Có ba người ngủ trên một cái giường.

Một người trong mộng cảm thấy cái chân của mình ngứa kỳ lạ bèn đưa tay gãi, nhưng lại gãi trúng chân của người khác, còn chân của mình thì ngứa vẫn cứ ngứa, thế là lại cào cấu mạnh hơn, cuối cùng thì làm cho chân của người nọ chảy máu.

        Người nọ trong mơ mơ màng màng rờ trên đùi thấy ướt ướt thì cho rằng người thứ ba đái dầm, bèn vội vàng đẩy người ấy ra bên.

Người thứ ba nửa tỉnh nửa mê đi ra ngoài tiểu tiện, nhà hàng xóm sát bên là một quán rượu, tiếng ép rượu nhỏ giọt giọt không dứt, anh ta cho rằng mình tiểu tiện chưa xong, bèn đứng đó cho tới khi trời sáng...

                                                                (Tiếu phủ)

 

Suy tư 62:

        Thế gian là một cái giường khổng lồ vĩ đại có rất nhiều người ngủ mê trên cái giường ấy.

        Có người ngủ mê trong danh vọng đến nổi quên cả tình cảm gia đình bè bạn; có người ngủ mê trong dục vọng xác thịt đến nổi quên mất mình là con cái của Thiên Chúa; có người ngủ mê trong tham lam tích trử bạc tiền đến nổi quên mất hạnh phúc thiên đàng mai sau; có người ngủ mê trong hận thù đến nổi quên mất Thiên Chúa là tình yêu rất yêu thương họ...

        Người Ki-tô hữu cũng ngủ trên cái giường khổng lồ vĩ đại là thế gian ấy nhưng họ không ngủ mê, bởi vì ánh sáng Lời Chúa luôn chiếu soi và thức tỉnh họ đứng lên và mạnh dạn bước ra khỏi cơn mê của thế gian, để hướng tới nơi mà Thiên Chúa đang chờ đợi họ, đó là vì tình yêu Chúa mà phục vụ tha nhân trong cuộc sống của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


61.   CẦN MỘT NGÀN TAY

Có một thợ hớt tóc nhưng tay nghề rất kém, mỗi lần hớt tóc thì đều hớt một mảng da đầu của khách, ông ta vội vã lấy ngón tay bịt vết thương lại.

Về sau, khách bị hớt mảng da càng ngày càng nhiều, mười ngón tay không đủ để bịt, ông ta bực mình bèn nghĩ:

-         “Hớt tóc khó thật, nếu mình có một ngàn cánh tay của bà Quan Âm thì tốt biết mấy nhỉ !”

                                                        (Tiếu phủ)

 

Suy tư 61:

        Có một ngàn tay mà không có đầu óc để chỉ huy ngàn tay ấy thì vô ích, chỉ có hai tay nhưng có một khối óc minh mẫn thì hơn có ngàn tay.

        Có những người Ki-tô hữu đọc thuộc làu làu kinh hôm kinh mai nhưng không biết những kinh ấy dạy những gì, bởi vì họ vẫn sống như những người không tin vào Chúa; có những người suốt ngày bận rộn vì tham gia khóa học này, tham dự hội đoàn nọ nhưng một chút tâm tình yêu mến tha nhân cũng không có, họ như người thợ hớt tóc ước muốn có ngàn tay để làm việc này việc nọ, nhưng cuộc sống chỉ có hai việc mà họ làm chưa xong đó là mến Chúa yêu người !

        Một khối óc và hai cánh tay là đủ rồi, cũng như chỉ cần có đức tin và lòng yêu mến thì cuộc sống của người Ki-tô hữu chắc chắn là mười phân vẹn mười, bởi vì đức tin dạy cho họ biết phải yêu mến như thế nào để làm sáng danh Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.

        Đừng ước mơ có ngàn tay để làm việc Chúa việc Mẹ, nhưng hãy cầu xin Chúa gia tăng sức mạnh của cánh tay đức tin và cánh tay yêu thương để biết yêu mến và phụng thờ Ngài qua tha nhân.

Đó chính là ước mơ đẹp và chính đáng nhất của người Ki-tô hữu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


60.   LANG BĂM DẠY CON

Lang băm chữa bệnh làm chết người, gia đình người chết lấy dây thừng trói ông ta lại và chuẩn bị đưa đến quan phủ.

Ban đêm, lang băm cởi dây thừng bơi qua sông trở về nhà.

Lúc này, đứa con trai còn đang đọc sách thuốc, lang băm vội vàng nói:

-         “Con à, sách thuốc thì từ từ mà xem, nhưng bơi lội thì phải học trước gấp.”

                                                                (Tiếu phủ)

 

Suy tư 60:

        Ở đời có nhân thì có quả, nhân trước quả sau.

        Nhưng lang băm thì quả trước nhân sau, tức là chưa học thuốc mà đã dạy con tập chạy trốn sau khi chữa bệnh, chẳng khác chi khuyến khích con đừng chăm chỉ học nghề thuốc mà nên học nghề chạy trước.

        Ở đời sinh nghề tử nghiệp và tổ trác là chuyện thường, bởi vì không ai “mười phân vẹn mười”, nhưng cái phải làm trước hết chính là cái nhân đẹp thì có quả đẹp, cái nhân xấu thì quả phải xấu, như lời của Đức Chúa Giê-su đã dạy: xem quả thì biết cây...

        Những bậc cha mẹ công giáo thì không dạy con theo kiểu quả nhân, nhưng là nhân quả :

-       Nếu nhân là hiền lành thì quả là bác ái.

-       Nếu nhân là khiêm tốn thì quả là thánh thiện.

-       Nếu nhân là yêu thương thì quả sẽ là hy sinh bao dung.

-       Nếu nhân là đoàn kết thì quả sẽ là hiệp nhất...

Nhân không ở đâu xa, nó ở ngay nơi con tim của chúng ta, và quả của nó thì ở ngay trong gia đình, trong cộng đoàn và trong xã hội mà chúng ta đang sống.

        Dạy con cái biết sống có nhân tốt có quả đẹp, thì cha mẹ đã giới thiệu cho con cái một kho tàng rất quý giá ở trên trời rồi vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


59.   HÀNG XÓM DỌN NHÀ

Có một người rất thích yên tĩnh, nhưng phía bên trái nhà của ông ta là nhà của người làm thợ đúc đồng, phía bên phải là tiệm thợ rèn, hai tiệm này ngày đêm gõ gõ đập đập, tạp âm vang lên làm phiền người khác.

Người ấy nói với mọi người:

-         “Nếu như hai tiệm ấy dọn nhà đi thì tôi sẽ bỏ tiền ra mời họ ăn cơm.”

Một hôm, hai ông chủ của hai cửa tiệm ấy đến nói với ông ta:

-      “Chúng tôi sắp dọn nhà đi rồi.”

Ông ấy rất là phấn khởi, lập tức mời hai người ăn một bữa cơm thịnh soạn.

Cơm nước xong, ông ta hỏi:

-      “Các ông dọn nhà đi đến đâu ?”

Chủ tiệm đúc đồng nói:

-      “Tôi dọn nhà qua bên thợ rèn.”

Thợ rèn nói:

-      “Tôi dọn nhà qua bên tiệm đúc đồng.”

                                                                        (Tiếu phủ)

 

Suy tư 59 :

        Ở đời có nhiều cái khổ, mà cái khổ nhất chính là ngày nào cũng nghe lui nghe tới những tiếng gõ gõ đập đập nhức óc điếc tai của nhà hàng xóm.

        Có người nghe quen rồi thì không còn thấy khó chịu nữa, bởi vì đã chấp nhận cái nghề nghiệp của người hàng xóm; có người nghe cũng đã lâu cái âm thanh ấy nhưng vẫn cứ khó chịu và oán trách, bởi vì họ không chấp nhận cái nghề nghiệp thực tại ấy của người hàng xóm.

        Chấp nhận mình cũng là một người có nhiều khuyết điểm như mọi người, thì trở nên người dễ tính và thân thiện hơn với mọi nghịch cảnh; cứ khăng khăng bắt ép người khác phải chiều theo ý của mình thì không nhìn thấy được cái khổ của tha nhân, và do đó mà trở nên người khó tính và kiểu cách.

        Không ai thích người kiểu cách dù người đó là ông cha, bà sơ hay cha mẹ của mình, nhưng ai cũng thích người dễ tính và thân thiện dù người đó là kẻ thù của mình và là người không thích mình.

        Đức Chúa Giê-su đã trở nên người thân thiện của hết mọi người vì Ngài không khó chịu khi cô gái đĩ điếm Ma-da-lê-na xức dầu và hôn chân Ngài, Ngài cũng không khó chịu khi bầy trẻ em bu quanh Ngài, Ngài cũng không khó chịu cau mặt khi bị người Pha-ri-siêu và các kinh sư chỉ trích.

        Chấp nhận và không chấp nhận là thước đo trình độ của tình yêu vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.   HUYÊNH HOANG ÁO MỚI

Có một người thích khoe khoang.

Một hôm anh ta mặc một cái áo mới và dẫn chú tiểu đồng đi ra khỏi nhà, chỉ e người khác không nhìn thấy cái áo mới của mình, nên anh ta nhún hai vai lên cao lắc tới lắc lui trên đường đi.

Qua một lúc lâu bèn hỏi tiểu đồng:

-         “Có người nào nhìn thấy cái áo đẹp của ta không ?”

Tiểu đồng trả lời:

-      “Không có ai thấy.”

Anh ta cảm thấy hai vai nhún cao đã hết sức rồi, bèn lập tức để hai vai lại bình thường và nói:

-         “Nếu không có người thấy thì để ta bỏ hai cái vai xuống nghỉ một chút đã.”                                                                                     (Tiếu phủ)

 

Suy tư 58:

        Không ai thích mặc áo quần mới cho bằng trẻ em và các cô gái.

        Trẻ em thích mặc áo quần mới vì tính đơn sơ hồn nhiên, các cô gái thích mặc áo quần mới là vì có tính làm đỏm làm dáng.

        Có những người Ki-tô hữu giặt áo quần ngay khi vấy chút bụi bặm, nhưng cái áo Rửa Tội thì để ngâm trong bùn đen tội lỗi mà không chịu đi giặt ngay, tức là không chịu sám hối và đi xưng tội.

        Có người một ngày thay áo mới hai ba bận, nhưng một năm cũng không thèm thay áo mới tâm hồn khi nó vướng đầy bụi bặm của tội lỗi.

        Có người bịt mũi xua tay khi thấy người ăn mày áo quần rách rưới ngồi bên vệ đường, nhưng  tâm hồn của mình thì quá thối tha nhơ bẩn bởi tội kiêu căng và dục vọng mà không chịu tẩy sạch...

        Ai cũng thích mặc áo quần mới nhưng không phải ai cũng thích đổi mới tâm hồn của mình; ai cũng muốn thay áo cũ nhưng ít có người thay đổi cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su dạy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)